CHỦ NHẬT XXXIV: Chúa Ki-tô Vua
Cập nhật lúc 08:01 17/11/2015
Ngày lễ Chúa Giêsu Vua, chúng ta hiểu thế nào về triều đại của Người? Phải chăng Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: ”Con không thể hiểu được”. Nước Thiên Chúa khác hẳn với những gì mà chúng ta tưởng tượng. Nước Thiên Chúa đến từ trên cao, chính là nước ẩn dấu và phục vụ chân lý.
Chúa Ki-tô Vua
CHỦ NHẬT XXXIV
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài Phúc Âm chủ nhật hôm nay, như là lời mời gọi chúng ta tham dự một phiên toà diễn ra tại nhà quan tổng trấn Roma là Philatô:
-Philatô: Đến lượt ai đây?
-Viên thư ký: Giê-su như đã báo trước.
-Philatô: Đúng vậy, chúng ta hãy xem hô sơ của ông ! Liệu ông có làm điều gì xấu không?
-Viên thư ký: Khó có thể nói được điều gì!
-Philato: Lý lịch pháp lý của ông Giê-su thế nào?
-Viên thư ký: Chúng ta chẳng có gì để mà kết tội ông.
-Philatô: Lời giảng dạy công khai của ông có gì ảnh hưởng đến chúng ta không?
-Viên thư ký: Không có gì lớn. Đúng ra là chỉ có một điểm nhỏ: Ông ta xưng mình là vua dân Dothái.
-Philatô: À! Thế ông là người phản loạn phải không?
-Viên thư ý: Trông ông ta không có nét gì là hung ác cả. Ông giảng đạo từ làng này sang làng khác. Ông nói về tình yêu hơn là nói về chiến tranh.
Philatô: Bàn tay ông có vấy máu không?
Viên thư ký: Không chút nào! Chỉ có một lần ông lấy dây thắt lưng làm roi đánh đuổi những người buôn bán trong đền thờ thôi!
-Philatô: Nếu thế, thì cho ông vào!
Philatô nghĩ rằng Chúa Giêsu không có dáng vẻ gì là người hung tợn và Philato không hỏi viên thứ ký nữa, nhưng ông trực tiếp hỏi Chúa:
-Vậy thì Ngài là vua dân Dothái ư?
Chúa Giêsu: Ai đã gợi ý cho Ngài về vấn đề đó?
Philatô: Ông đừng quên rằng tôi không phải là người Dothái. Kết tội ông không phải là vấn đề của tôi. Ông đến đây là do những bạn hữu nghĩa thiết và những người cùng tôn giáo với ông đã nộp ông cho tôi. Vậy thì tốt hơn hết là ông hãy tự bào chữa cho ông và trả lời những câu hỏi của tôi!
Chúa Giêsu: Tôi rất muốn trả lời cho ông, nhưng ông không thể hiểu được. Nước của tôi không thuộc về thế giới này và không có thể trông thấy được.
Philatô: Vậy nếu tôi hiểu rõ, thì ông là vua à ?…
Chúa Giêsu: Nước của tôi chỉ bao gồm những người tìm kiếm chân lý. Ông không thể hiểu được đâu!
Kính thưa…Ngày lễ Chúa Giêsu Vua, chúng ta hiểu thế nào về triều đại của Người? Phải chăng Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta: ”Con không thể hiểu được”. Nước Thiên Chúa khác hẳn với những gì mà chúng ta tưởng tượng. Nước Thiên Chúa đến từ trên cao, chính là nước ẩn dấu và phục vụ chân lý.
Triều đại Chúa Kitô không đến từ nguồn gốc gia đình trần thế của Người, mặc dù Người thuộc dòng dõi vua Davit. Tất cả các triều đại được nhận lãnh từ con người đều là triều đại tạm thời và ngắn ngủi. Triều đại Chúa Kitô đến từ Thiên Chúa, đến trực tiếp từ Đấng Tạo Hoá.
Chúa Kitô là Vua, vì Ngài là tột đỉnh của việc tạo dựng. Trước khi tách trái đất ra khỏi mặt trời để con người có thể sinh ra và sống ở đó, thì Thiên Chúa đã nghĩ trước hết và trên hết tới Chúa Kitô, một con người hoàn thiện, Con yêu quý sẽ làm người.
Người Con này phản ánh việc thực hiện công cuộc tạo dựng một cách hoàn hảo nhất. Vì thế Chúa Kitô là Vua vì Ngườii là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Tất cả sự viên mãn đều tồn tại trong Người.
Chúa Kitô là Vua vì nhờ máu Người, Người đã cứu nhân loại khỏi quyền lực của sự dữ. Tước hiệu vua mà Người đã đạt được ngay trên con đường Canvê, con đường này đã cho Ngườii quyền thống trị. Triều thiên gắn trên trên đầu Người cũng rất chắc chắn bằng những gai nhọn đâm vào. Triều thiên đó còn được trang hoàng bằng những hạt ngọc ru-bi máu.
Người là Vua nhân loại, vì Người là tiền đồn cho dân. Người là đầu của đoàn người, là Adam mới dẫn theo Người tất cả những ai muốn tìm về Đất Hứa.
-Tất cả các triều đại trần gian đều lo lắng về vẻ huy hoàng bên ngoài và phô trương. Cần phải có các biệt thự sang trọng, phòng tiếp khách đắt giá…Ngược lại, triều đại của Chúa Kitô không phù hoa, không hào nhoáng, không tiền bạc, và cũng không “hòn đá tựa đầu”. Chúa Kitô cũng không mang chiếc áo choàng đỏ Hồng Y, nhưng mang một chiếc áo choàng đỏ đầy máu.
-Tất cả các triều đại trần gian muốn mình nổi bật, thực hiện những công trình vĩ đại để lưu danh cho hậu thế. Ngược lại, triều đại Chúa Kitô chỉ để lại có một công trình duy nhất: một cây thập giá được dựng lên cho thế giới thấy.
-Tất cả các triều đại trần gian cần chứng tỏ mình để được biết đến. Sử dụng các phương tiện truyền thông để quảng cáo. Ngược lại, trều đại của Chúa Kitô thường kín đáo và bị quên lãng. Sau khi thực hiện một phép lạ. Chúa Kito thường trốn lên núi để tránh đám đông muốn tung hô Người làm vua
-Tất cả các triều đại nhân loại cần vũ khí, quân đội, cảnh sát. Ngược lại Chúa Kitô chỉ có 12 tông đồ nghèo nàn biết có một nghề đánh cá hộ tống Người.
-Tất cả các triều đại trần gian có khuynh hướng lạm dụng quyền hành để được phục vụ hoặc phục vụ bạn bè, người thân thuộc. Ngược lại, triều đại Chúa Kitô chẳng giữ lại cho mình điều gì và chỉ còn có các bạn bè Người phải uống chén cứu độ.
-Tất cả các triều đại trần gian bám vào quyền lực và muốn quyền lực đó càng ngày càng mạnh. Ngược lại, Chúa Kitô phó thác Giáo Hội của Người cho những người nghèo. Người yêu cầu Giáo Hội trước hết phải phục vụ và làm đầy tớ mọi người.
-Tất cả các triều đại trần gian không phải lúc nào cũng chấp nhận sự thật. Người đời thường nói: chính trị là nghệ thuật nói dối. Ngược lại Chúa Kitô, trước mặt Philatô, không hề tiết kiệm để nói lên sự thật: “Vâng, tôi là Vua, tôi sãn sàng chứng minh cho sự thật”. Tất cả những lời Chúa nói và cách sống của Người đều hoà quyện với nhau. Cách Người sống từ hang đá Be-lem đến thập giá Canvê là bằng chứng mạnh mẽ hơn là những bài giảng hay của Người.
Kính thưa cộng đoàn! Để kiểm tra lòng đạo đức của chúng ta tới mức nào, chúng ta có thể tự vấn: Chúng ta có tự hào vì ông vua của chúng ta không? Chúng ta có xấu hổ vì phải theo một người Thầy như thế không? Chức vị vương đế của mỗi người kitô chúng ta thế nào? Kiêu ngạo hay khiêm nhường, thống trị hay phục vụ, yêu thương hay là ghét ghen?
Gioan Đặng Văn Nghĩa