“Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5).
Bài 1: Khẩn Trương Dọn Đường Chúa Đến
Bước vào Chúa Nhật II Mùa Vọng, với hai viễn tượng mà chúng ta đang sống là tưởng niệm biến cố nhập thể làm người của Đức Giêsu, hiện thân của Lòng Thương Xót, sinh bởi Ðức Trinh Mữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót và chờ đợi Chúa trở lại trong vinh quang để “phán xét kẻ sống và kẻ chết”, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính. Phụng vụ Lời Chúa đề nghị chúng ta suy gẫm về Gioan Tẩy Giả, Vị Tiền Hô của Chúa Cứu Thế và nghe lời ông khẩn trương “dọn đường Chúa”(Lc 3,4).
Gioan Tẩy Giả
Gioan là người được Isaia nhắc đến trong lời sấm: “Có tiếng kêu trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng” (Lc 3, 4-5). Ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ, Gioan đã được gọi làm Tiền Hô cho Đấng Mêsia. Việc loan báo việc ông sinh ra đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên: Dacaria cha Gioan đã bị câm vì đã không tin lời của sứ thần Thiên Chúa. “Láng giếng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giuđa” (Lc 1,65).
Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mạng Tiền Hô của mình một cách thầm lặng. Trước hết, ông lui vào trong hoang địa, ăn châu chấu, uống mật ong rừng, mặc áo lông để chuyên tâm cầu nguyện, hãm mình và sám hối. Chúng ta biết, hoang địa tượng trưng cho sự từ bỏ hoàn toàn, là nơi con người không thấy gì khác ngoài sự yếu hèn, nhỏ bé, giới hạn, bất lực của mình trước sự cao cả của Đấng Tạo Hóa. Chính trong hoang địa mà Gioan Tẩy Giả nâng hồn lên tới Chúa và sống hiệp thông mật thiết với Ngài để kín múc lấy sức mạnh cho sứ mạng tương lai. Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Gioan Tẩy Giả mới công bố Phép Rửa sám hối để được tha tội. Ông là người mà Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến thời ông Gioan, thì có Luật và các ngôn sứ, còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và ai cũng dùng sức mạnh mà vào” (Lc 16,16).
Sống trong cảnh nghèo, Gioan Tẩy Giả muốn nói : “Chứng tá Kitô đích thực là hết sức cần thiết cho ngày hôm nay, vì con người thời nay tin các chứng nhân hơn là các thầy dạy” (Tông huấn Giáo hội tại Á Châu, 42). Bằng đời sống khắc khổ, Gioan giúp chúng ta hiểu rằng,chứng tá của đời sống Kitô đích thực là phó thác đời mình cho Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi người ta “hãy dọn đường Chúa”(Lc 3,4).
Dọn đường Chúa
Khi chiêm ngắm sứ vụ Tiền Hô của Gioan Tẩy Giả,sứ vụ mà ông phải hy sinh đến cả mạng sống. Nhận mình chỉ là một “tiếng kêu”(Lc 3,4) trong hoang địa để dọn đường cho Đấng Mêsia đến, Đấng mà ông “không xứng để cởi dép cho Người”(Lc 3,16). Toàn bộ cuộc sống và sứ mạng như ống nói là cho Đấng Mêsia : “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi”. Chúa Giêsu càng xuất hiện thì Gioan ngày càng tự nguyện biến đi. Dựa vào chỉ dẫn của ông, những môn đệ tốt nhất của Gioan đã đi theo Chúa Giêsu. Đó chính là sứ vụ, là cách sống và là con người của Gioan Tẩy Giả. Đó cũng là sứ vụ, cách sống và con người của chúng ta: “Tất cả cho Chúa!”
Bổn phận của chúng ta hôm nay là chỉ cho người khác biết Chúa Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Cha, Đấng giầu lòng thương xót và chuẩn bị giúp người khác tin theo Chúa. Đây là cốt yếu của việc tông đồ mà chúng ta phải thực hành trong cuộc sống: biểu lộ Chúa Giêsu cho bạn bè, cho người láng giềng. Điều quan trọng là Chúa Giêsu “khuôn mặt của lòng thương xót Chúa Cha” (Ep 2, 4) được nhận ra và đón rước, “một Thiên Chúa nhân từ và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6), đã không ngừng thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong suốt lịch sử, bản tính Thiên Chúa của Ngài (Tông thư “Misericordiæ Vultus – Khuôn Mặt Xót Thương, số 1).
Làm chứng cho lòng thương xót Chúa
Dịp Đại hội Giới Trẻ thế giới lần III ngày 27.3.1988. Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói : Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chỉ cho chúng ta Con của Mẹ: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5), có nghĩa là chúng ta hãy đón rước Chúa Giêsu, vâng lời Chúa Giêsu, tuân giữ các giới răn của Người và tin tưởng nơi Người. Người là phương án duy nhất của một cuộc sống thật sự thành công và hạnh phúc. Người cũng là nguồn mạch duy nhất về ý nghĩa cuộc đời của chúng ta.
Thực vậy, Trước Tin Mừng của một Vị Thiên Chúa vì yêu thương chúng ta đã tự hạ chính mình và mặc lấy thân phận con người, chúng ta không thể nào không mở rộng tâm hồn, ăn năn hối cải, càng không thể nào đóng kín mình trong sự kiêu ngạo và giả hình, làm cho chúng ta không thể nào tìm gặp Hoàng Tử Bình An. Hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi trở nên người loan báo Chúa Kitô bằng lời nói và đời sống chúng ta, làm chứng cho một Chúa Kitô tốt lành, khiêm nhường, nghèo khó và nhân từ; một Chúa Kitô đã đến trần gian vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên cậy thập giá; một Chúa Kitô nhập thể làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi; một Chúa Kitô đến để hầu hạ chứ không phải để được hầu hạ, một Chúa Kitô xót thương nhân loại cho đến chết.
Chúng ta còn được mời gọi san phẳng đường lối cho Chúa, nghĩa là dẹp tan lòng kiêu ngạo, chia rẽ, hận thù, bất hòa, giận dữ trong chúng ta; xóa bỏ ranh giới còn tồn tại trong não trạng của nhiều người; tinh luyện tâm hồn; chiến đấu cho công lý, hòa bình, bác ái, tình huynh đệ và liên đới; khước từ Satan, tội lỗi và tất cả những gì đưa chúng ta đến tội lỗi; là sống thánh thiện nơi thân xác và tâm hồn (1 Cr 7,34).
Ngày 8 tháng 12 sắp tới, lễ Ðức Maria Vô Nhiễm, toàn thể Giáo hội bước vào Năm Lòng Thương Xót. Chúng ta hãy xin với Đức Maria, Nữ Vương Lòng Thương Xót, Ðấng đầy ơn phúc, Mẹ của Ðấng Cứu Thế được gìn giữ khỏi mắc tội, và được đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết thương xót như Chúa Cha và dẫn dắt chúng ta bước vào Năm Thánh và nhất là trở nên khí của của Lòng Thương Xót Chúa nữa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Bài 2: Hướng về Chúa Kitô
Đọc bài Phúc âm hôm nay, chúng ta thấy có sự chênh lệch quá lớn về địa vị các nhân vật:
- Bên cạnh hàng loạt những tên tuổi lừng danh vua chúa quan quyền và chức sắc như: Tiberio Hoàng đế, Phi-la-tô toàn quyền xứ Giuđêa, Hê-ro-đê làm thủ hiến xứ Ga-li-lê-a…, An-na và Cai-pha làm thượng tế,
- Thì có Gioan Tẩy giả một bộ mặt mờ nhạt. Ông “chỉ là tiếng kêu trên rừng”. Nhưng cho tới nay trên hai ngàn năm, Gioan này lại luôn được nhiều người mừng lễ và bắt chước. Nhiều nhà thờ mọc lên dâng kính Ngài, còn các nhân vật tên tuổi trên nếu có được nêu lên chỉ là để cho nhiều người chê bai.
Đúng thế, lịch sử đích thực không thuộc về con người. Nhà văn Victor Hugo đã nói trong một vần thơ nổi tiếng: “tương lai không thuộc về bất cứ ai, tương lai là thuộc về Chúa”. Bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu những hoạt động của Gioan Tẩy giả cũng là để chứng tỏ rằng Thiên Chúa đã đi vào lịch sử qua Con của Người. Người cho lịch sử một ý nghĩa và một hướng đi. Người làm cho Con của Người làm Chúa của lịch sử, mà tất cả các con tim phải hướng về.
Thời gian là một dòng sông có Chúa Kitô là cội nguồn. Thời gian không phải là một sự bắt đầu lại liên tục, một bánh xe quay hết vòng này sang vòng khác. Thời gian cũng không phải là tấm thảm đang cuộn vào rồi lại trải ra.
Đối với người Kitô, thời gian xuất hiện như là một dòng sông duy nhất, một dòng sông có một cội nguồn là Ngôi Lời Thiên Chúa, là Đức Kitô. Dòng sông thời gian ấy như là tia nước nhỏ từ ngàn năm, một dòng sông ý thức về tầm quan trọng của mình khi Chúa Kitô đã đi vào lịch sử nhân loại và làm ảnh hưởng dòng chảy của nó. Sau cùng, thời gian có thể so sánh như một dòng sông đã được định hướng đổ vào Đại Duơng Tình Yêu, hướng về Đức Kitô là cuối cùng của lịch sử.
Chúa Kitô là Alpha, có nghĩa là đầu của lịch sử. Người là Omega, điểm cuối của lịch sử. Người là nguyên lý và mục đích của vũ trụ. Khi Chúa Giêsu đến trần gian, thế giới trở thành một vũ trụ có tổ chức, một thế giới có định hướng và một thế giới được dựng xây hướng về Người, điểm cuối cùng của thời gian.
Vậy chúng ta có chấp nhận để cho dòng sông thời gan mang chúng ta bằng những cơn sóng của ơn thánh hướng về Đấng Cứu Độ hôm qua, hôm nay và cho đến muôn đời không?
Cuộc đời chúng ta cũng là một lịch sử thánh. :
- Trên phía thượng lưu dòng sông cuộc đời chúng ta, có một ai đó đã yêu mến chúng ta trước khi chúng ta biết Người: Chúa Kitô.
- Về phía hạ lưu dòng sông cuộc đời chúng ta, có một ai đó đang đợi chờ để đội vương miện chiến thắng cho chúng ta: Chúa Kitô.
- Giữa hai cực điểm của thượng lưu và hạ lưu dòng sông, có ai đó cùng đồng hành với chúng ta và nâng đỡ chúng ta bằng các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thễ : Chúa Kitô.
Vâng, Người ở khắp nơi: bên cạnh, trước và sau chúng ta. Tất cả cuộc đời chúng ta được ngụp lặn trong sự hiện diện kỳ diệu của Người. Từ khi Người đi vào lịch sử nhân loại cũng như lịch sử mỗi người, chẳng có một giây phút nào trong cuộc đời chúng ta là phàm tục.
Tuy nhiên, đời sống kitô hữu không phải là một con sông dài phẳng lặng. Thật đáng tiếc, chúng ta rất dễ quên địa chỉ định hướng của mình, rất dễ quay trở về và thụt lùi vào quá khứ hoặc nhấn chìm đời sống thiêng liêng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. …Vì thế:
Chúng ta cần phải thống hối. Và nay Giáo Hội, như vị Tiền Hô kêu lên trong hoang địa: “ Vậy anh em hãy tỉnh thức và hãy trở về”.
Anh em hãy trở về. Đây là thời gian của Mùa vọng, đây là Noel, đây là thời gian giao hoà, đây là thời gian tha thứ. Cần phải nhìn nhận mình là tội nhân. Chúng ta hãy bắt chước Giáo Hội là người mẹ đầu tiên nhìn nhận lỗi lầm mình đã làm hoen ố lịch sử qua bao thế kỷ.
Hãy dọn đường Chúa đi.
Hạ núi đồi xuống. Núi đồi ích kỷ và kiêu ngạo của chúng ta lúc nào cũng cho mình là công chính.
Hãy lấp đầy thung lũng của sự thù hằn chia rẽ hoặc phân biệt người này với người khác, bằng cách bắc những cây cầu cạn lên trên những mối thù oán hoặc những tham vọng báo thù để bắt chước Chúa tha thứ cho kẻ thù.
Hãy nắn lại những nẻo đường quanh co.
- Quanh co về đời sống đức tin: thích tranh cãi về mầu nhiệm Đức Đồng Trinh của Đức Me, về sự hiện diện đích thực của Chúa nơi bí tích Thánh Thể, và về sự sống lại…
- Quanh co về đời sống luân lý: thay vì nhiều khi chúng ta cho rằng luân lý Giáo Hội duy trì không phù hợp với thực trạng thế giới hôm nay, thì chúng ta phải cố gắng hiểu rằng tất cả những khẳng định về đức tin và luân lý của Giáo Hội là những chọn lựa thực tế, không phải là cứng nhắc, nhưng là cái nhìn toàn diện nhằm vào phẩm giá và những hướng đi của những người con Thiên Chúa.
Vì thế, mùa vọng là mùa thúc đẩy người kitô đừng bao giờ đánh mất mục đích cuối cùng của đời mình, mục đích làm cho sự tồn tại của nhân loại trên trần gian này có ý nghĩa và giá trị!.
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Bài 3: Sự Hiểu Biết Của Con Tim
Trong lời nguyện nhập lễ của Chúa nhật 2 Mùa Vọng, ta thấy có một câu rất tâm đắc: “ Lạy Chúa xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, để hăm hở đi đón mừng Con Chúa hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh.” Và những bài đọc khác đều nói về ngày Chúa nhật này như là Chúa nhật của niềm vui với sự xuất hiện của Gioan Tẩy giả, đến để mở đường cho “ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Đức tin là một vấn đề hiểu biết, nhất là vào thời chúng ta, khi bạo lực thì khốc liệt và con người vui hưởng lạc thú. Đây là sự hiểu biết của trái tim, giúp chúng ta đánh giá đời sống của thế gian này với cái nhìn khôn ngoan, với ngọn lửa yêu thương và sự hy vọng. Đối với những người buồn rầu trên thế giới này, lời cầu nguyện Giáng sinh đem niềm vui đến vừa tầm tay họ. Với điều kiện là phải hạ bớt vài ngọn núi kiêu căng và lấp đầy vài hố thẳm nghi kỵ và phải hiểu bằng con tim những vấn đề liên quan đến cách sống Giáng sinh dưới ánh sáng Phúc Âm.
Hiểu biết bằng trái tim cho ta đến gần ý định của Chúa Cha khi phái Con của Người đến nói với chúng ta rằng: dù chúng ta có bị lưu đầy nơi đâu, thì Thiên Chúa vẫn chuẩn bị cho chúng ta ngày trở về, dù cho ta có ngủ say thế nào thì Người cũng lo đánh thức ta dậy (Đ/C Gerard Defois).
Thánh Phaolô tuyên bố với các tín hữu Philipphê yêu quí của ngài rằng: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng... Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức Giêsu Kitô. Trong Phúc Âm Ông Gioan Tẩy giả đã loan báo tin vui rằng: “ Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, đường lồi lõm sẽ được san cho phẳng; rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”.
Trong một thế giới có nhiều tin tức xấu hằng ngày, khi được nghe những lời gợi ý về niềm vui, về lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn. Chúng ta hãy cố gắng đổi mới tri giác về Tin Mừng tuyệt vời, là việc Đức Giêsu đến ở giữa chúng ta. Vì nếu Mùa Vọng là thời gian chờ đợi sự hiện diện của Đức Giêsu còn đang đến, thì Mùa Vọng trước hết cũng tuyên bố rằng: Đức Giêsu ngay từ bây giờ đang ở với chúng ta.
Quả thật chúng ta thường khó nhận ra sự hiện diện của Người. Nhưng điều đáng làm là dùng thời giờ để khám phá sự hiện diện này, vì thường bị che giấu bởi chúng ta không nghĩ phải đi tìm. Trong cuộc đời của chúng ta, tất nhiên có những “thung lũng” và “ những lối đi khúc khuỷu”. Nhưng cũng có bao cố gắng để tạo nên những quan hệ đón tiếp và tình bạn.
Mùa vọng không chỉ có ý nói là Thiên Chúa sắp đến, nhưng là bản thể của Người, toàn bản thể của Người sắp đến. Thiên Chúa đến để hiện hữu: đây là hoạt động chủ yếu nhất và thông thường nhất của Người. Nếu Thiên Chúa đã đến trước, thì sẽ không có Mùa vọng, và như vậy sẽ không có niềm vui (Francois Cassingena-Trevedy)
Cuối cùng chúng ta lắng nghe thánh Bênađô: Thưa anh em, anh em nên sốt sắng cử hành cuộc giáng lâm của Chúa, vì sự động viên tinh thần của Người làm chúng ta vui sướng, vì đặc ân của Người làm chúng ta xúc động mạnh, và vì tình yêu của Người đốt nóng chúng ta biết bao!
Tuy nhiên, đừng nghĩ tới chỉ riêng cuộc giáng lâm khi “Con Người đến để tìm và cứu cái gì đã hư mất” (Mt 18,11), nhưng còn nghĩ tới cuộc giáng lâm khác, nơi Người sẽ đến để đưa chúng ta về với Người.
Ước gì anh em không ngừng suy đi nghĩ lại hai cuộc giáng lâm này trong giờ suy niệm, nghiền ngẫm trong lòng tất cả những gì Chúa đã hứa trong cuộc giáng lâm lần thứ hai.
Vâng! ước gì anh em được nghỉ ngơi giữa các phần di sản, nghĩa là giữa hai cuộc giáng lâm. Đó là hai cánh tay của vị Hôn phu, nơi vị Hôn thê dựa vào để nghỉ ngơi (Thánh Bênađô)
Pr. Nguyễn Mai