Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm về Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa

Cập nhật lúc 22:30 08/01/2016
Đức Giêsu chịu phép rửa xong và đang khi Người cầu nguyện thì trời mở ra
Suy Niệm I
“Trời mở ra”

 
Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa hôm nay kết thúc Mùa Giáng Sinh và bắt đầu Mùa Thường Niên. Tuần trước chúng ta mừng lễ Hiển Linh, có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra cho các nhà đạo sĩ Phương Đông. Tuần này qua phép rửa, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy căn tính và sứ mệnh của Người. Chúa Giêsu đến trần gian để tái lập tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. “Trời mở ra” và Chúa Cha làm cho chúng ta nghe thấy tiếng nói của Người. Đó là một thời kỳ mới của lịch sử nhân loại.
Khi tạo dựng vũ trụ, Thánh Thần Chúa ngự xuống và thiết lập một thời kỳ mới, cuộc tạo dựng mới. Nhưng trong Cựu Ước, các tiên tri đã liên tục khẳng định rằng: vì tội lỗi của Dân Chúa, trời đóng lại và tương quan với Thiên Chúa bị cắt đứt. Vì thế, nhờ phép rửa của Chúa Giêsu, “Trời lại mở ra”.
Chúa Cha trên trời khẳng định tương quan trực tiếp với Chúa Giêsu và mạc khải cho nhân loại biết Chúa Giêsu là Con Yêu Dấu của Người khi Chúa Giêsu tràn ngập Thánh Thần Tình Yêu. Thánh Thần Tình Yêu loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa yêu nhân loại và ban Con Một Người cứu chuộc chúng ta.
Ngày lễ hôm nay nhắc lại Phép Rửa của mỗi người chúng ta. Chúng ta cũng là con yêu dấu của Chúa Cha, vì Chúa Con trở nên người Anh Cả của toàn thể nhân loại. Chúa Thánh Thần tràn ngập tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta trở nên đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị…
Tại dòng sông Gio-đan, không những Chúa Giêsu lập lại tương quan với Thiên Chúa, mà còn có một cử chỉ bình đẳng sâu xa với mỗi người chúng ta. Người cũng xếp hàng với đoàn người tội lỗi muốn hối cải và trở về. Người chia sẻ thân phận làm người với chúng ta: cùng vui mừng và cùng chịu đau khổ với chúng ta.
Ngược lại với các nhà lãnh đạo quyền lực tại trần gian này, Đấng Mêsia “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Tiên tri Isaia nói rõ: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi”.
Như vậy chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa dịu hiền biết bao. Người cùng ngồi bàn ăn với người tội lỗi, chia sẻ vui buồn và khổ cực với chúng ta.
Nước Rửa Tội của chúng ta phong phú hơn nhiều so với nước mà chúng ta quen tắm rửa hằng ngày. Nước Rửa Tội cho chúng ta một cuộc sống mới, cuộc sống dồi dào: “Và trên các ngươi, Ta sẽ rảy nước trong sạch. Và các ngươi sẽ được trong sạch. Ta sẽ làm cho các ngươi sạch mọi vết nhơ và mọi thứ dơ dáy của các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi một tấm lòng mới. Bên trong các ngươi, Ta sẽ ban xuống một Thần Khí mới. Ta sẽ cất tấm lòng đá khỏi thịt mình các ngươi. Ta sẽ ban cho các ngươi tấm lòng thịt”.
Phép Rửa là khởi đầu của cuộc xuất hành mới, một chặng đường mới của đời sống. Chúng ta phải có trách nhiệm về Phép Rửa của mình, như lời Thánh Phaolô đã nói: “Đừng giập tắt Thần Khí”.
Phép Rửa là một lời mời gọi chúng ta theo Chúa Kitô. Thời kỳ Giáo Hội sơ khai, tất cả những ai muốn được Rửa Tội thì phải đăng ký trước và trải qua một thời kỳ chuẩn bị là 3 năm. Trong thời kỳ này các dự tòng phải chứng tỏ được mình có đời sống cầu nguyện và việc làm tốt. Họ phải tuyên xưng công khai trước mặt mọi người là có khả năng trở thành Kitô hữu.
Vì thế, Thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy canh tân Phép Rửa của mình. Hãy ý thức được vị thế làm con Thiên Chúa. Nếu ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta, thì chúng ta càng phải sống tốt hơn. Sống đúng với CHÂN LÝ tuyệt diệu này, giúp chúng ta sát nhập vào Thiên Chúa hơn.
Hãy cám ơn Chúa vì Phép Rửa của chúng ta bằng cách tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và hãy xua tan mọi lo sợ khỏi cuộc sống, để công bố cho mọi người biết rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô hạn.
Tình yêu vô hạn đó được thể hiện qua việc Chúa Giêsu muốn trở nên một người trong chúng ta. Người muốn chấp nhận thân phận như một tội nhân, vì Người nối kết với đoàn người chạy đến với Gioan Tẩy Giả để lãnh nhận phép rửa xin ơn tha thứ…
Chúng ta có thể xin Chúa Giêsu cho chúng ta cũng biết đặt mình vào hàng những tội nhân. Nếu chúng ta học đời sống các thánh là những người đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy các ngài nhận mình là tội nhân và chúng ta biết được đời sống đạo đức của các ngài.
Chúng ta còn phải có trách nhiệm vì tội lỗi của thế giới hôm nay. Chắc chắn rằng nếu những người tốt sống tốt hơn, thì những người xấu sẽ xấu ít hơn. Đó cũng là một trong một trong những mục đích của Năm Tân Phúc Âm hóa đời sồng xã hội.
Ôi Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời, Chúa đã khiêm nhường đến với Gioan để chịu phép rửa.
Tất cả những vô ơn của chúng con, tội lỗi chúng con, Chúa đều mang lấy, vì Chúa là Đấng Cứu Độ thế giới. Chúa đem ngọn lửa bừng cháy đến trái đất. Chúa đã rửa tội chúng con bằng ngọn lửa bừng cháy đó là Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần Đấng An Ủi ở trong chúng con, ánh sáng trung thành không bao giờ bỏ rơi chúng con.
Ôi Giêsu Kitô, chúng con sẽ là gì nếu không có Chúa. Với tình yêu vô hạn, Chúa đã cho chúng con tất cả trong Phép Rửa bằng máu Chúa đã đổ ra trên thập giá. Amen!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

*********
Suy Niệm II
“Này là Con Ta yêu dấu”
 
Có thể chúng ta nghĩ rằng lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là không cần thiết, không có lợi và không phù hợp: vì Chúa không vô tội và là Đấng khởi xướng Bí tích Rửa Tội.
Tuy nhiên ngày lễ này lại là ngày căn bản và trọng đại của lịch sử tôn giáo. Ngày đó Thiên Chúa cho trỗi dậy trên mặt đất này những hữu thể sống động và dần dần dẫn đưa nhân loại đến một ơn gọi siêu việt, đó là: trở nên con Thiên Chúa. Phép rửa của Chúa Giêsu chính là ngày mà Cựu Ước khép lại với khuôn mặt vĩ đại của Gioan Tẩy Giả và Tân Ước bắt đầu mở ra với Con Đấng Tối Cao chính thức đi vào hoạt động công khai.
Hôm nay Chúa Giêsu rời Nagiarét để làm một cuộc hành trình dài về phía sông Gio-đan. Ngài đi gặp một người mà tên tuổi ông đã nổi tiếng khắp nơi, đó là Gioan Tẩy Giả có họ hàng với Ngài. Ông này rao giảng sự thống hối và làm phép rửa cho tất cả những ai cảm thấy cần thiết phải thanh tẩy. Như vậy Chúa Giêsu và Gioan gặp nhau!
Chúa Giêsu nhìn Gioan và chào toàn thể Cựu Ước trong Gioan. Gioan muốn làm vang lên toàn bộ lời mời gọi của các tiên tri đi trước. Cũng như họ và còn mạnh hơn họ, Gioan mạnh mẽ thức tỉnh lương tâm mọi người: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối.”
Chúa Giêsu cũng nhìn toàn bộ đám đông đang theo Ngài từ khắp nơi vì họ đang đợi Ngài. Họ đại diện cho toàn thể dân Cựu Ước khát vọng Đấng Mêsia. Chúa Giêsu chào 18 thế kỷ chờ đợi Ngài qua những con người này. Họ cũng là một đám đông những tội nhân cần được thanh tẩy.
Lúc này, Chúa Giêsu không nói với Gioan: “Này anh Gioan, Phép Rửa của anh đến lúc này là chấm hết, Phép Rửa của anh chỉ được sử dụng rửa bên ngoài mà không đụng đến con tim”! Không, Ngài không nói như vậy!
Ngược lại Ngài còn yêu cầu Gioan làm phép rửa cho Ngài. Gioan từ chối: “Không, chính tôi cần được Ngài Rửa”. Bằng một cử chỉ khiêm nhường, đơn sơ và biết ơn, Chúa Giêsu bước xuống dòng sông Gio-đan. Đó là cử chỉ biết ơn về giá trị việc làm của vị tiền hô và cũng là một cử chỉ biểu tượng. Ngài dìm mình xuống dòng sông cùng với các tội nhân và chính Ngài thanh tẩy toàn bộ nước mà người Kitô chúng ta sử dụng khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội nhờ việc toàn bộ thân xác thần linh của Ngài chạm xuống nước.
Rồi Ngài nhìn Gioan và chào toàn thể Cựu Ước được hoàn thành trong Gioan. Gioan nhìn Chúa Giêsu và khám phá ra Tân Ước được mở ra cho thế giới. Bỗng chốc trời mở ra, Thánh Thần Chúa như chim bồ câu đỗ trên đầu Ngài và có tiếng từ trời phán: “Con Ta ơi, hôm nay Cha đã sinh ra con”.
Gioan ngỡ ngàng và cũng chẳng hiểu cảnh tượng này có ý nghĩa gì? Trời mở ra là thế nào? Dù ông quá biết về Kinh Thánh nhưng cũng không hiểu cảnh tượng này. Có lẽ lúc này ông mới nhớ lời tiên tri Isaia khấn xin tha thiết cùng Giavê Thiên Chúa: “Từ lâu rồi chúng tôi là những kẻ không còn được Ngài cai trị, không còn được cầu khẩn danh Ngài. Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống”.
Đúng vậy, ngay từ khi ông bà nguyên tổ phạm tội, thì cửa trời đóng lại. Hôm nay Trời lại mở ra nhờ Chúa Giêsu, lưu thông giữa trời và đất được thiết lập lại. từ trời mở ra ấy, có tiếng nói phán ra. Đối với Gioan, chắc chắn đây là tiếng nói đến từ Thiên Chúa. Nhưng tiếng nói ấy là của một Thiên Chúa nói rằng Giêsu là Con rất yêu dấu của Ta. Đó là một Thiên Chúa là Cha. Lúc này trong tâm trí của Gioan có gì đó mờ mờ ảo ảo: Tiếng nói là của Thiên Chúa, bồ câu biểu thị Thánh Thần Chúa, Chúa Giêsu được công bố là Con Thiên Chúa: ba khía cạnh của Thiên Chúa xuất hiện cùng một lúc. Điều này thật khó hiểu đối với một tín hữu Dothái giáo, họ chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Ngay các tông đồ lúc này cũng không hiểu nổi. Mãi về sau, sau khi Chúa Thánh Thần hiện xuống các ông mới cảm nhận được. Đúng thế, Thiên Chúa duy nhất, nhưng trong một tương quan sâu xa tình yêu giữa Ba Ngôi Vị.
Ngày hôm nay nhân loại được mặc khải về một Thiên Chúa đích thực. Tân Ước được mở ra từ mặc khải quan trọng và căn bản nhất: Thiên Chúa là gia đình. Thiên Chúa là đại dương tình yêu giữa Ba Ngôi. Gioan biết thế nhưng không cảm nhận hết được. Chính vì thế mà vai trò của ông tới đây là chấm hết. Ông rút lui!
Về phía chúng ta, chúng ta có quan niệm về một Thiên Chúa thế nào? Có lẽ nhiều người vẫn quan niệm về một Thiên Chúa quyền năng, nghiêm khắc và thưởng phạt. Chúng ta hãy luôn nhớ và phải đi sâu vào trong tương quan với một Thiên Chúa không phải chỉ có Tình Yêu, nhưng còn hơn thế, Người là Tình Yêu .
Chúng ta có tin đủ vào Tình Yêu Thiên Chúa chưa? Chúng ta có tin rằng Người tha thứ tất cả những lỗi lầm của chúng ta không?
Ngày hôm nay, Thiên Chúa cũng nói với chúng ta như nói với Chúa Giêsu: “Con là con yêu dấu của Ta”. Ngày sinh ra, chúng ta đi từ cái không có, tiến vào cuộc sống nhân loại. Ngày chịu Phép Rửa Tội, là ngày sinh ra lần thứ hai, chúng ta tiến bước từ cuộc sống nhân loại tới cuộc sống thần linh, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đáng tiếc thay!  Nhiều người Kitô hữu chúng ta hôm nay đã không sống đúng với chức vị làm con Thiên Chúa và tệ hơn nữa là còn xấu hổ mình là con Thiên Chúa. Nhiều anh chị khi được tha ngăn trở hôn phối khác đạo thề hứa là sẽ cho con cái được lãnh nhận Phép Rửa và giáo dục theo đức tin Kitô giáo, nhưng rồi lại không!
Thánh lễ hôm nay Giáo Hội mời gọi tất  cả chúng ta, những người đã được chịu Phép Rửa Tội phải thi hành nhiệm vụ cao cả là tỏ ra cho thế giới biết chương trình yêu thương của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại, để một ngày nào đó nhân loại sẽ cảm nghiệm được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng!
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
*********
Suy Niệm III
Chúa chịu phép rửa, ta hãy xin ơn sống xứng đáng là con cái Chúa
 (Lc 3, 15-16. 21-22)
 
Tiếp theo lễ Chúa Hiển Linh, kết thúc Mùa Giáng sinh, Giáo Hội cử hành lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa. Lễ này được mừng sớm nhất, chỉ sau lễ Phục sinh, vì nó bao hàm lời rao giảng của các Tông Đồ, là điểm khởi hành cho tất cả những việc mà các Tông Đồ phải làm chứng cho (x. Cv 1, 21-22; 10, 37-41). Bởi thế, vào những thời kỳ đầu các Giáo phụ đã đặc biệt quan tâm, vì tính cổ thời quan trọng của nó. Thứ đến, đây là lần đầu tiên, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải một cách đầy đủ và rõ ràng. Lý do nữa là phép rửa của Chúa Giêsu nơi sông Gio-đan loan báo trước cho phép rửa bằng Máu của Chúa trên Thập Giá, tượng trưng cho tất cả hoạt động có tính cách bí tích của Ðấng Cứu Thế. Để cứu rỗi nhân loại, dù vô tội, Chúa Giêsu đã đặt mình vào hàng ngũ các tội nhân, mang trên mình tội lỗi của thế nhân. Hành động khiêm nhường và tự hủy này được Chúa Cha chứng giám: " Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" (Lc 3, 22). Cùng với Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu đậu xuống trên Người, để chỉ cho chúng ta tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh mà chúng ta sẽ thấy diễn ra tương tự nơi biến cố Chúa Biến Hình.
Chúa Giêsu là Đấng vô tội sao lại đến xin Gioan làm phép rửa?
Thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien cho biết : "Có thể là Chúa muốn thánh hoá kẻ sắp làm phép rửa cho Chúa, nhưng chắc chắn để chôn vùi trọn vẹn con người Ađam cũ trong dòng nước. Thật vậy, trước khi thanh tẩy ta và để thanh tẩy ta, Chúa thánh hoá sông Gio-đan ; vì Người vừa là thần khí vừa là xác phàm, nên Người cũng muốn nhờ Thần Khí và nước để đưa chúng ta vào đạo". Nên dù Gioan làm phép rửa, ông cũng chỉ là đèn đối với Mặt Trời, tiếng nói với Lời, phù rể đối với Chàng Rể, người cao trọng nhất trong số những người sinh bởi đàn bà với Trưởng Tử mọi loài thọ sinh, người nhảy mừng trong dạ mẹ với Đấng được thờ lạy ngay khi còn trong lòng mẹ, người tiền hô hiện tại và tương lai với Đấng vừa xuất hiện và sẽ xuất hiện. Quả thật, Gioan biết rằng mình sẽ được thanh tẩy bằng cuộc tử đạo. (Trích bài giảng của thánh Ghêgôriô, giám mục Nadien). Thánh Phêrô Kim Ngôn giải thích rằng, khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu thì : "Tôi tớ đóng vai chủ, con người đóng vai Thiên Chúa, ông Gioan đóng vai Đức Kitô ; ông đóng vai đó để lãnh ơn thứ tha chứ không phải để ban phát". Nên Gioan giảng: " Phần tôi, tôi đã rửa anh em trong nước, nhưng Đấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!" (Lc 3, 16). Đây là phép lạ vĩ đại đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Thế chịu phép rửa ; phép lạ này là khúc dạo đầu cho những gì sẽ xảy ra. Đây không phải là Thiên Đàng khi xưa đóng lại vì tội của Ađam nay mở ra, mà chính trời mở ra: "Chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu  " (Lc 3,21).
Tại sao khi Chúa Giêsu chịu phép rửa xong, trời lại mở ra?
Chúa Giêsu vừa chịu phép rửa xong, trời mở ra là Chúa Giêsu nâng thế gian lên cao với Người. Vì khi Ađam phạm tội, ông bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cửa trời đóng lại và bị lưỡi gươm lửa cấm đoán, không cho mình mà cũng không cho con cháu vào. Nay nhờ Chúa Giêsu mà cửa trời được mở ra.
Trời mở ra, còn mạc khải cho Gioan Tẩy Giả và những người Do Thái biết Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Theo thánh Gioan Kim Khẩu, điều này muốn dạy chúng ta rằng, một sự tương tự vô hình cũng xảy ra khi chúng ta chịu Phép Rửa Tội: Chúa Thánh Thần cũng ngự vào tâm hồn của chúng ta. Ngài không ngự đến một cách hữu hình, bởi vì chúng ta không cần: đức tin hiện nay là đủ... Thiên Chúa mở cửa trời để kêu gọi chúng ta hướng về trời, vì quê hương chúng ta là quê trời, và mách bảo chúng ta rằng, chúng ta không có gì ở dưới đất.
Tại sao Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu?
Thưa : Chim bồ câu rất dịu dàng và trong sạch, và Chúa Thánh Thần là Thần Khí dịu êm và an bình . Chim bồ câu cũng nhắc cho chúng ta nhớ lại trận hồng thủy trong Cựu Ước nhấn chìm trái đất và toàn thể loài người trong nguy cơ hư mất, chim bồ câu ngậm cành ô liu xuất hiện để báo đại hồng thủy đã chấm dứt, tin vui hòa bình cho toàn thế giới. Giờ đây, tất cả những điều này cũng tiên báo về tương lai. Khi tất cả đã hư mất, nay được giải thoát và đổi mới, điều gì đã xảy ra khi nước lũ đến ngày hôm nay như là một lũ lụt của ân sủng và lòng thương xót Chúa... Chim bồ câu, thay vì ngậm một cành ô liu báo cho Nô-ê là người duy nhất bước ra khỏi tầu để đặt chân lên mặt đất.  Nay Chim bồ câu báo tin trận hồng thuỷ tràn ngập thế gian đã lui đi, thế gian không còn chìm ngập trong cảnh trầm luân muôn đời nữa, phẩm giá ơn gọi làm con Thiên Chúa của chúng ta được phục hồi, và lôi kéo hết thảy mọi người lên Thiên Đàng.
Lời ngôn sứ nói : "Tiếng Chúa vang rền trên nước… Tiếng Chúa uy linh tung sấm sét" (Tv 28). Tiếng nào vậy ? "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người" (Is 42, 1).  Đây là tiếng từ trời vọng xuống để làm chứng cho Đấng từ trời mà đến. Tiếng đó bày tỏ lòng tôn trọng thân xác dưới hình chim bồ câu, vì thân xác đã được thần hoá, khi Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong thân xác :"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha"(Lc 3, 22).
Vậy, phép rửa của Chúa Giêsu và phép rửa của chúng ta có liên kết chặt chẽ với nhau, trong mối liên hệ ấy với Thiên Chúa, chúng ta được tái sinh và trở nên con cái Thiên Chúa. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta được sống xứng đáng là con cái Chúa. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
*********
Suy Niệm IV
TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA ĐỂ LOAN BÁO TIN MỪNG CỨU ĐỘ
 (Is 42, 1-4. 6-7; Cv 10, 34-38; Lc 3, 15-16. 21-22)
 
Người ta có kể một câu chuyện đầy cảm động rằng: có một linh mục nọ, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục của một Giáo phận truyền giáo với số giáo dân vỏn vẹn có vài ngàn người. Toàn Giáo phận duy chỉ còn một linh mục già trên dưới 100 tuổi và một nữ tu cũng gần đất xa trời. Giáo lý viên thì không có; các hội đoàn đã tan rã; nhà thờ không còn đáng là bao, hoặc có còn thì cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng có lẽ giống như nhà hoang thì đúng hơn, vì không có người chăm nom! Giáo dân gần như không được tham dự Thánh lễ vì lý do không có linh mục. Cuộc sống cứ thế trôi đi, khiến số tín hữu thưa thớt này cũng không còn tha thiết với việc đi lễ, nhà thờ hay kinh hạt nữa...!
Đón nhận Giáo phận trong tình trạng xuống cấp trầm trọng như thế, vị Giám mục này đã bắt tay vào việc:
Ưu tiên của ngài trước tiên là đào tạo nhân sự, thiết lập các hội đoàn, khơi gợi lại tinh thần sống đạo. Tuy nhiên, điều mà ngài phải làm ngay, đó là: chính ngài phải kinh qua tất cả những những vai trò như: làm ca trưởng, giáo lý viên, ông từ kéo chuông, mở cửa nhà thờ và cất kinh, làm các chú lễ sinh dọn lễ, người phu quét dọn nhà thờ... 
Khi nghe thấy tin mong manh ở đâu có người Công giáo, dù xa xôi hàng trăm kilômét, ngài cũng lặn lội tới thăm cho bằng được, để an ủi, động viên, khích lệ và khơi gợi lên trong họ ngọn lửa của niềm tin...
Chính vì lối sống của ngài như vậy, mà chẳng mấy chốc, giáo dân đến nhà thờ đông lên, đời sống đạo có phần khởi sắc, chương trình giáo lý được gây dựng lại, các hội đoàn được tái lập, nhiều nhà thờ mới mọc lên, có các bạn trẻ xin đi tu... tại vì họ thấy: “Ông này chơi được, vì ông ý giống Đức Giêsu”. Đây là lối nói thể hiện lòng kính trọng, quý mến của người dân địa phương nơi đây.
Nhiều người đặt vấn đề: liệu có cần phải làm như thế trong tư cách là một giám mục không? Câu trả lời là không! Nhưng vì lòng mến Chúa, yêu quý các linh hồn và tha thiết với sứ vụ, nhất là ngài đã lựa chọn con đường tự hủy, khiêm hạ, liên đới và cảm thông với con chiên của mình, nên vì họ, mà ngài đành mất tất cả, chỉ cần được mối lợi tuyệt vời là Đức Kitô và miễn sao Ngài được rao giảng (x. Pl 1,18) 
Đời sống của vị giám mục trong câu chuyện trên đã phản ánh phần nào đời sống của Đức Giêsu, nhất là làm sống lại tinh thần của biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Gio-đan khi xưa.
1. Ý nghĩa của việc Đức Giêsu chịu phép rửa
Thánh sử Luca trình thuật: để đánh dấu đời sống công khai thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu đã đến xin ông Gioan Tẩy giả làm phép rửa tại sông Giorđan.
Trước tiên, Ngài xin Gioan làm phép rửa cho mình không phải là Ngài có tội như mọi phàm nhân, nhưng Ngài đến xin Gioan làm phép rửa là nhằm thánh hóa dòng nước để thanh tẩy trong Bí tích Rửa Tội mà Ngài sẽ thiết lập sau này.
Thứ đến, sự kiện này cho thấy: Đức Giêsu tiếp nối giữa Giao ước cũ và Giao ước mới; tiếp nối giữa lời rao giảng của vị tiên tri cuối cùng với lời loan báo của chính Ngài để thiết lập một triều đại mới, triều đại của những người được cứu chuộc bằng chính giá máu của Đấng thiết lập nên mình.
Mặt khác, Đức Giêsu hòa mình trong đoàn người đó để nêu gương khiêm hạ cho mọi người. Vì thế, việc Ngài chịu phép rửa, không phải cho Ngài, mà là cho chúng ta, vì chúng ta. Hình ảnh Ngài sáp nhập cùng dòng người đến xin Gioan ban phép rửa cho thấy: từ nay, Đức Giêsu đứng về phía người tội lỗi không phải để cổ võ họ phạm tội, mà là tìm cách đưa họ ra khỏi con đường tội lỗi, tiến đi trên con đường thánh thiện, công chính để được cứu chuộc.
Hơn nữa, hành vi của việc lãnh nhận phép rửa nơi Đức Giêsu loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Ngài: dìm mình xuống nước là biểu hiệu cái chết, trồi lên khỏi nước là loan báo sự sống lại.
Cuối cùng, Thiên Chúa mặc khải cho ta biết một cuộc phong vương của Thiên Chúa Cha cho con Chí Ái của mình, để Ngài ra đi thiết lập một vương quốc mới với thần dân là những người thuộc về Vị Vua hiền lành, khiêm nhường, yêu thương và tha thứ...
2. Sống sứ điệp Lời Chúa
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta cách nhưng không, đó là hồng ân của Bí tích Rửa Tội.
Qua Bí tích này, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, được thanh tẩy mọi tội lỗi, từ tội nguyên tổ cho đến những tội riêng của chính mình. Do đó, chúng ta được dìm mình vào trong một khuôn đúc mới, để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh của Đức Kitô phục sinh. Kể từ đó, chúng ta được gọi là Kitô hữu, trở nên “một tạo vật mới” (2Cr 5,17), nghĩa tử của Thiên Chúa (x. Gl 4,5-7), được thông phần vào sự sống thần linh (x. 2Pr 1,4), trở nên người thừa kế của Đức Kitô (x. Rm 8,17) và được gọi là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. 1Cr 6,19).
Qua đó, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cách sống động khi sẵn sàng khước từ những điều không phù hợp với giá trị Tin Mừng như thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em hãy mặc lấy Đức Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”(Rm 13,14). Mặc lấy Đức Kitô là từ bỏ ý riêng, sống tinh thần tự hủy, chết đi cho tội lỗi, để trở nên chính Ngài: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Vì thế: “Những người tin theo Đức Kitô được mệnh danh là Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô, nên họ đã và phải có một tâm tình như Đức Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ hình khổ. Họ không sợ bách hại. Bởi vì họ đã đi cùng một đường với Chúa” (Tertullianô).
Như vậy, mỗi người Kitô hữu chúng ta khi đã được gia nhập Giáo Hội, trở thành đoàn dân của những người tin Chúa, chúng ta có trách nhiệm phản ánh chân thực bản chất của người Công Giáo là yêu thương, không lấy oán báo ơn; không thù hằn ghen ghét, không phân biệt giai cấp, không coi rẻ người nghèo, không khinh khi người có tội... sống công bằng không tham lam, bóc lột, hối lộ, nêu cao gương bác ái, liên đới, sẻ chia, và nhất là sống và làm chứng cho sự thật, bởi vì chúng ta thuộc về nước của Sự Thật.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết mặc lấy sự khiêm nhường, liên đới của Chúa, để chúng con sống xứng đáng là con của Cha trên trời, và là anh chị em với nhau nhờ được liên kết với Chúa là đầu của Giáo Hội. Amen.

 
Jos. Vinc. Ngọc Biển

*********
Suy Niệm V
ĐÂY LÀ CON TA RẤT YÊU DẤU
 
Lời thánh Phêrô Chrisôlôgô giúp chúng ta suy niệm về ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa: Ngày hôm nay, Đức Kitô Đấng sẽ xóa bỏ tội trần gian, đã bước vào dòng nước Giodan.” Chính Gioan đã chứng nhận rằng Ngài đã đến vì điều ấy: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.” Ngày hôm nay, người tôi tớ đã hơn cả chủ mình; con người thuộc về Thiên Chúa; Gioan thuộc về Đức Kitô; ông chiếm thế thượng phong để nhận sự tha thứ chứ không phải để tha thứ. Ngày hôm nay, vị ngôn sứ đã nói: “Tiếng Chúa vang rền trên sóng nước.”
Tiếng ấy nói gì ? – Đây là con Ta yêu dấu, nơi Người , Ta đặt trọn cả tình yêu.
Ngày hôm nay, Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước dưới hình chim bồ câu. Như chim bồ câu báo tin cho ông Nô-ê cơn đại hồng thủy đã rút; khi thấy chim bồ câu này, người ta cũng biết nạn lụt không thể tránh khỏi của trái đất đã dừng lại. Chim bồ câu được nói trong Tin Mừng hôm nay không mang về một cành ô liu như chim bồ câu xưa, nhưng đổ tràn tình yêu trên đầu vị thủ lãnh của chúng ta hầu làm trọn lời ngôn sứ : “Thiên Chúa của ngươi đã thánh hiến ngươi bằng dầu hoan hỉ, ưu tuyển trên tất cả các bạn hữu ngươi.”
Thánh Irênê thành Lyon cũng khẳng định : “Chính Ngài là con Thiên Chúa.”
Thần khí Chúa ngự trên tôi; Ngài đã xức dầu cho tôi; đó chính là Thần Khí mà Chúa đã nói: “ Không phải anh em nói, mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em.” Cũng thế khi ban cho các môn đệ quyền tái sinh con người trong Chúa, Ngài nói : hãy đi giảng dạy muôn dân làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Thần Khí này cũng chính là Thần Khí mà Thiên Chúa đã hứa qua miệng các ngôn sứ xưa.
Trong cuộc đời công khai, Đức Giêsu thường nói về Cha bằng cách tỏ cho biết Người được Cha sai đến, để thi hành ý muốn của Cha và thực hiện công trình Cha đã ủy thác. Người xác định rằng Chúa Cha luôn hiện diện và hoạt động trong cuộc đời Người. Nhưng Cha thì không nói gì cả, trong sự thinh lặng này, chúng ta có thể nhận ra một sự khiêm tốn thẳm sâu, sự khiêm tốn của tình yêu hệ tại việc đặt người khác lên trên mình : Chúa Cha làm cho Chúa Con được loài người nghe và nhìn thấy. Tuy nhiên chính Chúa Cha mới là tác giả đầu tiên của mạc khải Tin Mừng và hành động cứu độ. Tiếng nói vang lên lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa chứng tỏ vai trò trọng yếu này và cho thấy ý nghĩa sâu xa nhất về sự hiện diện của Đức Kitô giữa nhân loại: Chúa Cha giới thiệu Chúa Con cho loài người. Chúa Cha muốn chia sẻ với con người sự quyến luyến Ngài có với Chúa Con. Chính điều ấy đã làm cho Đức Giêsu nói: “ Không ai có thể đến được với Ta nếu Cha Đấng đã sai Ta không lôi kéo họ ( P.Jean Galot )
Có dòng sông nào hạnh phúc hơn dòng sông Gio-đan xưa được Con Thiên Chúa làm người đến thánh hóa và rửa sạch tội lỗi chúng ta.
Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép Rửa đã kết thúc Mùa Giáng Sinh. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa về mầu nhiệm vĩ đại vốn là nguồn gốc của sự tái sinh cho Giáo Hội và cho toàn thế giới. Thiên Chúa tự làm cho mình nên con của loài người, để loài người trở nên con của Thiên Chúa.
Chúng ta đã trở nên con của Thiên Chúa nhờ phép rửa bằng Nước và Máu Thánh của Con Chúa, chúng ta đã sống thế nào để xứng đáng với ơn nghĩa ấy?
Pr. Nguyễn Mai
 
Nhiều tác giả
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log