Thứ sáu, 10/01/2025

Các Bài Suy Niệm TIn Mừng Chúa Nhật IV MV - C

Cập nhật lúc 21:31 19/12/2015
"Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc" ( Lc 1, 42)

Suy Niệm I 
“Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ”
 
Chỉ vài ngày nữa thôi, Noel lại đến! Trái tim chúng ta đang tràn ngập bầu khí của ngày Đại Lễ. Thực tế là vậy! Phụng vụ Chủ Nhật hôm nay tràn ngập niềm vui sắp đến: “Lạy Đức Nữ Đồng Trinh xin hãy hát lên và hãy mừng vui”!
Tất nhiên các bài đọc Phụng vụ đều mừng vui, nhưng không phải là hướng chúng ta nghĩ đến những hang đá xinh đẹp hoặc chương trình dạ hội mừng Noel. Trước hết, Giáo Hội như một gia đình mừng vui chờ đợi một biến cố: Thiên Chúa đến viếng thăm. Tuy nhiên, Giáo Hội đặc biệt mừng vui đọc lại bài Tin Mừng về cuộc viếng thăm của Đức Mẹ tại gia đình Giacaria. Đây là một mầu nhiệm mừng vui nhất của Đức Maria, vì Mẹ đã vội vã lên đường vượt qua 150 km đường bộ đồi núi để đến Ain Karim thăm chị họ Elisabeth. Mẹ đến để chia sẻ niềm vui chung: Mẹ và chị họ Mẹ đều sắp được làm mẹ. Mẹ rất cần thiết đến giúp đỡ chị họ một tay, vì người chị họ Elisabeth này không còn trẻ trung gì!
Cùng với niềm vui của Gioan Tẩy giả nhảy mừng trong lòng mẹ và niềm vui của Elisabeth: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”, Giáo Hội cũng mừng vui cùng với Đức Maria hát bài Ngợi khen Thiên Chúa (Magnifcat).
Đức Maria mang Chúa Kitô. Mẹ đến viếng thăm chị họ. Mẹ mang Chúa Kitô, mang Đấng cứu chuộc! Mẹ vội vã! Vội vã không phải chỉ là để đem đến một sự giúp đỡ rất cần thiết cho một người phụ nữ có tuổi đang mang thai, nhưng còn là để đem đến cho chị họ người Con Yêu Dấu của Mẹ, mà Mẹ hiện nay là một nhà tạm sống động cho người con ấy. Elisabeth ý thức được món quà trọng đại này, vì được Chúa Thánh Thần linh hứng và nói lên niềm vui ngỡ ngàng của mình: “Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.
Chúng ta hiểu thế nào về niềm vui ngỡ ngàng này, các vai trò bị đảo lộn, đó là kẻ bề dưới được tôn kính, là Chúa Kitô phôi thai được Đức Mẹ mang đến để gặp Vị Tiền Hô.
Như vậy, chúng ta nhận ra ơn gọi đặc biệt của Đức Maria: mang Chúa Kitô và đem Chúa Kitô đến cho thế giới. Chúng ta sùng kính Đức Maria vì Mẹ có vinh dự này, Mẹ mang Chuá Kitô và còn mang sự sống cho Đấng là Sự Sống. Người công giáo chúng ta rất sùng kính Đức Maria, nhưng đừng quên rằng Đức Maria chỉ có một nguyện ước: đem Chúa Kitô đến cho thế giới.
Chúng ta cũng hãy nghĩ đến biết bao phụ nữ trên thế giới mà ơn gọi của họ cũng giống ơn gọi của Mẹ Maria là mang:
- Đó là những phụ nữ mang những đứa con trong lòng và trên cánh tay hoặc trên lưng theo kiểu dân tộc thiểu số, nhưng họ còn phải mang những sô nước và những chiếc gùi nặng trên lưng lo kiếm tìm cuộc sống cho họ và cho con cái họ.
- Đó là những phụ nữ phải mang đứa con tật nguyền, biểu tượng của Chúa Kitô chịu đau khổ.
- Đó là các chị em giáo lý viên mang Chúa Kitô đến cho những đứa trẻ còn biết quá ít về Chúa Kitô tại gia đính của chúng.
- Đó là những phụ nữ quảng đại mang tình yêu của họ (vì tình yêu chính là Thiên Chúa) đến với tất cả những người đau khổ trong thôn xóm và khu phố của ho.
- Nhưng nhất là chúng ta hãy nghĩ đến tất cả những ai khi Rước lễ, biết nên giống Đức Maria yên lặng tôn kính thành thật Chúa Giêsu đang ở với mình.
Đức Maria chịu thử thách về đức tin. Dù Đức Maria được chúc phúc giữa các người phụ nữ, nhưng mối phúc đầu tiên của Mẹ vẫn là “phúc cho những ai không thấy mà tin”. Thực sự công trạng lớn nhất của Đức Mẹ là chu toàn thánh ý Thiên Chúa hơn là việc đem Chúa cho thế giới. Thiên Chúa không trải chiếc thảm đỏ trước mặt Đức Maria. Đức Maria đã phải trải qua nhiều thử thách về đức tin. Thử thách đức tin bắt đầu ngay khi sứ thần truyền tin:
- Không dễ dàng gì mà Mẹ nhận ra ngay cuộc viếng thăm của sứ thần Gabriel như là một sứ điệp đích thực của Thiên Chúa.
- Không dễ dàng gì một người con gái khiêm nhường của Nazaret khi được nghe nói mình đầy ơn phúc trước mặt Thiên Chúa, lại có thể tin ngay được.
- Không dễ dàng gì khi Mẹ muốn giữ mình đồng trinh mà lại thụ thai con trai bởi phép Chúa Thánh Thần.
- Không dễ dàng gì Mẹ nhận ra rằng Con mẹ sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao, cai trị ngai toà Đavit.
Tuy nhiên mẹ đã tin, Mẹ đã dâng hiến cho Thiên Chúa một sự phó thác tuyệt đối. Ngay cả khi đang mang thai và gần đến ngày ở cữ, Mẹ sẵn sàng lên đường cùng với bạn mình về Belem để làm sổ hộ tịch hộ khẩu.
- Phúc cho tất cả những ai trong suốt cuộc đời còn lại tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa.
- Phúc cho Elisabeth, vì chính bà cũng đã tin rằng Chúa sẽ ban cho bà một người con trai trong lúc tuổi già và son sẻ.
- Phúc cho những ai tin thật Chúa Giêsu trong trái tim họ mỗi khi Rước lễ.
- Phúc cho những ai khi đọc kinh Tin kính biết khẳng định chắc chắn niềm tin của mình.
- Phúc cho những ai tin rằng trẻ thơ nơi hang đá lại là chính Thiên Chúa và là Chúa Kitô sống lại đang ở với mình.
- Phúc cho những ai tin rằng mình sẽ nhận được ơn thánh của Noel sắp tới và cả Noel Thiên Chúa đến lần thứ hai vào ngày cánh chung.
Nếu bà Elisabeth khen Đức Mẹ: Em được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và nếu Đức Mẹ đã thực hiện được lời tiên tri ấy: muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, thì là do chính Đức Mẹ đã hoàn toàn lặng lẽ đi vào sự tự huỷ trong chương trình của Thiên Chúa. Phó thác vào Thiên Chúa, Đức Mẹ hiểu được hành trình từ hang đá sẽ dẫn Ngài đến chân thập giá. Chính sự chu toàn hành trình đó cách xuất sắc giúp Đức Mẹ được ở trên cõi Vĩnh Hằng và tiếp tục ban Con của Mẹ cho thế giới.
Lạy Mẹ Maria, Noel sắp đến rồi! Chúng con hát khen Mẹ: “Lạy Nữ Đồng Trinh được chúc phúc giữa các người phụ nữ. Mẹ được chọn giữa các người mẹ. Mẹ hãy ban cho chúng con, Con của Mẹ đi… Nhanh lên! Mẹ nhé!”
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Suy Niệm II
Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng Lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện!
 
Tin mừng theo thánh Luca hôm nay giới thiệu Chúa Giêsu như là khách hành hương vĩ đại, theo những nẻo đường của Palestina và con đường hướng về Giêrusalem. Hai lần trước khi sinh ra, chúng ta gặp thấy Chúa Giêsu ở trên đường:
- Khi Đức Mẹ thăm viếng chị họ là bà Elisabeth như bài Tin mừng hôm nay kể lại.
- Khi Thánh Giuse và Đức Mẹ lên Giêrusalem làm sổ nhân danh ở Giêrusalem và sinh Chúa Giêsu tại Belem.
Trong suốt 2 cuộc hành trình này, Chúa Giêsu ở trong cung lòng Mẹ. Sau này, khi giảng đạo công khai, Chúa Giêsu tự giới thiệu Người là Đường: “Thầy là Đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha, mà không qua Thầy”.
Với bài Tin mừng hôm nay, Thánh Luca không đơn giản chỉ lưu ý đến việc di chuyển nơi chốn của Mẹ Maria và Chúa Giê-su, mà còn chú trọng đến một lời dẫn giải thần học. Con đường là nơi mặc khải và là sứ mệnh của Thiên Chúa. Lời Chúa từ trời đến Nagiaret. Và hôm nay từ Nagiaret đến Giêrusalem, báo trước sau này Chúa Giêsu sẽ lên thành thánh Giêrusalem để chịu chết chuộc tội thiên hạ. Và trong sách Tông Đồ công vụ, Lời Chúa khởi đi từ Giêrusalem trải rộng khắp miền Samaria ngoại giáo và lan tỏa tận cùng trái đất.
Đức Maria đi bộ một chặng đường dài 150 km! Mẹ hướng tới Ain Karem, thuộc vùng ngoại ô phía Tây Giêrusalem, cách trung tâm thành phố Giêrusalem 6km. Giêrusalem là một thành phố núi, vào thời vua Davit, người ta chuyển Hòm Bia giao ước về đó. Mẹ đã trải qua một cuộc hành trình từ Galilêa qua những núi đồi của Samaria rồi mới đến được Giudea có thành phố Giêrusalem ở đó. Trong kinh Cầu Đức Mẹ, có câu : “Đức Mẹ như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Khi Đức Mẹ  đến gia đình Giacaria, Gioan Tẩy giả nhảy mừng trong lòng bà Elisabet và bà Elisabet cũng rất đỗi vui mừng, giống như Davit đã nhảy mừng trước Hòm Bia Giao ước. Đức Maria là Hòm Bia Giao ước đích thực, biểu tượng sự hiện diện của Thiên Chúa giữa Dân Người. Đức Maria xuất hiện nơi đây đảm bảo chắc chắn cho dân tộc Israel là Thiên Chúa hiện diện và chiến thắng sự dữ. Mẹ mở đầu kỷ nguyên Thiên Sai, kỷ nguyên sự dữ bị loại trừ.
Đức Maria là một cô gái trẻ ít được biết đến thuộc xứ Galilêa. Người dân Galilêa tốt, nhưng theo quan niệm của các luật sỹ và biệt phái, thì dân này không xứng đáng đón nhận mạc khải của Thiên Chúa, vì họ nghèo.
Tư tưởng của Thiên Chúa khác tư tưởng của chúng ta: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn”.
Cũng chính vì vậy mà Thiên Chúa đã chọn Belem để sinh ra ở đó trong hang bò lừa và những trẻ mục đồng nghèo lại là người đầu tiên viếng thăm Chúa và nhận ra Chúa. Thánh Phaolô khẳng định: “Những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh”.
Điều có giá trị trước mặt Thiên Chúa, chính là khả năng nền tảng của Đức Maria, Mẹ hoàn toàn vâng nghe giống Chúa Giê-su: “Tôi đây, là nữ tỳ của Thiên Chúa. Xin Chúa thực hiện nơi tôi lời sứ thần của Chúa”. Chúa Giêsu nói: “Lạy Cha, này con xin đến để thực thi ý Cha”.
Mặc dù Tin Mừng ít nói về Mẹ Maria, nhưng chúng ta thấy khả năng sẵn sàng đáp trả của mẹ Maria là rất cao:
- Từ đầu cho đến cuối, từ Nagiaret tới ngày lễ Ngũ Tuần,
- Vượt qua nghi ngờ của Thánh Giuse, cảnh nghèo tại Belem, lời tiên tri Simeon, trốn sang Aicap, lạc mất con trong đền thờ, đứng dưới chân thập giá, đồng hành với các môn đệ trong nhà tiệc ly chờ đợi Chúa Thánh Thần.
Đức tin của Đức Maria được triển nở qua năm tháng. Mẹ làm cho đức tin đó lớn lên qua các biến cố cứu độ: “Mẹ giữ gìn và suy ngắm những điều đó trong tim”. Điều đáng khâm phục nhất nơi Đức Maria, không phải là thụ thai mà vẫn còn đồng trinh, cũng không phải được làm Mẹ Thiên Chúa. Chị họ Đức Mẹ là bà Isave hiểu rất rõ điều căn bản cao cả của Đức Mẹ khi chúc tụng Đức Mẹ: “Phúc cho em  là người đã tin rằng Lời Chúa phán cùng em sẽ được thực hiện”. Tiếng xin vâng của Mẹ Maria thể theo lời đề nghị của Thiên Thần (Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền) làm cho Đấng thiên hạ muôn đời đợi trông được sinh ra trong Mẹ. Đầy Chúa Thánh Thần, Mẹ hiểu rằng Mẹ phải đến giúp đỡ chị họ mẹ cũng mang thai một con trai trong lúc tuổi già..
Noi gương mẹ, nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta TIN, đem Chúa Kitô và Lời của Người cho thế giới. Chúa Kitô đã đến cho mọi người. Nhưng Người muốn chúng ta là những đôi chân, đôi tay, tiếng nói của Người đến với họ. Ngay từ thời Đức Mẹ và các tông đồ, tất cả những người đã được Chúa Kitô mặc khải và chịu phép Thánh Tẩy luôn luôn phấn khởi đi đến anh chi em mình để loan báo tin mừng. Khi Chúa Kitô đến với một ai đó, Người luôn muốn cho người đó đi xa hơn và gặp gỡ nhiều người khác hơn.
Chúng ta có cảm thấy bổn phận truyền giáo này của chúng ta, là những người đã lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy không? Có lẽ chúng ta không thiết tha với bổn phận truyền giáo, là vì: Nhìn vào cuộc sống chúng ta, chúng ta thiếu Đức Tin ít cảm thấy hứng thú vì mình được gần Thiên Chúa và có Chúa. Nhìn vào khả năng và cách phục vụ của chúng ta, người ta khó nhận ra tình yêu của Chúa Kitô.
Đức Maria đã tin vào tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Tình yêu này thúc đẩy Chúa Kitô đến ở giữa chúng ta, và trở nên một người trong chúng ta.
Phúc cho bà là người đã tin. Đó là mối phúc đầu tiên mà bà Isave công bố. Đó cũng là mối phúc cuối cùng sau khi sống lại, Chúa Kito đã công bố: “Phúc cho ai không thấy mà tin”! Sự hiện diện của Đức Maria luôn là nguồn niềm vui vì Mẹ đem Chúa Thánh Thần đến cho chúng ta. Đón nhận Đức Mẹ vào trong cuộc sống, chắc chắn chúng ta cũng đón nhận được Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần ngư trong tâm hồn Đức Mẹ và làm cho Ngôi Lời Thiên Chúa mặc xác phàm trong Đức Mẹ. Mẹ Maria, với danh xưng đặc biệt này, Mẹ là người con gái được Chúa Cha yêu quý đặc biệt. Mẹ đích thực là Mẹ của Con Thiên Chúa và là Mẹ Thiên Chúa.
Ôi Maria, Mẹ được chúc phúc giữa  các người phụ nữ vì mẹ không hướng về mẹ nhưng để cho Thánh Ý Thiên Chúa thực hiện trong Mẹ: Ngôi Lời làm người trong thân xác Mẹ.
Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Chúa. Ôi, con không có khả năng hy sinh và cũng không có khả năng tự hủy như Mẹ Maria, nhưng Chúa biết ước muốn của trái tim con và con tin rằng Chúa có thể làm tất cả trong con nhờ Thần Khí của Chúa.
Xin Chúa đến làm người trong xác thịt chúng con để chúng con có thể hiến dâng Chúa cho thế giới và nói với thế giới rằng Chúa đến để cứu chuộc họ, ban cho họ sự sống đích thực, thiết lập thế giới trong bình an của Nước Chúa đến muôn đời. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Suy Niệm III
MỞ RỘNG TÂM HỒN ĐÓN CHÚA GIÁNG SINH
(Lc 1, 39-45)
 
Sau khi đã ngưng nghỉ nhìn lại chặng đường đã qua với niềm vui vì những gì đã đạt được, nay lễ Giáng sinh đã gần kề, tâm hồn chúng ta rạo rực hẳn lên, thôi thúc chúng ta phải làm hết sức những gì có thể để hưởng trọn vẹn niềm vui ngày Con Chúa ra đời.
Lời của ngôn sứ Mikhalôi kéo chúng ta hướng nhìn về Belem, châu thành bé nhỏ của nước Giuđê, chứng tá của một biến cố vĩ đại : “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Đấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời” (Mk 5,1). Một ngàn năm trước Chúa Kitô giáng sinh, Bêlem đã là sinh quán của Ðavít đại vương, mà Kinh Thánh trình bày như là tổ tiên của đấng Mêsia. Tin Mừng thánh Luca thuật lại rằng, Chúa Giêsu đã sinh ra tại Bêlem bởi vì ông Giuse, chồng của bà Maria, “thuộc dòng dõi Ðavít” phải trở về nơi ấy để kiểm tra dân số, và chính vào lúc đó Maria đã hạ sinh Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,1-7).
Hôm nay thánh Luca tiếp tục giới thiệu cho chúng ta hai nhân vật là Đức Maria và người chị họ là Isave như hai mẫu gương tiêu biểu cho người thủ đắc niềm vui vì có Chúa, đồng thời mời gọi chúng ta cần phải có thái độ nội tâm xứng đáng giống hai bà với đức tin năng động, để chiêm ngắm sự kiện nhập thể và giáng sinh của Con Một Chúa.
Isave, với sự khiêm tốn chân thành, “được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi?” (Lc 1,41-43). Nhờ tin mà Isave được Chúa Thánh Thần mách bảo cho biết, Maria người em họ mình là mẹ Thiên Chúa của bà. Bà cũng không ngần ngại tuyên xưng niềm vui của đức tin với Đức Maria : “Phúc cho Bà là kẻ đã tin” (Lc 1,45).
Đây là một thái độ đức tin mà chúng ta phải sống trong những ngày này. Noi gương Đức Maria và bà Isave, với một đức tin năng động. Chúng ta phải bày tỏ lòng biết ơn và niềm vui có đức tin của chúng ta. Giống như Đức Maria, chúng ta phải thể hiện bằng việc chúng ta làm. “Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave”(Lc 1,39-40), để chúc mừng và giúp đỡ người chị họ (Lc 1,56).
Thật là hữu ích cho những ngày này, chúng ta suy tư về trình thuật cuộc găp gỡ lịch sử giữa hai bà mẹ đang mang thai là Đức Maria và bà chị họ là Isave. Hai bà mẹ tràn ngập niềm vui. Niềm vui của Đức Maria là niềm vui có Thiên Chúa ở cùng. Niềm vui ấy lan tỏa sang bà Isave. Bà Isave vui với niềm không ai có được là Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm.Chính lời chào của Mẹ Maria, kẻ đã tin, làm cho Isave ngập tràn vui sướng, đến hài nhi cũng nhảy mừng trong lòng bà (x. Lc 1, 39-45).
Quả là một mầu nhiệm tuyệt vời! Gioan chưa sinh ra, ông đã cất lời tiên báo; thậm trí ông còn chưa thể cất tiếng khóc chào đời, ông đã bắt đầu nghe bằng hành động; sống đời rao giảng về Thiên Chúa; chưa thấy ánh áng, ông đã chỉ cho người ta thấy mặt trời; ông còn chưa lọt lòng mẹ đã nhanh nhẹn thi hành sứ mạng tiền hô, đi trước Chúa và loan báo cho mọi người biết: Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội của trần gian (Ga 1, 29).
Có người hỏi : Thưa ông Gioan, hãy nói cho chúng tôi biết, lúc ông còn trong dạ mẹ, làm thế nào để ông thấy được và nghe được? Làm thế nào để ông nhìn thấy mọi sự của Thiên Chúa? Làm thế nào ông có thể nhảy mừng trong dạ mẹ vì vui sướng? Gioan trả lời : đây là mầu nhiệm vĩ đại được hoàn thành, là hành động vượt quá sự hiểu biết của con người. Luật tốt hảo tôi phải đổi mới trong trật tự thiên nhiên vì người phải đổi mới trong trật tự siêu nhiêu. Tôi đã thấy, ngay cả khi tôi chưa sinh ra, vì tôi cám thấy chứa đựng Mặt Trời công chính (Ml 3, 20). Tôi cảm nhận được bằng thính giác, bởi vì đi vào thế giới. Tôi là tiếng kêu trước của Ngôi Lời. Tôi kêu lên, vì tôi thấy Đấng tạo dựng vũ trụ nhận thấy thân phận con người. Tôi nhảy mừng,vì tôi nghĩ rằng Đấng Cứu Chuộc thế gian đã mặc lấy xác phàm. Tôi là Tiền Hô đi trước Người và làm chứng cho Người.
Đức Maria với niềm vui diễm phúc ngập tràn, vì Mẹ đã tin, đức tin của Mẹ hệ tại việc lắng nghe Lời Chúa để phó thác cho Lời của Chúa trong thái độ hoàn toàn sẵn sàng trong tâm trí. Qua lời thưa “Xin vâng” tràn đầy niềm tin, Mẹ ý thức rằng, chính Thiên Chúa yêu cầu và Mẹ hoàn toàn tín thác nơi Chúa và phó thác cho tình yêu Chúa.
Biết bao lần Chúa đi qua cuộc đời chúng ta và bao nhiêu lần Chúa gửi một thiên thần đến với chúng ta: bao nhiêu lần chúng ta không ý thức điều đó, vì chúng ta quá bận rộn và chìm đắm trong những công việc của mình.
Ngày hôm nay, cũng như vào thời Chúa Giêsu, lễ Giáng Sinh là lời đáp trả của Thiên Chúa cho nhân loại đang cầu mong hòa bình. Ngôn sứ nói về Đấng Mêsia như là “Người sẽ đem lại hòa bình cho chúng ta”. Phần chúng ta, chúng ta hãy mở rộng cửa để đón tiếp Người. Chúng ta hãy học hỏi Ðức Maria và Thánh Giuse cũng như bà Isave : nhờ đức tin, chúng ta hãy phục vụ kế hoạch Thiên Chúa. Mặc dù không hiểu biết tường tận kế hoạch ấy, nhưng chúng ta hãy ký thác cho Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan và tốt lành. Tiên vàn chúng ta hãy tìm Nước Chúa, và Chúa Quan phòng sẽ giúp đỡ chúng ta.Chúng ta hãy sửa soạn tâm hồn để có một chỗ xứng đáng, nơi Chúa Giêsu Hài Ðồng cảm thấy mình được đón tiếp với đức tin và tình thương!
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 

Suy Niệm IV
MẸ MARIA – NHÀ THỪA SAI ĐẶC BIỆT!
(Mk 5, 2-5a; Dt 10, 5-10; Lc 1, 39-45)
 
Trong những ngày này, niềm vui chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh đang tràn ngập trên thế giới. Niềm vui ấy vượt ra khỏi không gian và thời gian. Vượt lên trên những khoảng cách tôn giáo, tín ngưỡng, giai cấp, thành thị hay thôn quê.
Nhiều người cũng không ngừng trao tặng cho nhau những quà tặng, cánh thiệp, để biểu lộ niềm vui!
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tường thuật việc Đức Maria lên đường thăm viếng bà Êlisabeth. Đây là một cuộc thăm viếng mang tính sứ vụ: Đức Maria tràn ngập niềm vui, bởi vì ngay tại cung lòng của Mẹ, một Đấng Cứu Độ mà toàn dân mong chờ đang ở đó.
Niềm vui ấy dẫn Mẹ đến thái độ tôn thờ, yêu mến. Tuy  nhiên, không thể chỉ giữ lại niềm vui ấy cho riêng mình, nhưng Mẹ đã ra đi và đem niềm vui đó chia sẻ cho người khác.
Khi lên đường đến thăm chị họ của mình là bà Elizabeth, Mẹ không chỉ đến chia sẻ niềm vui bằng lời nói xã giao, mà bằng chính nội dung Tin Mừng, đó là mang Chúa Giêsu đến cho chị của mình.
Để thực hiện được điều đó, Mẹ đã chấp nhận gian khổ, hy sinh, băng rừng vượt núi, đến thăm bà chị họ của mình: “Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabeth”; Mẹ đã ra đi, chấp nhận gian khổ vì tình yêu, vì tinh thần phục vụ, vì thế, Mẹ sẵn lòng: “Ở lại với bà Êlisabeth độ ba tháng” để phục vụ người chị đã cao niên. Đây quả là một hình ảnh đẹp của người thừa sai. Mẹ xứng đáng được gọi là người có phúc! (x. Lc 1, 43).
Hình ảnh Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth còn diễn tả thật rõ nét hình ảnh Hòm Bia Thiên Chúa trong Cựu Ước.
Nếu xưa kia, Hòm Bia Thiên Chúa ngự lại 3 tháng tại nhà ông Ôveđ Êđom, thì giờ đây, ngay tại cung lòng Mẹ Maria, Mẹ cũng đang mang trong mình Hòm Bia Thiên Chúa là chính Đức Giêsu, và Mẹ cũng lưu lại 3 tháng tại nhà bà Elizabeth.
Nếu xưa kia, khi Hòm Bia Thiên Chúa lưu lại tại nhà ông Ôveđ Êđom và đã ban cho gia đình ông nhiều ơn phúc, thì giờ đây, Mẹ Maria cũng mang tin vui và bình an của Chúa đến cho gia đình ông Dacaria rất nhiều. Việc trẻ Gioan nhảy mừng nơi cung lòng bà Elizabeth đã chứng minh điều đó. Trong tâm hồn Mẹ có Chúa, và Mẹ đã không muốn giữ Chúa lại cho riêng mình. Mẹ đã chia sẻ niềm vui ấy với người khác. Chấp nhận gian khổ, hy sinh vì tinh thần phục vụ.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy noi gương Mẹ Maria: khi đã có Chúa trong tâm hồn, thì hãy mau mắn lên đường đem Chúa đến cho người khác. Hãy loan báo Tin Mừng, mang tin bình an, tin hy vọng, tin hạnh phúc đến với mọi người, dẫu có gặp những trở ngại trông gai.
Mong thay, trong những ngày cận kề đón mừng Ngôi Hai Giáng Sinh, chúng ta hãy gạt bỏ những rào cản như: hận thù, chia rẽ, kiêu ngạo, ghét ghen, dối gian, bất an, hầu cho tâm hồn được thanh thoát, thánh thiện và trong sạch để xứng đáng đón Chúa ngự đến. Đồng thời, noi gương Mẹ Maria, khi tâm hồn đã có Chúa, chúng ta sẵn sàng vượt qua mọi gian khó hiểm nguy và lên đường đem Chúa đến cho người khác.
Khi ta làm được như thế, Chúa Hài Nhi sẽ lớn lên trong tâm hồn chúng ta qua những cử chỉ yêu thương và phục vụ hằng ngày.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con sắp rước Chúa ngự vào trong tâm hồn chúng con qua Bí tích Thánh Thể, xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con xứng đáng được Chúa ngự đến như xưa Chúa đã ngự xuống trong cung lòng Mẹ Maria. Xin cho chúng con luôn biết mang Chúa đến cho người khác và sẵn sàng hy sinh phục vụ vì hạnh phúc của tha nhân, hầu cho mọi người cảm nhận được niềm vui, bình an và hạnh phúc khi có Chúa ở cùng và sống với họ. Lạy Đấng “Emmanuel”, xin ngự đến. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
Suy Niệm V
VUI  MỪNG  VÀ HOAN HỶ
( Lc 1 ,39 – 45 )
 
Hôm nay là Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng: một cuộc gặp gỡ giữa hai người đàn bà mang thai, trong bầu khí vô cùng vui mừng và hoan hỉ, hai bà ý thức đang cưu mang tương lai của nhân loại. “ Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”, bà Elisabét kinh ngạc thốt lên như vậy. Một quá khứ dài đã đi trước và đã chuẩn bị khoảnh khắc Đấng cứu độ đến trần gian. “ Nguồn gốc của Người có từ thuở xa xưa”, ông Mikha đã nói từ 8 thế kỷ trước. Đến lượt mình Đức Maria được đưa vào lịch sử dài của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Itraen,vì hạnh phúc của toàn nhân loại.
Sau này, tác giả thư gửi tín hữu Do thái sẽ hiểu Đấng Cứu Độ, sinh ngày Noen (viết tắt bởi chữ Emmanuen: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã dứt khoát ký kết giao ước mới như thế nào, khi kiên quyết, khiêm tốn và sẵn sàng để Chúa Cha sử dụng. Đến lượt chúng ta, một cách đơn giản, chúng ta được mời gọi trong tư thế sẵn sàng. Như bà Elisabét, như Đức Maria, cũng như chính Đức Giêsu, chúng ta chỉ cần thưa cách khiêm tốn và thanh thản: “Này con đây !”
Vâng, luôn luôn là khúc ca của niềm vui: Trước lễ Giáng Sinh, chúng ta nên đọc lại bài ca Chúc tụng Benedictus mà ông già Giacaria đã cất tiếng hát nhân ngày sinh của Gioan, con trai ông. Ông vui sướng vì cuối cùng đã có người nối dòng, ý thức về tầm quan trọng của con trai ông, trong dự định của Thiên Chúa “ vì miệng lưỡi ông lại mở ra và nói được”, nên ông đã bộc lộ cảm hứng của mình.
Bài ca của ông hòa hợp với tất cả những lời tạ ơn, qua nhiều thời đại, đã đánh dấu lịch sử dân    Itraen và diễn tả lòng tin và hy vọng của các nhân vật có vai trò tích cực trong lịch sử, theo lời chúc lành của ông Abraham và các tổ phụ, như tiếng vang dội lại những tụng ca chiến thắng của ông Môsê và bà Myriam, sau cuộc giải phóng khỏi Ai cập.
Ngày chiến thắng của Thiên Chúa sắp đến. Bất chấp tình hình khó khăn của dân, thiếu chủ chăn, không có tự do thật sự, bị ô danh bởi sự hiện diện của một quyền lực ngoại bang trên đất họ, nhưng ánh rạng đông mọc lên từ ngày Đức Chúa sẽ khẳng định mình là Vua và là Đấng giải phóng.
Đức Maria có thể hát bài ca tiên tri này bên cạnh chiếc nôi của con mẹ. Mọi tín hữu sẽ hát lại bài ca trong ngày vọng Giáng Sinh này, để tìm lại được niềm hy vọng về tương lai (Michel Pinchon)
Sắp đến ngày Giáng Sinh làm sao không tự hỏi: Phải chăng Chúa có mặt trong những lần chúng ta gặp gỡ? Điều làm ta ngây ngất phải chăng là Người, sự sống của Người? Người là Đấng chiếu sáng cuộc đời chúng ta bằng hạnh phúc của Người. Hãy nhìn Đức Maria và bà Elisabét, cuộc gặp gỡ của Người sẽ soi sáng cho những lần gặp gỡ của chúng ta. Đức Maria không nói một lời. Mẹ chỉ có mặt thế thôi. Dĩ nhiên Mẹ chào bà chị Elisabét của mình, nhưng chẳng có gì đặc biệt trong những lời nói thật tự nhiên của Mẹ. Vâng, chính sự viên mãn của sự hiện diện đã gây ấn tượng: Mẹ hiện diện vậy thôi, nhưng là sự hiện diện viên mãn: sự sống ở trong Mẹ đã làm mọi sự. Đức Maria đã mang trong mình Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, không cần nói thêm một lời nào nữa.
Trong ngày vui khôn tả chuẩn bị đón Đấng Cứu Độ trong hình hài một trẻ sơ sinh, nghèo hèn, Đức Maria đã đem Chúa Hài đồng đến cho mọi người ,cho mỗi người chúng ta bất kể là ai giầu sang, nghèo khổ, quan chức hay thứ dân, chúng ta có sẵn sàng đón nhận Mẹ và Con Mẹ đang cưu mang? và sau đó có sẵn sàng tiếp nối mang Đấng niềm vui cứu độ cho người khác không? Ôi! Hạnh phúc thay, ai đem hạt giống Tin Mừng cho mảnh đất này, cho thế hệ này.
Giáng sinh lễ của tương lai.
Hai người phụ nữ sung sướng được trở thành mẹ và Tân Ước bắt đầu như thế, khi mẹ của Gioan Tẩy giả gặp Mẹ của Giêsu, họ sung sướng đã sản sinh ra thế giới mới nhờ những đứa con đến từ Thánh ý Phụ tử của Thiên Chúa. Mọi cuộc sống nảy mầm là một lời hứa hẹn cho tương lai và cho sự tự do. Nếu lễ Giáng Sinh gắn liền với một thông điệp của hòa bình và hy vọng, chính là vì nó không thể làm thất vọng thế giới và sự sống, khi Con của Thiên Chúa sinh ra giữa chúng ta. Và cũng chính vì thế mà Giáng sinh là lễ hội. Một thoáng hy vọng trong đám mây mù giữa xã hội của hưởng thụ. Noel, chính là lễ hội của tương lai. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa giữ lời hứa của Người là làm cho gia đình của anh em nhân loại, con cái của Người trong tình yêu, được sống trong hòa bình.
“Mầu nhiệm Nhập Thể, chính là sự tham gia thường ngày vào việc sinh ra Đức Kitô, qua các bà mẹ sung sướng để sinh ra và tạ ơn, vì Thiên Chúa đã giữ lời hứa của Người...nhất là cho những ai không tin vào con người, vì họ không còn tin vào Thiên Chúa. Nhìn vào hai bà mẹ sung sướng trong Phúc Âm, là một việc thực tập mới của niềm tin, rạng ngời trong một nụ cười của hy vọng”. (Giám muc Gerard Defois.)

Pr. Nguyễn Mai
 Bài VI
 
Chúa Nhật IV Mùa Vọng B

MARIA – NGƯỜI CÓ PHÚC VÌ TIN
Mk 5,1-4; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45
 

Sau mấy ngày hội thảo đầy căng thẳng, hai nhà truyền giáo Theodore Cuyler và Charles Spurgeon đi ra ngoài xả hơi. Họ chạy nhảy giữa cánh đồng như thể các học sinh được nghỉ học, vui chơi thỏa chí. Cuyler kể một câu chuyện vui làm Spurgeon bật cười sảng khoái. Rồi thình lình ngài nói :
- Này bạn Theodore, chúng ta hãy quì gối cám ơn Chúa đã ban cho chúng ta tiếng cười vui vẻ vừa rồi.
 Và rồi cả hai nhà truyền giáo vĩ đại đó thản nhiên quì trên bãi cỏ xanh tươi cám ơn Chúa trước quà tặng là tiếng cười đó.
 Đâu có gì mâu thuẫn giữa cầu nguyện và cười vui ? Vì một đàng là biểu hiện của sức khỏe tâm linh, một đàng là của sức khỏe thể xác.
Niềm vui cảu hai nhà Truyền giáo gợi cho chúng ta niềm vui của cuộc gặp gỡ hai người Mẹ Maria và Elisabeth…
Cuôc gặp gỡ của hai phụ nữ, cả hai đang mang thai lần đầu cách diệu kỳ: Maria mang thai Con Thiên Chúa - Ngôi lời nhập thể qua tác động của Thánh Thần, Elisabeth mang thai Đấng Tiền Hô của Thiên Chúa trong lúc tuổi già. Cả hai đều được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn cách lạ lùng. Cuộc gặp gỡ cho thấy kinh nghiệm của một người phàm – Elisabeth lần đầu tiên hiểu ra điều gì đã xảy ra cho mầu nhiệm cao cả nơi Đức Maria – Mẹ Thiên Chúa  mà trung tâm là Thiên Chúa và hoạt động của Ngài đối với Đức Maria: mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa đã được thực hiện.
Sau khi được Sứ Thần Gabriel truyền tin được biết người chị họ Elisabeth của mình đã mang thai trong tuổi già, Maria đã vội vã đi lên miền núi. Chuyến đi không dễ dàng của một phụ nữ đang mang thai nhưng Maria vẫn vội vã, vội vã đưa Đức Kitô – con Thiên Chúa đến với những người khác. Đức Maria đi trong tư cách là người tin vào lời Thiên Chúa qua trung gian sứ thần Gabriel. Người tin đang cất bước dấn thân…
Maria đi thăm bà Êlisabét. Hai bà mẹ gặp nhau tạo điều kiện cho hai thai nhi gặp nhau. Đấng Cứu độ nhân loại đi thăm vị Tiền hô của mình. Cuộc gặp gỡ rất linh thánh, diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần, Hài nhi Gioan được ơn cứu độ nhảy lên mừng vui trong cung lòng Mẹ. Cho nên ánh sáng niềm vui của việc tin tưởng chiếu vào Bà Êlisabét, bà hoan lời chúc tụng Maria: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”, “Tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”, “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.
 Maria là người “được chúc phúc” theo cách đặc biệt: quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa đã làm cho người có khả năng chuyển thông sự sống nhân loại cho Đức Giêsu. Phúc cho Maria vì qua Maria, Thiên Chúa đã làm một việc phi thường nhất trong lịch sử của nhân loại: Thiên Chúa ban cho chúng ta Con của Ngài. Maria được hồng phúc như thế, trước tiên vì có là người đã tin vào Thiên Chúa.
Cách đối xử của Thiên Chúa đối với Đức Maria được diễn tả bằng ân sủng và phúc lành; Cách đối xử của Đức Maria đối với Thiên Chúa được diễn tả bằng lòng tin. Đức Maria đã tin vào Thiên Chúa, vào lời Ngài, quyền năng của Ngài. Đức Maria đã diễn tả niềm tin đó qua tiếng “Fiat - xin vâng” với sứ điệp của sứ thần trước khi Maria được niềm tin thúc đẩy khi sứ thần truyền tin cho cô biết chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Maria đã tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc, vì thế Bà Êlisabét ca tụng: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Thật thế, Maria tin, tin là để cho Chúa làm việc đổi cuộc đời mình theo thánh ý của Chúa, dù có đảo lộn chương trình sống của chúng ta. Tin là lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa trong tin yêu và phó thác như Maria đã trả lời trong một tâm tình khiêm nhu và phó thác: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Tin là cất bước mang niềm vui và phục vụ anh chị em có nhu cầu như Maria với chị họ Elisabeth.
Chính vì Maria diễm phúc mà cung lòng cô trở nên Đền Thánh cho Con Thiên Chúa ngự  khi bước vào dương thế như là Lều thánh - nơi Hòn bia Thiên Chúa ngự. Cung lòng Maria là Đền Thánh cho Đấng Thánh, đã thánh hoá Gioan trong cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh. Bà Elisabeth chứng nghiệm được niềm vui của cuộc hội ngộ này và được Thánh Thần thúc đẩy nên nhận ra điều mắt thường không thể thấy, em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế và trở nên Mẹ Thiên Chúa.
Tràn ngập niềm vui hạnh phúc vì tin vào Chúa, như Mẹ Maria chúng ta cùng nhau sống theo và cất lời ca Magnificat, bài ca của Đức Tin -  hạnh phúc vì được Thiên Chúa ở cùng: 
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”
                                                                              (Lc 1,45)
Chiêm ngưỡng đức tin của Đức Maria Thánh Augustino khi khẳng định Ðức Maria "đầy lòng tin sinh hạ trong lòng tin" đã rút ra một áp dụng thực tiễn cho chúng ta: "Ðức Maria đã tin vào điều Người tin đã xảy ra nơi Người. Chúng ta cũng hãy tin, ngõ hầu điều xảy ra nơi Người cũng ích lợi cho chúng ta".
Cho nên.“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào ĐỨC CHÚA, và có ĐỨC CHÚA làm chỗ nương thân “(Gr 17,7). Mỗi giây phút cuộc đời, với tất cả tình trạng của mình, chúng ta hãy chạy đến với Thiên Chúa: “Như trẻ thơ đặt hết niềm tin nơi Chúa” (Tv 131,1)
Hãy sống như thánh Gioan xác quyết: “Hãy hành động theo đức tin” (x. 3Ga 1,5) và như vị tông đồ nhiệt thành khuyên nhủ: “Hãy xây dựng đời mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em” (Gd 1,20)
Như Maria, hoan lạc trong đức tin thúc đẩy có làm công trình đức ai khi vượt núi băng rừng thăm viếng và giúp đỡ chị họ Elisabeth, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta, hãy Tin và “Đức tin hoạt động qua đức ái”(Gl 5,6) trở thành một tiêu chuẩn mới để hiểu biết và hành động, thay đổi toàn thể cuộc sống (x. Rm 12,2; Cl 3,9-10; Ep 4,20-29; 2 Cr 5,17). Đức tin không có đức ái thì không sinh hoa kết quả, và đức ái mà không có đức tin thì sẽ là một tình cảm luôn bị sự nghi ngờ chi phối. Đức tin và đức ái cần nhau, đến nỗi đức này giúp đức kia đi trọn con đường của mình. Quả thật, có nhiều Kitô hữu hiến đời mình để yêu thương phục vụ những người cô đơn, bị gạt ra ngoài lề xã hội hoặc bị tẩy chay, coi họ như những người đầu tiên cần phải chú ý đến và như người quan trọng nhất cần được nâng đỡ, vì chính nơi họ phản ảnh dung nhan của Đức Kitô. (x.Cánh Cửa Đức Tin, số 14).
Như Thánh Phaolô khẳng định:
“… Có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì…”(1Cr 13,2)
                                                                        Lm. Vinh Sơn SCJ, Sài Gòn 19/12/2015
Nhiều tác giả
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log