Thứ sáu, 10/01/2025

Suy Niệm Lễ Kính Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Cả Giuse

Cập nhật lúc 16:48 26/12/2015
"Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? (Lc 2, 49)
Suy Niệm I
Tại sao cha mẹ tìm con?
---------------------------------------
Từ hàng chục năm nay, gia đình đã là điểm ngắm của mọi cuộc tấn công. Nhiều gia đình dường như không còn giữ được thuần phong mỹ tục và những căn bản của hôn nhân tự nhiên, chứ chưa kể đến hôn nhân công giáo…Vì thế hơn bao giờ hết, thế giới chúng ta cần phải có những mẫu gương về gia đình để mưu tìm hạnh phúc cho mỗi người và cho tất cả.
Lễ Thánh Gia hôm nay, Giáo Hội giới thiệu cho chúng ta mẫu gương khiêm nhường của gia đình Nagiaret. Một mẫu gương căn bản và độc nhất vô nhị: một người con duy nhất, một người cha nuôi, và một sứ mệnh đặc biệt. Chỉ một chi tiết hoạ hiếm về đời sống của gia đình này, đủ chúng ta thấy rằng gia đình này cũng giống như các gia đình của mọi thời đại, đều nhận ra những nỗi vất vả và vui mừng, chặng đường khó khăn và những giờ phút huy hoàng. Để đạt được những vui mừng trọng đại về đời sống gia đình, chúng ta rất khó có thể tránh khỏi chặng đường của thập giá và thách đố. Thập giá của những chia ly mà những chia ly ấy có thể giúp chúng ta hưởng được sự vui mừng lớn lao khi gặp lại.
Là người Do Thái sống đạo nhiệt thành, hằng năm, cha mẹ Chúa Giêsu đều thực hiện một tuần lễ hành hương lên đền thờ Giêrusalem. Lần này Chúa Giêsu cũng đi. Với tuổi 12, cậu bé này đã trở nên người con của lề luật và cũng có thể được chọn để đọc sách Luật. Mọi sự đều xẩy ra tốt đẹp cho chuyến đi này nếu khi trở về Chúa Giêsu không gieo nỗi lo lắng cho cha mẹ Ngài. Thật vậy vào buổi chiều dừng chân để nghỉ, thì cả 2 ông bà đều nhận thấy cậu bé Giêsu đã lạc mất! Phải chăng cậu bé hồn nhiên này chỉ trốn đi chơi một lúc thôi? Khi chơi với  nhóm bạn trẻ mới vô tư, có lẽ Cậu bé đã phải tụt lại sau đoàn người chăng? Điều này chứng tỏ trong chuyến đi này cha mẹ Ngài không phải lúc nào nào cũng kìm chặt trẻ Giêsu và vì thế đã để cho trẻ Giêsu một số thời gian để tự do.
Nhưng rồi nỗi lo lắng bắt đầu đến với các ngài: Gặp ai quen biết là các ngài đều hỏi: “Quí ông quí bà quí chị có thấy thằng bé 12 tuổi ở đâu không?”. Thế nhưng, chẳng ai đã cho các ngài câu trả lời mừng rỡ mà chỉ có những câu làm cho các ngài càng lo lắng hơn. Họ đành lên Giêrusalem để tìm... Phúc Âm nói là dòng dã ba ngày. Mặc dù con số này không phải là lớn, nhưng cũng đủ cho Thánh Luca liên hệ đến 3 ngày Chúa Giêsu phải nằm trong mộ.
Và cuối cùng các ngài đã thấy cậu con trai đang ngồi giữa các thầy tiến sỹ trong đền thờ. Ở đó, Chúa Giêsu thích nghe, hỏi các tiến sĩ và đặt ra cho họ những câu hỏi hóc búa. Như vậy là trả Giêsu như một người lớn gián tiếp dạy họ và làm họ ngỡ ngàng. Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha con và mẹ đây, đã đau khổ tìm con”. Và câu trả lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng, nhưng dù sao cũng như thể đóng đinh cha mẹ Ngài:Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con sao?”
Cả hai ông bà đều yên lặng và không hiểu câu nói của con mình. Đúng thế, Chúa Giêsu trước khi là Con Đức Maria và Thánh Giuse, thì đã là Con Chúa Cha rồi. Và vì thế, Ngài luôn là một người con vâng lời và sẽ luôn luôn là như vậy. Nhưng đối với Ngài còn có một sự vâng lời khác phải thực hiện trước, đó là vâng lời Chúa Cha.
Chính sự vâng lời này sẽ dẫn đưa Ngài tới Thập giá. Một luỡi gươm đau khổ đã báo trước cho Đức Maria. Con của Mẹ đã được định trước phải làm lễ hiến dâng trên đồi Canvê. Ngày truyền tin, Đức Mẹ đã thưa lời xin vâng cho chương trình của Thiên Chúa. Mẹ phải đi vào cái lý luận của sự chấp nhận này. Noel trong cùng quẫn, Noel phải trốn sang Aicập, Noel hiến dâng con vào đền thờ và hôm nay Noel trong sự lạc mất con. Còn biết bao nhiêu biến cố khác đòi hỏi Đức Mẹ phải chấp nhận cao độ: Từ nay Đức Mẹ phải luôn luôn sống bên cạnh con mình trước mầu nhiệm của sự chết và sự sống lại.
Tất cả các gia đình công giáo chúng ta hãy suy ngắm gương Thánh gia như thế nào. Đời sống gia đình và lứa đôi có lúc cũng cần phải chết đi ý riêng mình một cách nào đó. Cần phải chấp nhận sự khác biệt của người khác. Con cái có thể bỏ tổ ấm gia đình để tới trường, nhất là nó có thể lấy vợ lấy chồng để kiến tạo một gia đình khác. Đó cũng có thể là một sự chia ly và mất mát rất lớn.
Nhưng khi tìm lại được con, Đức Maria và Thánh Giuse nhận ra một nỗi vui khó tả. Khi nhận ra mình  như là có lỗi trong việc lạc mất con, các ngài có thể thờ phào nhẹ nhõm rằng: mình đã không mất đứa con mà Thiên Chúa đã phó thác. Và rồi, họ thấy con mình nổi danh thông minh giữa các thầy tiến sĩ. Câu trả lời của Chúa Giêsu dù làm cho các ngài bối rối, nhưng không phải vì thế mà vô vị. Đức Mẹ đã suy ngắm và nhớ lại ngày truyền tin: “Con mẹ sẽ được gọi là con Đấng Tối cao”. Đức Mẹ cũng nhớ lại trong đêm Noel: “Hôm nay Đấng Cứu Thế đã giáng sinh cho anh em”. Mẹ cũng nhớ lại lời tiên tri Simêon: “Trẻ này sẽ là ánh sáng cho muôn dân và là vinh quang của Israel”.
Các gia đình công giáo chúng ta khi gặp đau khổ thập giá vẫn có quyền hy vọng vui mừng. Mầu nhiệm Phục sinh trước hết phải trải qua chặng đường đau khổ rồi mới có thể đến vinh quang.
Thánh lễ hôm nay, chắc chắn nhiều người có thái độ băn khoan lo lắng về con cái, nhưng cũng đừng quên thái độ của con cái đối với cha mẹ. Nhất là đối với những cha mẹ già.
Thời Trung Cổ, người ta viết một câu chuyện đáng kinh hoàng: Gauthier, một nhà buôn rất muốn đuổi cha mình ra khỏi nhà. Người cha này là một ông già mà ngay cả vợ ông cũng không thể chiu đựng nổi. Nhà buôn này quyết định đuổi cha ra khỏi nhà. Người cha già khẩn khoản: “Ít nhất hãy để cho cha mang một cái chăn cho đỡ lạnh”. Nhà buôn đó truyền cho con trai mình đi tìm chiếc chăn của con ngựa. Cậu con trai này cắt chiếc chăn đó thành hai, và đưa cho ông nội một nửa. Bố cậu nói: “Thế nào, mày không xấu hổ à? Đưa tất cả cho ông chứ?”.  Cậu con trai trả lời: “Không, con giữ lại một nửa để cho bố khi bố về già”… Gauthier xấu hổ chạy ra nhận cha mình về nhà và trung thành săn sóc cha cho đến chết.
 
Suy Niệm II
Hai ông bà gặp Chúa Giêsu trong đền thờ giữa các thầy tiến sĩ
 
Gia đình chỉ tìm được ý nghĩa đích thực khi hướng về Thiên Chúa. Khi tương quan với Thiên Chúa, chúng ta sẽ có tương quan đến gia đình và những người sống chung quanh chúng ta. Hôm nay chúng ta mừng lễ Thánh Gia, Phụng vụ mời gọi chúng ta tự đặt cho mình một chấm hỏi: “Gia đình đích thực là thế nào”?
Bài đọc I cho chúng ta thấy cha mẹ của Samuel dâng con mình cho Thiên Chúa vì nó không thuộc về mình. Để đứa con có khả năng yêu và tận hiến sau này, nó cần được đón nhận trong tình yêu và lớn lên trong tình yêu, cảm nhận được tình yêu của những người xung quang nó. Đó là sứ điệp của Chủ Nhật hôm nay gửi tới các gia đình không phân biệt tôn giáo.
Thánh Gioan trong bài đọc II nói với chúng ta về gia đình những người con Thiên Chúa và mời gọi chúng ta ngày này qua ngày khác tiếp tục làm việc và làm tốt hơn tương quan của chúng ta đối với người khác.
Theo luật Do Thái, trẻ em 12 được coi như là đã trưởng thành và vì thế phải chấp hành đầy đủ Lề Luật. Vì chưng Luật Do-thái bắt buộc mọi tín đồ của mình đi lễ đền thờ Giêrusalem ít nhất là một năm một lần để cử hành lễ Vượt qua. Vì thế, Đức Maria và Thánh Giuse quyết định đưa Chúa Giêsu lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua.
Ngoài việc lên Giêrusalem một năm một lần, tất cả những người Do Thái đạo đức đều tới các hội đường vào các ngày thứ bảy, ngày Sabat để noi gương Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy đầu tiên.
Còn người Kitô hữu chúng ta phải giữ luật ngày đầu tiên trong tuần đó là ngày Chủ Nhật, ngày được chọn mừng Chúa Giêsu sống lại. Giáo Hội mời gọi chúng ta thánh hóa ngày này bằng cách nghỉ việc và dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện và làm việc lành phúc đức..
 
Trên thế giới và ngay cả tại các giáo xứ Việt Nam chúng ta, người ta đã đánh mất ý nghĩa này: vẫn lao động vào ngày Chủ Nhật, hoặc nếu có nghỉ ngày Chủ Nhật chỉ để làm thỏa mãn cá nhân hơn là tôn kính Thiên Chúa.
Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Maria và Thánh Giuse đã trunh thành với Lề Luật và tự hỏi mình đã tuân giữ luật ngày Chủ Nhật, ngày của Chúa như thế nào? Chúng ta có là những người mua sắm trong ngày này không? Chúng ta có lợi dụng ngày này để thắt chặt mối liên kết tình yêu của chúng ta với Cha trên trời và tăng cường đời sống gia đình của chúng ta không?
Mỗi một ngày và đặc biệt là ngày Chủ Nhật chúng ta hãy cố gắng chia sẻ Tin Mừng để định hướng cách sống thân mật của chúng ta với Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta nghỉ ngơi trong Người nhờ việc chúng ta tham dự vào Bí tích Thánh Thể. Khi tham dự Thánh lễ sốt sắng chúng ta đón nhận lời Chúa và Mình Thánh Chúa, chúng ta có thể thể thực hiện được việc tông đồ một cách tốt hơn.
Sau khi đã làm tốt công việc thánh hóa ngày Chủ Nhật, Thánh gia Nagiaret trở về nhà với công việc thường ngày. Nhưng Chúa Giêsu còn ở lại đền thờ để làm tiếp công việc mà Cha Người trên trời đã trao phó. Mẹ Người và Thánh Giuse không biết và đã quay trở lại đền thờ để tìm kiếm con. Sau 3 ngày tìm kiếm, “các ngài thấy con trong đền thờ đang ngồi giữa các tiến sĩ luật, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Chúa nói, đề ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại”.
Liệu mỗi người chúng ta có tìm kiếm Chúa Giêsu trong kinh nguyện và trong nhà thờ không?
Có khi chúng ta để cho sự hiện diện của Chúa Giêsu bị nhạt phai trong suốt ngày sống của chúng ta và chúng ta đánh mất Người luôn …
Noi gương Thánh Giuse và Mẹ Maria chúng ta hãy nhiệt huyết đi tìm Chúa Giêsu…Nhưng chắc chắn rằng cầu nguyện là cách tốt nhất để chúng ta tìm được Người. Nhà chầu, nơi mà Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể và cũng là một nơi ưu tiên nhất chúng ta gặp được Người.
Giáo hội là sự nối kết mọi người không phân biệt và cũng là một nơi chúng ta có thể gặp được Chúa. Chúng ta cũng có thể gặp được Chúa nhờ Lời của Người, là ánh sáng sự hiểu biết và định hướng cuộc đời chúng ta đi. Chúng ta cần gặp các thừa tác viên của Giáo Hội để tìm được bình an trong tâm hồn và đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta đừng ngại tìm kiếm những lời chỉ dạy định hướng cuộc đời chúng ta. Người khác bên cạnh chúng ta sẽ giúp đỡ chúng ta và họ cũng có thể là con đường hướng về Chúa Kitô.
Các bạn trẻ là tương lai của Giáo Hội và của xã hội cần chúng ta nâng đỡ và cầu nguyện cho họ. Mẹ Maria, nhà giáo dục lý tưởng yêu mến nhìn các bạn trẻ…Chúng ta hãy phó thác họ cho Mẹ!
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con cầu xin Chúa đang hiện diện trong gia đình thánh, có Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúng con chiêm ngắm các Đấng trong mầu nhiệm mà chính Chúa đã dạy chúng con qua bài Tin mừng hôm nay, là Chúa thuộc về Chúa Cha.
Trong Thánh lễ này, chúng con cầu xin Chúa cho tất cả các trẻ em trên thế giới, đặc biệt là cho các em không được yêu mến và cho cả cha mẹ các em nữa.
Chúng con dâng lên Chúa tất cả các trẻ em nhờ bàn tay cha mẹ đáng kính yêu của Chúa là Thánh Giuse và mẹ Maria để đời sống của chúng là một lời ngời khen vinh quang Chúa đến muôn đời . Amen
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
Suy Niệm III
Để Cứu Các Gia Đình Chúa Đã Sinh Ra Nơi Gia Đình
 (Mt 2, 13-15. 19.23)
 
Hôm nay chúng ta cùng nhau cử hành lễ kính Thánh Gia Thất, trong bối cảnh Năm Thánh Lòng Thương Xót, và Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình vừa kết thúc với đề tài “Ơn gọi và sứ mệnh của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới”. Mừng Chúa Cứu Thế giáng sinh cũng là mừng Gia Đình Thánh, nơi Người sinh sống.
Quả thật, Gia đình là điều đẹp đẽ nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên. Người dựng nên loài người có nam có nữ, và ban cho họ mọi sự. Người ban cho họ quyền toàn thế giới! Họ chan hòa trong tình yêu của Người. Mọi tình yêu Thiên Chúa, mọi vẻ đẹp Thiên Chúa, mọi sự thật Thiên Chúa có trong Chúa, Chúa đều ban hết cho gia đình.
Nhưng rồi con người tự tách ra khỏi Đấng đã dựng nên họ. Thế là đánh mất tất cả, tình nghĩa vợ chồng phân tán, hết anh em (huynh đệ tương tàn), hết hòa bình, hết tình yêu, cái đẹp và sự thật. Từ đó cho đến nay gia đình luôn trong tình trạng bị đe dọa do tội lỗi, phá thai, coi thường người già, sống chung, ly dị.
Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi gia đình. Vì gia đình được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa trong tình yêu. Nếu Ngài không yêu thương chúng ta thì Ngài không tạo dựng nên chúng ta. Ngài không dựa trên những gì chúng ta làm, hay thành quả của chúng ta, Ngài chỉ nhờ vào công nghiệp của Đức Kitô. Ngài yêu thương chúng ta vô bờ. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa. Ngài yêu chúng ta hơn cả chúng ta yêu chúng ta. Muốn cứu vớt gia đình nhân loại, Thiên Chúa đã chọn một gia đình để đến cứu vớt! Đẹp biết bao khi nhìn vào hang đá chúng ta thấy Chúa Cứu Thế đến trần gian, đã chọn sinh ra trong một gia đình nhân loại, mà chính Người đã thiết lập.
Các bài đọc hôm nay từ Cựu Ước đến Tân Ước thật là đẹp, đẹp về cách hành văn, đẹp về nội dung, nhất là đẹp tuyệt vời về cách đối nhân xử thế trong gia đình. Nếu bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca dạy con cái phải thảo cha kính mẹ, kèm theo phần phúc là sống lầu dài. Thì bài đọc II, Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 21). Bài Tin Mừng nêu bật vai trò quan trọng của Thánh Giuse, mẫu gương cho bậc làm cha, làm chủ, làm chồng trong các gia đình.
Thảo kính cha mẹ
Để giữ cho gia đình hạnh phúc, Thiên Chúa đã ban cho Giới răn: “Thứ Bốn thảo kính cha mẹ”.
Có kẻ làm con đã hỏi: Vậy, tước phẩm làm cha làm mẹ là thế nào để con cái phải tôn kính? Quyền bính cha mẹ tự đâu mà có?
Ta có nên kết án giới trẻ phải sống trong thứ thế giới này không? Một thế giới chán nản, phục tùng vô ý thức? Tất nhiên là không. Để có một cuộc sống đích thực, nhân loại phải có quyền bính, nếu không xã hội không thể có được, và phải đi tới nguyên tắc căn bản: không có Thiên Chúa, không có quyền bính. Vì thế, kẻ làm con, người làm bề dưới phải vâng lời cha mẹ, tùng phục người trên là vì thấy trong trật tự ổn định là quyền lực, là thế giá của Thiên Chúa. Đứa trẻ thấy quyền lực Thiên Chúa nơi cha mẹ, học trò ở nơi thầy cô, người dân thấy ở nhà cầm quyền. Phải, quyền lực của cha mẹ là do Thiên Chúa mà ra.
Chúa dạy: “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi”. Và Thánh Phaolô khuyên: “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự” (Cl 3, 20). Giới răn không nói yêu mến nhưng là tôn kính. Người ta yêu anh chị em, yêu tha nhân, song đối với cha mẹ, phải tôn kính, “vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3, 20) ; “Đứa con nào mà đánh đập cha mẹ mình thì phải chết” ( Xh 20, 21)
Phu phụ tương kính như tân
Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ giống hình ảnh Chúa, và cho hai người kết hợp với nhau nên một bằng mối giây loài người không thể tháo cới, để mỗi người phát triển nảy nở trong hạnh phúc, và sinh con cái nối giòng dõi loài người và Hội Thánh.
Người chồng có thể đòi người vợ phụng tùng chồng một cách mù quáng không? Không, người này phải phục tùng người kia cho phải đạo, cả hai đều phải phục tùng Đức Kitô như toàn thể Giáo hội. thánh Phaolô khyên : “Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó”(Cl 3, 21).
Trong lễ bế mạc Đại hội gia đình thế giới tại Philadelphia, Đức Phanxicô nói: “Đã đành, gia đình có những khó khăn của nó: cãi cọ, con cái làm đau đầu nhức óc, lại còn mẹ chồng nàng dâu nữa, luôn có thánh giá. Nhưng sau thánh giá có phục sinh. Chính vì thế, gia đình là xưởng chế tạo ra hy vọng, hy vọng sống và phục sinh. Tình yêu đem lại tất cả những điều vừa kể. Tình yêu Là lễ hội. Tình yêu là hân hoan. Tình yêu đẩy ta tiến tới”. Ngài khuyên :“Đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa trong gia đình. Trong gia đình, một ngày không thể kết thúc bằng chiến tranh”(Bài giảng lễ bế mạc ĐHTG về GĐ).
Cha mẹ tôn trọng và yêu mến con cái
Giới răn thứ Bốn này có hai chiều: con cái và cha mẹ, cha mẹ và con cái. Nếu con cái phải tôn kính cha mẹ, thì cha mẹ cũng phải tôn trọng, yêu mến con cái : “Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái”. Săn sóc con cái là dấu chỉ tình yêu, nhiều hứa hẹn nhất của gia đình, vì nó hứa hẹn tương lai. Cha mẹ quí mến con cái, vì con cái trước hết không thuộc về các cha mẹ mà thuộc về Thiên Chúa. Con cái là kho tàng Thiên Chúa trao cho, một ngày kia Chúa sẽ đòi cha mẹ phải trả lẽ. Vậy, cha mẹ phải tôn trọng sự sống con cái, ngay từ khi còn trong lòng mẹ, chớ làm phương hại đến chúng. Tôn trọng con cái từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành.Con cái là tương lai, là sức mạnh, đẩy cha mẹ tiến tới, giúp cha mẹ hy vọng.
Chăm lo cho con cái về mặt tinh thần cũng như thể xác, nhất là linh hồn, vì trước hết chúng thuộc về Thiên Chúa. Cha mẹ không thể lên thiên đàng một mình, phải có con cái đi theo. Con cái không lên thiên đàng được, cha mẹ cũng không lên được. Chúng ta thấy Mẹ Maria, Thánh Giuse, và Chúa Giêsu, cả Ba Đấng đều lên Đền thờ dự lễ theo luật.
Khi có chuyện chẳng lành trong gia đình, lời thánh Phaolô sau đây như là khuôn vàng thước ngọc về lẽ sống và cách đối nhân xử thế của các thành viên trong gia đình: “Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”. Chúng ta hãy phó thác gia đình nhân loại nói chung, và gia đình chúng ta nói riêng cho Thánh Gia Thất che chở phù trì. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Suy Niệm IV
XÂY DỰNG TRÊN TÌNH YÊU – GIA ĐÌNH SẼ HẠNH PHÚC
 (Hc 3, 3-7. 14-17a; Cl 3, 12-21; Lc 2, 41 – 52)
 
Bài hát: “Ba Ngọn Nến Lung Linh” của tác giả Ngọc Lễ đã diễn tả hình ảnh gia đình thật sâu đậm và ấm cúng: “Gia đình gia đình, ôm ấp những ngày thơ, cho ta bao kỷ niệm thương mến. Gia đình gia đình, vương vấn bước chân ta đi, ấm áp trái tim quay về”.
Với thi sĩ Tế Hanh, ông coi gia đình là cái nôi phát xuất tình yêu, vì thế, ông viết: “Con nằm giữa cha, con nằm giữa mẹ. Cuộc đời nằm giữa yêu thương” (Tế Hanh).
Thật thế, ai trên đời này cũng đều có một gia đình, khi nhắc đến, lòng mỗi người rộn lên bao nhiêu nhung nhớ trìu mến, vì: “Người ta có rất nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn để quay về, đó là gia đình”. Ôi hình ảnh gia đình thật đẹp và cao quý trong tâm tưởng của mỗi người, khiến chúng ta phải trân trọng!
Cao đẹp, vì nơi gia đình, mọi mối tương quan được thiết lập. Trân trọng vì gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội.
Tuy nhiên, muốn cho các mối tương quan được tốt đẹp và nền tảng được vững chắc, ắt phải dựa trên tình yêu được bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Với người Công Giáo, mỗi khi nhắc đến vai trò gia đình, Giáo Hội còn nhấn mạnh và đi xa hơn khi khẳng định: Gia đình là “Giáo Hội thu nhỏ”; hay “Giáo Hội tại gia” (x. SGLC 2205; FC 52). Nơi đó: “Mỗi gia đình thể hiện đúng bản chất của mình là một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất và thánh thiện để làm dấu chỉ loan báo cho mọi người về Nước Thiên Chúa” (x. FC 52).
Sứ mạng ấy được nói đến cách cụ thể và thiết thực qua lời dạy của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay:“Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt” (Cl 3, 18-21).
Như vậy, đời sống vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu giữa Thiên Chúa với dân người; giữa Đức Kitô với Giáo Hội.
Nếu Thiên Chúa luôn trung thành, yêu thương con người, không bao giờ ly dị chúng ta, dù đã nhiều lần chúng ta bất trung, bội bạc và vô ơn...; thì đời sống vợ chồng cũng luôn mời gọi chúng ta noi gương Thiên Chúa để sống trung thành với nhau trọn đời.
Nếu Đức Giêsu đã yêu thương Giáo Hội và hiến thân vì Giáo Hội, thì vợ chồng cũng được mời gọi sống chết cho nhau như thế. Trong đời sống vợ chồng, chúng ta: “Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3, 12-14).
Khi dạy tín hữu như thế, thánh Phaolô muốn nhắc đến điều căn bản của gia đình, đó là: một cộng đoàn đức tin và yêu thương...

Sang bài Tin Mừng, thánh sử Luca trình thuật sự kiện Đức Giêsu cùng với cha mẹ Ngài trẩy hội lên đền Giêrusalem để mừng lễ, sau kỳ lễ, Ngài đã ở lại đền thờ và: “Ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông về những chuyện liên quan đến Kinh Thánh” (x. Lc 2, 46).
Câu chuyện kết thúc bằng việc Đức Maria và thánh Giuse sau khi biết Đức Giêsu không về với bà con thân thuộc, liền quay trở lại để tìm con. Phần Đức Giêsu khi đã gặp Đức Mẹ và thánh Giuse, Ngài đã theo cha mẹ trở về Nazareth và: hằng “vâng phục hai ông bà [...], tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta” (x. Lc 2, 51-52).
Qua câu chuyện Tin Mừng, chúng ta thấy, Đức Giêsu đã đặt trung tâm đời sống của Ngài là Thiên Chúa, nên cũng như mọi người, Ngài lên đền thờ Giêrusalem dự lễ để chu toàn bổn phận trong lòng mến với Thiên Chúa.
Nơi Đức Maria và thánh Giuse, thì luôn coi Đức Giêsu là trung tâm của gia đình, nên khi không thấy Đức Giêsu, các ngài đã hối hả lên đường để đi tìm!
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng: cuộc sống của gia đình chúng ta sẽ gặp được niềm vui, bình an và hạnh phúc nếu biết gắn bó với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và luôn đặt Ngài vào trung tâm của gia đình. Nếu đi ngược lại điều đó, mọi mối tương quan sẽ bị rạn nứt và đổ vỡ vì nó không được bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa.
Thật vậy, đời sống cầu nguyện nơi gia đình là tối quan trọng. Quan trọng đến độ nếu muốn có một gia đình hạnh phúc thì không thể không cầu nguyện. Tại sao vậy? Thưa! Vì khi cầu nguyện, mọi mối tương quan được khởi sắc và khăng khít.
Hãy cầu nguyện với Chúa mọi nơi mọi lúc. Cầu nguyện trong sự cảm nghiệm sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc đời. Tạ ơn Chúa vì tất cả những gì Ngài đã ban cho.
Ngày nay, người ta coi thường giờ kinh gia đình, thay vào đó là giờ của tivi, truyền hình, sách báo... và nhiều chuyện khác...
Tuy nhiên, hệ quả đằng sau nó chính là sự chia rẽ, rạn nứt, vì không được Lời Chúa hướng dẫn, không nhận ra khuyết điểm để sửa sai, không thấy ân lộc Chúa ban mà tạ ơn, như vậy, đây là mối nguy của sự chung thủy.
Khi cầu nguyện chung với nhau, mọi người được Chúa hướng dẫn và mọi thành viên học được bài học yêu thương.
Nếu con cái tôn thờ Thiên Chúa thì chúng không thể không yêu thương, kính trọng cha mẹ là hình ảnh và đại diện Chúa trên trần gian.
Nếu vợ chồng có những chuyện không thể tha thứ, khi cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được Thiên Chúa nhân hậu và quảng đại, Ngài đã tha thứ cho mình, thì mình cũng phải tha thứ cho nhau... Trong cuộc sống, có biết bao những khó khăn cách này, cách khác... nhìn lên Thánh giá Chúa trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta sẽ thấy được mọi lời giải đáp và tìm lại được ý nghĩa, giá trị của đau khổ trong đời sống đức tin.
Cuối cùng, tham dự các buổi cử hành phụng vụ, lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, chúng ta sẽ được chính lòng thương xót của Thiên Chúa dưỡng nuôi và định hướng.
Mẫu gương gia đình Thánh Gia mà Giáo Hội mừng kính hôm nay toát lên những đặc tính đó. Và, khi thiết lập lễ Thánh Gia, Giáo Hội mời gọi mọi thành phần hãy nhìn ngắm, chiêm ngưỡng đời sống của gia đình Thánh Gia. Những tấm gương ngời sáng của một người cha, một người mẹ và một người con hết lòng vì gia đình.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, xin cho các bậc làm cha mẹ biết ý thức được vai trò, trách vụ quan trọng của mình trong gia đình, từ đó biết chu toàn bổn phận, yêu thương và giáo dục con cái nên người.
Xin cho các người con biết yêu mến, vâng phục cha mẹ trong tình yêu, để qua đó, được trở nên con người tốt giúp ích cho Giáo Hội và xã hội.
Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình biết yêu thương nhau như khuôn mẫu của Gia đình Thánh Gia khi xưa. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
Suy Niệm V
Tại sao cha mẹ tìm con ?
(Lc 2, 41-52)

 
Này Giêsu, sao Con ở lại Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết? Tại sao lại tạo một nỗi lo âu đau đớn như thế cho cha mẹ? Để trả lời cho câu hỏi của Mẹ Maria, Chúa lại trả lời bằng một câu hỏi khác. Chúa sẵn sàng đi xa hơn trong cái tìm tòi của Mẹ: cha mẹ không biết rằng Con phải ở nhà Cha con sao? Hình như Chúa ngạc nhiên về sự ngạc nhiên của Mẹ Maria và của Cha Giuse. Với Mẹ là người nhắc nhở cho Chúa những bổn phận của người con, điểu răn thứ tư của Lề Luật, thì Chúa lại đưa Mẹ về điểu răn thứ nhất, là những bổn phận đối với Thiên Chúa. Chúa là người Con vâng phục Cha trên trời. “ Cha”: câu đầu tiên mà Chúa nói để xưng danh Người. Và đó cũng là câu cuối cùng của Chúa trước khi chết: Lạy Cha, trong tay Cha, Con xin phó thác linh hồn con( Lc 23,46 ). Chúa Cha và Thánh Ý Người, đó là tất cả đối với Chúa! Còn đối với chúng ta?
Họ không hiểu những gì Người đã nói với họ. Cũng như chúng ta, Mẹ Maria bước đi trong niềm tin. Tất cả đều không rõ ràng và đơn giản đối với Mẹ. Nếu Chúa là Con, Chúa cũng là, và trước hết là Con của Thiên Chúa. Mẹ đã sống cái thực tại kép đó trong cái cụ thể của cuộc sống thường ngày. Xin Mẹ giúp chúng con cũng tìm thấy như Mẹ, ánh sáng trong lời cầu nguyện: Mẹ đã giữ tất cả những biến cố đó trong trái tim mình ( P.Duvillaret )
* Tại sao cha mẹ tìm con?
Ngày nay chúng ta có dám hỏi, có tự trả lời được câu hỏi nghĩa tình này không? Tại sao ư ? Phải chăng vì chúng ta đã đi hoang, phải chăng vì chúng ta đã sa đà không nghe lời cha mẹ đã nhiều lần cảnh cáo, nhắc nhở, nghiêm cấm, khuyên can tránh xa những thói tật, những trò chơi chết người “cờ bạc, rượu chè, hút sách...” và con không nghe lời, con đã sa ngã, lầm lỗi. Tại sao cha mẹ tìm con ư? Vì con là người con cha mẹ đứt ruột đẻ ra, nuôi dưỡng con khôn lớn và đã thương yêu con hết lòng nên tìm con. Con là con cha mẹ, nhưng trên hết còn là con Chúa. Chúa thương yêu con và đã chết vì con! Cha mẹ tìm con: đó là tình yêu và bổn phận. Con cần trở về: đó cũng là tình yêu và bổn phận.
Sau ngày lễ Giáng Sinh là lễ Thánh Gia thất: Chúa Giêsu, Mẹ Maria, thánh Giuse. Gia đình Nagiarét là mẫu gương của gia đình nhân loại. Mỗi người chúng ta là cha, mẹ, con cái hãy đắm chìm trong tình yêu gia đình. Xin Chúa thánh hóa gia đình chúng ta, để mỗi gia đình cùng nên thánh, để tất cả cùng tốt đẹp và tràn đầy yêu thương!
 
TẦM QUAN TRỌNG CỦA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
 
Giáo hội thiết lập lễ Thánh gia vào năm 1921, để chỉ cho thấy tầm quan trọng của đời sống gia đình khi mà những liên hệ gia đình trở nên lỏng lẻo. Thiên Chúa tạo dựng người nam và người nữ để làm thành gia đình, có cha có mẹ và con cái để yêu thương săn sóc lẫn nhau. Vì yêu, Thiên Chúa Cha đã sai Con Một xuống thế cứu chuộc nhân loại tội lỗi. Vì yêu, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế gian làm người để cứu chuộc nhân loại. Vì yêu, Trinh nữ Maria đã “xin vâng” làm Mẹ Đấng cứu thế. Cũng vì yêu, thánh Giuse đưa Hài nhi và Mẹ Người trốn sang Ai cập. Và cũng chính tình yêu đã đưa gia đình thánh trở về Nagiaret. Ở đó thánh Giuse cung phụng cho gia đình thánh bằng cách làm nghề thợ mộc.
Người ta thường nói: Gia đình là nền tảng xã hội. Dù gia đình lớn hay nhỏ thì gia đình vẫn là cần thiết cho đời sống xã hội. Chính trong khung cảnh an toàn và bầu khí ấm cúng của gia đình, mà những giá trị nhân bản được truyền đạt cho con cháu. Việc đầu tư vào con cái phải được bắt đầu từ khi thụ thai đến sau khi sinh con và lớn lên. Con cái được thụ thai phải là do kết quả của tình yêu của tình yêu vợ chồng trong hôn nhân được thánh hiến, chứ không phải là chuyện qua đường. Sống và lớn lên không có gia đình, người ta có thể mất đi mức độ thăng bằng về đời sống tình cảm. Khi gia đình đổ vỡ, những căn tính về giới tính và gia đình của con cái sẽ bị thuyên giảm. Sống trong những xã hội đang trên đà phát triển về kinh tế, kỹ thuật thì những giá trị gia đình có nguy cơ bị suy giảm. Trong một xã hội như vậy, những luật pháp thường nhằm cổ võ và bảo vệ cá nhân hơn là gia đình, như luật ly dị, phá thai …Cộng thêm vào đó còn phải kể đến phim ảnh, báo chí đồi trụy, những tệ nạn nghiện ngập hút sách. Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội. Gia đình là một đơn vị tôn giáo đầu tiên. Giáo hội thánh hóa đời sống gia đình qua bí tích hôn phối. Giáo hội coi Bí tích Hôn Phối là thánh thiện vì đời sống hôn nhân mong được thánh thiện nếu muốn được phản ánh gia đình Nagiaret. Gia đình Thánh Gia nêu tấm gương mà mỗi gia đình đạo hạnh phải noi theo như những lời khuyên dạy khôn ngoan trong sách Huấn ca: Ai vâng lệnh Chúa, sẽ làm cho mẹ an lòng (Hc 3,6). Điều đó có nghĩa là người mẹ sẽ được hạnh phúc khi con mình vâng lệnh Chúa là nguồn mạch mọi sự khôn ngoan.
Giáo hội trình bày gia đình Nagiaret là gia đình lý tưởng cũng ý thức được những khiếm khuyết có thể làm ly tán bất cứ đời sống gia đình nhân loại nào. Đó là lý do tại sao trong thư gửi tín hữu Colosê, thánh Phaolô khuyên họ làm sao sống tinh thần Kitô giáo. Thánh nhân khuyên bảo họ: Hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau. Trong gia đình, các phần tử được kêu gọi mang trách nhiệm cho nhau. Thành phần mang bệnh hoạn tật nguyên cũng phải được săn sóc về thể chất, tinh thần và đời sống thiêng liêng. Những thành phần quá cố trong gia đình cũng phải được mọi người cầu nguyện.
Người Công giáo cần đem Chúa vào đời sống gia đình để Chúa đồng hành và làm chủ đời sống gia đình. Cầu nguyện chung trong gia đình là yếu tố quan trọng và cần thiết để liên kết các phần tử trong gia đình lại với nhau. Không những cầu nguyện chung bằng cách đọc những kinh có sẵn mà còn cầu nguyện cho nhau bằng cách dùng những lời lẽ riêng của mình dâng lên Thiên Chúa như những nhân vật trong Thánh kinh đã làm. Như cặp vợ chồng mới cưới Tobia và Sara cầu nguyện trong buổi lễ thành hôn: Giờ đây không phải vì lý do sắc dục, mà con cưới em con đây, nhưng vì lòng chân thành. Xin Chúa đoái thương chúng con cho chúng con được chung sống bên nhau đến tuổi già. Ông Tôbit cầu nguyện cho con trai là Tobia và con dâu là Sara: Hãy phụng thờ Thiên Chúa trong sự thật và làm đẹp lòng Người. Hãy truyền dạy con cái thực thi công chính và làm việc bố thí,biết tưởng nhớ Thiên Chúa và chúc tụng danh Người mọi lúc,trong sự thật và hết sức mình.
Gia đình Thánh Gia mà Giáo hội mừng lễ hôm nay phải là mẫu mực cho mỗi gia đình Kitô giáo. Mỗi thành phần trong gia đình có thể noi gương những gì nơi Chúa Hài Nhi, nơi Mẹ Maria và thánh Giuse ? Và ta cùng cầu nguyện cho hạnh phúc và sự thành đạt cho đời sống gia đình.
Đức tin cho chúng ta nhận ra : Thiên Chúa Tạo Hóa đã kết hợp người nam người nữ nên một để trong tình yêu họ sinh con cái. Tất cả yêu thương nhau, và nhận ra tất cả là ân ban, hoàn toàn là ân ban của Thiên Chúa, trong cuộc sống, trong khả năng yêu thương, trong tự do, trong lương tâm. Tự hiến chính mình, để đến lượt chúng ta, tự hiến cho người khác. Chúng ta là con cái, ngay từ bây giờ hãy hiến thân cho Chúa, nhờ tình yêu Người đã đổ tràn đầy cho chúng ta trong Con của Người, nhờ quà tặng của Thần khí ./.
 
Pr. Nguyễn Mai
 
Nhiều tác giả
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log