Thứ năm, 09/01/2025

Suy Niệm Chúa Nhật II Thường Niên - C

Cập nhật lúc 08:04 17/01/2016
"Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana, miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người" (Ga 2, 11)
Suy Niệm I
“Hễ Người bảo gì thì anh em cứ làm theo”
 
Khi kể về phép lạ Chúa Giêsu biến nước lã thành rượu ngon tai tiệc cưới Cana, chúng ta không thể quên vai trò của Đức Maria. Chính Đức Maria cũng đã nhận được thiệp mời. Tại sao thế? Phải chăng Mẹ là chị em họ hàng? Hay là Mẹ đến để phục vụ tiếp tân nấu nướng? Điều đó không quan trọng! Chỉ có một điều là tiệc cước ở Palestina thời đó kéo dài ít nhất là 3 ngày. Chắc chắn là rất nhiều khách được mời. Đức Mẹ được mời, Chúa Giêsu và các môn đệ cũng được mời. Và các Ngài đã có mặt!
Mặc dù có thể gây sốc cho những người chủ trương nhiệm nhặt.., Chúa Giêsu vẫn tham dự vào ngày vui tiệc cưới và Ngài không ngăn cản các đồ đệ của Ngài. Dù độc thân, Ngài rất hiểu và cảm thông với những người có một tình yêu say đắm trong đời sống vợ chồng...
Thánh sử Gioan đặt  phép lạ biến nước lã thành rượu ngon mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu. Điều này có ý chỉ cho chúng ta thấy rằng biến cố vĩ đại Cứu Độ, sự thành lập Vương Quốc Thiên Sai chính thức được mở màn bằng việc Chúa Giêsu có mặt tại một tiệc cưới. Vì chưng Vương Quốc mà Ngài thiết lập này chính là Vương Quốc của giao ước, Vương quốc tiệc cưới. Bữa tiệc tại Cana báo trước bữa Tiệc Cưới trọng đại vĩnh viễn giữa Chúa Giêsu với toàn thể nhân loại.
Điều quan trọng mà Tin Mừng hôm nay muốn nhắn gửi mỗi người chúng ta là:
- Chúng ta có sẵn sàng mời Chúa Giê-su vào trong cuộc sống của chúng ta, để đến lượt Ngài, Ngài sẽ mời chúng ta vào dự Tiệc Cưới kỳ diệu đó không?
- Thực tế, chúng ta có ý thức mong muốn Chúa Giê-su hiện diện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta không?
- Chúng ta có đủ khôn ngoan mời Ngài như các bạn trẻ tai Cana không?
- Chúa Giêsu không phải chỉ có mặt ở rừng vắng, trong nhà thờ hoặc ở trên trời cao. Ngài ở khắp nơi, trên khắp nẻo đường của chúng ta, Ngài ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, nếu chúng ta mời Ngài.
- Chúng ta sẽ thấy Ngài ở xưởng may mặc, vườn hoa, trang trại và ở trong phòng khách, nếu chúng ta mời Ngài.
- Chúng ta sẽ thấy Ngài ở cánh đồng, trong xưởng thợ mộc và tại quán cà phê nếu chúng ta mời Ngài. Chúng ta sẽ thấy Ngài trong tại các đám cưới nếu các đôi hôn nhân chuẩn bị đầy đủ và cử hành Bí tích của mình cách sốt sắng.
Chúa Giêsu luôn sẵn sàng ở với tất cả các con tim muốn gặp Ngài, vì Ngài là tình yêu. Đáng tiếc là thời nay có nhiều người muốn Chúa Giêsu đừng can thiệp vào những công việc của họ. Họ muốn tránh Chúa hơn là mời Chúa. Họ bận tâm về làm ăn kiếm tiền hơn là Thánh lễ. Họ có khuynh hướng  gửi lại Chúa về trời cao.
Trở lại bữa tiệc tại Cana, chúng ta thấy nhân vật quan trọng thứ hai là Đức Maria. Vai trò của Đức Maria là rất quan trọng. Mẹ là người giúp việc biết quan sát nhất. Mẹ nhận thấy rượu cạn nhanh quá. Mẹ khẽ nói vào tai Chúa: “họ hết rượu rồi!” Nhưng vẻ mặt của Chúa bỗng chốc sa sầm xuống : “Mẹ đừng nói điều đó với con! Phải chăng điều đó liên quan đến chúng ta?” Tuy nhiên, Chúa Giêsu không nặng lời với Mẹ Ngài. Ngài muốn nói như thế để Mẹ Ngài hiểu rằng nếu thực hiện công việc này liệu có thể trái ngược với điều mà sẽ dẫn đưa Ngài đến Thập giá chăng?
Sự hiện diện của Chúa Kitô nơi trần gian là sự hiện diện cứu độ và lấp đầy sự trống rỗng tâm linh của nhân loại, cơn khát Thiên Chúa, khát Đấng Vô Biên và Tuyệt Đối. Ngài hiện diện cả ở trong tim những người tội lỗi. Ngài hiện diện nơi các Kitô hữu đang bị chia rẽ để mà nối kết lại.
Mặc dù Chúa Giêsu có vẻ từ chối, Đức Maria vẫn nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì thì anh em cứ làm theo, đừng thắc mắc gì thêm”. Đó là trực giác kỳ diệu của một người mẹ biết được điều mà con mình có thể thức hiện được.
Thiên Chúa sẽ không làm phép lạ nếu chúng ta không cộng tác với Ngài. Thế là những người giúp việc ở đó đổ đầy nước lã vào 6 chum nước, tổng số khoảng 600 lít. 600 lít nước lã trở thành 600 lít rượu ngon. Tại sao Chúa lại làm thế? Phải chăng là để tiếp sức cho những tay ăn chơi đã say xỉn rồi? Không, nhưng là để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa và để các môn đệ tin vào Người.
Chúa Giêsu biến đổi nước lã rửa tay trước khi ăn của giao ước cũ thành rượu ngon của sự sống, rượu của giao ước mới. Giao ước mới đến thay giao ước cũ chứ không phải là để phá huỷ. Giao ước mà Thiên Chúa ký kết với dân Do-thái được kéo dài và được triển nở trong giao ước mới mà Chúa Kitô ký kết với toàn thể nhân loại.
Phép lạ này cũng gợi lên cho các tín hữu tiên khởi một sự biến đổi khác, đó là biến đổi bánh rượu thành Máu Chúa Kitô trong bí tích Thánh Thể. Thánh Phaolo đã viết cho giáo hữu Ephêsô: ý nghĩa nhiệm mầu của tiệc cưới trần gian như là dấu hiệu cao cả của giao ước giữa Chúa Kitô và Giáo Hội.
Nếu người Kitô hữu chúng ta thực sự mời Chúa đến với cuộc sống hằng ngày, thì có biết bao là đổi thay! Nếu được mời đến trong cuộc sống của chúng ta, Chúa Giêsu sẽ đến và sẽ không bao giờ Ngài không làm gì
- Ngài đến không phải là để tạo thêm công ăn việc làm cho chúng ta, cũng không phải để chúng ta có lắm tiền mua xe hơi hoặc xây nhà lầu.
- Nhưng Ngài đến để làm những điều tốt hơn, đó là làm thay đổi cái nhìn và con tim chúng ta.
- Ngài đến để làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa. Ý nghĩa của đời sống chúng ta đó là: Đức tin, đức Cậy và đức Mến.
- Ngài đến để nói cho chúng ta biết LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHA TRÊN TRỜI.
Nếu chúng ta giữ được lời nói bất hủ của Đức Maria trong con tim “Hễ Người bảo gì thì anh em cứ làm theo, đừng thắc mắc gì thêm”, Mẹ Maria sẽ dẫn chúng ta đến với Con của Mẹ và cuộc đời chúng ta sẽ thay đổi. Khi cuộc đời chúng ta thay đổi, chúng ta sẽ làm tốt công việc TÂN PHÚC ÂM HÓA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI.
Nếu chúng ta không ngần ngài mời Chúa đến nhà chúng ta và để Ngài biến đổi chúng ta, thì chắc chắn vào một ngày nào đó Ngài cũng mời chúng ta đến nhà của Ngài để dự tiệc cưới Vĩnh Hằng. Thiên Chúa quảng đại gấp bội đối với tấm lòng quảng đại của chúng ta đấy!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
*********
Suy Niệm II
Họ hết rượu rồi
 
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại tiệc cưới tại Cana. Đức Mẹ, Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa cũng được mời dự. Và các ngài có mặt ở đó.
Khi khách mời đang dự tiệc, thì rượu lại hết. Mẹ Maria, người đầu tiên nhận thấy mối nguy này. Có thể Mẹ huých nhẹ khuỷu tay báo động cho Con Mẹ: “Con thấy chưa? Con hãy làm điều gì đó đi!” Chúa Giêsu có thể nói: “Thưa mẹ, không đâu, mẹ đừng xen vào công việc trọng đại của con để con bước đi trên con đường Thập giá”.
Chúng ta rất quen thuộc câu nói của Chúa Giêsu: “Hãy xin thì sẽ được”!. Nhưng trong thực tế, có nhiều điều chúng ta xin mà vẫn chưa được. Vậy chúng ta hãy cùng nhau noi gương Đức Mẹ làm thế nào để lời nguyện cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhậm lời?
Trước thái độ do dự của Chúa Giêsu có nên làm phép lạ hay không để mở đầu cho công cuộc cứu độ nhân loại, Đức Mẹ không hề run sợ chút nào. Mẹ biết rõ Con Mẹ.
Mẹ tin tưởng vào Con Mẹ sẽ làm một điều gì đó.
- Con mẹ có thể làm phép lạ, khi nhằm lợi ích chung và lớn lao mang ý nghĩa trọng đại.
- Con mẹ sẽ nghe mẹ và sẽ làm, mặc dù lúc đầu có từ chối.
Mẹ không cần năn nỉ, Mẹ chỉ khẳng định: “Họ thiếu rượu rồi”. Với sự tin tưởng hoàn toàn đơn sơ, Đức Mẹ không cần chờ đợi quyết định của Chúa Giêsu, Mẹ đã yêu cầu những người giúp việc đám cưới: “Người bảo gì anh em cứ làm theo nhé”!
Đức Mẹ có khả năng làm cho Chúa Giê-su thực hiện phép lạ đầu tiên. Hay nói cách khác, vì suốt cuộc đời Đức Mẹ đã thưa tiếng “xin vâng” cho Thiên Chúa, chả nhẽ Chúa Giêsu lại nói không với Đức Mẹ rằng: không, con không làm phép la đâu!.
- Đức Mẹ đã không xin được làm Mẹ Đấng Mêsia, vì Mẹ muốn giữ mình đồng trinh.
- Chính Thiên Chúa đã sáng kiến và đề nghị Đức Mẹ đảm nhận một sứ mệnh kỳ diệu, nhưng đầy đau khổ.
- Đức Mẹ đã đáp trả bằng một lời XIN VÂNG, một lời xin vâng thẳng thắn không úp mở. Mẹ đã thưa tiếng xin vâng cho ơn gọi đặc biệt của Con Mẹ khi đứng dưới chân Thập giá.
- Mẹ đã thưa tiếng xin vâng cho vai trò làm mẹ Đấng Cứu Chuộc .
- Mẹ đã thưa tiếng xin vâng hằng ngày trong ngôi làng của Mẹ, nơi người ta ít chú ý đến.
Phải chăng Chúa Giêsu có thể từ chối Đức Mẹ một điều gì đó, khi mà Đức Mẹ chỉ sống cho Người mà thôi?
Chúng ta nên nhớ rằng Thiên Chúa là một người Cha không bao giờ thờ ơ đối với những nhu cầu nhỏ bé của chúng ta. Người muốn bị quấy rầy bởi những khốn cùng của chúng ta…Nhưng lời nguyện cầu xin của chúng ta trước hết phải khiêm nhường, đơn sơ, kín đáo, đầy tin tưởng và phó thác như Đức Mẹ.
Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng: Chúa Giêsu làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana không phải là để kích thích cho các tay rượu. Người không phải là một nhà ảo thuật. Người xác định sứ mệnh của Người và thức tỉnh đức tin của các môn đệ.
Phép lạ biến nước lã thành rượu ngon tượng trưng cho sự biến đổi và tràn đầy khi phải đối diện với nỗi buồn tẻ và nghiệt ngã của đời sống thường ngày. Trong nếp sống cũ quá quen thuộc và buồn chán, người ta tìm lại được ý nghĩa tích cực của công ăn việc làm, của tình yêu, của cộng đoàn và của cuộc sống.
Việc thiếu rượu tại Cana cũng có thể xẩy ra cho các đôi vợ chồng. Ban đầu khi mới cưới, họ đầy rượu của lòng nhiệt tình và yêu thương nhau thắm thiết. Nhưng với thời gian, lòng nhiệt tình đó biến mất và đôi vợ chồng bắt đầu chán nản, bất hòa và thất bại hoàn toàn. “Rượu thiếu” là tượng trưng cho tất cả những thiếu thốn sâu xa. Và còn tồn tại biết bao tình trạng con người chúng ta thiếu thốn mà không tìm được giải pháp tích cực.
Trước những tình trạng đó, bài Tin Mừng hôm nay đề nghị chúng ta một giải pháp tích cực nhất, đó là: mời Chúa Giêsu để Người biến đổi thứ nước nhạt nhòa của đời sống cũ thành một tình yêu được canh tân đổi mới, dựa trên nền tảng của sự hiểu biết nhau, tha thứ và bình đẳng với nhau.
Bí tích Thánh Thể mà chúng ta cùng nhau tham dự nhắc nhớ lại tiệc cưới Cana: Chúa Giêsu có mặt, lời nói của Người và phép lạ biến nước lã thành rượu. Nước nhạt nhòa của đời sống chúng ta có thể được biến đổi thành rượu vui mừng và bình an. Nếu ở một mình, cuộc sống chúng ta thường dễ dàng trở nên một gánh nặng, nhưng nếu có Chúa đồng hành, Người sẽ biến đổi nước chúng ta thành rượu và chúng ta lại tìm được hương vị của cuộc sống.
Chúa chúng ta không phải là Thiên Chúa của rừng núi, cũng không phải là thợ đồng hồ vĩ đại theo kiểu Voltaire, điều khiển từ xa. Người là Em-ma-nu-en, Người ở cùng chúng ta. Người là Thiên Chúa của ngày lễ, Thiên Chúa của tiệc cưới. Người là Thiên Chúa Tình Yêu, Thiên Chúa Vui Mừng và Thiên Chúa Bình An, Người là Thiên Chúa ban rượu mới cho chúng ta.
Người là rượu mới
- cho các mục đồng tại Be-lem
- cho các nhà đạo sỹ đến từ Đông phương tìm gặp Chúa
- cho Maria Madalena, cô gái điếm
- cho Da-kê, trưởng phòng thuế vụ..
- cho Phê-rô, tông đồ chối Chúa..
- cho người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị kết án ném đá
- cho Ni-cô-đê-mô, một ông già đôi chút tỉnh ngộ,
- cho anh trộm cùng bị đóng đinh với Chúa,
- và cho hằng triệu người khác thuộc mọi lứa tuổi và mọi thời.
Một giao ước mới và thời kỳ mới! Đó là điều mà Chúa Giêsu thiết lập trong tiệc cưới này. Chúa Giêsu có thể là rượu mới cho tôi, cho quý ông bà và anh chị em, nếu chúng ta mời Người vào trong cuộc sống chúng ta…
Lạy Mẹ Maria, trái tim mẹ không một chút bóng tối của sự nghi ngờ nào và vì thế Đức Tin của Mẹ kêu cầu được phép lạ. Mẹ nhận biết trái tim Con Mẹ. Mẹ luôn tin tưởng và hy sinh tất cả vì con Mẹ. Còn chúng con, thông thường chúng con áp đặt Thiên Chúa phải thực hiện theo ý chúng con và tính toán cuộc sống để không thiếu một thứ gì. Chúng con phó thác cho Mẹ tất cả những sự cần thiết, tất cả những ước vọng của chúng con cho Mẹ…để Mẹ thanh lọc và chuẩn vị con tim chúng con biết thực thi những điều mà Con Mẹ dạy bảo: “Hễ Người dạy bảo gì thì cứ làm theo”.
Như vậy, Thiên Chúa có thể biến nước lã thành rượu ngon và hoàn thành điều mà chúng con tưởng là không có thể, đó là làm cho chúng con trở thành công cụ vui vẻ phục vụ anh chị em chúng con. Amen!

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

*********
Suy Niệm III
HỄ NGƯỜI BẢO GÌ, THÌ PHẢI LÀM THEO

(Ga 2, 1-12)
 
Bước vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Thường niên, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta từng bước dõi theo những ngày đầu (sứ vụ công khai) của Chúa Giêsu. Sau khi chịu phép rửa xong, Gioan Tiền Hô giới thiệu cho mọi người biết Chúa Giêsu là "Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian"; tiếp đến có ba môn đệ là : Anrê, Phêrô và Philipphê đã bỏ tất cả mọi sự mà đi theo người; thầy có trò, tất cả cùng được mời đi dự tiệc cưới, chính tại Cana phép lạ đầu tiên xảy ra, khiến nước hóa thành rượu, nhờ sự can thiệp của Rất Thánh Trinh Nữ Maria (x. Ga 2, 1-12).
Vậy, đâu là ý nghĩa của Rượu được Chúa Giêsu biến thành từ nước ? Chúa Giêsu đến dự tiệc cưới hàm chứa điều gì ?
Theo Thánh Maximus, Giám mục thành Turin thì Rượu mà Đức Giêsu hóa thành từ nước, chính là Rượu mới của niềm vui đích thực. Bởi Vị Thiên Chúa theo Phúc Âm mô tả đã được mời đến dự tiệc cưới. Như thế, Con Thiên Chúa đã đi ăn cưới, và với sự hiện diện của mình, Người đã thánh hóa mối tình của đôi tân hôn bằng việc hóa nước thành Rượu. Người đã đến dự đám cưới theo luật cũ, để chọn trong dân ngoại một hiền thê tinh tuyền. Người không sinh ra từ cuộc hôn nhân của loài người như Kinh Tin Kính chúng ta đọc : "Được sinh ra mà không phải được tạo thành". Người đến đám cưới, không phải đến để ăn một bữa tiệc cho vui như bao nhiêu bữa tiệc khác. Người đến để mạc khải một sự diệu kỳ, đầy ngưỡng mộ. Người đến dự tiệc cưới, không phải để uống rượu, nhưng để trao ban cho gia nhân rượu ngon nồng. Và khi mọi thực khách đang dự tiệc, bỗng thiếu rượu, Đức Maria, Mẹ Người đã nói với Người : "Họ hết rượu rồi" (Ga 2, 3). Chúa Giêsu, dường như trả lời với vẻ không vui cho lắm: "Hỡi bà, Con với có can chi đâu" (Ga 2, 4)... khi trả lời: "Giờ Con chưa đến" (Ga 2, 4), chắc chắn đây là lúc Người loan báo giờ vinh quang của Người nơi cuộc Thương Khó, hoặc chính máu Người là rượu đổ ra để trao ban sự sống, và ơn cứu độ cho nhiều người. Mẹ Maria xin một đặc ân hiện tại, Con Mẹ lại chuẩn bị trao ban niềm vui muôn thủa trong tương lai. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đã không ngần ngại trao ban những điều nhỏ mọn cho con người, trong khi chờ đợi những điều lớn xảy đến.
Đức Maria, người mẹ diễm phúc, vì Mẹ là Mẹ thật của Con Thiên Chúa, nên Mẹ đã biết trước ý định của Con Mẹ, và thấy trước được điều gì sẽ xảy đến. Đó là lý do tại sao sau khi Mẹ yêu cầu Con Mẹ, kể cả khi nhận được câu trả lời : "Con với có can chi đâu" (Ga 2, 4); Mẹ vẫn căn dặn những gia nhân quản tiệc cưới hãy làm bất cứ điều gì Con Mẹ yêu cầu : "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo" (Ga 2, 5). Chắc chắn Mẹ biết rằng lời chỉ trích của Con Mẹ và Mẹ thấy Con Mẹ, một Vị Thiên Chúa đã không giấu được sự bất bình của thân phận làm người giận dữ nhưng chứa đựng một mầu nhiệm của lòng từ bi cao cả ... Vì tiếp theo là nước trong chum bỗng nhiên bắt đầu nhận được sức thánh hóa để có thể chuyển màu sắc, lan tỏa hương vị của một thứ rượu ngon lành, và cùng một lúc thay đổi hoàn toàn bản chất của nó, nước đã hóa thành rượu. Và việc chuyển đổi nước thành một chất khác cho thấy sự hiện diện của Đấng Tạo Hóa, quyền năng, bởi không ai, ngoại trừ người tạo ra từ không có gì ra nước, có thể chuyển đổi nước thành một cái gì đó khác tức là rượu.
Chúng ta đang ở trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, hãy noi gương Mẹ Maria kiên nhẫn, cậy trông, cầu nguyện, đẩy lui sự thờ ơ ra khỏi chúng ta và mở rộng cõi lòng đến với mọi người.
Chúa Kitô đã làm phép lạ biến nước thành rượu ở Cana chính vì Đức Trinh Nữ Maria là một người rất quan tâm đến mọi người. Trong đám cưới, Mẹ phải để ý lắm mới phát hiện ra sự tế nhị trầm trọng này. Nhưng Mẹ không chỉ thấy rồi để trong lòng, mà vì tính ân cần chu đáo sẵn có nơi Mẹ, Mẹ đã trao những lo lắng của mình vào tay Chúa Giêsu, Con Mẹ, và đã hành động một cách hợp lý và can đảm. Mẹ lo lắng cho nhu cầu của đôi tân hôn, quan tâm đến người khác, chứ không đóng kín vào chính mình. 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói : Ngày nay chúng ta có thể thấy rất nhiều hoàn cảnh hết "rượu" là dấu chỉ của sự vơi cạn "hạnh phúc, tình yêu, và sự phong phú". Ngài đặt câu hỏi : "Có bao nhiêu người trẻ trong chúng ta cảm thấy không còn tìm được những điều ấy trong nhà mình? Có bao nhiêu phụ nữ buồn chán và cô đơn tự hỏi khi nào tình yêu sẽ ra đi, sẽ rời bỏ cuộc sống của mình? Có bao nhiêu người già cảm thấy bị gạt sang một bên, đứng ngoài các ngày vui của gia đình, và hằng ngày khao khát chút tình yêu?" (Trích Bài giảng 06/7/15 tại Los Samanes, Guayaquil, Ecuador).
Đức Maria giải quyết việc thiếu rượu bằng cách tin tưởng đến với Chúa Giêsu, và cầu nguyện. Mẹ dạy chúng ta phải đặt gia đình vào tay Chúa, phải cầu nguyện, phải khơi dậy niềm cậy để thấy rằng lo lắng của tha nhân cũng là lo lắng của ta, và lo lắng của ta cũng là lo lắng của Chúa. Cầu nguyện luôn nâng chúng ta, giúp chúng ta thoát khỏi những lo lắng của mình. Cuối cùng Đức Mẹ đã hành động. Lời Mẹ nói với các người giúp việc "Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo" cũng là lời mời gọi chúng ta mở lòng mình cho Chúa Giêsu, "Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ" (Mc 10, 45).
Với đức tin sống động, tinh tuyền và kiên vững, Đức Maria chỉ cho chúng ta nguồn gốc của một trong những dấu chỉ, và thực tại của nó, mà chúng ta sẽ được tham dự trong tương lai, nếu chúng ta làm tất cả những gì Chúa Giêsu, Đấng là Tình Yêu Vĩnh Cửu (biểu tượng của rượu) dạy bảo.
Tại Cana, Mẹ Maria đã hiện diện và can thiệp vào tiệc cưới. Vào giờ trên Thánh Giá ; giờ Chúa Giêsu cử hành tiệc cưới với Giáo hội ; Mẹ Maria cũng ở đó. Giờ đây Mẹ vẫn hiện diện để giúp đỡ con cái mình sống tinh thần yêu thương và phục vụ tha nhân như Mẹ.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ dạy chúng con yêu mến Chúa Giêsu, Vị Hôn Phu của Giáo hội mãi mãi và yêu mến Giáo hội, Hiền thê của Chúa Giêsu, và thực thi bác ái cũng như lòng xót thương với hết mọi chi thể của Chúa Kitô. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

*********
Suy Niệm IV
CÓ CHÚA, NIỀM VUI SẼ TRỌN VẸN

(1Cr 12,4-11; Is 62,1-5; Ga 2,1-11)
 
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay có liên quan đến lễ Hiển linh và lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, vì trong cả ba lễ này, Đức Giêsu đều tỏ vinh quang của mình ra dưới nhiều khía cạnh khác nhau.
Nếu Chúa Nhật lễ Hiển linh, Đức Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại qua Ba Đạo Sĩ nơi ngôi sao lạ, để loan báo ơn cứu độ phổ quát cho muôn dân; rồi Chúa Nhật lễ Đức Giêsu chịu Phép rửa, Thiên Chúa Cha giới thiệu Ngài là Con Yêu Dấu và được Chúa Thánh Thần tấn phong, đây là một cuộc mạc khải về thiên tính và sứ vụ nơi Đức Giêsu, thì đến Chúa Nhật này, Đức Giêsu tỏ vinh quang của Ngài cho mọi người dự tiệc cưới qua dấu lạ đầu tiên, đó là: phép lạ nước lã thành rượu ngon.
Qua việc tỏ vinh quang trong bối cảnh tiệc cưới tại Cana, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các môn đệ đầu tiên, và một cách tiệm tiến, Ngài đi từ tiệc cưới tự nhiên, tức là tiệc cưới Cana để dẫn con người đến tiệc cưới giữa Thiên Chúa với dân Người.
1. Tiệc cưới Cana
Tin Mừng hôm nay cho biết, tại làng Cana, miền Galilê có một đám cưới của đôi bạn trẻ. Trong số những khách dự tiệc hôm ấy, có sự hiện diện của Mẹ Maria, Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên. Đây thật là một hồng phúc cho gia chủ và nhất là đôi tân hôn!
Theo văn hóa, phong tục của người Dothái thì nghi lễ thường được được bắt đầu vào lúc mặt trời đã xế bóng. Khi ấy, đôi tân hôn được đưa về nhà mới, nơi họ sẽ ở và sinh sống trong tư cách là vợ chồng. Đến giờ đã định, một cuộc rước linh đình bắt đầu diễn ra. Họ được đưa đi qua các con đường dưới ánh sáng của các ngọn đuốc và có lọng che đầu.
Khi đã về đến nhà, họ ở tại nhà mới của mình và bắt đầu tiếp khách. Thời gian kéo dài khoảng một tuần lễ. Đầu họ đội vương niệm và mặc y phục của lễ cưới. Tuần lễ này có thể nói là tuần lễ vui mừng và hạnh phúc, vì đây là dịp duy nhất của đời người, họ được mọi người kính nể, trọng vọng và trân quý cách đặc biệt.
Trong bầu khí hân hoan đó, người ta không ngại gì tốn kém, và ai nấy ăn uống thoải mái, nào là chén chú chén anh, chén tạc chén thù, chén thương chén nhớ...
Như vậy, rượu dùng để đãi khách là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, đám cưới hôm nay niềm vui không được trọn vẹn, vì tiệc đang dang dở thì hết rượu. Đây là điều cấm kỵ trong văn hóa của người Dothái và nỗi tủi nhục ập đến cho gia chủ cũng như đôi tân hôn.
Nhưng, nhờ sự tinh tế, nhạy bén, thấu hiểu và cảm thông của Mẹ Maria, nên Mẹ đã không nỡ để cho gia chủ phải bẽ mặt hổ ngươi, vì thế, Mẹ đã cậy nhờ Đức Giêsu để Ngài cứu nguy cho họ, qua đó, giữ thể diện cho gia chủ!
Khi được Mẹ thông báo, Đức Giêsu cũng một tâm tình như Mẹ mình, nên Ngài đã làm phép lạ hóa nước lã thành rượu ngon.

2. Tiệc cưới của Thiên Chúa với dân Người
Qua phép lạ này, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để mạc khải cho nhân loại biết: giữa Thiên Chúa và dân Người cũng được ví như một tiệc cưới.
Hình ảnh này được ngôn sứ Isaia nhắc đến trong bài đọc I hôm nay:
Dân Israel vốn là một dân tộc được Thiên Chúa yêu thương, nhưng sự bội ước, bất trung đã làm cho họ phải chịu cảnh nô lệ nơi đất khách quê người, bị chủ nô coi thường, khinh bỉ. Tuy nhiên, lòng thương xót của Thiên Chúa thì lớn lao hơn cả tội lỗi của con người, nên Người đã cứu dân ra khỏi kiếp lưu đày, thoát khỏi cảnh nô lệ, để từ nay, không còn bị nghe thấy dân ngoại sỉ nhục là: “Đồ bị ruồng bỏ” và xứ sở không còn mang tiếng là “phận bạc duyên đơn”. Từ nay, dân Israel thoát ra khỏi lời nguyền khinh miệt, được trở thành một dân tự do trong tiếng vui cười hân hoan. Thiên Chúa và dân Israel được ví như: “... trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo nên ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui của Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62,5). Như vậy, trong tư cách là hôn phu, Thiên Chúa hằng ân cần chăm sóc, kiên tâm, nhẫn nại và hết mực yêu thương dân Israel như hôn thê của mình. 
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu Kitô được ví như vị hôn phu của Giáo Hội (x. Ep 5,22-23). Hình ảnh này đã được sách Khải Huyền nhắc tới khi đề cập đến tiệc cưới giữa Con Chiên (Đức Kitô) với Giêrusalem trên trời (Giáo Hội) (x. Kh 21,9).
Thật vậy, Đức Kitô đã chọn Giáo Hội làm hôn thê của mình, nên Ngài đã hiến dâng trọn vẹn, ngay cả cái chết trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu Ngài dành cho Giáo Hội.
Sự gắn bó đầy yêu thương này một lần nữa được sáng tỏ trong bài Tin Mừng hôm nay: vì yêu thương, cảm thông và liên đới, nên Đức Giêsu đã làm phép lạ nước lã hóa rượu ngon. Qua sự kiện này, một mặt Ngài bày tỏ quyền năng và vinh quang của mình cho các môn đệ thấy mà tin, mặt khác, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để loan báo một triều đại mới, triều đại của Đấng Thiên Sai, đến để ban phát ân sủng nhằm  thay thế cho thời đại cũ vì nó không còn phù hợp.
Như vậy, chúng ta thấy: “Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót”. Ngài là nguồn gốc của tình yêu, Ngài san sẻ tình yêu cho con người để họ yêu Ngài và yêu nhau.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta hãy biết xây dựng mối tương quan gia đình trên nền tảng tình yêu.
Vợ chồng yêu thương nhau, cha mẹ yêu thương con cái như khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi; như hình ảnh khăng khít giữa Thiên Chúa và dân Israel, như Đức Kitô hiến mình vì Giáo Hội. Đây là tiêu chuẩn, mẫu số cho mọi người Kitô hữu noi theo.
Tuy nhiên, muốn sống được điều đó, chúng ta cần:
Trước tiên, loại bỏ lối sống ích kỷ, vụ lợi, thực dụng để thay thế vào đó bằng thứ rượu tình thương, độ lượng và hy sinh, liên đới, cảm thông và chia sẻ.
Thứ đến, mọi người luôn biết nghe và thi hành Lời Chúa như những gia nhân trong Tin Mừng hôm nay. Thiên Chúa phải là trung tâm của mọi sinh hoạt trong gia đình. Nếu không có Chúa, niềm vui của chúng ta sẽ hão huyền, phù phiếm, mau qua, chóng hết và không trọn vẹn.
Cuối cùng, mọi nỗi khó khăn, vất vả, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, để nhờ Mẹ, chúng ta đến với Chúa là nguồn cội bình an, là đích điểm hạnh phúc, Ngài sẽ ban cho chúng ta được no đủ và hoan lạc, như xưa Ngài đã nhận lời Đức Mẹ mà cứu giúp gia chủ trong tiệc cưới tại Cana.

Lạy Chúa Giêsu, đời sống của nhiều gia đình Công Giáo hôm nay bị thiếu rượu yêu thương, liên đới và trách nhiệm. Vì thế, gia đình không còn là nơi tiếp nhận và chia sẻ tình yêu.
Xin cho các gia đình của chúng con biết chọn Chúa làm trung tâm của cuộc sống và cho mỗi người luôn được Lời Chúa hướng dẫn, ngõ hầu chúng con được bình an, niềm vui và hạnh phúc. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển

*********
Suy Niệm V
HÃY LÀM NHỮNG GÌ NGƯỜI BẢO
( Ga 2, 1-11 )
 
Tiệc cưới Cana có lẽ không khác gì những đám cưới của chúng ta ngày nay: gia chủ mời những người thân tình đến chia vui. Ở đây hôm nay các thực khách được uống những chén rượu thơm ngon mà không biết từ đâu. Một món quà mà gia đình Thánh gia tặng cho họ, chia sẻ tình cảm với đôi tân hôn, một gia đình mới trong nhân loại. Khi bắt đầu cuộc đời công khai, Đức Giêsu được nhiều người nhận ra: Trước hết , người anh họ của Người, Gioan Tẩy giả, đã nhận ra Người qua dòng nước thanh tẩy. Sau đó các người hâm mộ đầu tiên đã bắt đầu theo Người. Sau cùng, Mẹ Người đã thúc đẩy Người làm dấu lạ đầu tiên để củng cố đức tin các môn đệ và biểu lộ vinh quang của Người. Nhờ sự tin tưởng và được khuyến khích bởi lời Chúa, Mẹ hướng dẫn những người giúp việc: “ Hãy làm những gì Người bảo”, sau đó trong Tin Mừng thánh Gioan, gương mặt Đức Maria không xuất hiện nữa cho tới lúc Mẹ đứng dưới chân Thánh giá. Nhờ Mẹ, chúng ta hiểu được: Ngôi Lời mặc xác phàm, một sự sống được tỏ lộ ở tiệc cưới Cana và một sự sống được trao hiến trên thập giá. Chúng ta hãy đi theo con đường của Đức Kitô. Đón nhận hành động của Đức Kitô trong đời sống chúng ta, có thể làm thay đổi chúng ta tận thẳm sâu. Thế nên, cần phải sung sướng uống tận nguồn Tin Mừng và nếm cảm tất cả hương vị của nó. Cơn khát thiêng liêng của chúng ta sẽ được thỏa mãn nơi đó và Đức Kitô được vinh quang nhờ vào chứng từ của tất cả những ai sống Tin Mừng.
Chúa Giêsu và Mẹ Người tham dự tiệc cưới Cana như tham dự cuộc hôn nhân Công giáo của cả một đời người chúng ta. Và chúng ta cần xác tín tính bền vững của Bí tích Hôn Nhân Công giáo.
Giữa một thế giới mà người ta chỉ muốn sống thử, yêu thử… thì những người Công giáo luôn xác tín rằng, ai đã lãnh nhận Bí tích Hôn Nhân Công giáo với tất cả lòng thành tín muốn có một gia đình hạnh phúc thực sự, thì họ đã được Thiên Chúa đóng ấn để hôn nhân của họ, tình yêu của họ là một sự thật toàn thiện, một sự thật bền vững.
Trình thuật tiệc cưới Cana tuy ngắn gọn với phép lạ đầu tiên Chúa thực hiện trong tiệc cưới “ nước hóa thành rượu”, nhờ sự can thiệp của Mẹ Maria, nhưng lại là một minh họa cả một cuộc đời hôn nhân, một đời vợ chồng. Chén rượu giao ước ngày tân hôn nồng nàn lắm, ý vị  vô cùng và tràn đầy hạnh phúc. Đôi bạn đắm mình trong một thế giới mới, thế giới hòa tan tinh thần và thể xác, thế giới của mầu nhiệm sáng tạo mà Thiên Chúa đã định sẵn trong mỗi tạo vật, để nối dài công trình mà Ngài cho là “ thật tốt đẹp”. Chén rượu ân tình ấy sẽ phai nhạt theo thời gian. Hạnh phúc vơi dần theo năm tháng, tuổi đời. Sự nồng nàn về hương sắc cũng không còn nữa. Và tình yêu sôi nổi của thuở nào nhường chỗ cho chuỗi ngày trách nhiệm nhàm chán. Chính Chúa Giêsu người thiết lập Bí tích Hôn Nhân Công giáo, không chỉ dừng lại ở một định lý bất di bất dịch: “ Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly”; mà hơn thế nữa, Người luôn hiện diện trong tình yêu hôn nhân để “biến nước lã thành rượu nồng khi cần thiết”, để giúp cho đôi vợ chồng bảo đảm được tính bền vững của hôn nhân. Điều quan trọng là đôi vợ chồng có còn nhiệt tình, có còn khao khát hạnh phúc ban đầu ấy, có khám phá ra được sự hiên diện kỳ diệu ấy,và tha thiết xin Người trợ giúp. Những gia đình tan vỡ vì không biết, hay không kết hợp với ơn trợ giúp của Chúa Giêsu, trong khi Người vẫn ở đó, Người chưa bỏ tiệc ra về.
Và Mẹ Maria, chúng ta không thể thiếu Mẹ trong mỗi cuộc đời chúng ta. Mẹ luôn lo lắng cho ta từ lúc lọt lòng đến khi trưởng thành xây dựng hạnh phúc gia đình…,và mãi mãi. Mẹ lo cho chúng ta từ miếng cơm manh áo. Trong tiệc cưới hôm nay, Mẹ không còn là khách dự tiệc mà như người mẹ ,người bà lo cho con cháu. Người sắn tay vào công việc: Khi thấy hết rượu Mẹ nói khéo với Đức Giêsu: “ Họ hết rượu rồi.” Và biết rõ tính cách của con mình, lập tức Mẹ bảo gia nhân: “ Hãy làm những gì Người bảo”
Phép lạ Cana là dấu chỉ đầu tiên, tiêu biểu, nơi mà vận mệnh, đức tin, phần rỗi của chúng ta tìm được ý nghĩa và ánh sáng. Đó là dấu chỉ của đức tin và cho đức tin. Rượu mới nồng nàn hôm nay là hình ảnh mầu nhiệm của Vị Thiên Chúa của mọi ơn lành. Rượu mới ấy hôm nay ta vẫn còn được uống: đó là Bí tích Thánh Thể mà Giáo hội cử hành hàng ngày cho chúng ta được tham dự.
    Pr.Nguyễn Mai

Suy Niệm VI 
CANA - NƯỚC LÃ THÀNH RƯỢU NGON
Is 62,1-5; 1Cr 12,4-11; Ga 2,1-11
Rượu nào ngon bằng rượu tiệc cưới.
Tiệc nào vui bằng tiệc tân hôn
 Với tiệc cưới, ly rượu hồng mừng cho đôi tân hôn biểu tượng cho tình yêu mãi mãi: hạnh phúc mong đươc luôn thắm nồng như men say. Vâng, trong tiệc cưới, ngoài việc để nâng ly chúc mừng, rượu còn là lễ vật để xin cưới, và rượu như là một trong những điều kiện phải có trong văn hóa cưới hỏi ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Theo tập tục thời Chúa Giêsu ở Do Thái một đám cưới kéo dài từ ba ngày đến một tuần (tiệc cước ba ngày là trường hợp một quả phụ tái giá). Vì thế đám cưới phải được tính toán cẩn thận số lượng rượu tương quan với số khách mời kẻo bị thiếu hụt thì ý nghĩa của tiệc cưới sẽ không còn.
Tại tiệc cưới Cana có sự hiện diện của Đức Giêsu và Mẹ Maria cùng các môn đệ, giữa lúc thượng khách, bạn bè, họ hàng nâng ly rượu mừng cho đôi tân hôn được trăm năm hạnh phúc thì hết rượu. Gia đình cô dâu chú rể không biết làm sao để tìm một giải pháp khẩn cấp vì “cầu vượt cung, rượu đã hết”, tình thế thật gay go!!!
Nguy cho bữa tiệc bị đổ vỡ vì hết rượu, niềm vui chúc phúc cho đôi bạn trẻ bị tan theo mây khói; nguy cho hạnh phúc gia đình của đôi bạn trẻ bị người đời xì xầm: “ngày cưới thiếu rượu, hạnh phúc còn đâu... “.
Thật là một tai hoạ bất ngờ, chủ tiệc vô cùng bối rối và khó xử, làm sao để ly tiếp tục đầy rượu và mọi người nâng ly với lời chúc mừng không bị đứt đoạn vì hạnh phúc của đôi trẻ và vì danh dự của gia đình cô dâu chú rể. Bằng sự nhạy cảm và lòng thương yêu của tình mẫu tử, Mẹ Maria nhận ra được tình thế gay go ấy và mạnh dạn thưa với Chúa Giêsu: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2, 3). Một câu nói ngụ ý nài xin kín đáo, một sự chia sẻ nỗi lo cho gia đình đang có tiệc cưới. Dù câu trả lời của Đức Giêsu có vẻ lạnh lùng: “Việc đó có can chi đến tôi và bà…” (Ga 2, 4). Nhưng Mẹ Maria vẫn hoàn toàn tin tưởng vào Con Mẹ sẽ làm một điều gì đó, nên nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).
Quả thật, Chúa Giêsu có bảo và các người giúp việc đã làm….
Theo lệnh của Chúa Giêsu sáu cái chum được đựng nước, mỗi cái chứa từ 80 đến 120 lít. Như thế tất cả có khoảng từ 500 đến 700 lít.   Chúa Giêsu khiến tất cả nước lã trong sáu chum ấy biến thành rượu ngon. Đối với người Do Thái, con số 7 là con số đầy đủ và trọn vẹn. Cho nên  số 6 là chưa đầy đủ, không toàn vẹn. Sáu cái chum đá đựng nước tiêu biểu cho toàn thể những cái bất toàn, thiếu thốn được thay vào đó bằng thứ rượu mới thơm ngon là sự trọn vẹn tình yêu, nồng thắm sức sống mới.
Rượu tràn trề thơm ngon, đến quản lý tiệc phải ngạc nhiên. Đức Giêsu đã biến nước lã không mùi vị thành rượu thơm nồng để mọi người tiếp tục với ly rượu nồng.
Thật thế, tiêc cưới tại Cana
Nước lã hóa rượu thơm ngon
Vui say thực khách, phúc đầy thiên ân
Lúc này, ly rượu thơm ngon hơn bao giờ hết: “Khi người quản tiệc gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ” (Ga 2,10). Với phép lạ nước hóa thành rượu, Đức Giêsu biểu lộ sự cần thiết của rượu trong tiệc cưới để tô thắm tình nồng cho đôi tân hôn: “ tình yêu không thể nhạt như nước lã, mà phải luôn nồng thắm như rượu ngon”. Không chỉ cho cô dâu chú rể, nước hóa thành rượu còn thể hiện tình nghĩa của khách đến dự tiệc, những tấm lòng vun trồng bền vững của hôn nhân qua sự tham dự và lời chúc mừng.
Khi can thiệp để nước hóa thành rượu, Đức Kitô đã chúc lành cho đôi tân hôn, và tình yêu kết hợp của hôn nhân qua sự hiện diện và chúc lành của Ngài sẽ thành Bí tích ngàn đời bền vững thủy chung. Người hiện diện trong sự kết hợp hai người nam nữ thành gia đình và đảm bảo cho sự che chở của Ngài như sự hiện diện của Ngài tại tiệc cưới Cana: hết rượu, rượu lại tràn trề….
Vâng, đôi vợ chồng tại Cana ngày xưa, cũng như nhiều gia đình hôm nay đang yêu nhau tha thiết, nhưng tình yêu của họ sẽ kéo dài được bao lâu? Phải chăng ly rượu mừng sẽ hết khi những bất hòa xảy ra, bất trắc của tình vợ chồng nảy sinh và sự bất trung giao ước hôn nhân thật đáng sợ xuất hiện, đó là lúc “Họ hết rượu rồi”. Tình trạng rượu không còn cũng có nghĩa là gia đình họ đang gặp đau khổ, có nguy cơ tan rã. Hạnh phúc của họ cũng có thể như rượu đang nửa chừng thì hết, tình yêu của họ cũng sẽ sớm khô cạn, thiếu mặn nồng của men hạnh phúc ngày nào. Chúa Giêsu hiện diện, Ngài hiện diện như là rượu mới thơm ngon của Tình yêu sẽ không hề cạn, và Ngài muốn các quan khách chia vui và cùng đôi tân hôn cạn ly rượu nồng vĩnh cửu đó. Trong ly rượu nồng thắm mà Ngài vừa làm phép lạ từ nước lã, Ngài muốn xây dựng sự trung thành của Bí tích hôn nhân, để chồng và vợ cùng đồng lòng: khi thịnh vương cũng như lúc gian nan, khi đau ốm cũng như lúc mạnh khỏe… để họ luôn giữ lòng chung thủy trong suốt đời hôn nhân.
Cuộc sống gia đình hôm nay với những hoàn cảnh do xã hội đẩy đưa làm cho hạnh phúc hôn nhân rất khó khăn để được bền vững. Khi mới cưới về, tình yêu vợ chồng thắm nồng như ly rượu tân hôn. Nhưng chẳng bao lâu sau, rượu nhạt - tình phai, thậm chí là thiếu rượu.
Đời hôn nhân gặp nhiều sóng gió,
Bao âu lo, khốn khó trong đời.
Như đôi tân hôn trẻ tại Cana, chúng ta mời Đức Giêsu và Mẹ Maria đến dự tiệc cưới trăm năm là đời sống gia đình của mỗi người. Mỗi khi những thử thách khó khăn, sóng gió hôn nhân nổi lên, như bên tiệc cưới Cana, ngày nay, Mẹ vẫn nói nhỏ bên tai Chúa: “Họ hết rượu rồi”. Để Đấng Mêsia, rượu tình muôn thuở sẽ làm cho bao mối tình đang nhạt phai được trở nên nồng thắm và tràn đầy tin yêu. Để rượu tình yêu vĩnh cửu giúp cho bao gia đình thiếu vắng tình yêu được củng cố và hòa thuận yêu thương. Để men rượu tình không hề phai làm cho bao tâm hồn đang chao đảo giữa thử thách được giữ vững niềm tin và hy vọng.
Một em bé gái mới lên năm, vừa cùng mẹ đọc kinh trước khi ăn cơm. Mẹ em thường ứng khẩu những lời kinh nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến, xin hãy nên vị khách quý của bữa cơm hôm nay”. Bà cầu nguyện chưa xong, thì bỗng em bé nhìn mẹ và nói: “Nhưng thưa mẹ, con không muốn Chúa Giêsu làm người khách của chúng ta”. Bà mẹ hoảng hốt hỏi lại: “Tại sao lại thế”?. Em bé trả lời: “Vâng, thưa mẹ, nếu là người khách, Chúa chỉ đến một vài lần thôi. Con muốn Chúa Giêsu đến đây và ở lại luôn mãi với chúng ta” (Knight).
Hãy nhờ Mẹ chuyển lời cầu xin và đón Chúa cùng Mẹ đến trong cuộc đời chúng ta... Nhờ Mẹ cầu bầu, Chúa lại sẽ làm phép lạ để cho rượu yêu thương trong gia đình chúng ta được đầy tràn…
Như Chúa  viếng thăm các gia đình,
Gian nan khốn khó Ngài cảm thông
Ca - na nước thành rượu thơm
Gia đình hạnh phúc thắm nồng tình yêu…
 
Lm. Vinh Sơn, Sài Gòn 16/01/2016
 
Nhiều tác giả
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log