Thứ năm, 09/01/2025

Các Bài Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III TN - C

Cập nhật lúc 15:43 22/01/2016
“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4, 21)
Suy Niệm I
“Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh”

 
Vào một ngày Sa-bát, ngày cầu nguyện của người Do-thái, Chúa Giêsu vào nguyện đường Na-gia-rét. Hôm đó có rất nhiều người tới dư:
- Người thì đã biết tin bài giảng của Chúa Giêsu thu hút rất nhiều thính giả trong toàn xứ Galilêa,
- Kẻ thì nghi ngờ về con người Giêsu này, con bác thợ mộc, không học Thần học Kinh Thánh gì cả, lại có khả năng về Kinh Thánh thành thạo được sao? Và họ đã tò mò đến để xem.
- Người khác thì đến đây theo như mọi khi do lòng đạo đức thuần tuý, có hoặc không có Chúa Giêsu tới dự cũng không có gì là khác thường.
Theo thường lệ, người phụ trách cộng đoàn phải yêu cầu một trong những người tới dự đọc một đọan kinh Thánh. Chúa Giêsu đã không chờ đợi để mình được đọc. Nhưng đám đông rất mong Ngài đọc để xem như thế nào. Và Ngài đã chấp nhận lên bục giảng. Ngài mở sách. Ngài dựa vào một đoạn Kinh Thánh đã được Linh hứng, nhưng do con người viết. Ngài đọc cách cung kính và chìm mình vào sứ điệp của Tiên Tri. Người ta thấy Ngài im lặng một lát sau khi đọc và cũng là để mỗi người trong cộng đoàn suy ngắm điều gì đánh động mình nhất. Đoạn sách Ngài đọc là của tiên tri Isaia, mô tả chương trình vĩ đại của Thiên Chúa phải được thực hiện qua Đấng Mêsia.
Có lẽ Chúa Giêsu nói với các thính giả: “Xin quý vị đừng trông chờ một Đấng Mêsia đến để đánh đuổi quân xâm lược Rôma và làm cho Israel trở thành một vương quốc hùng mạnh như thời đại của Salomon. Nhưng là Đấng Mêsia đến để loan báo tin mừng cho người nghèo khó, giải phóng cho những người bị áp bức, mở mắt người mù. Vâng, quý vị thấy điều mà tiên tri Isaia nói: những người thuộc về Thiên Chúa là những người khiêm nhường, bé nhỏ, nghèo khó, bị bắt bớ,bệnh tật và các tội nhân.”
Và sau đó Chúa Giêsu nói tiếp: “Đoạn Kinh Thánh hôm nay đã được thực hiện. Hay nói cách khác: điều mà các tiên tri loan báo hôm nay được thực hiện. Đối với quý vị, quý vị nhận thấy rằng người mù được thấy ánh sáng, người nghèo được rao giảng tin mừng và các con tim được giải phóng. Tất nhiên, đây không phải là một cuộc giải phóng vĩ đại về vật chất cũng như chính trị mà quý vị trông đợi. Nhưng chính là sự giải phóng mà tiên tri loan báo: giải phóng con tim, thăng tiến kẻ khiêm nhường và đau khổ”.
Ngài cũng có thể nói: “thời đại của giao ước cũ đã chấm hết. Đây là giao ước mới. Giao ước mới chính là thực hiện Tin Mừng một cách hữu hiệu. Ơn cứu độ con người được bắt đầu và sẽ hoàn thành vào ngày tận thế, nhưng ơn cứu độ đó đang ở giữa chúng ta và tuỳ thuộc vào mỗi người nếu điều mà chúng ta nghe đang được thực hiện.”
Thánh Thần Chúa ngự trên tôi”. Giáo Hội của Chúa suốt chặng đường dài trên 2000 năm nay vẫn luôn được Thánh Thần ngự trị, và vì thế Giáo Hội vẫn luôn bám chặt Chúa cho dù gặp nhiều phong ba bão táp của lịch sử. Có cơ chế chính trị nào trên trần gian này bền vững được như Giáo Hội? Giáo Hội bền vững được như vậy chính là vì trung thành với Lời Chúa: “mang Tin mừng cho người nghèo khó, loan truyền sự giải phóng cho kẻ bị giam cầm”.
Mỗi người Kitô chúng ta khi đọc Lời Chúa có thể nói được như Chúa Kitô đã nói trong Tin Mừng Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh không? Lời Kinh Thánh không phải chỉ gửi đến cho các tông đồ xưa kia, cho các tu sĩ, mà là cho chính bản thân chúng ta. Đừng bao giờ để cho Lời Chúa đi qua mà không sinh lợi ích gì cho chúng ta.
Tết sắp đến rồi, chúng ta vẫn có thói quen tốt đi lễ đầu năm để hái Lộc xuân Lời Chúa, chúng ta có hăng hái thực hiện Lời Chúa mà chúng ta đã hái được không? Hay là hái Lời Chúa để rồi vứt bỏ vào sọt rác mà không treo lên trong nhà để nhớ mà thực hiện?
Chính hôm nay Chúa nói với mỗi người chúng ta khi chúng ta cầu nguyện: “khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin…”
Chính hôm nay Chúa nói với mỗi người chúng ta và nhất là với những người có trách nhiệm trong họ đạo, trong cộng đoàn và trong giáo xứ: “chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian”.
Chính hôm nay Chúa nói với mỗi người chúng ta khi trong gia đình hoặc trong cộng đoàn chúng ta có điều bất hoà:phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”.
Và chính hôm nay, cộng đoàn chúng ta nói với Chúa bằng bài hát:
Xin cho con biết lắng nghe lời Ngài dạy con trong cuộc sống. Xin cho con biết lắng nghe Lời Ngài từng theo bước đời con. Cho môi con thắm nét cười Lời Ngài được đem cho thé giới. Cho đôi tay sáng ơn trời, trọn vẹn hành lý cho ngày mai. Lời Ngài là sức sống của con. Lời Ngài là ánh sáng đời con. Lời Ngài làm chứa chan hy vọng, là đường để con hằng dõi bước. Lời Ngài đượm chất ngất niềm vui. Trọn vẹn ngàn tiếng hát đầy vơi. Lời Ngài đổi mới cho cuộc đời. Lời Ngài hạnh phúc cho đời ai.

Lm. Gioan Đăng Văn Nghĩa

*********
Suy Niệm II
“Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh”
 
Hôm nay tại nguyện đường Nagiarét, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta tính xác thực của Lời Chúa. Chúng ta thường đưa ra những thắc mắc: không biết bài Kinh Thánh này có thật hay không, hoặc bài Kinh Thánh này khó hiểu quá. Tốt hơn cả, là chúng ta hãy đặt thẳng vấn đề: Lời Chúa hôm nay có trở nên thực tế trong đời sống hằng ngày của tôi không?
Sau khi đọc bài của tiên tri Isaia, một bài đọc cổ điển từ nhiều thế kỷ trước, Chúa Giêsu nói thêm một câu đơn giản: “Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh”. Có nghĩa là đoạn kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe đọc hôm nay trở nên hiện thực: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng tin mừng cho người nghèo khó…”
Chúa Kitô làm cho Kinh Thánh trở nên sống động và hiện thực ngay hôm nay.. Người xích lại gần với người nghèo, với kẻ tội lỗi, chữa các bệnh nhân, làm cho những ai bị đặt ngoài lề xã hội được trở về với cộng đoàn, cho người mù được thấy, loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Đó là ngày hôm nay của Thiên Chúa.
Còn chúng ta thì sao? Bài Tin Mừng hôm nay có thể được ứng nghiệm trong đời sống của chúng ta không? Thánh Thần Chúa có thể giúp chúng ta rao giảng tin mừng: giải phóng những tù nhân ma túy, rượu chè, cờ bạc; thăm viếng các bệnh nhân và những người cô thế cô thân; trao lại cái nhìn cho những người bị sa sút tinh thần hoặc bị áp bức không?
Chúa Kitô  cho chúng ta một tấm gương sáng chói về vấn đề “hôm nay của Lời Chúa” trong dụ ngôn người Samaritanô nhân lành. Một luật sư hỏi Chúa Giêsu: “Ai là anh em tôi”? Chúa Giêsu không định nghĩa thế nào là người anh em lý tưởng, Người kể cho luật sư đó dụ ngôn người Samaritanô nhân lành. Chúa khẳng định người anh em chính là người gần với một người khi cần thiết…Như vậy người anh em không phải là người đã bị đánh trọng thương bên lề đường, nhưng là người  gần người khác và đến giúp đỡ người đó. Tôi có thể trở nên người anh em của một ai đó khi tôi gần họ? Và Chúa Giêsu kết thúc câu chuyện bằng cách nói với luật sư đó: “Anh hãy đi và làm như vậy”. “Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh”.
Chúng ta đang sống trong thế giới hoài nghi và vỡ mộng, cần phải làm cho Lời Chúa sống động và hiện thực. Làm cho Lời Chúa trở nên sống động và hiện thực có ý nghĩa hơn nhiều là cứ tranh luận về những tính xác thực của các bài Tin Mừng, mặc dù tính xác thực này là rất quan trọng và cần thiết.
Nếu đọc tiếp câu chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình, chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu thế nào đối với người phụ nữ đó. Người nói: “Ai sạch tội thì hãy ném đá người này trước đi”! Chúng ta sẽ lánh xa đám đông tụ tập làm hại, nói xấu hoặc vu khống, làm mất thanh danh của người khác.
Nếu đọc tiếp dụ ngôn người con trai hoang đàng, chúng ta chấp nhận thay đổi con tim chai đá của chúng ta thành con tim thịt và đáp trả lời mời gọi của người Cha vào phòng tiệc để chúng ta giao hòa với đứa em đã mất và nay được tìm thấy.
Thông thường khi đi lễ, chúng ta nghe những bài đọc sách thánh như có vẻ buồn chán. Có thể là vì chúng ta nghĩ rằng những bài đọc này chỉ phù hợp cách đây trên hai hoặc ba ngàn năm mà thôi. Nhưng trong thực tế, Lời Chúa gửi đến cho chính chúng ta và giải thích cho chúng ta hôm nay. Lời Chúa luôn trở nên cho chúng ta như đã trở nên cho người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp: “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.
Mẫu gương của Chúa Giêsu tại nguyện đường quê hương Người mời gọi chúng ta hôm nay cũng hãy làm cho Lời Chúa trở nên sống động và hiện thực trong đời sống chúng ta. Lời Chúa là ngọn đèn soi cho chúng ta bước, vì Chúa đã nói: “Thầy là Đường, là sự Thật và là sự sống”. Người đã tạo dựng trời mới đất mới. Ước gì mỗi người chúng ta có thể nói được rằng: Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh.
Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với Giáo Hội Chúa luôn mãi! Nhờ sự dịu dàng của Thần Khí Chúa, ước chi Giáo Hội loan báo Tin Mừng nhưng đừng bao giờ bẻ gãy cây lau đã giập và dập tắt tim đèn còn khói…
Ước chi Giáo Hội là ánh sáng cho mọi quốc gia, dấu chỉ của Giao Ước Chúa với tất cả mọi người. Ước chi Giáo Hội là một mảnh đất Hy Vọng cho tất cả những ai còn bị giam tù trong bóng tối sợ hãi, buồn phiền, ghét ghen và ngục tù của tội lỗi.
Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với Giáo hội Chúa luôn mãi! Ước chi Giáo Hội Chúa đầy sức mạnh của Thần Khí Chúa! Ước chi Giáo Hội luôn làm điều tốt nhân danh Tình Yêu Chúa giữa mọi người. Ước chi Giáo Hôi luôn làm rạng ngời sự Thánh Thiện của Chúa. Ước chi Giáo Hôi biến đổi vũ trụ này thành một Đền Thờ mà tất cả mọi người đều hát mừng Vinh Quang Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại với Giáo hội Chúa luôn mãi! Ước cho Giáo Hội là một điểm tập hợp tất cả những ai tìm kiếm Chúa. Ước chi Giáo Hội nói được như Chúa nói hôm nay: Hôm nay ứng nghiệm Lời Kinh Thánh. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

*********
Suy Niệm III
Ngài Xức Dầu Cho Tôi, Sai Tôi Đi…
(Lc 1, 1-4; 4, 14-21)

 
Tiếp tục sứ vụ công khai của mình là đi rao giảng Tin Mừng, chữa lành những người ốm đau bệnh tật, xua trừ ma quỉ, kêu gọi người ta hoán cải, hoàn tất lời các tiên tri đã loan báo: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc 4, 21).
Sau khi tỏ mình ra dần dần bằng các phép lạ tại Cana (x. Ga 2,1-12), Galilêa và Giêrusalem (Ga 2, 23). Chúa chọn thêm một số môn đệ, rồi cùng với các ông trở về Capharnaum,Người bắt đầu giảng dạy tại đây. Ngày Sabát đầu tiên Chúa vào hội đường Nagiarét đọc sách và giảng dạy ở đó, khiến mọi người chăm chú lắng nghe và không ngớt lời ca tụng  (Lc 1, 1-4).
Được Chúa Cha xức Dầu và sai đi
Lời của ngôn sứ Isaia được Chúa Giêsu công bố trong hội đường áp dụng vào chính bản thân mình :"Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối... trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng" (Lc 4, 14-18). Như thế, Chúa Giêsu loan báo thời lưu đày của dân Israel tại Babylon sẽ chấm dứt, khởi đầu một thời kỳ hoàn toàn mới, thời Đấng Cứu Thế xuất hiện, thời Đấng Mêsia là chính Người.
Nghe có vẻ đơn sơ, nhưng thật trang trọng, những lời tiên tri ấy áp dụng vào Chúa Giêsu một cách rất tự nhiên: "Hôm nay đã ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe" (Lc  4, 21). Chúa Giêsu chính là hiện thân lòng thương xót của Chúa Cha, được Chúa Cha xức Dầu và sai xuống trần gian để thể hiện lòng xót thương qua việc giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và đưa con người trở về với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Giêsu nhằm mang hạnh phúc, niềm vui, sự sống và tình yêu của Thiên Chúa đến cho loài người. Sứ vụ của Chúa Giêsu là sứ vụ thần linh, thần linh hoá nhân loại, cho nhân loại được chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, được trở nên con cái của Thiên Chúa trong Thần Khí. Người không được sai đến với những ai tự phụ, tự mãn, cho rằng mình đã đầy đủ, nhưng là đến với những người thấy mình là phận nhỏ, thiếu thốn trăm bề, cả hồn lẫn xác. Cuộc lưu đày ở Babylon, rồi được trả tự do, cho hồi hương của Dân Chúa là một dấu chỉ, một hình ảnh tượng trưng nói lên ý định lớn lao của Thiên Chúa là cứu độ và giải thoát con người khỏi ách tù đày nô lệ tội lỗi và sự chết.
Như thế, khi áp dụng những lời sấm của tiên tri Isaia vào bản thân mình, Chúa Giêsu tự mô tả về con người và sứ mạng của mình, bằng những từ ngữ đơn sơ nhưng rất uy nghi, đến nỗi dân chúng nín thở, hồi hộp, lắng nghe. Thánh Luca nói: "Mọi người trong Hội đường đều chăm chú nhìn Người"(Lc  4, 20). Cung cách dạy dỗ của Người hoàn toàn khác với các thầy dạy luật mà họ đã quen bấy lâu nay. Đúng là một Tin Mừng làm nức lòng họ, đem đến cả một bầu trời hy vọng và tự do.
Giáo hội đươc sai đi công bố Năm Thánh
Nếu như Chúa Giêsu được Chúa Cha xức Dầu hoan lạc trong Thánh Thần, sai đi vào dòng đời để cứu vớt những kẻ cơ hàn, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho biết bao con người, khai mở năm hồng ân để thi ân giáng phúc cho nhân loại, thì đến lượt mình, Người cũng trao lại sứ mạng đó cho Giáo hội: "Như cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em"(Ga 20,21). Giáo hội cũng được xức dầu như Chúa Kitô và được sai đi. Người cũng ban tràn đầy Thánh Thần cho Giáo hội: "Hãy nhận lấy Thánh Thần" (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần là linh hồn của sứ mạng Giáo hội, là Chúa Giêsu nối dài, tiếp nối mầu nhiệm nhập thể và sứ vụ của Chúa Giêsu đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.
Ngày hôm nay, chúng ta, những người đã chịu phép Rửa Tội và đã được xức Dầu, đang ở trong giai đoạn đầu của Năm Thánh Lòng Thương Xót, Năm Hồng Ân đặc biệt, Năm mà chúng ta được mời gọi hãy thương xót và tha thứ như Cha trên trời. Giáo hội muốn con cái mình cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, trung thành sống và thực hành giáo huần của Đấng giầu lòng thương xót. Đây là dịp tốt để mỗi người cùng với Chúa Giêsu lặp lại những lời của tiên tri Isaia được công bố trong Phúc Âm như sau: "Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi..." (Lc 4, 18).
Người Kitô hữu được truyền phải sống Năm Thánh
Như thế, chúng ta được xức Dầu khi chịu Phép Rửa tội và Phép Thêm Sức, được "thánh hiến" cho Thiên Chúa và được sai đi loan báo Tin Mừng. Sống đạo là bước theo Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trên con đường yêu thương hiếu thảo đối với Chúa Cha, con đường yêu thương tự hiến cho tha nhân, con đường trở nên hoàn hảo trong tình yêu. Rập khuôn thầy Giêsu, điều đó chúng ta không làm nổi, nhưng với khả năng Chúa ban, chúng ta đủ sức thực thi những việc tha nhân đang cần bằng tất cả đời sống.
Thế giới ngày hôm nay đang vơi cạn tình yêu, và tha thứ, khiến cho hận thù cũng như bạo lực leo thang từ phạm vi gia đình đến quốc tế làm cho người già và trẻ em bị bỏ rơi. Vì thế, Lời Chúa hôm nay rất thiết thực đối với mỗi người. Vậy: 
Hãy là đôi chân cho người già yếu, giúp họ đến nhà thờ, đi thăm bà con. 
Hãy là đôi tai cho những bạn trẻ đang mong bạn lắng nghe những nỗi lòng của họ.
Hãy là tin mừng cho người đang u sầu bằng những lời chia sẻ ủi an, khích lệ khôn ngoan. 
Và hãy đem ánh sáng cho những ai đang lầm đường lạc lối, bằng sự hướng dẫn ân cần đầy thương yêu. 
Với ước mong những kẻ nghèo hèn và những người bị áp bức được chúng ta yêu thương, nhất là liên đới với những kẻ khốn cùng và quảng đại sống đời bác ái yêu thương họ là chúng ta thi hành sứ mạng người Kitô hữu của mình, những người được xức Dầu. Có thế, Năm Thánh Lòng Thương Xót mới thật ý nghĩa đối với người chúng ta. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

*********
Suy Niệm IV
LỰA CHỌN ƯU TIÊN VÌ SỨ VỤ
 (Nhm 8,2-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,11-4 ; 4,14-21)
 
Vào năm 1969, Dòng Chúa Cứu Thế có chương trình truyền giáo tại Miền Thượng của các tỉnh Cao Nguyên - Việt Nam. Vì thế, một số linh mục đã khởi hành từ Sài Gòn, các ngài tiến về Tòa Giám Mục Kontum theo đường quốc lộ 14. Khi đến nơi, các cha chào thăm Đức giám mục Paul Léon Seitz Kim và bày tỏ ước nguyện muốn dấn thân cho vùng truyền giáo nơi đây. Đức giám mục vui mừng đón nhận tâm nguyện cao quý của các cha. Sau khi trò chuyện thân tình, ngài dẫn các thừa sai đi trên một chiếc xe tới vùng truyền giáo. Đến nơi, Đức cha đọc đoạn Tin Mừng theo thánh Luca 10, 1-11 nói về việc Đức Giêsu sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Đọc xong, ngài làm dấu 4 hướng và chỉ cho các cha thấy vùng đất rộng lớn, mênh mông, bao la và chính thức sai các ngài đi loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh em dân tộc nơi đây (x. Thường huấn các bề trên liên Dòng mến Thánh Giá 2015).
Sau gần 20 năm, Chúa đã ân thưởng bằng việc ban cho các ngài có một mùa bội thu với cả ngàn người xin theo đạo.
Nhờ đời sống gương sáng, nhất là lòng thương yêu người nghèo, giúp đỡ người cô thế cô thân, bênh vực người bị áp bức…nên những anh chị em dân tộc nơi rừng núi Tây Nguyên này đã nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu và tin theo.

1. Sứ mạng của Đức Giêsu.
Hôm nay, thánh sử Luca trình thuật cho chúng ta biết: nhân dịp thuận tiện, Đức Giêsu trở về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình để thăm quê hương. Vì là Con Thiên Chúa, nên Đức Giêsu rất yêu mến, quý trọng Hội Đường là nơi tôn thờ Cha của mình. Bởi vậy, Ngài thường xuất hiện nơi đây vào những ngày Sabát để tham dự giờ Kinh Thánh. Tuy nhiên, lần này Đức Giêsu trở về quê hương, Ngài vào Hội Đường trong tư cách là Đấng Mêsia và chính thức công bố chương trình hoạt động, những lựa chọn ưu tiên cũng như đối tượng mà Ngài nhắm đến trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
Tất cả những gì Đức Giêsu đọc thấy trong Sách Thánh hôm nay thì đã được tiên tri Isaia loan báo trong thời Cựu Ước, vì thế: “Hôm nay ứng nghiệm nơi Ngài”.
Ứng nghiệm, bởi vì: Đức Giêsu được chính Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong, trở thành Đấng Kitô của Thiên Chúa. Ngài là vị lãnh đạo tôn giáo, đến để giải thoát con người cách toàn diện cả tâm linh lẫn thể xác, cá nhân đến xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo, đó là: chân lý, công lý và tình thương (x. Mt 23,23).
Về tâm linh, Đức Giêsu đến để giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, đem lại cho nhân loại sự tự do trong ân sủng. Vì thế, thánh Phaolô viết:  “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13).
Về mặt thể xác,  Đức Giêsu đứng về phía người nghèo để yêu thương, nâng đỡ và bảo vệ khỏi bị tấn công bởi sự bất nhân, ích kỷ của con người và loan báo cho họ biết gia tài, kho báu, niềm vui và hạnh phúc đích thực của họ ở nơi Thiên Chúa.
Về mặt xã hội, Ngài đến để thiết lập triều đại mới, triều đại của ân sủng và tình thương, của công lý và sự thật, đồng thời mời gọi mọi người hãy sáp nhập vào nước đó để được tự do và được sự sống đời đời làm gia nghiệp.

2. Sứ mạng của Giáo Hội
Sứ mạng ấy không chỉ dừng lại nơi Đức Giêsu, mà: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian”(Ga 17,18); và: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15).
Thật vậy, “Truyền giáo là một ân sủng, ơn gọi xứng hợp, và là căn tính sâu xa nhất của Giáo Hội” (Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 14). Vì thế: “Giáo Hội vẫn sẽ tiếp tục là một Giáo Hội truyền giáo trong tương lai, bởi vì đặc tính truyền giáo thuộc về bản chất của Giáo Hội”  (Gioan Phao lô II, Thông điệp Tertio Millennio Adveniente, năm 1994, số 57). Đây là nguồn gốc, căn nguyên và sứ mạng chính yếu của Giáo Hội. Giáo Hội không thể đứng nhìn và an tâm bởi những gì đã đạt được, nhưng Giáo Hội luôn luôn mang trong mình mọi thành phần, để cũng cùng một sứ vụ như Đức Giêsu, đó là: giải thoát con người khỏi ách thống trị của tội lỗi, đem lại cho nhân loại một nền hòa bình trong công lý và tình thương, xây dựng một xã hội mang đậm dấu ấn yêu thương, bác ái.
Bao lâu còn người nghèo, bấy lâu sứ mạng còn cấp bách; bao lâu còn gian dối lọc lừa, Giáo Hội có trách nhiệm lên tiếng và thanh tẩy để nó trong sáng hơn; bao lâu con người còn thất vọng, Giáo Hội sẽ loan báo và trả lời những chất vấn về niềm hy vọng của nhân loại hôm nay (x. 1 Pr 3, 15).
Nếu Giáo Hội không lựa chọn người nghèo, không tiến ra chỗ nước sâu mà thả lưới, không vượt ra khỏi vỏ bọc an thân để đi đến những vùng ngoại vi, thì Giáo Hội vẫn chỉ trơ trơ như một cái máy, hay như con rô bốt không hồn!
Nếu Giáo Hội không lựa chọn ưu tiên vì sứ vụ như Đức Giêsu, thì một lúc nào đó, nhân loại sẽ không cần đến Giáo Hội vì Giáo Hội chỉ là một thể chế công chức xã hội thuần túy. Và, lẽ đương nhiên, nhân loại không còn tin tưởng Giáo Hội nữa, vì đã thất trung, bội ước với Đấng sáng lập nên mình!
Thật vậy, Giáo Hội sẽ mất đi bản chất nếu không rập đời sống và hoạt động của mình theo khuôn mẫu của Thầy Giêsu. Bởi lẽ: “Nếu Giáo Hội đi với kẻ có quyền, người ta sợ; đi với người giàu có, người ta khinh bỉ; nhưng đi với người nghèo thì được cả hai đối tượng trên và được tất cả mọi sự”.

3. Sứ mạng của chúng ta
Từ sứ mạng của Đức Giêsu, rồi đến sứ mạng của Giáo Hội và tới sứ mạng của mỗi chúng ta như một mạch liền lạc không thể tách rời. Tuy nhiên, điều chúng ta đặt ra, đó là: làm tông đồ bằng cách thế nào? Đức Phaolô VI đã vạch ra cho chúng ta một tiêu chuẩn để làm chứng cho Chúa, đó là:  “Người thời nay thích nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, bởi vì thầy dạy cũng là chứng nhân”. Đúng thế, lời dạy dỗ không hấp dẫn và thuyết phục bằng chứng tá vì người ta thường nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.
Lời nhắn nhủ của đức giám mục trong Thánh lễ phong chức linh mục muốn nhắc cho các mục tử về vai trò chứng tá. Tuy nhiên, lời nhắn gửi này có thể hiểu rộng cho mỗi người Kitô hữu, vì theo nghĩa phổ quát, mỗi chúng ta đều là mục tử vì được tham dự vào chức Tư Tế của Đức Giêsu ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Đức giám mục khuyên: các con “hãy tin vào điều con đọc. Hãy giảng điều con tin. Và hãy thực hành điều con giảng dạy”.
Mong sao lời đó sẽ được mỗi người suy đi và nghĩ lại trong lòng, để trở nên chứng tá của tình yêu Thiên Chúa trong lòng xã hội hôm nay!
Được như thế, Thiên Đàng không chỉ tại Thiên mà đã ở giữa nhân loại ngay trong giây phút hiện tại.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con ý thức được sứ mạng của mình, đồng thời, biết noi gương Chúa để loan báo Tin Mừng cho con người cách toàn diện, ngõ hầu nhân loại này được an vui, hạnh phúc và bình an khi được sống trong tình yêu, công lý và sự thật. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
*********
Suy Niệm V
ĐẾN VỚI NGƯỜI NGHÈO
( Lc 1,1- 4 , 4, 14-21 )
 
Mở đầu Tin Mừng, thánh Luca cho chúng ta biết một cách xúc tích về cách thức biên soạn cũng như mục đích của sách Tin Mừng. Theo đó, ngài đã nghiên cứu một cách cẩn thận những điều người viết ra phần lớn để gửi cho dân ngoại, mà đại diện là ông Theophilê, nhằm khẳng định tính khả tín, tính chân thật của giáo huấn. Sau khi chịu phép rửa và vào sa mạc 40 ngày để chịu cám dỗ, giờ đây Chúa Giêsu trở về Galilê để bắt đầu khai mạc sứ vụ rao giảng. Ngài đến quê hương Nagiarét, vào hội đường để giảng dạy. Tại đây, lời ngôn sứ Isaia loan báo về Người đã được ứng nghiệm.
Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng ở Nagiarét. Ngài tuân thủ sít sao các trình tự của thời ấy. Nhưng thay vì qui hướng về quá khứ theo lối bình giải cũ, Người thay đổi hoàn toàn cung điệu: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”. Cái mới của Đức Kitô  bùng lên ở điểm này. Trong Người lời công bố và việc thực hiện hoàn toàn trùng khớp với nhau. Chúa Giêsu tỏ mình là một ngôn sứ, và thậm chí là vị ngôn sứ tiêu biểu. Ngài không phải là phát ngôn viên của Thiên Chúa, mà chính Người là Lời của Thiên Chúa. Phần tiếp theo trong văn bản cho ta thấy phản ứng mạnh mẽ của dân chúng đi từ ngạc nhiên đến việc loại trừ. Lời tiên tri trở thành một hiện thực…Ân sủng của Thiên Chúa đã được trao ban, và cần được đáp trả. Việc giải thích nhường chỗ cho việc áp dụng. Và thánh Luca là một chuyên viên về vấn đề này, bởi vì Phúc Âm của thánh nhân được nối dài bằng sách Công Vụ Tông đồ. Đó là một lời mời gọi phải cấp bách biến lời nói thành hành động (Jacky Marsaux ).
Có thể nói lời Ngôn sứ Isaia được Chúa Giêsu công bố trước dân chúng Do thái trong Hội đường như là kim chỉ nam hướng dẫn cuộc đời và sứ vụ rao giảng của Người. Chúa Giêsu lãnh nhận Thánh Thần để ra đi rao giảng Tin Mừng. Khởi đầu sứ vụ rao giảng, chúng ta thấy việc ưu tiên của Chúa Giêsu không phải cho những người giầu sang, đạo đức mà chính là cho người nghèo, người bị giam cầm, tật bệnh và áp bức.
Thật vậy Chúa Giêsu  chính là Đấng Mêsia được Thiên Chúa sai đến. Con người và sứ điệp của Người chính là Tin Mừng cho mọi người nghèo. Trong suốt cuộc đời rao giảng chúng ta thấy Chúa Giêsu luôn luôn đến với những người hèn yếu nhất, tội lỗi nhất, sống và chia sẻ những khốn khó với họ để cho họ biết rằng Thiên Chúa luôn yêu thương họ, Thiên Chúa luôn đồng hành với họ.
Thời đại của Người chính là thời đại của ân sủng, thời đại công bố năm hồng ân. Qua Người, Thiên Chúa đã thi ân giáng phúc để giải thoát muôn người. Qua Người, tất cả những ai tin tưởng chạy đến với Thiên Chúa đều được chữa lành, được thứ tha và bình an
Theo gương Thầy chí thánh, mỗi người chúng ta với bí tích Thanh Tẩy - cũng được mời gọi ra đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, đặc biệt cho những người khốn khổ, nghèo hèn. Nếu ngày xưa Thiên Chúa thông ban tình yêu của người cho nhân loại qua Đức Kitô, thì ngày hôm nay Chúa Giêsu cũng dùng chính mỗi người chúng ta để rao giảng tình yêu của Thiên Chúa cho những người bệnh hoạn, tật nguyền, nghèo đói. Ước mong Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta hăng say ra đi loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho thế giới này.
Vâng, một câu hỏi đặt ra : chúng ta làm gì cho Tin Mừng ? Chúa nhật III TN đã đặt chúng ta trong bối cảnh Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng. Chúng ta có thể nói rằng đây là Chúa nhật của Tin Mừng, và do đó là một dịp để suy niệm về các tình cảm và thái độ của chúng ta đối với Tin Mừng, một quyển sách tuyệt vời của Kitô hữu. Chúng ta biết rằng Tin Mừng cho chúng ta biết về một sứ điệp: “Thầy đến để cho các con được sống và sống dồi dào.” Từ đó, mỗi người chúng ta vui sướng để vượt qua những gian khó đời người một cách thanh thản, bình an; và biết chia sẻ tin vui này cho tất cả những người xung quanh.
Vâng, “ Chính hôm nay mà Lời này được thực hiện” và việc loan báo Tin Mừng được dành trước hết cho người nghèo. Qua đó, cùng nhau nhắc lại “những ơn lành của Chúa”, không chỉ trong những thời đã qua, mà còn cho năm mới đang bắt đầu. Tin Mừng không chỉ cho thời kỳ của chúng ta, mà chắc chắn cho mãi mãi…
 “ Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã sức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn...”. Chia sẻ Tin Mừng là chia sẻ tình yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người, nhất là những người nghèo khổ, yếu hèn và lầm lỗi trong thế giới này./.
Pr. Nguyễn Mai
 
 
 
Nhiều tác giả
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log