Thứ năm, 09/01/2025

Suy Niệm Chủ Nhật I Mùa Chay

Cập nhật lúc 07:38 17/02/2016
Chủ Nhật I Mùa Chay
Chúa Giêsu vào hoang địa và chịu cám dỗ
 
Theo Kinh Thánh, từ ngữ cám dỗ không có nghĩa là rủ rê chúng ta phạm tội. Điều căn bản của sứ điệp Kinh Thánh: cám dỗ chỉ có nghĩa là Thiên Chúa muốn đề nghị một Giao ước Tình yêu với con người. Hay nói cách khác cám dỗ có nghĩa là con người có quyền tự do trả lời đối với Tình Yêu biếu không và quảng đại của Thiên Chúa.
 
Như vậy cám dỗ là không thể tránh được trong ý nghĩa của giao ước. Theo ý nghĩa đầu tiên của từ ngữ dothái, cám dỗ có nghĩa là đặt con người vào trong thử thách phải chọn lựa trước lời mời gọi của Thiên Chúa: “Chúa thử thách con người để biết lòng con người”, hay nói một cách chính xác hơn, để con người nhận rõ thực trạng tâm tư của mình. Chỉ trong Tân ước từ ngữ tên cám dỗ được ám chỉ cho Satan trong ý nghĩa là kẻ xúi giục phạm tội.
 
Bài Phúc âm hôm nay đề cập đến cơn cám dỗ có tính dụ dỗ và trong một câu chuyện giản dị nhưng không thể quên. Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy sự khéo léo không thể tin được của quỷ, đồng thời Ngài cũng chỉ cho chúng ta cách thế để vô hiệu hoá nó.
 
Chúng ta hãy cùng nhau xem ma quỉ tinh quái như thế nào trong cơn cám dỗ đầu tiên? Nó nhẫn naị chờ đợi Chúa đến ngày ăn chay cuối cùng. Quỉ chờ đợi cho tới khi Chúa đói lả kiệt quệ. Nó biết sử dụng một kiểu biện luận để đề cao Chúa: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi, vì Ngài biết rõ Thiên Chúa có thể khiến những viên đá này trở thành con cái ông Abraham”. Tất cả những gì mà ma quỉ cám dỗ nói, có một phần nào đó là sự thật. Ngay như khi cám dỗ Adam và Eva, ma quỉ nói: “Nếu ông bà nghe tôi, thì mắt ông bà sẽ mở ra”. Đúng thế, ma quỉ không nói dối, vì ngay sau đó ông bà nhìn thấy mình trần truồng. Nhưng Chúa Giêsu không rơi vào cạm bẫy đó, Ngài trích Kinh Thánh cho hắn biết: “con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bởi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”, “của ăn của Thầy là chu toàn Thánh Ý Cha Thầy”. Ma quỷ không nằn nì nữa. Và phải chịu thua 0-1
 
Tuy nhiên, thua keo này hắn bày keo khác, hắn đưa Ngài lên cao hơn vì hắn biết Ngài nếu là Đấng Mesia, thì sẽ thống trị các quốc gia trên toàn thể cõi đất này. Hắn nói với Chúa: “Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự đó sẽ thuộc về ông”. Đúng vậy, nhưng Đấng Mesia Giêsu lên ngôi vua bằng con đường đổ máu  thập giá. Vì thế, Chúa Giêsu lại một lần nữa trả lời bốp chát đối với hắn bằng cách trích Kinh Thánh: “Ngươi phải kính sợ Chúa là Thiên Chúa ngươi, và chỉ thờ phượng một mình Người mà thôi…”.Thế là quỉ lại thua lần thứ hai.
 
Và lần thứ ba nữa xem sao? Satan lấy sức. Hắn đem Chúa lên nóc đền thờ Giêrusalem và tiếp tục sử dụng Kinh Thánh để lý luận với Chúa: “Đồng ý, Ngài đã không muốn biến đá thành bánh để ăn…Đó là quyền của Ngài… Nhưng tại sao Ngài lại không chứng tỏ rằng: biết bao lần Ngài phó thác tuyệt đối cho Thiên Chúa, thí dụ Ngài sẽ có thể gieo mình từ trên nóc đền thờ này xuống đất, vì Kinh Thánh nói chứ không phải là tôi nói: Thiên Chúa sẽ ra lệnh cho các Thiên Thần gìn giữ Ngài.. đỡ Ngài trên tay để chân Ngài khỏi vấp vào đá”. Lại một lần nữa, Satan bị Chúa Giêsu đánh cho tơi bời: “Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi”. Quỉ thua cuộc và rút lui xa chạy cao bay.
 
Đối với chúng ta, chúng ta đừng vội nghĩ rằng 3 cơn cám dỗ đó chỉ giành cho Chúa mà thôi. Trong thực tế cuộc sống hằng ngày chúng ta rất thường gặp những cơn cám dỗ đó:
- Cơn cám dỗ đầu tiên chính là cơn cám dỗ để chúng ta tìm kiếm sự thoải mái, tận hưởng những khoái lạc trần thế trong một xã hội hưởng thụ.
- Cơn cám dỗ thứ hai là cám dỗ quyền hành và địa vị, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu đó.
- Cơn cám dỗ thứ ba: cám dỗ mà cả với Thiên Chúa, mua chuộc Thiên Chúa để Ngài làm theo ý chúng ta.
 
Nếu  dừng lại ở chi tiết của cả 3 cơn cám dỗ, chúng ta thấy có một điểm chung: cả 3 cơn cám dỗ đều mang dấu nanh vuốt của quỷ dữ. Quỉ dữ mời Chúa Giêsu xa tránh một thực tế khó khăn để tìm kiếm tiện nghi thoải mái hơn: một bữa ăn điểm tâm để khỏi chết đói, một quyền hành đạt được mà chỉ cần một cử chỉ quỳ gối dơn giản, một phép lạ gây ấn tượng mà chỉ cần một sự thách thức ném mình vào Thiên Chúa.
 
- Cám dỗ hôm nay đối với bạn trẻ sinh viên là khấn vái trước tượng Thánh Antôn hoặc Thánh Tuỳ để đạt được kết quả tốt của việc thi cử mà không cần phải học tập và cố gắng.
- Cám dỗ hôm nay đối với người kitô chúng ta là cầu nguyện để đạt được một phép lạ nào đó.
- Cám dỗ hôm nay đối với nhiều người là quay về một thứ tôn giáo nào đó để được bảo vệ và chở che.
- Cám dỗ hôm nay là kêu trách Thiên Chúa không ban cơm bánh cho những người cần thiết, mà trong khi đó chúng ta không chịu xắn tay áo lên để trở nên những cánh tay nối dài của Thiên Chúa.
- Cám dỗ hôm nay đối với những bặc cha mẹ là bỏ bê việc giáo dục con cái.
 
Vậy trong mùa chay này chúng ta sẽ làm gì để bắt chước Chúa Giêsu khi gặp cám dỗ?
Trước hết Chúa Giêsu không tranh luận tới cùng theo kiểu lý luận của tên cám dỗ. Ngài chỉ dùng một vài từ ngắn gọn nhưng mạnh mẽ. Ngài không sử dụng sự suy tư cá nhân, mà là dùng Kinh Thánh. Đúng vậy Lời Chúa có sức mạnh mẽ hơn nhiều so với quyền lực của ma quỉ. Chúng ta có thể nói rằng trong hoang địa, dân tộc dothái được nâng đỡ bằng chính lời của Moise, là phát ngôn viên của Thiên Chúa. Moise đã làm cho họ bền tâm và tiến bước về miền đất mà Thiên Chúa đã hứa ban. Người kitô hôm nay cũng vậy: cách thế duy nhất là đi tìm câu trả lời của Thiên Chúa trong sách Thánh như Chúa Giêsu. Với câu trả lời như vậy, chúng ta sẽ tìm lại được sự bình an trong tâm hồn.
 
Đó là lý do trong mùa chay này, chúng ta cần phải thấm nhuần Lời Chúa. Nhưng để nghe được Lời Chúa, cần phải xa tránh những ồn ào vô bổ của đời sống thường ngày. Hãy đi vào  thinh lặng của hoang địa, hãy đối diện với thinh lặng để tận hưởng ý vị của Lời Chúa. Chúng ta đừng chỉ nghe những lời nói kết tội, mà trước hết cần phải nghe những lời mời gọi tiến về phía trước, đó là Thiên Chúa yêu mến chúng ta và chờ đợi chúng ta. Ngài chờ đợi chúng ta giúp đỡ người nghèo khó, người bị bở rơi và các bệnh nhân…
 
Mùa chay không có nghĩa là buồn thảm. Cái đích thực của mùa chay là để cho lời mời gọi của Chúa Thánh Thần thôi thúc. Thay đổi, tiến bước, trở về đều được nhắc tới trong mùa chay. Điều đó không luôn luôn dễ. Nhưng mùa chay cũng là mùa của mùa xuân, chúng ta hãy cố gắng để cho hoa nở. Muà chay giúp chúng ta khám phá ra những mối phúc lớn trong Tin Mừng, giúp chúng ta đạt tới hạnh phúc đích thực. Mùa chay giúp chúng ta khám phá ra trong con tim mình Tình Yêu cao vời của Thiên Chúa. Mùa chay chính là mùa của Yêu Mến!
 
Lm Gioan Đặng Văn Nghĩa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log