Thứ năm, 09/01/2025

Suy NIệm Chủ Nhật V

Cập nhật lúc 07:36 17/02/2016
 
“Dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe Lời Thiên Chúa”
 
Có người nói: “Thiên Chúa tốt lành thánh thiện, nhưng hình như Ngài điếc và không bao giờ nghe tôi nói. Hơn nữa, Ngài cũng câm luôn và cứ để mặc tôi kể chuyện đời tôi”. Phải chăng Thiên Chúa là thế? Phải chăng Ngài đóng lại trong một sự yên lặng uy nghiêm để mặc cho số phận buồn thảm của những con người nghèo khổ? Hoặc là chính con người không nghe Ngài?

Không, Thiên Chúa không yên lặng như người ta tưởng. Một thầy dòng cao niên nói: “Mỗi một ngọn cỏ là một bài giảng cho những ai hiểu biết.” Nhưng vào một ngày nào đó thầy dòng đó cắt ngọn cỏ đi cho đẹp, thì một thày dòng trẻ nói lợm lĩnh: “Này anh, anh đang cắt bỏ những bài giảng của anh đấy”.
 
Thôi thì chúng ta cứ để mặc cho thày dòng trẻ đó nói kiểu nào cũng được, nhưng điều đáng chú ý mà thầy dòng cao niên nói có ý ám chỉ câu thánh vịnh: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa”. Chim sơn ca hót vang lời ca tụng Chúa. Hoa hồng tô thắm vẻ đẹp của Ngài. Suối nguồn nói lên vẻ dịu dàng của Thiên Chúa. Thế giới trăng sao phản ánh sự thông minh khôn lường của Ngài.
 
Thiên Chúa cũng nói với dân tộc Dothái qua miệng các tiên tri. Và sau cùng như thánh Phaolo đã nói: “Vào thời sau hết, Thiên Chúa nói với chúng ta qua Con của Ngài”. Chúng ta hãy khẳng định rằng Thiên Chúa không im lặng, Ngài nói rất nhiều. Cụ thể trong bài tin Mừng  hôm nay, Ngài sẽ nói gì từ con thuyền của Phêro?
 
Một hình ảnh rất đẹp: đám đông vây chung quanh Chúa Giêsu để nghe Ngài nói. Đông người như thế này, làm thế nào  để một bài giảng có thể nghe được nhất là lại không micro? Chúng ta có thể giải thích như sau:
 
1-. Các thính giả có thể được phân chia theo dọc bờ hồ, tất cả đều có thể nhận được Ngài dễ dàng, nhất là có thể nghe được tiếng của Ngài (theo khoa học hiện nay tiếng người nói vang trên mặt nước có thể đi được 17 km). Lúc đó Chúa Giêsu thấy hai thuyền đậu ở bờ hồ. Ngài liền chọn một, đó là thuyền của Phêro. Điều đó muốn nói lên rằng Ngài sẽ nói cho tất cả mọi người nghe từ ngai toà này. Ngài không nói từ trên tháp cao, nhưng từ con thuyền đơn sơ của một người đánh cá, một con thuyền đã lướt sóng nhiều năm, một con thuyền đã được chắp vá biết bao lần bằng tình yêu của Phêro.
 
2-Ngài nói và đám đông thích nghe. Nhiều người trong họ quên luôn cả việc họ đến đây để được Ngài chữa bệnh. Lời Ngài đã lọt vào tim họ và làm cho họ rất đỗi vui mừng.
 
Thiên Chúa không câm lặng. Con thuyền Phêro luôn thả neo trên thế giới. Như tiếng vọng trên bờ hồ, Giáo Hội làm dội vang trên thế giới những lời tình yêu của Con Thiên Chúa. Nhưng con thuyền nghèo khó đó đã bị chòng chành từ 2000 năm nay vì biết bao cơn giông bão. Con thuyền đó đang phải đối đầu với sức mạnh của thần dữ đến từ bên ngoài,  và cũng bị tổn thương từ bên trong vì những sự chia rẽ. Mặc dù bất toàn, Giáo Hội vẫn tiếp tục có Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần hiện diện trên bờ. Con thuyền của Phêro vẫn tiếp tục lướt sóng. Trong con thuyền này, chúng ta đã được rửa tội, được nghe Lời và được lãnh nhận Bánh Rượu cứu độ. Không có con thuyền này chúng ta chỉ ở trong đêm tối dày đặc, cho dù có thả lưới cũng chỉ là vô ích.
 
Nếu chúng ta cũng khao khát nghe lời Chúa như đám đông Dothaí thuở ấy, nếu chúng ta có đầy đủ đức tin để nhận thấy Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện trên con thuyền của Giáo Hội, chắc chắn chúng ta sẽ dành quyền ưu tiên đón nhận và thực hành Lời Chúa. Muốn chữa lành Giáo Hội đang bị tổn thương, cách tốt nhất là yêu mến Giáo Hội, đừng bao giờ tấn công Giáo Hội. Chúng ta chỉ canh tân Giáo Hội được, nếu chúng ta cùng chịu đau khổ với Giáo Hội.
Vì sao dân chúng chen lấn nhau đến gần Chúa Giê-su để nghe Lời Ngài như vậy?
Từ con thuyền Phêro, Chúa Giêsu nói và lời Ngài làm đảo lộn con tim đến nỗi họ đều phải công nhận rằng: chưa hề có ai ăn nói như Ngài và họ đã nghe Ngài nhiều giờ đồng hồ đến nỗi quên cả ăn.
 
Hơn nữa lời Ngài còn có hiệu lực. Phêro đã khẳng định điều đó! “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy tôi sẽ thả lưới.. Họ đã làm như vậy và bắt được rất nhiều cá… ”
 
Lời Ngài cũng là lời đòi hỏi. Nếu Chúa Giêsu bằng lòng với những lời nhẹ nhàng ngon ngọt, thì đám đông dân chúng đã chẳng theo Ngài lâu đến thế. Lời Ngài còn là lời đối đầu và mạo hiểm. Lời Ngài dẫn Ngài đến Thập giá. Ngài nói đương đầu với quyền lực của sự dữ (biểu tượng của những cơn sóng vây quanh thuyền trên mặt hồ). Ngài nói mà không sợ và không vuốt ve: “Khốn cho các ngươi là những biệt phái, nếu mắt các ngươi nên dịp tội cho các ngươi, thì hãy khoét bỏ đi…Hãy bán tất cả những gì ngươi có, bố thí cho kẻ khó rồi theo Ta”. Lời Ngài đòi hỏi Phêro phải mang tin mừng cho thế giới: “đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Và bài Tin Mừng kết luận: “Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Ngài”.
 
Đến lượt mình, Giáo Hội giống Chúa Giêsu nói lên sự thật. Sự thật đó có thể làm cho Giáo Hội bị chỉ trích. Giáo Hội không sợ những âm thanh dội lại từ những quyết định của mình.
 
Giáo Hội tiếp tục gửi các nhà truyền giáo đi khắp nơi: không phải là bắt lấy các tâm hồn như bắt cá, nhưng là giải phóng các tâm hồn khỏi các lo lắng và đương đầu với sóng nước của đời sống thường ngày.
 
Ngày nay, những người kitô chúng ta thường bị phân chia thành 2 hạng người: người thì muốn bảo về chân lý, người lại muốn chung dung:
-Những người muốn bảo vệ chân lý đòi hỏi Giáo Hội phải bênh vực luân lý.
-Còn người chung dung thì muốn Giáo Hội phải cảm thông với cảnh khốn cùng của nhân loại.
 
Như vậy, liệu Giáo Hội có thể chu toàn cả 2 sứ mệnh cùng một lúc không? Bác ái đầu tiên phải làm phải chăng không phải là bênh vực sự thật đó sao? Nhưng sự thật mà không có tình yêu sẽ dẫn đến cuộc thanh lọc chủng tộc và phe phái. Vì thế, chúng ta cần phải có những người kitô hoàn chỉnh cả 2 mặt: công bằng nhưng phải bác ái, bác ái nhưng cũng phải công bằng. 

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Hành hương thời Cựu ước - Phần 4: Hành hương Năm Thánh
Trong bài này, chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Năm thánh liên hệ với những cuộc hành hương. Qua đó, hy vọng chúng ta thấy được ý nghĩa thần học và thiêng liêng của những điều chúng ta đang làm.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log