“Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với người, đó là ông Mô sê và ông Êlia” (Lc 9, 29-30)
Suy Niệm 1
“Lạy Thầy, chúng tôi ở đây thì tốt quá”!
Vào buổi sáng hôm đó, Phêrô, Giacôbê và Gioan được ơn đặc tuyển mà từ khi theo Thầy đến giờ chưa ai được hưởng, đó là được tham dự vào mặc khải về một Thiên Chúa đích thực. Họ khám phá ra một điều rất quan trọng: Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Cựu ước trên núi Sinai, Môsê đã được Thiên Chúa hiện ra, nhưng chỉ được mặc khải về một Thiên Chúa duy nhất. Còn trên núi Thabor, các tông đồ này được mặc khải về một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi riêng biệt, một Thiên Chúa Tình Yêu trong con tim mỗi người.
Để biết rõ hơn sự phong phú về mầu nhiệm Chúa Kitô Hiển Dung, chúng ta có thể đọc lại đoạn văn Cựu Ước mà Thiên Chúa đã hiện ra với Môsê: “Ta sẽ ẩn trong đám mây mà đến gần con…, bỗng nhiên sấm sét ầm ầm nổ vang, chớp giật chói loà, rồi một đám mây dày đặc che phủ ngọn núi… toàn thể dân chúng run sợ…Những ngọn lửa khói bốc lên và khắp quả núi rung chuyển mãnh liệt; Moise thưa với Chúa và Chúa trả lời Moise trong tiếng sấm sét”.
Phải chăng Thiên Chúa tỏ mình ra trên núi Sinai có điều gì khác với lần hiển dung này?
Có khác, lần hiển dung này Thiên Chúa tỏ mình ra không phải trong tiếng ầm vang của sấm sét. Trước hết, Ngài tỏ mình ra như là một tiếng nói, nhưng tiếng nói đầy tình yêu mến: “Này là Con Ta Yêu Dấu”. Thiên Chúa tỏ mình ra như một Người Cha âu yếm chiêm ngắm Người Con mà mình đã sinh ra từ trước muôn đời. Rồi một đám mây bỗng chốc bao bọc các Ngài. Đây không phải là một đám mây dày đặc trên núi Sinai, nhưng là một đám mây nối kết các Ngài trong cùng một luồng sáng dịu dàng, một đám mây mặc khải sự hiện diện Ngôi thứ Ba, chính là Chúa Thánh Thần, Đấng thể hiện Tình Yêu nối kết Ngôi Cha và Ngôi Con.
Cảnh tượng hiển dung thật huy hoàng nhưng thật đơn giản! Chắc chắn cảnh tượng này sẽ in đậm trong tâm trí các tông đồ. Phêrô sẽ không bao giờ quên và vì thế trong thư thứ hai, Ngài viết: “Khi chúng tôi nói cho anh em biết quyền năng và cuộc quang lâm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, thì không phải chúng tôi dựa theo những chuyện hoang đường thêu dệt khéo léo, nhưng là vì chúng tôi đã được thấy tận mắt vẻ uy phong lẫm liệt của Người. Quả thế, Người đã được Thiên Chúa Cha ban cho vinh quang và danh dự, khi có tiếng từ Đấng Tuyệt Vời vinh hiển phán với Người: Đây là Con Yêu Dấu của Ta, Ta hết lòng quý mến. Tiếng đó, chính chúng tôi đã nghe thấy từ trời phán ra, khi chúng tôi ở trên núi thánh với Người”.
Như vậy Thiên Chúa của Môsê không chỉ là Thiên Chúa Toàn Năng, Siêu việt, Ngài còn tỏ mình là Một Thiên Chúa duy nhất. Sự hiện diện của Môsê và Êlia chứng tỏ rằng giữa Cựu Ước và Tân Ước không có gì là xung khắc, đồng thời còn làm sáng tỏ Thiên Chúa là Một Thiên Chúa không đơn độc, Một Thiên Chúa - gia đình, Một Thiên Chúa - tình Yêu.
Đối với các tông đồ, Thabor không chỉ là giây phút huy hoàng họ được chứng kiến, mà còn là một bài giáo lý sống động về một Thiên Chúa đích thực mà họ phải có trách nhiệm loan báo: đó là Giáo lý về một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Giáo lý phải được ánh sáng của Chúa Thánh Thần ngày lễ Ngũ Tuần mới có thể giải thích được.
Các tông đồ muốn giây phút huy hoàng đó được kéo dài: Lạy Thầy, chúng tôi xin làm ba lều ở đây. Chúng tôi không xin Thầy xây dựng kiên cố, mà chỉ xây dựng những lều vải thôi để kéo dài giây phút huy hoàng này, vì Thầy không thể để chúng tôi sớm trở về cảnh buồn tẻ.
Câu nói đó của Phêrô chứng tỏ rằng chỉ ở trên trời, con người mới có thể chiêm ngưỡng vĩnh viễn sự vinh quang của Thiên Chúa Ba Ngôi mà thôi.
Chúng ta cũng vậy:
- Chỉ ở trên trời chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng Chúa Cha dưới ánh mắt của Chúa Con.
- Chỉ ở trên trời chúng ta mới có thể sống trọn vẹn bằng tình Yêu của Chúa Thánh Thần.
- Chỉ ở trên trời chúng ta mới lắng nghe được đầy đủ tiếng nói của Chúa Cha nói với chúng ta như đã nói với Con Yêu Dấu của Ngài: “Đây là Con Ta Yêu Dấu”.
Vì thế, Thánh Phaolô nói: “Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này bị phá huỷ đi, thì chúng ta sẽ có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời. Thật vậy bao lâu còn ở trong chiếc lều này, chúng ta rên xiết và khổ tâm. Bao lâu còn ở lại trong thân xác này là lưu lạc xa Chúa, vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy Chúa…”.
Nếu thế, thì cuộc sống trần gian chỉ là khổ ải hay sao? Và chẳng bao giờ chúng ta được hưởng những giây phút huy hoàng và đặc tuyển sao?
Thiên Chúa không phải là một nhà ảo thuật, Ngài đến không phải để làm cho những giây phút huy hoàng hoặc những phép lạ loá mắt chúng ta. Chắc chắn niềm vui mà các tông đồ được thấy Chúa hiển dung trên núi làm phấn chấn con tim họ, cũng sẽ được ban cho chúng ta khi chúng ta đi vào trong tương quan hiểu biết Thiên Chúa một cách sâu xa hơn. Thánh Phêrô trong một trường hợp khác ở Cesaré, khi nhận thấy căn tính đích thực của Chúa Giêsu, Ngài sung sướng kêu lên: Thầy là Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa Hằng Sống” Và Chúa Giêsu nói với Phêrô: Này anh Phêrô, anh đang bơi trong hạnh phúc vì lời nói đó, nhưng lời đó không đến từ con người mà là đến từ Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ Samaria: “Này chị, nếu chị biết Đấng đang nói với chị là ai”, hay có thể nói cách khác: Nếu chị biết đích thực con người đáng suy tôn của Con Thiên Chúa, Nếu chị biết tương quan của Cha Tôi mật thiết với tôi như thế nào, Nếu chị biết tôi dịu hiền và khiêm nhường thật trong con tim thế nào, Nếu chị biết được lòng thương xót của tôi đối với những ai bé nhỏ và tội lỗi thế nào, thì chị sẽ cảm nhận được một sự vui mừng khôn tả còn vượt xa tất cả những sự vui mừng mà chị đã biết.
Mỗi lần khát khao đời sống thiêng liêng đi tìm kiếm Thiên Chúa, đó là lần chúng ta đang bước vào con đường có thể dẫn chúng ta đến Thabor vui mừng. Thabor đó có thể là lần tuyên xưng đức tin cách long trọng và sốt sắng ngày lễ khấn hoặc chịu chức linh mục. Thabor đó có thể là một lần được đến Thabor Đất Thánh. Thabor đó có thể là một lần được tham dự lễ phong thánh tại quảng trường Thánh Pherô. Thabor đó có thể là chính các bạn trẻ tuổi 20 đang tĩnh tâm trong một tu viện, dù bên cạnh vẫn còn những giây phút đen tối, nhưng họ cũng đang được hưởng những giây phút đặc biệt của ánh sáng và bình an. Và còn biết bao niềm vui Thabor khác…
Nhận biết Thiên Chúa không phải chỉ là sự nhận biết do lý trí hoặc học hành giáo lý thần học, mà còn phải do chiêm niệm và kết hợp say đắm với Người….Như vậy cuộc hiển dung của Chúa Giêsu cho phép các tông đồ thoáng thấy vẻ đẹp huy hoàng của Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng đồng thời cũng mời gọi họ, là tông đồ và chi thể của Chúa Kitô cũng sẽ được hiển dung. Đối với chúng ta cũng vậy, vào một ngày nào đó trong cõi Vĩnh Hằng, không những chúng ta chỉ được chiêm ngắm Chúa Kitô Hiển Dung như các tông đồ trên nói Thabor, mà chính chúng ta cũng sẽ được hiển dung để trở nên giống hình ảnh của Ngài.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=======
Suy Niệm 2
HÃY BIẾN HÌNH ĐỂ ĐƯỢC TRỞ NÊN GIỐNG CHÚA
St 15,5-12.17-18; Pl 3,17- 4,1; Lc 9,28-36
Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để mỗi người chúng ta sống tinh thần chiến đấu với ma quỷ cũng như những khuynh hướng xấu của tội. Đồng thời cũng là mùa của những đổi mới. Đổi mới từ con người nhu nhược, yếu hèn, trở nên một con người can trường, khẳng khái, cương quyết trước cám dỗ; từ con người bất xứng sang thánh thiện; từ con người già nua, tội lỗi, trở nên con người thanh xuân trong ân sủng.
Lời mời gọi đổi mới được chính Đức Giêsu mạc khải qua biến cố Biến Hình mà chúng ta cử hành hôm nay.
1. Ý nghĩa cuộc biến hình của Đức Giêsu
Thánh sử Luca trình thuật việc Đức Giêsu biến hình trên núi Tabor. Sự kiện này diễn ra sau khi Ngài tiên báo về cuộc khổ nạn lần thứ nhất (x. Lc 9, 22) cũng như nói về điều kiện cần có của người môn đệ khi đi theo Ngài (Lc 9, 23-26), đồng thời nó cũng diễn ra trong bối cảnh Phêrô vừa tuyên xưng đức tin (x. Lc 9,18-21).
Qua việc biến hình, Đức Giêsu muốn củng cố niềm tin cho các Tông đồ trước khi chứng kiến cuộc khổ nạn của Ngài, để các ông can đảm, trung thành làm chứng và chấp nhận chịu đau khổ khi cơn thử thách ập đến.
Mặt khác, Đức Giêsu muốn mặc khải cho các ông biết rõ căn tính của Ngài là Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống để đem con người về với Thiên Chúa trong vinh quang.
Khi mạc khải như thế, Đức Giêsu muốn lật tẩy những xu hướng và đam mê của các Tông đồ về Ngài theo kiểu trần tục, đó là việc thiết lập triều đại chốn trần thế..., để rồi chính bản thân các ông sẽ được bù đắp bằng những ân lộc trần gian chốn quan trường!
Qua đó, Ngài mời gọi các ông đi trên chính con đường mà Ngài đã đi, con đường đó là con đường tự hủy và khổ giá. Nếu sẵn sàng từ bỏ ý riêng, vác thập giá để đi theo Chúa, thì cuối con đường đó mới nở hoa vinh quang, vì: hạnh phúc, vinh quang không bao giờ dành cho những người trốn tránh đau khổ. Nếu có thì cũng chỉ là thứ vinh quang phù phiếm, hão huyền do con người tưởng tượng ra và gán ghép rồi đặt tên cho nó là hạnh phúc, chứ thực ra không có thật! Vinh quang có thật chính là vinh quang của những người can dự vào mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của chính Đức Giêsu; để đi từ đau khổ đến vinh quang.
Vì thế, muốn chiếm được vinh quang Nước Trời, người môn đệ phải chiến đấu không ngừng nghỉ, phải chấp nhận chết cho tội, ý riêng và ngay cả sự sống thể xác... Hành trình này quả là cam go, không dễ, sẽ có người chán nản mà bỏ cuộc, nên đây là lý do Đức Giêsu biến hình trước mặt các Tông đồ để củng cố niềm tin cho các ông.
2. Chúng ta cũng được mời gọi biến hình
Chúng ta không được diễm phúc chiêm ngưỡng cuộc biến hình của Đức Giêsu như Phêrô, Giacôbê và Gioan khi xưa! Nhưng chúng ta lại được mời gọi đi ngay vào cuộc biến hình của chính mình để được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
Cuộc biến hình đầu tiên, đó chính là ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, khi ấy, con người tự nhiên của chúng ta có thể ví như được đặt vào một khuôn đúc mới để xuất hiện một hình ảnh mới, hình ảnh Đức Kitô, Đấng đã phục sinh.
Nhờ cuộc biến hình này, mà mỗi người chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, thành con Thiên Chúa và là đền thờ Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, trải qua thời gian với những thăng trầm, yếu đuối của bản thân, nên sự tinh tuyền ấy bị ô uế, tâm hồn trong trắng bị vấy đục, khiến chúng ta trở nên con người cũ do tội lỗi vây phủ.
Điều này cho thấy, nơi con người chúng ta, luôn mang hình ảnh, dáng dấp, thái độ của Tông đồ Phêrô, hay như các Tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi cơn sốt sắng đến, chúng ta sẵn sàng từ bỏ mọi sự để được ở với Chúa, nhưng khi bả vinh hoa phú quý chào mời, chúng ta cũng tranh dành quyền lực và ganh đua nhất nhì với nhau trong sự ích kỷ, đê tiện của bản năng. Kinh nghiệm này đã được Thánh Phaolô thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19).
Thế nên, Mùa Chay chính là thời điểm thuận tiện để chúng ta làm mới lại con người của mình, để xứng đáng với hồng ân cao quý mà chúng ta đã lãnh nhận thủa ban đầu nơi Bí tích Thánh Tẩy. Điều này đã được thánh Phaolô khuyên dạy: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Như vậy có thể nói: nếu muốn được hạnh phúc, vinh quang, chúng ta sẽ phải biến đổi như thánh Phaolô mời gọi. Đây là điều kiện để được chung phần với Đức Giêsu trong vinh quang.
3. Không biến hình thì chẳng được chung phần với Chúa!
Khi cử hành lễ Chúa Biến Hình, chúng ta cần xác tín rằng: Thiên Đàng hay hạnh phúc không thể có được nếu chúng ta cứ sống một cuộc sống bê tha, ăn chơi, đàn điếm! Hạnh phúc Nước Trời chỉ có được sau những đêm ngày chiến đấu với bản năng, ý riêng, để chỉ sống cho Thiên Chúa và những giá trị Nước Trời, khi đã sẵn sàng khước từ sự níu kéo đầy hấp dẫn của thế gian.
Vì thế, có lẽ chúng ta phải lội ngược dòng để chấp nhận lột xác, có khi phải chấp nhận mất mát, cay đắng và đôi khi phải đánh đổi ngay cả mạng sống.
Các thánh là những người đã chấp nhận sống ngược đời vì chân lý và Tin Mừng để được đổi mới. Chẳng hạn như:
Môsê đã biến hình khi ông từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa. Êlia cũng vậy. Đức Giêsu thì đến chỉ để làm theo ý Chúa Cha. Phêrô và các Tông đồ, trong đó phải kể đến Phaolô, tất cả đều đã biến đổi từ con người nhát đảm, ham danh, hám lợi trở thành một con người can đảm, trung thành sống chết với đức tin, để chỉ còn giữ lại một mối lợi tuyết đối, đó là được biết Đức Giêsu và được ở trong Ngài.
Rồi nơi lịch sử Giáo Hội, đã có biết bao gương sáng về những cuộc đổi đời ngoạn mục đến kỳ diệu! Thật vậy, có những vị từ một người nghiện rượu, xì ke, ma túy đến nghiện Giêsu; từ những kẻ khát tình, trác táng chốn ăn chơi, trở thành người say mê Giêsu đến độ vì Ngài mà bỏ hết mọi sự; lại có người từ gái làng chơi trở thành vị thánh; có người dùng cả một hệ tư tưởng để chống đối đạo, đi theo bè rối, khi được biến đổi, họ đã trở thành người bảo vệ các chân lý đức tin đến chết trong anh dũng, kiên trung; có người từ trai tứ chiếng, đầu đường xó chợ lại trở thành đấng lập dòng...
Đây chính là mẫu gương điển hình về những cuộc biến hình trong Giáo Hội thời xưa và thời nay cũng như mãi về sau.
Mong sao, nơi sự kiện Chúa biến hình và những mạc khải của Ngài cũng như qua gương sáng nơi các thánh, chúng ta cũng hãy làm một cuộc biến hình mới của mỗi người để được trở nên giống Chúa và được chung hưởng hạnh phúc với Ngài bên các thánh trong Nước Hằng Sống. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển