Thứ hai, 25/11/2024

Chủ Nhật II Mùa Chay - C

Cập nhật lúc 16:37 20/02/2016
“Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9, 29)
DUNG NHAN THIÊN CHÚA
Lc 9, 28b- 36
 
Tường thuật về cuộc Hiển Dung mời gọi chúng ta cùng đi với Đức Giêsu đến giờ phút tột đỉnh của sự phân nhận của Người. Người đi vào cầu nguyện để phân nhận ý muốn đầy yêu thương và ban ơn cứu độ của Cha Người.
Chúa Giêsu cho ba môn đệ chiêm ngắm cảnh tượng Hiển Dung hầu họ có thể truyền đạt lại cho chúng ta. Tường thuật quý báu này soi rọi đường cho ta đi và hướng dẫn ta qua bóng đêm. Nó khẳng định trước hết rằng sự im lặng của Thiên Chúa không bao giờ là một thái độ dửng dưng hay một hình phạt, một sự bỏ rơi hay khước từ, mà đúng là một lời mời gọi gửi đến sự tự do của chúng ta. Điều đó nhấn mạnh đến vị trí không thể thay thế được của việc cầu nguyện, đến bầu không khí của sự vinh quang vô hình và của tình thân mật với Chúa Cha. Nhất là gửi đến chúng ta một lời khuyên tối quan trọng: Trong khi bao nhiêu tiếng nói lạc giọng và tiên tri giả bao vây lòng trí chúng ta, trong những giờ phút nghi ngờ, tra vấn hay tối tăm, thì tường thuật về cuộc Hiển Dung nhắc lại cho chúng ta rằng Kinh Thánh là ánh sáng, rằng Kinh Thánh phải trở thành một phương tiện phân nhận ưu tuyển.
Biến cố biến hình của Đức Giêsu và được đóng khung giữa hai lần loan báo cuộc tử nạn: Ngay giữa vinh quang cái chết vẫn hiện diện đó. Như thế ngọn núi nơi Chúa biến hình gợi nhớ hình ảnh ngọn núi của hấp hối và phản bội. Sự biến hình và cơn hấp hối đi với nhau như hai mặt của một chiếc huân huy chương: cũng là các môn đệ đang ngủ, cũng có sự biến đổi của thân thể Đức Giêsu: tỏa ra ánh sáng trong biến cố Biến Hình; chảy giọt mồ hôi máu trong cơn hấp hối; cũng có một hiện tượng từ trời cao: áng mây và tiếng nói từ trời với Đức Giêsu ở biến cố Biến hình, còn thiên thần được Chúa Cha gửi đến trong cơn hấp hối.
Đức Giêsu không xem cái chết là ngõ cụt, Người đã không sử dụng quyền năng thánh thiêng mà người đã tỏ ra trong biến cố Biến hình để thoát khỏi chết. Ngược lại ngay giữa sự biến hình, cái chết đã hiện diện trước, vì nó ở bước đầu của sự phục sinh. Tuy sự biến hình của Đức Giêsu không làm cho Người thoát khỏi chết, nhưng lại xảy ra trước cái chết của Người, là để cho cảm nếm trước hương vị của sự biến đổi cuộc đời chúng ta trong quyền năng siêu việt của sự Phục sinh.
Lễ Hiển Dung là lễ về những khả năng của con người được thúc đẩy cho tới cùng, lễ về sự thần hóa của chúng ta. Tác giả Luca nói đến nhiều thứ sáng chói: quần áo trắng như tuyết, Môsê và Elia uy nghi,và cuối cùng là vinh quang của Chúa Giêsu. Nhưng ghi nhận tuyệt vời nhất chính là kỷ niệm mà ba môn đệ giữ được về khuôn mặt của Chúa Giêsu: “ Đương lúc cầu nguyện, diện mạo Ngài khác thường.”
Chúng ta trở nên những khán giả của điều khôn tả, của thời gian bùng nổ và của không gian rộng mở. Quá khứ tôn giáo vĩ đại có mặt ở đó cùng với Môsê và Êlia; tương lai mở ra với cuộc đàm đạo về sự “xuất hành” của Chúa Giêsu, nghĩa là cái chết, sự phục sinh, và lên trời của Ngài. Nhưng nhất là chính sự vĩnh cửu đã được thoáng thấy nơi hiện tại. Sự đối diện thường xuyên và bí ẩn của Chúa Giêsu và Chúa Cha được vén mở cho chúng ta trong giây lát. Trong khi cầu nguyện, khuôn mặt của Chúa Giêsu thay đổi và tiếng nói của Chúa Cha mời gọi chúng ta suy niệm: “ Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe Lời Người.”
Ngày hôm nay, khuôn mặt “rất khác” của Ngài, khuôn mặt vinh quang của Ngài phải giúp chúng ta gợi nhớ những khuôn mặt khác: Ngôi Lời, người thợ mộc thành Nagiaret, thầy nhân lành, Đấng bị đóng đanh, Đấng Phục sinh, vị Vua vinh quang ngự bên hữu Chúa Cha và Đấng quyền năng sẽ đến vào ngày tận thế. Trên tất cả các khuôn mặt này, mầu nhiệm của Chúa Giêsu Kitô phong phú biết bao. Lễ Hiển Dung dạy chúng ta hai thực tế liên kết với nhau: thần tính – nhân tính; sự khiêm nhường – vinh quang. Trong khi nói về một mầu nhiệm xảy ra vào ban đêm “Họ đang mệt ngủ” và trong khi gợi ra “điều sắp xảy ra ở Giêrusalem” (cuộc khổ nạn cũng như Phục sinh), Luca nói rõ khuôn mặt - ban đêm và khuôn mặt - mặt trời của cuộc sống mà Chúa Cha và con người dâng tặng cho Chúa Giêsu.
Bây giờ đây là bí ẩn của chúng ta, như thánh Phaolô nói: “chúng ta phản chiếu sự sáng láng của Chúa, và chúng ta được hiển dung theo cũng chính hình ảnh này càng ngày càng chói sáng” (1 Cr 3,18 )
Đối với chúng ta cũng như đối với các môn đệ, Biến hình là một ân ban để củng cố đức tin. Ông Phêrô muốn dựng ba lều để tưởng nhớ đến Lều Gặp gỡ, đi cùng dân Itrael trong sa mạc. Đám mây che phủ núi Sinai khi ông Môsê nhận Lề Luật. Bóng tối là dấu chỉ sự che chở của Thiên Chúa. Và sự “ra đi” của Đức Giêsu thực sự là cuộc thương khó. Như vậy, vinh quang gắn liền với thập giá; điều đó không tương đồng với quan niệm tự phát của chúng ta về vinh quang!
Chúng ta quay lại với khuôn mặt của chính chúng ta. Có lẽ chúng ta không để mình đụng chạm đủ với sự an bình, niềm vui sâu xa, lòng tốt của chúng ta. Có những khuôn mặt khó khăn, lo âu, xoi mói, làm cho chúng ta tự hỏi không biết chúng ta có phải là đang tiếp xúc với một con người của Tin Mừng hay không ? Đây có lẽ chỉ là bề ngoài, nhưng trong trường hợp này, đáng lẽ phải đi sửa lại khuôn mặt ! Để trở thành khiêm hạ, kiên trì, đó là một hình ảnh của sự hiển dung.
Trong những ngày rất thiêng liêng này, mong rằng chúng ta cũng tự minh, nhờ ơn Chúa, thay đổi khuôn mặt nặng nề, tối tăm do lầm lỗi để trở nên tươi sáng, hầu xứng đáng hưởng nhan thánh Chúa trong vinh quang.

 
Pr. Nguyễn Mai
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log