Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C

Cập nhật lúc 17:10 15/04/2016
“Đức Giêsu nói với người Dothái rằng: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27)
Suy Niệm I
Tôi Là Mục Tử Nhân Lành
-------------------

Chúng ta rất tự hào vì đang sống trong một thế giới văn minh, nông thôn cũng có thể biến thành thành thị.…Dù sống trong cái nền văn minh như vậy, chúng ta đừng quên liên tưởng đến cảnh đồng quê và tình yêu của người mẹ dành cho chúng ta: quê hương là con diều biếc, mẹ về nón lá nghiêng che. Và một bài hát khác, chắc các bạn trẻ yêu nhạc đều biết, đó là bài hát Lòng Mẹ của nhạc sỹ Y Vân: “lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu… Thương con thao thức bao đêm trường, con đà yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao. Thương con khuya sớm bao tháng ngày, lăn lội gieo neo, nuôi con sớm ngày lớn khôn”.
 
Qua những hình ảnh đẹp, những lời ca ngọt ngào đó, chúng ta dễ dàng tận hưởng nét thú vị của bài Tin Mừng hôm nay, đó là sự gắn bó của người chăn chiên đối với đàn chiên. Chúa Giêsu, thời còn thơ ấu với cảnh đồng quê đã bị đánh động bởi thái độ của người chăn chiên đối với đàn chiên: đó là chú ý đến từng con chiên một và lo cho đàn chiên luôn hợp nhất và sống thành đàn. Tất cả những hình ảnh về mục tử đối với đàn chiên, hoặc hình ảnh của người mẹ đối với người con, đều phản ánh tình yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại chúng ta.
 
Mục Tử nhân lành mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến không phải là một người chăn chiên thuê. Nhưng chính là một chàng thanh niên hoạt bát mạnh khoẻ, đi đầu đàn chiên và gậy cầm trong tay. Tất nhiên là để chỉ cho đàn chiên đi đúng hướng và cũng là để bảo về đàn chiên khỏi những tên trộm và chó sói ăn thịt. Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành, tuyệt vời, luôn ý thức mình là đầu đoàn nhân loại và với cây thập giá như là vũ khí để dẫn đàn chiên của Người về miền Đất Hứa.
 
Vị Mục tử nhân lành đi đầu để bảo vệ đàn chiên khỏi kẻ thù từ bên ngoài và nhất là kẻ thù rất nguy hiểm từ bên trong, đó là chủ nghĩa cá nhân và ích kỷ.
 
Vị Mục tử nhân lành lo lắng cho đàn chiên. Ngài quan sát xem có con chiên nào rời đàn không. Chiều đến, Ngài vui mừng khi thấy đàn chiên cùng nhau tập hợp nhanh trong chuồng mà không thiếu con nào. Chúa Kitô - Vị Mục tử nhân lành đã lo lắng cho Giáo hội của Ngài được hợp nhất như vậy. Trước khi chết, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ cùng Chúa Cha để cho “họ nên một như Chúng Ta là một”. Ngài muốn tập hợp các con chiên tản mác: các con chiên đến từ dân tộc Israel và cả những con chiên đến từ các dân nước khác. Ước muốn của Ngài là không con chiên nào hư mất, không con chiên nào xa rời bàn tay của Ngài. Gương xấu lớn nhất của thời đại chúng ta là những người kitô hữu tiếp tục chia rẽ lẫn nhau, mặc dù chỉ có một  Đấng Cứu Độ.
 
Vị Mục tử nhân lành hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Không những Ngài chỉ hiến mạng sống thể lý khi bảo vệ đàn chiên khỏi chó sói, gấu và sư tử, mà còn hiến mạng sống mọi lúc. Ngài gắn liền đời sống Ngài với đàn chiên. Ngài thức trắng đêm bên chuồng chiên khi có con chiên ốm đau bệnh tật hoặc sinh nở. Ngài đi nhiều kilômét để dẫn chúng đến đồng cỏ tốt nhất. Ngài ưu tiên đàn chiên trước, còn Ngài là thứ hai. Chúa Kitô - Vị Mục tử nhân lành đã nối kết mạng sống Ngài vì chúng ta bằng cách trở nên con chiên sát tế. Chính vì vậy mà Ngài đã trở nên Vị Mục tử nhân lành và chúng ta có thể nói được rằng Ngài có tâm hồn yêu thương còn hơn một người mẹ.
 
Theo gương Chúa Kitô, đã có biết bao mục tử đã đổ máu đào vì chúng ta, như nhiều vị tử đạo Việt Nam của chúng ta: Giới trẻ chúng ta hôm nay sống thế nào trong một xã hội tiêu thụ, có biết hy sinh một chút gì đó cho ơn gọi làm linh mục và tu sĩ để mang Chúa Kitô đến cho người khác không? Các thành viên của một giáo xứ, giáo họ, các vị cán bộ nhà nước được dân bầu lên liệu có lo cho dân, vì lợi ích của dân hay là chỉ vì lợi nhuận cá nhân của mình?
 
Vị Mục tử nhân lành biết chiên của mình. Ngài biết con chiên yếu đau. Chúa Kitô Vị Mục tử nhân lành biết từng người trong chúng ta. Ngài gọi tên chúng ta. Ngài muốn chúng ta hiệp nhất và hướng về Ngài.
 
Chúng ta có thể phàn nàn: trong một thế giới tiêu thụ như hôm nay, số các linh mục có thể sẽ ít đi. Vậy thì chúng ta hoặc con cái chúng ta ngay từ bây giờ hãy để cho tiếng Chúa mời gọi!
 
Vị mục tử nhân lành chú ý đặc biệt tới những con chiên đang gặp khó khăn. Ngài chạy đi tìm con chiên lạc. Ngài vác con chiên bị thương tích trên vai và chăm sóc nó. Ngài ưu tiên đối với những con chiên đau yếu, tội lỗi, nghèo khó và bị bỏ rơi. Chúng ta có thể hy vọng rằng: trong xã hội có nhiều bất công hôm nay, sẽ gợi lên trong tim các bạn trẻ có được ơn gọi tận hiến phục vụ cho những người nghèo khó trên hành tinh này.
 
Vị mục tử nhân lành yêu mến con chiên của mình, Ngài chải chuốt, vuốt ve và kị cọ cho chúng. Giữa Ngài và đàn chiên có một tình thân mật tuyệt đẹp. Vị mục tử nhân lành cũng có một tương quan như vậy đối với mỗi người chúng ta. Mối tương quan thân mật và yêu thương như thể Ngài đã sống trong tương quan Ba Ngôi. Trên đồng cỏ xanh rì, Ngài thả tôi nằm nghỉ, Ngài dẫn tôi tới dòng suối mát.
 
Trong Giáo hội hiện đại hôm nay, trở nên linh mục và tu sĩ chắc hẳn không phải là để trở nên một người nổi tiếng. Điều quan trọng là phải có tình yêu say đắm đối với Chúa và với mọi người. Tình yêu mới là nền tảng của ơn gọi.
 
Chúng ta mong ước các vị Giáo hoàng, Giám mục, linh mục lãnh đạo chúng ta tất cả đều tốt. Chúng ta hy vọng điều đó! Nhưng điều chắc chắn đối với chúng ta, đó là phải là những con chiên năng động, có trách nhiệm và không phải là những con chiên lúc nào cũng kêu be be. Tin Mừng nói: “Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta, chúng biết Ta và chúng nghe Ta” (Ga 10, 27).
 
Chúng ta hãy cầu nguyện và giành quyền ưu tiên tế nhị đối với tất cả những ai có trách nhiệm quan trọng trong Giáo hội. Hãy tin tưởng nơi các ngài! Nên biết rằng công việc của các ngài là rất khó khăn. Các ngài biết nhiều khía cạnh của vấn đề mà chúng ta không biết. Con chiên tốt thì sẽ làm cho các chủ chăn tốt!
 
Nếu các ngài làm chúng ta thất vọng, thì chúng ta đừng bao giờ quên rằng các ngài cũng chỉ là con người, và chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể nói mạnh được rằng: “Tôi là mục tử nhân lành”. Chỉ mình Chúa Giêsu là Đấng Trung gian duy nhất, và là cửa ra vào của chuồng chiên. Và chỉ mình Chúa Giêsu mới có thể làm cho chủ chiên và đàn chiên hiểu biết lẫn nhau. Chỉ mình Chúa Giêsu mới là Mục tử hoàn thiện có khả năng ban sự sống cho đàn chiên, vì Ngài được nối kết với tình Yêu của Cha Ngài.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
============
Suy Niệm II
Mục Tử Tốt Lành Hiến Mạng Vì Chiên
Ga 10, 27-30
 
Bước vào Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh, chúng ta có dịp đọc lại dụ ngôn “Vị Mục Tử nhân lành”. Phụng vụ mỗi năm trình bày cho chúng ta một khía cạnh. Năm nay, với vỏn vẹn 4 câu (Ga 10, 27-30), cũng đủ làm nổi bật Chúa Giêsu là Mục Tử tốt lành, thí mạng sống mình vì đàn chiên, Người đến để cho chiên được sống dồi dào (c.28), qui tụ tất cả về một đàn chiên duy nhất, Người là Con Thiên Chúa, và cũng chính là Thiên Chúa (c.30).

Chúa là Mục Tử
Mục tử” là hình ảnh rất quen thuộc của nền văn minh nông nghiệp còn trong trạng thái thô sơ của dân du mục vùng Trung Đông, được Chúa Giêsu dùng để diễn tả tương quan “dễ thương” giữa Người và chúng ta. Dân Cựu Ước thường gọi Chúa là mục tử của mình (St 49, 24 – 31 ; Gr 31, 10 ; Mk 7,14 v.v ...), vì khởi đầu lịch sử thánh, dân được chọn là dân du mục trên hành trình về Đất Hứa, trước tiên là Abraham từ Ur đến Canđê, thứ đến là Môsê, kẻ chăn cừu, cho tới Đavít cậu bé chăn cừu ở Belem.
Chúa là mục tử đích thực của dân Israel kể từ khi Chúa chọn họ làm dân riêng và hứa không để dân bị phân tán như đàn chiên không người chăn dắt. Chính Chúa chăn dắt dân Chúa: “Này đây Ta chăm sóc chiên Ta” (x. Ed 34). Trách nhiệm mục tử này được trao cho các vị lãnh đạo dân Chúa.

Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên
Chúa Giêsu tự xưng “là mục tử tốt lành” (Ga 10, 11). Trong hang toại đạo, người ta tìm thấy hình ảnh Chúa Giêsu với vẻ dịu dàng, trìu mến của người chăn chiên, vác chiên trên vai, tìm kiếm con chiên lạc, đưa chiên về với đàn của chúng để cùng chia sẻ một đồng cỏ xanh tươi. Khi lấy lại hình ảnh người mục tử và tự ví mình như thế, chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Đấng dẫn dắt dân, hơn thế nữa còn sẵn sàng “thí mạng sống vì chiên” (Ga 10, 11). Chúa biết chiên, nên hy sinh mạng sống: “Ta biết chúng và chúng theo Ta. Ta ban cho chúng được sống đời đời; chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Ta” (Ga 10, 27-28)
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu nguyện rằng: “Vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật” (Ga 17, 19). Khi tự do vâng phục ý muốn Chúa Cha, tự hiến tế mình trên thập giá, Người trở thành “Mục tử nhân lành hiến mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11). Đúng là Chiên Con cứu chuộc bằng tình yêu trao ban, hy sinh và tận hiến, Người hiến tế chính mình làm của ăn của uống cho chúng ta. Đó là lý do hôm nay chúng ta mừng kính Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành vào Chúa Nhật thứ IV sau Đại lễ Phục Sinh, nên Chúa Nhật này được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành.
Mục tử tốt lành vác chiên trên vai, ôm chúng vào lòng như người mẹ bồng ẵm con thơ. Chúa Giêsu cũng làm như thế: hàng ngày, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng những Lời Hằng Sống và các bí tích của Hội Thánh, giang cánh ta trên thập giá để thâu họp “con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11,52), đón nhận chúng ta vào lòng nhân ái của Người. Thật là hình ảnh tuyệt đẹp và đầy cảm động về một Vì Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa đã làm đối với chúng ta là những tạo vật, những con chiên của Ngài.
Hôm nay, mỗi người chúng ta tự hỏi : tôi có phải là chiên của Chúa không? Nếu phải thì tôi có nghe tiếng Chúa không ? Chúa nói: “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” (Ga 10, 27). “Tiếng” ở đây chính là Lời Chúa. Tiếng để chúng ta nhận biết Chúa, như Maria Mađalêna đã nhận ra Chúa khi đi viếng mộ Chúa.
Chúng ta có biết Chúa không và nếu biết thì biết thế nào ? “Biết” ở đây, không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. “Biết” được diễn tả qua việc làm, như thánh Gioan viết: “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối” (1 Ga 2, 4).
Vậy ai nghe, biết và chân thành đi theo Chúa Giêsu thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui, nơi có Thiên Chúa luôn hiện diện, nơi đây chiên theo Chúa và làm theo ý Chúa sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với các công dân Nước Trời.

Cầu cho các mục tử
Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi 2016, Đức Phanxicô viết : “Vào ngày được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em Kitô hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi”.
Đức Phanxicô khẳng định, người chăn chiên phải có “mùi chiên”, thì đoàn chiên mới nhận ra. Ngài muốn các mục tử trong Năm Thánh này không được để cho mình thất vọng: “Điều con người ngày nay cần nhất là những chứng từ của chúng ta về lòng thương xót của Thiên Chúa, để sưởi ấm con tim, đánh thức niềm hy vọng, và lôi kéo người ta đến với điều thiện” (Trích bài giảng 07/07/2013).
Bằng hình ảnh đó, ngài khuyên các bề trên đừng nhằm đào tạo chỉ dựa trên kỷ luật và giáo thuyết: “Đào tạo là công việc của người thợ thủ công, chứ không phải của người cảnh sát. Chúng ta phải đào tạo những tâm hồn, bằng không, chúng ta đang sản xuất ra những quái vật nho nhỏ. Rồi những quái vật nho nhỏ này lại đào tạo dân Thiên Chúa. Điều đó làm tôi rợn tóc gáy” (Adnkronos, 03/01/2013).
Ngài chỉ trích những cơ cấu Giáo hội ít có khả năng đón tiếp, và những giáo xứ co mình lại trong việc ban phát các bí tích. Theo ngài: “Tòa giải tội không phải là một phòng tra tấn nhưng là nơi của lòng Chúa thương xót…”( Trích Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 47). Linh mục không phải là một công chức, cũng không phải là người sở hữu những gì của Thiên Chúa, họ chỉ là những máng chuyển mà thôi.
Chúng ta hãy cầu nguyện cho các mục tử thân yêu : nâng đỡ, cám ơn và khuyến khích các ngài ! Chúng ta cũng cầu nguyện cho Giáo hội có thêm nhiều linh mục lành thánh.
Lạy Mẹ Maria, mẫu gương ơn gọi của chúng con, Mẹ đã không sợ hãi khi thưa tiếng “Xin vâng” trước lời mời gọi của Thiên Chúa, xin đồng hành và dẫn dắt chúng con bước theo con Mẹ. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==========
Suy Niệm III
Đức Giêsu – Mục Tử Đầy Lòng Thương Xót
 Cv 13, 14.43-52; Kh 7, 9.14-17; Ga 10, 27-30

 
Nói đến mục tử và đàn chiên, hẳn người Công Giáo không còn cảm thấy xa lạ về khái niệm và cách gọi. Tuy nhiên, để hiểu và biết cách thấu đáo, có lẽ chưa được chính xác, thiết thực cả về vai trò mục tử lẫn bổn phận của con chiên! Vì thế, Giáo hội mỗi năm một lần, dành riêng Chúa Nhật thứ IV Phục Sinh để mời gọi mọi thành phần ý thức về sứ vụ của mình trong vai trò và nhiệm vụ riêng biệt, ngõ hầu làm toát lên những nét tiêu biểu của vai trò mục tử và đàn chiên.
Để làm sáng tỏ bản chất thiêng thánh, chúng ta cần khởi đi và bắt nguồn từ chính Thiên Chúa, vị Mục Tử Tối Cao, nhất là vai trò, sứ vụ Mục Tử nơi Thầy Giêsu.

1. Thiên Chúa là Mục Tử của dân Người
Hình ảnh Vị Mục Tử Nhân Lành, đầy lòng thương xót được khởi đi từ thời Cựu Ước, qua việc Thiên Chúa luôn chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ dân của Người. Thánh Vịnh 23 đã thốt lên niềm vinh dự và an tâm khi được Thiên Chúa bảo vệ: “Đức Giavê là Mục Tử tôi. Tôi không còn thiếu gì. Dù phải đi qua thung lũng tối đen. Tôi cũng không hề lo sợ” (x. Tv 23,1-6). Qua sự cảm nghiệm trên, tác giả Thánh Vịnh cho thấy: Giavê Thiên Chúa trở thành Mục Tử của dân Israel, Người yêu thương và chăn dắt dân của Người.
Hình ảnh và sứ mạng của người mục tử cũng được trao phó cho các vị lãnh đạo thời bấy giờ, để họ thay quyền Thiên Chúa, lo quản trị, nhắc nhở và nêu gương sáng cho dân.
Tuy nhiên, thật đáng buồn vì các mục tử thời đó đã làm cho dân phải đau đớn vì họ không sống đúng vai trò của mình! Điều này đã được Tiên tri Ezekiel quở trách thật nặng nề: “Hỡi các mục tử của Israel, các ngươi đã bị băng hoại rồi! Các ngươi chỉ biết lo cho bản thân mình chứ chẳng hề nghĩ đến bầy chiên... Các ngươi chẳng chăm sóc những con yếu đuối, chữa lành những con bệnh hoạn, băng bó những con bị thương tích, dẫn về những con sai đường, hoặc tìm kiếm những con bị lạc mất. Vậy hỡi các chủ chăn, hãy nghe đây, Ta, vị Chủ Tể tối cao, Ta tuyên bố rằng... Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi... Ta sẽ giao chúng cho một vị vua giống như Đavít tôi tớ Ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng” (x. Ez 34,2-4.9-10.23).
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu đã trở thành hiện thân Mục Tử mà Cựu Ước đã tiên báo nhưng với cung cách hoàn toàn khác. Vì thế, chính Ngài đã tuyên bố: “Tôi là Mục Tử Nhân Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (x. Ga 10, 27); “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10), chứ không như những mục tử chỉ biết lo cho mình mà không đoái hoài đến đàn chiên đã được trao phó.
Quả thật, suốt cuộc đời, Đức Giêsu luôn chú tâm đến việc dạy dỗ, chữa lành, băng bó những con chiên đau ốm, ghẻ lở; dẫn về những con chiên đi lạc; phục hồi những con mất nhân cách; và cuối cùng, hiến tế chính mình cho chiên, để chúng được sống trong niềm vui và hạnh phúc viên mãn. Qua sự hiến dâng như thế, Đức Giêsu đã trao ban chính sự sống thần linh, tức là sự sống đời đời cho chiên của mình (x. Ga 10,28).
Như vậy, nơi cuộc đời và sứ vụ, Đức Giêsu đã phản ánh rõ nét Lòng Thương Xót của chính Thiên Chúa ngang qua lòng nhân từ, bao dung và tha thứ của Ngài.
Kết thúc cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã trao phó vai trò mục tử cho các Tông đồ và những người kế vị. Để hành vi thương xót của Thiên Chúa ngang qua đời sống và cung cách của các vị trung gian được tiếp tục tiếp diễn cho đến ngày mọi người đều có một Chủ Chiên duy nhất là chính Thiên Chúa và tất cả đều là anh em trong một đàn chiên.

2. Sứ vụ, vai trò của các mục tử trong Giáo hội
Khi nói đến vai trò mục tử trong Giáo hội, chúng ta nghĩ ngay đến các giám mục, linh mục, phó tế... Các ngài được lãnh nhận sứ vụ này ngang qua Giáo hội, để ra đi thi hành bổn phận mà Thầy Giêsu đã làm khi xưa.
Sứ mạng ấy chính là quyền lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa. Tuy nhiên, gương sáng và sự dấn thân sống hết mình vì đàn chiên là điều được đề cao đến nỗi nếu không có chiều kích này, thì việc lãnh đạo, giáo huấn và thánh hóa trở nên một thể chế thuần tục không hơn không kém!
Khi đề cập đến sứ vụ mục tử, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh: các mục tử ngày nay không chỉ lo lắng thuần túy về cơ cấu, nhưng còn phải “ngửi thấy mùi chiên”;“phải mang mùi chiên đó vào mình”. Thật vậy, nếu không “ngửi” và mang “mùi” của chiên nơi mình, có lẽ ranh giới giữa mục tử và kẻ chăn thuê hay cướp bóc chỉ cách nhau gang tấc! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn còn đó những vị mục tử luôn nóng nảy, dọa nạt vô cớ; cư xử phân loại; sống theo hiệu ứng đám đông; hay chỉ biết chăm chút mũ mão cân đai cho chính bản thân, lo củng cố địa vị và uy tín ngang qua những công trình sang trọng hay những buổi lễ hội... Khi lựa chọn như thế, ấy là lúc những mục tử đang có xu hướng “ngoại tình” với những “mục đích rẻ tiền” mà quên đi sứ vụ cao trọng!
Nguyên nhân dẫn đến thảm trạng đau buồn này chính là không tin phục và chẳng sống theo mẫu gương Thầy Giêsu; luôn để cho lòng tự mãn, kiêu căng, vụ lợi, ích kỷ, hèn nhát, thiếu tình thương chỉ đạo, nên chỉ biết lo cho bản thân mà không màng chi đến sứ vụ!
Nếu là mục tử thuộc về Thầy Giêsu, noi gương Đấng Giàu Lòng Thương Xót, thì  lòng các ngài sẽ không yên khi còn đó biết bao con người khắc khoải, đói khát, bần cùng, tỗi lỗi... đang ngày đêm kêu van thống thiết, để chỉ mong sao những bước chân của những mục tử dám đi ra “bên lề”, tiến vào những vùng “ngoại biên” để cứu giúp họ, ngõ hầu những con chiên đen đủi, bất hạnh này được bàn tay nhân ái của những mục tử nhân lành chạm vào tâm hồn họ, để tâm hồn chiên lạc và khổ đau được nóng và sáng lên nhờ cảm nghiệm được sự an bình thư thái...
Làm được điều đó, các vị mục tử mới thực sự là người thay mặt Chúa để trả lời và mang lại cho con người hôm nay niềm hy vọng mà xã hội trần thế không làm được.

3. Kitô Hữu là con chiên trong đàn chiên của Chúa
Còn với chúng ta, trong ngày lễ hôm nay, mỗi người hãy thực sự nhìn lại tư cách chiên của mình, để thấy được tình trạng tâm hồn trong tương quan với Vị Mục Tử Giêsu, Đấng mà chúng ta thật vinh dự khi được trở thành con chiên của Ngài ngày lãnh Bí tích Rửa Tội.
Vì thế, với tư cách là thành phần trong đàn chiên của Chúa, điều kiện tiên quyết, đó là phải tin tưởng và phó thác cuộc đời, vận mệnh, hiện tại và  tương lai cho Vị Mục Tử Tối Cao, để được núp dưới cây gậy mục tử nhân lành của Ngài.
Thứ đến là: lắng nghe Lời của Ngài, để: "Chiên Ta thì nghe tiếng Ta" (Ga 10,27), ngõ hầu Lời Chúa trở thành nguồn suối mát, đồng cỏ xanh nuôi sống tâm hồn chúng ta.
Sau đó là đi theo, gắn bó mật thiết như hình với bóng, để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong tâm tư, hành động, lời nói.
Cuối cùng, sống chứng nhân lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh chị em ngang qua nghĩa cử, lòng nhân ái của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, xin cho các chủ chăn trong Giáo hội hôm nay biết phản chiếu lòng thương xót của Chúa cách trung thực. Xin cho chúng con trở thành con chiên ngoan hiền để tận hưởng nguồn hoan lạc của đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát lành dưới bóng cánh và cây gậy mục tử của Chúa. Amen.

 
Jos. Vinc Ngọc Biển
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log