Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm C

Cập nhật lúc 10:22 01/04/2016
“Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì sợ người Dothái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em” (Ga 20, 19)
Suy Niệm I
Chúng ta có là những người đóng cửa cài then không?
 
Hôm nay Chúa Giêsu cho Tôma một bài học khó! Chúa đưa ra lời thách thức ông: “Này Tôma, anh giỏi đấy! anh đã muốn thọc bàn tay anh vào cạnh sườn thầy. Đây anh cứ tự nhiên! Anh là một nhà khoa học ít tên tuổi, anh cứ làm đủ mọi cách nếu anh muốn, Thầy sẵn sàng theo ý anh”. Dù sao, cuối cùng con người Tôma ấy cũng sung sướng chuộc lại đức tin của mình bằng một câu nói ngàn vàng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con".

Phần chúng ta, chúng ta đừng cười và chỉ trích Tôma, vì đôi khi chúng ta cũng giống Tôma: phải thấy mới tin. Vậy hôm nay chúng ta cứ để cho con người Tôma này được nghỉ yên đôi chút! Hãy quan tâm đến các tông đồ khác xem sao, họ có hơn Tôma hay là tuần trước họ vẫn chỉ là những người đóng cửa cài then cho chắc để ở trong phòng tiệc ly và chẳng dám tự hào gì. Chúng ta có là những người đóng cửa cài then đức tin của mình không? Hoặc đã là những chứng nhân can đảm ý thức mình được Thiên Chúa sai đi chưa?

Trước cảnh thầy mình bị bắt và bị giết, các tông đồ quá sợ sệt. Chúa Giêsu không biết tự vệ, vì thế họ không thể cậy dựa vào Người được nữa. Lúc này họ sắp trở nên mục tiêu tấn công của những kẻ thù địch Chúa. Để được sống hạnh phúc, tốt hơn hết là cứ sống ẩn mình, cố gắng làm cho người ta quên đi, dạo chơi trong thành phố để làm gì cho người ta châm chọc và thù ghét?

Nhiều khi chúng ta thường hay giữ mình để khỏi đương đầu với những chỉ trích của một thế giới tự cho mình là khôn ngoan, một thế giới đang tấn công Thiên Chúa, tấn công Giáo Hội và những người kitô. Là người kitô trong thế giới hôm nay không phải là luôn luôn dễ!

Không dễ gì khi chúng ta phải nghe một người bạn không tin nói rằng: Hãy nhìn xã hội hôm nay có rất nhiều bất công, người thì giàu quá, kẻ thì nghèo quá! Thiên Chúa là Cha thế nào được khi mà cả gia đình tôi đang hạnh phúc có một đứa con, thế mà đứa con đó lại bị tai nạn vừa mới chết, Thiên Chúa ở đâu? Cả tài sản của tôi ở chợ cháy hết cả…. Tại sao Thiên Chúa lại không can thiệp?

Trước tình trạng như vậy, nhiều người kitô tìm cách ẩn mình vì họ nghĩ rằng chỉ có cách đó là an toàn, hơn là phải đương đầu với bão táp từ bên ngoài. Họ nghĩ, chỉ có cách đó là khôn ngoan nhất. Họ nghĩ rằng: can đảm không phải là liều lĩnh! Một người kitô nói: “Trong lúc chờ đợi để có những ngày tốt hơn, thì chúng ta hãy giữ những pháo đài, hãy rút lui chiến lược, lùi một bước để tiến ba bước. Chúng ta hãy bảo vệ những giá trị kitô giáo đang bị đe doạ khắp nơi và sớm muộn nếu Chúa muốn, thì chúng ta sẽ ra khỏi căn hầm và sẽ lại trở nên những người truyền giáo.”

Cũng có những người kitô không còn tin tưởng ở Giáo Hội nữa. Họ nói rằng: Giáo Hội mà Chúa thiết lập trên nền đá, bí tích cứu độ, tháp canh không thể hạ được xem ra không còn khả năng mang lại cho chúng ta đảm bảo chắc chắn nữa: Họ sợ ở trong Giáo Hội. Đây là dấu hiệu đáng buồn vì thiếu tin tưởng vào Chúa Kitô Phục Sinh.
- Chúng ta sẽ làm gì trong một thế giới dường như xa lạ với sứ điệp đức tin?
- Chả nhẽ chúng ta lại không làm được gì nữa ư?
- Chả nhẽ chúng ta chỉ là hạt cát trong đại dương thờ ơ tôn giáo, để rồi không có khả năng loan truyền đức tin của mình sao?

Như vậy chúng ta vẫn chỉ là những người kitô của ngày Thứ Sáu thánh: dừng lại ở Thập giá, mà quên mất ánh sáng của ngày Chúa Phục sinh. Chúa Kitô Phục sinh đã nói với các tông đồ: “Bình an cho anh em”. Hay nói cách khác: “Vậy thì anh em còn sợ gì nữa. Thầy đã sống lại và đang ở với anh em. Nếu Thầy đang ở với anh em, tức là Thầy đang hoạt động cùng anh em. Nếu Thầy hoạt động cùng anh em, tức là Thầy tiếp tục đào tạo anh em trở nên những nhà truyền giáo nhiệt thành loan báo Tin Mừng”.

Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ”.

Thánh Augustino còn khẳng định: “Tất cả những ai nói rằng Giáo Hội đã biến mất khỏi thế giới, thì họ đang ở đâu? Giáo Hội sẽ lung lay nếu nền móng lung lay, nhưng nền móng ấy là Chúa Kitô làm sao có thể lung lay được?”

Ngày lễ Chúa Phục Sinh, Chúa Kitô nói với chúng ta là đừng ru rú trong nhà “bê tông” sợ hãi. Ngài sai các tông đồ đi truyền giáo. Để dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần chúng ta. Nhưng để cứu độ chúng ta, Người cần chúng ta. Mỗi lần chúng ta không cố gắng làm một việc có thể làm được, là chúng ta mắc một lỗi lầm làm giảm sự thiện và vẻ đẹp cho thế giới. Hãy thắp lên ngọn đèn trong phòng tối dù ngọn đèn của chúng ta chỉ leo lét! Không có sự phát triển đích thực nếu không biết quên mình, biết sống cho Thiên Chúa và cho anh em.

Hãy để cho Chúa Kitô Phục sinh sai chúng ta đi loan báo tin Mừng!

Nhưng để loan báo Tin Mừng,
- Trước hết chúng ta hãy trở nên những người mang sứ điệp hoà bình! Nếu Chúa Kitô chúc cho chúng ta : “Bình an cho anh em”, thì chúng ta cũng phải là những người đem bình an cho người khác!
- Hãy trở nên những người mang sứ điệp tình yêu: Ngày nào mà chúng ta không bừng cháy tình yêu, thì người khác sẽ chết giá. Người tông đồ chỉ có thể đụng chạm đến con tim của đám đông khi biết quên mình vì yêu.
- Hãy trở nên những người mang sứ điệp tha thứ! người kitô phải trở nên dụng cụ của lòng thương xót Chúa. Tha thứ là một sức mạnh làm phát sinh những hiệu quả không ngờ.

Cuối cùng, chúng ta hãy trở nên sứ giả đức tin và hy vọng. Trong một thế giới mà người ta không thể tìm được giải pháp cho mọi vấn đề dựa vào khoa học và kinh tế, người kitô cần biết rằng phải tin vào Chúa Kitô Phục sinh. Chỉ mình Ngài mới có khả năng thay đổi con tim và ghi sâu vào lòng người ý nghĩa cần thiết của sự chia sẻ, của nghèo khó và chân lý. Chúng ta cũng cần phải mạnh dạn kêu lên cho thế giới biết điều đó nữa: “Mặc dù đời sống chúng ta bất toàn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta im lặng: giữa im lặng và ồn ào, vẫn có một khoảng không cho lời nói khiêm nhường và đích thực”(Michel Quoist).

Để chứng tỏ chúng ta không phải là những Kitô hữu đóng cửa cài then, chúng ta hãy hát vang bài ca Alleluia Phục Sinh với gương mặt vui vẻ. Chúng ta chỉ có thể rao giảng Tin Mừng khi chúng ta vui vẻ và hạnh phúc!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===============
Suy Niệm II
Lòng Thương Xót Chúa Tồn Tại Đến Muôn Đời
 Ga 20, 19-31

 
Nhân dịp phong thánh cho nữ tu Maria Faustina Kowalska, ngày 30 tháng 4 năm 2000, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt tên cho Chúa nhật tiếp liền sau Đại Lễ  Phục Sinh là Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, kính nhớ việc Chúa Kitô tỏ cho thánh Tôma thấy cạnh sườn, nơi trào ra nước và máu, suối nguồn ân sủng. Truyền thống Giáo hội đã coi đây như là nguồn gốc của Bí tích Hòa Giải, nơi mà con người cảm nhận được sự tha thứ do lòng thương xót Chúa.

Cử chỉ trao ban bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh cho các môn đệ, biến các ông từ những người đang lo sợ và kinh ngạc, trở nên những tác viên của Lòng Chúa Thương Xót. Chúa đưa đôi tay và cạnh sườn còn in những dấu tích của cuộc thương khó và nói với các ông: " Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại" (Ga 20, 21- 23). Chúa Giêsu trao phó cho các ông hồng ân "tha thứ các tội lỗi" diễn tả lòng xót thương vô bờ của Thiên Chúa đối với nhân loại, hồng ân này phát sinh từ những vết thương của đôi tay, đôi chân và nhất là của cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua. Đó là những vết thương hằn in trên cơ thể của Người lúc còn sống, ngay cả sau khi phục sinh. Những vết thương vinh quang mà Tôma đã tận mắt chứng kiến tám ngày sau, thật không thể nào hiểu nổi và tin được lòng thương xót của Thiên Chúa. Từ đó, một làn sóng tình thương nhân từ đổ xuống trên toàn thế giới.

Chúa Kitô Phục Sinh đã ban tặng cho nhân loại hồng ân tha thứ, những con người lầm lạc đang bị thống trị bởi quyền lực sự dữ, của ích kỷ và sợ hãi, tình yêu của Thiên Chúa tha thứ tất cả, hòa giải tất cả và tái tạo tâm hồn, mang lại cho chúng nhân niềm hy vọng. Đó là tình yêu có sức biến đổi con tim và ban tặng bình an. Thế giới ngày nay đầy những thương tích về thể lý, tâm lý và luân lý cần thiết biết bao lòng thương xót của Thiên Chúa!

Chúa nhật Lòng Thương Xót Chúa, Giáo hội lặp lại câu Thánh Vịnh mà suốt cả tuần Bát Nhật Phục Sinh toàn thế giới ca vang: "Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thủa" (Tv 117, 1). Lòng từ bi mạnh hơn tội lỗi và sự chết, ngày nay, nhân loại vẫn đang tiếp tục thừa hưởng lòng từ bi tuôn trào từ những vết thương vinh hiển và từ Trái Tim của Chúa, nguồn mạch không bao giờ cạn.

Trái Tim của Chúa Kitô đã trao ban tất cả cho con người: sự cứu chuộc, ơn cứu rỗi và ơn thánh hóa. Từ Trái Tim Chúa xuất phát ra hai tia sáng chiếu tỏa thế gian mà theo lời Chúa giải thích cho thánh nữ, "hai tia sáng này tượng trưng cho máu và nước". Máu nhắc lại hy tế trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; còn nước, theo hình ảnh phong phú của thánh sử Gioan, làm cho ta nghĩ đến Bí tích Rửa Tội và hồng ân Chúa Thánh Thần  (x. Ga 3, 5; 4, 14).

Lời kinh chúng ta vẫn đọc: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", diễn tả đúng thái độ mà chúng ta muốn có, để chúng ta đặt niềm tin tưởng, phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, Ðấng cứu độ duy nhất của chúng ta! Những tia sáng của lòng từ bi Chúa mang lại niềm hy vọng cho những ai cảm thấy mình bị đè bẹp dưới gánh nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu Kitô là Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhập thể. Vậy, chúng ta hãy luôn tin tưởng nơi lòng thương xót của Chúa, là Ðấng luôn chờ đợi và yêu thương chúng ta, đừng bao giờ đánh mất sự tin tưởng nơi lòng thương xót nhẫn nại của Thiên Chúa, là Ðấng luôn luôn yêu thương, dịu hiền, chờ đợi và tha thứ cho chúng ta. Cả khi chúng ta xa rời, Thiên Chúa vẫn luôn gần gũi và sẵn sàng giang tay ra ôm ấp chúng ta vào lòng, nếu chúng ta trở về với Chúa.

Năm Thánh Lòng Thương Xót chúng ta đang sống, theo Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Dung mạo của Thiên Chúa là dung mạo của một người Cha đầy lòng thương xót, đầy nhẫn nại với chúng ta. Người thấu hiểu chúng ta, chờ đợi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta mà không bao giờ mệt mỏi, nếu chúng ta chạy đến với Người với tâm hồn sám hối… Lòng thương xót sẽ biến đổi thế giới. Một chút lòng thương xót thôi cũng làm cho thế giới bớt lạnh lẽo và thêm công chính” (Kinh Truyền Tin, 17.03.2013).

Giờ kinh Truyền Tin ngày 11.01.2015, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Ngày nay chúng ta rất cần đến lòng thương xót, Điều quan trọng là các tín hữu sống lòng thương xót ấy và đem vào các môi trường xã hội khác nhau”. Để sống tốt Mùa Chay Năm Thánh, đặc biệt cảm nghiệm được Lòng Thương Xót Chúa và thực thi lòng thương xót đối với tha nhân. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta xóa bỏ sự thờ ơ, ngài viết: “Chúng ta đừng sa vào thái độ thờ ơ lãnh đạm … đừng rơi vào trong thói quen đánh mất cảm xúc…” (x.Misericordiae Vultus số 15).

Ngài xác tín rằng, cốt lõi của Phúc Âm là tình thương, (x. Huấn từ 28-3-2014). Vì thế, theo nguyên tắc, tất cả mọi cơ cấu, nguyên tắc, luật lệ và tổ chức của Giáo Hội đều phải làm sao để hướng về và đạt đến đích điểm là tình thương (x. Niềm vui Phúc Âm, 26-43). Bởi vậy, trong thực hành, Giáo Hội cần phải là một bệnh viện lưu động để chữa lành, chứ không phải chỉ mở cửa đón nhận tội nhân và nạn nhân trở về mà thôi (x. trả lời Phỏng Vấn 04.12.2014). Ngài muốn Giáo Hội phải đi đến tận rìa mép của xã hội để tìm kiếm các con chiên lạc đáng thương, thậm chí Giáo Hội phải ăn uống với thành phần đàng điếm và thu thuế tội lỗi (Huấn từ bế mạc Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới  ngày 18.10.2014).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con duy trì lòng tin vào Con Mẹ. Lạy thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, thánh nữ Faustina, xin trợ giúp chúng con, để chúng con được cùng với các thánh hướng nhìn về Ðấng Cứu Chuộc, và lặp lại lời nguyện: "Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa", bây giờ và mãi mãi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=============
Suy Niệm III
ĐỨC GIÊSU MẠC KHẢI LÒNG THƯƠNG XÓT QUA ƠN BAN BÌNH AN
 Cv 5,12-16; Kh 1,9-13.17-19; Ga 20,19-31
 
Trong Đêm Vọng Phục Sinh vừa qua, Giáo Hội công bố Tình yêu của Thiên Chúa trải dài trên nhân loại và trong cuộc sống của con người ngang qua các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa.
Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, Giáo Hội cử hành đại lễ kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Qua Thánh lễ này, Mẹ Giáo Hội muốn làm cho bản trường ca tình yêu của Thiên Chúa một lần nữa rõ nét hơn nơi trái tim và lòng dạ thương xót của chính Chúa Giêsu, Đấng hiện thân lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

1. Thiên Chúa có tên là Tình Yêu
Nói đến Thiên Chúa, ấy là chúng ta nói đến bản chất của Người là “Tình Yêu”. Chính thánh Gioan đã khẳng định như thế trong thư của ngài: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 16).
Vì yêu, Ngài đã tạo dựng trời đất muôn vật; đã tuyển chọn Israel làm dân riêng; đã nghe thấy tiếng van xin thống thiết của dân Người và đã ra tay giải thoát, dẫn đưa họ từ Ai cập trong thân phận nô lệ trở về Đất Hứa, nơi tràn trề sữa và mật; đồng thời nuôi sống họ bằng Manna và chim cút; vì yêu, Thiên Chúa đã không chấp nhất những tội vô ơn bạc nghĩa của dân...
Bởi lẽ, ở đâu tội lỗi tràn đầy, ở đó ân sủng chứa chan gấp bội, và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn phủ lấp muôn vàn tội lỗi, sẽ tẩy trắng như tuyết, sạch như bông..., nên Thiên Chúa đã không bỏ rơi kẻ tội lỗi, không oán giận, không trả thù bằng sự giận dữ hay trừng phạt, nhưng xót xa vì họ lầm đường lạc lối, đau đớn vì họ đang đi đến hố diệt vong!
Vì thế, nhiều lần nhiều cách,  Người đã gửi các ngôn sứ, thẩm phán, vua chúa ... để nhắc nhở và mời gọi dân đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa đã trao ban chính Con Một của Người là Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian trong thân phận của con người, để dạy dỗ, yêu thương, tha thứ, chữa lành bệnh tật... và đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời. Đỉnh cao của lòng thương xót ấy chính là cái chết đau thương trên thập giá vì con người... Và cũng chính tình yêu, Ngài đã khai mở Giáo Hội ngang qua lưỡi đòng đâm thâm. Chính từ cạnh sườn, Máu và Nước của lòng dạ xót thương đã chảy ra để lộ hiện dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhằm khai sinh và nuôi dưỡng Giáo Hội bằng chính nguồn sung mãn của lòng thương xót...

2. Trao ban bình an là trao ban lòng dạ thương xót của Thiên Chúa
Không dừng lại ở đó, lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại để chứng minh con đường cứu chuộc của Thiên Chúa nơi lịch sử cứu độ, trong cuộc đời, sứ vụ, sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu được móc nối chặt chẽ trên cùng một con đường tình yêu, được khởi đi và kết thúc do lòng thương xót của Thiên Chúa.
Nên ngay sau khi sống lại, Đức Giêsu đã trao chuyển lòng thương xót của Thiên Chúa cho các môn đệ qua ơn ban bình an. Vì tình yêu là bản chất của Thiên Chúa, thì lòng thương xót chính là biểu hiện của tình yêu và nhân loại được mời gọi sáp nhập, dìm mình vào trong đại dương lòng thương xót ấy ngang qua sự bình an sâu thẳm của tâm hồn.
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu hai lần hiện ra với các môn đệ. Cả hai lần, Ngài đều trao ban bình an cho các ông.
Khi trao ban cho các ông sự bình an, Đức Giêsu muốn cho các ông bình tâm để nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua lịch sử cứu độ, và nhất là trên chính cuộc đời của từng người, để các ông đọc lại cuộc đời của mình và dân tộc mình trên nền tảng thương xót của Thiên Chúa để các ông chan chứa niềm tin và hy vọng, ngõ hầu can đảm làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhất là nơi cuộc thương khó và phục sinh của Thầy Giêsu.
Muốn có được điều đó, các ông cần đón nhận sự bình an của Đức Giêsu trong tâm tình của những người có đức tin và lòng mến, chứ không như theo quan niệm thói đời về sự bình an khi phỏng chiếu nó theo kiểu may rủi...
Thật vậy, sự bình an mà Đức Giêsu trao tặng, chính là một ơn cao trọng, biểu lộ tình yêu và lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, để nở hoa tình yêu và kết trái tha thứ. Thế nên, bản chất của nó khác xa một lời chào hay một nghĩa cử xã giao. Điều này chính Đức Giêsu đã nói:  “Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban” (Ga 14,27).
Khi bình an của Đức Giêsu được trao ban và những ai được đón nhận, thì sự bình an ấy sẽ sinh hoa trái và làm cho người đón nhận được biến đổi. Điều này ta thấy diễn biến của tâm trạng Tôma, từ một người cứng lòng tin, đến nỗi ông thách thức luôn cả Đấng Phục Sinh!!! Tuy nhiên, Đức Giêsu thấu hiểu nỗi yếu đuối của ông, bởi vì qua biến cố Ngài chịu khổ nạn, tinh thần của Tôma đang hoảng loạn và hoài nghi mọi chuyện, nên Đức Giêsu một lần nữa đem lòng quý mến ông, thương xót ông, nên đã hiện ra và đáp ứng nhu cầu hiếu tri của người môn đệ cứng tin. Tôma đứng trước Đấng đầy lòng thương xót và được nghe thấy Thầy của mình không trách móc, nhưng lại yêu thương và mời gọi ông, cho ông được đặc ân sỏ ngón tay và lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn... Đến lúc này, Tôma đã đụng chạm được vào tận căn của lòng thương xót nơi Thầy mình, vì thế, ông đã thốt lên: “Lậy Chúa là Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).
Đây là một lời tuyên xưng đức tin nơi tâm hồn bình an thực sự của Tôma. Cũng chính vì lời tuyên xưng đầy tin tưởng này mà Đức Giêsu đã trao ban mối phúc lòng thương xót: “Vì con đã thấy Thầy nên con đã tin; nhưng phúc cho những ai đã không thấy mà đã tin” (Ga 20,29).
Như vậy, hai lần hiện ra, Đức Giêsu đều muốn các ông rồi mai đây sẽ trở thành chứng nhân của lòng thương xót, ngang qua cuộc sống và hành động của chính mình, để Thầy và trò cùng đi chung con đường thương xót, nhằm trải dài ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho nhân loại.

3. Sống và thi hành sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời Kitô hữu
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”
Khám phá ra sứ điệp thương xót của Đức Giêsu ngang qua lời cầu chúc bình an cho các môn đệ, mỗi người chúng ta cũng hãy xin ơn bình an đó cho chính mình, và loan truyền sự bình an sâu thẳm ấy cho anh chị em chúng ta.
Đây là sứ mạng của mỗi chúng ta! Chúng ta không được dửng dưng với lòng thương xót và cũng không được thờ ơ khi thấy con người, nhân loại hôm nay vô tâm, quay lưng lại với lòng thương thương xót của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ (NK, 998) ; Hãy công bố sự tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật (NK 1572). Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, thì sẽ không bị tàn lụi, vì tất cả những việc của người đó đều là việc của Ta, và những kẻ thù của họ đều sẽ bị tan tác dưới bệ chân Ta (NK,723). “Ta đòi hỏi con việc làm cho lòng thương xót phát xuất từ tình yêu đối với Ta. Con sẽ tỏ bày lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi mọi lúc. Con không được lùi bước hay biện hộ hoặc tự miễn trách nhiệm cho bản thân việc đó. Ta ban cho con ba cách sử dụng lòng thương xót đối với người thân cận: Thứ nhất: bằng việc làm; thứ hai: bằng lời nói; thứ ba: bằng lời cầu nguyện. Trong cả ba cấp đó cần chứa đựng đầy lòng thương xót, và đó là bằng chứng không thể nghi ngờ được của tình yêu dành cho Ta” (NK, 742).

Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa, con xin tín thác nơi Ngài. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log