“Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 31-32)
Suy Niệm I
“Mọi sự của cha là của con”
Đây là một bài Tin Mừng luôn có tính thời sự. Những đứa con hư đóng sập cánh cửa gia đình, rồi ra đi; cũng có những đứa con ghen tương vì món quà hoặc gia tài cha mẹ chúng chưa kịp cho hoặc đã cho tất cả rồi, mà không nhận ra. Dù có những đứa con như vậy, nhưng khuôn mặt của người cha vẫn thật huy hoàng và đáng nể. Vì thế, ngày nay người ta không muốn gọi dụ ngôn hôm nay là dụ ngôn đúa con hoang đàng nữa, mà là dụ ngôn người cha quảng đại, người cha nhân từ, người cha tha thứ trong mọi hoàn cảnh và mọi lúc.
Trong Tin Mừng không có nhiều đoạn giải thích cho chúng ta một cách rõ ràng thái độ yêu mến và thương xót của Cha trên trời. Charles Péguy viết: “Dù tất cả những hình ảnh đẹp khác của Tin Mừng có thể bị quên lãng, nhưng chúng ta nên giữ lại một trang kể lại dụ ngôn đứa con hoang đàng để cuối cùng hiểu biết được Thiên Chúa là ai: Một Người Cha chăm lo, chờ đợi, giang cánh tay, tha thứ và tổ chức một bữa tiệc lớn mừng vui đứa con mình trở về”.
Một tình cha quảng đại. Để hiểu tốt hơn về tình cha của Thiên Chúa, trước hết chúng ta hãy quan sát tình cha nhân loại và tự hỏi tại sao cha mẹ lại sinh ra con cái? Tất nhiên câu trả lời có thể là khác nhau:
- Nhiều cha mẹ muốn có con cái do nhu cầu cần thiết: đứa con như con gấu bông để thoả mãn nhu cầu âu yếm hoặc đứa con đảm bảo về cuộc sống sau này nhờ vào nó.
- Nhiều cha mẹ thích có con vì một mục đích có lợi: tự hào vì đứa con, đứa con như cái gậy trong lúc tuổi già.
- Nhiều cha mẹ muốn có con cũng chỉ vì như mọi người khác.
- Rồi cũng có những cha mẹ muốn có vì Chúa muốn: hay nói cụ thể hơn là vì yêu. Để cho những con người mới sinh ra được hạnh phúc, để làm cho chúng chia sẻ hạnh phúc và sự sống của mình. Tất cả những đôi vợ chồng thực sự yêu nhau thì chỉ có một ước muốn: cho phép con cái được hưởng niềm vui của chính mình.
Thiên Chúa nói với người con cả: tất cả những gì của cha là của con. Điều đó muốn nói rằng: “Này con! Con biết rõ, con ở với cha, mọi sự đều thuộc về con. Con ở với cha không phải là bằng mối tương quan chủ với thợ, nhưng là tương quan tình yêu”. Tình cha của Thiên Chúa là tình cha tuyệt vời biếu không tất cả những gì Người có. Người ban cho chúng ta Trời, Trời chính là Đại Dương tình Yêu trong Ba Ngôi. Niềm vui lưu thông giữa Chúa Cha, Chúa con và Chúa Thánh thần cũng sẽ là niềm vui của chúng ta. Trời chính là ngôi nhà của gia đình chúng ta. Ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất này không phải là ngôi nhà đích thực ; một ngày nào đó chúng ta sẽ bỏ nó để vào ở ngôi nhà mà Thiên Chúa đã dọn sẵn. Nơi đó Người phục vụ chúng ta bữa tiệc thịnh soạn và muôn thuở.
Một tình cha tôn trọng con cái. Tuy nhiên trong mối tương quan tình yêu tuyệt vời mà Thiên Chúa muốn sống với chúng ta, Người hoàn toàn để cho chúng ta tự do đón nhận hoặc không đón nhận, vì tình yêu thì không áp đặt. Chúa Cha không phải là người cha độc tài, áp đặt con cái phải theo ý mình. Thái độ của Người đối với người con thứ trong dụ ngôn thật đơn giản. Khi đòi chia gia tài, nó nói:
- Mẹ con đã chết, cha phải cho con phần gia tài của con.
Người cha chỉ hỏi lại:
- Thế con lấy gia tài của con để làm gì?
Nó nói tiếp:
- Để con được nổi tiếng ở thành phố khác.
Người Cha có thể lường trước được điều gì sẽ xẩy ra cho đứa con đòi chia gia tài này để đi phương xa, nhưng vì tôn trọng tự do của nó nên đành phải chấp nhận. Jullien viết: “Ngày mà đứa con hoang đàng và ngỗ ngược đi xa, ngày mà người cha chấp nhận để con ra đi, chính là ngày người cha chấp nhận tình Cha trong Thánh Thần”.
Một tình cha đợi chờ. Thiên Chúa tôn trọng sự tự do của đứa con hoang đàng cũng chính là người cha hy vọng đợi chờ đứa con đó trở về. Người chờ cơ hội. Thử thách, chính là đứng từ xa để thấy nó trở về. Người không thất vọng về đứa con của mình: nó sẽ trở về, Người chắc chắn điều đó trong nước mắt tình yêu đợi chờ!
Người đợi chờ, đợi chờ sự trở về của người anh cả nữa, hay nói đúng hơn là sự quay mặt lại của anh. Vì chưng nếu anh không ra đi, thì anh đã ở trong nhà rồi. Phải chăng vì sợ? Hoặc vì anh thích sống an toàn thu mình lại xa tránh mọi người? Hay là vì anh thích tiền để tiêu pha thoải mái, vì khi ở với cha anh chỉ được phép tiêu dè sẻn thôi? Lỗi lầm của anh chính là không thực hiện vận may là con của người cha như vậy, là có quyền sống tương quan tình yêu với cha. Đó là thứ tương quan người cha chờ đợi anh. Tương quan này giá trị hơn cả mọi tương quan khác.
Lòng nhẫn nại của Thiên Chúa là thế! Người chờ đợi và hy vọng sự trở về của mỗi người. Người chờ đợi sự trở về đích thực hướng tới đời sống cầu nguyện và bác ái. Chúng ta đừng bỏ qua lòng nhẫn nại của Thiên Chúa. Cánh tay Người vẫn giang rộng hướng về chúng ta.
Một tình cha tha thứ và thương xót.
1- Một sự tha thứ luôn ban tặng:
- Đối với người con thứ: Sau khi tiêu hết tiền không còn gì, anh con thứ phải ra đồng chăn heo thuê. Muốn ăn cám heo mà người ta cũng không cho. Bấy giờ anh hồi tâm lại: biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Một sự hối tiếc bất toàn! Trước hết anh chỉ nghĩ đến anh! Nhưng dù sao anh cứ tiến bước. “Tôi muốn trở về với cha tôi và thưa người rằng: con đã lỗi phạm đến Cha”. Lần này anh nghĩ đến cha anh. Đó là sự hối tiếc hoàn chỉnh! Người cha chủ động chạy đến anh và ôm hôn anh! Đó là tất cả! Người cha không còn để ý đến lỗi lầm của con nữa, ông chăm sóc vết thương lòng của con, ông trả lại hạnh phúc cho con.
- Đối với người con cả: Người cha biết rằng anh con cả khó có thể chấp nhận một điều mà anh cho là không công bằng. Anh đã muốn ra đi…để giải toả. Anh không nhận được quà tặng và khen thưởng. Nhưng người cha vẫn cứ ra ngoài và chạy đến gặp anh.
2- Một sự tha thứ kiến tạo:
Thiên Chúa không tha thứ một nửa. Tội lỗi chúng ta, Người xóa hết. Người xé bỏ trang cũ và viết trang mới cho chúng ta. Người lột bỏ quần áo cũ và mặc áo mới cho chúng ta. Người mời tất cả mọi người vào dự tiệc. Người muốn anh con cả cũng phải trở về trong mối tương quan say đắm của người Cha chỉ vui mừng khi tất cả các con của Người vui mừng.
Chúng ta, dù là con thứ hay con cả, hãy vào nhà Cha dự tiệc vui để Người Cha chúng ta được vui mừng trọn vẹn trong thánh lễ tiếp theo!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=========
Suy Niệm II
Vui Mừng Vì Được Chúa Xót Thương
Lc 15, 1-3. 11-32
(" Mừng vui lên … - Lætare) là chủ đề của Chúa nhật IV Mùa Chay. Từ phụng vụ lễ ca cho đến màu sắc phụng vụ, tím chuyển sang hồng, màu của bình minh, đánh dấu nửa chặng đường sám hối, nay Giáo hội tạm dừng để chuẩn bị tốt hơn niềm Phục Sinh. Nghỉ để cảm tạ Chúa vì những gì ta đã làm, xin Chúa ban thêm nghị lực để bước tiếp những chặng cuối.
Lời ca nhập lễ : (" Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành !... Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. ") (Tv 121,1). Niềm vui dâng trào thể hiện qua các dụ ngôn : "Con chiên lạc" : Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng …kêu bạn hữu …mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi …: "Trên trời sẽ vui mừng …" (x. Lc 15, 4-7). Hay dụ ngôn " Đồng bạc đánh mất" : "Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em …đến mà rằng: "Chị em hãy vui mừng với tôi … ". Cũng vậy… : Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng …"(x. Lc 15, 8-10). Nhưng cụ thể hơn cả vẫn là dụ ngôn "Tình phụ tử " : Người cha bảo: … phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy" (x. Lc 15, 11-32). Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay chung vui, thì dụ ngôn "Tình phụ tử là phải ăn tiệc và vui mừng". Thiên Chúa là Cha mở khao tiệc ăn mừng con người tội lỗi chúng ta trở về với Chúa. Chúng ta không thể vui mừng sao được, khi có Thiên Chúa là Cha, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, rất mực yêu thương chúng ta, đến hy sinh chính Con Một vì chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân. Chúng ta đặt mình vào cương vị của người con thứ và tự sự, để khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa yêu mỗi người chúng ta biết chừng nào, vui mừng mà đáp trả.
"Từ bỏ cha tôi là người hết mực thương tôi, tôi thật đã làm điều sai trái ; tôi đã phung phí hết tiền của vào cuộc đời trác táng, thân tôi tan nát và dơ bẩn, làm thế nào cha tôi có thể nhận ra tôi là con trai mình? Tôi sẽ sấp mình xuống dưới chân cha tôi, lấy nước mắt lau chân cha tôi và khẩn xin cha tôi coi tôi như người làm công của cha"... Người cha, từ ngày con bỏ nhà ra đi, ông thương con, ngày ngày ra ngóng con trở về, nên khi ông thấy nó từ đàng xa, ông quên cả tuổi già và quên luôn cuộc sống phóng đãng của con trai ông, ông chạy tới ôm choàng lấy cổ nó và hôn lấy lấy hôn để. Thằng con trai ông hết sức kinh ngạc về tình yêu mà cha nó dành cho nó, nó kêu lên… : "Con không còn xứng đáng được gọi là con cha nữa, xin cha coi con như người làm công của cha"(Lc 15, ). Không, không, con trai của cha, người cha nó kêu lên…, tiếng kêu xóa sạch lỗi lầm của con, và tình cha tuôn trào xuống người con bằng hành động : "phải ăn tiệc và vui mừng "(Lc 15, 32). "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy" (Lc 15, 22-24).
Khi quan sát hình ảnh người cha ôm người con, nghe người cha nói với người con và liên tưởng tới Vì Thiên Chúa là Cha xử với chúng ta là tội nhân như thế. Thánh Gioan Maria Vianney cha sở họ Ars đã thốt lên rằng : Đây hình ảnh tuyệt đẹp về sự vĩ đại của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân khốn khổ nhất! ... Ôi Thiên Chúa của con, rằng tội lỗi là một cái gì đó thật khủng khiếp! Làm thế nào chúng con có thể phạm tội được ? Nhưng tất cả chúng con là những kẻ khốn nạn, ngay khi chúng con còn là tội nhân, thì Thiên Chúa đã yêu thương chúng con trước. Lòng thương xót của Thiên Chúa cộng với lòng trắc ẩn. Tình yêu của Đấng Cứu Thế thật bất ngờ bởi ân sủng của Ngài trước các tội nhân, Ngài ôm hôn tội nhân, trao ban cho họ sự an ủi tuyệt vời…Ôi khoảnh khắc tuyệt với ! Chúng ta mà hiểu được thì chúng ta sẽ rất hạnh phúc ! Nhưng than ôi, chúng ta không phù hợp với ơn thánh, nên những khoảnh khắc hạnh phúc tuyệt vời ấy biến mất…Chao ôi, đâu là điều mà tội nhân tin tưởng, cho dù tội lỗi đến đâu đi chăng nữa, thì hãy biết và tin rằng lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô hạn! (Trích bài giảng thứ Chúa nhật III Mùa Chay của thánh Gioan Maria Vianney).
Người cha mất con, ngày ngày ngóng chờ con trở về là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn, đó là một con người biết đọc lại các biến cố đời mình, hiểu được những gì đã xảy đến với mình để sửa chữa, tái lập trật tự trong đời sống và quyết tâm : "Tôi sẽ trỗi dậy và trở về với cha tôi" (Lc 15,18), nhưng thực tế, ai trỗi dậy và ai trở về với cha mình. Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, đơn giản không chỉ là ơn tha tội nhưng không do Thiên Chúa ban. Đây là cuộc gặp gỡ của niềm tin mà người con tội lỗi đã đặt để vào lòng thương xót của người cha ấy, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và con tìm thấy được tình yêu trìu mến.
Chúa Giêsu đồng bàn với quân tội lỗi, nhưng Người không đến để hợp thức hóa tội lỗi, làm cho những kẻ lầm lỗi cứng lòng, hay ngày càng tội tề hơn. Người đến để loan báo rằng họ có thể sống khác để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, không nản vì sự thờ ơ, hay khác biệt của những con người.
Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa, Đấng Giầu Lòng Thương Xót, dẫn dắt con người tới bàn tiệc như người cha đã chuẩn bị cho con mình. Đúng như thế, tội nhân được tha thứ là con người của niềm vui và tác động của ân sủng.
Lễ Phục Sinh không mời gọi chúng ta bước vào con đường sầu khổ. Trái lại, cứu chuộc chúng ta khỏi đắng cay buồn phiền, nghèo đói và chết chóc, lễ Phục Sinh mang lại cho chúng ta niềm vui ngày Đại lễ. Hòa giải được với Thiên Chúa và hòa giải với nhau, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui thiêng thánh.
Giờ đây chúng ta hãy ngước nhìn về Chúa và ngẫm nghĩ về tấm lòng của Thiên Chúa và lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Cha làm ta hồi sinh.
Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp đỡ chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy Niệm III
THIÊN CHÚA CỦA CHÚNG TA LÀ THẾ ĐÓ!
Gs 5,9-12; 2 Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32
Có một câu chuyện kể lại như sau: một bà già thường đến gõ phòng cha xứ, kể cho ngài nghe rằng: đêm qua Chúa mới hiện ra với bà.
Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, cha xứ bảo: “Lần sau nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Người ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’ Sau đó tới kể cho tôi nghe”. Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm vì bà đã trúng kế của ngài. Nhưng một tuần sau đó, bà già trở lại.
- “Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con”.
- “Thế bà có hỏi Ngài không?”
- “Thưa có chứ”.
Cha xứ bắt đầu hồi hộp:
- “Bà hỏi thế nào?”
- “Thì con hỏi y như Cha đã bảo: ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất?’”
Cha xứ càng hồi hộp thêm:
- “Vậy Chúa có trả lời không?”
- “Có chứ”.
Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:
- “Chúa nói sao?”
- “Chúa nói: ‘Ta đã quên hết rồi’”.
Cha xứ thở phào nhẹ nhõm!!! (Kể theo ĐHY. Fx. Nguyễn Văn Thuận).
Vâng! Thiên Chúa của chúng ta là như vậy. Ngài yêu thương và sẵn lòng tha thứ mọi lỗi lầm cho chúng ta. Tình yêu của Người là một tình yêu luôn đi bước trước và hướng tha. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Đức Giêsu kể các dụ ngôn hôm nay.
1. Thiên Chúa là Đấng Thương Xót
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu nhiều lần và nhiều cách Ngài mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa cho các Tông đồ và dân chúng. Rõ nét nhất chính là nơi ba dụ ngôn: con chiên lạc, đồng xu đánh mất và người cha nhân hậu (x. Lc 15,1-32).
“Nơi các dụ ngôn này, chúng ta thấy toát lên một điều rõ rệt, đó là Thiên Chúa luôn sung sướng, vui mừng hân hoan khi thực hiện được một hành vi tha thứ, đây là điểm cốt lõi của Tin Mừng và của đức tin, vì lòng thương xót tỏ hiện như một sức mạnh vượt thắng tất cả, đong đầy trái tim bằng tình yêu thương và mang lại an ủi bằng ơn tha thứ” (x. Tông Sắc LTX., số 9).
Căn tính này thật rõ nét nơi hình ảnh người cha nhân hậu. Nơi người cha này, ông đã không màng chi đến tội lỗi của đứa con hư thân mất nết, ông cũng chẳng mong anh ta phải nói lên lời xin lỗi sau những tháng ngày sa đọa... Nhưng, với ông, ông chỉ canh cánh một điều là: mong sao nó trở về để tha thứ và yêu thương. Thế nên, khi thấy đứa con tội lỗi trở về trong thân hình tiều tụy thê lương, ngay lập tức, một loạt cử chỉ phi thường của tình yêu đã được ông hành động như: chạy ra, ôm hôn, truyền mang áo đẹp mặc cho cậu, xỏ vào tay, mang dép vào chân và mở tiệc ăn mừng (x. Lc 15, 20-23). Niềm vui tha thứ này diễn tả niềm vui Nước Trời, bởi lẽ, Thiên Chúa “muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (x. Mt. 9, 12-13), nên: "Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (Lc. 15, 10). Đây cũng là biểu hiện của sự thành công và quyền năng của Thiên Chúa khi lòng thương xót của Người đến được với đối tượng cần ơn tha thứ, vì: “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài” (Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 30, a. 4).
Chính vì lẽ đó, nên khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài đã sống và mạc khải cụ thể cách trung thành về lòng thương xót của Thiên Chúa cho nhân loại qua chính cuộc đời, hành động, lời rao giảng và nhất là nơi cái chết trên thập giá, để qua đó, nhân loại hiểu được rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.
2. Sứ điệp cho Giáo Hội
Phụng vụ hôm nay, Đức Giêsu muốn mặc khải cho Giáo Hội là hiền thê của Ngài biết rằng: “Lòng thương xót là bản chất của Thiên Chúa. Chính lòng thương xót này đã nuôi dưỡng, chống đỡ và trở thành mục đích của Người”.
Điều này đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc đến trong Tông Sắc về Lòng Thương Xót. Ngài viết: “Trụ cột nâng đỡ đời sống Giáo Hội chính là lòng thương xót. Tất cả các hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải được thấm đẫm sự dịu dàng; không một sứ điệp và chứng từ nào của Giáo Hội trước thế giới lại có thể vắng bóng lòng thương xót. Tình yêu, thương xót và thông cảm chính là phương thế để củng cố tính cách đáng tin của Giáo Hội”. Và ngài cảnh tỉnh: “Có lẽ từ lâu chúng ta đã quên trình bày và sống theo lối đi của lòng thương xót. [...] Thật đáng buồn khi nhận ra trải nghiệm về tha thứ ngày càng trở nên hiếm thấy trong nền văn hóa ngày nay. Kể cả đôi khi từ ngữ này dường như cũng đang dần biến mất! Tuy nhiên, không có chứng từ của sự tha thứ, thì đời sống sẽ cằn cỗi không sinh hoa trái, như bị cô lập trong vùng hoang mạc trống vắng!”. Và ngài mời gọi: “Đã đến lúc Giáo Hội phải thực thi phận vụ hân hoan loan báo sự tha thứ. Đã đến lúc trở về với điều căn bản là mang lấy những yếu hèn và khó khăn của anh chị em chúng ta. Sự tha thứ là động lực làm bừng lên sức sống mới và truyền thêm can đảm để giữ vững niềm hy vọng cho tương lai” (x. Tông Sắc LTX., số 10).
Lời mời gọi thực thi lòng thương xót dành cho Giáo Hội là hiền thê của Đức Giêsu, thì cũng là lời kêu mời dành riêng cho mỗi chúng ta.
3. Sống sứ điệp Lời Chúa
“Hãy thương xót như Cha các con là Đấng đầy lòng thương xót” (Lc 6,36). Đây là: “Luật căn bản được đặt vào trái tim của những ai biết dùng đôi mắt chân thành để nhìn vào người anh em gặp thấy trên đường đời. Lòng thương xót là con đường nối kết Thiên Chúa với con người, hướng lòng chúng ta về niềm hy vọng sẽ được yêu thương luôn mãi, bất chấp tội lỗi của chúng ta” (x. Tông Sắc LTX., số 2).
Qua các dụ ngôn hôm nay, là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi mặc lấy tâm tình của Thiên Chúa, đó là quảng đại, tha thứ, nhẫn nại và yêu thương.
Vì: “Nếu Chúa đã chà đạp và ném mọi tội lỗi chúng ta xuống lòng biển sâu” (x. Mk 7,18-19), thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng phải vứt bỏ tội lỗi của anh chị em mình sang một bên, để chỉ còn tình yêu và lòng tha thứ ngự trị nơi hành động, lời nói và tâm tưởng của ta.
Muốn làm được điều đó, chúng ta phải cảm nghiệm được sự vĩ đại của tình yêu mà Thiên Chúa đang dành cho mình, bởi lẽ: nhiều lúc, chúng ta cũng hoang đàng như người con thứ, cũng phung phí tiền bạc, thời giờ, sức khỏe và Ơn Thánh cách vô bổ; hay nhiều khi chúng ta cũng kiêu ngạo, tự phụ, để rồi khinh bỉ, rũ bỏ và loại trừ những người tội lỗi, không cho họ có cơ hội để trở về với lòng thương xót của Thiên Chúa như người con cả... ấy thế mà Chúa vẫn thương. Đây là mầu nhiệm vĩ đại, vì Thiên Chúa của chúng ta là như thế. Ngài luôn quên hết mọi lỗi lầm của ta và chỉ mong một điều, đó là ơn tha thứ được đến với ta mãi mãi.
Mong sao, ngay trong giây phút này, mỗi người chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con thứ để thưa lên với Đấng Giàu Lòng Thương Xót rằng: “Lạy Chúa xin tha thứ cho con vì con là kẻ có tội”; đồng thời tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa vì Ngài đã phán: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1, 18), và hãy biết tha thứ như Thiên Chúa là Đấng hay Thương Xót để chúng ta cũng được Thiên Chúa xót thương. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
===========
Suy Niệm IV
TẤM LÒNG NGƯỜI CHA
Lc, 15, 1 – 32
Dụ ngôn người con hoang đàng là một trong những dụ ngôn đẹp, giàu ý nghĩa, mang lại nhiều niềm vui và hy vọng nhất cho người đọc khi khám phá ra người cha nhân từ chính là hình ảnh của người Cha Trên Trời.
Rất nhiều khi chúng ta hiểu người con phung phá là người con thứ vì anh đã hoang phí tài sản của cha. Nhưng thực ra, nếu đọc kỹ, chúng ta thấy cả hai đều làm cha buồn lòng, cả hai đều không biết sử dụng tài sản cha ban. Chúng ta đang được mời gọi để khám phá ra chính mình qua hai người con đó.
1. Người con thứ
Người con thứ khi xin cha chia giai tài, có lẽ anh không hiểu hành động này làm cha đau lòng đến thế nào, có thể vì tuổi trẻ thiếu suy nghĩ nên anh không biết, không quan tâm. Khi xin ai chia gia tài là người ta hàm ý muốn cho người đó chết sớm. Vì thực ra việc chia gia tài chỉ có ý nghĩa giúp cho người sắp chết ra đi thanh thản khi để lại cái gì đó cho những người còn sống. Đó là hành động tự nguyện của người sắp chết. Còn ở đây lại không phải hành động tự ý của người cha đã già mà là hành động ép buộc của người con còn trẻ. Nó nói lên thái độ bất hiếu, vô tâm như muốn cắt đứt mối quan hệ với người cha còn sống.
Tội lỗi cũng vậy. Tội lỗi là một hành động làm tổn thương mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, làm chết đi mối thân tình của chúng ta với Cha Trên Trời vì thế cắt đứt dòng ân sủng mà Cha ban cho chúng ta.
Thế nhưng, người cha không ngần ngại, cằn nhằn…mà chia ngay tài sản cho con bởi vì ông tôn trọng quyết định của con để nó được tự do chọn lựa cuộc sống của mình. Ông muốn con ông trưởng thành, dù biết rằng sự chọn lựa này có thể gây ra những thiệt hại mất mát cho ông. Cha Trên Trời cũng luôn tôn trọng tự do của mỗi người chúng ta, luôn luôn tôn trọng quyết định của ta và Ngài ban Thánh Thần để giúp chúng ta chọn lựa đúng hành động của mình. Ngài không muốn chúng ta hành động như những con rối trong bàn tay của Ngài nên Ngài ban ân sủng tự do cho ta. Tự do này đòi hỏi ta dám lãnh nhận trách nhiệm. Vì thế, khi phạm tội, chúng ta đừng đổ lỗi cho người khác lôi kéo, ma quỷ cám dỗ hay hoàn cảnh ép buộc. Ta hãy can đảm thú nhận: “Lạy Cha, con thật đắc tội với trời và với Cha”. Có can đảm như thế ta mới quyết tâm sám hối và trở về.
Người con thứ đã bỏ đi phương xa. Ở đó anh phung phí tất cả tài sản của mình. Tội lỗi luôn luôn là một hành động phung phí ân sủng của Thiên Chúa. Chúa ban cho chúng ta của cải, tiền bạc, thời giờ, khả năng…nhưng nhiều khi chúng ta đã phung phí cho những tham vọng và dục vọng của mình chứ không phải làm sáng danh Chúa và mưu ích cho con người. Việc phung phí ấy luôn làm cho con người nghèo đi, giống như người con thứ, đến độ không còn gì để ăn, phải ra đồng chăn heo, làm công cho người bản xứ. Từ một cậu chủ, anh trở thành người làm công tồi tệ. Đối với người Do Thái, con heo là con vật bẩn thỉu, kinh tởm vì nó ăn những đồ cặn bã nên người Do Thái không bao giờ ăn thịt heo. Bài Phúc Âm như diễn tả tình trạng tồi tệ, nghèo khó, hèn hạ của đứa con khi nó cắt đứt quan hệ với người cha. Đó cũng là tình trạng tồi tệ, nghèo khó, hèn hạ của chúng ta khi cắt đứt mối liên hệ với Cha Trên Trời. Chúng ta vừa đánh mất địa vị làm con cái Thiên Chúa, vừa làm nghèo cuộc hiện hữu của mình dù Thiên Chúa là nguồn hiện hữu như ta đã suy niệm tuần trước.
2. Người con trưởng
Người con trưởng cũng không hành động tốt hơn. Dù không làm buồn lòng cha một cách gay gắt, nhưng anh lại làm cho cha ray rứt trong cách sống hằng ngày vì quan niệm rất hẹp hòi của anh. Trước hết anh khép kín với cha. Cha đã để lại tất cả gia tài cho anh nhưng anh lại tưởng tất cả đó vẫn còn là của cha, anh nói: “cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha mà cha chưa bao giờ cho con một con dê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn”. Anh được quyền không chỉ ăn một mà hàng chục con dê khi cần thiết. Nhưng anh nghĩ rằng đàn dê đó vẫn là của cha, tài sản vẫn là của cha chứ không phải của mình. Chúng chỉ thuộc về anh khi người cha đã chết, và anh mong đợi ngày đó!
Anh vẫn nghèo và còn nghèo hơn đứa em bởi vì anh sống giữa một kho tàng lớn lao như vậy mà anh vẫn không nghĩ là của mình. Trong khi người em còn dám ăn chơi vì nghĩ số tiền đó là của hắn.
Cuộc sống của chúng ta cũng y như vậy. Cha Trên Trời đã ban cho ta tất cả: cuộc sống, trí thức, tình yêu, chân thiện mỹ, hạnh phúc…và chúng ta có thể có gấp bội so với những gì chúng ta đang có hiện nay “vì mọi sự của cha đều là của con”. Nhưng chúng ta cứ nghĩ rằng kiến thức đó là do ta phải học đêm học ngày mới thu nhận được; sức khoẻ, sắc đẹp đó phải dùng biết bao nhiêu đồ ăn, mỹ phẩm mới đạt được. Không bao giờ chúng ta nghĩ được tất cả là của Cha và Cha còn ban cho chúng ta gấp bội nếu chúng ta gắn bó với Ngài.
Hơn nữa, người con trưởng còn đóng kín với anh em. Anh ta nhìn đứa em không phải là con cùng một cha, anh nói: “còn thằng con của cha kia”. Anh ghen tức với em khi thấy cha đối xử tốt lành. Chúng ta cũng vậy, thấy người ta đẹp hơn, giàu hơn, tài năng hơn là chúng ta ghen tức. Chúng ta quên rằng mỗi người có sứ mạng riêng và những ân sủng đó là để giúp họ chu toàn sứ mạng của mình. Chúng ta không phát huy những gì Chúa ban cho ta, ta chỉ nhìn vào người khác và bực bội với họ chứ chúng ta không nhớ rằng Cha nhân hậu với tất cả mọi người và Cha yêu thương mọi người. Chúng ta càng yêu thương mọi người như anh chị em thì tài sản ân sủng Cha ban cho ta sẽ càng tăng gấp bội.
Cuối cùng, nhiều khi chúng ta đóng kín với chính mình, tự mãn với đời sống tốt đẹp, với tài năng, bằng cấp, vẻ đẹp, sức khoẻ của ta. Chúng ta tưởng rằng mình đã tốn công thu lượm được những thứ đó nhờ đời sống đạo đức, đi lễ đều đặn, cầu nguyện tốt đẹp, chăm chỉ làm việc như người con cả. “Thưa cha, đã bao năm con hầu hạ cha, con đã không trái lệnh cha điều gì”. Chúng ta tưởng đời sống đó làm Chúa hài lòng nhưng quả thực Chúa buồn vì ta chưa phát huy thật sự bản chất cao cả của người con cái Chúa.
3. Người cha giàu lòng thương xót
Người Cha nhân lành trong dụ ngôn diễn tả tình yêu của Cha Trên Trời, đồng thời cũng trình bày cho ta hiểu những đòi hỏi của tình yêu đối với tha nhân để tình yêu đó thật sự là “bác ái” như “Thiên Chúa là bác ái” (1Ga 4,6).
Yêu thương trước hết là “tặng không”, là cho cách quảng đại như người cha chia gia tài cho hai con, dù hai đứa muốn gạt ông ra khỏi cuộc đời của chúng.
Yêu thương tiếp theo là tin tưởng nhau, tôn trọng tự do của nhau chứ không nghi ngờ, dò xét, , hay ràng buộc nhau bằng đủ lời hứa, câu thề, biến nhau thành thần tượng hay thành nô lệ của nhau vì đây là tình yêu của những con người chứ không phải con thú! Nhưng vì con người bất toàn nên tình yêu lại đòi hỏi phải luôn thông cảm, tha thứ cho nhau. Người cha đã không để cho đứa con nói hết lời thú lỗi. Ông đã hiểu và tha thứ ngay khi thấy bóng dáng của nó từ đàng xa trở về vì tình yêu lúc nào cũng giữ cho ông sống trong niềm hy vọng, chứ không hề tuyệt vọng, buông xuôi.
Càng suy nghĩ thái độ của người cha, chúng ta càng tin tưởng và hy vọng vào Cha Trên Trời. Cha không để ý đến tội lỗi, không để cho chúng ta nói hết lời xin lỗi. Cha ôm lấy chúng ta, bảo những gia nhân trả lại địa vị làm ông chủ cho chúng ta vì chúng ta là con cái của Ngài, tiếp tục ban cho chúng ta biết bao ân sủng vì Cha là nguồn mọi ơn thiêng.
Nhìn vào tình trạng nghèo khó của chúng ta hôm nay, chúng ta sẽ thấy mình có thể giàu sang, thông minh, thánh thiện, và quyền năng hơn nhiều vì tất cả những ân huệ ấy đều thuộc về bản chất người con cái Chúa. Chúng ta hãy mạnh dạn trở về với Cha thay vì phung phí ân sủng như người con thứ. Chúng ta đang được mời gọi cởi mở tâm hồn với Cha cũng như cho tất cả mọi người, để chia sẻ cho họ những ân sủng Cha ban, thay vì hẹp hòi như người con trưởng.
Nhờ vậy chúng ta trở thành hình ảnh sống động của người Cha giàu lòng nhân ái cho gia đình nhân loại hôm nay./.
Nguyễn Mai