Thứ tư, 08/01/2025

Chúa Nhật VII Phục Sinh - Năm C

Cập nhật lúc 08:03 07/05/2016
“Lạy cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20 -26)

Suy Niệm I
" Xin Cho Họ Nên Một

-----------------------------
Tôi còn nhớ cách đây 10 năm khi xức dầu cho một người phụ nữ chặc tuổi 35. Chị đang mắc bệnh ung thư chỉ chờ chết. Hôm đó có cả chồng chị và 3 đứa con ở bên cạnh giường. Trước cái chết gần kề, chị vẫn tỉnh táo và lãnh nhận bí tích rất sốt sắng. Chị nói với chồng: “Anh thấy không, em không sợ chết đâu. Không, em không nghĩ tới em, mà chỉ nghĩ đến anh và các con thôi. Em sẽ không còn chỉ một vài giờ hoặc một vài ngày nữa thôi, ước vọng lớn nhất của em lúc này là các con của chúng ta sẽ luôn có sự đồng thuận tốt với nhau. Điều làm em đau khổ nhất là một ngày nào đó chúng nó có thể xâu xé lẫn nhau”.
Bài Phúc âm hôm nay được mô tả trong khung cảnh chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, lúc Chúa Kitô biết giờ chết của Người đang đến gần. Phải chăng Người cũng có tâm trạng như người phụ nữ đó? Không còn nghi ngờ gì: trước hết Người dâng lên Chúa Cha lời cầu nguyện dài và thống thiết nhất mà chúng ta vẫn quen gọi là lời cầu nguyện hiến tế. Trong lời cầu nguyện đó, với tình con, Người hướng về Cha 3 lần, và nhất là Người nghĩ đến tất cả những ai mà Người sắp phải từ biệt. Tất nhiên là Người nghĩ đến 12 các tông đồ, nhưng chỉ còn 11 ông trung thành thôi, nhưng Người cũng nghĩ đến tất cả những Kitô hữu trên thế giới tin cậy vào Người.
Vâng, Người nghĩ đến chúng ta. Người biết quá rõ tâm trạng của con người thường bị cám dỗ chia rẽ. Đó chính là mối ưu tư nhất nên Người cầu nguyện tha thiết để sau khi Người ra đi, những ai tin vào Người cảm thấy sâu xa là phải hiệp nhất với nhau. Người không xin một điều gì khác ngoài sự hiệp nhất.
Câu chuyện tháp Babel trong Kinh Thánh là biểu tượng của sự chia rẽ và từ đó chia rẽ càng ngày càng lớn: chia rẽ giữ vợ chồng, chia rẽ giứa dân tộc này với dân tộc khác, chia rẽ giữa những người cùng chung sống bên nhau trong một cộng đoàn, trong một gia đình.
Đương nhiên những sự chia rẽ giữa những người có đạo làm Chúa Kitô đau khổ nhất. Nếu Chúa Kitô cầu nguyện tha thiết cho vấn đề này, chính là vì Người biết rõ sự chia rẽ như vậy sẽ là điều bất lợi kinh khủng để tiến vào nước Chúa. Trong đêm chuẩn bị phải ra đi, Người có một cái nhìn bao quát xuyên suốt qua nhiều thời đại. Người nghĩ đến Giáo Hội. Sự chia rẽ lớn nhất giữa GH Đông Phương và GH Tây Phương, rồi sau đó là Tin Lành và Anh Giáo…Tại vườn Cây Dầu, Người biết cái chết vì yêu của Người cũng khó có thể dập tắt được sự ghét ghen sâu xa của con người. Chính vì vậy mà Người cầu nguyện tha thiết:  “Xin cho họ nên một”.
Sự hiệp nhất này chỉ có thể thực hiện được nếu dựa vào sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là 3 Ngôi vị khác nhau, không phải chỉ hiệp nhất trong cùng một ý hướng tốt như 3 người bạn thân mà thôi, nhưng các Ngài còn hiệp nhất thành chỉ có một Thiên Chúa. Hiệp nhất giữa người Kitô hữu với nhau là dấu chỉ để thế giới tin vào Chúa Kitô. Tôn giáo không tạo nên những thách đố. Tôn giáo cũng không có khả năng chặn đứng được các xung đột. Chúa Kitô rất đau khổ khi thấy gương xấu của những người Kitô hữu chia rẽ lẫn nhau. Người nói với chúng ta: “Chẳng lẽ Chúa Cha lại sai Thầy xuống trần gian để chúng con xâu xé nhau vì danh Thầy sao?” Người ta có thể tin thế nào vào tình yêu của Chúa Cha được nếu các con cái Người chém giết lẫn nhau.
Vì vậy chúng ta phải là những người thợ xây dựng sự hiệp nhất, là trung gian nối kết mọi người lại với nhau, là biểu tượng như Chúa Kitô là cây cầu nối kết tình yêu giữa Thiên Chúa và con người. Hãy hiệp nhất ngay trong gia đình và cộng đoàn. Dĩ nhiên, điều không tránh khỏi là cũng có những tranh luận và cãi cọ lẫn nhau. Nhưng điều căn bản không phải chỉ hiệp nhất theo vẻ bề ngoài, hãy tìm lại điều nối kết chúng ta một cách sâu xa: đó là tình yêu của chúng ta với Chúa Kitô. Mối dây liên kết này dựa trên nền tảng của Bí tích Thánh Thể và được đổ bê tông bằng chính sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Gia đình hoặc cộng đoàn là nơi đặc biệt nhất để chúng ta học sống hiệp nhất mà vẫn tôn trọng sự khác biệt của nhau. Dù có những khó khăn nhất định nào đó, hãy tin tưởng vào Chúa Kitô, Người vẫn tiếp tục cầu nguyện cho chúng ta.
Hãy hiệp nhất trong đức tin và cuộc sống của chúng ta: đừng là những người độc thân ở nhà thờ, có nghĩa là vợ đi cầu nguyện, đi lễ, còn chồng cứ ở nhà; cũng đừng là những người vô đạo cứ ở nhà tất cả mà không chịu đi lễ. Hiệp nhất giữa chiêm niệm và hành động, giữa Mattha và Maria. Hiệp nhất giữa vật chất và tinh thần. Chúng ta cũng đừng nên lặp lại tư tưởng cũ rích: vật chất có trước hay tinh thần có trước nữa! Hiệp nhất giữa tình yêu của chúng ta đối với Chúa và với những người thân cận: không thể yêu người này mà lại không yêu người khác. Hiệp nhất giữa lời nói và việc làm. Hiệp nhất giữa bề ngoài và bề trong.
Boris Vian, một thi sĩ công giáo viết: “Tôi muốn một thế giới mà mọi người yêu mến nhau và muốn điều thiện cho nhau; một thế giới mà tình yêu và vui mừng luôn làm chủ, một thế giới chỉ nghe thấy tiếng đàn ghita, sáo trúc và violon để quên đi những thứ khác”.
Chúa Giêsu luôn ước mơ: giao hoà, nối kết toàn thể nhân loại để một ngày nào đó Người sẽ giới thiệu nhân loại đó cho Cha của Người.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=============
Suy Niệm II
Chúa Giêsu Hằng Cầu Thay Nguyện Giúp Cho Chúng Ta
Ga 17, 20-26

 
Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin" Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1).
Tiếp theo là những lời Đức Giêsu xin cho các môn đệ: "Lạy Cha…xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con" (Ga 17, 11). Thứ đến là những kẻ nhờ các Tông đồ mà tin vào Chúa là chúng ta, được Chúa lưu tâm đặc biệt trong lời nguyện hiến tế hôm nay: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ, nhờ chúng mà tin vào con, để mọi người nên một cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con" (Ga 17, 20-26 ).
Chúng ta là đối tượng trong "lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu". Người đặc biệt quan tâm đến sự hiệp nhất của chúng ta, vì hiệp nhất làm cho chúng ta nên "một": “Để cả chúng cũng nên một trong Ta" (Ga 17, 22). Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: "Vậy làm thế nào chúng ta có thể, nếu, không làm cho thế giới biết được Thiên Chúa là Tình Yêu? Chúng ta chia rẽ, thì làm sao chúng ta có thể là người đáng tin cậy được?" Lời chứng về Tình Yêu là một bằng chứng mạnh mẽ hùng hồn nhất để thuyết phục thế giới. Chia rẽ giữa các cộng đoàn kitô là gương mù gương xấu cần vượt thắng. Vì chia rẽ làm suy yếu sự đáng tin, và hiệu lực dấn thân rao giảng Tin Mừng của chúng ta và có nguy cơ làm trống rỗng quyền năng của Thập giá Chúa.
Chúa Giêsu xin cùng Chúa Cha cho tất cả mọi người đã được rửa tội hiệp nhất theo ý muốn: "Xin Cha cho chúng nên một" (Ga 17,21). Thánh Phaolô đã từng cật vấn các tín hữu ở Corintô: "Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?" (1Cr 1,13). Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Chắc chắn Chúa Kitô không bị chia năm xẻ bảy. Nhưng với đau khổ, chúng ta phải thừa nhận cách thành thật rằng cộng đoàn của chúng ta đang tiếp tục sống chia rẽ, đó là những gương xấu".
Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thì luôn luôn hiệp nhất, do đó, chia rẽ không phải là dấu chỉ của Tình Yêu. Trong Thiên Chúa, nơi Ngài không có sự chia rẽ. Chúng ta chiêm ngắm thái độ của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: Ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, "Hết thảy họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, và Maria, mẹ Ðức Giêsu và các anh em Người" (Cv 1,14). Đó là bầu khí của Thánh Thần đã vang lên một tiếng động lớn và toàn thế giới đã kinh ngạc (x.Cv 2,6).
Trong lời nguyện hiến tế, Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ còn xin cùng Chúa Cha cho chúng ta nên một để Người ở đâu thì chúng ta cũng ở đó với Người hầu chiêm ngưỡng vinh quang của Người (Ga 17,24). Người yêu mến chúng ta như Chúa Cha đã yêu mến Người và Người muốn ban cho chúng ta tất cả những gì Chúa Cha đã ban cho Người. Vinh quang Người có được từ nơi Cha, đến lượt Người, Người muốn ban cho chúng ta, và làm cho chúng ta nên một. Người muốn rằng, chúng ta không phải là nhiều nhưng làm thành một, hiệp nhất với thần tính của Người trong vinh quang Nước Trời, không phải sát nhập thành một bản thể duy nhất, nhưng trong sự hoàn hảo, tột đỉnh của nhân Đức Tin, Cậy, Mến. Đây là những gì Chúa Kitô đã tuyên bố khi Người nói: "Để chúng được hoàn toàn nên một!" (Ga 17,22).
Theo cách này mà tất cả chúng ta sẽ trở nên một với Chúa Cha và Chúa Con. Vì Chúa Giêsu nói: "Ta và Cha, Chúng Ta là một " (Ga 10, 30). Giống như Người cầu nguyện cho những ai bắt chước mình, chúng ta tham dự vào chính sự hiệp nhất… Không phải sự hiệp nhất về bản tính tự nhiên mà Người có với Chúa Cha, nhưng điều này: như Cha đã làm cho Người tham dự vào vinh quang của riêng mình, Người cũng vậy, theo gương Chúa Cha, sẽ hiệp nhất vinh quang của Người với những kẻ mà Người thương mến.
Sau khi Chúa Giêsu về Trời, Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu nguyện, noi gương các ngài, chúng ta cũng hãy hăng hái chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện và thực hành đức bác ái, đón Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha hiện xuống trên chúng ta, và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng nghe, alléluia ; hồn con thưa cùng Chúa: mắt con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, xin đừng ẩn mặt, alléluia, alléluia".
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con được hiệp nhất. Xin cho chúng con biết thể hiện tinh thần hiệp nhất giữa chúng con bằng sự biết cộng tác với nhau trong những việc làm chung, để xây dựng nhiệm thể cộng đoàn nhỏ bé, trong tình huynh đệ tương thân tương ái. Chúng con tin tưởng vào Lời Chúa hứa mà chúng con đã đọc trước bài Tin Mừng, đó là được ở với Chúa đến muôn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy Niệm III
XIN CHO TẤT CẢ NÊN MỘT
(Cv 7, 55-60; Kh 22, 12-14; Ga 17, 20-26)

 
Chuyện xưa kể rằng: có một ông bố muốn giáo dục con cái về sự hiệp nhất, vì thế, ông đưa cho các con một bó đũa đã cột lại làm một và bảo các con bẻ thử, mấy người con cố gắng cũng không thể nào bẻ gẫy bó đũa… Sau đó, ông lại bảo: hãy tháo bó đũa ra và bẻ từng cái và thế là bó đũa bị bẻ gẫy dễ dàng. Lúc đó, người cha liền bảo: “Như thế là các con đều thấy rằng: chia lẻ ra thì yếu, hợp lại thì mạnh. Vậy các con phải biết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Có đoàn kết thì mới có sức mạnh; đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết”.
Tin Mừng hôm nay thuật lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu cho các môn đệ. Ngài cầu nguyện cho các ông được hiệp nhất và yêu thương nhau. Bởi vì nếu họ biết hiệp nhất, yêu thương thì sẽ cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách cách dễ dàng, cùng chung tay xây dựng Giáo Hội và cùng nhau làm chứng cho Chúa.

1. Hiệp nhất để xây dựng Giáo Hội

Đức Giêsu là người hiểu tâm lý của các môn đệ hơn ai hết. Ngài đã đích thân gọi và chọn các ông làm môn đệ cho mình. Cũng chính các ông là những người Ngài sẽ trao phó cách hữu hình công việc xây dựng Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập.
Tuy nhiên, Đức Giêsu biết rõ sự xuất thân của các ông. Ngài thấu hiểu hoàn cảnh, tâm lý của từng người. Vì thế, lời cầu nguyện cho các môn đệ được hợp nhất là điều rất quan trọng và thực tế. Chính sự hiệp nhất là yếu tố quyết định hưng thịnh hay suy vong của công việc.
Hơn nữa, Đức Giêsu cầu nguyện cho các ông được hiệp nhất, vì: có hiệp nhất, thì mới có mối tương quan, sự cảm thông; mới xây dựng được đời sống lý tưởng nơi cộng đoàn; có sự hiệp nhất thì mới cùng nhau làm chứng về Chúa cách hùng hồn. Nếu không có sự hiệp nhất, thì lẽ tất nhiên, cộng đoàn tan rã và sứ mạng Chúa trao phó không thể chu toàn. Và, không có sự hiệp nhất, thì việc xây dựng Giáo hội trở nên ảo tưởng và vô lý, những lời rao giảng của các môn đệ không ăn nhập gì với mục đích của lời rao giảng.

2. Hiệp nhất để truyền giáo

Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cho cả những ai tin vào lời các ông rao giảng cũng được hiệp nhất với nhau. Đây quả là yêu tố quan trọng trong khi loan báo Tin Mừng. Bởi lẽ, nếu không có sự hiệp nhất, lời rao giảng của các môn đệ trở nên phản chứng hơn bao giờ hết; và những ai đi theo lời các ông loan báo thì thật tệ hại cho cả một đời của họ. Chính vì lẽ đó, nên Đức Giêsu khao khát cho các môn đệ phải là những người sống kiểu mẫu về sự hiệp nhất; đồng thời, những ai thuộc về Giáo Hội mà các ngài rao giảng cũng đều có một mẫu số chung như các ngài.
Sứ mạng loan báo Tin Mừng ấy luôn đòi hỏi tinh thần hy sinh và từ bỏ của người môn đệ rất cao. Khó khăn ấy là: ốm đau, bệnh tật, cô đơn, hiểu lầm, bắt bớ và chịu chết để làm chứng cho lời rao giảng của mình... Nhưng nếu có sự hiệp nhất, yêu thương thì dù trong hoàn cảnh nào, các ông cũng đều làm chứng cho mọi người về một thực tại siêu việt vượt lên trên những thực tại chóng qua và vô bổ ở đời. Nếu người môn đệ Đức Giêsu rao giảng về một Tin Mừng giải thoát, yêu thương mà chính bản thân các ngài lại không có những yếu tố hiệp nhất để chứng minh về lời rao giảng đó thì quả là một điều vô lý. Vì thế, trước khi truyền giáo, người môn đệ phải biết “yêu”. Yêu thương là đoàn kết. Yêu thương là sống mầu nhiệm tự hủy để chỉ còn sống cho người khác. Yêu thương là muốn cho người khác cũng được yêu thương như mình. Yêu thương chính là điểm hội tụ của những tấm lòng khao khát tìm chân lý. Có yêu thương như Thầy, thì những lời chứng của người môn đệ mới đủ khả tín. Được như thế, người môn đệ của Đức Giêsu có quyền hy vọng về một tương lai của Giáo hội mà trong đó người muôn nước sẽ về phủ phục trước Tôn Nhan và muôn dân sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

3. Người Kitô hữu sống hiệp nhất theo tinh thần của Đức Giêsu

"Lạy Cha, xin cho mọi người nên một" (Ga 17,21) là lời cầu nguyện thể hiện mối ưu tư của Đức Giêsu rất lớn cho vận mạng Giáo Hội. Lời cầu nguyện này phát xuất từ nỗi lòng của Ngài trong bữa tiệc ly trước khi chia tay các môn đệ.
Hôm nay, Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta biết cùng nhau chung tay xây dựng tình hiệp nhất nơi môi trường, hội đoàn của mình. Biết bỏ đi những kiêu ngạo, ích kỷ, tư lợi cá nhân để xây dựng công ích. Vợ chồng biết nhường nhịn nhau, con cái biết ngoan ngoãn vâng lời cha mẹ. Anh chị em biết đoàn kết với nhau, yêu thương và đùm bọc nhau. Mọi người biết ý thức được giới hạn của mình để cần đến người khác.
Tuy nhiên, không ai cho cái mình không có. Phải có mới cho. Vì thế, sự hiệp nhất phải bắt nguồn từ Đức Giêsu. Hiệp nhất với Ngài như ngành nho với thân nho; như cây cối cần ánh sáng của mặt trời; như cá trong nước... Có hiệp nhất với Đức Giêsu và nên một với Ngài thì mới phát sinh sự hiệp nhất với nhau. Đây cũng chính là điều kiện để trổ sinh hoa trái. Hiệp nhất mang tính truyền giáo và truyền giáo nhằm mục đích hiệp nhất. Nếu ai hiệp nhất với Thiên Chúa thì phải sinh hoa kết trái dồi dào. Còn những ai không sinh hoa kết trái thì chính người ấy đã không sống trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa.
Ước mong lời cầu nguyện của Đức Giêsu khi xưa, nay được hiện tại hóa và sinh hoa kết trái dồi dào nơi những môn đệ của Ngài trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con luôn được hiệp nhất với nhau, nhờ biết loại bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, kết án lẫn nhau… Xin cho chúng con luôn khiêm tốn trong lời nói và hành động, để không làm thương tổn đến sự hiệp nhất trong Giáo Hội và nơi gia đình. Amen.

 
Jos.Vinc. Ngọc Biển
 
===============
Suy Niệm IV
Đức Giêsu, Đấng Mạc Khải Chúa Cha
 Ga 17, 20-26

 
Với danh hiệu là Đấng mạc khải Chúa Cha, Đức Giêsu biết Thiên Chúa đích thực và Người là Đấng duy nhất mặc khải được khuôn mặt đích thực của Chúa Cha: “ Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Con đã cho họ biết Chúa Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa.” Đó chính là điều quan trọng trước tiên và là điều cơ bản nhất của việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa: Đức Giêsu làm cho con người thoát ra khỏi mọi việc thờ ngẫu tượng. Người đã lại đặt con người vào mối tương quan với gốc gác, với Nguồn mạch của mọi tạo dựng. Từ bây giờ, con người có thể chiêm ngắm khuôn mặt thực sự của Thiên Chúa qua khuôn mặt của Đức Giêsu.
Từ việc tìm gặp lại nhau giữa con người và Thiên Chúa, Đức Giêsu mới có thể quay hướng về những con người khác bằng cách nhìn họ dưới ánh sáng của cái nhìn tạo dựng. Người có thể nối lại mối tương quan tình yêu đích thực với mỗi con người nam hay nữ mà Người gặp trên đường. Trong Kinh Thánh Tân Ước, các thánh sử, đặc biệt là thánh Máccô đã rất chú tâm đến cái nhìn yêu thương của Chúa Giêsu đối với mọi người mà Ngài gặp gỡ và tiếp xúc…
Đức Giêsu biết rằng Người được Chúa Cha sai đi để ban tặng lại cho mỗi con người tình yêu ban đầu, tình yêu duy nhất có thể làm cho họ sinh ra để sống cuộc đời làm người một cách trọn vẹn (Jean Civelli )

Pr. Nguyễn Mai
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log