Suy Niệm I
Tội chị đã được tha
--------------
Hôm đó, có một người Pharisêu tên là Simon mời Chúa Giêsu đến nhà ông dùng bữa. Dù sao, ông cũng là một con người lịch thiệp. Ông dọn nhiều món và trưng bày đẹp mắt để tạo cho bữa ăn thêm ngon miệng. Chúng ta hãy quảng đại nghĩ rằng ông làm như vậy là rất đáng khen vì ông biết rõ về Chúa, chứ không phải với ý tưởng sau này để dò xét Chúa và làm Chúa lúng túng. Ông tin chắc rằng Chúa Giêsu là một tiên tri mà nhiều người nói tới. Hôm nay ông mời Chúa đến nhà ông dự bữa, có lẽ vì ông nghĩ rằng rằng mình có thể học được thái độ của Chúa thế nào đối với lề luật mà những người Dothái buộc phải tuân hành. Đúng thế, ông muốn biết cách nhìn của Chúa…
Ông chờ đợi gặp Chúa nhiều lần. Nhưng điều mà ông không chờ đợi, lại là sự có mặt của một người đàn bà tội lỗi. Chị đến làm đảo lộn mọi chương trình của ông... Nhân vật nổi tiếng trong ngày lại không phải là ông, mà là người đàn bà tội lỗi.
Người đàn bà tội lỗi đến nhà ông mà không báo trước, chị sấp mình dưới chân Chúa. Đối với chị, cái đĩa và bình thuốc thơm của chị có cả mùi thuốc thơm và có cả mùi tội lỗi. Chị xức dầu thơm vào chân Chúa và lấy tóc chị lau chân Chúa.
Thấy vậy, những người Pharisêu có mặt không thể không phê bình Chúa một cách ngấm ngầm: nếu Ngài là một tiên tri, thì trước hết Ngài phải biết người phụ nữ này là người tội lỗi, và Ngài không được phép cho chị động đến chân Ngài vì chị là người không trong sạch theo Luật Môsê. Nhưng Chúa rất khôn khéo bằng cách đưa ra một dụ ngôn để những người Pharisêu suy nghĩ: “Một chủ nợ kia có hai con nợ, một người nợ năm mươi triệu đồng, một người nợ năm triệu. Vì họ không có tiền để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? “. Simon, người Pharisêu đó đoán được Chúa Giêsu muốn dẫn mình đến điều gì, và đương nhiên ông chỉ có một cách trả lời: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn”. Và câu trả lời đó của ông chứng thực rằng Chúa Giêsu có một tấm lòng thương xót.
Cuối cùng Chúa còn cho ông thấy rằng: thái độ hiếu khách của ông là tốt, nhưng chưa đủ, vì thiếu sự nhiệt thành, còn thái độ của người đàn bà tôi lỗi, thì dư tràn.
Về phía chúng ta, đừng nên vội cười thái độ của người Pharisêu. Phải chăng chúng ta đã quá quen đi lễ ngày Chủ nhật, mà thiếu đi sự nhiệt tình đó sao? Đi lễ thì muộn, hoặc cứ thích ngồi ngoài, cốt có mặt mà không biết Thánh lễ hôm đó Chúa muốn nói với mình điều gì?
Hãy đi lễ với niềm vui từ trong con tim để gặp gỡ Đức Kitô! Kinh nguyện của chúng ta đã được gọi là kinh nguyện của lòng mình yêu mến Chúa không?
Chúa Giêsu đã chỉ cho người Pharisêu một bài học tế nhị nhưng mạnh mẽ. Còn đối với người đàn bà tôi lỗi, Ngài khen chị, Ngài tôn trọng lòng can đảm và thống hối của chị, Ngài chú trọng tất cả những gì chị đã làm tốt . Nói một cách chính xác, chị đã hào phóng: Một bình dầu thơm, những giọt nước mắt ăn năn, cử chỉ rất mạnh mẽ của một tình yêu mến sâu xa, làm sao lại không đụng chạm vào trái tim Chúa để Ngài tha thứ cho chị?
Vua Đavit đã thưa với Chúa trong thánh vịnh 51: “Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tấm lòng tan nát, một tấm lòng tan nát dày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê”. Và Chúa Giêsu cũng nói với người Pharisêu: “tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng chứng là chị đã yêu mến nhiều”.
Tất nhiên, Chúa Giêsu ghét và không bao giờ khen tội lỗi, nhưng Ngài khen ngợi tình yêu là thứ thuốc giải độc tội lỗi. Đây không phải là giá trị đắt tiền của bình thuốc thơm mang lại sự tha thứ cho người đàn bà tội lỗi, nhưng là tình yêu thống hối của chị… Từ một cái nhìn tình yêu của anh trộm trên thập giá cũng đã đủ để Chúa tha thứ cho anh.
Chính tình yêu sẽ khám phá ra sự nặng nề của tội lỗi và vì thế mở ra cánh cửa ăn năn và được tha thứ. Đavit ngoại tình, Đavit giết người, nhưng đã có thể trở nên vua thánh Đavit.
Phần chúng ta, dù có lỗi lầm thế nào chăng nữa, tại sao chúng ta lại có thể nghi ngờ về sự tha thứ của Thiên Chúa cho chúng ta?... Nếu chúng ta biết chiêm ngắm Chúa Kitô trên thập giá và đổ những dòng nước mắt trên tội lỗi của chúng ta, thì lúc đó, Chúa cũng nói với chúng ta như nói với người đàn bà tội lỗi: “Tội của chị đã được tha rồi”.
Mỗi một ngày sống và nhất là khi hoàng hôn về, chúng ta hãy luôn luôn nở trên môi một lời kinh lên Chúa: ”Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”, và chắc chắn sự tha thứ của Thiên Chúa sẽ đi kèm theo. Cái chết có thể đến với chúng ta bất ngờ, nhưng chúng ta sẽ ném mình vào cánh tay của Chúa.
Qua câu chuyện hôm nay của bài Tin Mừng, chúng ta hãy yêu mến nhiều để được tha thứ nhiều và hãy nếm hưởng sự tha thứ của Thiên Chúa để mà yêu mến nhiều hơn!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
=============
Suy Niệm II
Lòng Thương Xót Tha Thứ Tội Khiên
(Lc 7, 36- 8, 3)
Chúa nhật XI thường niên rơi vào trung tuần tháng Sáu, tháng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu. Trang Tin Mừng về người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu tha thứ hôm nay như một sự trải dài về lòng thương xót vô cùng của Trái Tim Chúa. Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là vô cùng vô tận, một tình yêu đối thoại với tội nhân, chúng ta vẫn quen gọi là lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: " Lòng thương xót của Chúa Giêsu không chỉ là một tình cảm, đó còn là một quyền năng ban sự sống, làm cho con người được phục sinh". (Huấn đức Chúa nhật X thường niên năm 2003). Quả là lòng thương xót của Thiên Chúa tha thứ tội nhân.
Lời Chúa Giêsu nói về người đàn bà đã mang một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm hảo hạng đến nhà ông Simon, mở ra, quì dưới chân Chúa vừa xức vừa khóc nức nở đến nỗi nước mắt ướt đẫm chân Chúa, ướt rồi bà lấy tóc mình mà lau và hôn chân Chúa, thật là khó hiểu : "Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít." (Lc 7, 36-8,3)
Câu đầu Chúa Giêsu khẳng định có vẻ ngược với câu sau. Một bên, dùng tình yêu để đạt được sự tha thứ "vì bà đã yêu mến nhiều". Bên kia cho thấy, người ta không thể thực sự yêu mến nếu không cảm nghiệm được sự tha thứ, tình yêu này được đo bằng đón nhận sự tha thứ "kẻ được tha ít". Nói cách khác, nếu bên này, tình yêu là bước khởi đầu trong tương quan với tội lỗi, thì bên kia, ngược lại. Vậy, điều nào trước ? Tình yêu hay kinh nghiệm được tha thứ ? Để hiểu được, chắc cần phải có dụ ngôn kiểu Chúa Giêsu kể cho ông Simon.
Ông Simon trả lời : "Kẻ được ông chủ nợ tha nhiều thì sẽ yêu nhiều hơn" (x. Lc 7,43). Tuy nhiên, dụ ngôn này dễ làm cho người ta dựa vào sự được tha thứ. Cần phải phân biệt người đã được tha và người cần được tha thứ, sự tha thứ của Thiên Chúa luôn có trước. Đây chính là kinh nghiệm của Đavit sau khi đã giết tướng Uria người Hittít để chiếm vợ ông. (x. 2 Sam 12, 7-10)
Đavit là một kẻ ngoại tình và đã ra lệnh giết người, nhưng dù thế chúng ta vẫn tôn kính ngài như một vị thánh vì ngài có can đảm để nói: "Tôi đã phạm tội"(). Ngài tự hạ mình trước mặt Thiên Chúa. Người ta có thể phạm sai lầm rất lớn, nhưng người ta cũng có thể nhìn nhận chúng, thay đổi cuộc sống của mình và đền bù cho những gì mình đã làm.
Kinh nghiệm về sự tha thứ của Thiên Chúa bao hàm sự nhận biết, được đón nhận và dâng hiến sự thấp hèn của mình lên Thiên Chúa. Vì ai giàu có kiêu căng, thì tự mình cảm thấy không cần đến ơn tha thứ; bởi vì họ không thấy có lợi gì. Làm sao có thể diễn tả được tình yêu đối với người chẳng cần nhận lãnh điều gì? Đó chẳng phải là kết cục khó khăn của Simon sao? Ông hơi quá tự phụ về sự công chính và đạo đức của mình, và dường như người đàn bà tội lỗi này không ngăn cản ông đón nhận điều Chúa Giêsu muốn trao cho ông khi đến nhà ông. Chúa Giêsu nói với Simon: "Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi" lý do là vì: "bà đã yêu mến nhiều". Và Chúa Giêsu nói với bà: "Đức tin của con đã chữa con. Con hay về bình an". Đây chẳng phải là một hé mở cho Simon con đường để đón nhận ơn Chúa sao ?
Chỗ khác Chúa nói : "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu" (Mt 9,12). Về điều này, Thánh Ambrôsiô, Giám mục thành Milan, tiến sĩ Hội Thánh nói : "Hãy chỉ cho bác sĩ biết vết thương của bạn, bác sĩ có thể chữa bạn lành. Thậm trí nếu như bạn biết bệnh của bạn và bạn nói với bác sĩ, yêu cầu bác chữa trị, nhưng bác sĩ vẫn yêu cầu bạn phải nghe lời chỉ dẫn của bác sĩ. Ambrôsiô khuyên chúng ta: Hãy lấy nước mắt mình mà rửa vết thương. Vì chính người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã từ bỏ tội lỗi mình và những quyến rũ của tội lỗi; chính bà đã thanh tẩy lỗi lầm của mình bằng chính nước mắt bà, khi lấy nước mắt mà rửa chân Chúa Giêsu. Nước mắt của lòng thống hối chừa cải chất chứa yêu thương, bà đã được tha thứ. (Thống hối, II, 8 ; SC 179)
Để cảm nghiệm và đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, con người cần phải có trái tim sẵn sàng, trong sạch và khiêm tốn. Nhờ đôi chân mà Chúa Giêsu đến gần con người. Với lòng khiêm nhường, Người đã đồng ý để bà quì xuống mà rửa chân, lấy nước mắt mình mà lau chân. Trái lại, ông Simon, tuy Chúa ở trong nhà ông, nhưng lòng ông còn ở quá xa Chúa, khi ông chứng kiến cảnh bà này đối xử với Chúa Giêsu, ông liền xét đoán và phê bình, "bà ấy là một người tội lỗi". Bà thật can đảm đã vượt qua rào cản, giữa ô uế là (bà) và trong sạch là (Simon biệt phái), trước mặt người đời, bà làm thế vì bà cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa và bà dám chắc rằng bà tin bà sẽ được.
Đón nhận một tình yêu nhưng không, để thúc đẩy kẻ có tội được tha thứ đáp trả bằng tình yêu. Nhưng kẻ được tha thứ luôn ý thức rằng tình yêu của bà đáp trả Thiên Chúa bằng chính tình yêu Thiên Chúa trao ban cho bà khi Người thứ tha lúc bà đang là tội nhân.
Tình yêu ấy được thể hiện khi Thiên Chúa tha thứ cho tội nhân là Người xóa sạch, giải thoát ta khỏi gông cùm, xiếng xích, đưa ta tới một tương lai tương sáng khi bảo : "hãy đi!" Người mời gọi chúng ta ra đi mà không cần đáp trả khi thêm vào thêm vào: "Con hãy đi bình an" (nghĩa là bước đi trên đường công chính). Tội lỗi là phản nghịch của con người với Thiên Chúa, công chính là hòa bình với Thiên Chúa. "Con hãy đi bình an" cũng có thể nói rõ rằng, "hãy làm tất cả những gì có thể để dẫn tới sự bình an với Thiên Chúa".
Đến đây chúng ta có thể khẳng định mà không lầm rằng: Kết quả của tình yêu là sự sống! Lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho con người sự sống, phục sinh con người từ cõi chết. Chúa luôn nhìn chúng ta với lòng thương xót, Người chờ đợi chúng ta với lòng thương xót. Vậy, chúng ta đừng ngại đến với Chúa, Đấng có một trái tim nhân hậu. Nếu chúng ta bày tỏ với Người những vết thương trong lòng mình, tội lỗi của mình, Người luôn tha thứ cho chúng ta. Xin Đức Maria, Nữ Vương của Lòng Thương Xót cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy Niệm III
Xét Mình Trước Khi Xét Đoán Người Khác
(Lc 7, 36- 8,3)
Trung tâm của đoạn Tin Mừng hôm nay là người đàn bà tội lỗi, trước mặt người đời, bà không được như họ, vì bà đã mất hết danh dự, nhưng bà đã nhận ra rằng bà vẫn còn có cái để cho Chúa Giêsu. Với giọt nước mắt, mớ tóc, dầu thơm, nhất là bằng ngôn ngữ của thân xác, bà đã chiếm trọn trái tim Chúa Giêsu, và bày tỏ tình yêu cùng lòng kính trọng của mình đối với Người.
Chúa Giêsu và người Biệt phái
Thánh Luca kể về một người Biệt Phái có tên là Simon mời Chúa Giêsu đến dùng bữa tối tại nhà ông. "Biệt Phái" có nghĩa là "tách khỏi", người này được tách ra khỏi người kia ! Thời Chúa Giêsu, tại Palestin đã có khoảng 6.000 người. Họ giảng dạy trong các hội đường, tự coi mình là mô phạm về tôn giáo cũng như việc tuân giữ Luật và các tập tục của tiền nhân. Họ cho rằng các tập tục truyền thống cũng có giá trị như Kinh Thánh (x.Mc 7, 8-13).
Khi nhận lời mời, Chúa Giêsu vẫn giữ được tự do của Chúa. Người Biệt Phái là chủ nhà. Chung quanh ông còn có bạn bè, đồng nghiệp về tôn giáo. Trong số khách mời đặc biệt, Chúa Giêsu không được chủ nhà tiếp đãi cách trọng nhất, ông bận tâm để ý đến bạn bè của ông hơn là những nhà giảng thuyết lưu động. Ông rửa chân cho các khách mời của mình, đón tiếp họ, trao hôn bình an và đổ dầu thơm lên đầu theo tục lệ. Chúa Giêsu thì không có ba điều trên (x. Lc 7,44-46).
Chúa Giêsu và người đàn bà
Chúng ta biết rằng người đàn bà đã bước vào phòng ăn, trong thực tế bà không được mời. Bà mang đến cho Chúa Giêsu ba thứ mà Simon đã bỏ qua để bày tỏ lòng mến khách. Bà không bận tâm đến chủ nhà. Chủ của bà chính là Chúa Giêsu. Bà lấy nước mắt mà rửa chân Chúa, lấy tóc mình mà lau và lấy dầu thơm hảo hạng mà đổ lên đầu Chúa (x. Lc 7,37-38). Ông Simon vấp phạm, vì thấy Chúa Giêsu để cho người đàn bà tội lỗi tỏ bày sự kính trọng như thể yêu thương ở nơi công cộng.
Rõ ràng người biệt phái khinh thường phụ nữ. Đối với Chúa Giêsu, Simon cho rằng Chúa Giêsu không thể là người của Thiên Chúa được, cứ tưởng tượng mà xem một tiên tri sao lại để cho người đàn bà, mà bà này là người tội lỗi, lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mình mà lau nữa, lại còn làm công khai trước mặt mọi người (x. Lc 7, 39). Simon nhìn hành động của người đàn bà với "tư tưởng xấu". Có ai đó đã nói, "hãy nói cho tôi biết điều bạn đang nghĩ tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai!". Và Dostoevskij viết "nếu những suy nghĩ của chúng ta đã có mùi, nó sẽ làm băng hoại thế giới".
Người biệt phái để Chúa Giêsu giải thích : "Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông ..." (Lc 7, 40). Và Chúa đã cho ông một bài học xứng đáng về "cách đối nhân xử thế : "Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi... Ông đã không hôn chào Tôi... Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã làm tất cả... " (Lc 7, 44-47).
Người Biệt phái và người đàn bà tội lỗi
Simon xem sự so sánh mình với tội lỗi, có thể là một cô gái điếm, và thấy rằng dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, bà có một chỗ đứng tuyệt vời trong nhà ông, người biệt phái. Người đàn bà là người trung tâm của câu chuyện Phúc Âm hôm nay không nói một lời. Nhưng Chúa Kitô bảo vệ bà và nói với bà : "Hỡi bà, đức tin con đã cứu con. Tội ngươi đã được tha." (Lc 7, 48-49)
Simon thấy bà chỉ là "gái mại dâm", Chúa Giêsu thấy nơi người đàn bà nghèo này có bao điều tốt đẹp. Vì thế Chúa bảo Simon: "Ông thấy người đàn bà này chứ?" (Lc 7, 40). Nhìn bà ấy với thiện cảm, người ta sẽ khám phá ra lịch sử của cá nhân bà cũng như phẩm chất con người và nhân phẩm tuyệt vời của bà.
Simon người Pharisêu đã quên mất rằng ông cũng là một tội nhân, có lẽ ít tội lỗi hơn so với người đàn bà sấp mình dưới chân Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn là tội nhân. Gặp bà ông không có mấy thiện cảm. Ông là mẫu người dễ dàng nhìn thấy cái rác trong mắt của người khác, nhưng bỏ qua cái đà trong mắt mình.
Chúng ta phải đọc lại Tin Mừng khác để xem cách thức Chúa Giêsu đối xử với Maria Magdalêna (x. Lc 8, 2), người Samaritanô (x. Lc 10, 29-37), bà góa phụ nghèo bỏ hai đồng xu vào thùng tiền Đền thờ (x. Lc 21, 1-4), người phụ nữ ngoại tình (Ga 8, 1-11), người phụ nữ bị bệnh xuất huyết (x. Lc 8, 43-48) v.v. Hơn nữa, đoạn Tin Mừng hôm nay kết thúc khi nói rằng Chúa Giêsu đi từ làng nay qua làng nọ, theo Chúa không chỉ có nhóm Mười Hai mà còn có nhiều phụ nữ Chúa đã cho khỏi cũng đi theo Người. Thánh Luca nhắc tên của ba người đàn bà ấy. Đó là điều không tưởng vào thời của Chúa Giêsu. Người ta cấm các phụ nữ không được tham dự lớp học của các giáo sĩ Do Thái! (x. Lc 8, 1-3)
Hôm nay, qua ông Simon người Pharisêu, Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta nhìn lại chính mình trước khi xét đoán người khác, tránh mắc phải những nghĩ lễ bề ngoài mà nghĩ rằng chúng ta tốt hơn những người không thuộc về "tầng lớp xã hội chúng ta".
Theo cái nhìn của Chúa Giêsu, chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa không phải là "quan án", nhưng "là người tha nợ", tha thứ tội nhân. Và Chúa đòi hỏi chúng ta phải có thái độ tương tự đối với người khác: "Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con." Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
============
Suy Niệm IV
CHÂN LÝ VÀ LÒNG XÓT THƯƠNG PHẢI LUÔN TỒN TẠI
(2 Sm 12,7.10-13; Gl 2,16.19-21; Lc 7,36-8,3)
“Công bố Lời Thiên Chúa, không bao giờ được tách rời khỏi sự cảm thông về yếu đuối của con người”, vì: “Đức Giêsu luôn giàu lòng thương xót. Ngài thật cao cả và vĩ đại, chẳng bao giờ khép cửa lại với tội nhân”, “nên dù con người có tội lỗi, cứng lòng thế nào, thì sự tha thứ, thấu hiểu, cảm thông và đồng hành vẫn tồn tại cách song song”. Đây chính là thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Thánh lễ sáng thứ Sáu, ngày 20-05-2016, tại nguyện đường thánh Marta.
Các bài Kinh Thánh trong Thánh lễ hôm nay, một mặt làm sáng tỏ quan điểm cự tuyệt với tội lỗi, tức là trung thành với chân lý, nhưng đồng thời, cũng làm toát lên rõ nét tình thương, sự cảm thông của Thiên Chúa đối với người tội lỗi khi họ có lòng thống hối ăn năn.
1. Ý nghĩa Lời Chúa
Sách Samuel trong bài đọc I đã kể lại câu chuyện tội lỗi tầy trời của vua Đavít. Ông đã phạm tội rất nặng. Nặng cả về kế hoạch lẫn nội dung. Kế hoạch thì bỉ ổi. Nội dung thì thâm độc.
Chuyện kể rằng: sau khi lòng dục nổi lên, ông đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabê, vợ của tướng Uria là người trung thành tuyệt đối với nhà vua. Tội của nhà vua trở nên trầm trọng khi ông lên kế hoạch giết Uria để bịt đầu mối. Cuối cùng ông đã thành công khi dùng tay quân giặc giết tướng Uria tại đầu chiến tuyến ác liệt.
Tuy nhiên, sự việc đã không đi vào quên lãng, mà nó được đưa ra ánh sáng khi Chúa gửi tiên tri Nathan đến để nhắc cho vua thấy tội lỗi của mình. Đồng thời cho thấy những hệ quả nghiêm trọng do ông gây nên. Thấy được sự bất nhân, ác tâm, thất đức của mình, vua Đavít đã ăn năn sám hối và thành khẩn xin ơn tha thứ của Thiên Chúa, nên ông đã thưa với Đấng đầy lòng thương xót: “ Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51, 3-4). Vì thế: “Thiên Chúa đã bỏ qua tội của ngài, ngài sẽ không phải chết” (Sm 12,13).
Sang bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh đến ơn công chính hóa. Ngài nói rất rõ: “Con người được nên công chính hóa nhờ đức tin” (Rm 3,27-28). Tức là: tin vào lòng thương xót của Đức Giêsu, nhất là tin vào mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài mang lại thì sẽ được cứu chuộc.
Lòng thương xót của Thiên Chúa phải là một ơn ban vượt lên trên không gian và thời gian cho những ai tin. Nó cũng không bị giới hạn, bó buộc trong một thứ luật lệ nào. Ngược lại, nó sẽ làm cho luật bị tê liệt khi luật đó không chứa đựng tình thương. Vì thế: “Con người được nên công chính (được cứu độ) nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề luật” (Rm 3,27-28).
Từ bài đọc I, sang bài đọc II, hướng chúng ta về Đức Giêsu như là hiện thân của lòng thương xót đến từ Thiên Chúa.
Tình thương ấy được thể hiện rõ nét qua câu chuyện Tin Mừng hôm nay:
Khi Đức Giêsu và các môn đệ đang dùng bữa tại nhà ông Simon. Bỗng có một phụ nữ nổi tiếng tội lỗi trong thành đến để tỏ lòng sám hối ăn năn. Hành vi khóc lóc, đập bể bình dầu thơm đắt tiền, xức lên chân Đức Giêsu và lấy tóc của nàng để lau nói lên sự sám hối chân thành.
Dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa một lần nữa lộ hiện qua hành vi và lời nói của Đức Giêsu: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều" ( Lc 7, 47).
Như vậy, qua cách hành xử của Đức Giêsu, chúng ta thấy Ngài luôn nhìn con người dưới ánh mắt từ tâm. Cái vỏ bọc bên ngoài không ngăn cản được lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì thế, Ngài đã giải thoát con người cách toàn diện, để họ được tha thứ và có cơ hội đụng chạm với cả tâm hồn đến lòng xót thương của Ngài.
2. Cái nhìn thương xót của Đức Giêsu
Nếu con người nhìn và đánh giá lòng đạo đức của nhau dựa trên những chuyện bề ngoài, thì Thiên Chúa nhìn và thấu hiểu từ tâm can. Tức là nhìn dưới góc độ công chính nhờ niềm tin.
Nếu con người nhìn những người tội lỗi là một thứ đồ bỏ, nhơ uế, xấu xa, thì Thiên Chúa nhìn họ với một cái nhìn: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”.
Nếu con người luôn “bới lông tìm vết” để trù dập nhau, thì lòng thương xót của Thiên Chúa luôn tìm cách nâng người tội lỗi đứng dậy để cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời.
Vì thế, thay vì xua đuổi, Đức Giêsu đã đón nhận sự chân thành và lòng mến của người phụ nữ tội lỗi đến với Ngài. Vì thế, tận sâu thẳm tâm hồn, chị đã đón nhận được lòng trắc ẩn của Đức Giêsu. Nên cuộc đời của chị từ đây sang trang. Chị đã thay thái độ để đổi cuộc đời và bắt đầu một cuộc sống mới trong ân sủng và lòng xót thương.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rất rõ quan điểm của Đức Giêsu, đó là: “Ghét tội, nhưng không ghét kẻ có tội”. Ngài luôn đi bước trước để tha thứ, kiếm tìm kẻ có tội nhằm tha thứ và yêu thương.
Những dụ ngôn nổi tiếng về lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa được Kinh Thánh kể lại như một sự chứng minh về tình thương của Ngài đối với người tội lỗi như:
Dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con ở lại để đi tìm con chiên lạc. Dụ ngôn người đàn bà mất một đồng bạc đã đốt đèn tìm kiếm khắp nhà. Dụ ngôn đứa con hoang đàng được người cha đón trở về trong sự tha thứ... Và, hôm nay, hành vi ấy lại một lần nữa được thể hiện qua việc Đức Giêsu đón nhận sự sám hối chân thành của người phụ nữ tội lỗi.
3. Người Kitô hữu không được xa lạ với lối hành xử của Đức Giêsu!
Người ta thường truyền tai nhau câu nói: “Nói người hãy nghĩ đến ta, nếu suy cho kỹ lại ra chính mình”.
Thật vậy, con người vốn mang trong mình tham, sân, si, nên nhiều khi họ nhìn anh chị em dưới “cặp kính râm”. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi nhiều người chỉ nhìn thấy cái phúc mà không thấy cái tội của mình. Ngược lại, họ luôn thấy cái tội mà không nhìn thấy cái phúc của anh chị em. Lời của Đức Giêsu nói: “Tại sao con thấy cọng rác trong mắt anh chị em, còn cái xà trong mắt con thì lại không thấy?” (x. Mt 7,3) Quả thật đúng với thực trạng của chúng ta.
Có lẽ, cần phải có một Nathan vạch trần tội ác của chúng ta như đã từng lật tẩy tội lỗi của vua Đavít khi xưa thì chúng ta mới tỉnh ngộ và nhận ra tội lỗi của chính mình!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn phát xuất từ cái tâm trong sáng và nhân hậu. Đừng vội xét đoán cách thiển cận khi chỉ dựa vào luật lệ hay truyền thống bên ngoài, mà hãy để cho luật Lương Tâm lên tiếng, vì biết đâu: “Xanh vỏ” nhưng “đỏ lòng”. Cần ý thức rằng: “Lầm lỗi là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa” (A. Pope).
Noi gương Đức Giêsu, Ngài luôn công bố chân lý và sống những gì Ngài đã nói, nhưng Ngài cũng luôn cảm thông, liên đới với những yếu đuối và tha thứ cho những lầm lỗi của con người.
Mặt khác, chúng ta cũng đừng lợi dụng lòng thương xót của Thiên Chúa mà giảm khinh những hệ quả của tội và an tâm “ngủ mê trên chiến thắng”; hay: “nằm lì dưới vũng bùn êm ái” để rồi vênh vang và tự nhủ: “Ta là người công chính hơn ai hết!”. Hãy cẩn trọng, vì: “Nếu ta nói: Ta không có tội, thì ta tự lừa dối mình, và sự thật không có trong ta” (1 Ga 1, 8 ); hay: “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã” (1 Cr 10,12).
Lạy Chúa Giêsu, Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Xin giúp chúng con có được một thái độ trung thành với chân lý, nhưng cũng có một trái tim biết cảm thông, thấu hiểu và thương xót như Chúa. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển