Thứ hai, 25/11/2024

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

Cập nhật lúc 14:54 14/05/2016
“Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20,19-23)
Suy Niệm I
CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
“Các con hãy nhận lấy Thánh Thần”
----------------------------
 
Trong một thế giới vật chất và tiêu thụ hôm nay, hình như người ta ít màng tới Thiên Chúa hoặc đặt vấn đề Thiên Chúa ở đâu. Nhiều người có lẽ cũng đồng quan điểm với triết gia Nietzsche: “Thiên Chúa ở đâu ư? Không cần biết. Ngài đã chết. Người Roma đã giết và an táng Ngài rồi”.
Tuy nhiên, Niezsche đã chết từ lâu, còn Thiên Chúa vẫn được nhiều người thiện cảm càng ngày càng hướng về. Chính chúng ta cũng sẽ không bao giờ dập tắt được ước mơ nồng cháy về Thiên Chúa. Nhiều người vẫn cảm thấy cần Đấng Tuyệt Đối và rung động hơn bao giờ hết khi đọc Tin Mừng của Người. “ Chúng ta đang sống trong một thế giới dòn mỏng. Trong thế giới ấy, Tin Mừng của Chúa Kitô cho chúng ta một nguồn sinh lực mới và gợi lên trong chúng ta những chọn lựa đầy hứa hẹn ở bên kia cái thế giới hữu hình này” (Mgr. Dagens). Có người nói: “Tôi không tin vào Thiên Chúa nữa. Nhưng tôi không dám nói to vì sợ Người nghe thấy”. Những người chủ trương thuyết hoài nghi nhất thường nói: “Phải có một cái gì đó bên trên chúng ta”.
Hôm nay ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, các tông đồ sẽ nói với chúng ta kinh nghiệm này: không phải là cái gì đó ở bên trên chúng ta, nhưng là một ai đó. Ai đó là Đấng tốt lành và là Đấng mà Chúa Kitô hứa ban để biến đổi chúng ta. Ai đó không phải chỉ ở bên trên chúng ta, nhưng còn ở trong chúng ta. Ai đó là một ngôi vị, chứ không chỉ là một sức mạnh vũ trụ, một ân huệ thiêng liêng, một năng lực mới. Ai đó là chính Chúa Thánh Thần, Thầy dạy tâm hồn, hướng dẫn viên năng động.
Vậy chúng ta hãy khẳng định với niềm tin rằng Thiên Chúa không chết. Người đang hoạt động trong thế giới, như Người đã hoạt động trong ngày Lễ Ngũ Tuần thời các thánh tông đồ. Nguời tuôn đổ suối hồng ân năng động và sinh lực cho chúng ta nếu chúng ta biết chuẩn bị đón nhận Người trong tinh thần tin tưởng đợi chờ như các tông đồ xưa.
Để chuẩn bị biến cố quan trọng truyền giáo, các tông đồ đã làm một cuộc tĩnh tâm. Chính Chúa Giêsu đã chẳng làm một cuộc tĩnh tâm dài 30 năm tại Nagiaret trước khi Người hoạt động truyền giáo công khai đó sao?
Còn chúng ta,
  • Mặc dù nhận thức rõ nhu cầu tôn giáo là rất cần, nhưng chúng ta có thiện chí lo lắng cho nhu cầu đó không?
  • Mặc dù Thiên Chúa sẽ trở lại, nhưng Người có chỗ nào trong đời sống của một thế giới đã bị tục hoá?
  • Liệu các bạn trẻ khi thức dậy, trước khi đi ngủ hoặc trong ngày sống biết dâng lên Thiên Chúa lời kinh của mình không?
  • Trên tivi hoặc trong tạp chí hằng ngày có biết bao trang mục: nào là thể thao, sức khoẻ, cuộc sống, tin tức, kinh doanh..Liệu có chỗ nào giành cho Thiên Chúa không?
  • Trên internet có rất nhiều website nói về đạo, liệu các bạn trẻ công giáo có bao giờ xem đến không? Hay là chỉ để viết thư hoặc chat chít?
  • Trong đời sống cá nhân của người kitô, phải chăng Thiên Chúa thường bị lãng quên nhất? Nỗi bận tâm về những nhu cầu vật chất hằng ngày luôn ám ảnh chúng ta: “Cần phải ăn cho no, mặc cho ấm đã, còn chuyện đi lễ, đi nhà thờ không thể lấp đầy khát vọng đó của tôi được”. Có lẽ chúng ta chỉ là người đi xin hoặc vay nợ Thiên Chúa, nhưng không bao giờ cho hoặc trả nợ Người. Mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa dần dần khô cằn và nhạt nhẽo.
Như vậy, chúng ta tưởng rằng mình sống. Nhưng thực sự chúng ta đang chết dở về đời sống thiêng liêng. Còn Thiên Chúa, Người vẫn không chết vì Người là Đấng hay thương xót. Không, Thiên Chúa không chết. Hôm nay hoặc một ngày nào đó, Thánh Thần của Người sẽ gõ cửa tâm hồn chúng ta bằng nhiều cách: có thể bằng cuộc ngã ngựa, có thể qua một buổi lễ trang trọng và sốt sắng, có thể qua những ngày hè nóng bức, chúng ta nhận được một cơn mưa rào mát mẻ.
Không, Thiên Chúa không chết. Giáo Hội của Người luôn nhận được tràn đầy Chúa Thánh Thần. Thánh Thần làm trỗi dậy trong Giáo Hội nhiều dự tòng xin lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Chính những người này sẽ làm cho Giáo Hội được trẻ trung và không già nua. Thánh Thần đang hoạt động ở khắp nơi, trong Giáo Hội và ngoài Giáo Hội. Người hiện diện trong chúng ta qua các dấu chỉ của đời sống chúng ta cũng như các dấu chỉ của thời đại.
Người là Thần hiệp nhất nối kết chúng ta lại với nhau để giữ gìn đức tin tinh tuyền, dù có nhiều yếu đuối của một số giáo hoàng, giám mục và nhiều linh mục qua nhiều thế kỷ. Người là Thần Chân Lý giúp cho những người rao giảng Tin mừng. Người linh hứng cho các thi sỹ và đặt trên môi miệng những ai cầu nguyện lời ngợi khen Thiên Chúa. Người được diễn tả qua miệng những người có tâm hồn đơn sơ và trẻ nhỏ. Thánh Thần nói sâu trong tâm hồn, bằng cách đi ngược lại với tinh thần thế tục. Người là nhà giáo dục lương tâm vĩ đại nhất đối với những ai biết lắng nghe lời Người.
-Tinh thần của thế tục là: “cứ ăn chơi, hưởng thụ, uống và nhảy nhót, kẻo mai ngày sẽ chết không được hưởng một chút gì.”
-  Nhưng Thánh Thần nói: “Hãy gìn giữ thân xác bạn vì là đền thờ của tôi và rồi các bạn sẽ được sống”.
- Tinh thần của thế tục là: “cứ kiếm cho nhiều tiền, hãy xoay xở, và hãy lo cho mình đã”.
- Nhưng Thánh Thần nói: “Hãy mở tâm hồn và cả túi tiền của bạn cho những ai đau khổ, bạn sẽ biết được niềm vui của sự trao ban”.
Thánh Thần cũng là thần khí của sức mạnh. Người ban cho chúng ta lòng can đảm để bảo vệ sự công chính và dám chết vì đức tin. Thánh Thần còn là Thần Khí của Tình Yêu. Người đã gieo mầm sự sống trên hành tinh này và đặc biệt Người đặt tình yêu vào trái tim nhân loại. Dù thế giới hôm nay có những bất toàn, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận ra hoạt động của Chúa Thánh Thần, mỗi khi con người tìm kiếm hoà bình, tha thứ cho nhau, tôn trọng sự khác biệt, tinh thần dân chủ, bình đẳng, lo lắng cho công bằng xã hội. Thánh Thần dần dần biến đổi chúng ta thành con cái Thiên Chúa, người con của Tình Yêu.
Nhìn về quá khứ và hướng tới tưong lai, chúng ta khẳng định rằng Thiên Chúa không chết. Thánh Thần của Người rất sống động và làm đổi mới mọi sự.
Lạy Chúa Thánh Thần, chúng con ngợi khen Chúa vì Chúa không ngừng đến canh tân bộ mặt Giáo Hội và giáo xứ. Chúng con ngợi khen Chúa, vì Chúa luôn làm cho các tông đồ có khả năng quảng đại trao ban sự sống đến giọt máu cuối cùng. Chúng con ngợi khen Chúa vì Chúa đã làm cho chúng con trở nên những thi sĩ ca ngợi công cuộc tạo dựng và Tình Yêu của Chúa. Chúng con ngợi khen Chúa, vì Chúa đã làm cho chúng con hiểu và tận hưởng những lời tuyệt diệu của Chúa Giêsu.
Lạy Thánh Thần tình yêu, bác sĩ tâm hồn,
Chúng con ngợi khen Chúa vì Chúa đang thực hiện nơi chúng con sự biến đổi cần thiết nhất, đó là sự biến đổi Tình Yêu. Xin Chúa tiếp tục thực hiện những điều Chúa đã làm và tiếp tục biến đổi con tim và đời sống chúng con.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
=================
Suy Niệm II
CHÚA THÁNH THẦN – QUÀ TẶNG CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
 Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
 
Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4, 16). Thật vậy, từ lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, Người yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người cho nhân loại. Đến lượt Đức Giêsu, qua việc nhập thể và nhập thế, cũng như những lời rao giảng và hành động của Ngài, Ngài đã mặc khải và diễn tả xuất sắc lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Đường thương xót đó không dừng lại cũng như kết thúc qua việc Đức Giêsu về trời, mà còn tiếp diễn và tồn tại muôn đời. Bởi lẽ, Đức Giêsu đã chuyển trao lòng thương xót ấy nơi Chúa Thánh Thần.
Vì thế, Chúa Thánh Thần chính là quà tặng của lòng thương xót mà Thiên Chúa trao ban cho con người. Nên từ ngày Người hiện xuống, lòng thương thương xót của Thiên Chúa như dòng sông không ngừng chảy đến với mọi người qua các chứng nhân dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

1. Chúa Thánh Thần công khai hóa Giáo Hội bằng lòng xót thương

Khi lần dở các trang Tin Mừng, chúng ta thấy trong suốt hành trình tại thế của Đức Giêsu, Ngài đã ấp ủ, cưu mang công cuộc thiết lập Giáo Hội qua việc dạy dỗ, hướng dẫn các Tông đồ cũng như dân chúng đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa để được cứu độ. Tuy nhiên, con đường đó đã trở nên xa lạ đối với các ông và dân chúng khi họ không hiểu được tâm tư của Thầy Giêsu, bởi vì mục đích của họ không nằm trong chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa, mà luôn bám vào những suy tính của trần gian.
Nhưng, đến ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần chính thức công khai hóa Giáo Hội qua ơn ban bình an và lửa mến tràn ngập nơi tâm hồn các Tông đồ, qua đó, các ông đã được biến đổi từ một con người ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo, sợ hãi, nhát đảm, ham sống sợ chết..., trở nên chứng nhân của lòng thương xót.
Điều này đã được các Tông đồ chứng minh bằng thái độ can đảm, hân hoan, sẵn sàng mở tung cánh cửa đã đóng kín, để ra đi loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua Đấng chịu đóng đinh cho mọi người, bất chấp mọi khó nguy, liên lụy và ngay cả cái chết.
Khi nói về mục đích của cuộc đời, thánh Phaolô đã diễn tả: “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô” (Pl 3,8); “Vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1,21)”; nên “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô”; và thánh Phêrô cũng biểu lộ tâm tình hân hoan khi: “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5, 41). 
Vì thế, các Tông đồ luôn coi việc loan báo Tin Mừng là một điều cấp thiết đến độ không thể không thi hành: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (ICr 9,16).

2. Hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần được triển nở trong đời sống Giáo Hội

Như vậy, kể từ ngày Giáo Hội công khai hóa, các Tông đồ đã cảm thấu và đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa thật dồi dào, nên tâm hồn các ông tràn đầy bình an và lửa sốt mến, khiến các ông đã không giữ lại cho riêng mình, nhưng đã chuyển trao cho mọi người, nhất là những người nghèo khó, bất hạnh, bị áp bức, bất công...
Cũng thế, trải qua dòng thời gian hơn 2.000 năm qua, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hiện diện và hoạt động cũng như làm cho kho tàng lòng thương xót của Thiên Chúa luôn được tỏa sáng như ngọn hải đăng trên con thuyền của Giáo Hội.
Những dấu ấn ghi đậm sự can thiệp của Chúa Thánh Thần như: Giáo Hội luôn gặp nhiều giông tố, bão bùng, nguy khốn; biết bao kẻ đe dọa, chống phá và muốn hủy diệt Giáo Hội ngay trong trứng nước, từ thời sơ khai và cho đến tận hôm nay! Nhưng Giáo Hội Chúa vẫn hiên ngang, đứng vững, lớn mạnh không ngừng và tồn tại muôn đời.
Sự can thiệp của Chúa Thánh Thần còn được thể hiện cụ thể qua việc biến đổi tâm hồn con người. Vì thế, biết bao người nguội lạnh, khô khan, cố chấp... Nhưng qua một biến cố hay sự kiện nào đó, họ được khai trí mở lòng, nên đã ngoan ngùy dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, nhất là cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời, lập tức họ đã trở nên những người yêu mến Giáo Hội hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn.
Hay có những người “dốt đặc cán mai”; “chân lấm tay bùn”; hoặc thuộc hạng “cùng đinh” trong xã hội, nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng xót thương trên cuộc đời họ, họ đã trở thành những người lỗi lạc, hàn lâm, uyên bác đến lạ thường khi nói và làm chứng về Chúa cho anh chị em...!
Lại có những kẻ trước đây thuộc về thế giới ma quỷ. Sẵn sàng làm đồ đệ cho chúng và ra tay tàn ác với anh chị em đồng loại, thậm chí ngược đãi, chống phá Giáo Hội... Nhưng sau khi được Chúa Thánh Thần thánh hóa và xót thương, nay lại trở thành những chứng nhân Tin Mừng ngay giữa lòng xã hội...Đây chính là hoa trái lòng thương xót của Chúa Thánh Thần.
 
3. Hãy làm cho hoa trái xót thương của Chúa Thánh Thần triển nở
 
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, mỗi người được đón nhận Chúa Thánh Thần cách dồi dào và phong phú. Tuy nhiên, ơn thánh của Chúa Thánh Thần không chỉ dừng lại trên cá nhân, mà phải sinh hoa kết trái đến với người khác, để mọi người đều được chung chia niềm vui và hạnh phúc như chúng ta.
Vì thế, mừng lễ Chúa Thánh Thần hôm nay, mỗi người hãy suy nghĩ và tự cật vấn bản thân xem: đã bao lần ta thờ ơ, khước từ ơn Chúa đến với mình; biết bao lần ta đã đóng chặt ơn Chúa cho riêng bản thân và đã vô cảm trước tiếng kêu gào thống thiết của người nghèo khổ, đói khát cơ bần nơi xó chợ, bãi rác, ngoài công viên, nơi bến xe, gầm cầu...?
Biết bao lần ta đã lựa chọn sự hời hợt, hình thức, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, ghen tương, vu khống, kiêu ngạo, thù hận, thiếu niềm tin, lòng trông cậy và yêu mến Chúa trong đời sống đạo? Biết bao lần ta đã phớt lờ tiếng nói của Lương Tâm, để lựa chọn những hành vi tội lỗi không phù hợp với bản chất Công Giáo và giá trị Tin Mừng?
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy tha thiết xin Chúa Thánh Thần ban ơn bình an và lòng thương xót của Người cho chúng ta. Khi có được sự an bình thư thái và ngụp lặn trong tình thương của Thiên Chúa, mỗi người sẽ làm cho hoa trái của Chúa Thánh Thần được triển nở trong tâm hồn và đời sống của chúng ta ngang qua những lựa chọn đầy chất Kitô của mình.
 
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến để biến đối tâm hồn chúng con cho phù hợp với tư cách người môn đệ của Chúa trong lòng xã hội hôm nay. Amen.
Jos.Vinc. Ngọc Biển
 
===================
Suy Niệm III
CHÚA THÁNH THẦN LÀ THẦN CHÂN LÝ
 Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23
 
Trong lịch sử cứu độ của Dân Chúa, Chúa Thánh Thần đóng vai trò rất quan trọng nơi nhiệm cục cứu độ từ khi sáng tạo cho đến ngày tận cùng của nhân loại. Chúa Thánh Thần chính là linh hồn của Giáo Hội; là Sinh Khí trong thân xác con người.
Khi xuống trần gian, Đức Giêsu đã mặc khải cách tiệm tiến về Chúa Thánh Thần. Cuối cùng, Ngài đã trao ban Chúa Thánh Thần cho nhân loại thông qua việc thổi hơi trên các Tông đồ và trao ban bình an kèm theo ơn tha tội. Khi Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các ông, Người đã biến đổi, ban sức mạnh, lòng cam đảm và sự trung thành, để các ông ra đi làm chứng cho Chân Lý là chính Đức Kitô. 

1. Đức Giêsu trao ban Chúa Thánh Thần để biến đổi các Tông đồ

Khi các Tông đồ phải đối diện với cuộc thương khó của Đức Giêsu, các ông hoang mang, sợ hãi và tìm mọi cách để chạy trốn thoát thân. Rồi sau khi Đức Giêsu chết, tất cả các ông đều sợ hãi, vì thế, họ đã đóng kín cửa vì sợ người Dothái. Các ông sợ vì Thầy mà bị liên lụy; họ đã giết Thầy thì hẳn cũng sẽ tìm cách giết môn đệ, để dẹp luôn những tư tưởng mà Đức Giêsu đã gieo vào trong lòng của các ông.
Nhưng có lẽ điều cốt yếu mà các ông đang hoang mang, đó chính là ơn cứu độ mà Đức Giêsu đã rao giảng. Bởi lẽ, các ông cũng như những người đương thời cho rằng: Đức Giêsu chết là hết. Lòng tham vọng trần tục của các ông tan thành mây khói. Thấu hiểu được lòng dạ từng môn đệ, nên Đức Giêsu đã hiện đến, trao ban cho các ông chính nguồn cội của lòng thương xót là Chúa Thánh Thần qua ơn bình an và ơn tha tội.
Khi lãnh nhận món mà cao quý và vô giá như vậy, lòng các Tông đồ đã tràn ngập niềm vui, hạnh phúc, nhất là từ trong tâm khảm, các ông được ơn biến đổi.
Thật vậy, khi đã cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời mình như thế, nên các ông đã không thể ngồi yên hoặc an hưởng một mình, mà đã hân hoan mở tung cách cửa cô đơn, sợ hãi, ích kỷ, vụ lợi, hình thức... để thực thi lệnh truyền của Đức Giêsu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”; “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”.

2. Chúa Giêsu trao ban cho các Tông đồ Thần Chân Lý

Khi trao ban Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, Đức Giêsu đã mạc khải cho các ông biết Người chính là “Thần Khí sự thật”. Khi đến, Người sẽ giúp cho các Tông đồ hiểu được những lời Ngài đã rao giảng. Mặt khác, Chúa Thánh Thần sẽ bào chữa cho các ông khi phải ra trước mặt quan toà để làm chứng cho sự thật: "Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói" (Lc 12,11-12). Thật thế, nếu xét trên bình diện con người, các ông làm sao có thể thi hành một sứ mệnh cao cả và quan trọng đến như vậy. Bởi vì các Tông đồ là những người rất bình thường trong những người bình thường nhất. Họ là những người quanh năm suốt tháng chỉ biết sống với nghề chài lưới, vật lộn với sóng nước biển khơi, học vấn thì kém cỏi, khả năng diễn thuyết trước công chúng thì quá xa vời. Thế nhưng, sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để làm chứng cho Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã chết và sống lại vì yêu con người. Điều này đã được chứng minh nơi Tông đồ trưởng Phêrô trong bài giảng đầu tiên. Phêrô đã khuất phục được rất nhiều người, trong đó có khoảng 3.000 người tin theo (x. Cv 2,41).

3. Chúa Thánh Thần và đời sống chứng nhân của người Kitô hữu

Ngày xưa, khi các Tông đồ chưa nhận được ơn Chúa Thánh Thần thì họ lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin… Nhưng khi nhận được Chúa Thánh Thần, các ông đã hân hoan lên đường để rao truyền chân lý. Các ngài đã coi đó như là mối lợi tuyết đối mà Chúa dành cho mình. Còn chúng ta ngày nay thì sao? 
Thiết nghĩ, đây là dịp để chúng ta suy nghĩ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời mỗi người, cũng như trách nhiệm của chúng ta trước sứ mạng được trao.
Là người Công giáo, được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, chúng ta có trách nhiệm loan truyền Đức Giêsu và làm chứng về Ngài trong gia đình, làng xóm, xứ đạo và thế giới hôm nay bằng đời sống chứng nhân.
Thế nhưng, thực tế thì khác nhiều lắm! Nếu được hỏi: “Ông bà, cô bác, anh, chị, em… có tin Chúa không?” Ngay lập tức, ta sẽ nhận được câu trả lời là “có”, thậm chí còn bị mắng vốn là “hỏi thế mà cũng hỏi”; “hỏi ấm ớ…”. Nhưng thử hỏi trong đời sống đức tin, chúng ta sống đạo hay chỉ giữ đạo? Đây là câu hỏi xoáy vào tận nội căn của mỗi người, bởi vẫn còn đó những cảnh cãi vã nhau gay cấn ngay khi vừa ra khỏi nhà thờ sau thánh lễ và không nhân nhượng khi tuyên bố: “Tao mà không vừa rước lễ xong, thì hôm nay, tao sẽ xé xác mày”; rồi những lần đi lễ “ôm”, những cảnh “đạo gốc” và phì phèo điếu thuốc (đi lễ nhưng ngồi ở những gốc cây quanh nhà thờ)... Hay khi buôn bán: lấy tiền 1kg, nhưng ăn bớt chỉ còn 800gr; bơm nhồi hoá chất độc hại vào những rau, củ, quả… mà mình sẽ bán; hoặc thượng tôn cái “bụng” mà gian tham, bóc lột, nhận hối lộ... từ đó sinh ra thói vô cảm, dửng dung với anh chị em... Lại nữa, chúng ta cũng thấy không ít người Công giáo sống đạo theo kiểu “lâm thời”. Khi gian nan thử thách đến là sẵn sàng khấn “ông địa” vái “bà mo” hay đi xem bói, xem tướng, lên đồng, không còn tin tưởng vào Thiên Chúa tuyệt đối nữa... Nhiều khi chúng ta giống như những “tượng thánh giả tạo”: bên ngoài thì đẹp đẽ, nhưng khi nước sơn hình thức bị phai nhạt, tức là những thử thách ập đến, tượng thánh đó sẽ hiện nguyên hình quỷ.
Đây phải chăng là những căn bệnh trầm kha trong cách sống đạo của nhiều người Công Giáo hiện nay!
Như vậy, trên lý thuyết: tin thì vẫn cứ tin, ít ai có khái niệm bỏ đạo, nhưng cách sống đạo thì hời hợt, trong cuộc sống thì bon chen, quỷ quyệt… Những thái độ đó chẳng khác gì khối “ung nhọt” nằm trong thân xác tráng kiện bên ngoài với cái mác hai chữ Công Giáo giả tạo, hay như những mồ mả tô vôi, bên ngoài thì đẹp mắt, nhưng bên trong thì thối tha.
Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta hãy xin Người biến đổi con người cũ của chúng ta thành con người mới trong Thần Khí và sự thật, để dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải là người Công Giáo chân chính như lòng Chúa và Giáo Hội mong muốn.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Người ngự đến để đổi mới mặt địa cầu; để dẫn chúng con đến sự thật toàn vẹn. Xin Người ban sức mạnh; lòng cam đảm để chúng con sẵn sàng ra đi làm chứng cho sự thật là chính Đức Kitô và luôn sống những giá trị Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

 
Jos.Vinc. Ngọc Biển
=================
Suy Niệm IV
Tất Cả Được Tràn Đầy Thánh Thần
 Ga 20, 19-23
 
Trong suốt tuần chín ngày, chúng ta đã cầu xin tha thiết : Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,  lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến; lạy Đấng an ủi tuyệt vời, xin ngự đến.
Giáo hội xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì ? Thưa, Chúa Thánh Thần đến để rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa cho lành nơi thương tích. Uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… (Ca tiếp liên). 
Hôm nay ngày lễ Ngũ Tuần, ngày mà lời Chúa Giêsu hứa với các tông đồ được hoàn tất. "Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Dothái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông… thổi hơi trên các ông và nói : "Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần" (Ga 20,22). Chúa Thánh Thần đã xuống trên các ông và ban đầy đủ các ơn cùng với các sự kiện bên ngoài.
Vì thế, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả. Vui, vì có Chúa Thánh Thần, Giáo hội không bị mồ côi, có Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ lĩnh hội được tất cả những gì Chúa Giêsu muốn, Chúa Thánh Thần là sức mạnh vô biên, là suối bảy nguồn.
Giáo hội được Chúa Giêsu sai đến với mọi dân mọi nước và sẽ tiếp tục nói các thứ tiếng cho đến muôn đời, giao tiếp với hết mọi dân tộc trên toàn thế giới, và con người ở mọi nơi mọi thời sẽ còn tiếp tục sửng sốt và bỡ ngỡ, (x. Cv 2, 6), vì những người rao giảng Tin Mừng luôn đầy Thánh Thần. Khắp mọi nơi, người ta sẽ nghe thấy Giáo hội diễn tả cùng một Đức tin trong ngôn ngữ của chính dân tộc ấy (x. Cv 2, 6). Thế nên, phép lạ ngày lễ Ngũ Tuần, chứng tỏ Chúa Thánh Thần luôn đồng hành với Giáo hội để tiếp tục làm nhiệm vụ canh tân mặt đất và đổi mới lòng trí con người hôm nay. "Thánh Thần Chúa tràn ngâp địa cầu, liên kết hết mọi người, thông thạo mọi ngôn ngữ. Hallêluia." Lời ca nhập lễ chứng tỏ Chúa Thánh Thần đã "nhập thể" trong Hội Thánh.
Điều gì đã xảy ra trong ngày xa xưa ấy, lúc các Tông Ðồ đang tụ họp với nhau ở tầng trên của phòng Tiệc Ly vậy?
Thưa: dấu hiệu đầu tiên là " Tiếng động từ trời phát ra tựa như gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp" (x. Cv 2,1). Tiếng động bất thình lình phát ra và các lưỡi lửa chia ra đậu trên đầu từng Tông Ðồ là các dấu chỉ cụ thể đụng chạm tới các Tông Ðồ, không chỉ bề ngoài, nhưng cả trong nội tâm; trong tâm trí nữa. Kết quả là "tất cả đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói" (Cv 2, 4).
Ngọn lửa đó là ngọn lửa tình thương đốt cháy mọi cứng cỏi; ngôn ngữ đó là thứ ngôn ngữ mới, ngôn ngữ đại đồng của tình thương mà Chúa Thánh Thần đổ vào lòng các tín hữu (x. Rm 5,5); một ngôn ngữ mà tất cả mọi người đều hiểu, và khi tiếp nhận có thể được diễn tả ra trong mọi cuộc sống và mọi nền văn hóa. Ngôn ngữ ấy là thứ ngôn ngữ của Tin Mừng vượt qua mọi ranh giới do con người đặt ra và đánh động tâm hồn nhiều người, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, tiếng nói hay quốc tịch.
Trong một Thánh Thần, tất cả được chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể. Vì khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và khơi dậy nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn tùy theo lợi ích không ai giống ai. Có một Thánh Thần duy nhất hoạt động trong Hội Thánh, nên có nhiều chức vụ, công việc, những chỉ có một Thánh Thần điều khiển và hướng dẫn (x. 1 Cr 12, 3-7. 12-13).
Chúa Thánh Thần ở nơi những con người có lòng ngay thật, cũng như bất cứ ai muốn trở nên dễ uốn nắn bởi Chúa Thánh Thần trong hòa bình và trật tự. Người nào càng nhiệt tâm đón nhận, người ấy càng hiểu biết hơn về sự thể hiện nội tâm này và ngày càng gia tăng ơn của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban cho con người ngay từ ban đầu.
Chúa Thánh Thần là Thần Chân Lý và tình thương nhắc nhớ chúng ta về tất cả những gì Chúa Kitô đã nói. Ngài dạy dỗ chúng ta và làm cho chúng ta nói với Thiên Chúa, gọi Chúa là Cha, là Abba (Xc Rm 8,15; Gl 4,4); đồng thời làm cho chúng ta đối thoại với nhau trong tình huynh đệ và ngôn sứ.
Chúa Thánh Thần là sức mạnh vô biên đã biển đổi các môn đệ từ những con người nhát đảm sợ sệt trở nên những nhà truyền giáo can đảm phi thường không sợ tù đày, tra tấn và cái chết, vì sức mạnh của Chúa Thánh Thần ở cùng họ. Có Chúa Thánh Thần, sự khép kín nhường chỗ cho sự loan báo và mọi nghi ngờ bị xua tan bằng niềm tin đầy tình thương mến. Bằng chứng là ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô được tràn đầy Thánh Thần, đứng lên "cùng với mười một tông đồ ... lớn tiếng" (Cv 2,14) và "thẳng thắn" (Cv 2, 29) loan báo tin vui của Chúa Giêsu, là Ðấng đã hiến mạng sống mình để cứu độ chúng ta và Thiên Chúa đã cho sống lại từ các kẻ chết.
Ngài là suối bảy nguồn. Với vẻ bề ngoài, xem ra Chúa Thánh Thần tạo ra sự mất trật tự trong Giáo hội, bởi vì Ngài mang đến sự khác biệt các đặc sủng, các ơn; nhưng dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần là Thần Khí của hiệp nhất đã dẫn đưa tất cả tới sự hài hòa. Vì Chúa Thánh Thần "chính là sự hài hòa".
Không có sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ không thể sống và thực hiện nhiệm vụ mà Chúa Giêsu phục sinh đã giao phó, là ra đi và làm cho tất cả mọi dân tộc trở thành môn đệ.
Chúng ta hãy xin cùng Chúa Cha, nhờ qua Chúa Giêsu Kitô, trong ân sủng của Chúa Thánh Thần, ngõ hầu việc cử hành Lễ Trọng Kính Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, được trở nên như ngọn lửa sốt mến và như luồng gió mạnh cho đời sống Kitô hữu và cho sứ mạng của toàn thể Giáo Hội. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy Niệm V
Những Người Rao Giảng Tin Mừng Ðầy Thánh Thần
 Ga 20, 19-23
 
40 ngày sau Đại lễ Phục Sinh, Giáo hội long trọng cử hành mầu nhiệm cao cả Chúa về Trời, tiếp đến là cầu nguyện thiết tha: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến".
Lời cầu nguyện trên được Giáo hội tha thiết dâng lên Thiên Chúa Cha cùng với Chúa Giêsu để Người đoái thương đổ tràn Thánh Thần xuống trên Giáo hội và trên mỗi người chúng ta.
Đúng 10 ngày sau khi Chúa về Trời, chúng ta cử hành lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống với niềm vui khôn tả, Ngài là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa với chúng ta (x. Ga 16, 7). Ngài  " hiện diện " trong lịch sử Giáo hội, và hành động không biết mệt mỏi.
Hồi tưởng lại thời điểm "sau khi Chúa Giêsu lên trời, các Tông đồ xuống khỏi núi … trở về Giêrusalem… các ông lên lầu gác… Mọi người đều đồng tâm kiên trì cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ, và Bà Maria mẹ Chúa Giêsu, kiên trì cầu nguyện (x. Cv 1, 12-14). Chuyện gì đã xãy ra khi họ đang cầu nguyện với nhau vậy? Chính lúc " tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tùy theo Thánh Thần ban cho họ nói " (Cv 2, 4).
Ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống cách uy phong trên các Tông đồ; sứ mạng của Giáo Hội được khai sinh từ đó. Chính Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông đồ ở lại chung với nhau trong kinh nguyện cùng với Mẹ Maria trong Phòng Tiệc Ly, để chuẩn bị lãnh nhận hồng ân Chúa Thánh Thần (x. CV 1,14). Họ đã làm như Chúa Giêsu truyền, và hết thảy được đầy Chúa Thánh Thần (x. Cv 2, 4).
Gioan Taulê (1300-1361), tu sĩ dòng Daminh ở Strasbour nói: " Nơi " mà sách Tông đồ Công vụ nói ở đây tượng trưng trước hết cho Hội Thánh, nơi Thiên Chúa ngự, nhưng cũng là biểu tượng của mỗi người chúng ta là đền thờ Chúa Thánh Thần ngự trị. Một ngôi nhà có nhiều tầng, nhiều phòng, nhiều công dụng, cũng như nơi con người có những khả năng, giác quan và nghị lực khác nhau, Chúa Thánh Thần viếng thăm tất cả cách đặc biệt. Khi Chúa Thánh Thần đến, Ngài nhào nặn, cổ vũ và gợi ý nơi con người một số khuynh hướng tốt, Ngài tác động và soi sáng họ. Cuộc viếng thăm và tác động nội tâm này, hết thảy mọi người đều được ơn không ai giống ai. Mặc dù Chúa Thánh Thần là Đấng duy nhất hoạt động nơi con người. (Trích bài giảng số 26, 2 ngày lễ Ngũ Tuần)
Phải khẳng định rằng " Chúa Thánh Thần đến vì chúng ta. Ngài không chỉ đến "để ở với Giáo hội luôn mãi " (Ga 14, 16). Như lời Chúa Giêsu hứa: " Để Người ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế ". 
Ngày hiện xuống, Chúa Thánh Thần còn đổ tràn đầy ân sủng và ơn đoàn sủng xuống trên Giáo hội thật phong phú dồi dào! Ðức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nói : Đây là mầu nhiệm của Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí con người, và qua việc soi sáng cho họ biết về Chúa Kitô chịu đóng đinh, chết và đã sống lại, Chúa Thánh Thần chỉ cho biết con đường để trở nên giống Chúa hơn, nghĩa là trở nên "sự biểu lộ và phương thế" của tình yêu, một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (x. Deus Caritas Est, số 33).
Khi nói đến tác động của Chúa Thánh Thần trên người rao giảng Tin Mừng, Đức Phanxicô viết : " Những người rao giảng Tin Mừng đầy Thánh Thần có nghĩa là những nhà truyền giáo mở lòng ra với tác động của Chúa Thánh Thần mà không sợ hãi. Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông Ðồ ra khỏi chính mình và biến các ngài thành những người loan báo những việc cao cả của Thiên Chúa, mà mỗi thính giả bắt đầu hiểu theo ngôn ngữ riêng của mình. Chúa Thánh Thần cũng đổ vào chúng ta sức mạnh để loan báo sự mới mẻ của Tin Mừng với sự mạnh bạo lớn tiếng, ở mọi nơi và mọi lúc, ngay cả những lúc phải lội ngược dòng. Chúng ta hãy cầu khẩn Ngài hôm nay, để được thiết lập một cách vững chắc trên cầu nguyện, vì nếu không có cầu nguyện thì mọi hoạt động có nguy cơ trở thành trống rỗng và rốt cuộc lời rao giảng cũng trở nên không có hồn. Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành những nhà truyền giáo loan báo Tin Mừng không chỉ bằng lời nói, nhưng trên hết, bằng một cuộc sống được sự hiện diện của Thiên Chúa biến đổi" (Trích Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 259).
Đức Phanxicô còn nhấn mạnh: "Chúa Thánh Thần là linh hồn của việc truyền giáo " Khi chúng ta nói rằng một điều gì có một "tinh thần", thì thường ám chỉ một số động lực bên trong tạo ra một sự thúc đẩy, động cơ, khích lệ cùng làm cho các hành động cá nhân và cộng đồng có ý nghĩa. Một việc truyền giáo đầy Thánh Thần khác xa với một mớ những công tác bị coi như những nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta chỉ đơn thuần phải làm, hoặc việc gì bị coi như mâu thuẫn với những xu hướng và ước muốn của chúng ta. Tôi rất ước ao tìm được những lời để cổ võ một mùa rao giảng Tin Mừng nhiệt thành, vui mừng, quảng đại, táo bạo, tràn đầy tình yêu cho đến cùng và một đời sống truyền cảm! Nhưng tôi biết rằng không có động lực nào có thể đủ nếu không có ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đốt cháy trong lòng chúng ta. Cuối cùng, truyền giáo với tinh thần là truyền giáo với Chúa Thánh Thần, vì Ngài là linh hồn của việc truyền giáo của Hội Thánh" (Trích Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, số 261).
Cùng với Mẹ Maria và toàn thể các thánh trên trời, chúng ta cùng cầu nguyện như sau: "Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Xin Ngài đến canh tân, lay động và thúc đẩy Hội Thánh mạnh dạn ra khỏi chính mình để rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc. Xin Ngài đến đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình Yêu Chúa trong lòng họ !" Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
============
Suy Niệm VI
NGỌN LỬA CỦA TÌNH YÊU SẼ KHÔNG TẮT  NỮA
Ga 20,19 - 23
 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống không đơn giản chỉ là một lễ kỷ niệm việc Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu ra đi, nhưng còn nói lên “dấu chỉ Thánh Thần của Thiên Chúa” Đấng hiện diện trong khắp vũ trụ từ nguyên thủy cho đến tận thế.
Hiện diện trong hành động tạo dựng, Thánh Thần đã được ban cho mọi sinh vật ,sẽ bắt đầu làm mới lại bề mặt địa cầu ( TV 104 ). Người đã truyền sang cho các tông đồ niềm đam mê cháy bỏng để loan báo Tin Mừng ơn cứu độ, Người khơi gợi lên các đặc sủng và sự mạnh dạn truyền giáo nơi những người nam, nữ, trẻ em đã được Chúa Thánh Thần biến đổi. Người sẽ làm cho Hội Thánh lớn mạnh như một dân tộc tư tế, ngôn sứ và vương giả.
 Sự thay đổi và đổi mới ở đây còn nói đến nhu cầu thiết yếu của xã hội chúng ta, được biểu lộ bằng rất nhiều cách: ngôn từ, hành động, sự dấn thân, đôi khi bằng cả xung đột và bạo lực. Sự đổi mới trong Thánh Thần được ban cho vì lợi ích của nhân loại và vì hạnh phúc của nhân loại ( Đức cha Michel Santier ).                                                                            
Vâng, Thánh Thần Chúa Kitô ở trong chúng ta.
Chúa chúng ta thổi hơi trên các Tông đồ và phán: “ Hãy nhận lãnh Thánh Thần”. Ở nơi khác Người nói với các ông: “ Nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ đến với anh em.”
“ Thần khí sự thật,” ấn tích và bảo chứng của Đấng Cứu chuộc. Người là bảo chứng hiện hữu cho Đấng vô hình… Đấng Bảo Trợ, Người đã đến thay cho Đức Kitô, đã được ban cho để thực hiên cùng một sứ vụ như Chúa Kitô. Người đã đến không phải dưới hình thức đơn giản của ân huệ, của sự ảnh hưởng hay qua các hành động như các ngôn sứ. Người đến trong chúng ta theo cách của Đức Kitô, bằng một sự viếng thăm thực sự và riêng tư. Chúng ta có thể nhận thấy rằng Đấng Cứu độ, một khi đã đến thế gian, sẽ chẳng bao giờ rời đi mà để mọi thứ trong tình trạng như trước khi Người đến. Bởi vì Người vẫn còn ở với chúng ta, và không phải qua những ân huệ đơn sơ; Người là chính ân huệ vì Thánh thần thay thế Người, và ân huệ đó hiện diện trong Hội Thánh cũng như trong tâm hồn của mỗi người Kitô hữu (John Hẻnry Newman )
Thánh Phaolô nói rằng Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta bằng những tiếng rên siết khôn tả, và mỗi lần chúng ta nhận thức được điều này thì chúng ta bước vào sự bình an. Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đáp lời cho thế giới: “Anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 11-12). Người là Đấng Bảo Trợ nói cho chúng ta trong nơi kín đáo rằng chúng ta có lý đối với thế gian, mỗi lần chúng ta đứng về phía những người nghèo khổ và bé mọn là một lần chúng ta cậy dựa vào Đấng vô hình.
Cuối cùng, đây là vai trò ít được biết đến nhất của Đấng Bảo Hộ là Ngài luôn biện hộ cho chúng ta trước tòa Chúa. Thánh Gioan nói rằng: “Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (1Ga 3,20).
Lễ Chúa lên trời nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giêsu thành Nagiaret không còn ở giữa chúng ta về phương diện xác thịt. Điều này thật đáng buồn, tuy nhiên đây lại là một đại lễ. Tại sao vậy? Bởi vì Người đã để lại cho chúng ta Đấng Bảo Trợ này, xin chúc tụng Chúa !  (Jean-Pierre Manigne )
Xin Chúa Thánh Thần soi sáng lòng trí con, đốt lửa mến trong con, để từ nay con chỉ biết tin yêu Chúa và dẹp bớt những tự ái cá nhân để tha thứ và để yêu thương nhiều hơn. Xin cho mỗi gia đình luôn biết sống Tin, Cậy, Mến Chúa trên hết mọi sự!
Pr. Nguyễn Mai
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log