Thứ tư, 08/01/2025

Lễ Kính Chúa Ba Ngôi – Năm C

Cập nhật lúc 09:43 21/05/2016
“Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16, 13)
Suy Niệm I
CHÚA BA NGÔI
Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần
---------------------------------
 
Khi nói về các mầu nhiệm Thiên Chúa, Chúa Kitô làm cho các tông đồ thấy rằng: sự hiểu biết của họ còn quá nhỏ bé so với điều mà Người đã mạc khải, như muối bỏ bể nếu không có Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Họ cần Thần Khí của Chúa Kitô hướng dẫn và biến đổi để họ có thể đi sâu vào Mầu Nhiệm vượt trên mọi mầu nhiệm và sự hiểu biết của con người, đó là Mầu Nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Nhiều nhà thần học nổi tiếng đã tốn hết công sức để giải thích về mầu nhiệm này, nhưng vẫn chỉ là muối bỏ bể.Phần chúng ta, chắc chắn là không thể gồng mình, vắt não để hiểu trọn vẹn về Đấng khó có thể nhận thấy, khó có thể tưởng tượng nổi và không có thể viết nên lời được.Tốt hơn hết chúng ta hãy bắt chước các nhà thông thái khiêm nhường dựa vào mầu nhiệm tạo dựng để nói lên sự dốt nát của mình, rồi chiêm ngắm.Chúng ta cố gắng thờ lạy, chiêm ngắm và tập sống mầu nhiệm đó.

A.Thờ lạy: Trước hết chúng ta hãy thờ lạy tính duy nhất trong Thiên Chúa. Chúng ta tin chỉ có một Thiên Chúa và Thiên Chúa duy nhất. Nhưng chúng ta không thể không khâm phục hạnh phúc của một gia đình luôn hiệp nhất.Vậy khi chiêm ngắm sự hiệp nhất trong lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, chính là lúc chúng ta khâm phục và thờ lạy trước Đại Dương Hiệp Nhất và Tình Yêu. Thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc, không biết thương cảm. Thiên Chúa duy nhất cũng là một gia đình, là lò lửa tình yêu rực cháy. Rémy Jubert viết: “Chúa Cha và Chúa con không bao giờ không yêu nhau, không hiểu biết nhau, không hiệp nhất và không si tình nhau. Thiên Chúa, đó là một Tình yêu say đắm duy nhất và vĩ đại”.
Nói tóm lại: từ ngữ của chúng ta còn quá yếu để nói lên phẩm chất phi thường trong tương quan hiệp nhất Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Thờ lạy sự khác biệt của các ngôi vị trong Thiên Chúa.Thiên Chúa là duy nhất, nhưng mỗi một Ngôi Vị này có thể là chân dung của ngôi vị khác không? Không, Chúa Cha không phải là Chúa Con, cũng không phải là Chúa Thánh Thần. Tình Yêu của Chúa Cha làm phát sinh Chúa Con. Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con với nhau làm phát sinh Chúa Thánh Thần. Trong Thiên Chúa, Tình Yêu hiệp nhất các Ngôi Vị nhưng không xoá bỏ, không làm lẫn lộn. Đó là phép lạ của tình yêu đích thực: tình yêu càng hiệp nhất các ngôi vị, càng cho phép mỗi ngôi vị phát triển, là chính mình, là khác. Mỗi một ngôi vị là cái mình là, và càng yêu nhau thì các ngôi vị càng phân biệt nhau. Thí dụ có một đứa trẻ lạc mất trong đám đông vô danh: vô danh giữa những người vô danh, chẳng ai biết ai. Bỗng chốc mẹ nó thấy nó. Bà biết nó và phân biệt được nó với những người khác vì bà yêu nó….. Khi yêu ai, thì người đó ra khỏi cái vô danh, khuôn mặt người đó hiện lên trên mắt chúng ta.Càng yêu người đó chúng ta càng cảm thấy nối kết với người đó và khám phá ra có điều gì người đó phân biệt và khác chúng ta. Trong Thiên Chúa cũng vậy, Tình Yêu làm cho các ngôi vị trở nên khác và giãi sáng.

B. Chiêm ngắm: Một Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một mầu nhiệm mà chỉ có những người am hiểu mới có thể đến gần được: thí dụ như các thiên thần, các thần học gia nổi tiếng, hoặc các thánh tiến sĩ. Càng những người có tâm hồn đơn sơ và khiêm nhường càng có thể đến gần được.
Ngôi Nhất: Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta: Chúa Giêsu gọi Ngôi Thứ Nhất là Cha vì Ngài sinh ra Chúa Con từ đời đời. Chúa Cha chỉ hiện hữu để yêu, để trao ban, trao ban đến quên mình. Trước mầu nhiệm không thể nói lên lời này, chúng ta chỉ có một thái độ: là quỳ gối xuống! Điều tuyệt diệu là Chúa Cha muốn hằng tỷ người trên thế giới hãy tham dự vào tình cha, Người muốn tất cả chúng ta hãy hiệp nhất với Con của Người để ngày sau cũng được như Con của Người dự tiệc vui muôn đời. Chúa Cha muốn có một gia đình đông con. Người muốn có những hữu thể để yêu như Người yêu Con của Người. Có thể nói: Chúa Cha cũng là Đấng có một trái tim người mẹ. Chúa Cha, một người cha trao ban sự sống cho con cái, người cha nuôi dưỡng và yêu dấu đứa con. Người cũng là người cha đợi chờ, một người cha cam chịu nuốt nhục vì con cái.
Ngôi Hai: Khi một giáo viên nói, lời của người đó nói chỉ là ít của người đó, và cũng ít là người đó, vì nhiều khi lời của người đó không phù hợp với ý nghĩ sâu xa của người đó. Tuy nhiên, khi Ngôi thứ nhất là Cha nói, tức thì lời của Người trở nên một ngôi vị, là Ngôi Lời. Chúa Con chỉ hiện hữu khi đón nhận tình yêu say đắm từ nơi Chúa Cha và rồi Chúa Con lại dâng hiến tình yêu say đắm đó hướng về Chúa Cha và đẹp lòng Chúa Cha. Trước thực tại không nói lên lời, cái còn lại ở đây chỉ là quỳ gối xuống! Chúa Con đã làm người, một con người hoàn chỉnh.Người nối kết thế giới thần linh với thế giới vật chất.Người làm cho toàn thể nhân loại chúng ta trở nên thân thể Người trong thế giới thần linh phục tùng quyền Cha.
Ngôi Ba: Tình yêu đích thực không phải là tình yêu say mê chính mình: khi vợ chồng yêu nhau, tình yêu đó hoàn toàn tự nhiên hướng về người thứ ba: đó là đứa con. Cũng vậy, khi Chúa Cha và Chúa con yêu nhau, tình yêu tương hỗ của 2 ngôi vị trở nên một ngôi vị, Thánh Thần. Trong Thánh Thần, Cha tự trao ban cho Con và Con đón nhận Cha. Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu giữa Cha và Con. Trước mầu nhiệm tình yêu đó, cái còn lại đối với chúng ta là quỳ gối xuống! Thánh Thần đến cầu nguyện trong chúng ta, thổi vào chúng ta ngôn ngữ tình yêu, như một người mẹ đã làm như vậy khi bế con trên tay. Thánh Thần cho phép chúng ta hiểu rằng chúng ta được yêu bằng tình yêu nào.

C. Sống mầu nhiệm: Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta hãy sống với cái mình là: mối tương quan với nhau. Mối tưong quan tuyệt vời đòi hỏi chúng ta 3 điều:
- Hiệp nhất trong tình yêu: Nếu Thiên Chúa chỉ là Tình Yêu, thì chúng ta cũng được mời gọi để sống tình yêu. Con người được dựng nên không phải để sống một mình, mà phải trở nên tình yêu cho người khác. Ai ban cho đôi vợ chồng tình yêu chung thuỷ dù khi họ ốm đau bệnh tật, nếu không phải là Chúa Thánh Thần? Ai đặt trong con tim của mỗi người chúng ta niềm khát vọng hoà bình, nếu không phải là Chúa Thánh Thần. Vâng, chúng ta có quyền ước mơ một gia đình hiệp nhất, đôi vợ chồng chung thuỷ, giáo xứ đoàn kết yêu thương, những người kitô cảm thấy mình là anh em khi lãnh nhận cùng một bánh Thánh Thể, một Giáo Hội phổ quát bao gồm những Kitô hữu trở nên dấu chỉ hiệp nhất Ba Ngôi.
- Tôn trọng sự khác biệt: Nếu tôi thực tình yêu người khác, tôi không dèm pha họ. Tình yêu của chúng ta chỉ giống hình ảnh Chúa khi chúng ta biết hoà đồng những khác biệt. Trong đối thoại đại kết, các GH nên lo lắng làm giàu các chiều kích của nhau một cách tốt hơn: đời sống chiêm niệm của chính thống giáo, ý nghĩa kinh thánh của tin lành cải cách, tính thực tế các Bí tích của công giáo, hiệp nhất với nhau để bảo vệ kho tàng đức tin.
-Tôn trọng bình đẳng các ngôi vị: Các ngôi vị khác nhau nhưng bằng nhau. Chúa Con bằng Chúa Cha. Thánh Phaolô nói: Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa. Mọi người chúng ta cũng đều có một giá trị bình đẳng, mỗi người là một thế giới cho chính mình, mỗi người đều là con Thiên Chúa, đều là người thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là ước ao nồng cháy ở trong các Ngài.Toàn bộ đời sống người kitô đều là tâm tình hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Lạy Chúa Ba Ngôi, Chúa chôn vùi Chúa trong con để con cũng được chôn vùi con trong Chúa”.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===============
Suy Niệm II
Nhân Danh Cha Con và Thánh Thần
(Ga 16, 12-15)

 
Tiếp liền sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”.
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Dấu tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm …
Khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần, Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc của đời chúng ta. Mỗi lần làm Dấu Thánh chúng ta xin Chúa Ba Ngội ngự đến biến đổi tâm hồn chúng ta nên giống Ngài trong lời nói cũng như việc làm.
Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.

Dấu kẻ có Đạo.
Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta, những người Kitô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Kitô.Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người Kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.
Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.
- Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.
- Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.
Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa.Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được “vẽ” và “ghi” dấu Thánh Giá.Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người Kitô hữu.Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

Hành động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công giáo.
1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệmNhập Thể.
2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc.Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc : “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.

Hành động của Đức Cậy.
Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời.Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời.Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Người đã mở cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.

Hành động Đức Mến.
Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc.Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với “tha nhân”.
Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang : ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được « nâng đỡ » bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái : “yêu tha nhân là yêu chính Chúa”.
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần thiết : là “mến Chúa  và yêu người”. Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần : “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.
Xin dâng lời chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=====================
Suy Niệm III
Ba Ngôi Nhưng Là Một Thiên Chúa
(Ga 16, 12-15)
Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm vĩ đại, thẳm sâu và trung tâm đức tin Đạo Công giáo, trong đó Ba Ngôi phát xuất từ nhau và trở về với nhau. Ba Ngôi Cha, Con, Thánh Thần, nhưng là Một Thiên Chúa, duy nhất trong sự hiệp thông và hiệp thông trong duy nhất, đồng thời, khác biệt nhưng cùng một bản thể và ngang hàng bằng nhau.
Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm chúng ta không thể nào diễn tả được. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa mạc khải rằng Thiên Chúa là Cha từ muôn thuở, và Chúa Con là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, nghĩa là, Chúa Con là Thiên Chúa duy nhất trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, và Chúa Con sai đến “từ nơi Chúa Cha” (Ga 15,26), mạc khải rằng Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con là một Thiên Chúa duy nhất. “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. “Chúa Thánh Thần chủ yếu xuất phát từ Chúa Cha, mà từ đời đời Chúa Cha ban tặng cho Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần xuất phát chung từ Hai Ngôi” (GLHTCG số 261-262).
Theo thánh Grégoire de Nazianze (329 – 390) : Ba Ngôi có cùng một bản tính, nhưng khác biệt về ngôi vị: Ngôi  Cha  “bất thụ sinh”, Ngôi Con “nhiệm sinh”, Ngôi Thánh Thần “nhiệm xuất”. Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất bởi Cha, thì không phải là một thụ tạo; hơn nữa vì Ngài không được sinh ra, nên Ngài không phải là Con ; nhưng vì Ngài ở giữa Đấng bất thụ sinh và Đấng nhiệm sinh, nên Ngài là Thiên Chúa ...
Theo Grégoire de Nysse (331 – 394) : Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, vì đồng bản tính, nhưng khác biệt nhau vì Ngôi Hai bởi Cha mà ra và chỉ mình Người là Con Một, còn Ngôi Ba bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con mà có, nên gọi là Thánh Thần của Chúa Kitô. Chỗ khác ngài khẳng định Tam Vị Nhất Thể, Ngôi Cha là nguyên ủy và Hai Ngôi kia là do nguyên ủy, Ngôi Con mãi mãi là Con, còn Thánh Thần xuất bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con.
Theo thánh Augustinô (354 – 430 ): Ba Ngôi là một sự hằng hữu duy nhất, một quyền năng duy nhất : “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thuộc về một bản thể duy nhất và đồng nhất, là Thiên Chúa sáng tạo, là Ba Ngôi toàn năng” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, IV, xxi, 30). Do thuộc cùng một bản thể, Ba Ngôi ngang hàng với nhau đến nỗi “Chúa Cha không lớn hơn Chúa Con về thần tính, Chúa Cha và Chúa Con cùng với nhau cũng không lớn hơn Chúa Thánh Thần, từng Ngôi riêng biệt cũng không kém hơn chính Ba Ngôi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngội, VIII ). Là ba, nhưng không phải là ba Thiên Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa.
Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa.Tuy nhiên đó không phải là ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là chính Ba Ngôi (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, viii, 9).
Tương quan giữa Ba Ngôi phân biệt, nhưng không phân chia sự duy nhất. Chúa Cha luôn luôn là Cha và Chúa Con luôn luôn là Con. Nếu có lúc Chúa Con bắt đầu là Con thì một ngày nào đó sẽ thôi là Con. Nếu Chúa Cha có khởi đầu là Cha thì có lúc thôi là Cha. Chúa Cha chỉ được gọi là Cha do Ngài có một người Con, và Chúa Con chỉ được gọi là Con do Ngài có một người Cha. Vì vậy, cho dù có sự khác nhau giữa việc làm Cha và làm Con, bản thể lại không khác nhau, vì các Ngài không được gọi như thế xét về bản thể, nhưng là về tương quan và tương quan này không phải là một tùy thể vì nó không thay đổi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, v, 6).
Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp tốt để người Kitô hữu ý thức được sự hiện diện của mầu nhiệm này trong đời sống chúng ta: từ ngày chịu Phép Rửa tội, chúng ta lãnh nhận nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi cho đến ngày chúng ta trước Mình Thánh Chúa, hiện tại hóa vinh quang của Chúa Cha qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là dấu chỉ để các Kitô hữu sẽ nhận Dấu Thánh Giá, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nhiệm vụ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Con là mạc khải Chúa Cha, vì Người là hình ảnh hoàn hảo, và trao ban Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người cũng đã mạc khải. Tin Mừng mà chúng ta công bố hôm nay cho thấy: Chúa Con nhận lãnh tất cả từ Chúa Cha trong sự hiệp nhất hoàn hảo:  “Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy”, và Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Chúa Giêsu nói: “Vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con” (Ga 16,15). Và trong một đoạn văn khác, Chúa Giêsu cũng nói tương tự: "Khi Đấng Phù Trợ đến, Đấng Thầy sẽ từ nơi Cha Thầy sai đến với các con. Người là Thần Chân Lý bởi Cha mà ra, Người sẽ làm chứng về Thầy"(Ga 15, 26).
Thật là sự an ủi tuyệt vời mà chúng ta có được Thiên Chúa Ba Ngôi, cao vời và không thể tiếp cận, đến với chúng ta, ở trong chúng ta và làm cho chúng ta đối thoại được với Ngài. Và Chúa Thánh Thần, Ngài dẫn dắt chúng ta đến sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13). Đây là “phẩm giá vô song của người Kitô hữu”, mà thánh Lêô cả Giáo hoàng đã nói nhiều lần: chúng ta có được nơi mình mầu nhiệm Thiên Chúa, và có chỗ ở trên Trời, nơi Chúa Giêsu Vị Cứu Chúa của chúng ta đang đợi những "công dân" Nước Trời (x. Pl 3,20 ), về cư ngụ nơi cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin tạ ơn Ngài, lạy Chúa, xin tạ ơn Ngài là Một Chúa Ba Ngôi chân thật và chí tôn chí thánh. Chúa Cha là nguồn tình thương, Chúa Con là mạch ân sủng, Chúa Thánh Thần là suối ơn hiệp thông. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
===============
Suy Niệm IV
Thiên Chúa Ba Ngôi Bao Trùm Đời Sống Người Tín Hữu
(Mt 16, 12 - 15)
 
Ngày hôm nay, Phụng vụ Giáo hội mừng kính trọng thể Một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần. Một bản thể duy nhất trong Ba Ngôi Vị. Thiên Chúa không phải là Ðấng đơn độc nhưng là Ðấng thông hiệp trọn vẹn. Nhân loại là hình ảnh của Thiên Chúa luôn tràn đầy tình yêu, là món quà thân yêu được ban tặng cho mỗi người.Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi bao trùm cả đời sống chúng ta và tôn thờ Ngài.

Bài giáo lý thuộc lòng                                                                                                                    
Thủa thiếu thời, trước khi bước vào Thánh lễ Chúa nhật, sau phần Kinh Sáng Tối, mọi người lại cùng nhau cất lên :Bổn dạy những lẽ cần cho được rỗi linh hồn. Phần thứ I… bắt gặp câu :
Hỏi.Có mấy sự mầu nhiệm rất cần phải tin cho được rỗi linh hồn?
Thưa. Có Ba Sự Mầu Nhiệm này : một là sự Đức Chúa Trời Ba Ngôi...
Lớn lên tôi mới hiểu đây là Một trong Ba Mầu Nhiệm phải tin cho được rỗi linh hồn. Thảo nào, những câu hỏi mà người học ai cũng được hỏi và buộc phải trả lời chính xác là :
Hỏi. Có nhiều Đức Chúa Trời chăng ?
Thưa.Có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Đức Chúa Trời có mấy Ngôi?
T. Đức Chúa Trời có Ba Ngôi : Ngôi Nhất là Cha. Ngôi Hai là Con : Ngôi Ba là Thánh Thần.
H. Ngôi Nhất là Cha, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T. Phải.
H. Ngôi Hai là Con, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T.Phải.
H.Ngôi Ba là Thánh Thần, có phải Đức Chúa Trời chăng ?
T. Phải.                                                                 
H. Nếu vậy có phải ba Đức Chúa Trời chăng ?
T. Chẳng có, vì Ba Ngôi cũng một tính, một phép, vậy có một Đức Chúa Trời mà thôi.
H. Ba Ngôi, có Ngôi nào trước, Ngôi nào sau, Ngôi nào hơn, Ngôi nào kém chăng ?
T. Ba Ngôi cũng bằng nhau. (Sách Bổn Địa Phận Hà Nội tr. 11)
Điều thứ nhất.Đoạn thứ II. Phần I Sách Bổn nói trên là một bản tóm tắt tuyệt vời đầy đủ, dễ hiểu về Thiên Chúa là thực thể duy nhất hiện hữu trong Ba Ngôi Vị. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một uy quyền ngang nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.

Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi
Khi bước vào khoa Thần học, tôi được dạy và đọc thấy các nhà thần học suy tư về Một Thiên Chúa có Ba Ngôi. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất.Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới.
“Đức tin công giáo là thế này, chúng ta thờ kính Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, và Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa, mà không lẫn lộn các Ngôi Vị, không phân chia bản thể: thật vậy, Ngôi Cha là khác, Ngôi Con là khác và Ngôi Thánh Thần là khác; nhưng thần tính, sự vinh quang ngang nhau và uy quyền vĩnh cửu của Chúa Cha, của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần là một”.
Các Ngôi vị thần linh không thể tách rời nhau trong cùng một bản thể duy nhất, thì cũng không thể tách rời nhau trong các hoạt động của mình. Nhưng trong hoạt động thần linh duy nhất này, mỗi Ngôi vị hiện diện theo cách đặc thù của mình trong Ba Ngôi, nhất là trong các sứ vụ thần linh là việc Nhập Thể của Chúa Con và việc trao ban Chúa Thánh Thần (GLHTCG số 266-267).

Ba Ngôi trong đời sống người tín hữu
Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được ghi Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.Liền sau đó sẽ được thẩm vấn và đòi buộc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Câu hỏi sẽ là:
- Anh chị em có tin kính Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng nên trời đất không?
- Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha… ?
- Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần… ?Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên sẽ là, “Thưa có.”
Và cứ thế, hằng ngày, biết bao lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … chúng ta đọc kinh Vinh Danh, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính… nhất là chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho thấy toàn thể thân xác cũng như linh hồn ta, tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống ta.
Vậy, nhờ ân sủng của Bí tích Rửa Tội nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, chúng ta được kêu gọi để tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Diễm Phúc, “ở trần thế này trong bóng tối của đức tin và sau khi chết trong ánh sáng vĩnh cửu” (GLHTCG số 265). Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============
Suy Niệm V
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA BA NGÔI TRONG TRẦN GIAN
(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)
 
Hôm nay, phụng vụ Giáo Hội mừng trọng thể mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.Đây là mầu nhiệm mẹ trong tất cả các mầu nhiệm.
Vì thế, mọi cử hành phụng vụ đều hướng về mầu nhiệm này như là điểm quy chiếu, mấu chốt, cốt lõi phát sinh mọi nguồn thiện hảo do lòng xót thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trong lịch sử cứu độ, mọi diễn biến của vũ trụ và con người từ khi tạo dựng trời đất, muôn vật, đến thời Đức Giêsu xuống thế làm người, chịu chết, sống lại và lên trời cho đến khi Chúa Thánh Thần hiện xuống tới nay, đều có sự hợp nhất trong mọi hoạt động của cả Ba Ngôi.
Tuy nhiên, để cho dễ hiểu, Giáo Hội hướng về Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật, muôn loài.Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa trần gian.Qua đó, chúng ta dễ dàng hiểu về sự hiệp nhất trong đa dạng của Ba Ngôi Thiên Chúa.

1. Lòng thương xót của Chúa Cha trong lịch sử cứu độ
Khởi đi từ công trình tạo dựng: Kinh Thánh diễn tả tình trạng hỗn mang trước khi được Thiên Chúa chúc lành. Sự trật tự chỉ có khi Người can dự, tác tạo cũng như phân chia vai trò và phú bẩm đặc tính cho từng loài.
Đỉnh cao của công trình tạo dựng ấy là việc sáng tạo con người giống hình ảnh Người. Người còn cho con người vinh hạnh cộng tác vào công trình tạo dựng ấy qua việc tác sinh và trông nom, canh tác “Vườn”.Đây là đặc trưng biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Nhưng Tổ tông đã không nghiệm được lòng thương xót ấy, nên đã kiêu ngạo, phản bội, bất trung với Thiên Chúa.Vẫn một dạ thương xót, nên Người đã không bỏ mặc.Ngược lại, ngay lập tức, Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ sẽ đến để chuộc những gì đã mất.
Cứ thế, trong suốt dọc dài lịch sử thời Cựu Ước, Thiên Chúa luôn theo sát dân Người như hình với bóng để xót thương con người cách đặc biệt. Vì thế, Người không màng chi đến những lời than phiền, trách móc, bất trung, vô ơn, phản bội của họ.
Tình thương ấy không phải trong khái niệm trừu tượng, nhưng nó được hiện tại hóa nơi những hành vi của Người như: giải cứu dân thoát khỏi biết bao tai ương, hoạn nạn; đưa dân từ cảnh nô lệ trở về Đất Hứa trong tư cách của người tự do; nuôi sống dân bằng “Bánh Bởi Trời và Nước từ tảng đá vọt ra”. Người đã gửi nhiều vị trung gian đến để giải thoát dân khỏi đau khổ thể xác, bình an tâm hồn, đồng thời dẫn dân đi trong đường lối xót thương để được cứu độ.
Tuy nhiên, khi yêu thương như vậy, lòng dạ Thiên Chúa vẫn chưa thỏa lòng, nên vào thời sau hết, Người đã trao tặng cho nhân loại chính Con Một dấu ái của mình là Đức Giêsu, để Ngài trực tiếp mạc khải trọn vẹn về lòng xót thương của Thiên Chúa cho nhân loại.

2. Lòng thương xót của Đức Giêsu nơi công trình cứu chuộc
Đến lượt Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian như một người nghèo.Nghèo đến độ cha mẹ Ngài không đủ tiền để thuê một phòng trọ cho đàng hoàng nơi đêm vắng hoang vu để Ngài hạ sinh. Cũng chính cái nghèo này mà Ngài phải giáng trần trong hang bò lừa hoang vu giá lạnh. Vì thế, những người biết đến để thờ lạy chẳng ai khác, họ cũng là những mục đồng nghèo và những người xa lạ như ba nhà Chiêm Tinh.
Cuộc đời ấu nhi của Đức Giêsu không được êm ả ngay từ lúc mới chào đời... nên chỉ ít hôm sau khi sinh, Ngài đã phải cùng với cha mẹ mình chạy trốn sự tàn độc của Hêrôđê gây nên.
Trong suốt thời gian sống tại gia đình nơi làng quê Nazaretz, Đức Giêsu sống bình thường giản dị như bao người thời đó.
Hết thời gian ấy, Ngài ra đi thi hành sứ vụ.Tuy là Con Thiên Chúa, Ngài cũng không dành cho mình những đặc quyền, đặc lợi, nhưng vẫn sống tinh thần nghèo. Nghèo đến độ: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8, 20). Ngài cũng không tìm đến với những người mũ mão cân đai, lắm tiền nhiều bạc, quyền cao chức trọng trong dân. Ngược lại, luôn “chạnh lòng thương” đến với những người cùng đinh của xã hội.Họ là những người nghèo về tinh thần lẫn vật chất. Họ cũng là những người thấp cổ bé họng, luôn bị áp bức, bóc lột... nên khi đến, Đức Giêsu đã giải thoát họ cả về tinh thần lẫn thể xác... Vì thế, cái giá phải trả đó chính là sự phản bội của môn đệ, bị bắt bớ, mạ lỵ, vu vạ, đánh đập và giết chết như một tử tội...
Như vậy, cả cuộc đời Đức Giêsu, Ngài luôn làm lộ hiện lòng thương xót của Thiên Chúa trên nhân loại và từng người, để con người hiểu được tâm tư, lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, và chính họ cũng biết thương xót như đã được xót thương...
Con đường ấy không kết thúc khi Ngài trở về trời, nhưng đã được chuyển trao cho Chúa Thánh Thần, để Người tiếp nối con đường thương xót của Thiên Chúa nơi các chứng nhân qua việc bảo trợ và thánh hóa.

3. Lòng thương xót của Chúa Thánh Thần qua việc thánh hóa
Nói về thời của Chúa Thánh Thần, chúng ta nghĩ ngay đến vai trò thánh hóa và bảo trợ Giáo Hội.
Người thánh hóa Giáo Hội, để Giáo Hội như người mẹ, luôn trung thành với sứ mệnh xót thương nhân loại đã được Đức Giêsu ủy thác. Đồng thời, luôn trở thành những sứ giả phản chiếu sự trung thực của lòng thương xót Chúa đến với anh chị em. Ngõ hầu tâm tư của người môn đệ được quyện hòa vào thao thức của Đức Giêsu, để những người tiếp bước không bị rơi vào vòng luẩn quẩn của sự ác nhân, thất đức, cũng như những tiện nghi sang trọng không phù hợp với đường thương xót của Thiên Chúa và những giá trị Tin Mừng.
Bên cạnh đó, Chúa Thánh Thần luôn biến đổi những con người khô khan, nguội lạnh, ác độc..., trở nên những con người sốt sắng, đạo đức và nhân hậu...
Lòng thương xót ấy còn được thể hiện qua việc Người luôn bảo vệ Giáo Hội khỏi biết bao nguy khốn đang ngày đêm tấn công.Vì thế, Người luôn bào chữa, phù trợ, để giúp cho các chứng nhân khôn ngoan trước những chất vấn về niềm tin và hy vọng của con người.
Có lẽ điều quan trọng hơn cả, đó là Chúa Thánh Thần luôn thánh hóa để người muôn nước được hiệp thông với nhau trong đức tin, đức cậy, đức mến. Để dù ở đâu, trong hoàn cảnh nào, Giáo Hội vẫn là một Giáo Hội hiệp nhất trong đa dạng theo khuôn mẫu của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Như vậy, Chúa Thánh Thần luôn ở bên chúng ta như hình với bóng, như hơi thở, như ánh sáng..., để giúp chúng ta yêu mến, tôn thờ Thiên Chúa cho phải đạo. Qua đó, chúng ta được hưởng trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa.

4. Tin Thiên Chúa là làm cho lòng thương xót của Người được hiện tại hóa
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy yêu mến, cậy trông và tin thờ Chúa Ba Ngôi hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực.Đồng thời biết quy hướng về Người trong mọi chiều kích như là điểm khởi đầu và cùng đích của chúng ta.
Tuy nhiên, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”(Gc 2, 17), vì thế, việc yêu mến, cậy trông và tin thờ ấy không chỉ dừng lại ở việc khấn nguyện, kinh sách, lễ lạy... nhưng thiết nghĩ, trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho hình ảnh của Thiên Chúa được hiện tại hóa trong cách ăn nết ở, để người ta thấy cách sống của mình, họ nhận ra khuôn mặt và lòng dạ thương xót của Thiên Chúa.
Những biểu hiện đó có thể là: một nghĩa cử hiệp thông với những người bị áp bức, bóc lột, đối xử bất công...; một đôi tai và trái tim nhạy bén với những dấu chỉ thời đại; một đôi tay nhân ái, một đôi chân bước ra khỏi sự an toàn để đến với những trẻ em mồ côi, người tàn tật, neo đơn; một ánh mắt cảm thông với những người tội lỗi, để tìm cách đưa họ về nẻo chính đường ngay...
Khi lựa chọn những hành vi đó, ấy là chúng ta đang làm cho đường thương xót của Thiên Chúa từ trời đến với con người và làm cho con người được đi trong đường thương xót ấy để về trời.
Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin xót thương và ban ơn cứu độ cho chúng con. Xin cũng ban cho chúng con được trở nên chứng nhân của lòng thương xót Chúa trong cuộc sống hằng ngày nơi xã hội hôm nay. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
===============
Suy Niệm VI
THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN
(Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15)
 
Trong đời sống đức tin của chúng ta, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm căn bản, trọng tâm của các mầu nhiệm khác. Đã là mầu nhiệm, với sự giới hạn của con người, chúng ta không thể hiểu biết cách thấu đáo nếu không được mặc khải. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi - Nhất Thể mà lại Tam Vị quả thật là một mầu nhiệm vượt lên trên trí hiểu của con người. Vì thế, chúng ta chỉ có thể biết được phần nào qua sự mặc khải của chính Đức Giêsu, Đấng từ trời xuống thế và hiện hữu giữa trần gian trong vai trò Thiên Chúa làm người.
Tuy nhiên, nếu muốn biết phần nào về Thiên Chúa Ba Ngôi, trước tiên, chúng ta phải biết được về căn tính của chính Đức Giêsu, bởi lẽ, Ngài là trung gian duy nhất dẫn đưa chúng ta vào mối thông hiệp của Thiên Chúa. Cũng chính vì nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, chúng ta biết được Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

1. Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa
Khi biết Đức Giêsu là “Logos - Lời” của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa, Đức Giêsu đã chứng minh cách cụ thể chân tính ấy nơi những mặc khải của Ngài ngang qua những hành động như: cho người mù được sáng mắt; kẻ què được đi; người phong hủi được sạch; người điếc được nghe cùng kẻ chết sống lại; và, người nghèo khó được nghe loan báo Tin Mừng (x. Mt 11,4-5; Lc 7,22). Đức Giêsu cũng được ví như hạt giống; là cửa sự sống; cây nho; và cửa đàn chiên... (x. Mt 7,13-14; Ga 12,24; Ga 10,7-9; 14,6; Ga 15,1-2; Ga 10,11; Lc 15,4-7).
Như vậy, Đức Giêsu chính là “Lời” của Thiên Chúa, đến từ Thiên Chúa. Ngài hiện hữu giữa trần gian là để mặc khải về Nước Thiên Chúa, về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, hầu đưa nhân loại về với Cha trong ý định ban đầu của Người.
Không những chỉ biểu lộ chính mình, Đức Giêsu còn biểu lộ Chúa Cha là Đấng Đồng Nhất với Ngài.

2. Đức Giêsu mặc khải về Chúa Cha
Mặc khải đầu tiên được khởi đi qua biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa bởi Gioan, các tầng trời mở ra và có Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Ngài như chim bồ câu, đồng thời có tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu” (Mt 1,11).
Tiếp theo, Thiên Chúa Cha được mặc khải như là tình phụ tử trong sứ điệp của Đức Giêsu. Điều mới mẻ là: không những Ngài đã giảng về lòng phụ tử của Thiên Chúa, nhưng Ngài còn gọi Thiên Chúa bằng tiếng “Abba” trong lời kinh của Ngài. Tiếng “Abba” thì chỉ một mình Marcô ghi lại (x. Mc 14,36), nhưng cách gọi Thiên Chúa là Cha thì rất nhiều: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha... vì Cha đã mặc khải cho những người bé mọn”(Mt 11,25). Hay: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46; x. Ga 17,1.5.11.21.25). Đức Giêsu thường xuyên gọi Thiên Chúa như thế.Sự kiện ấy nói lên tương quan đặc biệt giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa, một kinh nghiệm thân ái độc nhất vô nhị mà chỉ mình Đức Giêsu mới có được.
Chính vì sự đặc biệt này mà Ngài đã nói: “Không ai biết được Con trừ phi có Cha, và cũng không ai biết được Cha trừ phi có Con và kẻ được Con mặc khải ra cho” (Mt 11,27). Mặc khải về Chúa Cha còn phát xuất từ kinh nghiệm, lời rao giảng của Đức Giêsu về Nước Thiên Chúa. Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha: “Lạy Cha là Chúa trời đất” (Mt 11,25), nghĩa là của toàn vũ trụ. Đức Giêsu cũng đã dạy các môn đệ đọc lời kinh “Lạy Cha” (x. Mt 6,9-13; Lc 11,2-4). Chính tương quan độc đáo ấy đã giúp cho các môn đệ sau biến cố phục sinh nhận ra Đức Giêsu là Con Một của Thiên Chúa.
Ngoài ra, chúng ta có thể hiểu được mặc khải về Chúa Cha qua hình ảnh của một vị Thiên Chúa đầy lòng nhân từ (x. Mt 5,45; x. Lc 6,35); là Đấng giàu lòng thương xót (x. Lc 15,7); là Đấng quan phòng (x. Mt 6,27). Người theo dõi đến cả số phận những con vật nhỏ bé phải “rơi xuống đất” (x. Mt 6,29).
Kế đến, Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta về Chúa Thánh Thần.

3. Đức Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần
Khởi đầu mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên Đức Maria (x. Lc 1,35). Tiếp theo là vai trò của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời của Đức Giêsu: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa dưới hình chim bồ câu (x. Lc 3,22). Chúa Thánh Thần đã dẫn Đức Giêsu “vào hoang địa bốn mươi ngày” (x. Lc 4,1-2). Chính Đức Giêsu đã xác nhận:“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó…”.Khi trừ Quỷ, Đức Giêsu đã khẳng định quyền năng của Ngài đến từ Thánh Thần (x. Mt 12,28). Ngài cũng đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc từ chối hay đón nhận. Đón nhận thì được tha, khước từ thì bị hủy diệt (x. Mt 12,31-32).
Rồi Đức Giêsu đã hứa ban Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Ðấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Ðó là Thần Khí sự thật” (Ga 14,15-17); “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật xuất phát từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (Ga 15,26-27; x. 16,13). Khi mọi sự đã hoàn tất trên thập giá, Đức Giêsu đã gục đầu xuống và trao Thần Khí (x. Ga 19,29-30).
Cuối cùng, sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã trao bình an và sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, đồng thời cũng trao ban Chúa Thánh Thần kèm theo quyền tha tội cho các ông (x. Ga 20,22-23).
Như vậy: “Loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4). 

4. Sống tinh thần mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi
Ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên thụ tạo mới, được mang danh là người Kitô hữu, được trở nên hình ảnh sống động của Đức Kitô. Nói theo ngôn ngữ của Thánh Tôma Aquinô thì: nhờ Bí tích Rửa Tội, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô; được trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần; chúng ta được Thiên Chúa yêu thương: “Ta sẽ cư ngụ và đi lại giữa họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta.” (2 Cr 6,15).
Vì vậy, qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Kể từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ta và Thiên Chúa chung nhau một giòng máu qua Đức Giêsu. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu giúp ta hiểu được mầu nhiệm tình thương này: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như Chúng Ta” (Ga 17,11).
Mong sao, trong đời sống của chúng ta, nơi gia đình, xóm làng, Giáo xứ, hội đoàn... luôn biết yêu thương, đùm bọc nhau. Hãy noi theo hành động xuất ngoại của Thiên Chúa khi Ngôi này vì Ngôi kia và ngược lại nhưng vẫn chỉ là một Thiên Chúa duy nhất.

Lạy Thiên Chúa là Cha và Con và Thánh Thần, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con tin vững vàng, phó thác trọn vẹn và yêu mến hết lòng nơi Thiên Chúa. Xin cũng cho chúng con biết yêu thương nhau và sống đúng vai trò của mình trong cuộc sống hằng ngày theo khuôn mẫu Thiên Chúa Ba Ngôi. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
===============
Suy Niệm VII
THIÊN CHÚA DUY NHẤT TRONG BA NGÔI
( 16, 12- 15 )
 
Thiên Chúa đã mạc khải chính mình và đối thoại với con người. Mạc khải ấy cho ta biết Người là Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Đồng thời với mạc khải, Người mời gọi ta là dân của Người, hãy sống mầu nhiệm mà ta đã đón nhận.

1. Tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi.
Niềm tin Thiên Chúa duy nhất đã có từ trong Cựu Ước. Khi chọn dân Ít-ra-en là dân riêng, Thiên Chúa ban lề luật cho họ. Lề luật thứ nhất và quan trọng nhất là: “Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta”
Người Ít-ra-en tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất mỗi ngày trong lời kinh: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en ! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng, hết dạ, hết sức anh em…”
Trong Tân Ước, Chúa Giê-su nhắc lại niềm tin này khi mời gọi hãy yêu mến Thiên Chúa duy nhất “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức” ( Mc 12, 30 ). Nhưng Chúa không dừng lại ở tín điều Thiên Chúa duy nhất. Người tiến xa hơn khi mạc khải Thiên Chúa ấy là “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Chúa Giêsu không dùng ý niệm “Ba Ngôi” của triết học để diễn tả Thiên Chúa. Nhưng mạc khải của Người giúp ta hiểu Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi.
Và khi tuyên xưng “Tôi tin kính Một Thiên Chúa”, Giáo Hội tuyên xưng Đức Tin vào Đấng đã yêu thương, gọi ta vào đời qua bàn tay tạo dựng của Người. Người cũng là Thiên Chúa cứu độ khi cho ta được sống đời đời. Người là Đấng thánh hóa, khi làm cho ta được sống trong sự sống của Người. Nghĩa là ơn thánh hóa của Chúa làm cho ta được thần hóa.
Tương ứng với việc: tạo dựng, cứu chuộc, thánh hóa, Thiên Chúa biểu lộ Người là Cha, Con, Thánh Thần. Dù có sự phân biệt, nhưng cả Ba Ngôi cùng hoạt động trong mọi công trình và thể hiện nơi những công trình chung ấy, những nét riêng của ngôi vị mình. Chính vì vừa chung nhưng cũng vừa riêng, toàn bộ công trình của Thiên Chúa vừa cho thấy đặc tính của từng Ngôi Vị, vừa cho thấy bản tính duy nhất của Ba Ngôi.
Giáo lý về Thiên Chúa duy nhất Ba Ngôi là trung tâm của Kitô giáo, đặt nền tảng cho Đức tin Công giáo. Vì thế, ai cho rằng, mình thuộc về Giáo Hội Công Giáo, lại suy nghĩ, hay nói điều gì có ý đi ngược lại Giáo Lý này, người ấy sai lạc Đức Tin.

2. Sống lời tuyên xưng
Nói gì thì nói, cố gắng giải thích đến đâu, ta vẫn không thể hiểu hết mầu nhiệm Thiên Chúa. Mãi mãi Người là một huyền nhiệm lớn lao, cao cả. Thiên Chúa là cả một bầu trời mênh mông. Chúng ta chỉ là một cánh én chao nghiêng giữa bầu trời ấy. Nhỏ bé là thế, những gì cánh én có thể hiểu được chỉ là giới hạn khôn cùng.
Vì thế, nhận ra thân phận bé nhỏ, hèn kém và tội lỗi của mình bao nhiêu, người tín hữu cần phải có lòng khiêm tốn, vâng phục và quyết tâm tôn thờ Thiên Chúa đến cùng bấy nhiêu. Đó phải là thái độ căn bản và thường xuyên của từng người chúng ta.
Tấm gương của Môsê hoàn toàn để cho Chúa thu phục khi hiểu ra mình đang đối diện với Đấng Chí Thánh, Thần trên các thần, là bài học lớn cho bạn và tôi.
Thánh Kinh kể, một ngày kia, khi Môsê đang chăn đàn vật tại núi Khô-rép, bỗng ông nhận thấy một quang cảnh hết sức lạ thường: bụi gai rực lửa, nhưng không bị thiêu rụi. Tò mò, ông chạy đến xem cho tường. Từ giữa bụi gai, có tiếng nói, gọi đúng tên ông: “Môsê ! Môsê !” Tiếng gọi ấy ra lệnh cho ông phải bỏ dép ra và không được đến gần, vì nơi ấy là nơi thánh. Tiếng nói ấy tự xưng là Thiên Chúa của tổ tiên ông. Ông sợ hãi che mặt, không dám diện kiến với uy nghi của Đức Chúa chí thánh của ông.
Ông càng sợ hãi hơn khi Đức Chúa ngỏ lời sai ông đi giải thoát Dân của Người ra khỏi cảnh lầm than nô lệ cho người Ai Cập. Dù biết mình yếu đuối, nhỏ nhoi, nhưng tin tưởng vào lời Chúa: “Ta sẽ ở với ngươi” ( Xh 3, 12 ), ông đã đáp trả bằng cả một đời trung thành, yêu mến, tùng phục, tôn thờ Đức Chúa của ông. Có thể nói, ông đã sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận.
Tuy nhiên, sứ mạng ấy không dễ chút nào. Biết bao lần Môsê như chẳng còn sức đâu mà chịu đựng lòng dân. Sự bội phản, thái độ thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, những lời kêu trách xúc phạm đến Chúa... của dân, làm cho ông mệt mỏi, đuối sức.
Đó là chưa kể 40 năm ròng rã sống trong sa mạc, không chịu nổi sự khắc nghiệt, dân chúng trút lên ông những lời, thái độ, hành động, suy nghĩ... thù hằn của họ.
Chính vì thế, dù là một nhà giải phóng lừng danh, Môsê cũng đã từng quặn thắt tâm hồn, kêu than cùng Chúa và muốn chết đi: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài ? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con ? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu ?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” ( Ds 11, 12 tt ).
Học lấy mẫu gương của Môsê, nhận ra sự uy nghi cao cả của Chúa, bạn và tôi hãy để Chúa làm chủ cuộc đời mình, và quyết tâm sống một đời trung thành với ơn Chúa ban. Chúng ta hãy khiêm nhường đón nhận tất cả những nghịch cảnh xảy ra cho mình mà phó thác trong bàn tay quan phòng dìu dắt của Chúa.
Chắc chắn cuộc đời sẽ không thiếu những nhức nhối, những thương đau, những oan khuất. Dù ta từ chối hay chấp nhận, cuộc đời vẫn cứ thế. Nhưng nếu trong Đức Tin và niềm phó thác, trước những nghịch cảnh, ta sẽ bình an hơn, bớt khổ sở hơn. Chúng ta hãy nhớ rằng, loài người đã được Chúa yêu thương. Nhưng những ai tin tưởng, khiêm tốn, vâng phục, sẽ là người đầu tiên đón nhận tình yêu ấy.
Bởi vậy, chúng ta hãy tập sống như Thánh Phaolô dạy: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” ( 1 Tx 5, 18 )

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần xin ở với con và giúp con chiến thắng mọi tội lỗi súc phạm đến Chúa. Xin đừng để lòng thương xót của Chúa ra vô ích trong con.

 
Pr. Nguyễn Mai
 
 
 
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log