Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XII Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 08:52 16/06/2016
“Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Ông Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20)
Suy Niệm I
“Thầy là ai?”
-----------------------
Nếu chỉ dùng kiến thức thôi, thì rất khó có câu định nghĩa chính xác về Chúa Giêsu. Cần có Chúa Thánh Thần soi sáng, chúng ta mới có thể tìm được câu định nghĩa toàn diện. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có khả năng làm chúng ta khám phá ra từ việc thấy Chúa Giêsu, khâm phục Chúa Giêsu rồi mới nhận ra Chúa là ai để mà yêu mến Người.

1. Chúa Giêsu, con người lịch sử đáng khâm phục.

Trước hết chúng ta hãy làm quen với Chúa  Giêsu lich sử qua một số câu chuyện của Tin Mừng viết về Người đã được dịch ra 2092 thứ tiếng:
- Tại Nagiaret, Chúa Giêsu cũng là cậu con trai đẹp như mẹ là Đức Maria. Người cũng đi hội đường, học đọc kinh thánh và cầu nguyện. Người lao động như một chàng thanh niên và chơi các trò chơi lành mạnh. Người giúp đỡ cha trong nghề thợ mộc.
- Tại Giêrusalem lúc 12 tuổi, Người nói như sách và còn đối chất với các nhà thần học.
- Tại Cana, Người làm phép lạ biến nước lã thành rượu ngon.
- Bài giảng nổi tiếng nhất của Người là Bài Tám Mối Phúc, làm cho các thính giá phải trầm trồ khen ngợi.
- Tại nhà viên thuế vụ Zachée. Ngôi nhà này trước đây sa hoa lộng lẫy, thì giờ đây trống rỗng, tất cả được bán đi để phục vụ người nghèo, vì vị khách mời đặc biệt đã làm thay đổi con tim viên thuế vụ đó.
- Chúng ta tiếp tục theo Chúa Giêsu vào một buổi chiều tối. Người lánh đi một mình để cầu nguyện trong rừng vắng. Người hứớng về Cha.
- Còn trên Thabor, chúng ta đừng vội trèo lên: vì sợ rằng chúng ta sẽ giống như Phêrô bị cám dỗ không muốn xuống nữa.
- Chúng ta đi Bethania hướng về nghĩa trang, nơi chôn cất chàng thanh niên Lagiaro đã 4 ngày, nhưng đã được Chúa cho sống lại.
- Nhưng nhất là chúng ta hãy lên đồi Canve và chiêm ngắm Người chết mà không phàn nàn. Hơn nữa chúng ta hãy chờ xem Người nói gì? Một lời giận ghét ư? Không! Ngược lại là một lời tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Và còn gì nữa? Trái tim Người còn bị đâm thâu dốc cạn giọt máu cuối cùng để chứng tỏ tình yêu của Người tới mức nào.
Vâng con người này thật đáng khâm phục. Một cái nhìn mới và cao cả biết bao! Người là một trong nhiều người làm nhân loại được hạnh phúc và làm thay đổi bộ mặt thế giới. Và còn hơn nữa, Người là Con Người hoàn chỉnh.
Renan, nhà sử học Kitô giáo, viết: “Ý thức cao cả nhất về Thiên Chúa hiện diện trong con tim nhân loại là ý thức về Chúa Giêsu”.

2- Chúa Giêsu, Thiên Chúa thật và là người thật.

Tuy nhiên nếu chỉ khám phá ra Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử phi thường thôi, thì vẫn chưa giải quyết được cơn khát vọng nơi chúng ta. Và chúng ta vẫn tiếp tục đặt câu hỏi : Vậy Người là ai mà lại có những sự khác thường như vậy? Đương nhiên là Người vẫn gây nên sự tò tò nơi chúng ta.
Một con người chỉ là anh thợ mộc thôi. Xuất thân từ dòng tộc vua quan, nhưng lại không sinh ra trong cung điện nhà vua. Cũng không được bầu làm thị trưởng Nagiaret! Mà lại sống khiêm nhường và đơn sơ. Nhưng sự khiêm nhường và đơn sơ ấy lại là tất cả. Khi dân làng tôn vinh Người thì Người lại chạy trốn và từ chối quyền bính.
Tuy nhiên, Người lại truyền lệnh bão táp im lặng, giảng dạy như Đấng có quyền, trừ quỷ, tha thứ cho tội nhân. Chính Người còn dám nói: “Tôi là đường, là sự thật và là sự sống. Tôi là ánh sáng muôn dân”.
Ngày nay, nếu có ai dám nói rằng mình có chân lý, thì sẽ bị người ta chế giễu, và nếu có ai dám nói mình là sự thật, thì sẽ bị người ta tống giam ngay. Chỉ mình Chúa Giêsu dám nói như vậy. Người còn nói: “Tôi ngang hàng với Thiên Chúa, tôi là Con Thiên Chúa”.
Phúc cho tất cả những ai khám phá ra con người đích thực của Chúa Giêsu lịch sử và Chúa Giêsu Đức Tin.
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là vị tiên tri siêu hạng đến trần gian để mặc khải tình yêu của Thiên Chúa qua tất cả lời giảng dạy, cuộc đời và cái chết của Người.
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là Đức Chúa, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Thiên Chúa và là Thiên Chúa.
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là Đấng Mesia đích thực, là Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu và được các tiên tri loan báo từ trước.
- Khám phá ra Chúa Giêsu đích thực, có nghĩa là tin nhận Người là Đấng Kitô Cứu Thế, là Adam mới. Nhờ cái chết và sự phục sinh của Người, Người trở nên thủ lãnh nhân loại, làm cho tất cả mọi người được sống lại sau này, là Đấng Trung Gian, là Thầy Thượng Tế giữa Thiên Chúa và nhân loại.
Tất cả những khám phá như vậy được Thiên Chúa ban cho những ai thiện chí và sẵn sàng đón nhận sự thật qua cảm nghiệm.

3 - Vậy chúng ta cảm nghiệm thế nào về Chúa Giêsu?

Chúa Giêsu có chỗ nào trong trái tim tôi không? Nếu Chúa Giêsu hỏi mỗi người chúng ta: “Con hãy nói cho Thầy biết rằng Thầy là ai” ? Chắc hẳn ngay lúc này chúng ta có thể trả lời: “Thầy là Đấng Mêsia, Đấng đã sống lại, Đấng Cứu Độ, và là Con Thiên Chúa”. Nhưng câu trả lời này đừng bao giờ chỉ là một câu của nhà thần học hay là bài giáo lý…Vì đã có rất nhiều câu trả lời như vậy. Câu trả lời đích thực mà Chúa Giêsu đặt ra cho mỗi người chúng ta phải là câu trả lời sâu xa hơn. Chúa Giêsu sẽ hỏi chúng ta: “Đối với con Thầy là ai? Thầy có chỗ nào trong cuộc đời của con không”? Thật vậy, người ta có thể là một người rất thành thạo về Kitô học, nhưng lại không yêu mến Chúa Kitô. Trái lại, người ta cũng có thể là người đơn sơ không có khả năng cho một định nghĩa toàn bộ về Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng lại sống kết hợp sâu xa với Chúa Kitô đang sống.
Silésius viết: “Chúa Giêsu sinh ra tại Belem sẽ làm gì cho tôi, nếu Người không sinh ra trong tôi, nếu Người không lớn lên trong tôi, nếu Người không triển nở trong tôi ”?
Mỗi người chúng ta nên tự đặt câu hỏi đích thực để mà sống niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô:
- Người có là tất cả cho cuộc đời tôi không?
- Người có là Đấng cần thiết duy nhất cho tôi không?
- Người có là bạn của tôi để tôi sống hiệp thông và đối thoại với Người hằng ngày không?
- Người có là mẫu gương để tôi muốn cố gắng bắt chước Người không, hay là tôi vẫn đi tìm một thần tượng nào khác?
- Người có là mục đích cuối cùng của cuộc đời tôi không?
- Tôi có ý thức đủ để bước đi theo Người và Người sẽ dẫn tôi vào tiệc cưới vĩnh hằng không? Thánh nữ Têrêsa nói: “Sống tình yêu với Chúa Giêsu không phải là dựng lều của mình trên đỉnh núi Thabor của trái đất này, nhưng là cùng với Chúa Giêsu trèo lên đỉnh núi Canvê”.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
 
================
Suy Niệm II
Bỏ Mình Theo Chúa Với Thánh Giá
 (Lc 9, 18 – 24)
 
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều khơi dậy lòng nhiệt thành và quí trọng của dân chúng, họ muốn tôn Chúa lên làm vua, Chúa Giêsu đã lánh riêng ra một nơi, xa cách dân chúng để trong thinh lặng, cùng với các môn đệ hàn huyên tâm sự và cầu nguyện. Chúa hỏi các môn đệ : “Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? ” (Lc 9, 20). Đại diện cả nhóm Phêrô tuyên xưng : “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc 9, 20 ) lập tức các ông bị cấm không được nói với bất cứ ai về Thầy. Liền sau lời cấm là bài học về chính Thầy, Đấng Kitô: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ nhiều…và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 9, ), và loan báo điều kiện dành cho những ai muốn đi theo Chúa: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo” (Lc 9, 23).
Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của con người là điều hiển nhiên. Khi con người thực hiện đời mình chỉ hướng tới thành công xã hội, giàu sang vật chất và kinh tế, gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người.

Theo Chúa phải từ bỏ
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu đòi hỏi là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.
Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không bắt chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là”, nhưng điều “chúng ta đã trở nên”. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng là điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng… là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, phủ trên hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất”, ngược với “ảnh trên trời”, giống như Chúa Kitô. Do đó “từ bỏ chính chúng ta”, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.
Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác biệt yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.
Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúa đã từ bỏ chính mình trước… trở nên giống chúng ta. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta.

Theo Chúa là chấp nhận thập giá
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình“, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình“, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta” (Lc 9, 23). Chúa Giêsu không muốn thập giá, Người muốn tình yêu, yêu đến tận cùng. Theo Chúa là chấp nhận thập giá của mình với lòng mến. Dưới con mắt người đời, “chịu mất mạng sống” (Lc 9, 24) là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận… chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Chúa nhật niềm vui 9/5/1975). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Chúa Giêsu mang lấy thập giá của tất cả chúng ta và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại” (Bài giáo lý về thập giá Đức Kitô XIII,1).
Khởi đầu sứ vụ Giáo hoàng 14/3/2013, Đức Phanxicô nói : “Thánh Phêrô, người đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô, thưa cùng Người rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con sẽ theo Thầy, nhưng đừng nói đến Thánh Giá! Ðiều này không có gì liên quan với nó. Con sẽ theo Thầy với các khả năng khác, mà không có Thánh Giá. Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Ðức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian, chúng ta là Giám Mục, Linh Mục, Hồng Y, Giáo Hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến thế gian chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng con, chúng con xin theo Chúa, nhưng xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=============
Suy Niệm III
Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa
(Lc 9, 18-24)
 
"Thầy là ai ? " là câu hỏi do Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ về nguồn gốc của chính mình. Trong số người đương thời, có người cho là Giêsu thành Nagiaret sinh tại Bêlem, con bà Maria. Nhưng trong câu hỏi của Chúa Giêsu, hàm chứa lý lịch về mình thể hiện qua lời nói, dấu chỉ Người thực hiện. Qua đời sống công khải và sứ mạng của Chúa Giêsu, câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề Đức Kitô với vụ án: "Ông có phải là Đấng Kitô không ?"
Câu chuyện trong bữa tiệc tại nhà ông Simon người Biệt phái, chúng ta nghe tuần trước. Simon cho rằng : "Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai… là một người tội lỗi" (Lc 7, 39). Nhận định của Simon cho thấy Chúa Giêsu có vấn đề tình cảm.
Còn hội thoại hôm nay, quen gọi là tuyên xưng đức tin miền Xêsarê, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho các môn đệ về chính mình: "Những đám đông dân chúng bảo Thầy là ai ? Các ông thưa rằng: Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại" (Lc 9, 18-19). Giờ đây, chúng ta có thể đặt một câu hỏi tương tự và làm cuộc điều tra về Chúa Giêsu với mọi người. Mỗi người một ý kiến: kẻ này cho rằng Chúa Giêsu là một nhà khôn ngoan, người khác cho là một nhân vật hư cấu, v.v.
Chúa Giêsu không ngại khi hỏi các môn đệ về chính bản thân mình: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai ? " (Lc 9, 20). Chúa yêu cầu họ tự xem, Người có vị trí nào trong đời sống của họ. Nhân danh cả nhóm, Phêrô trả lời: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa."
Đấng Kitô của Thiên Chúa nghĩa là Đấng được xức dầu làm ngôn sứ và vương đế để trở thành mục tử chăn dắt Israel. Trên miệng của Phêrô, tước hiệu Đấng Kitô chứa đựng ý tưởng toàn năng. Các môn đệ nghĩ rằng Chúa Giêsu đến để tái lập Vương Quốc Israel, Người sẽ dùng quyền năng đánh đuổi quân Rôma, đưa Do thái lên thống trị. Vì thế, khi Phêrô thưa : "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa" (Lc 9, 20), là ông nghĩ tới một vị Kitô vinh quang, thống trị toàn năng, chiến thắng mọi kẻ thù. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu lại bảo họ im lặng.
Những trang tiếp theo của Tin Mừng thuật lại, Chúa Giêsu ba lần loan báo cuộc thương khó rằng Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị giết chết. Nhưng các môn đệ không hiểu, không tin vào những gì sắp xảy đến. Đối với họ, Đấng Kitô chịu khổ nạn là không thể, hình ảnh Đấng Kitô vinh quang khác với hành động của Người. Họ không thể đón nhận Đấng Kitô đau khổ thay vì vinh quang.
Tại sao vậy ? Vì sau phép lạ hóa bánh ra nhiều theo Tin Mừng Gioan, đám đông chạy theo Chúa Giêsu để tôn Người lên làm vua. Chúa Giêsu thử lòng họ, giải thích cho họ ý nghĩa về sứ mạng của mình: "Các ngươi muốn Ta làm vua, vì Ta đã cho các ngươi ăn bánh no nê…" (Ga, 6, 26). Nhưng họ không hiểu lời Người nói, không phải vì trí hiểu kém, nhưng vì ý tưởng về Đấng Kitô chịu đau khổ đối với họ là hoàn toàn xa lạ.
Tuy nhiên, hình ảnh này đã được các tiên tri loan báo, cụ thể như tiên tri Dacaria mà chúng ta đã nghe "Họ sẽ ngước mắt nhìn Ta, Đấng họ đã đâm thâu qua " (Dcr 12, 11), hoặc bài ca về người tôi tớ đau khổ trong sách tiên tri Isaia. Các môn đệ có thể biết rằng con đường của Đấng Kitô không đơn giản là đường vinh quang. Nhưng nếu họ biết, họ không thể chấp nhận! Hãy sống nhờ Người và kết hợp với Người để Người biến đổi chúng ta. Vì thế, trong khi dùng bữa tại nhà ông Simon, người đàn bà tội lỗi, với thái độ khiêm nhường và yêu thương, đã chỉ ra rằng Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót. Còn Simon, ông không thể nhận biết Đấng đến nhà mình, vì sự cứng lòng của ông.
Chúa Giêsu nói : "Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo" (Lc 9, 23). Để khám phá ra căn tính của Chúa Giêsu để bước theo, cùng với Phêrô chúng ta nói: "Thấy là Đấng Kitô của Thiên Chúa", và sẵn sàng nói : tôi chấp nhận bước theo trên con đường của Chúa, và vác thập giá tôi hằng ngày. Nếu không, chúng ta khó lòng có thể biết Người cách đích thực.
Câu hỏi về căn tính của Chúa Giêsu không đơn giản là câu hỏi điều tra, tín điều hay là chú giải Kinh Thánh, cũng không phải là câu trả lời cho những người đến hỏi Chúa Giêsu hoặc tìm xem Kinh Thánh nói gì về Chúa. Đây là một câu hỏi về đời sống ! Toàn bộ lịch sử, Kinh Thánh hoặc tín điều chúng ta nói về con người Chúa Giêsu, chúng ta chỉ là mình khi biết chấp nhận đi trên đường Chúa đã chỉ cho.
Vậy là, từ tuần này qua tuần khác, Tin Mừng mạc khải dần dần cho chúng ta về căn tính đích thực của Đấng Kitô để dẫn chúng ta tiến về Giêrusalem cách khải hoàn, cùng lúc soi sáng tâm hồn chúng ta và dạy cho chúng ta biết rằng, ta chỉ có thể nhận biết Chúa Giêsu nếu chúng ta để Chúa biến đổi đời ta.
Chúng ta thường đặt ra những khó khăn về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Điều kiện tiên quyết của sứ vụ là Tin Mừng biến đổi lòng chúng ta. Trở ngại của Tin Mừng trước hết không phải là người mà chúng ta loan báo. Tin Mừng đến từ chúng ta. Vấn đề Tân Phúc Âm hóa không phải là khả năng chiến thắng trên những người tin hay không tin Chúa Giêsu. Hãy để cho Tin Mừng biến chúng ta thành những vị thánh, để những ai thực sự không biết đến Đấng Kitô có thể hỏi chúng ta như tên lính đứng dưới chân thập giá : "Người này có phải là con Thiên Chúa hay không ? "
Chúng ta đón nhận lời mời gọi hoán cải và hồng ân sự sống với niềm tin : " Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai liều mất mạng sống mình vì Ta thì sẽ giữ được mạng sống mình" (Lc 9, 24). Vậy hãy mở lòng mình ra đón lấy Đức Kitô để lời Người đổi mới cách sống của chúng ta, và sự hiện hữu của chúng ta trở nên lời đáp trả cho những người chung quanh. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============
Suy Niệm IV
BỎ MÌNH VÀ VÁC THẬP GIÁ ĐỂ ĐI THEO ĐỨC GIÊSU
 (Dcr 12,10-11; Gl 3,26-29; Lc 9,18-24)
 
Trong đời sống thường ngày, có nhiều tiếng gọi. Có những tiếng gọi xuất phát từ người khác, cũng có những tiếng gọi khởi đi từ chính ta. Khi nghe và gọi người khác như thế, hẳn giữa người lên tiếng và người lắng nghe đều muốn đi vào sự hiện hữu của nhau qua tiếng gọi và lời đáp trả. 
Hôm nay, Đức Giêsu cũng cất tiếng gọi các môn đệ. Ngài gọi các ông không phải để nhờ các ông làm một việc gì đó cho mình, cũng không phải để thông tri với các ông một sự kiện, biến cố nào đó. Nhưng Ngài gọi các ông đi theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đang đi; đồng thời trao phó cho các ông sứ vụ đến với muôn dân để đem ơn cứu độ tới tận cùng trái đất. Con đường đó là: “Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”(Lc 9,23).


1. Đức Giêsu gọi các môn đệ để làm gì và đi đâu?

Khi gọi các môn đệ đi theo mình, Đức Giêsu đã huấn luyện họ thành những người thừa kế và trao cho họ sứ vụ là quy tụ muôn dân trở thành môn đệ. Nhưng có lẽ, trước mắt và trong tâm tưởng, các ông vẫn nghĩ Đức Giêsu sẽ là vua, một vị vua đánh đông dẹp bắc, một vị vua đem lại hoà bình cho dân tộc bằng cách đánh đổ chế độ đô hộ của đế quốc Rôma. Khi đã thành công, các ông hy vọng sẽ nắm được những vị thế cao trọng trong triều đình. Nhưng chớ trêu thay, Đức Giêsu lại là một vị vua quá đỗi lạ lùng!
Quả thật, hôm nay, Ngài làm cho các ông ngỡ ngàng khi loan báo về một cuộc thương khó mà chính Ngài sẽ trải qua: “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”(Lc 9,22). Khi mạc khải cho các ông như thế, Đức Giêsu âm thầm nhắc cho các môn đệ của mình biết được rằng: con đường giải thoát của Ngài là con đường tình yêu, tha thứ, từ bỏ, bất bạo động. Đỉnh cao của con đường ấy chính là cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh. Ngài không sử dụng con đường của hận thù, quyền lực và bạo tàn. Tắt một lời, con đường đó chính là con đường của mầu nhiệm tự huỷ, chết cho người khác được sống và sống dồi dào.
Khi Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ biết con đường mà Ngài sẽ đi như thế, Ngài cũng mời gọi họ bước theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã, đang và sẽ đi. Tuy nhiên, muốn bước đi theo Đức Giêsu trên hành trình đó, đòi hỏi người môn đệ phải có những điều kiện căn bản phù hợp với đặc tính của lời mời gọi này.


2. Điều kiện cần để đi theo Đức Giêsu
 
Khi mặt giáp mặt, lòng hiểu lòng, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình” (Lc 16,24). Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát, nhẹ nhàng, chứ không phải vì nặng nề; tự do chứ không phải ép buộc. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống theo tinh thần Tin Mừng. Thật thế, con đường mà Đức Giêsu muốn cho môn sinh của mình đi không phải là con đường nhung lụa, thênh thang, cũng không phải con đường dễ dãi, bằng phẳng, mà là con đường hẹp, gồ ghề và chông gai. Con đường đó là con đường của từ bỏ.
Từ bỏ chính mình là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Nếu theo Đức Giêsu, từ bỏ nhiều thứ mà chưa từ bỏ chính mình thì kể như chưa bỏ gì cả. Từ bỏ chính mình là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh để sống triệt để cho đức vâng lời. 
Tuy nhiên, chỉ có từ bỏ mình thôi cũng chưa đủ! Bởi vì, nếu một người chỉ lo việc Chúa mà không lo chu toàn bổn phận hằng ngày của mình thì theo Chúa cách chưa trọn vẹn. Theo Chúa cách trung thành và trọn vẹn là phải bỏ ý riêng, phải chu toàn bổn phận, phải vác thập giá của mình hằng ngày mà theo (x. Lc 9,22-23). 


3. Người Kitô hữu là người được gọi và bước theo Đức Giêsu
 
Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi. Muốn đi theo Chúa, chúng ta cũng không thể nào mang trên mình và trong tâm trí những thứ cồng kềnh, diêm dúa. Những thứ đó là: quyền lực, tiền bạc, danh lợi, ý riêng, tự kiêu, bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành.
Vì thế, khi mặc lấy Đức Giêsu, tức là ta trở nên giống Ngài, thì đây cũng là lời mời gọi ra khỏi những định kiến riêng tư, để biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Đức Giêsu khi xưa bằng một tình yêu hy hiến trong tình huynh đệ. 
Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là đón nhận mọi thử thách, chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý. 
Trong thực tế, có rất nhiều người làm nhiều việc công ích cho xã hội và Giáo Hội. Ở đâu cần là họ sẵn sàng xả thân giúp đỡ, bất luận trời nắng hay mưa. Thế nhưng, trớ trêu thay, cũng chính những người đó, khi lo cho mọi người thì rất tốt và chu đáo, nhưng việc gia đình, bổn phận của mình thì lại là một người cẩu thả, bê bối. Lại có những người chỉ thích vác thánh giá cho cả làng, còn thánh giá của mình thì đặt lên vai, lên cổ người khác và bắt họ vác thay. Thiết nghĩ, những người như thế, Chúa sẽ không vui, và những ai phải ở với những người đó thì thật là một khổ hình!
Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta xác định thật rõ căn tính của mình là thuộc về Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã từ bỏ ý riêng, để sống cho Thiên Chúa và yêu thương con người cách trọn vẹn qua cái chết và phục sinh của Ngài. Con đường của Đức Giêsu đã đi là con đường hẹp; con đường của hy sinh; con đường của khổ giá. Nhưng con đường đó đã đem lại cho Ngài một vinh dự lớn lao, để “khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: ‘Đức Giêsu Kitô là Chúa’” (Pl 2,5-11).
Đến lượt chúng ta là những người mang trong mình hình ảnh, tâm tư của Đức Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ, tự huỷ để đón nhận thập giá hằng ngày và chu toàn bổn phận cách trung thành, để chỉ sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu thương anh chị em đồng loại bằng một tình yêu của Chúa. Như thế, chúng ta chính là quà tặng dâng cho Thiên Chúa và trao cho mọi người. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa, và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Biết đi theo Chúa trên con đường mà chính Chúa đã đi, biết chu toàn bổn phận theo đấng bậc và vai trò của mình. Biết làm mọi việc tầm thường cách phi thường bằng con đường “tình yêu” như Chúa. Amen.  

Jos.Vinc. Ngọc Biển
 
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log