Suy Niệm I
“Hãy theo Chúa Kitô”
----------------------------
Cách đây gần 2 ngàn năm, sau khi suy nghĩ cân nhắc, Chúa Kitô đã biết điều đang chờ đợi Người là quyết định lên Giêrusalem. Người biết lên Giêrusalem là sẽ phải chịu kết án tử hình trên thập giá. Trong khi đó các môn đệ cứ tưởng rằng Người lên Giêrusalem để nắm vương quyền và đập tan thế lực ngoại bang Rôma xâm chiếm. Chúa bình tĩnh tiến bước… Mãi về sau này các ông mới hiểu được sự bình tĩnh ấy là dấu chỉ của lòng can đảm. Người đi trước, thủ lãnh của tất cả những ai theo Người cũng sẽ can đảm chịu chết vì Tin Mừng hoặc vì công lý. Thầy làm gương để anh em cũng làm như vậy.
Chúa Kitô biết rằng mình phải đi chịu chết. Sau khi suy nghĩ chín chắn, chính Người đã muốn biết cái chết mà Người không cần phải biết và cả cái chết dữ dằn. Chúng ta hãy chiêm ngắm Chúa bước đi lên thành phố mà Người phải lãnh án tử hình như thế nào..? Chúa Kitô can đảm, Chúa Kitô dũng cảm, Chúa Kitô kiên cường.! Đó là mẫu gương Người để lại cho tất cả những ai muốn bước đi theo Người. Vì vậy theo Chúa Kitô, chính là:
Chuẩn bị đương đầu với thất bại và thập giá.
Để đi từ Galilea đến Judea, cần phải qua Samaria, người Samaria thường bị người Dothái khinh bỉ.. Dù sao Chúa Giêsu vẫn sai một số môn đệ báo tin trước rằng Người sẽ đến đó. Nhưng khi đến, các môn đệ thấy người Samaria đóng sập cửa lại không thèm tiếp mình. Vì thế họ trở về nổi giận lôi đình và thưa với Chúa: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ thành này không?”(Lc 9, 54). Nhưng Chúa Giêsu quát mắng họ nặng lời: “Này, tụi con đừng có cái kiểu muốn đổi hướng đi mà thầy đã chọn: chiến thắng chỉ có được nhờ thập giá chứ không phải nhờ sức mạnh, nhờ tình yêu chứ không phải nhờ bạo loạn. Tụi con không hiểu đó là lối sống của Thầy ư?”.
Kitô giáo không phải là một con đường trải hoa hồng đón thưởng những ai say mê Đức Kitô. Kitô giáo cũng không phải là một tôn giáo cho những ai yên phận không dám đi ngược dòng với thói đua đòi của môi trường chung quanh. Kitô giáo cũng không phải là một đảm bảo may rủi chống lại những nỗi buồn của cuộc sống.
- Theo Chúa Kitô, là đi vào hiện tượng của thập giá: chấp nhận thất bại, chấp nhận trở nên điên rồ trước mắt người đời, chấp nhận nói những câu nói đi ngược dòng với trào lưu tư tưởng đương thời và từ chối vuốt ve quảng cáo bôi trơn.
- Theo Chúa Kitô là bắt đầu trở về trước khi muốn làm cho người khác trở về; chấp nhận trỗi dậy trước khi muốn người khác trỗi dậy. Theo Chúa Kitô là cậy dựa vào sức mạnh của tình yêu, là đi gặp gỡ anh em bằng chính sự tốt lành của Chúa Kitô.
- Theo Chúa Kitô là bắt chước Chúa tôn trọng mọi người, không phải là giáng đòn chân lý bằng những tai vạ bất ngờ, nhưng bằng sự hiền lành như chim bồ câu, bằng sự nhẫn nại của người môn đệ biết rằng chính Thiên Chúa làm cho trở về nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần “gió muốn thổi đâu thì thổi”.
Trở lại bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu gặp một chàng thanh niên sẵn sàng theo Chúa khắp nơi. Chúa Giêsu nói gì đối với anh? Theo chúng ta nghĩ, thì Ngài đón nhận anh luôn. Nhưng ngược lại, Người làm giảm sự nhiệt tình của anh: “Này bạn yêu quí, tôi phục thiện chí của bạn, nhưng bạn đừng bị mắc lừa. Nhất là bạn đừng đợi chờ tìm được một công việc béo bở, một đảm bảo vật chất nào đâu nhé”!
Đúng vậy, Chúa Giêsu không muốn quyến rũ các tân binh của Người bằng những món lợi vật chất hoặc một sự danh tiếng nào. Kitô giáo không phải là một sự béo bở gì, cũng không phải là một Thabor liên tục. Kitô giáo cũng không phải là một tôn giáo cho những người yếu ớt và nhát đảm. Theo Chúa Giêsu là chấp nhận lời mời gọi liên tục của Tin Mừng sống khó nghèo.
Bài Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy Chúa Giêsu mời một chàng thanh niên khác theo Người, nhưng anh này xin Chúa gia hạn: “Thầy biết rõ, cha tôi vừa mới qua đời… còn một số giấy tờ cần phải điều chỉnh lại… và cả gia tài, của hồi môn cần có thời gian để phân chia. Tốt hơn là tôi có mặt ở nhà khoảng 15 ngày hoặc một tháng thì càng tốt.” Không, Chúa Kitô không phải là không biết bổn phận của những người trong gia đình, nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, Người gửi cho anh một sứ điệp quan trọng: “Đúng, anh nghĩ đến cha anh là một việc đáng khen, nhưng anh thấy đó, cha anh đã chết, anh không thể làm được gì hơn nữa cho cha anh. Điều thúc bách anh bây giờ đó là tất cả những người còn sống đang chờ đợi Tin Mừng”.
Đúng vậy Kitô giáo không phải là định cư trong những tiện nghi và tình cảm gia đình. Kitô giáo không phải là một thứ tôn giáo của một Thiên Chúa nhu nhược và cho phép tất cả. Kitô giáo là một tôn giáo nâng đỡ, trợ lực, thức tỉnh người tín hữu và nói với họ rằng: Rao giảng Tin Mừng là việc khẩn cấp. Khẩn cấp về giáo lý trong một thế giới bị vật chất hoá, khẩn cấp về quyền bình đẳng, khẩn cấp về tình yêu.
Vì thế, theo Chúa Kitô là cần phải trao ban mạng sống mình như Chúa. Đối với một gia đình, theo Chúa Kitô là vượt qua đau khổ và sống đức tin nếu có một đứa con phải chết, là chấp nhận cho con gái vào dòng tu hoặc vui mừng cho con trai vào chủng viện làm linh mục để phục vụ Giáo Hội. Theo Chúa Kitô là sẵn sàng từ chối mọi tương quan tình cảm đi ngược với chương trình của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay còn cho chúng ta thấy một nhân vật khác nữa. Anh say mê Chúa Kitô và nói với Chúa: “Con sẵn sàng theo Thầy ngay, nhưng Thầy để cho con về nhà một thời gan để nhìn lại ngôi nhà tuổi thơ ấu của con, kỷ niệm của con và được ôm hôn mẹ một lần nữa. Elia, khi gọi Elise thay thế mình, đã chẳng cho phép Elise thăm lại người thân thuộc đó sao?” Chúa Kitô trả lời: “ kéo dài tạm biệt chính là kéo dài chia ly. Nếu anh ra đi thì đừng hối tiếc gì và đừng muốn trở về với quá khứ của anh nữa”!
Đúng vậy, Kitô giáo không phải là một lời cam kết chỉ phục vụ Chúa Kitô 3 năm thôi. Kitô giáo cũng không phải là một lời cam kết có điều kiện: “Lạy Chúa, nếu con thích, con sẽ theo Chúa. Bằng không, nếu sau này con sẽ quay lại với chọn lựa của con, Chúa sẽ tha lỗi cho con, vì con có thể sai lầm về vấn đề này”.
Theo Chúa Kitô, không được phàn nàn vì những chọn lưạ lớn lao của cuộc đời mình, đừng quay lại đằng sau nữa. Triết gia Alain nói: “Điều quan trọng không phải là bạn đã chọn lựa tốt, nhưng là bạn hãy làm cho điều chọn lựa đó trở nên tốt. Bạn đã đáp trả lời mời gọi của Chúa và bạn không cảm thấy hạnh phúc ư? Bạn hãy tự hỏi mình xem đã tiến xa trong tình yêu Thiên Chúa chưa? Bạn đừng khéo léo lấy lại cái mà mình đã cho đi. Hãy tiếp tục cho đi hơn nữa hoặc cho đi một cách tốt hơn”.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
===============
Suy Niệm II
Thiên Chúa Cất Tiếng Gọi Con Người Đáp Trả
(Lc 9, 51-62)
Bước vào Chúa nhật thứ XIII thường niên, với chủ để chính là : " Chúa cất tiếng gọi". Ngỏ lời là sáng kiến của Thiên Chúa và con người đáp trả. Êlia và Êlisê là hai nhân chứng. Chúa đã dùng Êlia gọi Êlisê, Êlisê đáp trả (x.1 V 19,16b.19-21). Vì là sáng kiến của Thiên Chúa nên Chúa gọi người Chúa muốn :"Hãy theo Ta" (Lc 9, 51-62). Hôm qua cũng như hôm nay, Thiên Chúa vẫn đến gọi con người ngay giữa dòng đời. Chúa gọi Êlisê khi ông đang cày ruộng (x.1 V 19, 19). Tiếng gọi của Thiên Chúa là nhất. Chúa gọi, Êlisê không thể trốn được, đến nỗi ông không nói được gì. Tiếng gọi của Thiên Chúa là bắt buộc. Êlia làm điều tốt cho Êlisê khi ông đòi trở về nhà để hôn chào cha mẹ. Êlisê bỏ bò lại và chạy theo Êlia mà nói rằng: "Tôi xin đi hôn cha mẹ tôi, rồi tôi theo ngài" (1 V 19, 20).
Khung cảnh thật đơn sơ, nhưng đầy xúc động, không giấu được. Khi Chúa gọi con người, con người không thể cưỡng lại, Ngài không dùng sức mạnh để áp đặt. "Êlisê con ông Saphát, đang cày ruộng với mười hai cặp bò, chính ông đang dẫn cày cặp thứ mười hai" (1 V 19, 19) nghĩa là công việc gần xong. Thiên Chúa đến ra cho ông một chân trời mới. Qua trung gian Êlia, Thiên Chúa gọi Êlisê một cách rất kín đáo : "Khi Êlia đến trước ông, thì đặt áo choàng mình trên ông" (1 V 19, 19). Không một lời chiêu mộ, không một huấn lệnh để bắt ông vâng theo. Êlisê thấy sự công chính và hành động ngôn sứ của Êlia, ông hiểu theo lòng mình. Tiếng Chúa gọi lay động lòng người.
Để đáp lại tiếng Chúa, con người phải có tự do là lẽ đương nhiên. Tự do này do Đức Kitô mang lại cho chúng ta. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô nói : "Đức Kitô giải thoát chúng ta để chúng ta thực sự tự do" (Gl 4, 31b). Chúng ta chỉ thực sự tự do khi chúng ta hoàn toàn đáp lại tiếng Chúa. Từ lúc Thiên Chúa gọi đến lúc con người đón nhận ân sủng để đáp trả cách tự do là cả một thời gian dài để đắn đo và cân nhắc. Như Êlisê, hành động trước tiên là ông thu mình vào trong dĩ vãng, và tìm kiếm sự an toàn nơi gia đình. Đây là người chắc chắn, nhưng ơn của Thiên Chúa là không đổi. Êlia từ chối sự trốn chạy của Êlisê, dù Êlisê không lượm áo choàng Êlia tặng cho. Khi Êlisê tìm gặp được sức mạnh, ông nắm bắt ngay, ông bỏ lại tất cả những gì mình đang có để dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.
Tương tự như bài Tin Mừng, có ba người được gọi (x. Lc 9, 51-62). Nhưng lịch sử cuộc đời của mỗi người khác nhau. Vấn đề là tiếng Chúa gọi và sự đáp trả của con người.
Câu hỏi được đặt ra cho người thứ nhất khiến chúng ta suy nghĩ. Trước hết, anh không được Đức Giêsu gọi, anh đến xin làm môn đệ Người (x. Lc 9, 57). Giống như ở trường các thầy Rabbi, học trò đến xin theo học. Đức Giêsu không ở trong trường đặc biệt này, Người không có điều kiện ổn định, Người đang trên đường. Bước vào trường Giêsu là lên đường, từ bỏ tất cả những gì ổn định, ngay cả gia tài và địa vị. Theo Đức Giêsu là gắn bó với Người, lên đường tiến về phía trước, cần phải tự mình quyết định, nhưng không thể tiến bước một mình.
Người thứ hai là một ngoại lệ. Chính Đức Giêsu gọi anh. "Hãy theo Ta" ( Lc 9, 59). Người này được kêu gọi cách đặc biệt đi vào trong giao ước tình yêu gắn kết với Thầy. Đối với anh, Đức Giêsu yêu cầu từ bỏ cách triệt để, không trở về chôn cất mẹ cha. Khi anh thưa: "Xin cho phép tôi đi chôn cha tôi trước đã". Nhưng Người đáp: "Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết; phần con, hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa" ( Lc 9, 59 - 60). Chúng ta không biết anh đáp lại ra sao. Nhưng đòi hỏi ở đây cho thấy, phục vụ Nước Trời luôn kéo theo một sự từ bỏ tận căn. Từ bỏ chính là thước đo tình yêu của ta đối với Đức Giêsu.
Người thứ ba xin theo Đức Giêsu với điều kiện (x. Lc 9, 61). Như trong bài đọc I, thái độ là điều cần phải suy nghĩ. Đối với Đức Giêsu tra tay vào cầy, nghĩa là đang phục vụ người khác chuẩn bị cấy cầy, ngoái lại sau là bỏ dở việc. Quyết định này làm sáng tỏ điều trên. Từ bỏ gia đình không phải là một từ bỏ, vì nó mở ra một gia đình khác. Theo Chúa không loại trừ gia đình đầu tiên nhưng là vượt qua. Gia đình Thiên Chúa là gia đình có Thiên Chúa hiện diện, liên kết hết mọi người lại với nhau một cách chặt chẽ sâu xa hơn gia đình tự nhiên.
Tóm lại, nhân đức đầu tiên của trang Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống chỉ đẹp khi thực sự sống tự do. Chính tự do, Đức Giêsu "dứt khoát " lên đường đi Giêrusalem nơi Người biết rằng mình sẽ chết. Giá trị của cuộc sống lớn lao hơn khi người ta sử dụng tự do để phục vụ sự sống cho người khác. Cần bước qua những thử thách trong đời, lắng nghe tiếng Chúa gọi và đáp trả. Lịch sử nhân loại chúng ta đang sống, người này liên đới với người kia. Thánh Phaolô khuyên chúng ta : "Ước chi tự do của anh em không phải là cái cớ để làm thỏa mãn tính ích kỷ của anh em, trái lại, anh em hãy phục vụ mọi người trong tình yêu" (Gl 5,13).
Công Ðồng Vaticanô II quả quyết rằng "kẻ được Thiên Chúa Cha kêu gọi… theo ý định của ân sủng Ngài" (Lumen Gentium, số 40). Đúng thế, theo Chúa là ra khỏi ý định riêng tư, để đặt mình trong bàn tay và ý định nhiệm mầu của Chúa. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa là đặt mình trên đường theo Chúa.
Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con thưa với cả cuộc đời : "Lạy Chúa, này con đây, con xin đến để thi hành thánh ý Chúa" (x. Dt 10,7).
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==================
Suy Niệm III
Hãy Theo Thầy
(Lc 9, 51 – 62)
Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy Chúa Giêsu, đang khi trên đường hướng về Giêrusalem đã gặp một vài người, có lẽ là đang tuổi thanh xuân, họ hứa sẽ đi theo Người khắp nơi. Chúa Giêsu đã tỏ ra rất yêu sách đối với người bắt gặp dọc đường đến xin: "Dù Thầy đi đâu tôi cũng sẽ theo Thầy" (Lc 9, 57), Chúa cảnh báo cho người ấy biết rằng "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người, tức là Ðấng Mêsia - không có chỗ gối đầu" (Lc 9, 58), nghĩa là không có một nơi thường trú, và ai đã chọn làm việc với Người trong cánh đồng của Thiên Chúa thì không được quay trở lại (x. Lc 9,57-58.61-2). Với một người khác, Chúa Giêsu nói: "Hãy theo Ta", và yêu cầu anh cắt đứt mọi ràng buộc với gia đình (x. Lc 9,59-60).
Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã phán với chúng ta rằng : "Kẻ nào muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất ..." (Lc 9,23). Hôm nay tương tự như thế Chúa đòi hỏi tất cả: "Ai đã tra tay vào cày mà còn ngó lại sau lưng, thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa" (Lc 9, 62). Yêu cầu của Chúa Giêsu thật quá khắt khe, vì tất cả những điều người ta giữ thật rất tự nhiên và phù hợp với đạo lý gia đình mà bất cứ ai làm người cũng phải có như "hôn chào cha mẹ" và nhất là "chôn cất mẹ cha". Còn gì tự nhiên và ý nghĩa hơn lòng biết ơn đối với người thân chúng ta như cha như mẹ, ấy vậy mà cử chỉ cuối cùng của tình yêu là "chôn cất cha" cũng phải từ bỏ.
Những đòi hỏi trên xem ra quá đáng, nhưng thực ra chúng diễn tả sự mới mẻ và ưu tiên của Nước Thiên Chúa hiện diện ở nơi bản thân của Chúa Giêsu. Nói cho cùng, tính cách triệt để bắt nguồn từ Tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Giêsu là kẻ đầu tiên đã vâng theo. Phàm ai từ bỏ mọi sự, kể cả bản thân mình, thì đi vào một chiều kích mới của tự do, được thánh Phaolô định nghĩa như là "bước theo thần trí" (xc. Gl 5,16). Thánh Phaolô viết: "Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta", và ngài giải thích rằng hình thái mới của sự tự do mà Đức Kitô đã chinh phục cho chúng ta hệ tại việc "phục vụ lẫn nhau" (Gl 5,1.13). Tự do và yêu thương trùng hợp với nhau. Ngược lại, việc tuân theo tính ích kỷ dẫn tới hiềm khích và xung đột.
Hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta suy nghĩ về cách chúng ta theo Chúa. Điều quan trọng là chúng ta phải biết theo Chúa với cách thức Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta. Giacôbê và Gioan vẫn chưa học được sứ điệp tình yêu và sự tha thứ nên các ông mới thưa cùng Chúa: "Lạy Thầy, Thầy muốn chúng con khiến lửa bởi trời xuống thiêu hủy chúng không?" (Lc 9,54). Các môn đệ thì Chúa mời gọi từ bỏ gia đình và người thân. Để theo Chúa Giêsu Kitô và thi hành sứ mạng chúng ta được trao phó, tất cả chúng ta phải thanh thoát khỏi những ràng buộc hầu xứng đáng với Nước Thiên Chúa (x. Lc 9,62)
"Hãy theo Thầy". Lời mời gọi trên của Chúa Giêsu vẫn thật cấp bách gửi đến mỗi người chúng ta. Theo Thầy, trở nên môn đệ Thầy để mở mang Nước Chúa. Kẻ đi theo làm tông đồ cho Chúa cần ý thức về sứ mạng của mình là truyền giảng Tin Mừng của Chúa Kitô. Vì, chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có thể qui tụ những con người thuộc đủ mọi sắc tộc, màu da, tiếng nói, khác nhau về văn hóa thành một gia đình, lúc ấy mới có thể hàn gắn những vết thương đau bởi chia rẽ, khác nhau về ý thức hệ, bất bình đẳng kinh tế và những cuộc tấn công bạo lực đàn áp nhân loại cho đến hôm nay. Qua việc truyền giảng Tin Mừng, người tín hữu giúp mọi người nhận ra mình là anh chị em với nhau.
Theo Chúa Giêsu không chỉ có từ bỏ mà còn vác thập giá (x. Lc 9, 22). Từ bỏ cũng có nghĩa là từ chối nhiều điều kiện "thuận lợi " trong cuộc sống giúp thăng tiến bản thân. Khi lựa chọn bước theo Chúa Giêsu, như các Tông đồ, bỏ buông thuyền lưới, gia đình, nghề nghiệp. Con đường theo Chúa Giêsu không trải đầy nhung lụa mà là những gai nhọn và gian nan. Con đường đó dẫn lối về hạnh phúc cho những ai dám từ bỏ mọi sự để sống cho Chúa, dám sống đời hèn mọn, dám sống đời tận hiến với quyết tâm thuộc trọn về Chúa suốt đời. Đó là Ơn Gọi cho những người bước đi theo Thầy Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nhận ra những tiếng gọi mời của Chúa, giúp chúng con bước theo và thực thi cách trung thành. Xin cho nhu cầu truyền giáo của Giáo hội luôn là tiếng gọi chúng con phải quan tâm để ý. Lạy Đức Trinh Nữ Maria Nữ Vương và là Mẹ chúng con, xin cầu cho chúng con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
=============
Suy Niệm IV
MUỐN THEO CHÚA, CẦN CÓ ĐIỀU KIỆN GÌ?
(1 V 19,16b.19-21; Gl 4,31b--5,1.13-18; Lc 9,51-62)
Một bài hát ta thường hát hoặc đã nhiều lần nghe, đó là bài: “Chúa là Gia Nghiệp” của nhạc sư Mi Trầm, trong đó có đoạn viết: “Chúa là gia nghiệp đời con. Xin Ngài bảo toàn thân con, vì ngoài Chúa ra con tìm đâu thấy hạnh phúc, và chỉ nơi Chúa con tìm thấy được nguồn vui”. Qua bài hát này, gợi lại cho chúng ta tâm tình xác tín rằng: chỉ có Chúa là chỗ nương thân, chỉ có Chúa là nguồn hạnh phúc, chỉ có Chúa là Đấng cứu độ. Và, ta mong sao cho được thuộc về Chúa và được Ngài đưa ta đến bến bờ hạnh phúc.
Hôm nay thánh Luca kể lại ba mẩu đối thoại giữa Đức Giêsu và những người muốn theo Ngài cũng như những người Ngài muốn gọi họ. Tâm tư của Đức Giêsu cho những người muốn theo và được gọi này là đạt được hạnh phúc đích thực.
Tuy nhiên, muốn có được điều đó, hẳn phải đi trên chính con đường mà Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là con đường từ bỏ, phó thác, dứt khoát, hy sinh và đôi khi phải chấp nhận lội ngược dòng với đầy tình tiết phưu lưu.
1. Đi theo Chúa là phải sống tinh thần phó thác tuyệt đối
Câu chuyện Tin Mừng được khởi đi từ một sự kiện: khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, bất chợt có một chàng thanh niên tình nguyện đến xin đi theo Ngài, vì thế, anh ta đã thốt lên những lời rất tâm huyết: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo" (Lc 9, 57). Đứng trước lời đề nghị được đi theo mình, Đức Giêsu đã không nói là thâu nhận hay không, mà chỉ thấy Ngài nói: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). .
Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn đưa anh vào một lộ trình của niền tin và phó thác hoàn toàn cho sự an bài của Thiên Chúa; mặt khác, Ngài cũng muốn tiên báo cho anh về sự thiếu thốn, bấp bênh trên hành trình sứ vụ. Sự phiêu lưu này không có nghĩa là làm cho anh hoang mang về con người và sứ vụ cứu độ của Ngài, mà là giúp cho anh nhận định thật rõ, để anh thấy trước được những khó khăn của sứ vụ. Khi nói cho chàng thanh niên này như vậy, Đức Giêsu muốn báo cho anh ta biết sứ vụ và cuộc sống của Ngài không giống như những vị lãnh đạo khác, mà là một Đấng Mêsia khiêm tốn, từ bỏ sang giàu, quyền lực. Sống nghèo khó và vâng lời Thiên Chúa Cha cách tuyệt đối.
Vì vậy, nếu anh thanh niên này muốn theo, thì cũng phải đón nhận cuộc sống như Ngài đã sống. Một cuộc sống mà theo lối nói của Việt Nam thì: “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”.
2. Theo Chúa là lo tìm Nước Thiên Chúa trước hết
Khác với trường hợp thứ nhất, lần này Đức Giêsu chủ động lên tiếng gọi một người thanh niên: "Anh hãy theo tôi!" (Lc 9, 59). Ngài muốn anh ta lên đường với Ngài để loan truyền Nước Thiên Chúa, để cùng Ngài sống chứng tá cho Nước Trời. Đứng trước lời mời gọi này, chàng thanh niên đã đặt ra cho Đức Giêsu một điều kiện, đó là: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã" (Lc 9, 59), rồi đi theo Ngài sau. Nhưng Đức Giêsu đã không chấp nhận, Ngài đã phủ nhận thái độ đó và coi là không xứng hợp với tinh thần tông đồ, nên Ngài đã nói: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa" (Lc 9, 60).
Qua câu trả lời của Đức Giêsu, Ngài cho anh ta thấy rằng: thời điểm này và ngay tức khắc, anh hãy theo tôi để loan báo Triều Đại Thiên Chúa cho những người chưa biết, vì đây là sứ mạng quan trọng nhất, cấp bách, vượt lên trên mọi tình cảm tự nhiên của con người. Ngài không chấp nhận sự lần lữa và kèo nèo của một người môn đệ. Sứ mạng loan báo Tin Mừng là gian nan khốn khổ, đòi buộc phải hy sinh, phải từ bỏ, phải mau mắn… Vì thế, không thể chấp nhận một con người có thái độ trì hoãn.
3. Muốn theo Chúa: phải có thái độ dứt khoát
Đi xa thêm một chút nữa, Đức Giêsu lại cất tiếng gọi một người khác đi theo Ngài. Khi được gọi, người thanh niên này thưa: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã" (Lc 9, 61). Người thanh niên này quả thực cũng muốn theo Chúa, nhưng anh ta muốn xin Đức Giêsu cho lui lại ít thời gian nữa, để anh ta lo giàn xếp chuyện gia đình… Vẫn một điều kiện tiên quyết mang tính quyết định, nên Đức Giêsu bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa" (Lc 9, 62). Qua câu nói này, Đức Giêsu nói cho người xin theo Ngài biết rằng: thái độ dứt khoát là yếu tố căn bản để trở nên môn đệ của Ngài. Theo Chúa là cần phải bỏ mọi sự, không lưỡng lự, không thể tiến thoái lưỡng nan, không chấp nhận nhập nhằng với những ràng buộc tình cảm. Muốn là người thợ cày tốt thì người cầm cày phải nhìn thẳng về phía trước để đi, nếu không thì đường cày sẽ cong queo, không thẳng hàng được. Cũng vậy, theo Chúa, phải để lại mọi sự, kể cả những gì là thân thuộc, gắn liền với cuộc sống, ngay cả những quyến luyến tình cảm của gia đình… Để đạt được Nước Trời, người môn đệ phải ưu tiên số một cho những đòi hỏi của Nước ấy. Phải từ bỏ tất cả quá khứ, quên đi dĩ vãng (x. 1 Pr 5,8-9), và nhắm thẳng vào tương lai để ta tiến bước. Điều này quan trọng hơn cả cha mẹ, anh chị em, vợ con và ngay cả mạng sống của mình nữa.
4. Còn chúng ta thì sao?
Khi đọc bài Tin Mừng này, hẳn mỗi người chúng ta đều đặt ra cho mình một câu hỏi: chúng ta có được Thầy Giêsu gọi không? Điều kiện của Ngài đặt ra cho chúng ta thời nay là gì?
Trước tiên, ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, được tháp nhập vào dân của Chúa, được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa Cha. Vì thế, chúng ta được mời gọi từ bỏ ý riêng, chết đi cho con người cũ với những tham sân si, và mặc lấy con người mới để chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng như ngọn nến cháy sáng. Đây là ơn gọi căn bản của mỗi chúng ta.
Thứ đến, vào một thời điểm nhất định, mỗi người đều có một lựa chọn cho bậc sống của mình. Người thì xây dựng gia đình; người thì đi tu. Hai con đường. Hai ơn gọi. Nhưng đều chung một sứ vụ là loan báo Tin Mừng và đi tìm hạnh phúc đích thực.
Thật vậy, nếu là một người chồng mẫu mực; một người vợ thủy chung; một người con hiếu thảo; một đời tu trung thành, thánh thiện... Thì đây, chính là đời môn đệ tuyệt hảo khi chúng ta thuộc về Đức Giêsu và đáp lại lời mời gọi của Ngài để loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống gương mẫu của mình. Khi sống và lựa chọn như thế, ta mới xác định căn tính và mục đích của chúng ta, và Chúa mới là gia nghiệp của ta thực sự.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa. Biết từ bỏ ý riêng để thánh ý Chúa được thể hiện nơi chúng con. Xin cho chúng con biết nghĩ đến người khác vì phần rỗi của họ như Chúa khi xưa. Amen.
Jos.Vinc. Ngọc Biển