Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XVI Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 16:30 14/07/2016
"Matta! Matta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất" (Lc 10,41-42)
Suy Niệm I
Hoạt động hay Chiêm niệm?
-----------------------
Vào một buổi chiều, Chúa Giêsu ghé thăm gia đình Martha. Theo thói quen lịch sự và hiếu khách, Martha chạy đến trước mặt Chúa Giêsu và thưa: “Chào Thầy, rất vui được gặp lại Thầy. Hy vọng Thầy có thể thư thả. Mời Thầy vào, con sẽ chuẩn bị bữa ăn ngon để Thầy lấy lại sức”. Rồi Martha chạy vội xuống bếp. Trong khi đó, Maria mời Chúa an toạ, rồi chị ngồi xuống dưới chân Chúa: “Thưa thầy, thầy có thể nói và kể cho con nghe công việc trong ngày của Thầy”! Về phía Chúa Giêsu, trước con mắt sáng của Maria, Người có thể nói với Maria, không phải như là một bài giảng, nhưng là một lời thổ lộ tâm tình phong phú của con tim Người, giá trị hơn tất cả bài giảng trên thế giới và vì thế Maria đã nuốt từng lời của Chúa.
Khi thấy cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và Maria kéo dài, Martha có vẻ bực bội: “Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm đến sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với! ”. Với một sự tế nhị tuyệt vời và cũng là để gửi một sứ điệp quan trọng, Chúa Giêsu nói với chị:”Martha,việc con làm là rất tốt và Thầy cám ơn con. Nhưng thầy thích nói chuyện với con, Thầy có nhiều điều để nói với con. Con không biết là của ăn mà Thầy muốn cho con còn quan trọng hơn là của ăn mà con đang chuẩn bị cho Thầy sao?”
Qua câu chuyện ngắn ngủi đó, chúng ta thấy thái độ của Chúa thế nào đối với 2 chị em? Chúng ta có thể trả lời cách ngắn gọn: Chúa đã khen Maria, nhưng cũng khen Martha, khen tất cả những ai có thái độ như 2 chị em này nhưng nhất là Người khen ngợi tình yêu mến.

Chúa khen Maria thế nào?
“Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”(Lc 10,42). Qua câu nói này, Chúa Giêsu không muốn ám chỉ Maria là người yêu mến Người nhất. Điều Chúa muốn nhấn mạnh chính là thái độ của Maria là thái độ quan trọng nhất và cần thiết nhất.
Trước hết là vì Maria nghe lời Chúa. Nghe lời Chúa là điều quý giá hơn đối với người kitô. Trong sách Tin Mừng chúng ta đã chẳng thấy biết bao lần Chúa Giêsu đã nhấn mạnh về sự cần thiết lắng nnghe lời Chúa và đem ra thực hành đó sao? Có thể Chúa cũng nói với Martha: “Này Martha, con đừng quên rằng người ta không phải chỉ sống nhờ bánh…và tất cả những ai lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành đều là cha mẹ Thầy”.
Chúa cũng khen tất cả những ai có thái độ như Maria biết lắng nghe lời Tin Mừng.
Maria đã chọn phần tốt nhất vì chị giành phần ưu tiên để gặp Chúa, tim kề tim với Chúa để chiêm ngắm và để cầu nguyện. Khi tập trung hoàn toàn vào Chúa Giêsu, Maria chứng tỏ Chúa là phần ưu tiên nhất.
Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất, vì chị tiếp tục đi vào cõi vĩnh hằng. Chiêm niệm ở trần gian này chỉ là rèn luyện cho ơn gọi vĩnh cửu của con người là chiêm ngắm vĩnh viễn Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chúa Giêsu khen Maria và cũng khen tất cả những ai hiểu chính xác tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện và đời sống chiêm niệm. Người khen mỗi người chúng ta và cộng đoàn đọc bài Tin Mừng của ngày mai trước khi đi ngủ. Người khen tất cả những ai đã cống hiến đời mình chuyên nghiên cứu bản văn Kinh Thánh giúp mọi người hiểu chính xác ý tưởng của Chúa.

Tuy nhiên, Chúa cũng khen Martha.
Khi nói Maria đã chọn phần tốt nhất, Chúa Giêsu không có ý nói rằng Martha đã chọn phần xấu, nhưng Ngài muốn nói rằng Martha chọn phần tốt không bằng Maria. Tất nhiên cũng là phần tốt. Điều Chúa trách Martha không phải là việc làm của chị, nhưng là vì lo lắng về vật chất nhiều quá và hối hả về điều nhỏ bé hơn.

Thánh Gioan Kim Khẩu nói: “Thiên Chúa không khiển trách việc làm hoặc hành động, nhưng muốn chúng ta đừng giành thời gian quá nhiều vì những nhu cầu vật chất. Người không muốn chúng ta lười, nhưng muốn chúng ta hướng tới và quan tâm đến việc lắng nghe Lời Người”.
Thật vậy chúng ta có tin rằng Chúa Giêsu không cần chị Martha tiếp đón Người một cách lo lắng chuẩn bị cho Người những món ăn mà Người thích không? Trong những đoạn Tin Mừng khác, Chúa Giêsu nói rõ: “Không phải những ai kêu lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào nước trời, nhưng phải hành động và thực hành Lời Chúa” (Mt 7, 21). Phục vụ, phải chăng không là điều mà Chúa Giêsu đã làm suốt cả cuộc đời Người sao: “Thầy ở giữa anh em như người phục vụ”?
Trong một thế giới đã bị tục hoá, rất cần thiết phải rao giảng Tin Mừng, hay nói cách khác, cần phải hoạt động. Mọi tư tưởng mà không biến thành lời, đều là tư tưởng xấu. Mọi lời nói mà không biến thành hành động đều là lời nói xấu. Chúng ta có thể nói rằng qua chị Martha trong bài Phúc Am hôm nay, Chúa Giêsu khen tất cả những ai làm việc trong cánh đồng của Cha Người. Người khen các ông bà trong Ban hành giáo, các thành viên hội đoàn, Ban ca, Ban kèn, Giáo lý viên đã và đang nhiệt tình phục vụ họ đạo và giáo xứ. Và cụ thể Chúa khen tất cả những ai lo lắng, phục vụ cho việc sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ cho lớp học Huynh trưởng tại giáo xứ chúng ta trong tuần qua. Chúa khen các anh chị Huynh trưởng dù nắng nôi oi bức đã nhiệt thành học tập để trở thành người huấn luyện các em Thiếu nhi Thánh Thể.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta đừng nên quá phân tích sự đối kháng giữa Maria và Martha, giữa chiêm niệm và hoạt động. Giáo hội luôn cần cả hai thái độ này. Giáo Hội sẽ khập khiễng nếu thiếu một trong hai thái độ đó. Origene nói: “Hoạt động và chiêm niệm chẳng có giá trị gì nếu thiếu một trong hai”. Nếu các tông đồ cứ ở lại trong phòng tiệc ly sau ngày Lễ Ngũ Tuần để tiếp tục cầu nguyện, liệu thế giới có trở lại không? Nếu những hoạt động cố gắng của đời sống tông đồ không được nâng đỡ bằng đời sống cầu nguyện, liệu họ có bền bỉ trong những công việc khó khăn không?
Hơn nữa, cả hai thái độ này không được tách rời nhau trong cuộc sống. Các nhà chiêm niệm trong các dòng tu luôn mở tâm hồn ra đối với những vấn đề của thế giới để cầu nguyện cho thế giới. Ngược lại, những nhà hoạt động nổi tiếng trên thế giới cảm thấy một sự cần thiết lớn lao của việc chiêm niệm, như thánh Têrêsa Calcuta, thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II…Cha Pierre viết: “Tôi thích cầu nguyện. Hình như những hoạt động cuồng nhiệt của tôi không ngắt đứt lời cầu nguyện của tôi”.
Thánh Ignatio nói: “Chúng ta phải làm cho những hoạt động của chúng ta thành một lời cầu nguyện không ngừng bằng cách hướng tất cả những hoạt động đó trông một ý tưởng duy nhất là phục vụ Thiên Chúa”.
Vậy chúng ta đừng nên đặt đối kháng hoặc so sánh giữa hoạt động và chiêm niệm bằng cách công bố cái này hơn cái kia. Điều có giá trị chính là mức độ của tình yêu. Chính phẩm chất của tình yêu làm chủ cả hai thái độ này. Thánh Phaolo nói: “Giả như tôi có ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì”.
Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể biết ai là người có tình yêu nhất. Chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu của chúng ta chứ không phải là về cuộc sống của chúng ta.

Chúng ta là Maria hay Martha? Hoặc là cả hai? Cái đích thực mà chúng ta phải chọn lựa như thế nào để chúng ta có thể yêu mến Chúa và anh chị em một cách tốt nhất. Hãy luôn nhớ câu nói của Jacques Maritain: “Có 2 hiểm hoạ trái ngược nhau vào thời đại cổ xưa cũng như thời đại chúng ta hôm nay, đó là: chỉ tìm kiếm sự thánh thiện nơi rừng vắng và quên mất sự cần thiết của rừng vằng để được thánh thiện.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

==================
Suy Niệm II
Phần Tốt Nhất 

(Lc 10, 38-42)

Khung cảnh gia đình
Hôm nay, thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta chuyện gia đình của Matta và Maria. Hàng ngày gia đình của họ ra sao chúng ta không hay biết, chỉ khi cô chị Matta rước Chúa Giêsu vào nhà và tất bật làm cơm thiết đãi Chúa, còn cô em thì ngồi bên chân Chúa và nghe lời Người chúng ta mới có chuyện (x. Lc 10,38-42). Gia đình Matta và Maria còn có cậu em trai là Lazarô không thấy nói tới.
Chúng ta cùng tưởng tượng cảnh diễn ra trong nhà này: người chị chạy lên chạy xuống, còn người em bị lôi cuốn vào việc chuyện trò với Khách. Một lúc sau, người chị Matta, chắc cảm thấy mệt nhọc, nên đã lên tiếng nói với vị Khách: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình, mà không quan tâm sao sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với?" (Lc 10,40). Xem ra cô chị Matta không những bất bình với cô em là Maria mà còn cả với Khách mời nữa.

Thái độ cần phải có
Chính câu nói này của Chúa Giêsu làm nảy sinh những khuynh hướng khác nhau. Có người cảm thấy tiếc cho Matta, vì Maria đã bỏ mặc tất cả mọi công việc cho Matta, trong lúc cô ta vui hưởng cuộc nói chuyện với Chúa Giêsu, khi Matta đến phàn nàn, Chúa Giêsu lại nói: "Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất" (Lc 10,41-42). Vậy là việc cô làm chưa phải là tốt nhất.
Khuynh hướng khác cho rằng, Chúa Giêsu không có ý phê phán thái độ hiếu khách của Matta khi Người nêu bật hành vi của Maria "ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người." Tuy nhiên, khi phải chọn lựa thì Chúa Giêsu vẫn thích kẻ "nghe" lời Người hơn là loay hoay chuyện cơm nước…Người cũng cho biết đây là "phần tốt nhất."
Hẳn Chúa Giêsu không làm một cuộc so sánh về hai thái độ: một của Matta tất bật với việc tiếp đãi Khách, và một của Maria ngồi bên chân Khách để trò chuyện. Trong thực tế, cả hai thái độ này đều cần thiết: tinh thần hiếu khách được biểu lộ cụ thể qua việc chuẩn bị bữa ăn, nhưng cũng được thể hiện không kém qua sự hàn huyên tâm sự. Chúa Giêsu đề cao thái độ của Maria, nhưng không hề giảm thái độ của Matta. Chúa không chê hoạt động, lại càng không trách sự tiếp đón quảng đại, Người chỉ muốn mượn hình ảnh của Maria để nói lên thái độ cơ bản con người phải có đối với Thiên Chúa là lắng nghe Lời Chúa. Lời Chúa thì vững bền và mang lại ý nghĩa cho các hoạt động hằng ngày của chúng ta.

Gương của Matta và Maria
Matta và Maria trong Tin Mừng hôm nay nêu gương cho chúng ta và bảo chúng ta rằng nhân đức không chỉ có một mặt, vì trong việc tông đồ, người này làm việc tích cực, hết sức mình, người kia quan tâm đến việc rao giảng Lời Chúa. Nếu sự quan tâm này kết hợp sâu xa với đức tin, thì sẽ rất tốt cho công việc.
 "Maria đã chọn phần tốt nhất". Chúng ta cũng thế, chúng ta cần phải cố gắng, để có được điều mà không ai lấy mất được, nên cần phải lằng nghe. Lắng nghe ở đây không phải là đãng trí, nhưng là chú ý ; vì ngay cả hạt giống Lời Chúa từ trời xuống cũng bị lấy mất, nếu hạt giống đó gieo bên vệ đường, không được gieo vào đất tốt, tức là nghe nhưng không được đón nhận (x. Lc 8, 5.12)
Lắng nghe Lời Chúa như cô Maria là khôn ngoan, vì đây là việc làm cao cả và hoàn hảo nhất. Lo lắng phục vụ là cần thiết, nhưng làm sao để những lo lắng phục vụ không cản trở ta đón nhận Lời Chúa từ trời xuống. Hãy khoan đừng có chỉ chích phê bình hay kết án những sự nhàn rỗi, những người mà chúng ta sẽ thấy họ làm việc tất bật để có được sự khôn ngoan, như Salomon, một con người hiền hòa, đã nài xin Chúa gửi Đức khôn ngoan của Ngài tới cự ngụ nơi nhà ông, khi thưa: "Lạy Chúa, xin gửi Đức không ngoan Ngài tới, để phù trì và đồng lao cộng khổ với con " (Kn 9, 10). Tuy nhiên đấy không phải là lời trách móc những việc Matta làm: Maria được Chúa Giêsu thích hơn vì Maria đã chọn phần tốt nhất. Người là Đấng giàu có, và Người trao ban cho cả Matta và Maria cách quảng đại; Maria là người nữ khôn ngoan, vì cô biết nhận ra và chọn lựa điều quan trọng nhất.
Các Tông đồ cũng cho rằng: "Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải" (Cv 6,2). Khi đứng giữa hai điều, một là rao giảng Lời Chúa, hai là phục vụ, tất cả đều là việc khôn ngoan: Stêphanô cùng với Philipphê, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, đã chọn việc phục vụ, với tư cách là thầy phó tế, và các ngài đã hoàn thành cách thật khôn ngoan (Cv 6,5.8)... Như thế, Giáo hội là một thân thể, các bộ phận tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể: "Vậy mắt không có thể bảo tay: "Tao không cần đến mày"; đầu cũng không thể bảo hai chân: "Tao không cần chúng mày" (1 Cr 12, 21)... Nếu có một vài chi thể quan trọng nhất, thì các bộ phận khác cũng không kém phần quan trọng. Sự khôn ngoan ở trong đầu, còn hoạt động thể hiện nơi những bàn tay.

Lời Chúa trong cuộc đời
Con người đang đánh mất dần ý thức về sự thánh thiêng, trong một thế giới đề cao quá mức những thực tại vật chất. Người Kitô hữu phải lấy việc lắng nghe Lời Chúa là điều quan trọng nhất. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa, bằng cách suy niệm Kinh Thánh với đức tin, bằng cách tĩnh tâm cầu nguyện riêng cá nhân cũng như cộng đoàn, bằng việc im lặng mặc niệm trước Thánh Thể; từ Nhà Tạm, Chúa Kitô nói với chúng ta về tình yêu của Người. Ðặc biệt vào ngày Chúa Nhật, những người kitô được mời gọi đến gặp gỡ và lắng nghe Chúa. Ðiều này được thực hiện cách trọn vẹn, nhờ qua việc tham dự vào Thánh Lễ, trong đó Chúa Kitô dọn ra cho các tín hữu bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Bánh ban sự sống. Tuy nhiên, những giây phút cầu nguyện và suy tư, những giây phút nghỉ ngơi và sống tình huynh đệ, cũng có thể góp phần hữu ích vào việc thánh hóa ngày của Chúa.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, xin Mẹ giúp chúng con gắn bó cùng Chúa cho đến trọn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

==============
Suy Niệm III
LẮNG NGHE VÀ ĐÓN NHẬN LỜI CHÚA LÀ NGƯỜI KHÔN NGOAN
 (St 18,1-15; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42)

 
Trong truyền thống Việt Nam, văn hoá ứng xử qua việc giao tiếp là quan trọng. Điều này đã được cha ông chúng ta rất đề cao. Qua việc đón tiếp khách, người ta đánh giá được sự hiếu khách hay thờ ơ của gia chủ; đồng thời nó cũng thể hiện sự văn minh và nền giáo dục của gia đình đó như thế nào!
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật cho chúng ta thấy việc Đức Giêsu ghé thăm gia đình của Martha. Nơi đây, Ngài nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt của hai chị em trong gia đình này. Hai cách đón tiếp khác nhau, nhưng đều thể hiện sự kính trọng, yêu mến mà hai cô dành cho Đức Giêsu. Tuy nhiên, kết quả lại khác nhau, bởi vì hệ tại ở hành vi lựa chọn.  

1. Cần lắm một lựa chọn đúng đắn

Kinh nghiệm trong cuộc sống cho chúng ta thấy: có rất nhiều điều cần phải “lựa”“chọn”.  Khi còn nhỏ, cha mẹ lựa chọn cho con cái trường nào tốt để gửi vào học; khi lớn lên một chút, ta lựa chọn bạn để chơi, lựa chọn thầy để học; lựa chọn nghề để mưu sinh, lựa chọn người yêu để cưới; lựa chọn một cung cách, một lập trường, một lý tưởng để sống... Nhưng có lẽ điều cần thiết nhất vẫn là lựa chọn một chân lý để làm chủ đạo cho cuộc đời.
Như vậy, có biết bao điều cần phải lựa chọn. Lựa chọn cái tốt, tốt vừa, tốt hơn, hay tốt nhất? Đây chính là điều đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ, đắn đo trước khi chọn.
Nếu lựa chọn trong đời thường là lọc ra những thứ không cần thiết và chọn cho mình những thứ cần dùng. Thì lựa chọn theo Kinh Thánh chính là lắng nghe tiếng Chúa và thực thi điều mình đã tiếp nhận. 
Chọn lựa được coi là “đích đến”“bánh lái” cho cuộc đời nếu lựa chọn đó là tốt, là đúng. Còn nếu lựa chọn sai thì sẽ bị tác hại khôn lường.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy: Martha lựa chọn phục vụ Đức Giêsu qua việc nấu nướng để thiết đãi Ngài một bữa ăn thịnh soạn. Còn Maria thì lựa chọn việc ngồi để lắng nghe Đức Giêsu dạy bảo. Hai thái độ đều tốt. Một bề ngoài. Một bề trong. Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Bởi vì Maria đã chọn phần tốt nhất, còn Martha có thể đã chọn phần tốt hoặc tốt hơn chứ chưa phải là tốt nhất.

2. Lắng nghe và đón nhận Lời Chúa là người khôn ngoan

Thật vậy, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải là điều quan trọng nhất, bởi vì: mọi sự sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.
Tác giả sách Isaia đã nhắc lại lời Đức Chúa phán với dân của Người như sau: “Giả như ngươi lưu ý đến mệnh lệnh của Ta, thì sự bình an của ngươi chan chứa như dòng sông, sự công chính của ngươi sẽ dạt dào như sóng biển, tên của ngươi sẽ chẳng bao giờ bị huỷ diệt, chẳng bao giờ bị xoá bỏ khỏi mắt Ta” (Is 48,18-19b).
Chính vì điều này mà cô Maria đã lựa chọn điều tốt nhất là được ở bên Đức Giêsu (x. Lc 10,42) và nghe lời Ngài dạy (x. Lc 10,39). Cô đã chọn cho mình phần phúc Nước Trời, bởi lẽ, Đức Giêsu chính là nội dung của Tin Mừng, là hiện thân của Nước Hằng Sống. Vì thế, có Đức Giêsu ở cùng là được cả Nước Trời. Nghe được Lời Ngài nói với mình và đem ra thực hành thì được ví như “… người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá " (Mt 7, 25). 
Bởi vì, Đức Giêsu là kho tàng quý giá mà Thiên Chúa Cha đã đem trồng vào trong mảnh vườn nhân loại. Sống trong Ngài là được trở nên nghĩa thiết với Ngài và được Ngài yêu thương, để Ngài ở đâu, chúng ta cũng sẽ được ở đó với Ngài. Cô Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã hội đủ các yêu tố trên, nên cô đáng được Đức Giêsu khen là người có phúc khi nói: “Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất".

3. Sứ điệp Lời Chúa

Giáo Hội được Đức Giêsu thiết lập để lưu truyền Lời Chúa cho con người. Lời đó là Lời Chân Lý, Lời Hằng Sống. Chính Lời Chúa đã nuôi sống Giáo Hội qua mọi thăng trầm của lịch sử. Vì thế, “Giáo Hội luôn tôn kính Lời Chúa như chính Thân Thể Ngài”. 
Khi dành cho Lời Chúa một vị trí quan trọng và ngang hàng với chính Chúa như thế, Giáo Hội muốn xác tín niềm tin của mình vào sức mạnh vạn năng của Lời Chúa. Điều này đã được Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội” (x. DV., số 21).
Nhưng, tiếc thay, vì quen lối sống đạo xưa kia, nên chúng ta nhiều khi chỉ thuộc kinh mà không mấy coi trọng Lời Chúa! ngược lại, nhiều gia đình lại coi cuốn Lời Chúa như một vật trang trí hay kính trọng theo kiểu “kính nhi viễn chi”.
Khi nói như thế, chúng ta không có ý phủ nhận lối sống đạo bình dân của cha ông, vì trên thực tế, đời sống đạo truyền thống này đã sinh ra cho Giáo Hội Việt Nam nhiều chứng nhân anh dũng, và hôm nay, chúng ta được kế thừa niềm tin cũng nhờ cung cách sống đạo bình dân đó.
Tuy nhiên, chúng ta quên mất rằng, mọi lời Giáo huấn hay Truyền thống của Giáo hội cũng như mọi lời kinh từ bao thế hệ đều được bắt nguồn và suy tư từ Lời Chúa. Nếu chúng ta am tường và hiểu biết Lời Chúa càng nhiều, thì đời sống đạo của chúng ta càng sống động và sâu sắc. Chính thánh Giêrônimô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vì thế, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã gợi lên cho chúng ta giá trị của Lời Chúa khi viết: “Đọc Lời Chúa không những để hiểu về Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời” (x. Thư Chung 1980, số 8). 
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chiêm ngắm hình ảnh, thái độ của Maria, nhất là hãy cảm nghiệm lời chúc phúc của Đức Giêsu dành cho cô, từ đó, rút ra cho mình một thái độ tích cực với Lời Chúa như:
Chăm chỉ đọc, suy gẫm Lời Chúa cách yêu mến; đồng thời biết thinh lặng, nhạy bén để khám phá ra sứ điệp của Lời Chúa và đem ra thực hành. Đây chính là thái độ của người khôn ngoan khi xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên nền tảng Lời Chúa. Để mưa xa, bão táp, phong ba có dồn dập tư bề, thì nhà ấy vẫn vững vàng.
Ngược lại, nếu chỉ đọc Lời Chúa cách hời hợt, qua lần chiếu lệ, thì Lời Chúa không những không tác sinh trong tâm hồn, mà nhiều khi lại còn bị chúng ta bóp méo và uốn nắn theo thiển ý của chính mình. Từ đó, sinh ra lối sống đạo hình thức, hời hợt bên ngoài hay chỉ là người mang danh và đeo cái mác Công Giáo, chứ thực ra không phải là người mang Đạo trong mình.  
Ước gì Lời Chúa khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết chọn phần tốt nhất cũng là lời tác phúc cho mỗi chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết chọn Chúa làm lý tưởng và lẽ sống cho cuộc đời.  Xin cho chúng con biết yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của người môn đệ. Và, xin cho chúng con biết đem Lời Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại. Amen.
 
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log