Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXIII Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 21:52 01/09/2016
"Nếu ai đến với tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được" (Lc 14, 26-27).
Suy Niệm I
Hãy ưu tiên cho Chúa Kitô
------------------------------

Thiên Chúa đã yêu chúng ta đến điên rồ. Vì yêu, Thiên Chúa đã làm người để rồi chết cho tội nhân. Ai có thể đáp lại tình yêu này được? Thánh Phaolo nói: “Chúng tôi điên dại vì Chúa Kitô”. Chúng ta theo Chúa Kitô không phải chỉ là ghi vào bộ nhớ của Ngài, nhưng là sát nhập vào tình yêu của Ngài. Mà tình yêu thì có những đòi hỏi xem ra không thể chịu đựng nổi: “Nếu ai đến với tôi mà không bỏ (ưu tiên cho tôi hơn) cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi”.
- Phải chăng Chúa Giêsu là một nhà độc tài có những đòi hỏi vô cùng khắc nghiệt sao?
- Phải chăng Ngài cấm chúng ta không được yêu những người thân ư?
- Phải chăng Ngài có thể áp đặt các môn đệ Ngài phải đi con đường khổ nạn của Thập giá?
Những lời nói của Chúa Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay thật quá táo bạo. Ngài đòi hỏi chúng ta muốn làm môn đệ của Ngài, thì phải từ bỏ không những là của cải, mà còn từ bỏ cả những người mà chúng ta yêu mến nhất. Nghe vậy, các Luật sĩ nghĩ ngay rằng: chỉ có Thiên Chúa mới đòi hỏi như thế.
Thật vậy, Cha Didon viết: “Chỉ mình Chúa Kitô mới có thể đòi hỏi đức tin tuyệt  đối và một tình yêu không biên giới, vì Thiên Chúa là tất cả của con người”.
Chính vì Thập giá mà Chúa Kitô đã mua luật ưu tiên tuyệt đối. Ngài nói với toàn thể nhân loại: “Chính ngươi được coi trọng”. Và nhân loại chỉ có thể trả lời: “Không, chính Chúa mới được coi trọng”. Tình yêu điên rồ của Chúa Kitô đã khơi dậy qua nhiều thế kỷ câu trả lời cũng điên rồ của biết bao vị thánh: Mẹ Têrêsa đã cống hiến đời mình cho người nghèo, cha Kolbe chết thay cho người bạn tù, cuộc ra đi nơi những miền xa xôi mà tính mạng bị đe doạ của nhiều nhà truyền giáo.
Thánh nữ Têrêsa viết thư cho cha Roulland: “Chúa chúng ta đã muốn cái nhìn đầu tiên của con cho một mình Ngài và yêu cầu trái tim con cho Ngài ngay từ khi con còn ở trong nôi”.
Tuy nhiên, xác nhận Chúa Giêsu là trên hết trong suốt cuộc đời chúng ta đâu phải là dễ. Thế giới hôm nay người ta thần tượng hoá các siêu sao và làm đủ mọi cách để bắt chước các siêu sao đó, thế mà Chúa Giêsu lại đòi hỏi chúng ta phải giành ưu tiên cho Ngài hơn cả các siêu sao và hơn cả những người thân của chúng ta.
Tình yêu ưu tiên cho Chúa Kitô không có nghĩa là không được yêu những người thân. Chúa Kitô không yêu cầu chúng ta ghét người thân. Chúa Kitô không muốn chúng ta loại bỏ điều răn thứ bốn: Thảo kính cha mẹ. Ngài đã khen ngợi người cha của đứa con hoang đàng mở rộng cánh tay ôm lấy đứa con đã mất nay được tìm thấy. Ngài đã tham dự tiệc cưới Cana, và không muốn người chồng của tiệc cưới đó phải bỏ vợ để theo Ngài. Trên thập giá, Ngài lo lắng cho mẹ Ngài và vì thế, Ngài đã lối mẹ Ngài cho Thánh Gioan.
Nhưng yêu mến người thân không có nghĩa là thần tượng hoá người thân và coi người thân như chúa của mình. Ngài biết rõ cơn cám dỗ của mọi thời đại là thần tượng hoá đối tượng mình yêu. Các thần tượng thì không bao giờ bền vững, một ngày nào đó thần tượng cũng phải chết. Thần tượng nhiều lúc cũng làm chúng ta thất vọng, vì thần tượng không phải là Thiên Chúa.
Yêu mến người thân không được dừng lại tình yêu của mình vào người thân. Nhưng qua người thân, chúng ta hướng về Thiên Chúa là Đấng đang mời gọi chúng ta. Đôi lúc chính chúng ta cũng phải nói với người thân rằng: bạn đừng ngạc nhiên khi tôi làm bạn thất vọng, đó là chuyện bình thường, vì tôi không phải là Thiên Chúa.
Sự thất vọng đó sẽ có một điểm lợi là giúp chúng ta khám phá ra chỉ mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy khát vọng của chúng ta. Vì tình yêu giữa con người với nhau chỉ là tương đối, nên Chúa Kitô giúp chúng ta chấp nhận sự bất toàn không thể tránh khỏi người mà chúng ta yêu và đừng quên rằng chúng ta được dựng nên vì một Tình Yêu khác, chỉ tình yêu đó mới làm chúng ta thoả mãn.
Khi đặt tình yêu đối với người thân đúng chỗ, trái tim chúng ta có thể mở ra cho Chúa Kitô bằng một tình yêu toàn diện và không tính toán. Chúa Kitô được yêu mến đầu tiên, được tìm kiếm đầu tiên, được muốn đầu tiên và được theo đầu tiên.
Theo Chúa Kitô không phải là chuyện hiển nhiên. Hàng ngàn thứ vướng víu trên trái đất này lôi kéo chúng ta: những ngôi biệt thự đầy đủ tiện nghi, ngồi xem tivi giải trí với những trò chơi hoặc những bộ phim hấp dẫn, những món ăn cao lương mỹ vị, mệt nhọc vì quãng đường dài, chủ nghĩa ích kỷ vẫn bám lấy chúng ta hằng giây phút. Khi nghe lời mời gọi của Chúa Kitô, chúng ta thường đánh lừa Chúa và tìm lý do thoái thác: “Ngày mai con sẽ bắt đầu!...Con đợi một cuộc tĩnh tâm…”. “Lạy Chúa, các thánh thường xin Chúa một thánh giá nặng. Giống như thánh giá của Chúa. Phần con, con chỉ xin Chúa một chút nhỏ của thánh giá thôi. Ôi, con không hề muốn cái chết của Chúa đâu. Chúa đừng nghiền nát con! Con chỉ muốn cái đầu của con xa mão gai thôi”.
Theo Chúa Kitô là rất khó, là bước đi ngược dòng với thực tế của thời đại. Chọn lựa thập giá có thể phải chấp nhận những đổ vỡ đau khổ. Thánh Inhaxiô Antiokia đã nói khi Ngài sắp sửa chịu tử đạo: “Đối với tôi tốt nhất là bám lấy Chúa Giêsu Kitô còn hơn là thống trị toàn thể trái đất. Tôi tìm kiếm Ngài, vì Ngài đã chết cho chúng ta; tôi ước ao Ngài vì Ngài sống lại cho chúng ta. Các anh em của tôi, hãy tha thứ cho tôi, nhưng đừng ngăn cảm tôi tử đạo. Hãy để tôi bắt chước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô”! Chúng ta không giống như Ignatio, thì ít ra hãy cố gắng bước theo Chúa Kitô trên con đường thập giá của Ngài:
- Nếu bạn thuộc loại Simon Syrênê, hãy vác đỡ thập giá cho anh chị em chúng ta. Hãy giúp họ vác dù chỉ là một sự hiện diện hoặc một nụ cười.
- Nếu bạn là một Veronica, hãy lau khuôn mặt của Chúa Kitô đã bị biến dạng trong bạn vì tội lỗi của bạn.
- Nếu bạn là Nicôđêmô, hãy săn sóc những người chịu đau khổ thân xác cũng như tinh thần bằng thuốc thơm tình yêu của bạn.
- Nếu bạn là Maria, hãy đứng vững dưới chân thập giá như cây sồi trong cơn bão táp.
- Nếu bạn là Maria  Mađalêna, hãy yêu và yêu điên rồ.
Sách Gương Chúa Giêsu dạy: “Bạn hãy để cho Chúa Kitô đi vào trong tâm hồn bạn. Khi bạn đã chiếm lãnh Ngài, bạn sẽ giàu có, vì Ngài sẽ làm cho bạn đầy đủ …Nếu chỉ một lần bạn đi vào tương quan mật thiết với Ngài cách trọn ven, nếu bạn đã nếm thử chỉ một chút tình yêu bốc cháy của Ngài, lúc đó bạn sẽ không còn tính toán cái gì là hạnh phúc hay không hạnh phúc cho bạn nữa”.

 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

==============
Suy Niệm II
Để Làm Môn Đệ Chúa
 (Lc 14, 25 - 33)  

Bài đọc I Chúa nhật XXIII thường niên C dạy chúng ta rằng: "Những ai sống đẹp lòng Chúa từ ban đầu, thì được ơn cứu độ nhờ sự khôn ngoan" (Kn 9,18). Vì theo Thánh Kinh, sự Khôn ngoan của Thiên Chúa đồng nghĩa với Lời Chúa. Từ đó, nghe lời sự Khôn ngoan là căn tính đầu tiên của người môn đệ Đức Kitô, Lời Thiên Chúa nhập thể.
Đức Giêsu Kitô là Lời Thiên Chúa, là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (1Co 1, 24, 30 ) cất tiếng mời gọi con người, cách riêng là người môn đệ, chẳng những lắng nghe, đi theo, mà còn phải hy sinh, từ bỏ nữa: "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta" (Lc 14, 26-27).  Nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu ở trên, mỗi người chúng ta nói gì và trả lời ra làm sao ? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Đức Giêsu, đòi hỏi thật gắt gao. Ai muốn theo Chúa, phải từ bỏ tận căn, không những của cải, người thân thiết nhất, mà cả những tiện nghi, kế hoạch riêng, sự quyến luyến, những giao tiếp hợp pháp và thậm chí cả chính mạng sống mình nữa nữa. Người yêu cầu phải “bỏ” cha mẹ, vợ con, anh em, chị em.
Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Đức Giêsu, người ta phải thay thế tình yêu đối với người thân cận bằng sự từ bỏ đối với họ? Không phải thế, Đức Giêsu đòi hỏi người môn đệ phải phân định và lựa chọn giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Đức Giêsu yêu cầu con người dành cho Người một vị trí đặc biệt và cao nhất.
Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải … mà là cái tôi. Cái tôi cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Đức Giêsu, nên Người thêm: "Ai không vác thập giá mình mà theo, thì không thể làm môn đệ Ta" (Lc 14, 27). Đức Giêsu có thích khổ đau và thập giá không? Không, Đức Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Người thích. Nhưng Người vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Đức Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là từ bỏ cái tôi, từ bỏ những ước muốn xấu, những lời chua cay, nóng nảy, giận hờn, từ bỏ tính kiêu căng, thói tham lam, để chúng ta thoát khỏi những đam mê vật chất, hầu sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Cơ bản, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa chúng ta khỏi căn bệnh ghê sợ là "sự trì trệ", ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.
Không phải ngẫu nhiên Đức Giêsu nói đến "Thập Giá". Vác thập giá bước theo Đức Kitô không phải là vác đi với những bước nhẹ nhàng. Vác lấy thập giá mà theo có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Nhưng chúng ta không vác thập giá một mình, vì có Chúa cùng đi, Người đi trước để chúng ta tiếp bước theo sau, Người đi mau để chúng ta được lúi kéo dắt dùi, Người nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.
Quyết định theo Đức Giêsu, là gạt bỏ tất cả, hướng về Chúa là sự giàu có đích thực của chúng ta, không gì hơn Chúa, không đặt cái gì trước Chúa, toàn bộ phải qui hướng về Chúa, Chúa cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta dùng mọi cách để đi đến tận cùng là trở nên những môn đệ. Theo Đức Kitô, chúng ta không mất gì hết, chúng ta được tất cả. Như Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong bài giảng khai mào sứ vụ Giám mục Rôma: "Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do". Với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín lớn lao, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Đức Giáo hoàng nói với chúng con rằng: "Anh em đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật." (Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, 24/4/ 2005).
Lạy Chúa, trong niềm tin, chúng con muốn từ bỏ tất cả để đi theo Chúa, nhưng trên đường đi, chúng con sợ bị mất một phần của đời sống, sợ mất tự do, sợ đau khổ, sợ không có khả năng, không thực sự muốn bước đi theo Chúa và trở thành môn đệ Chúa. Lạy Chúa, chúng con dâng cho Chúa ước muốn theo Chúa của chúng con và chúng con mở cửa lòng mình cho Chúa. Lạy Chúa, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo, hiệp nhất với Chúa cho đến trọn đời. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log