Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXI Thường Niên - Năm C

Cập nhật lúc 15:01 19/08/2016
"Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa" (Lc 13, 29)
 Suy Niệm I
Hãy vào qua cửa hẹp
------------------------------
 
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, người ta có thể đặt câu hỏi: “Khi nói về những ai muốn được cứu độ thì phải qua cửa hẹp, Chúa Giêsu muốn nhắm tới hạng người nào” ?
- Đương nhiên là người ta có thể nghĩ ngay là Chúa Giêsu nhắm tới các Luật sĩ và Pharisieu là những người biết rõ lề luật nhưng lại giữ luật theo mặt chữ chứ, mà không luôn giữ bằng tinh thần.
- Rồi người ta cũng có thể nghĩ là Chúa Giêsu nhắm tới những người Nagiaret, đồng hương với Chúa, đã thấy Chúa lớn lên và họ sẽ cầu cứu Chúa với tư cách là người đồng hương, thế nào Chúa cũng sẽ cho vào cõi vĩnh hằng: Họ nghĩ khi còn nhỏ mình cũng chơi với Con Thiên Chúa, cũng ngồi chung ghế trong hội đường, thế nào Ngài cũng tạo cơ may được vào Nước Thiên Chúa.
Vậy nếu những hạng người này phải chen chúc nhau qua cửa hẹp để vào nước trời, thì chính chúng ta cũng vậy!
Ngay từ thuở nhỏ chúng ta đã là những đứa con cưng của Thiên Chúa:
- Chúng ta được chọn trong muôn người để được Rửa Tội bằng nước và bằng Thánh Thần.
- Chúng ta, những người kitô đã đươc nuôi bằng Lời và Bánh Hằng Sống. Chúng ta không có lý do nào để không biết điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi chúng ta. Tin Mừng của Ngài là quá rõ ràng.
- Chúng ta là những người quá dư thừa về nền tu đức và quá quen với các Bí tích.
- Chúng ta nghĩ rằng mình đã có một đảm bảo tốt để vào cõi vĩnh hằng. Cửa hẹp, đó là chặng đường bó buộc đối với tất cả những ai được ưu tiên, những người con cưng của Thiên Chúa ngay ở trần gian này. Cửa hẹp giúp đạt tới những vị trí tốt nhất của cuộc sống mai sau. Tuy nhiên, để vào qua của hẹp, đòi hỏi phải cố gắng nhiều: “Nước trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được”.
- Hãy vào qua cửa hẹp, là tất cả những Kitô hữu hững hờ, ngây thơ lạc quan, sẽ đều phải len lỏi để vào nước trời. Thánh Basile de Césarée nói: “Thiên Chúa thì rất tốt lành, nhưng không phải vì thế mà chúng ta tìm cớ để mà chểnh mảng”.
- Hãy vào qua cửa hẹp, là những người kitô dù không làm gì xấu cho ai, nhưng có thể không làm điều tốt.
- Hãy vào qua cửa hẹp, là những người kitô câm điếc: điếc vì không nghe lời mời gọi của Tin Mừng và câm vì không loan báo Tin Mừng.
- Hãy vào qua cửa hẹp, là những người kitô cậy dưạ vì đã đeo ảnh thánh giá trên cổ.
- Hãy vào qua cửa hẹp, là những người đợi một tuần tĩnh tâm nào đó để trở về.
Vì thế chúng ta hãy cố gắng để đừng làm Thiên Chúa thất vọng và hãy xông vào cửa hẹp. Hãy tìm đủ cách để vào vì đó là cửa cuối cùng, vì đó là ngày đại lễ, đó là tiệc cưới và có một ai đó đang đợi chúng ta. Chúng ta được mời vào dự tiệc cưới muôn đời. Chúng ta đừng làm nản lòng sự nhẫn nại của Thiên Chúa.
- Mẹ Têrêsa Calcuta nói: “đời sống là một cuộc chiến, hãy chấp nhận chiến đấu. Đời sống là một mạo hiểm. Hãy sống mạo hiểm”.
- Thánh Grégoire de Narek nói:“Tôi tìm kiếm không phải là sự an nghỉ, nhưng là tìm kiếm dung nhan của Đấng ban cho tôi sự an nghỉ”.
Dù thế giới hôm nay đang sống trong tình trạng hưởng thụ, không đi qua cửa hẹp, nhưng chúng ta vẫn hy vọng nơi những bạn trẻ có khả năng trao ban mạng sống mình trong đời sống tu trì để có một tâm hồn quảng đại hy sinh chiến thắng bản thân.
Thật là vô ích nếu có quá nhiều hành lý để vào qua cửa hẹp! Hãy để lại những bằng cấp, danh vọng và cả bản danh sách dài những công trạng của chúng ta. Thánh Phaolo nói: “Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát”.
Hãy vào qua cửa hẹp, không có nghĩa là chỉ mong cho một mình chúng ta được vào. Chúng ta sẽ không vào qua cửa hẹp bằng cách đi trên đầu người khác hoặc đè bẹp những người yếu. Giúp đỡ người khác được cứu độ chính là cứu độ chính mình.
Nếu Chúa Giêsu mời gọi những ai được chọn phải vượt qua chính mình, nếu Ngài nói rằng những người sau hết sẽ trở nên người trước hết, đó là vì Ngài muốn họ hiểu rằng trải qua nhiều thế kỷ có nhiều người không có may mắn biết Tin Mừng ngay từ đầu. Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa của tất cả mọi người: Người muốn tất cả mọi người được cứu độ. Người sẵn sàng mở cửa Nước Trời, cửa của trái tim Người để đám đông những người không biết Chúa Kitô mà vẫn giữ đạo lương tâm của họ cũng được vào.
Đúng thế, trái tim Thiên Chúa rất quảng đại, đó là một cửa nhưng 2 cánh. Người mong muốn tất cả mọi người được thăng tiến. Chúng ta có tin rằng Thiên Chúa có thể thờ ơ trước 2 tỉ người còn chưa biết Đấng đã chết cho họ là Chúa Giêsu Kitô, Con của Ngài không? Hoặc biết bao nhiêu người chết vì bệnh Siđa hay vì chiến tranh chủng tộc tại châu Phi, chả nhẽ Ngài lại không thương xót họ sao?
Chính vì những người đau khổ này mà Ngài đã yêu họ. Chính vì những đao phủ giết người mà Ngài đã tha thứ cho họ. Chính vì những người tội lỗi mà Người đã giành quyền ưu tiên cho họ và phục hồi cho họ phẩm giá.
Vâng, những người tội lỗi sẽ có chỗ của họ trong cõi vĩnh hằng, họ sẽ là dấu chỉ sáng ngời về lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, đồng thời họ cũng chỉ cho chúng ta thấy rằng điều mà ở trần gian này Thiên Chúa không làm. Như vậy, Thiên Chúa, Đấng bị những người từ chối vào dự tiệc, sẽ chia thiệp mời cho tất cả những ai bé mọn, nghèo khó, bị bỏ rơi và tội lỗi vào dự tiệc vui muôn thuở.
Đối với chúng ta, những người được Thiên Chúa cưng chiều, thì ngay lúc này là lúc chúng ta nên đọc lại chương 2 và chương 3 của sách Khải Huyền. Mặc dù tin tưởng vào tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, chúng ta phải đón nhận những câu khá dữ dội của Thánh Gioan sau đây:
“Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu…Ta biết các việc ngươi làm, biết ngươi được tiếng là đang sống, mà thực ra đã chết. Hãy tỉnh thức! Hãy củng cố chút sức còn lại đang suy tàn, vì Ta nhận thấy các việc của ngươi không được hoàn hảo trước mặt Thiên Chúa của Ta…Ta biết các việc ngươi làm; ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”.
Khi nghĩ về thái độ ân cần như vậy của Thiên Chúa Đấng đang chờ đợi, tha thứ và tiếp tục ban ơn , chúng ta  cứ để cho Lời Chúa gợi lên trong chúng ta như là lời cảnh tỉnh cần thiết đối với lỗi lầm và thái độ dửng dưng tôn giáo không nóng không lạnh của chúng ta.
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===========
Suy Niệm II
Muốn Cứu Độ Hết Mọi NgườiChúa
Lc 13, 22- 30

"Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ: chúng sẽ đến và nhìn thấy vinh quang của Ta" (Is 66,18). Những lời trên của tiên tri Isaia, được vang lên trong phụng vụ, làm nổi bật chủ đề về ơn cứu độ phổ quát. Quả thật, bước vào Chúa Nhật XXI thường niên C, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta can đảm đi vào cửa hẹp là cửa dẫn tới ơn cứu độ phổ quát đời đời, đúng như Tin Mừng Luca loan báo: "Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa" ( Lc 13, 30)
Hiến chế Ánh sáng muôn dân số 1-2 của Công Đồng Vaticanô II khẳng định: Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô, nên Thánh Công Ðồng đang nhóm họp trong Chúa Thánh Thần hết lòng mong ước soi dẫn mọi người bằng ánh sáng của Chúa phản chiếu trên dung nhan Giáo Hội, bằng việc rao truyền Phúc Âm cho mọi tạo vật (x. Mc 16,15). Vì Giáo hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại... Những hoàn cảnh hiện tại làm cho nhiệm vụ của Giáo Hội thêm khẩn thiết hơn, để ngày nay mọi người liên hệ chặt chẽ hơn bởi nhiều ràng buộc xã hội, kỹ thuật, văn hóa, cũng được hiệp nhất trọn vẹn trong Chúa Kitô.
Bởi ý định khôn ngoan nhân lành, hoàn toàn tự do và mầu nhiệm, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ; Ngài đã quyết định nâng loài người lên tham dự đời sống thần linh, và Ngài đã không từ bỏ con người sa ngã trong Adam, nhưng luôn ban sự trợ giúp để họ được cứu rỗi, nhờ Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, Con đầu lòng của tạo vật" (Col 1,15). Thực vậy, từ muôn thuở tất cả mọi người được tuyển chọn, Chúa Cha "đó được trở nên Trưởng Tử trong nhiều anh em" (Rm 8,29). Thế nên Chúa Cha muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội. Từ nguyên thủy, Giáo Hội được phác thảo bằng hình bóng, được chuẩn bị kỳ diệu trong lịch sử dân Israel và trong giao ước cũ, được thành lập trong thời cuối cùng, và được biểu hiện lúc Chúa Thánh Thần ngự xuống, rồi đến ngày tận thế sẽ kết thúc trong vinh quang. Bấy giờ, như chúng ta đọc thấy nơi thánh Grêrôriô I, mọi người công chính từ Adam, "từ Abel công chính đến người được tuyển chọn cuối cùng" sẽ được tập họp trong Giáo Hội phổ quát bên Chúa Cha. Hiến chế Giáo hội "Lumen Gentium", 1-2
Bài đọc I, Isaia khuyến khích dân chúng lưu đầy trở về, đây là điều cần thiết. Trên đường hồi hương, phải nhiệt thành không trễ nải, vì Đền thờ bị phá hủy, vua bị truất ngôi, đất đai bị người ngoài chiếm đóng. Giữa lúc đó, dân ngoại sống trà trộn với dân Do thái không đi đày, và dân Do thái tự hỏi nhau: Thiên Chúa mà cha ông họ ở Giêrusalem tin có còn không ? Isaia cho biết Thiên Chúa vẫn giữ với lời hứa: "Ta đến quy tụ mọi dân tộcsẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc đến như của lễ dâng cho Chúa, họ cưỡi ngựa, đi xe, đi võng, cưỡi la, cưỡi lạc đà, đến núi thánh của Ta là Giêrusalem". (Is 66, 18-21)
Về phần mình, Thiên Chúa sẽ hoàn tất lời hứa. Trên thực tế, kiểu nói, "sẽ dẫn tất cả anh em các ngươi từ mọi dân tộc" dân ngoại, nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng là lời hứa tất cả mọi dân trên toàn cõi địa cầu. Ở đây, lời hứa: ơn cứu độ phổ quát cho toàn dân. Từ nay, anh em sẽ được hiểu là dân ở giữa dân ngoại. Quả thật, Thiên Chúa loan báo: "Ta đến quy tụ mọi dân tộc và mọi ngôn ngữ", và Ngài kết luận: "Trong những dân đó, Ta sẽ chọn các tư tế, các thầy Lêvi".
Vậy là Thiên Chúa tự mạc khải mình là Đấng trung thành, giữ trọn điều đã loan báo. "Vì tình thương Chúa dành cho chúng tôi thực là mãnh liệt, và lòng trung thành của Chúa tồn tại muôn đời" (Tv 116,2).
Thư gửi tín hữu Do thái nói với chúng ta rằng "Khi Thiên Chúa yêu ai, thì Ngài sửa dạy người ấy, vì Chúa sửa dạy ai là kẻ Người yêu mến, và đánh đòn kẻ mà Người chọn làm con. Trong khi được sửa dạy, anh em hãy bền chí. Thiên Chúa xử sự với anh em như con cái: vì có người con nào mà cha không sửa phạt" (Dt 12, 5-7.11-13).
Thiên Chúa không muốn cứu chúng ta mà không cần chúng ta! Và đây chính là lý do Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi vào cửa hẹp. Các bản văn Chúa Nhật tuần này gợi lên câu hỏi về tương quan giữa ta với Thiên Chúa. Nghe lời Đức Giêsu dạy mà thôi chưa đủ, cần phải sẻ chia cùng tấm bánh là chính Đức Giêsu, để được cứu chuộc. Chúng ta cam kết với nhau hoán cái, không ngừng đào sâu tương quan của chúng ta với Thiên Chúa khi đổi mới cách nghĩ của chúng ta và từ bỏ gắn bó với những thứ không cần thiết ở thế giới chóng qua này. Nói cách khác, chúng ta ngoảnh mặt trước cái tôi vụ lợi, lôi kéo chúng ta xa rời Thiên Chúa. Chính Ngài là cửa hẹp (x. Ga 10). Chỉ có nơi Thiên Chúa, chúng ta mới có thể được cứu độ và được phục sinh, vượt qua cái chết với tất cả những quan niệm hạ giới để bước vào thượng giới của Thiên Chúa.
Lạy Chúa là Thiên Chúa trung thành, xin ban ơn sức mạnh cho chúng con, để với ơn Chúa, chúng con có được Chúa là Đấng mang lại cho chúng con gia nghiệp muôn đời Chúa hứa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============
Suy Niệm III
HÃY VÀO CỬA CỦA SỰ SỐNG
Is 66,18-21; Dt 12,5-7.11-13; Lc 13,22-30)
 
Thiên Chúa là Cha yêu thương hết mọi người, vì thế, Người không loại trừ ai. Khi đến trong trần gian, Đức Giêsu đã thi hành sứ mạng ấy và không ngừng loan báo về lòng thương xót của Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng, sứ mạng này đã không làm cho người Dothái hài lòng, bởi lẽ họ luôn nghĩ chỉ mình dân tộc Israel mới được Thiên Chúa thương và cứu chuộc, còn các dân tộc khác chỉ là dân ngoại.
Chính vì lý do này, mà hôm nay, một người đã đứng lên hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít, phải không Thầy”?
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không trả lời cho biết số lượng và thành phần được cứu, mà nhân cơ hội này, Ngài đã vạch ra cho họ một con đường để được cứu chuộc, đó là: “Hãy chiến đấu qua cửa hẹp mà vào” (Lc 13,24).  

1. Bối cảnh tạo nên lời giáo huấn

Thánh sử Luca trình thuật cho chúng ta thấy câu chuyện được đặt vào giai đoạn Đức Giêsu tiến về thành Giêrusalem nhân dịp lễ Cung hiến Đền thờ.
Trên hành trình này, Đức Giêsu đã rảo qua các làng mạc, thị trấn để giảng dạy cho dân chúng. Ngài dạy họ phải sám hối, cầu nguyện và từ bỏ những thứ trái ngược với đức tin và đạo lý Tin Mừng để được cứu chuộc.
Khi nghe Đức Giêsu giảng, có một người đã cất tiếng hỏi Ngài: “Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít được cứu rỗi?” (Lc 13, 23). 
Câu hỏi này mang tính tập thể, bởi vì nó được khởi đi từ quan niệm độc tôn chủng tộc của người Dothái. Bởi vì người Dothái luôn nghĩ rằng: chỉ có những người thuộc dòng dõi con cháu Abraham, và phải ở trên phần đất mà cha ông truyền lại, hay ít ra là phải nói tiếng Dothái, vì đây là Tiếng Thánh, rồi phải sớm tối đọc kinh Shema thì mới được cứu độ.
Khi quan niệm như thế, họ đã loại bỏ hết những thành phần của các dân tộc khác và không chấp nhận lời rao giảng của Đức Giêsu về ơn cứu độ phổ quát cho mọi dân tộc.
Thừa hiểu được tâm trạng tự kiêu, tự đại, độc tôn, đặc lợi mà những người Dothái tự nhận cho mình, Đức Giêsu đã dạy cho họ một bài học.
Tuy nhiên, Ngài đã không trực tiếp trả lời câu hỏi được đưa ra. Bởi lẽ Đức Giêsu đến không phải để thỏa mãn tính tò mò của con người. Vì thế, Ngài từ chối trả lời các câu hỏi phụ thuộc.
Thật vậy, nếu trả lời là: “Chỉ có một số ít được vào”, thì phải chăng lại khơi lên tính tự mãn nơi dân tộc vốn có cái nhìn ích kỷ và hẹp hòi này, và lẽ đương nhiên, họ không cần cố gắng nữa vì nghĩ rằng: số ít ấy chính là dân tộc Dothái. Còn nếu Đức Giêsu nói là: “Số người được cứu sẽ rất đông”, thì cũng sẽ làm cho mọi người thờ ơ, ỷ lại và cũng không cần cố gắng làm chi, vì đàng nào thì ơn cứu chuộc cũng sẽ đến với mình.
Chính vì lý do trên, mà Đức Giêsu đã không trả lời theo số lượng, nhưng Ngài nhắm tới phẩm chất. Bởi vì: ơn cứu chuộc là của Thiên Chúa, và Ngài ban cho hết mọi người, mọi nơi và mọi thời, miễn sao những người muốn được cứu phải đi theo con đường của Thiên Chúa.
Chính thánh Phaolô cũng đã xác quyết rằng: “Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta muốn cho mọi người được cứu độ” (1Tm 2,4). Và Đức Giêsu thì nói: “Cha các con Đấng ngự trên trời, không hề có ý để hư đi một người nào trong những kẻ bé mọn này” (Mt 18,14).
Nói như thế, không có nghĩa là cứ muốn vào là được, hay cứ ngồi lỳ và ỷ nại vào ơn Chúa, lại càng không phải cậy dựa vào uy thế của bản thân, hay dân tộc... Điều này cũng được Gioan Tẩy Giả nhắc nhở những người Pharisêu và Sađucêu: “Đừng ỷ mình là con cháu tổ phụAbraham…” (Mt 3,7t).
Vì thế, muốn được cứu, phải chiến đấu để mà vào. Không cố gắng sẽ chẳng được vào, vì con đường đưa tới ơn cứu chuộc là con đường hẹp.

2. Muốn vào được Nước Trời, phải đi qua cửa hẹp

Khi nói đến vấn đề cửa hẹp, chúng ta cần hiểu biết thêm rằng:
Ở đất nước Dothái thời Đức Giêsu, dân chúng sống trong các thành phố và làng mạc được bao bọc bởi những bức tường thành. Thời đó không có đèn điện. Vì thế, khi trời tối, các cổng dẫn vào thành phải được đóng cẩn thận và các cửa vào nhà cũng được đóng kín để tránh nguy cơ trộm cướp ban đêm.
Chính vì thế, mà những người đi ra khỏi thành, nếu về trễ thì không thể vào được cổng chính, vì các cổng chính đã đóng chặt và không ai dám mở cửa cho vì sợ kẻ thù tấn công...
Họ chỉ có thể lách vào các cổng phụ, còn gọi là cửa hẹp. Người Dothái cũng gọi cửa này là: “Mắt của cái kim”. Vì thế, chúng ta mới hiểu tại sao thánh sử Luca có nhắc đến ở chương 18, câu 25: "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. “Lỗ kim” ở đây chính là “cửa hẹp”. Thời đó người đi buôn thường chất đầy hành lý trên lưng lạc đà, muốn qua cửa hẹp thì phải vứt bỏ hết tất cả, và con lạc đà phải khom mình, quỳ gối thì mới mong lọt qua cửa này.
Khi Đức Giêsu lên tiếng mời gọi bước qua cửa hẹp, ấy là Ngài muốn mời gọi người đương thời phải từ bỏ những thứ không cần thiết và sẵn lòng bước qua cửa hẹp. Lời mời gọi ấy chính là biết sống chừng mực, thực thi huấn lệnh của Thiên Chúa cách trung thành và biết hy sinh cũng như chấp nhận mọi khó khăn... phải sống tự chủ và sống có trách nhiệm.
Tuy nhiên, không phải dửng dưng và nghĩ rằng: muốn vào lúc nào thì vào, không! Phải bước vào đúng lúc, đúng nơi, đúng giờ, vì: “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại(Lc 13,25).
Như vậy, lời mời gọi phấn đấu để vào qua cửa hẹp, ấy chính là sự hoán cải thường xuyên.
Dựa theo tư tưởng của thánh Phaolô, chúng ta có thể hiểu “qua cửa hẹp” là phải chiến đấu, cuộc chiến đấu cho đến cùng đường, phải đi vào con đường hẹp của Thập giá, phải can đảm chống lại sự lôi cuốn của ba thù, không thỏa hiệp, không nhân nhượng với chúng.

3. Sứ điệp Lời Chúa

Con người thời nay thường chịu ảnh hưởng bởi nền văn minh hưởng thụ. Họ có khuynh hướng ăn sổi ở thì, chụp giật chớp nhoáng...
Lựa chọn này không chỉ dừng lại ở ngoài xã hội, nhưng nó còn ảnh hưởng và chi phối ngay cả đến đời sống đạo của nhiều người tín hữu. Vì thế, dù có đạo hay không có đạo, dù là Công Giáo hay tôn giáo khác, người ta thường chọn cho mình một sự thoải mái dễ chịu, không muốn gò bó.
Chẳng hạn như: theo đạo nhưng không muốn thực thi Lời Chúa, vì Lời Chúa làm ta phải dẹp bỏ nhiều thứ không phù hợp. Đi lễ phải lựa chọn cha. Cha nào giảng ngắn, giảng hay thì đi... Ít khi đi sớm, đến cận kề giờ lễ mới tới. Đến rồi thì viện đủ mọi lý do để ở ngoài theo kiểu đi lễ “ôm” và đi lễ “lòng vòng”. Lại có người thích giữ đạo theo kiểu “gốc cây”. Họ cũng chọn nhà thờ, nào là nhà thờ đẹp, rộng thoáng mát, và có ghế nệm êm, máy lạnh...
Khi tham dự Thánh lễ, nếu cha giảng những giáo huấn của Giáo Hội mà đụng chạm đến cuộc sống của ta là khùng lên và tỏ vẻ khó chịu...
Lại có những người thường ưa nói hành, nói xấu người khác hơn là nhận ra và đón nhận điều tốt nơi anh chị em. Hay vẫn còn những người dùng tiền của công khó của cha mẹ, bản thân hay của người khác vào những chuyện bất chính... Rồi cũng không thiếu những bạn trẻ lao mình vào rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút chích...
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng “đi qua cửa hẹp”, tức là phải từ bỏ những thứ không cần thiết và hãy cố gắng để  thay đổi cách sống cho phù hợp với đạo lý Tin Mừng. hãy biết cẩn trọng trong việc lựa chọn, bởi vì, cửa hẹp sẽ đẫn đến sự sống, còn cửa rộng và lối thênh thang như tiền của, sắc dục, và sự dễ dãi sẽ dẫn đến cái chết trầm luân muôn kiếp. Mặt khác, Lời Chúa còn nhắc cho chúng ta biết vào đúng lúc, đúng giờ, bởi vì: hãy sám hối khi ta còn có thể và có cơ hội, kẻo lỡ quá muộn, chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa, lúc đó không ai cho vào và như một lẽ tất yếu, chúng ta sẽ bị quăng vào nơi khóc lóc và nghiến răng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đi trên con đường của Chúa đã đi, đó là con đường hẹp. Xin cho chúng con luôn biết khước từ những con đường thênh thang rộng rãi, vì con đường này sẽ dẫn đến diệt vong. Amen.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log