Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XIX Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 08:57 05/08/2016
"Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12,40)
Suy Niệm I
“Anh em hãy sẵn sàng”
------------------------------------------
Tại Paris có một câu chuyện xẩy ra như thế này: Một hôm, vào Thánh lễ Chủ Nhật, cha xứ thông báo một tin rất giật gân: “Chủ Nhật tuần sau, chính Chúa Giêsu sẽ hiện đến cụ thể bằng xương bằng thịt trong ngôi nhà thờ này”. Thế là mọi người chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp Chúa. Nhưng khổ một nỗi Chúa Giêsu lại đến vào đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ Nhật trước lúc mở của nhà thờ. Sáng đến, linh mục và giáo hữu vào nhà thờ thấy ngôi nhà thờ của họ rất lộn xộn. Mọi nơi mọi xó trên tường, trên ghế, trên bàn thờ và cả trên cửa sổ đều ghi mấy chữ viết nguyệch ngoạc: “Hãy sẵn sàng”. Mọi người thầm nghĩ: Không hiểu ai đã viết như vậy và hãy sẵn sàng để làm gì? Rồi họ quyết định xoá tất cả những chữ đó và đang khi xoá, thì một người giáo dân nói rằng chính Chúa Giêsu đã viết đấy…
Thật vậy, Chúa Giêsu nhắc nhở tất cả chúng ta phải luôn sẵn sàng vì Người sẽ đến vào ngày xế chiều của cuộc đời chúng ta. Người không muốn chúng ta sống xa rời giá trị đích thực.
Có ai trong chúng ta sống mà lại không tự hỏi mình sống để làm gì? Hôm nay Chúa Kitô nói với chúng ta: “Phần con, cái ưu tiên nhất của con là gì? Con sống vì cái gì và vì ai là trước hết? Ai là người chiếm chỗ ưu tiên nhất trong trái tim con? Giá trị của cuộc sống con là gì? Những cái mà con chọn lựa là gì?”
Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II năm 1985 viết thư cho các bạn trẻ: “chúng ta hãy nhìn thế giới, chẳng có gì là đáng mừng: đói khổ, bất công, chiến tranh, thất nghiệp. Các bạn hãy tự hỏi: chúng ta có thể thay đổi được gì? Phần tôi, tôi muốn nói với các bạn: các bạn đừng buông xuôi. Tương lai của thế giới phụ thuộc vào chính các bạn, vào lòng quả cảm của các bạn và sự trao ban của chính các bạn”.
Bổn phận của người kitô chúng ta là phải xây dựng cho thế giới này tươi đẹp. Nhưng sự tươi đẹp đó chỉ có được từ trên cao, chứ không phải từ những chủ thuyết này nọ. Chúa Giêsu đã nói với chúng ta cuộc sống trần thế có ý nghĩa, nếu cuộc sống đó có giá trị đích thực: là nơi để chúng ta bước đi, là công trường rộng lớn cho những người con của Thiên Chúa chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng. Đau khổ của thế giới này không hoàn toàn tránh khỏi, vì như Thánh Phaolô nói: “muôn loại thọ tạo cùng rên xiết và quằn quoại như sắp sinh con”.
Tuy nhiên, chúng ta hãy sống lạc quan: trái đất này là nơi mà con người dù có những yếu hèn và tội lỗi đang cày sâu vất vả, nhưng đang bước theo Chúa Kitô là Đầu đoàn và được Người nâng đỡ. Chúng ta đang sống trên trái đất để chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ đặc biệt: một cuộc gặp gỡ với người chủ đang nhẫn nại đợi chờ để ban thưởng cho các đầy tớ của mình.
“Anh em hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ” (Lc 12, 36). Như vậy là chúng ta đã được báo trước và ngay bây giờ chúng ta chắc chắc rằng cuộc đời chúng ta có một ý nghĩa: vì chúng ta đang bước đi hướng tới một cuộc hẹn gặp! Mỗi một ngày chúng ta tiến một bước hướng tới Đấng đang chờ đợi chúng ta.
Một cách vô thức, ai ai trong chúng ta cũng đều có sự chờ đợi., luôn luôn đợi chờ một điều gì đó: đợi một lá thư, một sự thay đổi cuộc sống, được thăng quan tiến chức, được một người chồng hoặc người vợ như ý. Con người là một hữu thể ước muốn và ước muốn không bao giờ thoả đáng.
Ai trong chúng ta lại không nhận thấy trong mình có một mâu thuẫn không thể chịu đựng nổi?  Một phần chúg ta khám phá ra mình như là tạo vật bị giới hạn trong sự hiểu biết, trong tình yêu, trong khả năng của mình và nhất là thời gian sống. Phần khác, tạo vật hữu hạn lại ước mong cái vô hạn, khát khao sống mãi.
Cơn khát này tại cuộc sống trần gian không thể lấp đầy được. Chỉ một ngày nào đó chúng ta sẽ gặp một Đấng mà chỉ Đấng ấy mới có khả năng lấp đầy cơn khát của chúng ta. Đấng ấy sẽ thết đãi chúng ta như những hoàng tử tại bàn ăn của Người: “chủ sẽ thắt lưng, mời họ vào bàn ăn và đi lại hầu hạ họ”(Lc 12,37). Thánh Augustino có kinh nghiệm hiểu rõ về tất cả những lạc thú trần gian đều làm Ngài thất vọng. Vì thế, Ngài nói: “Tâm hồn tôi khao khát và chỉ được no thoả khi được nghỉ yên bên Chúa mà thôi”.
Nhờ cái nhìn đức tin, chúng ta dễ chấp nhận những bất toàn của cuộc sống trần gian, của người khác. Chỉ có Chúa Kitô mới là hoàn thiện, chúng ta đợi chờ Người và đến khi chết chúng ta sẽ gặp Người, Người sẽ nói với chúng ta: “Hãy vào dự tiệc cưới muôn đời, tiệc cưới không làm thất vọng, tiệc cưới mà chàng rể sẽ lau khô nước mắt”.
Hãy tỉnh thức để khỏi bị bất ngờ. Cuộc đời mỗi người là rất ngắn ngủi. Người Arabi nói rằng: “Cái chết gần chúng ta hơn là mi mắt”. Người thời nay cố sức để quên rằng mình sẽ phải không phải chết, cũng vô ích. Họ vẫn phải tiếp tục nhìn thấy bao người chung quanh cùng lứa tuổi phải chết. Họ tiếp tục nhận thấy những ngày hè trôi đi quá nhanh. Họ không thể tiếp tục nghĩ rằng ngày vĩnh biệt cõi trần sẽ không đến với mình.
Khi chôn cất một người bạn hay một người làng xóm, chúng ta có thể nói với mình rằng: lần sau, ai sẽ sử dụng chiếc xe tang này? Người đào huyệt sẽ đào cái huyệt khác cho ai?
Chúa Giêsu sẽ trả lời: “Anh em hãy tỉnh thức, Thầy sẽ đến bất ngờ không phải như một tên độc ác đến đánh úp chúng con, mà là như một kẻ trộm vào giờ mà anh em không ngờ, ngày hoặc đêm để vui vẻ chứng thực rằng anh em đang đợi Thầy. Thầy rất muốn như vậy”!
Tỉnh thức, không phải là đợi chờ trong sợ sệt và lo âu. Tỉnh thức là ước ao nồng cháy để được gặp người mà mình yêu mến nhất.
 Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
================
Suy Niệm II
Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng
(Lc 12, 32-48)
 
Cuộc sống nói chung thật phong phú, phức tạp, đời của mỗi người chúng ta chẳng bao giờ đơn giản. Có nhiều yếu tố tạo nên đời ta, trong đó yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu là những sự lựa chọn mà ta thực hiện ở mỗi chặng đời khác nhau, nên đời là một chuỗi bất tận những lựa chọn. Mỗi lựa chọn, quyết định khác nhau sẽ bẻ lái cuộc đời theo những hướng khác nhau. Có lựa chọn quyết định đúng, có lựa chọn quyết định sai.
Lời Chúa như khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta. Nếu phụng vụ Lời Chúa tuần XVIII mời gọi chúng ta chọn cái vĩnh cửu và từ bỏ cái tạm thời, thì Chúa nhật tuần XIX này, Lời Chúa nhắc nhớ chúng ta cẩn trọng giữ gìn sự lựa chọn đúng trong mọi nơi mọi lúc. Nhưng để thực hiện được điều trên không phải dễ, đòi hỏi chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng "vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến" (Lc 12,40).
Quê hương đích thực của chúng ta là quê trời, chúng ta đang lữ hành tiến về quê trời vinh phúc, nên phải luôn thức tỉnh sẵn sàng. Đích nhắm ấy chi phối toàn bộ đời sống con người chúng ta; dù muốn hay không, sự hiện hữu của chúng ta trên trái đất này một ngày kia chúng ta sẽ phải đối mặt với cuộc gặp gỡ dứt khoát giữa chúng ta với Chúa, và Chúa sẽ đòi hỏi chúng ta: "Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn"(Lc 12,48). Đó không phải là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta hay sao? Nên chúng ta phải cẩn thận lựa chọn để nhận ra kho báu thực sự là những gì! Đừng để báu vật này ở phía sau như bao nhiêu người khác.
Chúng ta thường dễ bị cám dỗ gắn bó quá nhiều với những gì thuộc thế giới này, như của cải, vật chất là những cái tạm thời chóng qua, không bảo đảm cho chúng ta cuộc sống thật mai hậu, mà quên đi cái bền vững. Nếu như Chúa Giêsu cảnh tỉnh chúng ta: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu" (Lc 12, 15) thì Người cũng khuyên chúng ta: "hãy sắm cho các con những túi không hư nát, và kho tàng không hao mòn trên trời, là nơi trộm cướp không lai vãng và mối mọt không làm hư nát" (Lc 12, 33) nghĩa là tích lũy cho mình kho tàng của sự bền vững là Nước Trời, lúc ấy lòng chúng ta sẽ hướng về đó, vì như Chúa nói: "Vì kho tàng các con ở đâu, thì lòng các con cũng ở đó." (Lc 12, 34)
Chúa đưa ra hai dụ ngôn để khuyên ta phải tỉnh thức và sẵn sàng như người giữ cửa cầm đèn đợi chủ về, lúc nào cũng phải tỉnh thức, phòng khi chủ về lúc bất ngờ. Người canh trộm cũng vậy, vì chỉ cần sơ ý một chút là mất của. Theo Chúa Giêsu, tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ luôn trong tư thế sẵn sàng chờ đón chủ đi ăn cưới về. "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ." (Lc 12, 35 - 37)
Chúa có ý dạy ta phải tỉnh thức, phải ở trong tư thế sẵn sàng gặp Chúa. Như thế, vừa bảo đảm một cuộc gặp gỡ tốt đẹp, vừa thu tích được nhiều của cải thiêng liêng, là những thứ sẽ theo chúng ta về đời sau. Ngày giờ Chúa loan báo trên đây thật quá bất ngờ, vì bất ngờ nên "tỉnh thức" là thượng sách.
Thế giới chúng ta đang sống đây là thế giới của bóng tối, của tội lỗi, đầy dẫy những bất công, những thử thách, những ngang trái, những cám dỗ, những hư hỏng, không thiếu các thiên tai, chiến tranh, bạo lực … Nói như Đức hồng y André Vingt-Trois, một thế giới có nhiều kẻ mượn danh tôn giáo để che đậy hành động giết hại dân lành vô tội, những kẻ nhân danh thần chết để gieo tang tóc, kinh hoàng cho bao người. Phải chăng đó là dấu hiệu của ngày tận thế?
Chúa Giêsu xác nhận sẽ có ngày tận thế, nhưng không phải để tan biến thành hư vô. Sẽ có những dấu hiệu làm nhiều người hoang mang sợ hãi, nhưng đối với các tín hữu, đó là dấu hiệu vui mừng vì mình sắp được cứu độ. Chúa mời gọi chúng ta : "Các con cũng phải sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến." (Lc 12, 40)
Mỗi người chúng ta ngồi đây tự hỏi: Tôi đang chờ đợi điều gì? Con tim tôi đang hướng về điều gì? Lòng tôi có bị vướng vào những hành vi ám muội… ăn uống say sưa, chơi bời dâm đãng, tranh chấp ganh tị… thỏa mãn xác thịt không? (x. Rm 13, 11-14) Trái tim tôi có bị nặng nề bởi những lo âu trần thế không? Những nỗi lo toan về cuộc sống vật chất vắt kiệt sức ta, khiến ta không còn khả năng mở lòng mình ra với Chúa và tha nhân? Trái tim nặng nề nên nhiều người mắc bệnh tim. Trái tim bị kéo xuống cái thực dụng tầm thường ở trên mặt đất, nên con người bị còng xuống, không ngước lên được điều trên cao. Thánh Phaolô bảo chúng ta: "Anh em biết rằng thời này là lúc chúng ta phải thức dậy" (Rm 13, 11). 
Chúa Giêsu dạy chúng ta "hãy tỉnh thức". Vậy mỗi người chúng ta đây hãy thức tỉnh và cầu nguyện, để khi Con Người là Đức Giêsu ngự đến trên mây trời, Ngài thấy chúng ta đang ở tư thế sẵn sàng, đứng thẳng, không phải xấu hổ cúi đầu, không bị ràng buộc bởi đam mê, nhưng vui sướng vì mình đã không uổng công chờ đợi. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

===============
Suy Niệm III
MUỐN ĐƯỢC CỨU ĐỘ: “HÃY TỈNH THỨC”
(Kn 18,6-9; Dt 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48)
 
Trên các trang mạng truyền thông, chúng ta thấy: đêm ngày 14 tháng 7 năm 2016 vừa qua, nhân lễ quốc khánh của đất nước Pháp, tại thành phố Nice đã xảy ra một cuộc khủng bố bất ngờ nhắm vào người dân vô tội. Tên khủng bố đã lái xe cách điên cuồng khi đâm vào những người đang lưu thông trên đường. Không dừng lại ở đó, hắn còn dùng súng và bắn vào đám đông, khiến cho 84 người chết và nhiều người khác bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em.
Xa hơn một chút, trận động đất và sóng thần tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 16.000 người. Không ai biết trước nên chẳng chuẩn bị gì. Khi sóng thần ập tới, nó quét sạch mọi sự. Sau trận động đất đó, chỉ còn lại một đống đổ nát và hoang tàn.
Như vậy, sự sống, sự chết của mỗi người không ai biết trước. Cái chết nó đến với bất cứ ai, vào bất cứ lứa tuổi nào. Vì thế, nhà thơ Nguyễn Khuyến khi nghĩ về thân phận mỏng manh của kiếp người, ông đã thốt lên: “Ôi nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”.
Hôm nay, Đức Giêsu cũng dạy cho các môn đệ của mình bài học: “Hãy tỉnh thức! Hãy sẵn sàng” để được cứu độ.

1. Tỉnh thức, sẵn sàng là thái độ cần của người môn đệ
Nếu Chúa Nhật tuần trước, Đức Giêsu khiển trách nhà phú hộ giàu có là “đồ ngốc”, vì ông ta đã cảm thấy an tâm và cậy dựa vào tiền bạc thái quá mà quên đi phần hồn của mình. Bởi lẽ, ông cũng không biết sử dụng tiền bạc bất chính để mua lấy Nước Trời. Sang Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu đi xa hơn để dạy cho các môn đệ bài học “sẵn sàng”; “tỉnh thức” để đón đợi Chúa đến trong ngày Quang Lâm.
Hãy “thắt lưng cho gọn”, là hình ảnh của những người trong tư thế sẵn sàng. Thật vậy, khi xưa, người Do Thái thường hay may áo với những tua dài, khi đi nhanh hoặc chạy, họ phải vận tua áo vào thắt lưng để cho gọn gàng, như thế, khi di chuyển mới không bị vướng. Đức Giêsu bảo các môn đệ “thắt lưng cho gọn”, là Ngài muốn dạy các ông phải trong tư thế sẵn sàng, để khi cần hành động thì được thanh thoát, nhẹ nhàng, không bị vướng bận vào những chuyện phụ thuộc.
Hãy “thắp đèn cho sẵn”, là hình ảnh của những người trong tư thế chuẩn bị. Họ phải chuẩn bị đèn, dầu, để khi cần phải thắp sáng lúc đêm khua là có ngay, tránh tình trạng đến nơi rồi mới đi tìm, e rằng quá trễ như 5 cô trinh nữ khờ dại.
Qua lời dạy trên, Đức Giêsu muốn nhắc cho chúng ta một sự thật, đó là: ngày Chúa đến không ai biết. Ngài đến như kẻ trộm lúc đêm khua. Ngày đó chính là ngày chết của mỗi người. Vì thế, Đức Giêsu đã mời gọi: hãy tỉnh thức“hãy sẵn sàng” như người đầy tớ chuyên cần: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức”.

2.  Thái độ tỉnh thức của mỗi người chúng ta
Có một câu chuyện giả tưởng kể về một cuộc họp kín của hội đồng Satan, rất nhiều kế sách được đưa ra… nhưng đều bị bãi bỏ hết, chỉ có một ý kiến được tất cả hội đồng nhất trí, đó là sáng kiến của một quỷ già. Quỷ này đưa ra một chiêu thức cám dỗ con người như sau: “Còn lâu mới chết. Cuộc sống còn dài. Vì thế, không vội gì phải gấp rút. Cứ ăn chơi thỏa thích cho bõ một đời. Đợi khi gần chết rồi ăn năn trở lại!”.
Thật thế, không ít người đã vấp phải cạm bẫy này. Họ vẫn cứ ăn chơi trác táng, cờ bạc, rượu chè, trai gái… vẫn sống bất chính, tham ô, bóc lột, thờ ơ trước nỗi khổ của anh em… Họ viện vào lý do là mình còn trẻ, khỏe nên chưa thể chết được, vì thế, để đến khi về già mới hay, đâu có muộn! Thế nhưng trong thực tế đời thường, có biết bao người chết khi tuổi mới đang độ thanh xuân… Có những người chết vì thiên tai, tai nạn, bệnh tật, hay chỉ một cơn gió độc ập đến đã đủ để cướp đi sinh mạng …  Chính vì thế, phải “sẵn sàng” trong tư thế “tỉnh thức”.
Tuy nhiên, tỉnh thức ở đây không có nghĩa là không ngủ, cũng không phải là cứ ngồi ì ra đó và chờ đợi, đôi khi cũng không hẳn là đọc nhiều kinh, xem nhiều sách, hoặc chỉ giữ đạo vì luật... Nhưng tỉnh thức ở đây chính là hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa bằng những việc bác ái, yêu thương; là sám hối, canh tân; là sống đạo và đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng cách trung thành.  Mặt khác, khi tỉnh thức là chúng ta phải chuẩn bị để can đảm đối diện với cái chết. Nói như thánh Phaolô: “mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”. Hay như câu ngạn ngữ sau: “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. 
Đối diện với nó để đón đợi nó. Cái chết đối với người có tinh thần chuẩn bị được ví như một cuộc hẹn của tình yêu. Khi chuẩn bị sẵn sàng như thế, ta thấy cái chết đến với mình bất cứ lúc nào, ở đâu…ta đều thấy an vui, thanh thoát vì đã chuẩn bị.
Như vậy, cái chết đối với người tỉnh thức thì chẳng khác gì một “cõi đi về” .

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn trợ lực cho chúng con, để chúng con can đảm vượt qua những cám dỗ và chuẩn bị cho tốt ngày Chúa đến với mỗi người chúng con khi Chúa Quang Lâm. Xin cũng ban cho chúng con một tấm lòng rộng mở, một tinh thần sẵn sàng, để ngày Chúa đến với mỗi người chúng con như một ngày hội của tin yêu và phó thác. Amen.

Jos.Vinc. Ngọc Biển
 
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log