Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XX Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 10:54 12/08/2016
"Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12, 49)
Suy Niệm I
“Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và mong muốn cho lủa cháy lên”
----------------------
 
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả sứ mệnh và lòng thao thức của Chúa Giêsu khi xuống trần gian: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và mong muốn cho lửa cháy lên”(Lc 12, 49). Phải chăng là ngon lửa mà Gioan và Giacobe đã xin từ trời xuống để đốt một làng thuộc xứ Samaria, vì làng này không đón nhận các tông đồ?
Và một câu nói tiếp theo của Chúa: “Các con đừng tưởng Thầy đến để đem sự bình an cho thế gian. Thầy bảo thật các con: Không phải thế, nhưng thầy đến để đem sự chia rẽ”…(Lc 12, 51) Vậy chúng ta phải hiểu thế nào?
Ngọn lửa mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian và mong muốn ngọn lửa ấy cháy lên không phải là để hủy diệt nhân loại tội lỗi, nhưng là ngọn lửa tình yêu chống lại ngọn lửa của hận thù, là ánh sáng chống lại bóng tối.
Ngọn lủa tình yêu, là ngọn lửa sưởi ấm lại. Đúng vậy, tình yêu của Chúa Giêsu đã sưởi ấm lại trái tim băng giá của nhiều người qua các biến cố. Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy khi Người giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao”? Vì thế khi lòng chúng ta thất vọng và lạnh giá, hãy tìm hiểu Kinh Thánh để sưởi ấm đức tin của mình.
Ngọn lửa tình yêu, cũng là ngọn lửa trải rộng trên thế giới bằng tấm lòng quảng đại. Người có tính ích kỷ, không muốn thăng tiến giáo họ giáo xứ thì cũng là người có trái tim lạnh giá.  Mỗi người kitô đều phải trở nên người châm mồi lửa tình yêu Thiên Chúa cho môi trường chung quanh. Mẹ Têrêsa Calcuta nói: “Lạy Chúa, xin hãy làm cho chúng con xứng  đáng phục vụ anh chị em chúng con còn đang nghèo khổ trên thế giới này”.
Ngọn lửa tình yêu cũng là ngọn lửa lan tỏa. Người kitô cũng phải là người mang ánh sáng đi khắp nơi, cho một thế giới đã đánh mất phương hướng. Người kitô là ánh sáng bằng cách loan báo Tin Mừng và nhất là sống Tin Mừng qua  tình yêu:”Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em”. Tục ngữ Phi châu nói: “Nơi mà người ta sống thân tình thương yêu nhau, thì không bao giờ là đêm tối”.
Tuy nhiên, thế giới hôm nay vẫn còn sự chia rẽ và hận thù vì không đồng ý với nhau về những điều thiện. Chiến tranh vẫn còn đó, khủng bố dường như tràn lan khắp nơi. Thế giới hôm nay đầy dẫy bóng tối của bất công, sa đọa và tuyệt vọng, bóng tối của hận thù, cục bộ và chia rẽ, bóng tối của nghèo nàn lạc hậu, bóng tối của ích kỷ, cho mình là nhất để trốn tránh trách nhiệm xây dựng cộng đoàn.
Đôi khi bóng tối quá dày đặc mà ngọn lửa tình yêu của chúng ta lại quá yếu. Dù sao, chính Chúa Giêsu cũng đã cảm nghiệm điều đó. Ngài đã phải chịu một Phép Rửa kinh hoàng, phải dìm sâu trong nỗi khổ đau của sự vô ơn phản bội.
Ngọn lửa tình yêu là thế! Tình yêu không phải là nâng niu chiều chuộng người mà mình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa không phải là một thứ tình thương màu mè. Yêu thương, có nghĩa là giúp đỡ ai đó lớn lên.
Khi xuống trần gian, Chúa Kitô không đóng vai ông già Noel mang đầy kẹo đến cho trẻ em. Phúc Âm của Ngài cũng không phải là những lời nói đường mật. Ngài đã đến trần gian để đặt ngọn tình yêu, nhưng là ngọn lửa tình yêu đích thực tẩy sạch vết nhơ. Những lời trong Tin Mừng đúng là lời quyền lực thanh tẩy của lửa: “nếu mắt ngươi gây dịp tội cho ngươi, thì hãy móc nó đi”.. “Khốn cho các ngươi là những kẻ no nê dư thừa”…”Hãy bỏ cái đà trong mắt ngươi trước khi thấy cái rác trong mắt anh em ngươi”.
Ngọn lửa tình yêu cũng đòi hỏi phải bị tiêu hao. Để ngọn lửa cháy, chiếu sáng và sưởi ấm, chắc chắn là những thanh củi phải bị tiêu hao. Tình yêu điên rồ của Chúa Kitô trên Thập giá đã làm cho Ngài bị tiêu hao. Chúa Giêsu đến trần gian trước hết không phải là để bị đóng  đinh, nhưng là để mặc khải tình yêu của Chúa Cha.
Nếu muốn ngọn lửa tình yêu trải rộng khắp thế giới, thì người kitô chúng ta phải có những cố gắng và hy sinh. Hãy để cho ngọn lửa tình yêu đốt cháy những rỉ ghét của tính ích kỷ và thụ động trong chúng ta. Thập giá của chúng ta phải trở nên củi để ngọn lửa tình yêu chúng ta ngày càng lớn lên.
Tinh yêu đích thực cũng là một tình yêu đòi hỏi. Đúng vậy, ngọn lửa tình yêu đích thực có thể tạm thời tách chồng ra khỏi vợ, con cái khỏi cha mẹ như bài Tin Mừng đã nói. Có những lúc chúng ta chấp nhận phải xa rời sự hiện diện của người mà chúng ta yêu mến nhất, bằng chính sự hiện diện của Chúa Kitô.
Trong một thế giới đang băng giá vì chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, Giáo hội cần những người kitô có trái tim bốc lửa. Vì chưng, “nếu anh em là một người bạn của Chúa Kitô, nhiều người sẽ được sưởi ấm lại nhờ ngọn lửa này và họ cũng sẽ dự phần của họ vào ngọn lửa đó. Nhưng nếu ngày nào anh em không đốt cháy tình yêu, thì nhiều người khác sẽ chết giá”!
Lạy Chúa, xin giúp chúng con can đảm thắp sáng ngọn lủa yêu thương giữa đêm đen của ích kỷ hận thù hôm nay. Xin cho ánh lửa tình yêu của chúng con mãi lan tỏa đến tận cùng trái đất. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

===========
Suy Niệm II
BÌNH AN CHỈ CÓ KHI SỰ THẬT LÊN NGÔI
(Gr 38,4-6.8-10; Dt 12,1-4; Lc 12,49-53)
 
Nếu Tin Mừng Chúa Nhật XVIII, Đức Giêsu kêu gọi hãy dùng tiền của bất chính để mua lấy Nước Trời để được hạnh phúc thật, và Chúa Nhật XIX, Ngài nhấn mạnh đến thái độ sẵn sàng”; “tỉnh thức” để đón chờ Chúa đến trong ngày Quang Lâm…,thì Chúa Nhật XX này, Đức Giêsu chuyển sang một hướng khác, một đề tài liên quan trực tiếp đến sứ mạng và chương trình cứu độ của Ngài, khi loan báo về cuộc thương khó cũng như cái chết.
Bài Tin Mừng hôm nay được chia làm hai phần:
Phần I, Đức Giêsu muốn nói đến sứ mạng Thiên Sai của Ngài;
Phần II, Ngài tiên báo về những hệ lụy do sứ mạng của mình mang lại. 

1.   Sứ mạng Thiên Sai của Đức Giêsu
Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Ngài đến để cứu độ con người, nhưng Ngài cứu độ không bằng quyền bính, mà bằng chính cái chết của mình để cứu độ nhân loại. Thật thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết về sứ mạng của mình: “Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất” (Lc 12, 50).
Phép rửa mà Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là sự thương khó và cái chết của Ngài. Đồng thời những ai muốn bước theo Ngài thì cũng phải đón nhận phép rửa như Ngài đã chịu, tức là từ bỏ ý riêng, để vâng theo ý Chúa, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận cả cái chết để sống và làm chứng về những giá trị Tin Mừng.
Phép rửa và sứ mạng ấy, Đức Giêsu mong muốn cho mau đến: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên” (Lc 12, 49). Ngọn Lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần. Người đến để thanh luyện những tâm hồn sỏi đá, phân biệt sự thật và giả dối. Người đến còn là để xét xử trần gian.
Ngọn “Lửa ấy cũng chính là ngọn “La” của Tình yêu, Sự Thật, Công Bình.
Như vậy Đức Giêsu ao ước cho “Lửa ấy bùng cháy lên để biến đổi trái đất này thành Trời mới Đất mới. Những tâm hồn chai cứng thành mềm dẻo, biết yêu thương nhau, nâng đỡ và đồng hành với nhau để làm chứng cho Chúa trong sự thật, để yêu thương mọi người như anh em một nhà.
Làm được điều đó là chúng ta đã đi vào trong quỹ đạo của Thiên Chúa, một quỹ đạo của sự thật, yêu thương, bình an và hoan lạc.
Nhưng để đạt được điều đó thật không dễ, bởi vì nó đòi hỏi ta phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh, thử thách, đau thương; phải chấp nhận hủy mình ra không để thánh ý Thiên Chúa được thể hiện, chấp nhận hủy diệt bản thân mình như hạt lúa gieo vào lòng đất, tức là chấp nhận cái chết: chết đi cho con người cũ là con người tội lỗi, để thay vào đó là một con người mới, tâm hồn mới và thái độ mới theo hình ảnh của Đức Kitô. 

2.  Những hệ lụy của đời chứng nhân
Sau khi đã nói về sứ mạng của mình, Đức Giêsu muốn đi xa hơn để tiên báo về những hệ lụy sẽ xảy đến cho cuộc đời của người môn đệ, Ngài nói: Các con tưởng rằng Thầy đến đem hòa bình cho trần gian? Thầy bảo cho các con biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ” (x. Lc 12,49.51). Mới nghe, chúng ta có cảm tưởng rất nghịch lý và mâu thuẫn nội tại. Tức là mâu thuẫn với chính Đức Giêsu, bởi vì Ngài được mệnh danh là “Hoàng Tử Hòa Bình”, hơn nữa, Ngài đến để đem bình an cho nhân loại! Ấy vậy mà hôm nay, Ngài lại bảo: “Tôi đến để đem chia rẽ?
Nhưng không! Qua câu nói đó, Đức Giêsu muốn cho chúng ta hiểu một cách sâu xa hơn rằng: con đường bình an của Ngài là con đường hy sinh, của từ bỏ; con đường của sự chết vì chân lýVà, muốn có được bình an thì phải đi trên con đường đó, để làm chứng cho sự thật, bảo vệ cho công lý, và xây dựng hòa bình.
Chính Đức Giêsu cũng chỉ vì sự thật mà phải chết. Ngài không bị kết án vì đã dạy cho con người sống tốt; Ngài cũng không bị kết án vì đã làm ơn cho kẻ khác; nhưng Ngài bị kết án chỉ vì dám nói, sống và làm chứng về sự thật.
Như vậy, bình an đích thực chỉ có thể đến được với những người có tâm hồn thật thà, ngay thẳng, biết lắng nghe, và thực hành Lời Chúa. Bởi vì, bình an của Đức Giêsu không phải là một thứ bình an theo kiểu người đời trao tặng cho nhau, cũng không phải là một thứ bình an làm cho con người ngủ mê… Nhưng bình an của Đức Giêsu đem đến cho nhân loại chính là thứ bình an chỉ có được qua hy sinh, được tôi luyện bằng những thử thách, và được lớn lên trong khuôn khổ thập giá.
Quả thật, hôm nay, lời của Đức Giêsu như là một lời tiên tri cho chính Ngài và sứ vụ của các môn đệ: sẽ có nhiều người chống đối vì họ không thể chấp nhận và thay đổi. Họ không muốn sống theo sự thật. Vì thế, ngay trong gia đình cũng luôn xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng vì có người theo và có người không theo; sẽ xảy ra những sự chia rẽ giữa những người tin và những người không tin: Năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng". Qua câu nói này, Đức Giêsu muốn dạy rằng: bình an chỉ có thể có khi sự thật, công lý được lên ngôi. 

3.    Bình an chỉ có được khi sự thật được tôn trọng
Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta không dám nói lên sự thật chỉ vì chúng ta sợ mất lòng và bị người ta ghét bỏ. Hơn nữa, có khi chúng ta lại còn đứng về phía bất công để kết án những người lương thiện chỉ vì họ sống thật thà với một lương tâm ngay thẳng.
Trong buôn bán, có nhiều kẻ ghét những người buôn bán thật thà; người hay nói dối thì lại ghét những người nói thật…trong gia đình, những đứa con hay nịnh bợ thì lại được cha mẹ nuông chiều, còn những đứa con thật thà thì lại không được yêu…
Nhưng là Kitô hữu, chúng ta muốn được bình an thực sự của Chúa, chúng ta không có con đường nào khác, đó là con đường thập giá, con đường của chính Đức Giêsu đã đi. Khi đứng về phía sự thật, là chúng ta chấp nhận những hệ lụy như chính Đức Giêsu đã chịu.  Hậu quả đó có thể do ghen tức, trục lợi, hoặc chỉ vì dám nói lên những điều ngay thẳng… Đọc chuyện các thánh Tử Đạo Việt Nam chúng ta thấy rất rõ điều này: có những đấng bị chính con cái tố cáo, bỏ tù chỉ vì ghen ghét; có những đấng bị bắt chỉ vì người nhà, bạn bè, học trò ham tiền, trục lợi… Khi bị bắt rồi, các ngài không chịu nói dối để được tha, thậm chí còn nhân cơ hội ấy để nói và làm chứng cho vua chúa quan quyền thời bấy giờ về sự thật, thế nên các ngài đã phải đón nhận cái chết như một sự trả lẽ cho sự thật. 
Như vậy, muốn có bình an thực sự là khi và chỉ khi chúng ta đã quyết liệt chiến đấu để lựa chọn. Bình an chỉ có được khi nó thực sự tách biệt khỏi gian dối, hận thù và ghen tương; tách bóng tối ra khỏi ánh sáng nhờ ngọn “Lửa” của Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu đã ban xuống cho nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho ngọn lửa của tình yêu, sự thật và lòng mến thiêu đốt tâm hồn chúng con, để tâm hồn chúng con được bình an và đáng hưởng sự sống vĩnh cửu trong cuộc sống mai hậu. Amen.
                                                                                                                          Jos.Vinc. Ngọc Biển
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log