Thứ tư, 08/01/2025

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 14:40 08/09/2016
“Trên trời ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (Lc 15, 7)
Suy Niệm I
Con hãy vui mừng vì em con đã mất nay trở về
-----------------------

Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có còn dám nói rằng:
- Thiên Chúa là người luôn đe doạ và hay báo thù không?
- Ngài có là một Thiên Chúa cảnh sát và sẵn sàng nghiêm trị tội phạm không?
Không phải chỉ dụ ngôn hôm nay, mà còn nhiều lần Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy Thiên Chúa tốt lành và hay thương xót chừng nào!. Thiên Chúa được trình bày như là có một khả năng vô biên về lòng tha thứ, một tình yêu siêu việt.
Dường như Ngài thích tội nhân hơn người vô tội! Người công chính có thể ghen tương về cách đối xử của Ngài đối với tội nhân! Dường như bài Tin Mừng hôm nay có tính biện hộ cho tội nhân hoặc ít ra là chỉ cho chúng ta thấy những điểm tốt của tình trạng tội nhân. Thiên Chúa không yêu mến tội lỗi, nhưng yêu mến tội nhân. Đối với Ngài, tôi nhân là đối tượng để Ngài lo lắng, đối tượng để Ngài tìm kiếm và là nguyên nhân để Ngài vui mừng vô tận khi tội nhân trở về.
Trong một gia đình, người con nào cũng được yêu vì là máu mủ của gia đình. Vì một lý do nào đó, đứa con có thể trốn khỏi gia đình. Sự ra đi như thế làm cho cả gia đình lo lắng. Lúc đó, đứa con vắng mặt lại là mối bận tâm hơn là những người có mặt. Hoặc trong gia đình nếu có một người con chết, gia đình không bao giờ quên đứa con đó và chính đứa con đó lại hiện diện nhiều nhất trong những vật kỷ niệm của nó và không có gì có thể thay thế được. Nó để lại một sự trống vắng triền miên!
Trong gia đình Thiên Chúa, Chúa Cha rất lo lắng khi có ai đó xa rời tình yêu của Ngài. Khi Chúa Cha sai Con Ngài xuống trần gian, chúng ta hiểu rằng Ngài muốn Chúa Con đừng để một trong người con nhân loại phải hư mất. Vâng, Chúa Cha chẳng vui gì khi thấy một trong những người con xa Ngài!
Tuy nhiên,
- Tội lớn nhất là nghĩ rằng: khi phạm tội, chúng ta không được Thiên Chúa yêu mến nữa.
- Tội lớn nhất là nghĩ mình đã bị loại trừ.
- Tội lớn nhất là co mình lại như đứa con hoang đàng ở một nơi xa xôi, ẩn náu trong một nơi không hề ai biết đến để trốn tránh cái nhìn của Thiên Chúa.
- Tội lớn nhất là tuyên bố mình là kẻ thảm hại vĩnh viễn không thể phục hồi được nghề nghiệp. Người con hoang đàng nói: “Lạy Chúa, cứ để mặc con, Chúa thấy rõ con chẳng hay ho gì. Con không đáng được gọi là con Chúa nữa”.
- Không nhìn thấy cái tốt mà chỉ thấy cái xấu, chính là đã đánh mất phẩm giá của chính mình. Tội lớn nhất là mất can đảm vì thất vọng về chính mình và về Thiên Chúa.
Thánh nữ Têrêsa nói: “Phần tôi, dù tôi có phạm mọi tội có thể, nhưng tôi vẫn tin tưởng vì tôi biết rõ tất cả những tội đó chỉ là một giọt nước trong lò lửa rực cháy”.
Khi trong gia đình có người con bỏ đi, chả nhẽ người ta lại không làm gì để tìm lại đứa con đó sao? Trong gia đình Thiên Chúa cũng vậy, Chúa Cha là Đấng luôn có sáng kiến. Ngài không chờ đợi những đứa con phải có dấu hiệu ăn năn thì Ngài mới đi tìm kiếm. Dụ ngôn hôm nay, Thiên Chúa là người đầu tiên chứng tỏ tình yêu của Ngài bằng cách chấp nhận chia gia tài cho đứa con và cho nó được quyền tự do. Thiên Chúa yêu chúng ta trước. Chúa Cha khởi xướng sai Con Ngài đến với chúng ta cũng chỉ vì yêu. Sai con Ngài để tìm kiếm những kẻ tội lỗi. Kẻ tội lỗi là tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta cũng bị cám dỗ như Adam trong vườn địa đàng, chạy trốn cái nhìn của Thiên Chúa để ẩn mình trong sự xấu hổ của chúng ta.
- Tội đích thực của chúng ta chính là bưng tai lại không chịu nghe lời mời gọi của Thiên Chúa và ăn năn.
- Tội đích thực chính là tội không muốn được chữa lành, có lẽ là vì người ta đã bị dính liền với tình trạng xấu xa và đành cam chị.
- Tội đích thực đó là từ chối được yêu hoặc tin vào tình yêu; đó là chôn vùi mình và kêu lên Thiên Chúa cứ để mình được yên.
- Tội đích thực đó là tin rằng tội lỗi đã phá huỷ mình không còn cách cứu chữa được nữa, khi mà chính trong tình trạng thảm hại đó, người ta vẫn có thể nghe được Thiên Chúa muốn cứu chữa mình. Trong đêm vọng Phục sinh, Giáo Hội muốn chúng ta hát lên rằng: Ôi tội hồng phúc! Tội hồng phúc vì tội đôi khi cho phép chúng ta hiểu rõ thêm về tình thương xót cuả Thiên Chúa đối với chúng ta.
Toàn bộ bài Tin Mừng hôm nay, tuy nói về tội, nhưng phản ánh sự vui mừng.
- Vui mừng của người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc và săn sóc nó.
- Vui mừng của người đàn bà tìm thấy chiếc kim.
- Vui mừng của Thiên Chúa tìm lại đứa con tội lỗi. Khi người con hoang đàng trở về, ngay từ đàng xa người cha của nó đã động lòng thương. Ông chạy đến trước mặt con mình, ông ôm cổ nó và hôn nó hồi lâu. Cuối cùng người ta đã mở tiệc ăn mừng.
Đó là cách làm của Thiên Chúa!
Tất cả chúng ta đều là tội nhân: nếu Chúa Giêsu không mang lấy tất cả những nợ nần của chúng ta, chúng ta khó có thể trả nợ cho Thiên Chúa được… Chính Chúa Giêsu cũng khó có thể giải thích cho chúng ta về việc Cha Ngài hành động như thế nào qua dụ ngôn này? Ngu đần chừng nào nếu chúng ta cứ đầm mình trong tội lỗi của mình, khi mà chỉ cần đứng dậy và ném mình vào trong cánh tay Thiên Chúa là đủ rồi. Cha Varillon nói: “Thiên Chúa là nụ hôn muôn thuở cho người phong cùi”.
Thánh Vịnh vẫn hát lên: Hạnh phúc cho  những ai mà tội lỗi của họ đã được tha:
- Hạnh phúc, vì họ khám phá ra tình yêu vô bờ của Thiên Chúa đã tha thứ cho họ trước.
- Hạnh phúc vì con tim họ bừng lên vì nhận ra rằng Thiên Chúa đã tha cho họ tất cả, đã tạo dựng mới lại cho họ và không còn vết tì ố gì dù là nhỏ nhất.
- Hạnh phúc nhất là họ đã làm cho Chúa Cha vui mừng vì chính họ khiêm nhường thu mình lại trong cánh tay Ngài.
Lời tổng nguyện của ngày lễ các Thánh, Giáo Hội dâng lên Chúa: “Ôi lạy Chúa, chỉ mình Chúa luôn luôn thương xót và tha thứ cho chúng con”. Và chúng ta sẽ có thể chu toàn lời cầu nguyện này, khi chúng ta thưa với Ngài bằng tất cả tâm hồn: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn biết hiểu rằng sự sa ngã không phải là trầm trọng, mà là sự ở lì không trỗi dậy. Xin giúp chúng con hiểu rằng nếu mỗi lần chúng con lỗi lầm, chúng con biết trỗi dậy hướng tới một tình yêu quảng đại và nhất là hiểu rằng trong thân phận tội lỗi khốn cùng của nhân loại, điều quan trọng chính là luôn hướng về lòng từ bi nhân hậu của Chúa”. Amen.

Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

=============
Suy Niệm II
Thiên Chúa Yêu Thương Và Đợi Chờ
(Lc 15, 1-32)
 
Chúng ta đang tiến gần đến giai đoạn cuối của của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ba dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay làm nổi bật hình ảnh ba chiều về Lòng Thương Xót Chúa: Lòng thương xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận; Chúa thương xót hết mọi loài; Chúa hành động vì xót thương.
Dụ ngôn: "Con chiên lạc" (x. Lc 15, 4-7); " Đồng bạc bị đánh mất" (x. Lc 15, 8-10); cụ thể hơn cả là dụ ngôn "Tình phụ tử " (x. Lc 15, 11-32) thể hiện niềm vui viên mãn tràn đầy. Nếu như hai dụ ngôn trước nói về sự vui mừng hay chung vui, thì dụ ngôn "Tình phụ tử là phải ăn tiệc và vui mừng". Vì đồng bạc vô tình bị đánh mất, con chiên lạc có thể cố gắng tìm thấy đàn của mình, và người mất chiên cũng có thể tìm lại được chiên, nhưng không một trường hợp nào hồi tâm trở về với chính mình. Nên người tội lỗi trở về, Chúa Cha khao tiệc ăn mừng. Chúng ta không thể vui mừng sao được, khi có Thiên Chúa là Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, rất mực yêu thương chúng ta như thế.

Cả thiên đàng vui mừng khi ta tội lỗi trở về cùng Chúa

Người cha mất con, ngày ngày ngóng chờ con trở về là hình ảnh của Thiên Chúa là Cha luôn cháy lửa tình yêu đối với nhân loại, cha ôm con vào lòng, không đơn giản chỉ là tội nhân, nhưng là kẻ có tội biết ăn năn: "Tôi sẽ trỗi dậy và trở về với cha tôi" (Lc 15,18). Vì thế, cuộc gặp gỡ giữa người cha và người con, khơi dậy sự trở về trong ân sủng của người con, cuộc gặp gỡ này mang dấu ấn của vòng tay cha và sự hoán cải của người con tìm thấy được tình yêu trìu mến của cha.
Cha Marko I. Rupknik S.I tác giả Logo của Năm Thánh Lòng Thương Xót họa vẽ Chúa Giêsu đang vác con người lầm lạc trên vai, là một minh hoạ tuyệt vời về lòng thương xót Chúa.
Lòng Thương Xót đã trở nên người, mặt Chúa và mặt người giống hệt nhau. Khi vác con người trên vai, Thiên Chúa và con người hướng về nhau, đến nỗi có chung một con mắt. Như thế, Thiên Chúa nhìn con người bằng chính mắt con người, để cảm thông, yêu thương và hoán cải con người. Từ nay con người nhìn vũ trụ vạn vật bằng đôi mắt của Thiên Chúa, mà hiểu được Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, để sống trong vũ trụ theo chương trình ban đầu của Thiên Chúa là đem lại hạnh phúc cho con người.
Con người bỏ Chúa ra đi, lầm đường lạc lối, đi vào ngõ cụt, bị thương tích. Thiên Chúa vẫn yêu thương mang về. Logo Năm Thánh diễn tả, Chúa tay chân vẫn còn mang thương tích vì bị con người đóng đinh. Nhưng Chúa không quan tâm đến vết thương đau đớn của chính mình, vẫn vội vã, chân thấp chân cao đi tìm con người. Tìm được rồi, Chúa không lên án lỗi lầm, Chúa vác con người trên vai mang về mở tiệc ăn mừng. Đó là tình yêu thương vô biên, yêu thương đến tha thứ những phản bội, yêu thương đến quên mình, dám chết vì người mình yêu. Lòng Thương Xót của Chúa thật vô biên, không ai hiểu thấu, không lý luận nào có thể cắt nghĩa được.
Có người nghi ngờ về lòng thương xót ấy nên mới nói: Tôi tội lỗi lắm, vào xưng tội, cho dù cha có tha, không biết Chúa có tha cho tôi không ?
Xin thưa : Để lãnh ơn tha thứ, cần phải có tội, và cho dù tội có đỏ như son Chúa vẫn tha thứ, vì Chúa là Đấng tha thứ không biết mệt mỏi. Thứ tha là việc của Chúa, lỗi lầm là của con người chúng ta. Con người tha cho nhau còn nhớ lại. Thiên Chúa tha thứ là xóa sạch tội khiên. Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên: nếu xưng tội xong lại phạm, hãy đến tòa giải tội để lĩnh ơn tha thứ. Xin bật mí, ấn tín tòa giải tội luôn được cha giải tội trân trọng giữ gìn, nghe xong quên luôn là việc các cha phải làm.
Có người còn hỏi : Khi ta phạm tội, ta xin Chúa tha thứ, Ngài thứ tha, vậy cần gì phải đến xưng tội với cha cho mất thời gian và thêm phiền toái ?
Quả thật, sau khi phạm tội chúng ta thật lòng hối cải ăn năn tội cách trọn thì đã được Thiên Chúa tha thứ rồi, nhưng nếu ta không đến tòa giải tội, ta không lĩnh nhận được cách trực tiếp ơn tha thứ ấy. Cũng như người con thứ bỏ nhà ra đi, cha anh ở nhà đã sắm cho anh nhẫn vàng, áo đẹp và giầy sang, những thứ đó là của anh, nhưng nếu anh không về thì anh chưa nhận được trực tiếp.

Tìm lại chính mình và trở về với tha nhân

Người con trưởng tuy ở hằng ở cùng cha, nhưng anh đã đánh mất chính mình, tự nhận mình là kẻ làm tôi "con đã làm tôi cha" (Lc 15,29), đánh mất em, em mình mà anh gọi là "thằng con của cha kia" (Lc 15,30). Và giờ đây anh ta tố cáo cha đã không bao giờ cho anh một con dê con để mừng lễ với bạn bè. Tội nghiệp người cha! Một đứa con bỏ nhà, đứa kia thì lại đã không bao giờ gần gũi cha thực sự! Ông đã mất cả hai thằng con. Cái khổ đau của người cha giống nỗi khổ đau của Thiên Chúa, khi chúng ta rời xa, hay bởi vì chúng ta ở xa hoặc vì chúng ta ở gần nhưng lại không gần. Người anh cả cũng cần phải trở về. Những người công chính, những người tin rằng mình công chính cũng cần lòng thương xót.
Đạo của chúng ta không phải là đạo ghen tị, được thua mà là đạo của tình thương. Chúng ta buồn vì anh em thành công, được ưu đãi hơn mình, tìm cách hạ bệ, thậm trí đối xử với đồng loại, cả đồng đạo, tệ hơn nữa là coi cha mẹ, anh em ruột thịt mình như kẻ thù, không bằng người dưng nước lã. Lúc ấy cần phải sám hối trở về với chính mình và anh em.
Vậy, hãy trở về với Chúa bằng lòng thống hối ăn năn, lao mình vào vòng tay của Chúa, để cho tình thương lân tuất của Chúa làm ta hồi sinh.
Lạy Mẹ Maria, người mẹ khoan nhân, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp đỡ chúng con. Amen.

 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log