Thứ hai, 25/11/2024

Các Bài Suy Niệm Chúa Nhật XXV Thường Niên – Năm C

Cập nhật lúc 15:26 16/09/2016
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13b)
Suy Niệm I
Con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng
------------------

 
Nếu đọc sơ sài và hiểu quá đơn giản, người ta khó chấp nhận dụ ngôn hôm nay vì Chúa Giêsu lại khen sự khôn ngoan quỉ quyệt của người quản lý. Điều quan trọng ở đây, là Chúa Giêsu muốn thẳng thắn thẩm vấn mỗi người chúng ta:
- Chúng ta sử dụng những tài năng của mình như thế nào?
- Chúng ta làm gì với chất xám, với bộ não và với sự hiểu biết của mình?
- Liệu chúng ta có sử dụng tốt tất cả những thứ đó để tích luỹ cho kho tàng vĩnh cửu không?
Chúa Giêsu không cấm chúng ta khôn ngoan để chuẩn bị cho tương lai vĩnh cửu của mình! Đặc biệt, Ngài không cấm chúng ta khôn ngoan sử dụng tiền bạc thế nào cho tốt hơn.
Chúa Giêsu không kết án tiền bạc, nếu chúng ta biết sử dụng tiền bạc như một tên đầy tớ. Ngài chỉ kết án, khi tiền bạc trở nên ông chủ của chúng ta.:
Chúng ta cần phải ý thức rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà tiền bạc đang thống trị như là một chủ toàn quyền trên mọi lãnh vực: có tiền mua tiên cũng được. Alexandre Dumas viết: “Tiền bạc là một ông chủ xấu, nhưng lại là một đầy tớ tốt”.
Thật đáng tiếc! Con người thời đại hôm nay, thay vì chế ngự và sử dụng tiền bạc như là một tên đầy tớ, thì họ lại coi nó như là một thần tượng. Một thần tượng đáng sợ thay cả Thiên Chúa đích thực. Tiền bạc như là một chúa mà người ta quỳ gối xuống để tôn thờ.
Tiền bạc là một  ông chủ đang làm hư hỏng thế giới:
- Vì tiền, Ali Agca đã vụng về ám sát ĐGH Gioan Phaolo II
- Vì tiền, mà ở Colombia người ta bắt cóc trẻ em để mổ lấy tim, thận và sọ não.
- Vì tiền, người ta bắt cóc các cô gái trẻ để đem vào các nhà chứa ở Thái Lan.
- Cũng vì tiền mà người ta bắt hằng triệu trẻ em phải lao động tại các hầm mỏ và đường sá.
Tiền bạc là một ông chủ có mặt  và len lỏi ở khắp nơi.
- Tiền bạc quyến rũ các bạn trẻ nông thôn về thành phố.
- Tiền bạc đẩy đưa các nhà thiết kế thời trang luôn thay đổi mẫu mã… bó buộc khách hàng phải mua đồ mới.
- Tiền bạc là một ông chủ sẵn sàng giết người
- Tiền bạc mong muốn có chiến tranh để sản xuất vũ khí.
- Tiền bạc giết chết hằng triệu bạn trẻ vì thuốc phiện và ma tuý.
- Tiền bạc giết chết các con tim
Tục ngữ Ecosse nói: “Tiền bạc làm hư hỏng nhiều tâm hồn hơn là vũ khí giết chết thân xác”.
Vì thế, chúng ta không thể làm tôi 2 chủ được. Tiền bạc và Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau. Sự phát triển chóng mặt của xã hội tiêu thụ cho chúng ta thấy rằng khi dân giàu có, thường có sự suy giảm về mặt thực hành tôn giáo, khan hiếm ơn gọi làm linh mục, suy giảm dân số và gia tăng tội phạm.
Vì thế đối với chúng ta nếu là những người con của ánh sáng, hãy sử dụng tốt tiền bạc cho những nhu cầu từ thiện và bác ái:
 - Phục vụ người nghèo. Giáo xứ chúng ta nghèo, nhưng trong đó cũng có nhiều người giàu. Nếu là người giàu, chúng ta cố gắng giúp đỡ người nghèo đừng bắt họ phải vay nợ nặng lãi hoặc dùng đồng tiền ăn chơi trác táng trong khi người nghèo vẫn khổ sở. Giáo xứ chúng ta cũng có một nhiều gia đình ủng hộ tiền của cho người nghèo, cho các em vui Trung Thu, hoặc cho việc xây dựng nhà thờ, nhà giáo lý. Tuy nhiên còn biết bao việc phải làm để giúp đỡ người nghèo mà chúng ta vẫn không làm hoặc chưa làm được.
Chúng ta còn phải:
- Phục vụ công bằng xã hội: tôn trọng vệ sinh công cộng, tôn trọng an toàn giao thông như thông điệp “Laudato si” của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã nói.
- Phục vụ đời sống thiêng liêng của chính chúng ta: hy sinh tiền bạc hoặc công sức một vài ngày cho một dịp tĩnh tâm, học giáo lý hoặc tuần làm phúc.
- Phục vụ truyền giáo: ủng hộ người nghèo để họ có một quyển Kinh Thánh trong nhà, khi đi đường và khi đi công tác xa.
- Phục vụ Tin Mừng: hy sinh và đóng góp tiền bạc cho việc loan báo Tin Mừng của họ đạo và của giáo xứ. Khi khen sự khôn ngoan lanh lợi của những con cái thế gian, Chúa Giêsu muốn nhắc nhở con cái ánh sáng cũng phải có sự khôn ngoan lanh lợi để mà loan báo Tin Mừng.
Vâng, chớ gì con cái ánh sáng cũng khéo léo tài tình, cũng nhiệt tình và cũng bền bỉ kêu lên cho thế giới biết rằng tất cả mọi người là anh em với nhau, và tất cả đều có một Cha chung ở trên trời yêu mến họ. Chúng ta hãy khôn ngoan, tài khéo giới thiệu Tin mừng cho thế giới. Hãy khôn ngoan đi gặp gỡ anh em chúng ta, không chỉ với tinh thần đơn sơ như chim bồ câu, mà còn phải khôn ngoan như con rắn.
Michel de Saint Pierre nói: “Bổn phận của chúng ta là hãy khôn ngoan đủ để dè chừng với táo bạo và hãy táo bạo đủ để dè chừng với khôn ngoan”.
- Hãy khôn ngoan nghiên cứu tương lai xã hội, không những để nhận thấy vấn đề mà người ta đang sống hôm nay, mà còn tìm giải pháp để mà loan báo Tin Mừng.
- Hãy đề xuất những giải pháp mới và hiệu quả với cha xứ và giám mục của mình.
- Không cấm chúng ta giúp Giáo hội tìm được tiếng nói để có thể liên kết giữa chủ và thợ, giữa các vợ chồng đang có tình trạng khủng hoảng có thể dẫn tới chuyện ly hôn và ly dị.
- Không cấm chúng ta tìm được một lời nói khôn ngoan để nói trên phương tiện thông tin đại chúng. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II nói: “Các tín hữu phải gây cảm hứng và khuyến khích các phương tiện truyền thông để tạo nên những kỳ công kiệt tác. Họ phải trình bày các giá trị Tin Mừng có sức hấp dẫn”.
- Không cấm chúng ta tìm lại được những biểu tượng có ý nghĩa: trang trí nhà thờ, đàn hát và cử hành Phụng Vụ để nói vào con tim những người tham dự Thánh lễ, đặc biệt là lễ cưới hoặc lễ an táng.
Nếu muốn là người con ánh sáng, chúng ta đừng mặc cảm với chính mình:
Lúc nào cũng nói rằng lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, mà phải năng động và hành động sao cho tốt. Khi chúng ta đã làm tốt rồi, thì cũng đừng dừng lại ở những lời người khác khen ngợi chúng ta, mà còn phải nghĩ đến những gì tốt chúng ta chưa làm được. Cha Pierre nói: “người ta thường nói với tôi: Thật tuyệt vời những điều cha đã làm được, nhưng đối với tôi, tôi cần phải nhìn xem những gì tốt mà tôi đã không làm hoặc chưa làm được”.
 
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa

==================
Suy Niệm II
Không Ai Có Thể Được Cứu Độ Nhờ Tiền
(Lc 16, 1-13)
 
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến một thứ rất quen thuộc, được con người sử dụng hàng ngày trong cuộc sống đó là “tiền”. Tiền, chẳng ai muốn nói tới, vì đó là một chủ đề cấm kỵ. Tiền vừa là thứ được yêu thích, và cũng là thứ gây mặc cảm.
Lời khuyên của Chúa Giêsu: “ … các con: hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời” (Lc 16, 9), và câu kết đoạn Tin Mừng : “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13) khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Tiền chỉ là một mảnh giấy, một vật làm bằng kim loại vô tri vô giác, nhưng nó đã được chọn làm tương giao đổi chác, chi phối chúng ta quá nhiều. Tiền giữ một vị trí quan trọng, khiến nhiều bậc thang có giá trị bị đảo lộn, nhiều người có cùng quan điểm “có tiền là có tất cả”.
Đúng là có nhiều điều quan trọng ta không thực hiện được chỉ vì không có tiền, nhưng không thể nói rằng có tiền là mua được mọi thứ trên đời. Tiền, tự bản chất không nói lên một giá trị gì cả. Như thế, tiền không thể bảo đảm sự sung túc. Ví dụ: Trên con thuyền giữa đại dương, khi người ta không còn gì để ăn, thì một túi ngân phiếu cũng không giúp ích được gì. Tiền không thể thay thế được bất cứ nhu cầu nào. Người ta không thể sống bằng những con số tiền ở ngân hàng, nhưng bằng bánh và Lời Chúa. Tiền không thể làm cho lúa lớn lên được, nó chỉ làm tăng thêm hiệu quả của công sức con người trong tương quan với thiên nhiên.
Cuốn sách mang tựa đề “Happy Money: The Science of Smarter Spending”, (tạm dịch: Tiền hạnh phúc: Khoa học chi tiêu thông minh). Tác giả của cuốn sách này là hai nhà khoa học nghiên cứu hành vi nổi tiếng: Tiến sĩ Elizabeth Dunn và Tiến sĩ Michael Norton viết rằng: Tất cả chúng ta đều mắc một sai lầm về tiền khi cho rằng kiếm được càng nhiều tiền thì chúng ta càng cảm thấy hạnh phúc. Nếu muốn mua cho mình một cuộc sống trọn vẹn, vấn đề không nằm ở chỗ kiếm được bao nhiêu tiền, mà nằm ở cách bạn tiêu tiền.
Khi nói đến sức mạnh và giá trị của đồng tiền, có nhiều ý kiến trái chiều, chúng ta từng nghe một số nhận định sau:
Tiền có thể mua một ngôi nhà, nhưng không thể mua một mái ấm gia đình.
Tiền có thể mua chiếc giường đẹp, nhưng không thể mua giấc mộng vàng.
Tiền có thể mua chiếc đồng hồ, nhưng không mua được thời gian.
Tiền có thể mua quyển sách, nhưng không mua được kiến thức.
Tiền có thể mua chức vụ, nhưng không mua được sự kính trọng.
Tiền có thể trả cho bác sĩ, nhưng không thể mua được sức khoẻ.
Tiền có thể mua máu đào, nhưng không thể mua được mạng sống.
Tiền có thể mua xác thịt, nhưng không mua được tình yêu.
Có người hỏi : tiền có mua được hạnh phúc không ?
Số đông quả quyết rằng “không”. Có người cho rằng, tiền không mua được hạnh phúc nhưng nó có thể là công cụ mang lại hạnh phúc.
Tại sao tiền bạc có thể mua được rất nhiều thứ ngoại trừ hạnh phúc?
Tiền không mua đuợc hạnh phúc vì hạnh phúc của con người không thể đo bằng thước, và càng không thể dùng tiền để mua hạnh phúc được. Tiền là một thứ tiêu biểu cho giá trị vật chất, nên chỉ có thể mua những gì thuộc về vật chất. Còn hạnh phúc là một loại tiêu biểu cho giá trị tinh thần.
Một câu hỏi lớn được đặt ra cho chúng ta: Tiền có thể cứu độ được con người không ?
Giảng trong Thánh lễ sáng thứ Sáu 20 tháng 9 năm 2013, Đức Phanxicô nhắc lại rằng: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được. Vì một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về tiền, thì tiền lôi kéo người ta xa rời Thiên Chúa”. Ngài kết luận: “Không ai có thể được cứu độ bằng tiền”. Vì vậy, chúng ta phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của.
Mặc dù có nhiều nguyên nhân gây ra tội lỗi, nhưng thánh Phaolô nhấn mạnh rằng: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Vì ham thích tiền mà một số người bị sức mạnh của đồng tiền làm lôi kéo xa rời đức tin, thậm chí mất đức tin. Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự hấp dẫn của nó, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự. Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, tôi có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền làm cho chúng ta thành nô lệ.
Thiên Chúa muốn gì nơi chúng ta ?
Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc thực sự. Ngài muốn chúng ta đi vào Giao Ước, chứ không phải là Bò vàng, Mammon, một giá trị biểu trưng sự an toàn tuyệt đối. Nếu không muốn trở thành nô lệ, cách thức duy nhất là chọn làm tôi Chúa và phục vụ Ngài. Chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát được chúng ta.
Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm điều thứ nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đó là tội thờ ngẫu tượng. Vì tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về sự giàu có, thỏa mãn, tự phụ, cảm thấy mình quan trọng; và kiêu ngạo. Sau cùng, tiền tạo làm cho con người tôn thờ nó.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết xử dụng đồng tiền cho phải đạo, và giúp chúng con khỏi rơi vào cái bẫy tôn thờ bạc tiền và chọn Chúa, vì chỉ có Chúa là Đấng Cứu Độ chúng con. Amen.
 
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

=================
Suy Niệm III
Thiên Đàng Hay Trần Thế
(Lc 16, 1-13)

 
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta thực hiện một sự lựa chọn dứt khoát trong cuộc sống: hoặc Thiên Chúa hoặc tiền bạc, chúng ta không thể là một Kitô hữu “nửa vời” muốn cả “thiên đàng và trần thế”, lời Chúa Giêsu tuyên bố: “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).

Một Kitô hữu không thể có cả thiên đàng và trần thế

Là một hiện tượng nhân sinh, tiền không bao giờ hoàn toàn có tính khách quan. Vì mang chiều kích tương giao, nơi tiền tiềm ẩn những điểm mơ hồ, nước đôi. Theo thánh Phaolô thì: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10). Tiền là chỗ dựa không vững chắc, là thước đo lường sai và với sự quyến rũ của tiền, con người có nguy cơ bị tiền chế ngự.
Không chắc chắn, dụ ngôn người phú hộ là một bằng chứng: “Đồ ngốc, nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng ngươi, thì những gì ngươi đã sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20). Câu hỏi của chính Thiên Chúa đòi buộc chúng ta chất vấn và tự hỏi về giá trị thực sự của tiền bạc.
Thước đo lường sai: Thần Tiền biến chúng ta trở thành kẻ nô lệ. Ơn huệ và tính nhưng không bị đào thải. Con người quên đi ước muốn căn bản đầu tiên là sự sống, một ơn nhưng không do Chúa tặng ban ngay từ lúc mới sinh. Người giàu xây thêm kho lương cho mình và nghĩ mình có thể tận hưởng phần còn lại của đời mình (x. Lc 12,19). Tiếc thay, cái lý luận về số lượng lại tạo ra sự rầu rĩ và một lương tâm bất an.
Tiền chế ngự con người: Thần Tiền tạo ra ảo giác rằng khi có tiền, người ta có thể có được mọi thứ, mọi ước muốn sẽ được thoả mãn, và qua đó, tiền biến con người thành kẻ tôn thờ tiền thay vì tôn thờ Thiên Chúa. Người Kitô hữu muốn cả thiên đàng lẫn trần thế là điều không thể.

Tiền làm cho chúng ta xa Chúa

Vì ham thích tiền mà một số người bị sức mạnh của đồng tiền lôi cuốn khiến họ xa rời đức tin và thậm chí, đức tin yếu dần và đi đến chỗ mất đức tin. Một khi người ta dành tình yêu cho tiền và hướng về tiền, thì tiền làm cho người ta xa rời Thiên Chúa, nên chúng ta phải chọn lựa, chúng ta không thể làm tôi Thiên Chúa và làm tôi tiền của được. Chúng ta không thể. Hoặc là Thiên Chúa hoặc là tiền của.
Có ba điều: sự giàu có, hư danh và kiêu ngạo làm cho chúng ta xa cách Chúa. Đó là lý do vì sao chúng quá nguy hiểm, vì nó làm cho chúng ta hư vô và nghĩ rằng mình quan trọng. Lúc nghĩ rằng mình quan trọng, là lúc chúng ta đánh mất cái đầu và mất luôn chính bản thân mình.
Trong Mười Điều Răn, không có điều răn nào nói về tiền bạc. Tuy nhiên, chúng ta có thể lỗi phạm Điều Răn Thứ Nhất, nếu chúng ta hành động vì tiền. Đây là tội thờ ngẫu tượng. Ma quỷ luôn cám dỗ người ta về: sự giàu có, thỏa mãn; tự phụ, kiêu ngạo. Sau cùng, tiền trở nên thần tượng để chúng ta tôn thờ nó và loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài.

Sống lời khuyên Phúc Âm

Điều mà Chúa muốn chúng ta là thoát khỏi mãnh lực của đồng tiền, Giêsu khuyên chúng ta: “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.” (Lc 16, 9).
Câu nói của thánh Ambrosio thành Milan thật mãnh liệt: “Anh cho người nghèo không phải tiền của anh, nhưng anh hãy trả cho người nghèo phần thuộc về họ, bởi vì tất cả những gì của chung là của mọi người, anh lại lấy làm của riêng. Đất đai là cho mọi người, không phải sở hữu riêng của người giàu”. Thánh Phaolô cũng nói, “những gì chúng ta có chẳng phải là chúng ta đã nhận được đó sao? ” (1Cr 4,7). Đó là sự nghịch lý của người tín hữu trong việc sự dụng tiền của. Dunn và Norton cho rằng, làm cho người khác hạnh phúc trước và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc sau. Đây là một điều hiển nhiên, nhưng thật ngạc nhiên, quá nhiều người quên rằng, đây là điều phù hợp với tinh thần Kitô.
Như thế, khi người nghèo xin ta, họ không làm ta nghèo đi, nhưng là dịp cho ta thực thi đức Ái. Trước mặt Chúa, họ là người tạo dịp để ta học cho đi. Cái ta cho đi không làm ta mất mát gì nhiều, nhưng đó là dịp để giúp đỡ tha nhân sống và tìm lại phẩm giá của họ. Tóm lại, nhờ người nghèo mà ta có dịp tích luỹ cho mình kho tàng trên trời.
Của cải vật chất là những thực tại tốt hảo do Thiên Chúa tặng ban, chúng ta phải yêu mến chúng. Nhưng chúng ta không thể “tôn sùng quá đáng” vì Chúa mới là Đấng chúng ta tôn thờ; chúng ta phải thanh thoát với chúng. Của cải là để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ đồng loại; không được dùng để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi con tim và việc làm của chúng ta.
Chúng ta không phải là chủ nhân ông đối với của cải vật chất, mà chỉ là những viên quản lý; chúng ta còn làm ra chúng theo khả năng của chúng ta (x. Mt 25,14-30).
Đừng để mình rơi vào sự tham lam; phải thực hành sự rộng lượng, vì đây là một nhân đức Kitô giáo chúng ta nên sống, giàu và nghèo, mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh mà chia sẻ cho người khác!
Người Kitô hữu được mời gọi sống tinh thần khó nghèo trong sự chia sẻ. Theo truyền thuyết, thánh Gioan Kim và thánh Anne, song thân của Đức Maria, mỗi năm họ chia thu nhập làm ba phần, một phần cho người nghèo, một phần dâng vào Đền thờ, và phần còn lại cho cuộc sống gia đình. Chắc chắn ai cũng muốn có thêm tiền để đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng thực tế mà nói thì không phải dễ.
Chúng ta phấn đấu gia tăng của cải vật chất để có thể đóng góp nhiều hơn cho giáo xứ, giáo phận, ban bác ái, và tông đồ. Nếu chúng ta tích lũy của cải vật chất cho chính mình, chúng ta là người ích kỷ, như viên quản lý trong Tin Mừng, bí mật, ăn cắp, tham lam và cứng lòng, cản trở anh chị em nghĩ đến nhu cầu của người khác? Hãy nhớ lời thánh Phaolô, “Thiên Chúa yêu thích kẻ cho đi cách vui vẻ” (2 Cr 9,7). Vậy hãy ở rộng lượng.
Lạy Chúa, giữa sự cuốn hút của thế gian, xin giúp con biết yêu mến thiên đàng, chọn Chúa làm gia nghiệp đời con. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
 

 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log