Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 11.2020
Cập nhật lúc 11:05 02/11/2020
Khôi Bình Hưng Hóa
Đồng Hành Tháng 10.2020
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Khi đứng trước thi hài của một người thân hay khi đứng trước một quan tài trong một lễ tiễn biệt, chúng ta thường tự hỏi: Họ đi về đâu? Họ đang ở đâu? Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã viết: "Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết mà đã sống lại thì Thiên Chúa cũng sẽ đem những kẻ đã chết vì Đức Giêsu đến cùng Ngài" (1Tx 4,14). Như thế, dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Giê-su và trong niềm tin Kitô giáo, chúng ta tin là những người quá cố đã về với Thiên Chúa. Như lá rụng về cội, sau cuộc sống ở trần đời này, con người xuất thân từ Thiên Chúa cũng sẽ trở về với Thiên Chúa.
Trở về với Thiên Chúa, nhưng họ đang ở đâu? Ngoài các vị đã được Giáo hội tôn phong Hiển thánh hay Chân phước mà chúng ta biết chắc là các ngài đang được hưởng Nhan Thánh Chúa, chúng ta không biết được những người quá cố đang ở đâu? Họ đang hưởng hạnh phúc thiên đàng hay bị trầm luân nơi luyện hình? Vì thế, chúng ta có nhiệm vụ cầu nguyện cho họ để Thiên Chúa, vì lòng từ bi và nhân hậu của Ngài, đưa họ về với Ngài và ban cho họ ánh sáng ngàn thu. Đây cũng là một cử chỉ mang tính yêu thương và phục vụ, vì những người quá cố; giờ đây, chỉ còn biết trông nhờ vào lời cầu nguyện của chúng ta mà thôi.
Tháng Mười Một, tháng cầu nguyện cho những người quá cố, tháng tưởng niệm những người thân đã ra đi về bên kia thế giới, nếu không muốn nói là về với Chúa. Họ xa lìa chúng ta, nhưng vẫn kề bên chúng ta để đồng hành với chúng ta trong cuộc sống thường nhật, vì cái chết không cắt đứt được sợi giây tình cảm yêu thương mà họ đã se thắt trong suốt chuỗi ngày chung sống với chúng ta, không xóa bỏ được lòng yêu mến thiêng liêng đã liên kết họ với chúng ta. Dâng lễ, cầu nguyện cho họ để nói lên lòng thương mến của chúng ta. Viếng mộ của họ để tiếp tục sống tình hiệp thông trong gia đình. Một nén hương thắp trên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng tri ân của chúng ta với những đấng sinh thành và có công nuôi dưỡng chúng ta.
Chết không phải là hết. Chết là về với Chúa, là bước lên tầng lầu trên nhà để rồi tiếng kêu réo gọi nhau vẫn vang vọng trong mái ấm gia đình và ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp lại những người thân của chúng ta trong ánh sáng của Thiên Chúa khi chúng ta bước lên nấc thang cuối cùng của đời mình.
Tháng Mười Một, thánh tưởng niệm, tháng hiệp thông, tháng hy vọng.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
Kn 6, 12-16; 1Tx 4, 13-18; Mt 25, 1-13
Chúng ta đang sống vào những tuần cuối của năm phụng vụ, vì thế các bài Tin Mừng của những Chủ nhật cuối năm, cụ thể như bài Tin Mừng hôm nay, đều hướng chúng ta về thời gian tận cùng, về cái chết. Khi nào, lúc nào sự kiện đó xảy đến? Không ai biết trước; cho nên, chúng ta phải khôn ngoan tính toán, để luôn luôn sẵn sàng. Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta qua dụ ngôn "mười cô trinh nữ phù dâu" cầm đèn đi đón chàng rể mà chúng ta được nghe trong bài Tin Mừng.
Trước hết, chúng ta nên biết qua tục lệ của người Do Thái về vấn đề rước dâu. Tục lệ Do Thái thường rước dâu về ban đêm, trước khi rước dâu, hai họ đôi bên đã có những bữa tiệc linh đình khoản đãi bà con họ hàng. Rồi một ngày nào đó, bên nhà trai chọn một giờ tốt nhất từ sau khi hoàng hôn xuống, để đến rước cô dâu về. Khi đi rước, họ thường chọn con đường xa nhất để đi cho người ta biết mặt cô dâu, chú rể, và người ta có thể chúc mừng đôi tân hôn ngay trên đường đi. Nhóm phù rể mang đuốc soi đường, nhóm phù dâu cầm đèn soi mặt đôi tân hôn cho thêm lộng lẫy. Có khi có ban nhạc đi theo giúp vui ca hát lôi kéo sự chú ý của nhiều người. Tới nhà trai, mọi người vào dự tiệc cưới. Trong dụ ngôn hôm nay, đặc biệt nhấn mạnh đến những cô phù dâu, đó là mười cô trinh nữ, đang cùng với cô dâu chờ nhà trai đến rước dâu về.
Có năm cô khôn và năm cô dại. Chúng ta nên nhớ, đây chỉ là một dụ ngôn mà thôi, chứ làm gì lại có những cô phù dâu khờ dại đến thế: quần áo chỉnh tề và trang sức lộng lẫy, mà lại quên đổ dầu vào đèn, nhất là đang lúc vui vẻ như vậy mà lại ngủ mệt làm sao được? Và giả như không có dầu thì đi chung dưới ánh sáng của những cô bạn khác, chứ ai lại khờ đến nỗi lúc đó còn đi mua dầu? Cũng thế, làm gì có chuyện nhà trai chậm trễ đến nỗi mãi nửa đêm mới tới? Và khi tới chẳng lẽ không có tiếng kèn, tiếng hát, tiếng nói chuyện để làm cho nhà gái biết đã đến hay sao mà lại phải có tiếng kêu: “Kìa chàng rể đến, hãy ra đón”, rồi khi đã vào phòng tiệc, cần gì phải đóng cửa, và chú rể tỏ ra quá khắc nghiệt đối với các cô phù dâu đi mua dầu đến muộn? Xin nhớ, đây chỉ là một dụ ngôn, chứ không có đám cưới nào hay đám rước dâu nào như thế. Dụ ngôn dựa vào tục lệ cưới xin để diễn tả một chân lý hay để dạy một điều gì đó.
Ở đây, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh quen thuộc về việc cưới xin của quê hương Ngài để dạy cho chúng ta một bài học là phải luôn sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến. Trong một đám cưới, nhân vật chính là cô dâu và chú rể, nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại đặt trọng tâm về phía các cô phù dâu, bởi vì chàng rể ở đây là Chúa Giêsu, mười cô trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại.
Dụ ngôn này trước hết nói đến tất cả mọi người phải sẵn sàng chờ đón ngày chung cục của thế giới, ngày Chúa tái giáng để phán xét toàn thể nhân loại. Ngày nào Chúa trở lại thì không ai biết được, chỉ cần biết rằng ngày đó rất bất ngờ. Đàng khác, dụ ngôn này cũng muốn nhắc tới ngày tận số, ngày chết của mỗi người, ngày ấy cũng rất bất ngờ, không ai biết trước được. Đời con người đã ngắn ngủi, lại có thể chết bất cứ lúc nào; cho nên, đòi hỏi mỗi người phải cẩn thận và sẵn sàng. Nói rõ hơn, Kinh Thánh và giáo lý dạy cho chúng ta biết: Mỗi người đều có hai kiếp phải sống và được sống; một đời sống tạm bợ và một đời sống vĩnh cửu, một đời sống hiện tại và một đời sống tương lai, một đời sống hành hương và một đời sống quê thật, một đời sống trần gian và một đời sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ kiếp sống này qua kiếp sống kia, mỗi người phải qua sự chết một lần, đó là điều tất nhiên, vì kiếp sống tạm bợ ở trần gian chỉ diễn ra duy nhất một lần. Sự chết đến với mỗi người được Kinh Thánh gọi là giờ Chúa đến, và giờ Chúa đến này xảy ra bất ngờ, bí mật, trừ một vài trường hợp họa hiếm được Chúa cho biết trước ngày giờ chết, còn hầu hết đều không hay biết gì cả. Thiên Chúa muốn giữ bí mật như vậy để chúng ta luôn sẵn sàng, và do đó cố gắng sống tốt lành, thánh thiện.
Dụ ngôn cho chúng ta thấy trong mười cô phù dâu, có năm cô khôn và năm cô dại. Đó là hình ảnh tượng trưng cho hai nhóm tín hữu khác nhau: Một nhóm những người khôn ngoan và một nhóm những người dại. Khôn hay dại là căn cứ vào cách sống của họ có biết sẵn sàng hay không? Có sự nghiệp đức tin và công phúc hay không? Năm cô phù dâu bị gọi là dại, vì đã không chuẩn bị đủ dầu, đến giờ chót đi vay mượn và bị từ chối, nghĩa là ơn cứu độ của mỗi người là tự mình sắm sửa lấy cho mình. Mỗi người phải có sự nghiệp đức tin riêng, sự cứu rỗi là của riêng mỗi người, không vay mượn được. Chúng ta không thể nhường lại cho ai khác và cũng không ai nhường lại cho chúng ta được. Đàng khác, chúng ta cũng đừng cho rằng: Chỉ cần sắm sửa một ít dầu vào phút chót là được. Trái lại, phải sắm sửa cả đời và suốt đời, sự nghiệp đức tin phải sắm sửa hằng ngày cho đến chết, vì không ai biết mình chết khi nào. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình còn lâu mới chết, mình còn trẻ, mình khỏe mạnh, còn lâu mới chết, vì không thiếu gì trường hợp: “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời.” Quả thực, không ai biết trước về ngày giờ chết của mình, không ai phỏng định được tuổi nào mình sẽ từ biệt cõi đời, đó là quyền phép trong tay Chúa. Vì thế, Chúa bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Chúng ta hãy nhớ: Đời sống hiện nay, tuy là tạm bợ, nhưng sẽ quyết định đời sống mai sau của chúng ta. Chúng ta phải sống thế nào để đem lại cho mình hạnh phúc ở đời này và cả hạnh phúc đời sau.
“Thiên đàng hỏa ngục hai quê. Ai khôn thì về ai dại thì xa.” Được bao nhiêu người khôn biết tìm về quê thật để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu? Đồng thời cũng biết bao người dại đến nỗi phải sa hỏa ngục trầm luân muôn đời? Khôn hay dại là tùy thuộc vào sự tự do chọn lựa của mỗi người trong chúng ta hôm nay.
Câu hỏi gợi ý suy gẫm và chia sẻ:
(1). Có khi nào bạn không chịu chuẩn bị cho điều gì mà bạn biết trước là nên chuẩn bị; thí dụ, kỳ thi được chấm điểm một cách nghiêm minh và bạn bị điểm thấp. Bạn sẽ tự trách mình hay đi trách thầy giáo?
(2). Hãy lắng đọng và suy nghĩ xem bạn đã và đang chuẩn bị cho ngày tái lâm của Chúa Giêsu ra sao? Hay có khi nào bạn suy nghĩ đến chuyện đó hay không? Những gì bạn đang làm liệu có đủ chưa?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 10: Chuyến xe đò
Dịch giả Hoàng Hưng đã chuyển ngữ câu chuyện thương tâm có thật đã xảy ra tại Trung Quốc như sau:
Một chiếc xe bus chở đầy khách đang chạy trên đường đồi. Giữa đường, ba thằng du côn có vũ khí để mắt tới cô lái xe xinh đẹp. Chúng bắt cô dừng xe và muốn “vui vẻ” với cô. Tất nhiên là cô lái xe kêu cứu, nhưng tất cả hành khách trên xe chỉ đáp lại bằng sự im lặng. Lúc ấy một người đàn ông trung niên nom yếu ớt tiến lên yêu cầu ba tên du côn dừng tay; nhưng ông đã bị chúng đánh đập. Ông rất giận dữ và lớn tiếng kêu gọi các hành khách khác ngăn hành động man rợ kia lại nhưng chẳng ai hưởng ứng. Và cô lái xe bị ba tên côn đồ lôi vào bụi rậm bên đường. Một giờ sau, ba tên du côn và cô lái xe tơi tả trở về xe và cô sẵn sàng cầm lái tiếp tục lên đường…
“Này ông kia, ông xuống xe đi!” Cô lái xe la lên với người đàn ông vừa tìm cách giúp mình.
Người đàn ông sững sờ, nói: “Cô làm sao thế? Tôi mới vừa tìm cách cứu cô, tôi làm thế là sai à?”
“Cứu tôi ư? Ông đã làm gì để cứu tôi chứ?” Cô lái xe vặn lại, và vài hành khách bình thản cười.
Người đàn ông thật sự tức giận. Dù ông đã không có khả năng cứu cô, nhưng ông không nên bị đối xử như thế chứ. Ông từ chối xuống xe, và nói: “Tôi đã trả tiền đi xe nên tôi có quyền ở lại xe.”
Cô lái xe nhăn mặt nói: “Nếu ông không xuống, xe sẽ không chạy.”
Điều bất ngờ là hành khách, vốn lờ lảng hành động man rợ mới đây của bọn du côn, bỗng nhao nhao đồng lòng yêu cầu người đàn ông xuống xe, họ nói: “Ông ra khỏi xe đi, chúng tôi có nhiều công việc đang chờ và không thể trì hoãn thêm chút nào nữa!."
Một vài hành khách khỏe hơn tìm cách lôi người đàn ông xuống xe. Ba tên du côn mỉm cười với nhau một cách ranh mãnh và bình luận: “Chắc tụi mình đã phục vụ cô nàng ra trò đấy nhỉ!."
Sau nhiều lời qua tiếng lại, hành lý của người đàn ông bị ném qua cửa sổ và ông bị đẩy ra khỏi xe. Chiếc xe bus lại khởi tiếp hành trình. Cô lái xe vuốt lại tóc tai và vặn radio lên hết cỡ. Xe lên đến đỉnh đèo và ngoặt một cái chuẩn bị đổ đèo. Phía tay phải xe là một vực thẳm sâu hun hút. Tốc độ của xe bus tăng dần. Gương mặt cô lái xe bình thản, hai bàn tay giữ chặt vô lăng. Nước mắt trào ra trong hai mắt cô. Một tên du côn nhận thấy có gì không ổn, hắn nói với cô lái xe: “Chạy chậm thôi, cô định làm gì thế hả?” Cô tài xế vẫn không đáp lại lời nào. Tên du côn tìm cách giằng lấy vô lăng, nhưng chiếc xe bus lao ra ngoài vực như mũi tên bật khỏi cây cung.
Hôm sau, báo địa phương loan tin một tai nạn bi thảm xảy ra ở vùng “Phục Hổ Sơn." Một chiếc xe cỡ trung rơi xuống vực, tài xế và 13 hành khách đều thiệt mạng. Người đàn ông đã bị đuổi xuống xe đọc tờ báo và khóc. Không ai biết ông khóc cái gì và vì sao mà khóc!.
Mời bạn đặt mình vào chuyến hành trình ấy để thử nhìn xem mình phản ứng ra sao trong sự kiện trên.
Quan sát hoàn cảnh, ta có thể nhận thấy có ba giai đoạn xảy ra sự kiện trong câu chuyện. Hoàn cảnh thứ nhất, bạn chứng kiến cảnh cô gái kêu cứu bạn, nhưng bạn không đáp trả lời kêu cứu ấy. Cảnh thứ hai, bạn chứng kiến người đàn ông đã can đảm một mình đứng lên bênh vực cho người yếu thế. Ông cũng kêu gọi sự trợ giúp của bạn, nhưng bạn cũng làm ngơ. Cảnh thứ ba, bạn chứng kiến cảnh cô tài xế đuổi người đàn ông ra khỏi xe (theo suy nghĩ thông thường, cô tài xế đã hành xử bất công, nhẫn tâm), trong cảnh này, bạn cũng lại im lặng, và thậm tệ hơn, có khi bạn lại nằm trong số hùa theo đám đông xô người đàn ông ra khỏi xe để xe chạy cho tới nơi của bạn.
Người sống đúng với giá trị làm người của mình thường phải lội ngược dòng. Động cơ nào mà người đàn ông trong câu chuyện trên đã sống ngược dòng như vậy? Khi con người trở về với căn tính thật của mình, họ sẽ có khả năng nhận ra ý nghĩa và mục đích của đời họ. Tự trong sâu thẳm lương tâm của mỗi người, tiếng gọi sống vì lý tưởng công bằng luôn luôn mạnh mẽ. Hay nói cách khác, người sống căn tính thật với lòng mình họ sẽ dễ nhạy bén nhận ra sự bất công đang xảy ra xung quanh họ. Khi đã nhận ra tiếng lương tâm này, họ có sức mạnh phi thường để đứng lên bảo vệ cho người bị bất công mà không hề nghĩ tới hậu quả sẽ xảy đến với chính mình. Đây chính là đặc điểm cao quí của loài người mà các loài thú vật không có được (hoặc nếu chúng có, thì chúng cũng chỉ phản ứng theo bản năng của mối liên hệ mẹ con).
Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta luyện lương tâm chúng ta nhạy bén được như thế? Hằng ngày, nếu bạn tập nghĩ đến người khác, nếu bạn lắng nghe hoàn cảnh người khác với trái tim thông cảm, nếu bạn đặt hoàn cảnh của mình vào những con người đang đau khổ mà chúng ta gặp thấy hằng ngày qua báo chí, truyền hình, một lúc nào đó lương tâm của bạn sẽ nhạy bén hơn đối với vấn đề bất công, nghèo đói trong xã hội loài người. Vậy rào cản nào đã làm cho chúng ta ít suy nghĩ tích cực và cảm thông với người khác? Thưa, đó là vì chúng ta tập trung suy nghĩ về chúng ta thái quá; và chúng ta cũng thường xét đoán về người khác. Hoặc quá bận tâm lo cho chính ta, hoặc xét đoán “đúng sai” về người khác là cản trở lớn cho chúng ta vươn ra khỏi cái tôi để học chia sẻ với người khác - đó cũng chính là lối suy nghĩ tiêu cực, nhỏ nhen mà ít khi chúng ta để ý tới.
Mời bạn ví thử đời mình là một người hành khác trong chuyến xe đò của môi trường mình đang làm việc, của cộng đồng mình đang sinh hoạt, của đất nước mình đang sinh sống. Bạn có thấy hoàn cảnh tương tự như câu chuyện trên không? Nếu bạn không thấy, mời bạn tập suy nghĩ về người khác, tập quan tâm về người khác, tập đặt mình trong hoàn cảnh của những người đang bị bất công, bị đau khổ mà chúng ta gặp được trong cuộc sống. Nhưng nếu bạn đã thấy những cảnh bất công tương tự như trong câu chuyện, bạn sẽ làm gì sau khi đọc câu chuyện này?
Br. Huynhquảng
II. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
Bài 05: GIÁO DỤC NHÂN BẢN
Lời Chúa:
"Rượu mới thì đổ vào bầu mới; thế là giữ được cả hai" (Mt 9, 17).
Chia sẻ:
Mạnh Tử hồi còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa trang, thấy người ta đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng chơi trò đào, chôn, lăn khóc. Bà mẹ thấy vậy, liền chuyển nhà đến gần chợ. Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người ta buôn bán ăn nói đảo điên, về nhà bày ra trò chơi buôn bán ăn nói đảo điên. Bà mẹ thấy thế, lại chuyển nhà đến ở gần trường học. Mạnh tử thấy trẻ con cắp sách đến trường, học tập lễ phép, về nhà bày ra trò chơi đi học. Sau này quả nhiên Mạnh Tử trở thành hiền nhân.
Như vậy, giáo dục có thể giúp con người thay đổi tư cách để trở nên tốt hơn. Việc tập luyện để nên người gọi chung là giáo dục nhân bản.
I. Tầm quan trọng của việc giáo dục nhân bản
Mời bạn vào thăm một vườn cây cảnh. Cây tự mọc um tùm, nhưng các nghệ nhân đã uốn cành tỉa lá để biến cây thành con công, con nai v.v... Bạn đã xem loài vật làm xiếc chưa? Con khỉ, con voi, con ngựa, con hổ... đã làm những động tác mà trong tự nhiên không làm được. Đó là nhờ sự huấn luyện của con người.
Con người cao hơn muôn vật, nên cũng có thể và cần huấn luyện để xứng đáng là một người có giáo dục. Người có giáo dục không sống theo bản năng, nhưng biết sống theo nguyên tắc luân lý, làm sao để được nhiều người tôn trọng, kính nể và yêu mến. Một người hiền từ, nhân ái, thật thà, khiêm tốn, vui tươi, lịch sự... dễ có được cảm tình của người xung quanh.
Tùy vào truyền thống văn hóa, và tùy vào sự tiến bộ của xã hội, mỗi nơi mỗi thời đều có những mẫu người lý tưởng: người hiệp sĩ thời trung cổ Âu Châu, người chính nhân quân tử ở Trung Hoa và Việt Nam ngày xưa. Chi tiết có khác nhau, nhưng cái chính vẫn là: làm người cho đáng ra người.
II. Một vài đức tính nhân bản
Ở đây chỉ xin chia sẻ với bạn một vài đức tính có thể giúp bạn thành công trên đường đời.
1. Vui vẻ lạc quan
Mặt bạn nhìn vào gương. Bạn cười, trong gương cũng cười; bạn nhăn nhó, trong gương cũng nhăn nhó. Đó là hình ảnh cuộc đời.
1.1. Hãy cười đi bạn. Nụ cười vừa đem phấn khởi cho bạn, vừa tạo bầu khí vui tươi quanh bạn. Nếu bạn tươi cười lạc quan, bạn sẽ thấy mọi người vui vẻ dễ thương. Ngược lại, nếu bạn ủ rũ buồn phiền, thì cảnh vật cũng thê lương ảm đạm. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ." Cười lên đi để xua đuổi âu lo sợ hãi. Cười lên đi để xóa tan chán nản buồn phiền. Sáng thức dậy, hãy vui mừng đón nhận một ngày mới, với bao ân huệ Thiên Chúa ban. Cười lên đi với ánh bình minh nhảy múa, cười lên đi với tiếng chim hót líu lo, cười lên đi với muôn hoa đua nở, cười lên đi với hết mọi người. Nụ cười tạo hạnh phúc trong gia đinh, tăng thân thiện giữa bạn bè, và gây thiện cảm với anh chị em đồng nghiệp.
1.2. Lạc quan và vui sống. Xin giới thiệu với bạn cuốn sách "Quẳng gánh lo đi và vui sống - How to Stop Worrying and Start Living" là một sách tự lực của tác giả người Mỹ Dale Carnegie, được viết năm 1948. Bản Việt Ngữ do Nguyễn Hiến Lê dịch năm 1955 tại Sài Gòn và đưa vào tủ sách Học làm người. Quyển sách này là một cẩm nang về cách làm việc và vui sống không bị lo âu. Cũng xin nhắc lại với bạn lời của Chúa Giêsu: "Anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo" (Mt 6, 34).
2. Sống với mọi người
Thường tình, chúng ta nghĩ đến mình nhiều quá, mà quên những người xung quanh. Điều này dễ gây ra bất hòa xáo trộn. Vậy bạn cần làm gì?
2.1. Hãy sống hòa đồng với mọi người nhất là những người bạn gặp thường ngày. Đừng làm phiền họ, hãy tôn trọng quyền lợi của họ, tìm cách gây thiện cảm với họ.
2.2. Khiêm tốn và nhã nhặn sẽ chiếm được tình cảm của mọi người.
2.3. Bạn cần cộng tác với người khác, nhờ đó sẽ bớt thù thêm bạn, giúp cho cuộc sống dễ chịu hơn.
2.4. Nếu bạn đứng đầu công việc gì, hãy tranh thủ sự hợp tác của người dưới, khéo léo biết dùng người. Người dưới có lỗi, bạn nên rộng lượng; có sửa lỗi thì tế nhị dịu dàng. Bạn nên giao việc, giao quyền cho người dưới, tạo điều kiện cho họ làm việc. Họ thành công tức là bạn thành công.
III. Mình vì mọi người
Bất cứ ai cũng cần sống nhân ái. Là Kitô hữu bạn không thể quên giáo huấn của Đức Kitô: Yêu thương người khác như Đức Kitô yêu thương bạn.
1. Bạn biết nhận lỗi của mình. Một lời xin lỗi có thể xóa bỏ bất bình, ác cảm, và dễ đưa đến sự thông cảm.
2. Bạn hãy biết tha thứ cho người khác. Tha thứ là dấu chỉ bạn có tâm hồn quảng đại.
3. Bạn cần biết ơn mọi người. Hai tiếng "cám ơn" và "xin lỗi" không thể thiếu trong cuôc sống chung.
4. Lịch sự trong lời nói, trong y phục, trong cử chỉ. Lịch sự với hết thảy mọi người.
5. Đúng giờ là tôn trọng người khác. Bạn đừng bắt người khác chờ mình, hãy biết chờ người khác.
6. Biết xếp hàng. Ở những chỗ phải xếp hàng, bạn hãy giữ trật tự, đừng chen lấn xô đẩy.
IV. Trách nhiệm và danh dự
Khi khai quật thành cổ Pompe bị núi lửa vùi lấp cách đây hơn 2.000 năm, các nhà khảo cổ đều xúc động, khi nhìn những bộ xương của người lính Roma. Những người lính này đang làm nhiệm vụ canh gác. Họ đứng nguyên tại chỗ, chấp nhận cái chết, chứ không bỏ chạy.
Xin bạn nên giữ những điều sau đây:
1. Khi nhận một công việc gì, dù lớn nhỏ, bạn hãy cố gắng chu toàn công việc ấy ở mức độ hoàn hảo nhất.
2. Ta có thể lỗi trách nhiệm trong bốn cách sau: sợ trách nhiệm (không dám làm), tắc trách (không hết sức), đào nhiệm (bỏ dở việc), phản trắc (phản bội việc làm). Đừng bao giờ để mình rơi vào một trong bốn trường hợp trên.
3. Quý trọng danh dự của mình và của tập thể.
4. Tôn trọng lời hứa. Không nên hứa lung tung, nhưng đã hứa thì hãy giữ lời. Khi bạn giữ chữ tín, bạn không cần thề, người khác vẫn tin.
5. Lương tâm nghề nghiệp. Làm ngành nghề gì, hãy nghĩ đến hậu quả việc mình làm. Thực phẩm bẩn gây bệnh tật, thuốc giả có thể giết chết người.
V. Tổ chức công việc theo khoa học
Dù làm việc riêng hay việc chung, bạn cần có óc tổ chức làm việc có phương pháp.
1. Bạn cần có trật tự trong cuộc sống
Hãy vào một quầy thuốc tây, một thư viện, bạn nhận ngay trật tự rất cần thiết và ích lợi.
Trật tự trong đồ dùng: Vật nào chỗ ấy.
Trật tự về thời gian: Giờ nào việc ấy
Trật tự trong sinh hoạt: Đừng để đến ngày mai việc có thể làm hôm nay.
2. Biết dùng thời giờ
Trong các ân huệ Thiên Chúa ban, thời giờ có một giá trị đặc biệt nhất là vì thời gian không bao giờ trở lại.
Cần có một thời gian biểu hàng ngày, hàng tuần v.v... Sáng thức dậy, bạn cần biết hôm nay mình làm gì, làm lúc nào. Thời gian biểu bao gồm mọi khía cạnh trong cuộc sống như: cầu nguyện, học hành, giao tiếp, vui chơi giải trí, ăn nghỉ, làm việc... đừng dễ dàng thay đổi, cũng đừng qúa câu nệ.
Khi có quá nhiều việc phải làm, bạn cần suy nghĩ và quyết định: việc nào trước, việc nào sau, việc nào làm, việc nào bỏ. Sự quyết định này dựa vào giá trị ưu tiên (hoặc bậc thang giá trị).
3. Làm việc có phương pháp
Triết gia Descartes có nói: Nếu luôn theo đúng đường, thì người đi rất chậm sẽ tiến xa hơn người chạy nhanh mà đi trệch đường. Như thế, dù học tập hay làm việc, từ việc nhỏ đến việc lớn, cũng cần phải có phương pháp.
Dưới đây là những nét đại cương trong việc quản lý công việc:
a. Cần có một chương trình, rồi nghiên cứu và chuẩn bị chu đáo.
b. Muốn thành công, phải có người cộng tác. Phải tìm hiểu sở thích, khả năng của họ để giao việc. Giao trách nhiệm và cũng giao quyền hạn.
c. Phối trí và điều hòa công việc, đừng để thừa người, thừa việc. Biết sắp đặt và chỉ huv, năng xuất sẽ tăng.
d. Kiểm soát là đối chiếu kết quả thu hoạch với chương trình dự tính. Có kiểm soát mới tìm ra ưu khuyết điểm, để tiến lên. Sự kiểm soát phải vô tư, mau chóng và khôn khéo.
Một chút tâm tình:
Bạn ơi! Bạn phải sống làm sao để không hổ thẹn với trời đất, không để người khác coi thường. Khó thật đấy, nhưng có khó mới có khôn, vì "cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống" (Mt 7,14).
Tâm niệm:
"Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, nhưng vui thú với lề luật Chúa" (Tv 1).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
Trong xã hội bạn đang sống, những đức tính nào đáng trân trọng hơn cả ? Cho biết lý do tại sao?
Nhiều người tuy học thức không có bao nhiêu, mà lại rất được quý chuộng kính nể. Bạn thử tìm nguyên nhân của sự kính trọng này.