Thứ tư, 25/12/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 10.2020

Cập nhật lúc 16:54 04/10/2020
Khôi Bình Hưng Hóa
Đồng Hành Tháng 10.2020
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,

Tháng 10 hàng năm có thể gọi là tháng Truyền giáo. Bởi vì có lễ kính Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu (01.10.2020), quan thầy các xứ Truyền giáo, và có Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo (18.10.2020). Để tích cực hiệp thông với bầu khí Truyền giáo của Giáo hội, tôi xin gửi đến anh chị em toàn văn Sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo 2020 của Đức Thánh cha Phanxicô với chủ đề: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6, 8).
Ước mong rằng những lời Giáo huấn của vị cha chung sẽ giúp anh chị em ý thức được rằng: Cánh đồng Truyền giáo hôm nay đối với chúng ta thật rộng lớn. Rộng lớn không chỉ về mặt địa lý hay nhân sự mà thôi. Tỷ lệ người Công giáo tại Giáo phận Hưng Hoá chúng ta chỉ đạt khoảng 3,2% dân số, nhưng còn rộng lớn trên nhiều bình diện khác nữa. Do đó, có thể nói cần sự có mặt, hoạt động và chứng ta của anh chị em khắp nơi, và trên mọi nẻo đường của cuộc sống con người. Anh chị em phải là muối, là men, là ánh sáng cho thế gian. Khi lần chuỗi Mân Côi, xin anh chị em cũng nhớ cầu nguyện cho nhiều người được ơn nhận biết, tin yêu và tôn thờ Chúa.
Nguyện xin Đức Mẹ Mân Côi và chân phước Khôi Bình cầu bầu cùng Chúa cho Cộng đoàn chúng ta được những ơn cần thiết trong hiện tại, để tiến về cùng Chúa trong niềm TIN - CẬY - MẾN và yêu thương hiệp nhất với nhau ngõ hầu trở nên chứng tá cho Tin Mừng.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa

SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO 2020
“Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6, 8)
Anh chị em thân mến,
Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa vì sự dấn thân sống Tháng Truyền giáo Đặc biệt của toàn thể Giáo hội trong suốt tháng 10 năm 2019. Tôi tin chắc điều này đã giúp khuyến khích nhiều cộng đoàn hoán cải trong việc loan báo Tin Mừng, theo chủ đề “Được chịu phép rửa và được sai đi: Giáo hội của Chúa Kitô trong sứ mạng giữa thế giới."
Con đường truyền giáo của Giáo hội: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8)
Trong năm nay, năm được ghi dấu bởi những đau khổ và thách đố do đại dịch Covid-19 gây ra, con đường truyền giáo này của toàn Giáo hội tiếp tục được tìm thấy dưới ánh sáng trong tường thuật ơn gọi của tiên tri Isaia: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6, 8). Đây là câu trả lời luôn luôn mới trước câu hỏi của Chúa: “Ta sẽ sai ai đây?” (nt.). Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay. “Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau. Tất cả chúng ta đều ở trên con thuyền ấy. Như những môn đệ trong bài Tin Mừng đồng thanh và lo âu nói với nhau: ‘Chúng ta chết mất’ (Mc 4, 38), chúng ta cũng nhận thấy mình không thể tiến bước nếu mỗi người chỉ lo cho mình, nhưng phải cùng nhau” (Suy niệm tại Quảng trường Thánh Phêrô, 27 tháng 3 năm 2020).
Sứ vụ truyền giáo: Từ cái tôi sợ hãi đến trao ban chính mình cho người khác
Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người; nhưng đồng thời nhắc nhở chúng ta về một khát vọng mạnh mẽ về sự sống và về việc được giải thoát khỏi sự dữ. Trong bối cảnh này, lời mời gọi loan báo Tin Mừng, lời mời ra khỏi chính mình vì tình yêu Thiên Chúa và người lân cận được trình bày như một cơ hội để chia sẻ, phục vụ và cầu bầu. Sứ vụ mà Thiên Chúa giao phó cho mỗi người đi từ cái tôi sợ hãi và khép kín đến cái tôi được tìm thấy và đổi mới từ chính việc trao ban chính mình cho người khác.
Chúa Giêsu là Vị Truyền Giáo của Chúa ChA
Trong hy tế Thánh giá, nơi sứ vụ của Chúa Giêsu được hoàn thành (Ga 19, 28-30), Thiên Chúa mặc khải tình yêu của Người dành cho mỗi người và cho mọi người (Ga 19, 26-27). Và Ngài yêu cầu chúng ta sẵn sàng để được sai đi, bởi vì Thiên Chúa là Tình yêu trong sự chuyển động không ngừng của sứ vụ luôn luôn ra khỏi chính mình để trao ban sự sống. Vì yêu thương con người, Thiên Chúa Cha đã sai Con Ngài là Chúa Giêsu (Ga 3, 16). Chúa Giêsu là Vị Truyền Giáo của Chúa Cha: Cuộc sống và sứ vụ của Chúa Giêsu hoàn toàn tuân theo ý muốn của Chúa Cha (Ga 4, 34; 6, 38; 8, 12-30; Hr 10, 5-10). Đến lượt mình, Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh vì chúng ta, lôi cuốn chúng ta trong sự chuyển động yêu thương của Ngài. Thánh Thần của Chúa Giêsu làm cho Giáo hội sống động, làm cho chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Kitô và sai chúng ta đi loan báo Tin Mừng cho thế giới và cho mọi người.
Sứ vụ không phải là một chương trình
“Sứ vụ, ‘Giáo hội đi ra’ không phải là một chương trình, một ý định phải đạt được qua nỗ lực của ý chí. Chính Chúa Kitô làm cho Giáo hội ra khỏi chính mình. Trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, anh chị em di chuyển vì Thánh Thần thúc đẩy anh chị em và đưa anh chị em đi." Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta trước và với tình yêu này, Thiên Chúa đến và mời gọi chúng ta. Ơn gọi cá nhân của chúng ta xuất phát từ việc chúng ta là những người con của Thiên Chúa trong Giáo hội, gia đình Ngài, là anh chị em của Ngài trong đức ái mà Chúa Giêsu đã làm chỉ cho chúng ta. Tuy nhiên, tất cả đều có phẩm giá con người dựa trên lời mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa, để trở thành, trong bí tích Thánh tẩy và tự do đức tin, những gì đã luôn hiện diện trong con tim của Thiên Chúa.
Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa
Đã nhận được cách nhưng không, sự sống tạo thành một lời mời mặc nhiên tham gia vào tính năng động của việc tự hiến: Một hạt giống, nơi những ai đã chịu Phép rửa, sẽ có hình thức trưởng thành như một đáp trả của tình yêu trong hôn nhân và trong sự khiết tịnh vì Nước Thiên Chúa. Sự sống con người được sinh ra từ tình yêu của Thiên Chúa, lớn lên trong tình yêu và có xu hướng hướng đến tình yêu. Không ai bị loại trừ khỏi tình yêu của Thiên Chúa, và trong sự hy sinh thánh thiện của Chúa Giêsu, Người Con của Thiên Chúa trên Thánh giá, Thiên Chúa đã chiến thắng tội lỗi và sự chết ( Rm 8, 31-39). Đối với Thiên Chúa, sự ác - ngay cả tội lỗi - trở thành một thách đố vì tình yêu ngày càng lớn hơn (Mt 5, 38-48; Lc 23, 33-34). Do đó, trong Mầu nhiệm Vượt qua, lòng thương xót của Thiên Chúa chữa lành vết thương nguyên tổ của nhân loại và tuôn đổ cho toàn vũ trụ. Giáo hội, bí tích phổ quát tình yêu Thiên Chúa đối với thế giới, tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trong lịch sử và sai chúng ta đi khắp mọi nơi để qua chứng tá đức tin của chúng ta và việc loan báo Tin Mừng, Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ tình yêu của Người và theo cách này chạm và biến đổi trái tim, tâm trí, thể xác, xã hội và văn hóa ở mọi nơi và mọi thời đại.
Cảm nhận được sứ vụ khi sống tương quan cá nhân với Chúa
Sứ vụ này là một đáp trả tự do và ý thức trước lời mời gọi của Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể cảm nhận được lời kêu gọi này khi chúng ta sống một tương quan tình yêu cá nhân với Chúa Giêsu hiện diện sống động trong Giáo hội của Người. Chúng ta hãy tự hỏi: Chúng ta đã sẵn sàng để đón nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống của chúng ta chưa? Chúng ta có sẵn sàng lắng nghe lời kêu gọi loan báo Tin Mừng, trong đời sống hôn nhân, trong đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục, và trong đời sống hàng ngày chưa? Chúng ta có sẵn lòng để được sai đi khắp nơi để làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, để loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô, để chia sẻ đời sống thần linh của Chúa Thánh Thần bằng cách xây dựng Giáo hội? Chúng ta có như Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, sẵn sàng phục vụ ý muốn của Thiên Chúa (Lc 1, 38)? Sự sẵn sàng nội tâm này là rất quan trọng để có thể đáp trả với Thiên Chúa: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6, 8). Và điều này không phải trong trừu tượng, nhưng chính ngày nay trong Giáo hội và lịch sử.
Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Ngài
Hiểu những gì Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong thời điểm đại dịch này cũng trở thành một thách đố cho sứ mạng của Giáo hội. Bệnh tật, đau khổ, sợ hãi, cách ly chất vấn chúng ta. Cái nghèo của người phải chết trong cô đơn, của người bị bỏ rơi, của những người bị mất việc làm và không có tiền lương, của những người không có nhà cửa và thực phẩm chất vấn chúng ta. Khi bị buộc phải ở nhà, chúng ta được mời tái khám phá, chúng ta cần tương quan xã hội, và cả tương quan cộng đoàn với Thiên Chúa. Xa cách gia tăng sự ngờ vực và thờ ơ, tình trạng này làm chúng ta phải chú ý hơn đến cách chúng ta sống tương quan với người khác. Và cầu nguyện, trong đó Thiên Chúa chạm đến và lay động trái tim của chúng ta, mở ra cho chúng ta nhu cầu về tình yêu, phẩm giá và tự do của anh chị em, cũng như trách nhiệm của chúng ta trong việc chăm sóc cho mọi sáng tạo. Việc không thể tập hợp lại như một Giáo hội để cử hành Bí tích Thánh Thể đã khiến chúng ta chia sẻ tình trạng của nhiều cộng đoàn Kitô hữu không thể cử hành Thánh lễ mỗi Chủ nhật. Trong bối cảnh này, câu hỏi mà Chúa đặt ra: Ta sẽ sai ai đây? Được hỏi lại và chờ đợi câu trả lời quảng đại và thuyết phục từ chúng ta: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6,8). Thiên Chúa tiếp tục tìm kiếm những người sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa để Người gửi đến thế giới làm chứng cho ​​tình yêu, ơn cứu độ của Thiên Chúa: giải thoát khỏi sự ác, tội lỗi và cái chết, (Mt 9, 35-38; Lc 10,1-12).
Quyên góp truyền giáo
Cử hành Ngày Thế giới Truyền giáo cũng có nghĩa là tái khẳng định cách cầu nguyện,  suy tư và giúp đỡ vật chất cho công cuộc loan báo Tin Mừng; là cơ hội để tích cực tham gia vào sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người. Bác ái được thể hiện ở việc quyên góp trong các nghi thức phụng vụ vào Chủ nhật thứ Ba của tháng 10 tới đây, nhằm hỗ trợ công cuộc truyền giáo được các Hội Truyền giáo Giáo hoàng thực hiện nhân danh tôi, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của các dân tộc và các Giáo hội trên khắp thế giới vì ơn cứu độ của tất cả.
Xin Đức Trinh Nữ Maria rất thánh, Ngôi sao loan báo Tin Mừng và Đấng An ủi người sầu khổ, môn đệ truyền giáo của Chúa Giêsu, tiếp tục cầu thay cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta.
Roma, ngày 31 tháng 5 năm 2020, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Ngọc Yến  chuyển ngữ)

I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
Is 60, 1-6; 1Tm 2,1-8; Mc 16,15-20
Ngày 04.11.2019, phóng viên Gianni Valente của Hãng tin Fides thuộc Bộ Truyền giáo đã phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô nhân dịp kết thúc Tháng Truyền giáo Ngoại thường. Trong bài phỏng vấn này, Đức Thánh Cha nói rằng: "Loan Báo Tin Mừng không phải là 'chiêu dụ', nhưng phải phát triển Giáo hội bằng 'sự lôi cuốn' và bằng 'đời sống chứng tá.' Đó là phong cách truyền giáo mà Giáo hội thời nay phải luôn sử dụng như một điểm chú ý nổi bật." Vậy chứng tá cụ thể đó là gì?
Trước hết là chứng tá bằng đời sống cầu nguyện hy sinh. Đây là hoạt động đi đầu và không thể thiếu trong việc Loan báo Tin Mừng. Nhìn thấy gương chúng ta cầu nguyện, gương chúng ta hy sinh, người ta sẽ được đánh động, được cảm hoá. Nếu đời sống tâm linh của chúng ta được cắm rễ sâu trong đời sống cầu nguyện hy sinh, thì mọi việc ta làm đều có giá trị truyền giáo, đều có khả năng làm cho người khác nhận biết Chúa và đem lại rất nhiều lợi ích cho các linh hồn. Như vậy, ngồi ở nhà, chúng ta vẫn có thể truyền giáo. Về điểm này, Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta noi theo. Ngài nói: “Dù cúi xuống nhặt một cây kim vì lòng yêu mến Chúa, tôi cũng có thể cứu được một linh hồn."
Không ai có thể nói là tôi không có thì giờ để cầu nguyện. Không ai có thể nói là tôi không có cơ hội để hy sinh. Và để rèn luyện được nếp sống thấm nhuần tinh thần cầu nguyện hy sinh, có sức giới thiệu Đức Kitô cho người khác, thiết tưởng chúng ta có thể nhờ đến Chuỗi Kinh Mân Côi. Nhờ Mẹ dẫn chúng ta bước đi từng bước nhỏ trên đường vâng phục thánh ý Chúa và phục vụ các linh hồn.
Thứ đến là chứng tá bằng lối sống hiệp nhất yêu thương. Loan báo Tin Mừng bằng việc giảng dạy, bằng sách báo, bằng các lớp Giáo lý, bằng các lễ nghi, bằng các hoạt động tôn giáo, thực tế là rất cần. Nhưng cách Loan báo Tin Mừng hữu hiệu nữa là chính nếp sống đạo đức nổi trội của chúng ta về sự hiệp nhất yêu thương: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em hãy thương yêu nhau" (Ga 13, 35).
Tình yêu thương hiệp nhất ấy được thể hiện qua cách suy nghĩ, cách phán đoán, cách chọn lựa, cách đối xử, cách phản ứng, cách hiện diện, cách phục vụ nói năng, ăn uống, giải trí, cách dùng thời giờ, sức khoẻ, của cải,… Những dấu chỉ yêu thương hiệp nhất giữa mọi người trong gia đình, trong hội đoàn, trong giáo họ, giáo xứ là dấu chỉ loan báo Tin Mừng hữu hiệu nhất, giá trị nhất. Ngược lại, nếu thiếu tình bác ái yêu thương thì những việc tông đồ truyền giáo sẽ phản tác dụng. Một khi tất cả nếp sống của chúng ta phảng phất hương thơm của tình hiệp nhất yêu thương thì dù ở đâu, nếp sống ấy cũng là Loan báo Tin Mừng.
Sau nữa là chứng tá bằng nếp sống có văn hoá, văn minh. Ngày hôm nay, xã hội đang phải đối diện với biết bao tệ nạn, môi trường sống bị ô nhiễm trầm trọng, các giá trị đạo đức luân lý bị băng hoại. Chính vì thế, nỗ lực của xã hội là xây dựng nếp sống lành mạnh, có văn hoá, văn minh. Đi đâu chúng ta cũng thấy có các bảng hiệu “khu phố văn hoá”, “thôn văn hoá, ấp văn hoá”…, lẽ nào chúng ta lại đứng ngoài, lẽ nào chúng ta lại không chung tay góp sức mình vào việc đó.
Dĩ nhiên, nền văn hoá mà chúng ta phải xây dựng không phải là văn hoá sự chết, văn hoá tiêu diệt sự sống, mà là nền văn hoá bảo vệ và thăng tiến sự sống, sự sống ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Nền văn minh mà chúng ta phải kiến tạo không phải là văn minh của nền khoa học kỹ thuật khô cứng hay của chủ nghĩa duy vật hưởng thụ cực đoan, mà là nền văn minh của tình thương, nền văn minh của lòng bao dung tha thứ. Như mọi người khác, người Công giáo cũng đang hiện diện tại mọi môi trường xã hội. Chúng ta cũng làm ăn sinh sống trong mọi lĩnh vực, nhưng chúng ta làm việc với tinh thần khác: tinh thần công bình bác ái và phục vụ hy sinh.
Tóm lại, chúng ta phải Loan báo Tin Mừng bằng “sự lôi cuốn” và bằng “đời sống chứng tá." Để có một đời sống chứng tá thật sự thì chúng ta phải có nội lực dồi dào từ Chúa qua đời sống cầu nguyện hy sinh, qua lối sống hiệp nhất yêu thương và phải có một đời sống gương mẫu thì mới có khả năng “lôi cuốn” người khác hướng về Chúa là “người mẫu hoàn hảo nhất." Nhờ đó chúng ta có thể thi hành mau mắn ý Chúa muốn trong đời sống chúng ta như ngôn sứ Isaia đã mau mắn xin thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi” (Is 6, 8).
Câu hỏi gợi ý suy gẫm và chia sẻ:
1. Loan báo Tin Mừng (Truyền giáo) là gì ?
2. Hôm nay tại môi trường bạn sống, phải loan báo Tin Mừng thế nào để người ta tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa ?
3. Bạn quyết tâm làm gì để loan báo Tin Mừng cho mọi người ?
 
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Bài 09: Cứ dấu này
"Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy yêu thương yêu nhau" (Ga 13, 35). Lời mời gọi đơn sơ, dễ hiểu nhưng cũng kèm theo thái độ tích cực cam kết dấn thân sống trọn ý nghĩa của tình yêu. Sống tích cực không chỉ là lúc tươi vui, bình an, nhưng còn là lúc chán buồn tê tái, khổ đau ngập tràn. Tình yêu thật là thế đó; sống tích cực là thế đó. Vẫn cứ cam kết tiến lên lúc thuận lợi cũng như lúc nghịch cảnh; vẫn cứ vươn tới và cho đi ngay cả khi không được đáp trả hay biết ơn. Đó chính là sống theo lời mời của Thầy Chí Thánh, “Cứ dấu này người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy.” Đây chính là lời mời sống tích cực trọn vẹn được bắt nguồn từ Đấng đã “yêu cho đến cùng” (x. Ga 13, 1).
Vào một ngày trong năm 2003, căn phòng 14 lầu 4, khu ED trại giam Chí Hoà, Sài Gòn, bỗn xôn xao hơn bình thường khi một số tù nhân mới bước vào. Thông thường, những tù nhân được chú ý là những người có nhiều đồ dùng cá nhân - đó là dấu chỉ của người có thăm nuôi, họ không phải tù mồ côi (không thân nhân thăm nuôi). Dù căn phòng rất nhỏ hẹp, nhưng tù nhân vẫn tổ chức đời sống tập thể bằng cách chia những nhóm nhỏ để sinh hoạt, nhất là ăn chung với nhau, những nhóm này được gọi là mâm. Mâm lớn hay nhỏ, đông hay ít đều do sự quyết định của trưởng phòng và các “đại bàng."  Nói chung, những ai có thăm nuôi thì đều được “đại bàng” chiếu cố và dẫn họ vào mâm của mình.
Trong số những tù nhân mới ấy, một tù nhân có nhiều đồ đạc, nhưng lạ thay anh không được mâm nào cho nhập bọn. Lý do vì anh ta là một tù nhân mù. Sống trong tù, phận mình lo chưa xong lấy đâu mà lo cho anh mù, dù anh ta là người được thăm nuôi!. Nhận thấy anh mù bị bỏ rơi, người trưởng phòng nhận anh mù vào mâm của mình. Việc cho anh mù nhập mâm của trưởng phòng đã làm cho nhiều tù nhân ngạc nhiên, đặc biệt các tù nhân cùng mâm của trưởng phòng. Vì thực ra, dù trưởng phòng có thể không lưu manh như các “đại bàng,” nhưng trưởng phòng là người có uy tính và có nhiều quyền lợi trong phòng giam; đồng thời anh ta cũng có nhiều đàn em phục dịch cho anh ta như, có người xách nước cho anh tắm, có người giặt áo quần cho anh, và có người dọn cơm cho anh ăn. Khi nhận ra một số thành viên trong mâm không vui vì cho anh mù nhập bọn (có lẽ họ e rằng họ phải lo cho anh mù), anh trưởng phòng nói rõ: Tụi bay không cần phải lo cho anh này, tau sẽ lo cho anh ta. “Lo” ở đây có nghĩa là dẫn anh mù đi tiểu tiện, đưa anh mù đi tắm, giặt quần áo cho anh mù, lấy cơm cho anh mù ăn, xếp chỗ cho anh mù ngủ… Đúng như anh trưởng phòng cam kết, cứ mỗi ngày anh “lo” cho anh mù trong mọi chuyện sinh hoạt. Từ ngày ấy trở đi, bầu khí trong căn phòng dần dần dịu đi; những cuộc đụng độ và đánh lộn cũng giảm đi, những buổi chia cơm, chia nước được đồng đều hơn, không còn cảnh tranh giành nhau như trước đây. Thái độ và sự dấn thân của anh trưởng phòng không những ảnh hưởng tích cực tới bầu khí sinh hoạt trong phòng, nhưng nó còn đi xa hơn khi một số tù nhân tìm đến tâm sự với anh trưởng phòng; đặc biệt là anh mù. Anh mù dần dần mở lòng trò chuyện với anh trưởng phòng, từ những câu chuyện đời thường dẫn đến những đề tài tôn giáo, học hỏi niềm tin. Nhờ vậy, hai người có điều kiện để cầu nguyện và hát thánh ca với nhau sau mỗi bữa cơm chiều. Sau 3 tháng, anh mù xin được rửa tội vì anh cảm nghiệm được dấu chỉ của người môn đệ Đức Kitô trong phòng giam ấy.
Thưa bạn, chúng ta đã cùng nhau học hỏi 9 bài về chủ đề Sống Tích Cực. Trong bài cuối này, mẫu gương tích cực hoàn hảo nhất cho chúng ta noi theo không ai khác hơn chính là Đức Giêsu Nazareth. Cái nhìn của Đức Giêsu về con người rất khác với cái nhìn của chúng ta về anh em chúng ta. Đức Giêsu không đến để xét xử, để phê bình chỉ trích, nhưng đến để cứu chuộc. Đức Giêsu đến để chỉ cho con người thấy giá trị siêu việt nơi mỗi con người, họ là hình ảnh của Thiên Chúa - một “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4, 8). Có thể nói rằng, đặc tính cao quí nhất để miêu tả sự giống nhau giữa con người với Thiên Chúa không gì khác hơn chính là tình yêu. Vì thực ra, Thiên Chúa tạo dựng tất cả vạn vật trong vũ trụ, nhưng chỉ có con người được mang hình ảnh Thiên Chúa; vì chỉ có con người mới có khả năng để yêu. Như thế, nếu khi ta không nhận ra đặc tính tình yêu trong mỗi con người chúng ta, chúng ta tự đánh mất đi hình ảnh Thiên Chúa. Hay nói cách khác, khi ta không còn yêu nữa, ta không còn khả năng để phản ảnh trung thực hình ảnh Thiên Chúa trong ta. Chính vì điều đó, Đức Giêsu đến để giúp ta phục hồi lại bản chất cao quí tình yêu để ta càng nên giống Thiên Chúa hơn. Càng giống Thiên Chúa tức là càng yêu nhiều; mà yêu càng nhiều tức là hy sinh nhiều, và bỏ mình nhiều - bỏ mình cho đến mức như Đức Kitô là khuôn mẫu của sự bỏ mình vì tình yêu.
“Cứ dấu này” đó là dấu của tình yêu. Đức Giêsu đã chứng tỏ “dấu ấy” bằng cách sống triệt để - dù phải trả giá bằng cái chết để minh chứng cho tình yêu tích cực. Biết là bị phản bội, nhưng vẫn quì gối xuống rửa chân; biết là bị bỏ rơi, nhưng vẫn kiên định tiến lên phía trước; biết là bị hành hạ, giết chết, nhưng vẫn dấn thân lên Núi Sọ. Mẫu gương sống của Đức Giêsu là để nhắm mời gọi ta nhận ra giá trị cao quí nơi mỗi người - là hình ảnh của Thiên Chúa, nhờ thế ta đối xử với nhau thật trân trọng và yêu mến. Đừng để những va chạm, những khuyết điểm, những bất toàn của người khác làm cho ta mất đi khả năng nhận ra giá trị siêu việt nơi anh em mình.
Như anh trưởng phòng trong câu chuyện, dấu chứng để người ta nhận biết anh là môn đệ của Đức Giêsu không phải là do anh hô to “tôi là người Công giáo,” nhưng thực ra “dấu” để người ta nhận ra căn tính Công giáo của anh chính là những lần anh “lo” cho anh bạn khiếm thị ấy với tất cả sự dấn thân tích cực. Thế đã rõ, hương sắc của tình yêu được lan toả không phải chỉ những lúc hạnh phúc, nhưng quan trọng hơn, chính là lúc dấn thân tích cực trong nghịch cảnh.
Cầu chúc bạn có khả năng lan toả hương sắc của tình yêu bằng sự dấn thân tích cực cho những người thân, bạn hữu, và cộng đồng của mình, đặc biệt trong những hoàn cảnh vất vả, khó khăn.
Br. Huynhquảng

III. NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ (2020)
Bài 04: MỘT LINH HỒN TRONG TRẮNG
Lời Chúa: " Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa" (Mt 5, 8).
Chia sẻ: Bạn là người trẻ Công giáo. Ngoài việc rèn luyện cho mình thân thể, tinh thần, và ý chí, còn một điều rất quan trọng, đó là việc gìn giữ và thánh hóa linh hồn bạn.
A. Ý ĐỊNH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA.
1. Thiên Chúa dựng nên loài người có xác có hồn, với ý định cho con người được hạnh phúc đời này và đời sau. Thiên Chúa ban cho con người có ý thức và tự do, để con người thực hiện ý định trên đây. Chỉ nhìn vào cuộc sống trần gian, mà quên lãng cuộc sống hậu thế, đó là một sự thiếu sót lầm lẫn, đưa tới những hậu quả nghiêm trọng.
2. Chúa Giêsu đã mời gọi bạn đi vào chương trình của Thiên Chúa, và đã tha thiết nói với bạn: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy (x. Mt 16, 25).
3. Lời mời gọi có vẻ nghịch lý trên đây đã chứng tỏ: Ta phải làm hết sức mình, để giữ linh hồn luôn gắn bó cùng Chúa. Nói khác đi, ta cần phấn đấu để giữ linh hồn trong trắng, xa tránh tội lỗi, nhất là các tội nghịch đức trong sạch.
B. CON NGƯỜI GIỮA CUỘC ĐỜI
Lời mời gọi của Thiên Chúa vừa khẩn thiết, vừa cao đẹp. Tuy nhiên con người, như vị thần tiên bị đọa đầy, thấy mình bị ném vào cuộc đời đầy thử thách, đầy sóng gió, và nhiều khi nhuốm mùi thất bại.1. Những thử thách: Sống là chiến đấu không ngừng, chiến đầu với thiên nhiên, với bệnh tật, với hoàn cảnh. Những cuộc chiến cam go nhất, giai giẳng nhất, đó là chiến đấu với chính bản thân. Từ đáy hồn bạn, nổi lên những ham muốn bất chính, như kiêu căng, ích kỷ, ham tiền của, ham danh vọng, say mê sắc dục, thích an nhàn hưởng thụ... Vượt thắng đam mê xấu, bạn giữ được linh hồn trong trắng, trở thành thánh nhân. Nhưng điều ấy không dễ dàng.
2. Sự yếu đuối và tội lỗi. Nhiều khi bạn thấy mình yếu đuối. Biết điều tốt mà không làm, biết điều xấu lại cứ làm (x.Rm 7, 15.19). Hơn nữa, quen làm điều ác, lâu dần thành chai lì, mất cảm thức về tội, không còn phân biệt đâu là tốt xấu. Chẳng hạn những kẻ quen giết người, quen tà dâm, quen tham nhũng, quen ăn cắp. Bạn đừng ngạc nhiên khi biết mình yếu đuối sa ngã; trái lại phải biết cám ơn Chúa vì Người cho bạn còn phân biệt điều tốt xấu. Bạn cũng đừng ngã lòng. Ân tình Chúa bao la. Hãy sám hối, hãy chỗi dậy. Chúa Giêsu đang chờ bạn, đôi bàn tay yêu thương luôn mở rộng ôm bạn vào trái tim Người. Và bạn hãy canh tân. nghĩa là cố gắng sống tốt lành thánh thiện, ơn Chúa luôn nâng đỡ bạn.
3. Vài điểm thực hành: Xin chia sẻ với bạn một vài điều thực hành, hầu giúp bạn dễ giữ linh hồn trong trắng.
a/ Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Sáng thức dậy, tối đi ngủ, trước khi làm việc gì, hãy tập thói quen hướng lòng lên với Chúa, nói với Chúa cái gì đó tùy bạn muốn.
b/ Hãy quý trọng và năng đến với các Bí tích, nhất là Thánh Thể và Hòa Giải. Đây là nguồn trợ lực cho bạn.
c/ Tập nhìn nhận ra Chúa trong mọi hoàn cảnh, thành công hay thất bại,vui sướng hoặc khổ đau..., nếu có Chúa Giêsu, thì mọi sự đều sinh ích lợi (x. Rm 8, 28).
d/ Hãy yêu mến Mẹ Maria, chắc chắn Mẹ sẽ giúp bạn giữ linh hồn và thân xác trong trắng.
C. MỘT CHÚT TÂM TÌNH
Tuổi trẻ thật đẹp bạn ơi! Bạn là nụ hoa hàm tiếu duyên dáng xinh tươi, hương thơm ngào ngạt. Bạn đừng để tội lỗi, như con sâu đục khoét hồn xác bạn, làm cho hoa tàn nhị héo, hương sắc tàn phai.
Tâm niệm:
Những ai thuộc về Đức Kitô Giêsu thì đóng đinh tính xác thịt vào thập giá, cùng với các dục vọng và đam mê (Gl 5, 24).
Câu hỏi gợi ý thảo luận:
Bạn muốn giữ đức trong sạch. Đức Maria có giúp được gì cho bạn không ? Thái độ bạn đối với Đức Maria ?
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo họ Cầu Cải: Cung nghinh Chúa Hài Đồng, Thánh lễ vọng và hoan ca mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm hân hoan mừng ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người, tối ngày 23.12.2024, giáo họ Cầu Cải thuộc giáo xứ Cát Ngòi, long trọng tổ chức cung nghinh Chúa Hài đồng, dâng Thánh lễ vọng và tổ chức hoan ca mừng Chúa Giáng sinh 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log