Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 11.2019
Cập nhật lúc 09:08 02/11/2019
Khôi Bình Hưng Hóa Đồng Hành
Tháng 11.2019
Nội bộ sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Trong Tháng 11, tháng cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo hội muốn nhắc nhở chúng ta nhớ đến những người đã ra đi trước chúng ta. Trong số đó, có những vị đã được thưởng công trên nước trời, đó là các vị “đã nên thánh”, mà chúng ta kính chung vào ngày lễ Các Thánh (01/11); có những người còn đang được thanh tẩy trong Luyện ngục mà chúng ta cầu nguyện chung cho họ vào ngày lễ Các Linh Hồn (02/11). Tháng 11 cũng thường được gọi là “tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời” và là tháng để chúng ta cầu nguyện nhiều cho các linh hồn nơi luyện ngục. Tất nhiên không phải chúng ta chỉ cầu cho các tín hữu đã qua đời vào tháng 11; nhưng chúng ta vẫn nhớ đến họ trong các Thánh lễ và kinh nguyện hằng ngày.
Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời hàm chứa những bài học quan trọng cho đời sống đức tin. Trước hết là ý thức về sự chết và chân trời vĩnh cửu sau cái chết: “Ngay sau khi chết, mỗi người sẽ lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời trong một cuộc phán xét riêng. Cuộc phán xét đó quy chiếu đời sống họ với Đức Kitô, để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời, hoặc họ lập tức bị phạt muôn đời”(Sách GLHTCG, số 1021). Vì thế, khi nhắc chúng ta nhớ đến những người đã chết, tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời cũng thúc đẩy chúng ta sống cuộc sống hiện tại cách tốt lành, để được hưởng sự sống hạnh phúc bên Thiên Chúa sau khi chết.
Ngoài ra, việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời còn làm sáng lên mầu nhiệm hiệp thông các thánh: “Dù đã được sống muôn đời với Đức Kitô hoặc còn đang trong thời gian thanh luyện, hoặc còn đang sống nơi trần thế, tất cả các Kitô hữu đều hiệp thông với nhau, sự hiệp thông không hề bị gián đoạn mà trái lại, còn được tăng cường bằng việc thông chuyển cho nhau những phúc lợi thiêng liêng” (Sách GLHTCG, số 959). Vì thế, thánh Gioan Kim Khẩu kêu gọi: “Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông, tại sao bạn lại hồ nghi là liệu những hy lễ của chúng ta dâng lên để cầu nguyện cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không? Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ.”
Ta thường mong các tín hữu đã qua đời phù hộ cho ta, còn ta có nhớ đến họ và dâng những hy sinh, việc bác ái, Thánh lễ, để cầu nguyện cho họ hay không? Và khi đến lượt ta giã từ trần thế, ta có mong những người còn sống nhớ đến và cầu nguyện cho ta hay không?
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
2Mcb 7, 1-2. 9-14; 2Tx 2, 16-3, 5; Lc 20, 27-38
Cuộc đời con người có vẻ như chấm dứt bằng cái chết. Một triết gia Đức bảo con người sinh ra để chết. Cái chết là số phận của con người, nhưng nói chung ai cũng muốn sống. Kitô giáo cho rằng con người sinh ra là để sống mãi. Cái chết chỉ là cánh cửa mở vào cõi vĩnh hằng. Một số tôn giáo tin rằng đời người có nhiều kiếp. Kitô giáo chỉ nhận có một cuộc đời ta đang sống: Chính cuộc đời duy nhất này định đoạt số phận vĩnh cửu của ta. Không có một cơ hội thứ hai để làm lại. Chính vì thế phải sống hết mình cho đời này để đáng hưởng hạnh phúc đời sau. Đời sau mãi mãi là mầu nhiệm. Chẳng ai chụp ảnh được thiên đàng hay hoả ngục. Người đã khuất cũng không trở lại để kể ta nghe. Bởi thế, nhiều người không tin có đời sau. Cả những tín hữu cũng bị cuốn hút bởi vật chất, và sống như thể chỉ có đời này. Đời sau là chuyện ở đâu đó, hoàn toàn xa lạ.
Người thuộc phái Xađốc tin rằng sau cái chết linh hồn con người vất vưởng như cái bóng nơi âm phủ. Âm phủ là nơi tối tăm, buồn chán, thiếu sự sống. Người Pharisêu lạc quan hơn, cho rằng đời sau là sự kéo dài của đời này. Người ta sống như trước, nhưng tràn trề hạnh phúc. Đức Giêsu vén mở cho ta phần nào bức màn đời sau. Đời sau khác hẳn đời này. Người ta không cưới vợ, lấy chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như thiên thần, nghĩa là chỉ lo phụng sự và ca ngợi Thiên Chúa. Đời sau là nơi không còn bóng dáng của thần chết. Người ta thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người được sống lại: cả hồn lẫn xác. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi một cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc với linh hồn.
Trong tháng cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, chúng ta nghĩ đến cái chết và đời sau. Cái chết dạy tôi biết cách sống. Đời sau kéo tôi ra khỏi những hạnh phúc giả tạo, và những nỗi khổ đau do mê lầm. Tôi đang đi về đời sau để gặp Đấng mà tôi đã tin yêu suốt đời. Tất cả cuộc hành trình đều phải hướng về nguồn cội. Chúng ta đã được dựng nên cho Thiên Chúa, và chúng ta còn khắc khoải mãi cho đến khi gặp được Ngài.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Anh chị định nghĩa sự sống ra saỏ, sự chết thế nào?
2. Anh chị có đang dùng những tiêu chuẩn của mình để định nghĩa một cuộc sống thàng công (nhan sắc, tiền của, danh vọng...) hoặc là anh chị dùng những luật lệ của Thiên Chúa?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
Cùng Nhau Hành Động
Cùng Nhau Hành Động (Pay It Forward) là cuốn phim do đạo diễn Mimi Leder cho ra mắt vào năm 2000. Vai chính của cuốn phim là cậu bé 12 tuổi Trevor McKinney. Trong một lớp học về môn xã hội, thầy giáo của McKinney mời gọi mỗi học sinh suy nghĩ và đưa ra một ý kiến để có thể giúp thế giới loài người được bình an hơn, no ấm hơn và mang giá trị nhân bản hơn. Mỗi học sinh đều suy nghĩ, nhưng ý kiến của McKinney đã nêu rõ tính cộng đồng và rất thiết thực; nó có thể giúp cho cộng động nhân loại có một cuộc sông bình an và tương trợ nhau nếu mỗi người chúng ta chấp nhận ý kiến này và thực hành chúng thật nghiêm túc.
McKinney đề nghị một phong trào 1-3. Nghĩa là chính cậu là người khởi sự bắt tay bằng một việc tốt, đồng thời cậu kêu gọi ba người bạn của cậu cũng làm tương tự. Sau đó, mỗi một ba người bạn mới của cậu hãy tìm thêm 3 người khác và cùng làm việc tốt tương tự, và cứ như thế con số người tham gia vào chương trình 1-3 này sẽ gia tăng một cách đáng kể. Nói tóm lại, nếu một người quyết tâm làm một việc tốt và có trách nhiệm kêu gọi thêm 3 người khác cũng làm tương tự như vậy, thì con số những người làm việc tốt sẽ tăng rất nhanh chóng. Theo McKinney, nếu mỗi một người quyết tâm làm việc này thì bình an, hạnh phúc chắc chắn là điều khả thi cho mọi người trên hành tinh này.
Sáng kiến của cậu bé 12 tuổi McKinney làm cho chúng ta đáng suy nghĩ về cộng đồng nhân loại nói chung và cộng đoàn của chúng ta nói riêng. Điều gì sẽ xảy ra nếu cộng đoàn chúng ta biết thực thi nguyên tắc 1-3 này? Đây chính là xây dựng sự hiệp nhất rõ nét và vững chắc cho mỗi cộng đoàn.
Một người hãy nói một điểm tích cực về cộng đoàn mình cho ba người khác; và mỗi ba người hãy nói điều tốt về cộng đoàn mình cho thêm ba người nữa.Và cứ như thế, cộng đoàn ấy sẽ có cái nhìn tích cực.
Một người bắt tay vào việc giúp đỡ một người nghèo trong cộng đoàn mình và mời gọi ba người khác cùng làm việc này. Mỗi một ba người này cũng hãy mời gọi thêm ba người mới, và cứ như thế thì việc giúp đỡ cho một người nghèo là khả thi và có thể thực hiện.
Một em thiếu nhi hãy bắt đầu bằng việc nhặt rác và cũng mời gọi ba bạn khác cùng nhặt rác. Mỗi người trong ba em cũng hãy mời thêm 3 bạn khác cũng làm tương tự như vậy thì chắc chắn là việc nhặt rác sẽ thành công và nhanh chóng.
Bạn muốn xây dựng thế giới này khỏi sự nghèo đói ư? Hãy bắt đầu từ chính con người của bạn và thêm 3 người nữa.
Bạn muốn xây dựng dân chủ và công bằng cho Việt Nam ư? Hãy bắt đầu từ con người của bạn và thêm 3 người nữa.
Bạn muốn giúp cộng đoàn mình hiệp nhất và không chia rẽ? Hãy bắt đầu từ chính bạn và thêm 3 người nữa.
Vậy đó, hòa bình, hiệp nhất, ấm no cho một thế giới loài người là khả thi và có thể nếu chúng ta biết cộng tác với nhau và biết làm việc chung với nhau. Khi hành động chung với nguyên tắc 1-3 này, chúng ta sẽ không thấy sự phân chia giai cấp, kẻ trên người dưới, nhưng tất cả chỉ phục vụ cho mục đích của cộng đồng, của nhân loại.
Cầu chúc chúng ta thành công!
Nguồn: Sống Sao Cho Đẹp - Br. Huynhquảng
THƯ NGỎ NGÀY KHÔI BÌNH QUỐC TẾ 27/10/2019
Kính thưa quí Cha Đồng Hành,
Thưa quí Ban Quản Gia và Anh Chị Em Khôi Bình thân mến,
Con xin thay mặt cho Ban Quản Gia Khôi Bình Việt Nam (BQGKBVN) kính gửi lời chào thăm và cầu chúc mọi điều an lành và sức khỏe đến với quí Cha và quí Anh Chị Em nhân ngày KHÔI BÌNH QUỐC TẾ 27/10.
Thưa quí Anh Chị Em Khôi Bình,
Trong những tháng đầu tiên của BQGKBVN (nhiệm kỳ 2019-2025), chúng tôi đã họp bàn và thống nhất đường hướng mục vụ cho Cộng Đoàn Khôi Bình Việt Nam (CĐKBVN) bằng cách sẽ quan tâm và phát huy việc “THĂNG TIẾN XÃ HỘI” trong hoạt động của các Gia Đình Khôi Bình trên toàn quốc, đặc biệt tại Tổng Giáo phận Sài gòn.
“THĂNG TIẾN XÃ HỘI” là đặc điểm của LINH ĐẠO KHÔI BÌNH khi so sánh với linh đạo của các Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành khác tại Việt Nam.
Ngoài những buổi sinh hoạt thường kỳ để bồi dưỡng tâm linh như CHIA SẺ LỜI CHÚA và CHIA SẺ ĐỜI SỐNG, các Gia Đình Khôi Bình cần “biến Phúc Âm thành hành động” qua việc phát huy TÍNH XÃ HỘI bằng cách:
- Tích cực tham gia những công việc Bác Ái.
- Nêu gương sống tốt và cộng tác vào những chiến dịch Bảo Vệ Môi Trường.
- Cùng hành động và chung tay giúp cho cuộc sống nơi mình đang sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
- Tạo cơ hội và việc làm cho những người đang thực sự cần giúp đỡ để có cuộc sống ổn định và bền vững.
Hiện nay, BQGKBVN đã thành lập xong “CÔNG TY KHÔI BÌNH”:
- Công ty này trực thuộc BQGKBVN.
- Có nhiệm vụ tìm hiểu các địa phương đang có các GĐKB hiện diện để có thể đưa ra những dự án “Hỗ Trợ hoặc ký kết hợp đồng phát triển.”
- Công ty cũng có những kế hoạch cụ thể để tạo nguồn vốn giúp BQGKBVN có thể chủ động tài chánh trong các hoạt động mang tính Xã Hội trong tương lai.
Kính mong quí Cha tiếp tục đồng hành với các GĐKB trong việc hướng dẫn đời sống Tâm Linh. Đồng thời giúp cho Anh Chị Em Khôi Bình có được cơ hội thể hiện “Tính Xã Hội” trong các hoạt động tại các Giáo Xứ.
Xin Cha Thánh Kolping giúp chúng con biết luôn trung thành và nỗ lực sống trọn vẹn Linh Đạo KB để trở thành những Chứng Nhân Tin Mừng như lòng Chúa ước mong.
Sài gòn, ngày 22 tháng 10 năm 2019.
Thay mặt BQGKBVN
Toma. Hoàng Văn Nhàn (Gia Trưởng).