KHÔI BÌNH HƯNG HOÁ
ĐỒNG HÀNH Tháng 6. 2019 Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến!
Tháng sáu lại về, những cơn mưa đầu mùa tắm gội con người và vật vật. Tháng sáu trời mưa, muôn người tri ân và cảm mến, vì những cơn mưa mùa hạ quý giá biết bao cho mạch sống của con người, muông thú và cỏ cây. Sau những ngày hạn hán, giờ đây đất bỗng trổ sinh hoa trái.
Tháng sáu, Giáo hội dành cả tháng để mời gọi con người nhớ lại tình yêu của Thiên Chúa. Một tình yêu tự hiến, hy sinh và hoàn toàn vô vị lợi. Chúa Giêsu đã tự hiến thân trên thập giá để cứu độ loài người. Tình yêu của Ngài là tình yêu xả kỷ, hy sinh và tự hiến. Trên thập giá, Chúa đã nói lên tất cả. Chỉ nơi thập giá, con người mới gặp được Chúa và Chúa mới qui tụ con người. Chỉ nơi thập giá, con người mới có ơn cứu độ.
Kính nhớ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo hội sẽ không ngừng tôn vinh một con người đã yêu thương loài người đến hy sinh mạng sống trên thập giá. Tình thương của Chúa Giêsu là Tình Thương Cứu Ðộ và không ai có thể đến được với Chúa Giêsu, nếu Cha của Ngài là Thiên Chúa không lôi kéo kẻ ấy (Ga 6, 44).
Vâng, cái chết của Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại là ngôn ngữ mạnh mẽ nhất nói lên tình thương cao sâu của Chúa Giêsu. Ðó là Mầu Nhiệm thẳm sâu của Tình Yêu Thiên Chúa.
Tháng sáu, xin Chúa ban cho mọi thành viên của Khôi Bình Hưng Hóa luôn hướng về Thánh Tâm Chúa vì chính con tim mở rộng của Chúa, để Máu và Nước đổ ra đã là nguồn ơn cứu độ của chúng ta.
Xin cho Giáo hội luôn hiểu rõ rằng chỉ nơi thập giá, con người mới được cứu rỗi. Xin cho mọi người, mọi gia đình luôn biết chạy tới với Thánh Tâm Chúa Giêsu và luôn biết nhìn lên thập giá Chúa Giêsu vì nơi thập giá, con người sẽ bắt gặp được sự an bình thực sự.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA SẺ LỜI CHÚA: LỄ THÁNH TÂM Ed 34, 11 - 16; Rm 5, 5 - 11; Lc 15, 3 -7
Có một đôi vợ chồng người ngoài Công giáo: chồng là kỹ sư, vợ là cô giáo, nhưng hằng tuần vẫn đi lễ, đi lễ để tìm một bầu khí thinh lặng giữa cuộc sống quá ồn ào, đi lễ để nghe một vài suy sư nhằm nâng đỡ mình. Rồi sau đó, anh chị quyết định tìm hiểu giáo lý để có thể gia nhập Giáo hội Công giáo. Chị vợ thì hăng hái, nhưng anh chồng thì chưa muốn. Anh nói với chị thế này: Nếu khi em rửa tội; tức là thuộc về Chúa hoàn toàn, Chúa bảo em hãy dâng đứa con của mình cho Chúa, em có dâng được không? Đó là lý do để anh ấy chưa muốn cùng chị học giáo lý. Chị đến chia sẻ với tôi, tôi có nói với chị thế này: Nếu anh thương đứa con của mình như thế nào, thì Chúa thương anh y như thế, và còn hơn thế nữa. Đừng sợ Chúa đòi con. Chúng ta thấy không? Hình ảnh về một Thiên Chúa thích báo oán, hình ảnh một Thiên Chúa thích trừng phạt, hình ảnh một Thiên Chúa cảm thấy vui thích khi trừng phạt người khác, một thứ vui thích bệnh hoạn! Và hoá ra, còn rất nhiều người còn nuôi trong mình hình ảnh Thiên Chúa như thế. Không chỉ có người ngoài Công giáo, mà cả rất nhiều người Công giáo nữa. Bằng chứng là có nhiều câu hỏi loại như thế này: Tại sao lại bảo là căn bệnh HIV là một hình phạt mà Thiên Chúa dành cho một nhân loại tội lỗi? Tại sao những đứa trẻ mới sinh ra, nó tội gì mà nó mắc HIV? Sở dĩ, người đặt câu hỏi như vậy là người ta đã từng nghe nhiều bài giảng về một Thiên Chúa oán thù, bởi vì đã có một lối trình bày giáo lý về một Thiên Chúa hạnh phúc khi trừng phạt kẻ khác.
Chúa Giêsu phá vỡ tất cả. Dụ ngôn mà chúng ta đọc trong Thánh lể Thánh Tâm năm nay nằm trong tổng thể chương 15 của Tin Mừng thánh Luca, được gọi là những ví dụ về Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Chúa Giêsu phá vỡ tất cả những hình ảnh méo mó về Thiên Chúa. Thay vì là một Thiên Chúa kết án người tội lỗi, thì Thiên Chúa của Chúa Giêsu là người chăn chiên bỏ 99 con chiên để đi tìm 01 con chiên lạc. Thay vì là một Thiên Chúa thích trừng phạt kẻ tội lỗi bằng cách cấy con virus HIV vào người ta, thì Thiên Chúa của Chúa Giêsu là người chăn chiên băng bó vết thương cho những con chiên bị thương tích. Niềm vui của Thiên Chúa không phải là niềm vui của kẻ khoái thú khi gây đau khổ cho người khác, mà niềm vui của Thiên Chúa là rộng mở vòng tay đón nhận người tội lỗi trở về, và phải nói thêm rằng: tội nhân đó không phải tự mình trở về, mà là Thiên Chúa vác mình trên vai trở về. Chính Thiên Chúa vác chúng ta trên vai trở về, vì chúng ta đã kiệt sức rồi, đi không nổi nữa. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là như vậy. Và ngày lễ Thánh tâm cũng vậy.
Ngày lễ Thánh tâm không phải phát xuất chỉ từ thị kiến riêng tư của bà Magarita Maria Alakoc; nhưng là cả một khung cảnh lịch sử và một bối cảnh về suy tư thần học nằm đằng sau; trong đó Jean Silius Giám mục thành Ive, trong cuộc tranh luận về tương quan giữa tự do của con người và ân sủng của Thiên Chúa, ông đã đưa ra đến một quan niệm cho rằng: Hầu hết chúng ta xuống hoả ngục, chỉ có một số ít được lên Thiên đàng, mà số ít được tiền định lên Thiên đàng đó được Thiên Chúa ban ơn đặc biệt mạnh đến nỗi mà người đó rứt khoát phải sống thánh thiện. Lối quan niệm thần học đó đưa đến một lối sống đạo đầy sợ hãi, vì luôn luôn tưởng tượng mình rằng sắp sa hoả ngục. Và một khi đã cố gắng mà vẫn chưa sống tốt được, thì thôi cố gắng làm gì nữa, đã mất đời sau rồi, thì tội gì mất đời này nữa, cứ sống xả láng! Chính từ bối cảnh thần học đó, mà lễ Thánh tâm được Giáo hội thiết lập, dựa vào Kinh thánh để khắc hoạ lại tâm tư của Thiên Chúa, khắc hoạ lại một Thiên Chúa đầy từ tâm và nhân hậu, chứ không phải là một Thiên Chúa như Jean Silius trình bày. Thế nên, từ Chúa Giêsu cho đến ngày lễ Thánh tâm trong lịch sử đều mời gọi chúng ta phải duyệt xét lại hình ảnh Thiên Chúa trong tâm trí của mình. Đây là điều rất quan trọng, không phải là lý thuyết, bởi vì luân lý Kitô giáo không chỉ là luân lý xã hội, nhân bản, hay những lề luật pháp lý. Luân lý Kitô giáo bắt nguồn từ niềm tin, niềm tin vào một Thiên Chúa, cho nên khi ta nuôi dưỡng một Thiên Chúa như thế nào, thì nó sẽ dẫn đến một lối sống luân lý tương tự như vậy.
Những người Pharisêu ngày xưa, họ nuôi một hình ảnh về Thiên Chúa thánh thiện, là một Đấng tách hẳn ra khỏi thế giới tội lỗi; vì thế, rất logic, họ sống một cuộc sống luân lý thánh thiện bằng cách xa lánh người tội lỗi, những người đau khổ, vì đau khổ là do tội lỗi mà ra. Chúa Giêsu thì khác hẳn, Chúa Giêsu nuôi dưỡng một hình ảnh Thiên Chúa là Cha, một Thiên Chúa tình thương, và Thiên Chúa thánh thiện không có nghĩa là Ngài tách biệt khỏi tội lỗi, mà Thiên Chúa thánh thiện có nghĩa là Ngài ôm thế giới tội lỗi trong tình thương của Ngài. Thế cho nên, Chúa Giêsu có một lối sống hoàn toàn khác, Ngài đồng bàn với người tội lỗi, đi đến với người đau khổ để xoa dịu, nâng đỡ và chữa lành cho họ. Điều này rất quan trọng, quan trọng ở chỗ: mình nuôi dưỡng hình ảnh Thiên Chúa làm sao, thì đời sống luân lý của mình như vậy. Nếu chúng ta cứ nuôi dưỡng hình ảnh về Thiên Chúa thích trừng phạt và báo thù, thì đời sống đức tin của chúng ta sẽ đầy sợ hãi. Vì thế, rất cần thiết kiểm soát lại cách mình nuôi dưỡng hình ảnh về Thiên Chúa, không chỉ kiểm soát cho chính mình mà thôi, còn có trách nhiệm trình bày cho anh chị em khác; và không có cách trình bày nào tốt hơn là bằng những hành động có lòng thương xót.
Nói đến việc đền tạ, tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu, người Công giáo chúng ta thường nghĩ đến các giờ Thánh: Chúa ở trong nhà Tạm sao mà cô quặnh, cô đơn, cô độc, cô liêu quá? Chúng ta đến đó an ủi Chúa một chút. Điều này rất tốt, nhưng mà chỉ dừng ở đó thì chưa được. Giờ Thánh mà Giáo hội nhắm có cái gì đó tích cực hơn nhiều; đó là; khi mà chúng ta dành nửa giờ hay một giờ ngồi đó, mình thực sự chiêm ngắm Chúa Giêsu, và trái tim của Ngài, thì dần dần sự chiêm ngắm đó sẽ giúp cho hình ảnh và tâm tư của Chúa Giêsu khắc hoạ ở trong cõi lòng của mình. Và những tâm tư ấy sẽ dẫn lối cho một cuộc sống có lòng thương xót, một cuộc sống có tình thương như Chúa Giêsu đã sống, chứ không phải chỉ là ủi an Chúa vì Chúa cô đơn mà thôi.
Khi tôi phủ phục lúc đọc kinh cầu các Thánh trong Thánh lễ phong chức linh mục, tôi tự đặt câu hỏi cho mình: Tôi hiến mình cho Thiên Chúa, liệu Thiên Chúa có cần không? Và tôi thầm nghĩ Thiên Chúa chẳng cần, vì Ngài là Đấng sung mãn vô biên, Ngài chẳng cần sự hiến dâng của tôi làm gì. Thế nhưng, Thiên Chúa đón nhận sự hiến dâng nhỏ bé của tôi như là một món quà của lòng hiếu thảo, và rồi Thiên Chúa ban tặng tôi lại cho cuộc đời, để rồi khi tôi sống ơn gọi của tôi cho xứng đáng, thì cuộc đời của tôi trở thành một quà tặng của Thiên Chúa gửi cho cuộc đời, để cuộc đời ngợi ca tình yêu của Ngài và mời gọi cuộc đời bước vào quỹ đạo tình yêu của Ngài. Đền tạ Thánh tâm Chúa cũng vậy, Thiên Chúa chẳng cần chúng ta an ủi Ngài, nhưng Ngài đón nhận tấm lòng hiếu thảo của chúng ta, để rồi từ đó phải dẫn lối chúng ta có một lối sống có lòng thương xót.
Xin Chúa Giêsu cho chúng ta khắc hoạ lại lòng mình hình ảnh một Thiên Chúa như Ngài đã mặc khải bằng chính cuộc sống của Ngài để dẫn chúng ta vào một cuộc sống phù hợp với Tin Mừng hơn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Anh chị hiểu gì về Thánh tâm Chúa Giêsu qua ba bài đọc
Kinh thánh hôm nay ?
2. Anh chị có những cảm nghiệm gì về tình thương cứu độ của Chúa đối với mình và đối với những người chung quanh ?
II. THĂNG TIẾN ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN Bài học về “chữ tín” nơi cụ bà bán rau
Cách đây mấy năm, qua internet chúng ta biết được, chuyện một bà cụ bán rau tại Việt Nam đã giữ chữ tín với khách hàng đến nỗi bà đã ngã bệnh và qua đời ít ngày sau đó. Gương của bà cụ đã làm cho nhiều người xúc động và cảm phục lòng chân thành và tín trung của người nông dân chất phát.
Do bị đánh động bởi lòng trắc ẩn khi thấy một bà cụ già phải bán rau vất vả kiếm sống hằng ngày, một chàng thanh niên trên đường đi làm đã dừng xe máy lại mua ít bó rau với mục đích là để giúp bà. Vì lý do đó, chàng luôn tiện nhờ bà giữ giúp rau cho đến lúc chiều đi làm về rồi chàng ghé lấy rau. Nhưng thực ra, ý của chàng là giúp bà chứ đâu phải mua rau, vì thế chàng đã quên hẳn việc “gửi” rau nhờ bà cụ giữ giúp.
Hoá ra, bà cụ đã vì trách nhiệm và chữ tính đã ngồi chờ chàng thanh niên dưới cơn mưa tầm tã cho đến chiều tối, kết quả bà ngã bệnh và qua đời sau ít ngày. Những người bán nước xung quanh bà hối thúc bà cất rau, trốn mưa, đi về nhà sớm… bà cương quyết không nghe theo họ, vì bà chờ chàng thanh niên lấy rau, người mà bà đã nhận tiền của chàng từ sáng.
Trung tín, chung thuỷ có nghĩa trong tiếng La tinh là “fidelis.” Fidelis được bắt nguồn từ danh từ fides, nghĩa là đức tin, tín thác. Khi bàn về nghĩa từ “đức tin, tín thác” tức là nói đến mối quan hệ không chỉ giữa con người với nhau, nhưng nói lên mối quan hệ giữa một vị thần linh và con người. Hay nói cách khác, từ mối quan hệ chung thuỷ giữa một vị thần với con người đã giúp con người học được ý nghĩa trọn vẹn thế nào là trung tín và chung thuỷ. Vị thần linh luôn luôn chung thuỷ với con người, còn con người thì thường thiếu sự chung thuỷ với ngài. Khi bàn đến chung thuỷ và trung tín, chúng ta không thể không bàn tới “lời hứa.” Chính lời hứa là sợi mắt xích, là gạch nối, và cũng là nguyên nhân dẫn chúng ta suy tư và tập sống chung thuỷ và trung tín.
Lời hứa đi theo cuộc sống con người từ lúc có trí khôn cho đến lúc trưởng thành. Thưở thiếu thời, con trẻ được giáo dục và dạy bảo về giá trị của lời hứa qua những việc bình thường trong ngày: “Con nhớ nhé, con làm điều này nhé… Dạ, con nhớ. Dạ, con hứa…” Mối liên hệ, niềm tin giữa người lớn và trẻ nhỏ cũng được chớm nở và phát triển từ đó. Niềm tin dành cho nhau giữa hai người được hun đúc có lẽ phần lớn dựa vào khả năng giữ lời hứa của mỗi người. Cứ thêm một lần lời hứa được giữ, thì niềm tin dành cho nhau càng thêm được củng cố và phát triển. Ngược lại, nếu cứ một lần lỗi hẹn, thì niềm tin dành cho nhau cũng bị xói mòn. Trẻ em là người có khả năng nhạy bén nhất để nhận ra điều này. Niềm tin giữa cha mẹ và con cái phát triển tới mức nào cũng phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giữ lời hứa của cha mẹ dành cho con cái, nhất là lúc các em con thiếu thời.
Khi một lời hứa với ai đó được giữ cẩn thận, thì điều đó có nghĩa là sự tôn trọng của chúng ta dành cho người kia được thẩm định. Dầu vậy, xa hơn thế nữa, khi một lời hứa được giữ, điều trước hết chính là chúng ta tôn trọng chính con người chúng ta, chúng ta giữ lời hứa, chữ tín với chính con người chúng ta, đó chính là điểm then chốt trong việc giữ lời hứa với người khác. Thực đúng như thế, khi tôi hứa một điều gì với ai, tức là tôi thừa nhận với chính tôi và đương sự ấy rằng tôi có khả năng để thực hiện điều đó. Chính giai đoạn thừa nhận với chính tôi đã tạo cho tôi một niềm tin trong tôi; nhờ niềm tin này mà tôi giám hứa với người khác.
Anh chị hãy nhìn ngắm vẻ đẹp của đức tín trung tín và chung thuỷ. Hãy dành đôi phút để hãnh diện về chính con người của mình vốn được ban tặng đức tính cao đẹp này một cách nhưng không. Nhờ niềm tin và lời hứa mà mình đã tạo được biết bao nhiêu mối quan hệ đẹp trong đời: Tình cha mẹ, anh em, bạn hữu, và vợ chồng, con cái.
Hãy dành đôi phút để tạ ơn cuộc đời, tạ ơn con người, tạ ơn người thân, vì cũng chính nhờ niềm tin và lời hứa của họ mà ta thêm vững tin xây dựng cuộc đời, xây dựng đời mình.
Việc hoàn thiện đời người không chỉ là việc nhổ cỏ dại, nhưng quan trọng hơn chính là trồng thêm lúa, hoa, và rau.Càng trồng thêm lúa, hoa, rau… thì cỏ dại không có cơ hội chiếm đất trống để mọc.
Sống trong tâm tình tạ ơn, cảm kích sẽ giúp ta trồng thêm đức tính tốt và thực hiện được ước mơ làm người sống đẹp, sống tốt. Chúng ta cùng hứa với lòng mình và với nhau là trồng thêm lúa, hoa bằng cách giữ lời hứa với mình và với người trong niềm vui cảm tạ.
Mây Trắng
III. ĐÀO SÂU LINH ĐẠO KHÔI BÌNH Cha Adolph Kolping và vấn đề xã hội
“Đức tin không phải chỉ được thể hiện trong những nơi cầu nguyện mà nó còn phải là một phần trong cuộc sống hằng ngày.” Câu nói của Cha Adolph Kolping minh hoạ rất rõ cách mà ngài muốn chúng ta hiểu và sống theo Kinh Thánh của Đức Giêsu Kitô. Câu nói đó còn chứa đựng lời phê bình gián tiếp về thần học và về cách mà Giáo hội Công giáo rao giảng Tin Mừng vào thời đó. Với vai trò là cha tuyên úy, Cha Adolph Kolping đã đối mặt với nhiều nỗi đau của người dân trong xã hội đến nỗi mà ngài phải đưa ra kết luận rằng Giáo hội quá bị động. Ngài quyết định dành sự quan tâm cho những người làm thuê, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và nhờ vậy hành động của ngài đã trở thành tấm gương cho Giáo hội và xã hội. Cộng đoàn Những Người Thợ Thầy đã được sáng lập bởi nhà giáo Breuer, là nơi thích hợp để ông ta đấu tranh cho sự nghèo khổ của những người làm thuê. Vào ngày 06/5/1849, nghĩa là 169 năm trước, Cha sở Adolph Kolping đã sáng lập Cộng đoàn Những Người Thợ Thầy đầu tiên của Công giáo tại Cologne.
Cách nhà thờ Minorite chỉ một vài mét, ngài đã gặp được bảy người làm thuê ngay trong buổi chiều hôm đó để đưa ra những câu trả lời mang tính Kitô giáo theo cách đặc biệt của ngài về những vấn đề xã hội trong thế kỷ 19. Trong văn phòng của ngài, với tư cách là Đức ông của Cộng đoàn Những Người Thợ Thầy ở Elberfeld, Cha Adolph Kolping đã thu thập được những kinh nghiệm ngài cần để đảm trách vị trí Đức ông tại Cologne. Tất cả chúng ta đều biết rằng ngài đã học về kinh doanh giày và gặt hái được nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế trong những buổi hội thảo khác nhau trước khi ngài chuyển đi học ở Bonn và Munich.
Cha Adolph Kolping có kỹ năng quan sát xuất sắc và ngài là một nhà hùng biện tuyệt vời. Ngài có được những kinh nghiệm thực tiễn đầu tiên khi còn là giáo viên trưởng bộ môn về tôn giáo ở trường cấp 1 và cấp 2.
Những hậu quả nặng nề của nền công nghiệp hóa thế kỷ 19, cộng với sự nghèo đói và mất phương hướng của những lao động trẻ và công nhân, đã để lại ấn tượng khó phai trong vị linh mục trẻ tuổi này. Khả năng tuyệt vời của ngài, khi nói đến tâm lý của công nhân và thợ thủ công cũng như về những vấn đề xã hội của họ, đã làm cho ngài trở thành sức hút đối với giới trẻ và nhờ đó họ rất muốn nói chuyện với ngài.
“Thiên Chúa đặt bạn nơi mà Ngài cần bạn”, câu nói này của Cha Adolph Kolping cũng được áp dụng cho chính ngài. Lúc Cha tuyên úy Adolph Kolping 35 tuổi, Chúa đã giao phó một nhiệm vụ đặc biệt cho ngài tại Cologne: đó là đồng hành với những người khác, Chúa đã đặt ngài như là một người dẫn đường cho những người công nhân và thợ thầy vào lúc xã hội và tôn giáo đang xuống cấp. Khi sự cạnh tranh và thử thách xuất hiện từ những vấn đề xã hội trong thế kỷ 19, Cha Adolph Kolping đã cố gắng đưa ra những giải pháp thích hợp mang tính Kitô giáo, ngài đã đóng vai trò tiên phong trong Giáo hội nhưng đồng thời lại là cái gai bằng xương bằng thịt trong mắt những chức sắc của giáo hội.
So với tư tưởng Marxist của Karl Marx và Engels, chương trình của Cha Adolph Kolping dường như đơn giản và hấp dẫn hơn. Theo Cha Kolping, bất kỳ sự thay đổi nào vì sự tốt đẹp hơn trong giáo hội và xã hội cũng đều được mang lại “sự cần cù” của từng cá nhân. Cha Adolph Kolping tin rằng đây là nền tảng cơ bản cho những nỗ lực của ngài nhằm thiết lập các Cộng đoàn Những Người Thợ Thầy Công Giáo.
Cha Adolph Kolping đã sẵn sàng cho sự thiết lập một Cộng đoàn Những Người Thợ Thầy đầu tiên của ngài bằng năng lượng và sự quyết tâm to lớn. Trong những năm sau đó, Cộng đoàn này đã trở thành trung tâm của mọi phong trào. Cha Adolph Kolping tin chắc rằng Cộng đoàn Những Người Thợ Thầy Công Giáo không chỉ tập trung vào những vấn đề trong nội bộ nếu muốn đưa ra những giải pháp hợp lý và thuyết phục cho những vấn đề xã hội. Nhờ vào mối quan hệ cá nhân, ngài đã tự xoay sở để thuê một căn phòng ở trường thuộc giáo xứ Kolumba ở Cologne, nhằm tổ chức một buổi họp chỉ với bảy người thợ thầy vào chiều ngày 06/5/1849. Cha Adolph Kolping chắc chắn đã cảm thấy thất vọng đôi chút bởi vì ngài đã tin chắc rằng tư tưởng của mình sẽ có thể thu hút được đông người hơn vào buổi chiều hôm ấy. Thậm chí ngài thấy thất vọng hơn khi biết rằng Karl Max, người cùng thời với ngài ở Cologne, lại có thể thuê được căn phòng hội nghị lớn nhất kèm theo một lượng khán giả nhiệt tình. Dù sao đi nữa, tư tưởng của Karl Marx đã dần trở thành lịch sử. Ngược lại, tư tưởng của Cha Adolph Kolping lại trở thành “lịch sử với tương lai.” Điển hình, số thành viên đã tăng từ 07 người ban đầu thành 400,000 thành viên năng động như hiện nay thuộc 7,200 Gia Đình Khôi Bình trên 61 quốc gia rộng khắp thế giới.
Tất cả điều đó có thể bắt nguồn từ công việc của một cá nhân: Cha Adolph Kolping, thương nhân, linh mục, Cha của Những Thợ Thầy mà hiện nay chúng ta sùng kính - Chân phước Adolph Kolping, là một người đã viết nên lịch sử, là một người đã nhận ra tiếng gọi của Chúa bên trong mình và đi theo tiếng gọi đó.
Cha Những Người Thợ Thầy của chúng ta nổi bật với niềm tin kiên định của mình rằng đức tin không bao giờ được định hướng một cách riêng biệt cho chúng ta. Đối với Cha Adolph Kolping, thực hành đức tin nghĩa là trải rộng thông điệp của nó và đặt nó vào thực tế. Đức tin muốn và cần được sống. Đức tin và tôn giáo phải là một phần của cuộc sống hằng ngày. Hai điều đó không bao giờ bị tách rời khỏi thực tế khó khăn hoặc khỏi việc nuôi sống con người với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn sau này. Điều này thực sự sẽ xác nhận lời chỉ trích chống lại Giáo hội bởi những người Cộng sản như Marx và Engels như họ đã nói: “Tôn giáo là liều thuốc phiện của người dân.” Cha Adolph Kolping không đồng ý. Đức tin phải được củng cố mạnh mẽ bởi vì ước muốn của Thiên Chúa là sự cứu rỗi sẽ đến với hết thảy mọi người cũng như với sự cống hiến và dấn thân của họ. Với vai trò là một nhà cải cách xã hội Kitô giáo, Cha Adolph Kolping biết rằng con người còn hơn những gì mà họ đạt được. Con người được tạo bởi Thiên Chúa và Thiên Chúa yêu thương những gì Người tạo ra. Điều này áp dụng vô điều kiện cho mỗi con người chúng ta mà không cần biết người đó giàu hay nghèo, được học hành hay không. Và kể từ khi con người được tạo và được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau.
Một ví dụ xuất phát từ những vấn đề xã hội trong thế kỷ 19 đã đưa ra một ví dụ cho sự tự do của loài người. Việc giải phóng cá nhân khỏi “cuộc sống nghèo khổ”, theo mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, là không đủ. Trên thực tế, con người sẽ được tự do nếu như họ thoát khỏi được các tiện nghi của mình. Mục tiêu của Khôi Bình là không chỉ giải phóng con người “khỏi” một điều gì đó mà còn tiếp thêm sức mạnh để họ được tự do “để” làm một điều gì đó. Ở đây là đang nói về phẩm giá của con cái Chúa, là thứ không thể nào bị lấy đi bởi vì Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta phẩm giá con người. Về mặt này, Cha Adolph Kolping được xem là người tiên phong của Học thuyết Xã hội Kitô giáo.
Tư cách của người Kitô giáo được điều khiển qua món quà của Chúa ban cho chúng ta, đó chính là phẩm giá con người. Do đó, mục tiêu đặc trưng của Cộng đoàn Khôi Bình chưa bao giờ chỉ tập trung vào việc cung cấp nơi ăn chốn ở, giáo dục hay đào tạo riêng cho người trẻ. Từ 169 năm trước, kế hoạch của Cha Adolph Kolping là cung cấp cho con người một sự giáo dục toàn diện. Để rồi bây giờ, chúng ta đang nằm trong sự quan tâm của Kolping về “tất cả khía cạnh của một con người.” Là một “nhà sư phạm toàn diện”, Cha Adolph Kolping đã đi trước thời đại và ngài là người tiên phong trong việc rao giảng những nguyên tắc Kitô giáo.
Tôi muốn chúng ta cũng phải đi trước thời đại mà không cần biết chúng ta đang làm việc ở cấp độ nào trong Cộng đoàn Khôi Bình Quốc Tế. Tôi muốn chúng ta hãy là những người tiên phong có những sự tác động tích cực lên Giáo hội và xã hội. Tôi muốn chúng ta hãy sáng tạo và giàu trí tưởng tượng về việc sống đức tin của chúng ta. Và nếu cần thiết, hãy là một cái gai bằng xương bằng thịt như Cha Adolph Kolping, là người đã giúp người khác biến điều ước có một cuộc sống tử tế hơn của họ thành hiện thực.
Đức ông Ottmar Dillenburg,
LMĐHKB Quốc tế
Chuyển ngữ: Paul Nguyễn Hữu Nghĩa Hiệp