Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Bằng việc cử hành Chủ nhật Lễ Lá, chúng ta đã khởi đầu Tuần Thánh. Tuần Thánh chính là trung tâm điểm của toàn thể Năm Phụng Vụ, là thời gian mà chúng ta đồng hành cùng Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh.
Nhưng Tuần Thánh muốn nói điều gì với chúng ta? Đâu là ý nghĩa của việc bước theo Giêsu trong cuộc hành trình lên Đồi Canvê, ngang qua Thập giá và Phục sinh? Trong sứ mạng của mình trên trần gian, Chúa Giêsu đã đi qua khắp các nẻo đường của vùng Do Thái. Ngài đã gọi 12 con người đơn sơ để họ cùng ở lại với Ngài, để họ cùng sẻ chia với Ngài trong cuộc hành trình, và để họ tiếp tục sứ mạng của Ngài. Ngài đã chọn họ giữa những người đầy lòng tin vào lời Thiên Chúa hứa.
Chúa Giêsu đã chuyện trò với hết thẩy mọi người mà không có sự phân biệt đối xử: Ngài nói với cả người cao quý lẫn kẻ khiêm nhường; Ngài nói với cả anh thanh niên giàu có lẫn bà góa phụ nghèo túng; Ngài nói với người khỏe mạnh, cũng như người đau yếu; Ngài đã mang đến cho mọi người lòng thương xót và món quà Thiên Chúa. Ngài đã chữa lành, ủi an, ôm ấp hết thẩy mọi người. Ngài đã ban cho chúng ta niềm hy vọng. Ngài đã mang đến cho mọi người sự hiện diện của Thiên Chúa, sự hiện diện của Thiên Chúa như người cha nhân từ và như người mẹ dịu hiền chăm nom từng người một trong đàn con cái. Thiên Chúa không hề chờ đợi chúng ta tìm đến Ngài, mà là Chính Ngài đã tự động đến với chúng ta trước mà không tính toán, và chẳng hề do dự. Ngài là Đấng luôn đi bước trước, Đấng luôn chuyển động hướng đến chúng ta. Chúa Giêsu đã sống các thực tại hằng ngày của những người dân bình thường nhất: Ngài đã động lòng thương trước một đám dân giống như một đàn chiên không người chăn dắt; Ngài đã khóc trước nỗi thống khổ của hai chị em Mátta và Mari-a, vì
em của họ là Ladarô vừa mất; Ngài đã gọi anh thu thế làm môn đệ của mình; và Ngài cũng đã gánh chịu sự phản bội của một người bạn. Chính nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự đoan chắc này: Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Trong Tuần Thánh, chúng ta sống đỉnh điểm của kế hoạch yêu thương này, một kế hoạch đã chạy dọc suốt chiều dài lịch sử tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại. Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem để thực thi chặng cuối của cuộc hành trình này, và trong chặng cuối ấy nó gồm tóm hết mọi hiện hữu của Ngài, đó là tự trao hiến hoàn toàn, mà không giữ lại gì cho mình, thậm chí mạng sống mình Ngài cũng hiến ban.
Trong Bữa Tối Cuối Cùng, cùng với các môn đệ, Chúa Giêsu đã chia bánh và trao chén “vì chúng ta.” Con Thiên Chúa được trao cho chúng ta. Mình vào Máu của Ngài được trao đến tận tay chúng ta, để Ngài luôn ở cùng chúng ta, để Ngài luôn ở giữa chúng ta. Và trong Vườn Dầu, cũng như trong phiên tòa trước Philatô, Ngài chẳng hề kháng cự, tự trao hiến; Chúa Giêsu là vị Tôi Trung đau khổ mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo, vị Tôi Trung lột trần chính mình cho đến khi chịu chết! (x. Is 53, 12).
Chúa Giêsu không hề sống thứ tình yêu dẫn đến một sự hiến mạng theo cách thụ động hoặc dẫn đến cái chết như một định mệnh. Chắc chắn Ngài đã không che dấu con người sợ hãi thẳm sâu trước cái chết bạo tàn, nhưng Ngài đã phó thác với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Cha. Chúa Giêsu đã tự nguyện giao nộp mình cho sự chết để ứng đáp lại tình yêu của Chúa Cha, trong sự hiệp thông trọn vẹn với thánh ý của Cha, tất cả chỉ để biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Trên Thập Giá, Chúa Giêsu “là Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Thế nên mỗi người chúng ta có thể nói: “Chúa Giêsu đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.”
Sống Tuần Thánh không chỉ đơn thuần bằng cảm xúc của tâm hồn mà còn phải học ra khỏi chính cái tôi của mình, để bước vào cuộc gặp gỡ với tha nhân, để bước ra vùng ngoại viên của cuộc đời, để chúng ta tự đẩy mình tiên phong đến với những người anh chị em của chúng ta, trước cả là những người xa xôi nhất, những người bị lãng quên, những người đang cần nhất sự thấu hiểu, niềm ủi an cũng như sự giúp đỡ. Có rất nhiều nhu cầu cần mang đến sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu từ bi và giàu lòng yêu thương! Sống Tuần Thánh là đi vào trong luận lý (logic) của Thiên Chúa, logic của Thập giá, nhưng trên hết không phải là logic của đau khổ và thập giá nhưng là logic của tình yêu và logic của món quà là chính bản thân mình, một món quà trao ban sự sống. Nói cách khác, đó là đi vào trong logic của Tin Mừng. Bước theo Chúa, đồng hành với Đức Kitô và ở lại với Ngài đòi hỏi một sự ĐI RA - RA KHỎI. Ra khỏi chính mình, ra khỏi lối sống đức tin mệt mỏi và nhàm chán, ra khỏi cám dỗ khép mình lại trong khuôn khổ của chính mình và rốt cuộc là khép kín với chiều kích hoạt động đầy sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã đi ra khỏi chính mình để đến với và ở giữa chúng ta, Ngài đã cắm lều ở giữa chúng ta để mang chúng ta đến với lòng thương xót của Thiên Chúa vốn cứu độ và trao ban cho chúng ta niềm hy vọng. Cả chúng ta nữa, nếu chúng ta muốn theo Ngài và ở lại với Ngài, chúng ta không được hài lòng với việc ở lại trong chuồng của 99 con chiên, mà chúng ta cần phải “đi ra”, để cùng với Ngài tìm kiếm con chiên lạc, con chiên ở xa nhất.
Một vài người có thể nói với tôi: “Nhưng thưa cha, con không có thời gian”, “con còn nhiều điều để làm”, “thật là khó khăn”, “con có thể làm được gì với sức mọn hèn của con”, cả với tội của con và biết bao nhiêu điều? Chúng ta thường hài lòng với vài kinh nguyện, tham dự thánh lễ Chủ nhật lơ đãng và không thường xuyên, vài cử chỉ bác ái, nhưng không có can đảm để “ra khỏi” mình để mang lấy Chúa Kitô. Chúng ta phần nào giống như thánh Phêrô. Vừa khi Chúa Giêsu nói về cuộc khổ nạn, về cái chết và sống lại, về sự tự hiến mình, về tình yêu dành cho mọi người, Thánh Tông đồ kéo Đức Giêsu ra một nơi và trách cứ Ngài. Điều mà Đức Giêsu nói làm đảo lộn kế hoạch của ông nên dường như không thể chấp nhận được. Điều ngài nói gây khó khăn cho những điều chắc chắn mà ông đã xây đắp, ý niệm của ông về Đấng Mêsia. Và Chúa Giêsu nhìn các môn đệ và nói với Phêrô bằng một lời nghiêm khắc nhất trong Tin Mừng: “Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau Ta! vì con không suy nghĩ theo Thiên Chúa, nhưng theo người phàm” (Mt 8, 33), Thiên Chúa luôn suy nghĩ với lòng thương xót: Ngài là Cha đầy lòng thương xót!.
Thiên Chúa suy nghĩ như người Cha chờ đợi con trở về và khi đi ra vừa gặp đứa con trở về, ông nhận ra nó khi nó còn ở đàng xa. Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là mỗi ngày người cha đều đi xem người con có trở về nhà hay không. Đây chính là Thiên Chúa đầy lòng thương xót của chúng ta. Đó là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa chờ con mỗi ngày từ trên sân thượng của nhà Người; Thiên Chúa suy nghĩ như người Samaritano không chỉ đến gần người bị nạn, cảm thương anh, hoặc bỏ đi sang phía khác, nhưng cứu giúp người ấy mà không mong nhận lại gì, không hỏi xem đó là người Do thái hay dân ngoại, là người Samaritano, người giàu có hay người nghèo: Không hỏi gì cả. Không yêu cầu gì cả. Ông cứu giúp ngay: Thiên Chúa là vậy đó. Thiên Chúa suy nghĩ như người mục tử hiến mạng sống mình để bảo vệ và cứu đoàn chiên.
Tuần thánh là một thời điểm ân phúc mà Chúa ban cho chúng ta để mở cửa tâm hồn của chúng ta, mở cửa cuộc sống, mở cửa các Giáo xứ, các Giới và Hội đoàn - mà đáng tiếc thay khi có biết bao nhiêu nhà thờ đóng kín. Nơi các Giáo xứ, các Giới và Hội đoàn, chúng ta được mời gọi để ra đi để gặp gỡ người khác, đến bên cạnh họ để mang ánh sáng và niềm vui đức tin của chúng ta. Phải “đi ra” luôn luôn!. Chúng ta hãy làm điều này với tình yêu thương và sự dịu hiền của Thiên Chúa, trong niềm tôn trọng và kiên nhẫn, biết rằng chúng ta đặt tay, chân, con tim chúng ta, nhưng chính Thiên Chúa hướng dẫn chúng và làm cho mỗi hoạt động của chúng ta được phong phú.
Cầu chúc tất cả anh chị em sống trọn những ngày trong Tuần Thánh để bước theo Chúa với lòng can đảm, mang trong mình tia sáng tình thương Chúa cho bao người mà chúng ta gặp gỡ hàng ngày.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn LMĐHKB. Hưng Hóa
* Lời ngỏ được tóm lược bài diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi Yết Kiến Chung, sáng thứ Tư Tuần Thánh, ngày 27.3.2013.
I. CHIA SẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT PHỤC SINH
Cv 10, 34a. 37-43; Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9
Lễ Phục sinh đối với người Kitô hữu, trước hết là lễ mừng sự sống lại của Chúa Giêsu. “Phục sinh” theo nguyên nghĩa có nghĩa là vượt qua. Đó là việc Chúa Giêsu Vượt qua cái chết để đạt đến sự sống quyết định của Thiên Chúa. Bản thân chúng ta cũng đã từng thực hiện nhiều cuộc vượt qua trong cuộc đời, như vượt qua tuổi thơ để đi vào tuổi thiếu niên, từ lớp học này để lên lớp học khác; những cuộc vượt qua ấy là những thời điểm quan trọng cho phép chúng ta tiến về phía trước. Tuổi thanh niên lại còn chứng kiến nhiều cuộc vượt qua quan trọng hơn nữa. Hãy nghĩ đến giây phút rời bỏ mái nhà thân yêu để bước vào đời hoạt động, giây phút lìa xa cha mẹ để xây dựng tổ ấm mới.
Ngày hôm nay chúng ta mừng cuộc vượt qua vĩ đại của Chúa Giêsu; đó là cuộc vượt qua đưa Ngài trở về với sự sống của Thiên Chúa; và chính trong cuộc vượt qua ấy mà Ngài muốn lôi kéo chúng ta tham dự vào. Chính Ngài là người đầu tiên đã Vượt qua cõi chết để vào cõi sống đời đời. Sự sống lại của Ngài là Tin mừng khiến ai tiếp nhận cũng tự đặt cho mình câu hỏi: “Bây giờ tôi phải làm gì?” Và câu trả lời là lời mời gọi hóan cải và xin lãnh nhận phép Rửa. Chính như thế mà sự phục sinh của Chúa Giêsu đã là điểm khởi đầu cho một cuộc thay đổi tận căn trong cuộc sống của họ.
Hôm nay, nhiều phép rửa được cử hành trong nhiều nhà thờ trên toàn thế giới. Trong đó có đủ mọi thành phần, trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn bước vào đại gia đình Kitô hữu. Đối với họ thì đó cũng là một cuộc vượt qua, một khởi đầu mới. Tất cả những người ấy đã được rửa trong đêm vọng phục sinh và bắt đầu từ ngày hôm nay dấn thân trên cùng một con đường như chúng ta. Đi trên con đường này, không phải lúc nào cũng dễ; thỉnh thoảng vẫn còn hồ nghi, còn nản chí, vì thế rất cần có những thời điểm dừng lại, những giây phút hồi tâm để điều chỉnh lại cho đúng hướng.
Chúng ta được mời gọi giúp đỡ những anh chị em tân tòng. Họ cần đến chứng tá của chúng ta; họ cần cảm nghiệm Chúa Giêsu sống lại là một Ai đó quan trọng cho cuộc sống. Ngài thực sự là ánh sáng soi chiếu trong cuộc đời, được biểu trưng qua cây nến Phục sinh. Tối thứ Bảy, trong nghi thức Vọng Phục sinh, ánh sáng ấy đã được chuyền từ tay Linh mục đến cộng đoàn. Ánh sáng giúp chúng ta nhớ đến Chúa Giêsu, đến niềm hy vọng mà Ngài đặt nơi chúng ta, đến tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta.
Nhưng điều quan trọng là làm sao giữ ngọn nến ấy luôn cháy sáng. Vì thế vẫn luôn luôn cần có một người nào đó tiếp sức, sẵn sàng khơi lại ngọn lửa cho chúng ta. Những cơn gió mạnh hay bão táp của cuộc đời có thể dập tắt ánh sáng đức tin, nên chúng ta rất cần nhau để tiến bước theo Chúa Kitô. Đức tin vào sự phục sinh thúc đẩy chúng ta sống như những người đã sống lại. Tức là đi rao truyền cho người khác biết rằng họ có thể đứng dậy khỏi quá khứ lỗi lầm, họ có thể đi đến ánh sáng, họ cũng có lý do để hy vọng. Và nhất là nói với họ rằng họ là con cái Thiên Chúa, và Thiên Chúa muốn họ ở gần Người luôn mãi.
Kho tàng mà chúng ta nhận được trong ngày chịu phép Rửa, chúng ta không giữ cho riêng mình. Bổn phận chúng ta là phải làm cho nó tăng trưởng. Và cách thế tốt nhất để làm cho ánh sáng ấy lớn lên là chuyển cho nhiều người khác. Nếu chúng ta muốn cộng đoàn Kitô hữu được sống động, thì thiết yếu phải truyền giáo. Một người Kitô hữu không quan tâm đến việc làm chứng đức tin của mình thì không còn phải là môn đệ Đức Giêsu Kitô nữa. Đức tin chỉ phát triển nếu nó được chuyển thông cho người khác, cũng như không có cộng đoàn Giáo xứ nào mà không mở ra với các cộng đoàn khác. Chúng ta không thể sống tự lập đóng kín cho riêng mình được nữa.
Sự phục sinh của Đức Kitô thúc đẩy chúng ta thực hiện một cuộc canh tân trong đời sống, một cuộc đổi mới cầu nguyện, một niềm vui khám phá và sống Tin mừng. Đó là hạnh phúc được tin vào Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tất cả điều đó được thực hiện qua những quyết định thực tiễn: đi ra khỏi nấm mồ ích kỷ của chúng ta để sống một tình yêu chân thật; lăng tảng đá thất vọng giam cầm chúng ta và ngăn cản chúng ta tiến lên phía trước; đừng để mình bị lôi cuốn theo sự hận thù và báo oán, nhưng hãy để cho sự tha thứ và lòng tốt, sự tử tế chiến thắng. Chính qua cách sống niềm tin mà chúng ta có thể tỏ ra rằng Đức Kitô đang sống và Ngài biến hình những ai tiếp nhận sức mạnh sự sống của Ngài.
Mừng lễ Phục sinh, mừng Đức Kitô sống lại, chúng ta đừng dán mắt nhìn những thực tại trần gian, nhưng hãy ngước nhìn lên Nước Chúa nơi Thiên Chúa chờ đợi chúng ta. Và hãy sống như những người đã được sống lại.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ: - Hình dung anh chị đang đứng trước ngôi mộ trống, nhìn vào đó, anh chị thấy gì?
- Đặt mình vào chỗ của thánh Phêrô: cắn rứt vì phản bội Thầy, đau khổ vì cái chết của Thầy, và bây giờ ngay cả xác Thầy cũng không còn!. Anh chị có cảm nghiệm mất Thầy chưa?
- Người môn đệ Đức Giêsu thương mến nhìn thấy băng vải và khăn và đã tin. Anh chị đã có dấu vết bằng chứng cụ thể nào trong đời, để giúp anh chị tin vào Đức Kitô Phục sinh?
II. HỌC TẬP CHỦ ĐỀ NĂM MỤC VỤ 2019
Bài 04: ĐỒNG HÀNH VỚI CÁC GIA ĐÌNH GẶP HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN
Những người gặp nạn bị thương cần được tiếp cận cứu giúp như trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu. Những gia đình gặp khó khăn trong tình trạng chông chênh cần được đồng hành sát sao hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô đặc biệt nhạy cảm mời gọi các cộng đoàn Hội thánh gia tăng đáp lại những người này bằng sự đồng hành:
“Hội thánh cũng phải đồng hành bằng sự ân cần chăm sóc những đứa con yếu đuối nhất của mình, vốn ghi dấu bởi tình yêu bị tổn thương và lạc lối, bằng cách khôi phục lại cho họ niềm tin và hi vọng, như ánh sáng của một ngọn hải đăng hoặc một ngọn đuốc được đặt giữa mọi người hầu soi sáng cho những người đã lầm đường lạc lối hoặc đang ở giữa bão tố cuộc đời” (Amoris laetitia (AL), 291).
Điều lưu ý mục vụ đầu tiên là làm sao để giúp cho con người cảm nhận sự hiện diện gần gũi của Chúa Giêsu trong hoàn cảnh khó khăn, đau khổ của họ. “Cần đón tiếp và trân trọng nỗi đau khổ của những người phải gánh chịu ly hôn, ly dị hoặc bị ruồng bỏ một cách bất công, hoặc buộc phá vỡ cuộc chung sống do sự ngược đãi của người phối ngẫu kia” (AL 242)
Những hoàn cảnh đặc biệt nghiêm trọng cần quan tâm đầu tiên là:
- Những người di dân. Trong việc đồng hành với người di dân đòi hỏi phải có một mục vụ chuyên biệt cho các gia đình di dân lẫn cho cả các thành viên của gia đình còn ở lại nơi nguyên quán của họ (AL46).
- Những người sống cuộc hôn nhân hỗn hợp có thể góp phần cho trào lưu đại kết, nên tìm cách để có sự cộng tác chân tình giữa thừa tác viên Công giáo và thừa tác viên không Công giáo, từ thời gian chuẩn bị hôn nhân cho tới lễ cưới (x. Familiaris consortio, 78). Về hôn phối khác đạo hay khác tín ngưỡng, đây là nơi ưu việt cho cuộc đối thoại liên tôn, sự tự do tôn giáo là điều thiết yếu cần được tôn trọng, nhưng người Công giáo phải có khả năng đem Tin mừng cắm sâu vào gia đình, như thế mới mong có thể giáo dục con cái họ theo đức tin Kitô giáo (x. AL 247-248).
- Những gia đình đang tang chế (Al 253-258). Những trường hợp khó khăn đặc biệt khác như hôn nhân đổ vỡ, gia đình với cha/mẹ đơn thân, quan tâm cách riêng tới những người li hôn và là nạn nhân trong nạn phá thai.
Từng người, từng trường hợp cần quan tâm nâng đỡ cách khác nhau. Cộng đoàn nhỏ ở địa phương và các cặp vợ chồng khác đồng hành với những gia đình gặp khó khăn là điều rất quan trọng và có ý nghĩa, biết đáp ứng các nhu cầu mục vụ cấp bách liên hệ đến thực tế nhân bản của đời sống các gia đình khó khăn, không để họ cô đơn, không định hướng, không được nâng đỡ.
- Đối với trường hợp ly hôn, Đức Thánh Cha khuyên những tín hữu này không “bước thêm một bước nữa” đồng thời tìm đến với Hội thánh để được đồng hành sống đức tin phù hợp. Trong thực tế, nói chung, hiếm có những người chịu cảnh sống đơn độc sau bi kịch ly hôn đau đớn, mà sống gần gũi với cộng đoàn. Những người ly thân sống đúng như Giáo luật định (đ.1152-1157), thực tế cũng hiếm và cũng không có được sự đồng hành nào từ phía cộng đoàn thân quen. Thật đáng tiếc phải nhìn nhận thực trạng ly hôn phổ biến hiện nay. Sau ly hôn, hoặc họ bị té ngã rơi sâu vào nỗi cô đơn hoặc dấn thân vào một cuộc kết hợp mới. Đó là những hoàn cảnh khó khăn xảy ra nhiều mà Hội thánh cần ưu tiên quan tâm đồng hành.
- Những người ly dị không tái hôn được nhìn nhận thường là “những chứng nhân của lòng trung thành trong hôn nhân, cần được khích lệ tìm thấy trong Thánh Thể lương thực nâng đỡ tình trạng hiện tại của họ. Cộng đoàn địa phương và các mục tử phải đồng hành với những người này một cách ân cần, nhất là khi họ có con cái hoặc lâm cảnh nghèo túng cùng cực” (AL 242). Con cái của họ phải chịu những chấn thương trầm trọng với nhiều hậu quả khôn lường, là những nạn nhân vô tội đáng thương nhất, cũng ít thấy có những giúp đỡ thích hợp từ phía Giáo hội. Đức thánh cha rất quan tâm và muốn Hội thánh “không ngừng lên tiếng nhân danh những con người dễ bị tổn thương nhất, đó là những đứa con thường phải âm thầm đau khổ” (AL 246). Các trung tâm, các văn phòng tham vấn về đời sống gia đình, các cộng đoàn Giáo hội cơ bản, các hiệp hội tại giáo xứ, giáo phận, cần quan tâm đến khía cạnh mục vụ đặc biệt này
Mỗi bước đồng hành có tốt hay không là do người ta tiến gần hơn hay xa rời mục đích sau cùng, là hội nhập trọn vẹn vào Hội thánh qua bí tích Giao hòa và Thánh Thể. Thế nhưng, trong thực tế nhiều trường hợp người ta không thể tái hợp với người phối ngẫu trước; cho dẫu thế, cũng không bao giờ thất vọng mà ngưng tiến tới trong hành trình Hiệp thông. Khả năng đó đã hàm ẩn ngay từ đầu trong lời hứa hôn, với sự trợ giúp của Chúa Giêsu, họ nói tiếng xin vâng đến trọn đời “bất chấp tất cả.” Chính ân sủng của bí tích hôn phối hoạt động trong hướng đó, mời gọi họ xây dựng trên nền tảng Chúa đã thiết lập những mối kết hợp duy nhất khả dĩ bảo vệ gia đình. “Sự kết hợp đã là hiện thực và không thể rút lại, được Bí tích Hôn nhân xác nhận và thánh hiến” (AL 218). Những người trong hoàn cảnh “trái qui tắc” được giúp phân định và được Chúa thúc đẩy bước trên con đường hoán cải và được tái sinh như người con hoang đàng trở về được Cha chạy ra đón nhận: cho “xỏ nhẫn, mặc áo đẹp” có nghĩa là, đối với Chúa họ vẫn còn phẩm giá của con cái và của người hôn phu/hôn thê.
+ Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Câu hỏi gợi ý suy tư và thảo luận: - Anh/chị cho biết những khó khăn, thách đố nào có thể gặp trong các gia đình di dân. Anh chị, gia đình, cộng đoàn Giáo hội địa phương nên làm gì, làm thế nào để giúp đỡ anh chị em ấy?
- Anh/chị cho biết những khó khăn, thách đố nào có thể thường gặp trong cuộc sống hôn nhân - gia đình của các cặp hôn nhân hỗn hợp (với người Tin lành,…) và với người khác đạo. Hội thánh và các cộng đoàn Hội thánh địa phương đã làm gì và sẽ làm gì để đồng hành với họ?
- Các mục tử và cộng đoàn Hội thánh địa phương đã đối xử thế nào với những anh chị em li dị, li dị tái hôn, hay sống một kết hợp mới, “trái qui tắc”? Làm thế nào để giúp họ hội nhập ngày một sâu xa hơn vào đời sống của Giáo hội?
III. HỌC TẬP LINH ĐẠO KHÔI BÌNH
Bài 01: Những suy nghĩ về Chân phước Cha Khôi Bình (Kolping)
Nói về Chân phước Cha Khôi Bình (Kolping) một lần nữa sẽ cho chúng ta có cơ hội tưởng nhớ đến con người tuyệt vời này. Cuộc đời và sự nghiệp của ngài, với tư cách linh mục - cha xứ - giáo viên - gia sư - nhà báo và còn nhiều nữa, sẽ được đào sâu về hoàn cảnh gia đình và tôn giáo của ngài ở Kerpen, về sự trải nghiệm tình trạng xã hội của ngài vào giữa thế kỷ 19 với tư cách là một người học việc và một người làm thuê, và về niềm tin Chúa vững chắc có được từ những ảnh hưởng trên. Ngay từ ban đầu, ngài đã nói rằng mỗi cá nhân con người chúng ta trước hết phải bẻ lái cuộc đời của mình sao cho đi đúng hướng, rồi sau đó mới sử dụng những gì mình có để giúp đỡ người khác đi theo đúng con đường cuộc đời của họ.
Đa số những gì mà Cha Kolping viết và nói về cuộc đời ngài đều được lưu giữ và truyền cảm hứng cho chúng ta.
Chẳng hạn như nghị lực của ngài, sự chuyên cần của ngài và sự quyết đoán của ngài không chỉ đơn giản là chấp nhận mọi thứ mà còn biết tìm cách thay đổi để mọi sự trở nên tốt hơn. Quan điểm, không một điều gì có thể hoàn thành được hay sự việc đó là như vậy và sẽ luôn như vậy không phải là một phần trong cuộc đời của Cha Kolping. Với ngài, sự lùi bước hay sự từ chối không phải là lý do để bỏ cuộc, mà đúng hơn đó lại là sự kích thích để lên kế hoạch cho những ý tưởng và niềm tin của mình bằng chính ước muốn, sự chuyên cần và nghị lực.
Điều này đã bắt đầu trong suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ của ngài. Được sinh vào ngày 08/12/1813, cậu con trai của một người chăn chiên không muốn làm nghề đóng giày trong suốt cuộc đời của mình. Ngài cảm thấy có điều gì đó to lớn hơn trong ngài và vì thế ngài luôn tìm kiếm cơ hội để thăng tiến chính ngài và cuộc đời của ngài. Nền tảng cho niềm khát khao đó chính là sự giáo dục. Nhìn chung thì điều này chính xác nhưng cách riêng đối với Cha Adolph Kolping thì điều này là một nhu cầu vô cùng cần thiết. Nói rõ hơn, điều kiện tiên quyết để có đủ điều kiện học thần học, ngài cần phải tốt nghiệp hết trung học phổ thông với trình độ tú tài.
Điều này đã mang lại những khó khăn cho ngài về mặt tài chính. Ngoài ra, là một chàng trai với độ tuổi chừng 20, để phù hợp với những hoạt động bình thường của trường trung học phổ thông, ngài còn gặp những khó khăn khi phải ngồi học chung với những cô cậu học trò trẻ tuổi hơn ngài nhiều. Mặc dù gặp nhiều vấn đề trong một hoàn cảnh rắc rối như vậy, Cha Adolph Kolping vẫn thi đậu tú tài và hoàn thành khóa học thần học tại Munich và Bonn nhờ vào ý chí và sự kiên trì của mình. Sau khi tiến chức linh mục vào năm 1845 tại nhà thờ Minorite, ngài được bổ nhiệm làm cha tuyên úy ở Wuppertal - Elberfeld và điều này trở thành cột mốc trong cuộc đời Cha Kolping. Khi còn học ở đại học, ngài đã từng mường tượng về những cấp độ học cao hơn và thậm chí là cả một sự nghiệp về khoa học để có thể tiếp tục những mối quan hệ hiện có với các nhà thần học cùng thời với ngài, đồng thời giúp ngài vượt qua cấp độ giáo dục mà ngài đang học chung với những nhà thần học trẻ tuổi ở đại học.
Tôi nghĩ rằng ngay thời điểm này, Chúa đã can thiệp vào cuộc đời của Cha Kolping. Cha Kolping đã đáp lại và vì thế cuộc đời ngài một lần nữa rẽ sang một hướng khác ngoài ý muốn. Ít nhất vào thời điểm này, mọi thứ đều trở nên rõ ràng rằng Cha Kolping, một cha xứ, một nhà thần học đã bắt đấu “dấn thân.” Ngài đã đưa yêu cầu của mình vào thực tế mà mãi về sau nó trở thành một công thức: “Nhu cầu của thời đại sẽ dạy cho bạn biết điều gì cần phải làm.”
Không ai ở Elberfeld cần một giáo viên đại học. Nơi đây mọi người chỉ mong chờ một vị linh mục hay mục sư, là những người có thể quan tâm đến hoàn cảnh của họ.
Và đây là nơi thích hợp dành cho Cha Kolping. Ngài thấy được nhu cầu và ngài cũng thấy được những điều thiết yếu cho người nghèo, ít nhất là có thể giảm bớt được phần nào sự nghèo đói chứ chưa nói tới loại bỏ hẳn. Ngài không chia sẻ quan điểm của đại đa số đồng nghiệp của mình trong văn phòng của các Linh mục và Giám mục rằng những sự việc diễn ra trên thế giới đều đã được định đoạt theo cách tốt nhất và không thể nào thay đổi. Vì vậy, ngài cũng không đưa ra lời hứa sẽ làm cho tương lai mọi người tốt đẹp hơn, mà ngài kêu gọi họ đóng góp sức lực tùy theo khả năng mọi người để loại bỏ những khuyết điểm trong cuộc sống mỗi người. Ngoài ra, ngài còn đưa ra ví dụ để mọi người biết đặt cuộc sống vào trong tay họ và cải thiện chúng. Bằng cách này, cảnh ngộ của họ sẽ từng bước suy giảm qua mục tiêu tạo thêm những cấu trúc công bằng hơn để những nhu cầu của thời đại cuối cùng sẽ được khắc phục.
Đối với ngài, đây không phải là chủ đề cho các bài giảng Chủ nhật mà nó định hình nên công việc hằng ngày của ngài. Mối quan tâm của ngài là sử dụng sức khỏe của mình để chống lại sự nghèo đói của thời đại và đồng thời loại bỏ chúng. Đây là lý do tại sao Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gọi ngài là: “Mẫu người của Giáo Hội.”
Chính quan điểm nền tảng này đã định hình nên “Nhóm Những Người Thợ Thầy”, rồi đến “Liên hiệp nhóm Những Người Thợ Thầy”, và cuối cùng là “Cộng đoàn Kolping” xuyên suốt nhiều thập kỷ.
Từ những năm 1960, Cộng đoàn Kolping đã nhìn vào cái được gọi là “Thế giới thứ 3.” Những Gia Đình Khôi Bình (GĐKB) ban đầu đã thiết lập các nhóm tự - giúp ở Brazil. Nhờ vậy kéo theo sau là những chiến dịch và dự án ở Châu Mỹ La Tinh, Châu Phi, Châu Á và kế tiếp là Đông Âu. Từ việc thành lập những nhóm tiết kiệm, chương trình xây nhà ở cho đến việc tạo ra cơ hội đào tạo, phát triển nông thôn, v.v..., nhiều khía cạnh giáo dục, thế giới việc làm và hoạt động cộng đồng đều được đảm nhiệm bởi các GĐKB trên toàn thế giới. Tựa như trục bánh xe, một đầu là ý tưởng cơ bản giúp người để người tự giúp, đầu còn lại là chiều kích tinh thần về việc làm một điều gì đó chung với nhau, điều này rất gần với một trong những tư tưởng chính yếu của Cha Kolping. Cả trong lời nguyện chung, trong nghi thức tôn giáo và trong sự giúp đỡ cụ thể những khó khăn của đời sống hằng ngày, các anh chị em Khôi Bình đều muốn hỗ trợ lẫn nhau dù xa hay gần tự như cách mà các đối tác làm với nhau. Đây là tầm nhìn truyền thống và đồng thời cũng là tầm nhìn hiện đại của các GĐKB ngày hôm nay và ngày mai.
Cha Kolping đã cống hiến toàn bộ năng lượng và tinh thần của ngài vì sự phát triển của một xã hội tốt hơn bằng cách tập trung vào từng “cá nhân” (với tất cả tiềm năng phát triển của họ): “bởi vì một người đầy đủ hơn mới có thể tạo ra một xã hội đẹp hơn.” Mặc dù ngài đã làm mọi thứ vào giữa thế kỷ 19 để mà những người thợ bạn của ngài học được “một nghề nghiệp trung thực và trở thành người chồng người cha tin cậy, nhờ đó có thể sống như những người Công giáo mẫu mực và tự chịu trách nhiệm cho xã hội của mình”, điều này sẽ không bao giờ mất đi sự phù hợp của nó trong xã hội hiện đại.
Với cương vị là những người anh người chị trong “một thế giới”, bây giờ chúng ta hãy cố gắng sống theo tư tưởng và tầm nhìn của Cha Kolping với phương cách mới nhất. Điều này cũng bao gồm rằng chúng ta hãy đưa ra những ví dụ thực tiễn bằng những điều chúng ta làm, chúng ta hãy cho phép bản thân được đo lường theo những gì chúng ta làm, chúng ta hãy ý thức những việc mình làm tương ứng với lời nói của chúng ta, và chúng ta hãy cho phép bản thân mình bị phán xét chiếu theo lời Kinh Thánh để xem cách mình đối xử với người khác như thế nào. Cộng đoàn Khôi Bình cũng xem nó, bắt chước theo gương Cha Kolping, là một phần của Giáo hội Công giáo và hướng chính nó đi theo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Vì thế, không ai có quyền sống thay cho cuộc đời của người khác. Mọi người đều được mời tham dự bàn tiệc chung của nhân loại. Tất cả mọi người đều phải có quyền lợi của riêng họ.
Cha Kolping là một người có lời nói đi đôi với việc làm. Ngài không ngừng phân tích điều kiện sống trên khắp thế giới và chắc chắn cũng chưa bao giờ than van điều gì về tình trạng nghèo khổ khi giải quyết vấn đề. Mục tiêu của ngài là cùng tham gia, cùng chịu trách nhiệm và cùng làm việc chung với người khác. Đây là thái độ cơ bản tạo nên nét đặc trưng của Cộng đoàn Khôi Bình hôm nay trên toàn thế giới.
Hiển nhiên, những sự ưu tiên đều khác nhau trên thế giới. Thực tế là các GĐKB ở mọi nơi đều khác nhau. Tuy nhiên, nếu tư tưởng Cha Kolping không chỉ dừng lại trong các hoạt động xã hội, thì hành động của mỗi cá nhân và cộng đồng hẳn phải có một lý do sâu hơn và được tích hợp vào một bối cảnh cao hơn. Theo cái nhìn của tôi, sẽ luôn luôn có một nơi dành cho những người mong manh, không trọn vẹn. Chính vì vậy, những hoạt động cụ thể của chúng ta sẽ trải rộng trên toàn cầu, từ việc giúp đỡ người khuyết tật cho đến việc khuyến khích những người không được học hành, thúc đẩy chương trình tín dụng tiết kiệm, phát triển khu vực nông thôn, quan tâm chăm sóc người bệnh, đưa ra một số gương sáng. Hãy luôn cho họ một vị trí nào đó có trong suy nghĩ của chúng ta, lo lắng của chúng ta và hành động của chúng ta.
Cũng theo hướng trên, Đức Giáo hoàng Phanxicô lập luận rằng: “Từng cá nhân phải được đặt thành trọng tâm, đặc biệt là những người đang cần sự giúp đỡ.” Vậy ý ngài muốn nói điều gì, chúng ta có thể học được từ quyển Tân ước của Đức Giêsu Kitô. Khi chúng ta chú ý tới cách hành xử của Ngài đối với người khác thì chúng ta đã đi đúng đường rồi đó. Lấy ví dụ, khi Ngài nhìn một ai đó đang nài xin Ngài, Ngài sẽ cho người đó sự tin cậy. Khi một ai đó thật lòng đến với Chúa Giêsu để cầu xin sự tha thứ, người đó sẽ được thứ tha. Khi Chúa Giêsu thấy một ai đó cần sự giúp đỡ, Ngài sẽ giúp đỡ, và khi Chúa Giêsu giao phó trách nhiệm cho một ai thì Ngài muốn rằng trách nhiệm này sẽ được thực thi.
Ở đây, quan trọng là chúng ta hãy nhìn lại bản thân, chúng ta hãy kiểm tra nghiêm túc rằng ở mức độ nào chúng ta có thể thực hiện được những yêu cầu này. Hành động của chúng ta, kể cả khi không hành động, đều có kết quả của nó. Vì vậy, chúng ta hãy học, từ Chúa Giêsu Kitô và từ Cha Kolping, điều gì nên làm khi nhìn thấy những người đang cần sự giúp đỡ, rồi nhờ đó sẽ có giải pháp dành cho họ. Chúng ta hãy học, từ Chúa Giêsu và từ Cha Kolping, rằng chúng ta hãy hành động, chúng ta không lùi bước. Bất cứ ai hướng về Chúa Giêsu khi cần sự giúp đỡ, sẽ tìm thấy trong Ngài một sự kết nối. Và rồi họ sẽ tìm thấy được một ai đó xem nhu cầu và khó khăn của trẻ em, của người què, của người điếc, của người thu thuế và người Pharisêu một cách nghiêm túc. Với Chúa Giêsu, sẽ không có lý do, không có sự lùi bước vì không có thời gian và không có sự ngoảnh mặt đi vì những thứ đó sẽ làm phiền lòng Ngài. Chúa Giêsu chưa bao giờ lùi bước: Ngài vẫn dấn thân, nhờ vậy mà những gì được xem là trở ngại đi vào ngõ cụt lại mở ra triển vọng và cơ hội cho con người.
“Tình yêu tích cực chữa lành vết thương; lời nói sáo rỗng chỉ làm tăng đau thương”, đây là cách mà Cha Kolping đã cố gắng để hoàn thành những đòi hỏi của Đức Giêsu Kitô.
Đức ông Ottmar Dillenburg LMĐHKB Quốc tế
Chuyển ngữ Phaolô Nguyễn Hữu Nghĩa Hiệp Tổng thư ký KBVN