Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Mùa Xuân đang về trên quê hương Việt Nam thân yêu. Nói đến mùa Xuân người ta nghĩ ngay đến những lời cầu chúc, đến sự phát triển và đổi mới của đất nước, hay người ta nói đến muôn hoa khoe sắc rực rỡ.
Nếu ta hỏi một cụ bà rằng: “Lại sắp đến Tết rồi, cụ có vui không?” Chắc chắn cụ rất vui. Cụ mong Tết để được con cháu quây quầy bên mình chúc thọ mừng tuổi. Cụ cũng để dành ít tiền đết “phát vốn” cho con cháu vui. Tết trong gia đình Việt Nam với truyền thống mang sắc thái đoàn viên. Vừa vui tươi nhưng sâu sắc ý nghĩa. Tết làm cho mọi thành viên trong gia đình được gắn bó với nhau hơn.
Tết đến, chúng ta nhắc nhở nhau trân trọng tình cảm gia đình, biết ơn những gì cha mẹ đã làm cho mình trong cuộc đời. Ngày Tết phải là ngày của gia đình, vợ chồng con cái dành thời gian cho nhau, lắng nghe những tâm tư, sửa chữa những thiếu sót trong cư xử, đôi khi do nóng nảy phán đoán sai mà chúng ta đã làm tổn thương người bạn đời của mình. Những ngày nghỉ Tết, cha mẹ dẫn con về thăm ông bà ngọai nội, cô dì chú bác. Từ đó, chúng ta dạy cho con trẻ mối quen hệ rộng lớn hơn là gia đình anh em họ hàng bên nội bên ngoại, dạy cho trẻ em biết quê hương đất nước khi ngắm nhìn cánh đồng xanh bát ngát bao la.
Những ngày cuối năm và đầu năm vô cùng thiêng liêng, chúng ta phải tận dụng những giờ phút đó để tạ ơn Chúa, nhìn lại cách cư xử của mình trong gia đình, anh chị em với nhau, con cháu với cha mẹ ông bà. Nhìn lại để thấy rằng, mình hiểu biết đấy, mình nói hay, nói đúng, nhưng mình làm còn tệ quá, tệ từ lời nói cho đến việc làm.
Trên mạng xã hội người ta cười và đau xót với bài văn của trẻ lớp 2 như: “Nhà em có nuôi một ông nội, ông không làm gì, chỉ trùm chăn nằm một chỗ, đến giờ cơm thì hỏi: „Có cơm ăn chưa bay‟.” Thực ra, nếu chúng ta không dạy cho các con của mình về ông bà nội ngoại thì nhận thức của chúng về ông bà nội ngoại chỉ như thế thôi; ông bà là những người “ăn không ngồi rồi” rất “khó tính”, thỉnh thoảng còn có những cơn ho “sặc sụa”, già nua lẩn thẩn trong suy nghĩ. Chúng đâu biết rằng, ông bà là người thương ta nhất chỉ sau cha mẹ ta và những công khó của ông bà.
Tôi đã gặp một trường hợp đôi vợ chồng trẻ dẫn đứa con lên 5 tuổi về nhà thăm ông bà nội. Hai người nói với nó: “Chào ông bà đi con.” Nó không những không chào mà mặt còn găng lại. Hai vợ chồng bực mình vì đứa con “dở chứng.” Đứa bé nói lại: “Tại sao phải chào hai người này? Không chào thì có sao, con không thích!.”
Ngày Tết con cháu phải làm cho các cụ vui, trên nụ cười móm mém, đôn hậu, các cụ thương con thương cháu phải mưu sinh làm việc và học hành. Những ngày nghỉ Tết chúng ta hãy làm cho gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, những lời thăm hỏi, những lời cầu chúc vấn an sức khỏe ông bà.
Mới đây, tôi có hỏi một anh bạn đang ở Sài Gòn: “Năm nay có về quê ăn tết không?” Anh ấy trả lời: “Năm nay, mẹ mình không còn. Bà mất vào tháng 6, bố mẹ không còn, các con không còn ông bà nội. Đang tính Tết này định không về nhà cha mẹ nữa, tức là căn nhà người em út mình đang ở. Thế nhưng, cậu út mới báo mình: mùng một Tết các anh các chị cứ về nhà em nhé, vợ em sẽ làm cơm, ông bà không còn nhưng anh chị em chúng ta vẫn sum họp như mọi năm như lúc mẹ còn sống. Trước giờ cơm, gia đình mình đọc kinh cầu nguyện cho ông bà tổ tiên. Nghe cậu em báo thế, mình tự nhiên cảm thấy vui hẳn lên.” Cảm nhận đầu tiên của anh bạn tôi, khi Mùa Xuân về là năm nay không còn mẹ, không còn sự nối kết, dường như xuân về anh buồn man mác, vì đại gia đình lớn không còn dịp để quy tụ lại.
Ngày mồng một tết, dù ông bà không còn nhưng con cháu vẫn quy tụ về nhà tổ đọc kinh cầu nguyện cho ông bà. Đây quả thật là một sáng kiến hay. Tôi thấy có nhiều gia đình vẫn làm được. Còn ngồi bên nhau là còn quan tâm đến nhau, nhờ đó các cháu cũng hiểu được mối quan hệ huyết thống gắn bó. Dù ông bà không còn sống, nhưng tình nghĩa gia đình mang đến cho người ta sự ngọt ngào an bình của mùa Xuân.
Viết tới đây, tình cờ chúng tôi thấy trên truyền hình trong video clip quảng cáo có một câu hay quá “Ai cũng có một ngôi nhà để về, nghĩ cho nhau một chút ai cũng có Tết.”
Trong gia đình, chúng ta phải biết nghĩ đến nhau. Thương người vợ của mình phải đi buôn bán, đi làm công ty về còn phải lo việc nhà, đưa đón các con đi học. Người vợ thương chồng áp lực công việc đừng cằn nhằn, lèm bèm. Chúng ta quan tâm đến ông bà cha mẹ già, dạy các con về lòng hiếu kính, dạy con cháu khái niệm anh chị em con chú con bác, anh chị con cô con cậu. Chìa khóa của hạnh phúc là hãy làm tất cả cho gia đình được ấm êm. Như vậy, ngày Tết mới có ý nghĩa cho mọi nhà, mọi người.
Xin chúc anh chị em Khôi Bình viên có một mùa Xuân Kỷ Hợi tràn đầy phúc lộc bình an của Thiên Chúa, luôn tin tưởng vào Người trong mọi hoàn cảnh, lúc vui, khi buồn, dù thành công hay thất bại và có khi được nếm trải đắng cay cuộc đời, chúng ta hãy bám chặt lấy Chúa, vững vàng trong lòng tin cậy mến.
Trung kiên với Khôi Bình!
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn LMĐHKB. Hưng Hóa
- CHIA SẺ LỜI CHÚA: THÁNH HÓA CÔNG ĂN VIỆC LÀM
St 2, 4b-9.15; Cv 20, 32-35; Mt 25, 14-30
“Ba Ngày Tết” là tiếng người Việt dành riêng để gọi những ngày đầu năm âm lịch Mùng I, Mùng II, Mùng III. Đối với người Việt Nam, “Ba Ngày Tết” được coi là rất linh thiêng nên rất được quý trọng. Ba ngày này được phân chia như sau: Mùng một tết cha; Mùng hai tết mẹ; Mùng ba tết thầy. Vì, Cha mẹ là đấng sinh thành dưỡng dục, nên mùng Một về bên nội, mùng Hai về bên ngoại để cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi họ hàng. Việc dạy dỗ cho nên người có ích cho xã hội là do thầy dạy học của mình, nên ngày mùng Ba thì học viên đồng môn cùng nhau đi thăm viếng thầy (thầy dạy chữ hoặc thầy dạy nghề). Người ta nghĩ nếu để “ra ngoài 3 ngày đầu năm” sẽ giảm mất ý nghĩa linh thiêng, nhất là về mặt tình cảm, tôn kính và sự quý trọng.
Giáo hội Công giáo tại Việt Nam dành ngày mùng Ba Tết để “thánh hoá công ăn việc làm”, không chỉ mang ý nghĩa thông thường như người Việt. Nhưng, Giáo hội còn muốn nói lên một mối tương quan linh thánh đầy tràn yêu thương giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo. Đặc biệt trong ngày này, con người tôn vinh tạ ơn Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót (Ep 2, 4), Đấng Sáng Tạo con người và vũ trụ (St 1, 26); con người trình lên Ngài dự án công việc làm ăn trong năm, xin Ngài ban phúc lành và soi sáng giúp đỡ, để mọi công việc được phù hợp với thánh ý Ngài. Con người khẳng định: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 126). “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” (x. Ga 15,5). Như thế, mối tương quan linh thánh đầy tràn yêu thương giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo này, cũng còn nói lên “tính trách nhiệm” của đôi bên. Thật vậy, vì như Thiên Chúa phán: “Ta hãy dựng nên loài người giống hình ảnh Ta để loài người làm chủ cá biển, chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (St 1, 26). Mối tương quan này được thánh sử Mátthêu diễn tả rõ hơn trong Mt 25, 14-30: Con người thuộc về Thiên Chúa, những điều thiện hảo được ký thác cho con người là của Thiên Chúa, và những gì con người làm ra cũng xuất phát từ nguồn vốn của Thiên Chúa, không phải hoàn toàn xuất phát từ bản thân con người. Nguồn vốn của Thiên Chúa ban cho con người tuỳ theo lòng tốt của Thiên Chúa. Tình yêu tôn trọng tự do và cá tính của mỗi người, nên Thiên Chúa chỉ ký thác nguồn vốn của Ngài cho con người, nhiều hay ít, là tùy khả năng của mỗi người.
Trong việc phục vụ Thiên Chúa, ai chứng tỏ được phẩm chất trung tín khi sử dụng nguồn vốn của Thiên Chúa, dù mỗi người khác nhau về kết quả công việc, đều được hưởng cùng một niềm hạnh phúc như nhau, Ngài cho những người ấy vào hưởng hạnh phúc cùng Ngài. Như Ông Chủ nói với người đầy tớ: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (Mt 25, 21. 23). Đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (x. Mt 20,1-16) dành cho con người hơn là trách nhiệm. Thiên Chúa không giữ khoảng cách với con người, nhưng Ngài muốn được đón nhận con người vào cõi sống đầy tràn hoan lạc của Ngài, như Chúa Giêsu đã nói “Thầy ở đâu thì kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 26b). Vì thế, lao động tâm linh, tinh thần trí óc hay tay chân, đều mang ý nghĩa trọng đại, như Công đồng Vaticanô II khẳng định: “Trong khi mưu sinh cho mình và cho gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách hữu hiệu đều có lý để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao của mình vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử” (GS. 34).
Trong sinh hoạt đời người, có thể chia 3 loại lao động: Lao động tay chân (cũng cần đến tâm linh và tinh thần), dễ thấy hiệu quả vì trực tiếp sản xuất ra sản phẩm vật chất. Lao động tinh thần trí óc (cũng cần đến tâm linh và chân tay), cũng dễ thấy hiệu quả. Lao động tâm linh (cũng cần tinh thần và chân tay), là sự kết hiệp với Thiên Chúa, mật thiết như cành liền thân (x. Ga 15), như thánh Phaolô nói “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Và hiệu quả là “ân sủng và sự thật thì nhờ Chúa Giêsu mà có” (x. Ga 1,17).
Chính vì vậy, không ai có quyền tự tôn mà khinh dể ai đó là “đồ vô tích sự” hay “đồ ăn bám.” Và cũng đừng ai tự ty mặc cảm mà cho mình là “kẻ vô dụng”, “không có khả năng như anh chị em.” Ai cũng có thể chọn cho mình cách lao động phù hợp khả năng bản thân theo hoàn cảnh, môi trường, sức khỏe và sự phân công của tập thể.
Phụng Vụ Lời Chúa Thánh lễ Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm nhắc lại với mọi người: Thiên Chúa sáng tạo nên vũ trụ vạn vật và trao cho con người trông coi và làm sinh lợi ra từ những nguồn vốn đó. Nguồn vốn này, Thiên Chúa không chỉ ban riêng cho một cá nhân nào, mà là ban cho tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời. Dù phải chuyên chăm lao động như Chúa Giêsu đã từng nói với người Do Thái: “Cha Ta đến nay hằng làm việc thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17), con người cũng không được phép sử dụng nguồn vốn này cách bừa bãi theo ý riêng của mình, đến độ có nguy cơ làm mất đi nguồn vốn. Mà phải làm sao để nguồn vốn đó tăng dần lên để mưu ích cho mình và tha nhân, không gây gánh nặng cho xã hội trong tương quan công bằng và bác ái với mọi người.
Thông điệp về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta - Laudato Si‟ của Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 14/5/2015, chính là “Kim Chỉ Nam.” Kim chỉ nam này giúp con người ngày nay bảo tồn và phát triển nguồn vốn Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót đã ban cho con người, để con người lao động xây dựng một thế giới văn minh, công bình , bác ái trong Tôn Ý Thiên Chúa.
Nhờ đó „người chị trái đất - Mẹ Đất‟ không còn phải “kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta , vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột các tài nguyên” (số 2).
"Người chị trái đất - Mẹ Đất‟ không còn phải thấy “hậu quả bi tham̉” của hoạt động không kiểm soát của con người do “việc khai thác vô tôị va thiên nhiên, mà con người phải đối măṭ với môṭ nguy hiểm là sẽ tàn phá thiên nhiên và trở thành tế vâṭ cho viêc taǹ phá của mình” (số 4).
Trong ngày Mùng Ba tết, xin ơn thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta cầu xin Chúa cho mỗi người, mỗi gia đình có được công việc để có thể lo cho cuộc sống. Nhưng hơn hết, xin cho mỗi người biết làm việc trong tâm tình tạ ơn, cộng tác với Chúa, làm cho trái đất và cuộc sống thêm tốt đẹp hơn. Xin cho mỗi người dù làm việc gì cũng tôn trọng giới răn lề luật của Chúa, làm theo tiếng lương tâm nhắc bảo, để qua đời sống và công việc thường ngày, chúng ta góp phần làm cho Nước Trời hiện diện ngay tại trần gian này, qua một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, bác ái và yêu thương. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
Câu hỏi gợi ý chia sẻ: - Tại sao mùng ba tết, Giáo hội lại dành để xin ơn thánh hóa công ăn việc làm?
- Chúa đã thánh hóa công ăn việc làm do tự lòng tin của ta. Anh chị hiểu câu nói này như thế nào?
II.ĐỒNG HÀNH VỚI NHỮNG GIA ĐÌNH GẶP KHÓ KHĂN
Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành Các vị chủ chăn của chúng ta hướng dẫn: “Chúa Giêsu một đàng đưa ra lí tưởng rất cao cả về đời sống hôn nhân và gia đình; đàng khác, Người chạnh lòng thương những người đau khổ trong đời sống hôn nhân, như trường hợp người phụ nữ xứ Samaria hoặc người nữ phạm tội ngoại tình. Theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn.” (HĐGMVN, Thư Mục Vụ 2018, 2).
Mục vụ Đồng hành là trung tâm Chúng ta đừng quan niệm cách hạn hẹp mục vụ như một thứ “dịch vụ” để chờ người ta tìm đến xin Hội thánh cung ứng những đề nghị, hay nghe rao giảng trong thánh lễ và gặp gỡ các nhóm hội đoàn trong giáo xứ, mà không biết cùng bước đi với con người trên cuộc hành trình lâu dài đòi hỏi kiên trì. Mục vụ đồng hành không có tham vọng đem lại những giải đáp tức thời cho nhiều vấn đề. Thực ra, tìm cung ứng những giải đáp mục vụ có thể giúp giải quyết mọi sự, trừ điểm trọng tâm là chúng ta tiếp tục không đồng hành với con người! Như thế là giản lược lòng thương xót chỉ còn là một sự uyển chuyển thích nghi luật lệ được cho là cứng rắn, và cách thế đó cũng là “duy luật.”
Đồng hành là cùng bước đi với ai đó trên một lộ trình qua đó giúp họ nhận ra một ánh sáng mới khả dĩ xây dựng cuộc sống. Cách thức đồng hành với các gia đình tương tự như con đường dự tòng của Hội thánh sơ khai: phải đồng hành trong một thời gian dài nhiều hay ít. Thực tế những người dự tòng đã phải chuyển từ một cuộc sống ngoại đạo rất xa Tin mừng để bước vào giao ước Thanh tẩy của Đức Kitô. Đức thánh cha Phanxicô xác định Đồng hành là một tiêu chuẩn trung tâm của mục vụ gia đình.
Chúa Giêsu dạy chúng ta đồng hành Trước hết, chúng ta không được hiểu Đồng hành như là một chiến lược giao tiếp với thế giới. Ngược lại, đó là phương pháp chính Đức Giêsu đã chọn để gặp gỡ chúng ta gần như tình cờ và tỏ cho chúng ta thấy con đường đi của Chúa Cha. Chính Người, là vị Thầy dạy chúng ta nghệ thuật “đồng hành” mà mọi môn đệ cần phải học. Chúng ta nhớ lại, chẳng hạn, sau khi sống lại Chúa Giêsu đồng hành với các môn đệ đi về Emmau (Lc 24,13-33) Người chỉ cho chúng ta những tham chiếu cho mọi lộ trình chung: Lời Chúa và bí tích, là tất cả sự hiệp thông của Giáo hội, tiêu biểu là Bữa ăn Thánh Thể từ đó hai môn đệ đã quay trở lại Giêrusalem trong đêm. Chúa Kitô Phục sinh “đi trước” các Tông đồ mở ra cho họ các con đường trên đó họ gặp gỡ mọi người. Nước của Người là ở những mối quan hệ cá nhân vốn luôn khởi đầu âm thầm nhưng hàm chứa một sức sống bên trong khả dĩ làm biến đổi thế giới.
Như thế, Đồng hành là một cách thức đặc biệt để loan báo Tin mừng, có nối kết nội tại với việcbước theo Đức Kitô, vị Tôn sư. Thánh Giáo hoàng Gioan-Pholô II nói rằng: “nối bước theo Chúa Kitô là nền tảng thiết yếu và nguyên thủy của nền luân lí Kitô giáo: tựa như dân Israel xưa cất bước theo Chúa và đã được Chúa dẫn dắt qua hoang địa tiến về Đất Hứa (x. Xh 13,21), người môn đệ cũng phải nối bước theo Đức Giêsu và được Chúa Cha lôi kéo để đến với Người (x. Ga 6,44)”[1]. Vấn đề ở đây là đời sống gắn bó với một con người, là Giêsu Kitô, từ đó mà người ta hiểu ý nghĩa của lề luật và tư tưởng. Đồng hành phải bắt đầu từ cái nhìn của Chúa Giêsu. Người “đã nhìn những người nam và người nữ mà Người gặp gỡ, với tình yêu và sự dịu dàng, đồng hành với những bước đi của họ bằng sự thật, lòng kiên nhẫn và tình thương xót, trong khi loan báo những đòi hỏi của Nước Thiên Chúa” (AL 60). Chúa Giêsu nhìn “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36). Mọi bận tâm mục vụ của Hội thánh trước hết phải bắt nguồn từ ánh mắt nhìn này.
… với một tình yêu đích thật Nguyên lí của Đồng hành Kitô giáo được Đức Thánh cha Phanxicô nhắc lại lời của Đức Bênêđictô XVI: “Khởi đầu của cuộc đời Kitô hữu không phải là một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao siêu, nhưng là gặp gỡ một biến cố, một con người, sự gặp gỡ đó đem đến cho cuộc đời một chân trời mới và một hướng đi quyết định” (EG 7; DCE 1). Từ cuộc gặp gỡ đó toát lên “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô chết và phục sinh” (EG 36), một tình yêu thật Đức Kitô hiến trao cho chúng ta với lí lẽ của nó: một khi đã gặp gỡ xin cùng bước đi trên lối đường cuộc đời. Đồng hành để dần nhận ra sự thật về một tình yêu, để tình yêu đó tăng trưởng đến mức trưởng thành, và đáp lại tình yêu của Đấng Mục tử nhân lành: “Tôi đến để chúng được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
“Điều quan trọng là đón nhận và đồng hành với họ bằng sự kiên nhẫn và tế nhị. Đó là điều mà Đức Giêsu đã làm với người phụ nữ Samaria (Ga 4,1-26): Người đề cập đến khát vọng tình yêu đích thật của chị, để giải thoát chị khỏi những gì làm u tối cuộc đời chị và đưa chị đến niềm vui trọn vẹn của Tin mừng” (AL 299). Bắt đầu từ lòng khát khao một tình yêu đích thật, và khát khao đó là sự thật ghi dấu suốt cuộc hành trình và phải dựa trên đó mà vượt qua những cản ngại để đạt đến viên mãn. Cần nhớ ba nguyên tắc rất quan trọng cho mục vụ mà Đức Phanxicô yêu cầu.
- Tình yêu đích thật (cf. chương 4 AL 89-164) là sợi chỉ đỏ dẫn dắt mọi cuộc Đồng hành. Tình yêu biết “kiên nhẫn, nhân hậu,…, tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (cf.1Cr 13,4-7).
- Hành trình này gắn liền với khát vọng đặc biệt của con tim đầy tình cảm. Khát vọng của con tim ấy cần được giáo dục khởi đi từ ánh sáng của tình yêu thật. Tiến trình này là quá trình huấn luyện để trưởng thành tình cảm, rất quan trọng cho chọn lựa tự do bậc sống.
- Đồng hành gắn liền với đời sống bí tích, nguồn ân sủng hoạt động bởi Đức Giêsu Kitô. Bí tích Rửa tội khởi đầu biểu lộ một chi thể „thuộc về‟ Thân Mình Chúa Kitô yêu cầu được đồng hành; hiệp thông trong bí tích Thánh Thể kết thúc mọi hành động và biểu lộ sự viên mãn thuộc vể Hội Thánh.Hoán cải đời sống nhằm thoát khỏi hoàn cảnh tội tình khốn khổ là kết quả mong muốn của mục vụ Đồng hành.
Đức Giêsu đã bắt đầu đồng hành với chị phụ nữ Samaria bằng việc nhắc đến “tánh bản thiện” vốn khát mong một tình yêu đích thật Thiên Chúa đã gieo mầm trong tâm hồn mọi người nam và nữ. Từ chỗ khơi dậy lòng khát khao này, Đức Giêsu đã dẫn chị đi đến chỗ nhận ra sự dữ của những điều chị đã làm và của hoàn cảnh lầm lạc của chị, từ đó mở ra cho chị con đường giải thoát, con đường hoán cải. Trong tình cảnh hiện tại của chị, quả thật, không có những nhân tố thiện hảo dẫn lối đến với Tin mừng, vẫn còn những cản trở lớn ngăn chặn chị đạt đến cuộc sống viên mãn. “Nhận thức về tội được thức tỉnh trước tình yêu nhưng không của Đức Giêsu” (AL 64).
+ Gm. Louis Nguyễn Anh Tuấn
Câu hỏi để giúp suy tư và thảo luận - Anh chị hãy thuật lại cuộc gặp gỡ của Chúa với hai môn đệ trên đường về Emmau, và rút ra ý nghĩa chủ chốt của việc Đồng hành.
- Anh chị có nhận thấy các nguyên tắc mục vụ Đồng hành trong câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ chị phụ nữ Samaria thể hiện như thế nào không, để từ đó cộng đoàn Hội thánh là hình ảnh bí tích của Chúa tiếp tục đồng hành với các cá nhân hay gia đình trong hoàn cảnh khó khăn ?
- Anh chị có nghe chăng tiếng kêu của những con người, giống như của anh mù ở Giêrikô (Lc 18, 35-42), bị thương tích trong các gia đình quanh mình “Lạy Chúa, xin thương xót tôi!” và đáp lại như thế nào?
III.HỌC HỎI TÔNG HUẤN HÃY VUI MỪNG HÂN HOAN 15 từ khóa trong tông huấn “Hãy vui mừng hân hoan” Tông huấn thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô được công bố vào ngày 09 tháng 04 năm 2018 là một lời mời gọi nên thánh. Với giọng văn đơn sơ và dễ tiếp cận nhưng không hời hợt, nội dung tông huấn giúp gạt đi bất cứ “nỗi sợ hãi nào về sự thánh thiện.”
Dưới đây là 15 từ chính yếu trong tông huấn:
- Tám Mối Phúc (số 63): Không gì gợi sáng hơn cho bằng quay về với những lời của Chúa Giêsu và nhìn vào cách thức rao giảng chân lý của Người. Chúa Giêsu đã giải thích rất rõ ràng về ý nghĩa nên thánh khi Ngài ban cho chúng ta Tám Mối Phúc. Tám Mối Phúc giống như chứng minh thư của người Kitô hữu.
- Đức Maria (số 176): Tôi muốn những phản tỉnh này được nêu bật bởi Đức Maria, vì Mẹ đã sống các Mối Phúc của Chúa cách trọn hảo. Mẹ chính là người nữ được vui mừng hoan hỷ trước mặt Thiên Chúa, đấng đã trân quý mọi thứ trong trái tim mình, và đã để thanh gươm đâm thâu tâm hồn mình. Đức Maria là vị thánh giữa các vị thánh, được ban phước trên hết mọi người. Mẹ dạy cho chúng ta cách thức nên thánh và luôn đồng hành cùng chúng ta trong cuộc sống.
- Sự bách hại (số 92-93): Dù bất cứ nỗi mệt nhọc và khổ đau nào trong cuộc sống mà chúng ta có thể kinh nghiệm khi sống giới răn yêu thương và tuân theo đường lối sự công chính, thập giá vẫn là nguồn mạch cho sự trưởng thành và thánh thiện của chúng ta.
- Niềm vui (số 122 và 126): Chẳng chút nhút nhát, buồn rầu, gay gắt hay u uất, hay mang một khuôn mặt ảm đạm, các vị thánh luôn vui vẻ và đầy hài hước lành thánh. Dù hoàn toàn thực tế, các ngài tỏa ra một tinh thần tích cực và đầy hy vọng. Niềm vui Kitô giáo thường đi kèm với một cảm thức hài hước. Buồn bực, rầu rĩ không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện.
- Sự thinh lặng (số 149, 150, 151): Lời cầu nguyện với lòng tin tưởng phó thác là sự đáp trả của một con tim biết mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa mặt đối mặt, nơi đó mọi sự đều yên ắng, và con người có thể lắng nghe tiếng nói thầm kín của Thiên Chúa nơi tâm điểm của sự thinh lặng. Trong sự thinh lặng đó, dưới ánh sáng của Thần Khí soi dẫn chúng ta có thể nhận ra lối sống thánh thiện mà Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta. […] Bạn có dành những khoảnh khắc đặt mình hoàn toàn tĩnh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, tĩnh tại dành thời gian với Ngài, hay đắm mình trong ánh nhìn của Ngài không?
- Bí Tích Thánh Thể (số 157): Việc gặp gỡ Đức Giêsu trong Kinh Thánh dẫn chúng ta đến Bí Tích Thánh Thể, nơi lời đã được viết ra đạt được hiệu quả cao quý nhất, vì ở đó Lời Hằng Sống thực sự hiện diện. Trong Bí Tích Thánh Thể, một Thiên Chúa đích thực đón nhận sự tôn kính lớn lao nhất mà thế giới có thể dâng lên Ngài, vì đó chính là Đức Kitô, Đấng đã được trao ban.
- Chứng tá (số 138): Chúng ta được truyền cảm hứng để hành động theo gương của các linh mục, tu sĩ và giáo dân, những người dâng hiến đời mình cho việc loan báo Tin Mừng và phục vụ tha nhân với lòng trung thành lớn lao, họ thường đánh liều cuộc sống của mình và chắc chắn phải trả giá bằng sự an nhàn thư thái của họ. Chứng tá của họ nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội cần đến các nhà truyền giáo nhiệt thành, hăng hái chia sẻ cuộc sống chân chính.
- Sự khiêm nhường (số 118, 119, 120): Sự khiêm nhường chỉ có thể bén rễ trong tâm hồn nhờ sự sỉ nhục và khinh chê. Không có chúng, không có sự khiêm nhường hay thánh thiện. Nếu bạn không thể chịu đựng đau khổ và hy sinh trước sự nhục nhã, bạn không phải là người khiêm nhường cũng như không ở trên con đường dẫn đến sự thánh thiện. Chịu sỉ nhục khiến bạn nên giống Đức Giêsu; đó là một khía cạnh tất yếu của việc noi gương Đức Kitô. Ở đây tôi không chỉ nói về các hoàn cảnh nổi bật của việc tử đạo, mà còn về những sỉ nhục hằng ngày.
- Ác thần (số 158-161): Đời sống Kitô hữu là một cuộc chiến liên lỉ. […] Thật vậy, kết thúc Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu muốn chúng ta khẩn cầu Chúa Cha “cứu chúng ta khỏi sự dữ”. Lời kinh cuối cùng đó không đề cập đến sự dữ trừu tượng; bản dịch chính xác hơn là “ác thần”. Lời kinh muốn nói đến một thực thể có ngôi vị đang tấn công chúng ta. […] Chúng ta không nên nghĩ về ác thần như một huyền thoại, một hình ảnh, một biểu tượng hay một dáng vẻ của lời nói hoặc một ý tưởng.
- Internet (số 155): Các Kitô hữu cũng có thể bị cuốn vào mạng lưới của bạo lực ngôn từ thông qua Internet […]. Ngay cả trên các phương tiện truyền thông Công giáo, các ranh giới có thể bị vượt qua, lời phỉ báng và vu khống có thể trở nên phổ biến, tất cả các chuẩn mực đạo đức và việc tôn trọng danh dự của người khác có thể bị xem nhẹ. Kết quả dẫn đến một sự phân tách nguy hiểm, vì những điều được nói trên Internet có thể không được chấp nhận trong các cuộc trò chuyện công khai, và con người tìm cách bù trừ sự bất mãn của họ bằng cách chửi bới người khác.
- Ý thức hệ (số 100, 101): Tôi thật sự lấy làm tiếc khi các hệ tư tưởng đôi khi dẫn chúng ta đến hai sai lầm tai hại. Một mặt, sai lầm của các Kitô hữu là khi họ tách những đòi hỏi của Tin Mừng khỏi mối tương quan cá nhân của họ với Thiên Chúa, […] khỏi sự mở ra trước ân sủng của Người. Do đó, Kitô giáo trở thành một kiểu tổ chức phi chính phủ (NGO) vốn đã bị loại bỏ tính thần bí sáng láng […]. Sai lầm tai hại thứ hai về ý thức hệ được nhận thấy nơi những người hoài nghi sự dấn thân xã hội của người khác, xem những việc người khác làm là bề ngoài, hời hợt, thế gian, tục hóa, duy vật chất, cộng sản hay dân túy.
- Người nghèo (số 96, 97): Trong lời mời gọi nhận ra Thiên Chúa trong người nghèo và trong khổ đau, chúng ta thấy được trái tim của Đức Kitô, những cảm xúc và những chọn lựa sâu xa nhất của Người, điều mà mỗi vị thánh tìm cách để noi theo. […] Nhờ những đòi hỏi kiên quyết của Chúa Giêsu [để giúp đỡ những người đang cần giúp đỡ nhất], bổn phận của tôi là mời gọi các Kitô hữu nhận ra và đón nhận người nghèo trong tinh thần cởi mở chân thành, không cần giải thích gì thêm. Nói cách khác, không có bất kỳ từ “nếu hay nhưng” nào có thể làm giảm sức mạnh của chúng.
- Người di cư (số 102, 103): Chúng ta thường nghe nói rằng, đối với chủ nghĩa tương đối và những thiếu sót nơi thế giới hiện tại của chúng ta, tình trạng của người di cư là một vấn đề nhỏ. […] Thái độ thích hợp nhất (đối với người Kitô hữu) là đặt mình vào vị trí những người anh chị em
của chúng ta, những người gánh chịu rủi ro trong cuộc sống để hy vọng một tương lai cho con cái của họ. Có thể nào chúng ta không nhận ra đây thật sự là những gì Đức Giêsu đòi hỏi, khi Người nói với chúng ta rằng việc tiếp đón người lạ chính là tiếp đón chính Ngài? […] Đây không phải là một khái niệm được phát minh bởi một vài vị Giáo Hoàng, hay một kiểu mốt nhất thời.
- Sự giản dị (số 108): Chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa tiêu thụ có thể chứng thực sự sa sút của chúng ta, vì khi chúng ta bị ám ảnh bởi niềm vui thích của chính mình, thì rốt cuộc chúng ta lại quá quan tâm đến bản thân và các quyền lợi của mình […]. Chúng ta sẽ cảm thấy khó cảm nhận và thể hiện bất kỳ mối quan tâm thực sự nào đối với những người có nhu cầu, trừ khi chúng ta có thể trau dồi một lối sống giản dị đích thực, chống lại các nhu cầu mãnh liệt của một xã hội tiêu dùng […].
- Táo bạo truyền giáo (số 129, 130 và 131): Sự thánh thiện […] là sự táo bạo, là động lực thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng và để lại dấu ấn trong thế giới này. […] [Thiên Chúa] cho phép chúng ta vận dụng cuộc sống của mình trong sứ mạng phục vụ của Ngài. […] Chúng ta yếu đuối, nhưng chúng ta đang nắm giữ một kho tàng vốn có thể giúp tăng triển bản thân chúng ta và làm cho những người đón nhận kho tàng ấy trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Sự táo bạo và lòng can đảm tông đồ là một phần thiết yếu của sứ mạng.
Chuyển ngữ: Minh Thiện,S.J.
(Nguồn - https://aleteia.org/2018/04/09/the-popes-new-doc-on-holiness- gaudete-et-exultate-in-15-key-words/)