Thứ năm, 26/12/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 08.2018

Cập nhật lúc 16:23 04/08/2018
Lời Chủ Chăn Tháng 08.2018
CÙNG MẸ MARIA VƯỢT QUA THỬ THÁCH
Cộng đoàn dân Chúa giáo phận Hưng Hóa thân mến,
Lịch phụng vụ giáo phận dành tháng 8 để tôn kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Trong tháng này có 2 lễ về Đức Mẹ: Ngày 15.8 lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, và ngày 22.8 lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương. Chúng tôi muốn mời anh chị em chiêm ngắm Mẹ là mẫu gương giúp chúng ta trong cơn thử thách, vì Mẹ đã trải qua nhiều thách đố trong cuộc đời Mẹ.
Có phải vì Đức Mẹ được Chúa ban nhiều đặc ân, vinh dự hơn tất cả mọi người: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (Lc 1,42), nên Mẹ phải chịu nhiều thử thách chăng ? Tin Mừng cho chúng ta biết một số thử thách của Đức Mẹ như sau:
Sau khi được truyền tin, Mẹ khổ tâm vì không thổ lộ với Giuse, khiến ông băn khoăn không biết xử trí ra sao;
Khi về Bê-lem, Mẹ không tìm được chỗ trọ nên phải sinh con trong cảnh nghèo hèn cùng cực;
Lúc dâng Chúa trong đền thờ, Mẹ khổ tâm khi nghe cụ Simêon tiên báo Chúa Giêsu sẽ bị chống đối, còn Đức Mẹ sẽ phải đau khổ như bị dao đâm;
Khi lạc Chúa Giêsu ba ngày tại đền thờ Giêrusalem, Mẹ mất ăn mất ngủ;
Khi Chúa đi rao giảng Tin Mừng, Mẹ dõi theo từ xa và đau khổ khi nghe người ta dị nghị Chúa bị điên, bị quỷ ám, lòng Mẹ đau khổ lắm;
Khi Mẹ đứng bên Thánh Giá chứng kiến Chúa chịu chết thì có lẽ đó là thử thách lớn nhất đời Mẹ, bởi vì ngoài đau khổ thể xác, Mẹ còn bị thử thách trong tâm hồn, mà thử thách này thì nặng nề hơn. Nhưng Mẹ vẫn vững tin, vẫn cậy trông vững vàng và vẫn yêu mến Chúa. Hình ảnh đẹp nhất của Đức Mẹ chính là lúc đứng bên Thánh Giá, thông phần đau khổ với Chúa. Mẹ thật xứng đáng là gương mẫu cho tất cả con cái.
Anh chị em thân mến,
Cuộc đời mỗi người, dù lớn bé, trẻ già, lúc này lúc khác, ở bậc sống nào, không ai là không có những đau khổ. Vấn đề là chúng ta đối diện với thử thách như thế nào, với tâm trạng nào. Chúng tôi xin đưa ra một vài điểm nhấn để anh chị em thực hành.
1. Noi gương Đức Mẹ, chúng ta hãy bình tĩnh trực diện thử thách với lòng tin cậy mến, vì biết rằng chúng ta không vác thánh giá một mình, mà có Chúa cùng vác thánh giá với chúng ta.
2. Chúng ta là Kitô hữu với dấu ấn thánh giá ghi khắc trên mình, qua các bí tích: dấu thánh giá được vẽ bằng dầu thánh trên ngực, trên trán, trên đỉnh đầu chúng ta trong bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức; trong bí tích Truyền Chức Thánh, dấu thánh giá được vạch bằng dầu thánh trong lòng bàn tay tiến chức; lúc đau ốm kịch liệt, dấu thánh giá được ghi với dầu trên trán và lòng bàn tay bệnh nhân; dấu thánh giá được ban trên chúng ta trong bí tích Sám Hối để tha tội; dấu thánh giá được đôi vợ chồng trao cho nhau cùng với chiếc nhẫn cưới trong bí tích Hôn Phối. Tóm lại, dấu thánh giá đi cùng năm tháng đời Kitô hữu, trong mọi tình huống, để nhắc nhở rằng: Kitô hữu không hèn nhát chạy trốn khổ đau, nhưng can đảm “vác thánh giá hàng ngày đi theo Chúa” (Lc 9, 22). Ma quỷ rất sợ quyền năng của dấu thánh giá, nó chạy trốn khi gặp thánh giá. Ngược lại, thánh giá tăng sức mạnh cho ta. Anh chị em hãy ngắm nhìn cây Thánh Giá với Chúa Giêsu gắn chặt vào, đó là lời nhắn nhủ chúng ta hãy can đảm vác thánh giá, chấp nhận mọi thử thách.
3. Hãy vác thánh giá với nhau và cho nhau. Mỗi người vác thánh giá của mình thì sẽ cảm thấy nặng, nhưng nếu có hai ba người cùng chung vai vác thì thánh giá sẽ nhẹ tênh. Trong hôn nhân, nếu vợ chồng vác thánh giá với nhau, thì những thử thách sẽ nhẹ nhàng. Mong các đôi vợ chồng trẻ - đối tượng sự đồng hành mục vụ của Giáo Hội Việt Nam trong năm 2018 này - lưu ý: hạnh phúc của các bạn không chỉ trong lúc thuận vợ thuận chồng, xuôi chèo mát mái, thành công…, mà cả trong những lúc đau thương, thất bại, miễn là các bạn biết cùng vác thánh giá với nhau. Trong lúc này, nhiều đồng bào của chúng ta ở Sùng Đô (Yên Bái), ở Sìn Hồ, Noong Hẻo, Nậm Tần, Hố Mít, Trung Đồng (Lai Châu), ở Cao Bồ, Vị Xuyên, Lùng Tám, Quản Bạ (Hà Giang) đang phải chịu thử thách do mưa bão lũ quét làm mất người thân, nhà cửa, tài sản, lương thực, chúng ta hãy chung tay vác thánh giá đỡ họ qua sự chia sẻ vật chất và tình thân.  
4. Đừng chất thánh giá lên vai người khác, cũng đừng trở nên thánh giá cho người khác. Thánh giá riêng của mỗi người đã nặng rồi, nếu phải vác thêm thánh giá của người khác, dù đó là thánh giá của vợ hay chồng mình, của cha mẹ hay con cái, của anh chị em trong gia đình… thì thật là khổ tâm. Chúa và Đức Mẹ chẳng bao giờ chất thánh giá cho ai, mà chỉ có vác dùm, vác đỡ, vác thay cho chúng ta.
5. Sau cùng, khi gặp thử thách, chúng ta đừng chỉ nhìn vào hiện tại, nhưng hãy hướng về tương lai để vững tin như thánh Phaolô rằng: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2 Cr 4, 17). Mọi thử thách, đau khổ, và cả cái chết rồi sẽ qua đi.
Đức Mẹ nhờ đón nhận thử thách khi đứng dưới chân thánh giá Chúa mà đạt đến vinh quang Nước Trời. Các Thánh Tử Đạo Việt Nam cũng là những người biết qua gian khổ đến vinh quang, qua sự chết mà vào sự sống. Nhờ lời Đức Mẹ Maria và các Thánh Tử Đạo Việt Nam chuyển cầu, xin Chúa ban cho anh chị em đạt được vinh phúc muôn đời nhờ thánh giá Chúa, nhân danh Cha + và Con + và Thánh Thần + Amen.
+ Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận
+ Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
 
 I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
1V 19, 4-8; Ep 4, 30-5, 2; Ga 6, 41-51
Chàng Rôbinsơn trong câu chuyện “Trên Hoang Đảo” của Daniel Defoe đã lấy làm kinh tởm khi thấy người thổ dân moi tim kẻ thù để ăn. Sở dĩ họ moi tim kẻ thù để ăn, vì họ tin rằng: “Ăn gì bổ nấy, ăn cá thì giỏi bơi lội, ăn tim người thì thêm dũng cảm.” Đối với chàng Rôbinsơn thì việc làm của những người thổ dân này là man rợ, là không thể chấp nhận được.
Khi Chúa Giêsu tuyên bố thịt máu Ngài chính là của ăn nuôi sống con người, dân Do Thái cũng có phản ứng tương tự chàng Rôbinsơn. Bởi lẽ ăn thịt và uống máu người là điều nghịch với luân lý tự nhiên, nếu không muốn nói là dã man, là mọi rợ…. Điều này cũng đụng phải luật cấm của Do thái giáo. Tự hiến chính mình làm của ăn của uống để cho người khác được sống đời đời lại càng khó chấp nhận.
Thật ra, ngay khi Chúa Giêsu khẳng định “Ta là bánh từ trời xuống”, người Do thái đã lấy làm khó chịu, và họ đã xầm xì phản đối ra mặt. Họ xầm xì phản đối là phải. Vì chưng họ quá biết rõ gốc gác xuất thân của Chúa Giêsu. Họ cũng quá biết con người và sự nghiệp của Ngài ra sao. Lời xầm xì đó là gì? Rất có thể là: “Giả như ông ta là một con người huyền bí như Daniel, hay Isaia xuất hiện trên cõi trần thì lời tuyên bố này còn nghe được. Đàng này ông ta là con một ông thợ quèn Giuse, gia thế bết bát. Bản thân ông ta cũng chẳng có gì đáng nói: 30 năm làm nghề mộc, sống tầm tầm nơi một làng quê vô danh tiểu tốt. Bà con anh em của ông ta cũng thế cả thôi. Vậy mà dám tuyên bố: ‘Ta là Bánh từ trời xuống’. Quả là ông này thuộc ‘họ nổ’, …v.v…”
Phản ứng đó trở nên gay gắt hơn khi nghe Chúa Giêsu bộc bạch bánh đó là Bánh Trường Sinh, bánh đem lại sự sống đời đời, bánh trổi vượt hơn cả Manna thời Cựu ước. Nghe lời này, chắc hẳn có cảm thấy lùng bùng lỗ tai, bởi thực tế chưa có ai trên đời này mà không chết, kể cả các tổ phụ đáng kính của họ. Ngay như ông Môsê là vị sứ ngôn vĩ đại có khả năng “khiến” Manna từ trời rơi xuống cho dân chúng ăn, thế mà ông cũng đã chết. Rõ ràng đối với họ, ông Giêsu này vừa mới ăn gan hùm hoặc mới uống mật gấu nguyên chất, nên mới dám tuyên bố táo tợn như vậy. Không khéo, có kẻ còn muốn tới sờ trán Chúa Giêsu xem có phải bị sốt hay không mà dám ngoa ngôn mạnh mồm như thế!?.
Chưa dừng lại ở đó. Khi Chúa Giêsu quả quyết thêm rằng Bánh hằng sống từ trời đó chính là thịt của ngài, dân Do thái thực sự đã bị “sốc”, sốc trầm trọng. “Bánh từ trời” hay “Bánh hằng sống” gì gì đó có thể họ tạm chấp nhận được, vì ít ra Ngài cũng đã từng làm phép lạ uy quyền hoá bánh ra nhiều và các phép lạ khác trước đó. Thế còn khẳng định “Bánh ta ban tặng chính là thịt ta đây” thì không thể nào chấp nhận nổi. Quả nhiên, đối với họ lúc này, Chúa Giêsu “mất trí” nặng rồi. Ăn thịt người là mọi rợ, là dã man. Hơn nữa, xưa nay chưa từng có ai tự lấy thịt mình làm của ăn nuôi sống người khác bao giờ.
Tuy nhiên, chính Chúa Giêsu đã khẳng định rằng có lãnh nhận chính Đấng là nguồn mạch sự sống thì mới có thể có sự sống đời đời nơi mình được. Đây là một mạc khải lớn lao và siêu việt, vượt quá sức tưởng tưởng của con người đương thời. Tất nhiên, mạc khải không bao giờ là đối tượng của lý trí tự nhiên. Bởi vậy cần phải đón nhận bằng đức tin, bằng ân sủng đến từ Thiên Chúa Cha, như lời Chúa Giêsu xác quyết: “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy.”
Nói cách khác, để có thể chấp nhận “ăn Thịt và uống Máu Chúa”, dù là dưới hình Bánh và hình Rượu của bí tích, thì cũng cần phải có đức tin do Thiên Chúa ân ban. Không có đức tin, người ta sẽ coi Bí tích Thánh Thể như là phù chú, bùa ngãi… Không có đức tin, không thể nhận ra sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Tin là tin vào Lời của Chúa, là lời chân thật; tin là tin vào cái chết tự hiến, cái chết vì yêu của Chúa trên thập giá; và tin là tin vào sự phục sinh vinh quang của Ngài. Nếu ta tin những điều đó, ta sẽ nhận ra sự hiện diện thực sự của Chúa trong Thánh Thể, và ta có thể tiếp rước Ngài làm của ăn thiêng liêng mang lại sự sống đời đời.
Tôi vẫn thường tiếp rước Thánh thể Chúa bằng tâm tình nào, thái độ nào? Bằng đức tin hay bằng lý trí, bằng ân sủng của thiên Chúa hay bằng sức riêng của con người?
Lm. Giuse Nguyễn Thanh Long
 
II. HỌC HỎI TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Năm mục vụ 2018, chúng ta sẽ có mười hai đề tại của HĐGMVN về Đồng Hành với các Gia Đình Trẻ. Khôi Bình Hưng Hóa trong tháng này sẽ cùng trao đổi về chủ đề: Quyết định dấn thân trong hôn nhân.
Trong chương I của Tông huấn Niềm vui của Tình yêu, Đức Phanxicô đề cập đến hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Lời Chúa, ngài viết: “Giáo huấn của chúng ta về  hôn  nhân  và  gia  đình  nhất  thiết  phải  được  gợi  hứng  và  biến đổi  dưới  ánh  sáng  của  lời  loan  báo  yêu  thương  và  dịu  dàng này;  nếu  không,  giáo  huấn  ấy  sẽ  trở  thành  sự  bảo  vệ  đơn thuần cho một giáo điều lạnh lùng và thiếu sinh khí” (NVTY 59).
Điều này là chính xác, khi chúng ta suy nghĩ về hôn nhân dưới cái nhìn của Chúa Kitô, thì rõ ràng mối dây bất khả phân ly giữa người nam và người nữ “không  nên  hiểu  như  một  ‘cái ách’  áp  đặt  lên  con  người,  nhưng  như  một  ‘quà  tặng’  được ban  cho  những  ai  kết  hợp  với  nhau  trong  hôn  nhân”  (NVTY 62). Một cách tự nhiên, hôn nhân là một sự dấn thân trong đó hai người phối ngẫu dấn thân trọn vẹn. Qua Bí tích Hôn phối, những người phối ngẫu tự hiến thân cho nhau. Từ đó, tình yêu cũng là một quà tặng và một ân sủng mà chính Thiên Chúa là người bảo đảm.
Quyết định dấn thân là điều kiện cần thiết trong đời sống Hôn nhân, bởi vì dây hôn phối giữa hai người được rửa tội thành nhận và hoàn hợp thì không bao giờ có thể tháo gỡ (GLHTCG 1640). Chính vì thế, cần có một giai đoạn chuẩn bị xa và gần để hướng dẫn những người sắp kết hôn.
Trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu diễn tả các Nghị phụ Thượng Hội Đồng tỏ ý lo ngại về các chương trình đặc biệt để chuẩn bị gần cho việc kết hôn. Việc chuẩn bị này cũng là một thách thức lớn. Đức Thánh cha Phanxicô nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc đồng hành gần và đời sống chứng ta trong bối cảnh Giáo xứ. Không nên qui cho việc chuẩn bị hôn nhân là công việc được gioa phó cho các Cha xứ hay Giáo lý viên Dự tòng và Hôn nhân, nhưng việc chuẩn bị đó cũng là trách nhiệm của các gia đình. Các gia đình được mời gọi tham gia nhiều hơn, vừa bằng đời sống chứng tá của họ về những điều tốt đẹp mà tình yêu vợ chồng trình bày, vừa bằng cách đồng hành trực tiếp của họ nơi các người sắp kết hôn.
Mục tiêu chung “không  cần  phải truyền đạt cho họ toàn bộ Giáo lý, cũng không đưa ra cho họ  quá  nhiều  chủ  đề”  (NVTY  207),  nhưng  để “khám  phá giá trị và sự phong phú của hôn nhân (…) nhận ra được sự hấp dẫn của  một  kết  hợp  trọn vẹn”  (NVTY  205),  để chuẩn bị cho họ, nên “truyền đạt cách hấp dẫn và sâu sắc, sẽ giúp họ dấn thân vào  hành  trình  trọn  cuộc  đời  “với  cả  trái  tim  và  lòng  quảng đại”” (AL 207).
Dấn thân để suốt đời sống bên nhau, thương yêu nhau, nâng đỡ nhau. Dấn thân rất quan trọng cần được chuẩn bị xa và gần.
Xin Chúa thương và giúp đỡ các gia đình trẻ luôn tìm hiểu giáo lý và ý nghĩa đúng đắn của đời sống Hôn nhân, nhờ đó giúp họ thăng tiến cuộc đời của họ.
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn, LMĐHKB Hưng Hóa
 
III.  TỬ ĐẠO HAY SỐNG TINH THẦN TỬ ĐẠO?
Đọc lại chuyện Các Thánh Tử Đạo Việt Nam không khỏi rợn người vì những khổ hình dã man mà con người thời đó bắt những người tin theo Chúa Kitô phải chịu. Cũng khó lòng tin rằng con người ngày nay có thể nghĩ ra và dùng những nhục hình bất nhân ấy để cấm cản việc tin và sống đức tin của người có đạo. Không mã tấu, gươm đao. Không chém đầu. Không có voi giầy nát thân. Không có vạc dầu sôi… Nhìn như vậy, tử đạo không phải đã trở thành câu chuyện cổ tích rất xa lạ với người Việt Nam hôm nay rồi sao? Vào những năm xưa ấy, khi Kitô giáo đến với đất nước Việt Nam, đời sống và tổ chức xã hội lúc ấy còn phôi thai. Người tin vào Thiên Chúa chịu rửa tội, sống đạo theo tôn chỉ thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự. Việc cấm đạo diễn ra qua hình thức quen thuộc được kể lại: Quan quyền ra chiếu chỉ buộc những người tin theo Chúa Kitô phải chối đạo. Họ bị ép buộc phải bước qua thập giá như một cách nhục mạ Kitô giáo, chối bỏ đạo, chối bỏ Thiên Chúa.
Thế giới hôm nay thì khác hẳn. Ngoại trừ những nhóm quá khích, thường đánh phá nhà thờ và sát hại người tin vào Thiên Chúa, không có một chính quyền nào công khai chủ trương phá nhà thờ, đập tượng ảnh. Ngược lại, người có đạo còn được phép xây cất những nhà thờ thật đẹp, thật lớn. Thánh giá được dựng lên oai nghi trên tháp chuông cao. Hình ảnh này cho thấy ngày nay không còn cấm đạo nữa. Các Thánh cha ông ta vì muốn được “thờ phượng một Đức Chúa Trời” mà chịu bỏ mạng sống. Người có đạo hôm nay trong khi nghĩ mình đang “thờ phượng một Đức Chúa Trời” bằng cách xây dựng nhà thờ, rầm rộ với những lễ nghi long trọng có lúc nào nghĩ rằng mình đã quên sống đạo, vì đã quên người anh em khốn khổ đang nằm lây lất đâu đó bên lề cuộc đời.
Khi nhắc lại hoàn cảnh chính trị xã hội thời Các Thánh Tử Đạo Việt Nam vài trăm năm trước và thế giới con người thế kỷ 21, chúng ta nhận ra sự thay đổi rất lớn qua giòng lịch sử. Qua đó thấy sự khác biệt của việc sống đạo ngày trước và hôm nay. Khác biệt chính trị xã hội (không cần nói đến kỹ thuật) dẫu rất lớn nhưng có một điều ngàn năm vẫn không thay đổi mà người được rửa tội và tin theo Đức Kitô không được phép quên: Đó là bản tuyên ngôn đức tin mà Chúa Giêsu dậy: Thờ phượng, kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự và yêu thương anh em như chính mình. Một em bé khi có đủ trí khôn và chuẩn bị xưng tội rước lễ đã được học bản tuyên ngôn này. Vế đầu của bản tuyên ngôn, “Thờ phượng, kính mến một Đức Chúa Trời”, xin tạm gọi là việc giữ đạo. Việc giữ đạo thường dễ hơn vì phù hợp với nhu cầu tâm linh của con người: Tin có một Thiên Chúa, hay nói một cách chung chung theo tâm thức người Việt, tin có một ông trời và biết sợ ông trời, biết làm lành lánh dữ. Ông trời là điểm tựa tâm linh cho mình. Vế sau của bản tuyên ngôn, “Yêu người như mình ta vậy”, xin tạm gọi là việc sống đạo. Sống đạo thật khó, vì đối tượng sống đạo không còn chỉ là một Thiên Chúa vô hình, mà còn là người anh em đang hiện hữu quanh mình. Khi muốn sống yêu thương anh em, rất thường mình bị đòi buộc quên thân mình. Khi giữ đạo, con người đối diện với một Thiên Chúa vô hình, thinh lặng, nhưng là một Thiên Chúa vạn năng. Điều này diễn ra một cách tương đối dễ dàng, vì đó thuần là tương quan giữa con người với Thiên Chúa, đúng hơn đó là tương quan riêng giữa một người với Thiên Chúa: Thiên Chúa vạn năng, nhưng vô hình, thinh lặng và đầy yêu thương. Thiên Chúa có thể làm được tất cả. Thiên Chúa có thể cho được tất cả. Thiên Chúa không làm gì phiền hà con người. Ngược lại, khi sống đạo, con người đối diện với người anh em bằng xương, bằng thịt. Con người được mời gọi sống yêu thương, quên mình và cho đi, chịu mất đi. Trong khi khuôn mặt Giêsu qua tranh ảnh được diễn tả thật khả ái, nhân hậu, thì khuôn mặt người anh em trong cuộc đời lắm khi thật xấu xí, khó coi, nhiều khi lại bẩn thỉu nữa. Nhưng chỉ khi chúng ta sống trọn vẹn hai vế của bản tuyên ngôn đức tin - giữ đạo và sống đạo - chúng ta mới thực sự đến gần Thiên Chúa và thực sự sống tinh thần tử đạo.
Trong thư công bố khai mạc Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, HĐGMVN đã nhắc nhở chúng ta: “Thăm viếng những người đang sống trong cảnh túng nghèo quẫn bách, bệnh tật, tù đầy, già cả, cô đơn, khuyết tật, … là hành hương về với Đức Kitô.” Một dịp khác HĐGMVN nhắc lại lời chia sẻ của Đức Phanxicô: Ngài nhấn mạnh đến việc loan báo Tin Mừng với niềm vui, qua đó lời loan báo của chúng ta mang tính thuyết phục đối với đồng bào không cùng tôn giáo. Để lời loan báo mang lại hiệu quả, cũng cần phải có những chứng từ mạnh mẽ và cụ thể trong đời sống, trong mối tương quan với tha nhân.
Chúa Giêsu đã sống trọn hai vế của bản tuyên ngôn đức tin: Ngài thường xuyên cầu nguyện với Chúa Cha, giảng dạy và yêu thương con người. Có khi vì yêu thương, Chúa Giêsu đã không ngần ngại biểu lộ bất bình khi Ngài xô đổ những sạp hàng buôn bán trên đền thờ. Không chỉ vì việc bán buôn là điều bất kính nơi thánh thiêng. Việc bán buôn đó cho thấy những gian xảo và lòng tham của con người: Khi đổi chác bạc tiền, khi con buôn mua 1 bán 10 cho những khách hành hương từ xa đến, rồi chia chác với các thượng tế trong đền thờ. Chúa Giêsu không chỉ đòi lại điều công chính cho Thiên Chúa mà cả cho người anh em. Nếu Chúa Giêsu sinh vào thế kỷ này thì Ngài hẳn đã bị kết án là kẻ phá rối trật tự xã hội, trong khi Ngài thực sự muốn diễn tả một cách sống yêu thương. Dưới con mắt của những người cùng một giai cấp xã hội thì đó là trật tự. Nhưng trước mặt Thiên Chúa, đó là xảo trá, gian manh, bất chính. 2000 năm trước Chúa Giêsu đã thấy cái đối nghịch muôn đời này và đã chúc lành cho những ai muốn sống lẽ công bằng và lòng chính trực.
Khi không có một quyền lực trần thế nào cấm cản việc giữ đạo và khi hoàn toàn có tự do để sống đạo thì người có đạo lại thấy mình đứng trước một nghi vấn, một nghi vấn quá lớn và không dễ tìm thấy câu trả lời: Đâu là ý muốn của Thiên Chúa? Ngài muốn tôi làm gì? Nhất là trong những khoảnh khắc đen tối của cuộc đời khi đối diện với đau khổ, đau khổ của chính mình, đau khổ của người anh em, con người tự hỏi: Thiên Chúa đâu rồi? Sao Ngài lại để vậy? Sao một Thiên Chúa từ nhân lại không nói một lời nào? Nhận ra ý muốn của Thiên Chúa quả là điều rất khó.  Khác với hoàn cảnh xã hội thời Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hôm nay sống trong thế kỷ 21 với phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại, con người dễ nao núng và ngờ vực vì lại càng không biết đâu là sự thật, đâu không phải là sự thật. Thực có khi là hư. Hư có khi là thực. Đám mây mù này làm những người tin vào Đức Kitô thêm nghi ngại và chỉ muốn quay về lối sống đạo với một tâm thức cầu an, vùi mình yên ổn dưới lớp vỏ ốc “thờ phượng một Đức Chúa Trời.” Ngay trong những khoảnh khắc mờ ảo này chúng ta không quên rằng chính các đấng bậc chủ chăn trong Giáo hội cũng thường đối diện với những nghi vấn này khi muốn lắng nghe và mong nhận ra được tiếng Chúa.
Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Chúng ta có thể chấp nhận để sự dữ chiến thắng và thống trị chúng ta, cuốn hút chúng ta vào vòng quyến rũ của nó và làm cho chính mình trở thành kẻ dữ không? Hay chúng ta chịu khuất phục trước tính bi quan, ù lì và để mình chìm sâu trong sự cam chịu hèn nhát. Điều này thật không phải tinh thần Kitô giáo” (Buổi tiếp kiến chung, ngày 25.1.1978)
Đứng trước đau khổ và sự thinh lặng của Thiên Chúa, Đức Benedictô XVI đã viết: “Thức dậy đi, Ngài ơi! Xin đừng quên con người là tạo vật Ngài dựng nên! Tiếng kêu của chúng ta hướng về Thiên Chúa, đồng thời cũng phải là tiếng kêu vang dội vào tâm khảm chúng ta để làm  sống dậy sự hiện hữu ẩn dấu của Thiên Chúa, để quyền năng của Ngài để lại trong trong tim ta không bị phủ lấp bởi lớp bùn ích kỷ, khiếp sợ, vô cảm và trục lợi” (Bài nói chuyện ở Auschwitz, ngày 28.5.2006)
Ngược lại, khi con người với thái độ tự mãn cho rằng mình đã tìm thấy đức tin và đã biết được Thiên Chúa, thì Đức Phanxicô  cho rằng: “Như thế chúng ta chỉ tìm thấy một Thiên Chúa theo mực thước của con người… Thái độ đúng đắn nhất chính là thái độ của thánh Augustinô khi ngài nói: Tìm Thiên Chúa, để thấy Ngài. Thấy được Ngài, để lại đi tìm kiếm Ngài. Chúng ta thường dọ dẫm cố tìm những gì mình đọc thấy trong Kinh thánh. Cái dọ dẫm đó cũng chính là trải nghiệm của các tổ phụ đức tin và cũng là mẫu gương cho chúng ta. Trong chương 11 thư gởi tín hữu Do Thái chúng ta đọc thấy: Abraham lên đường, mà không biết ông phải đi đâu...” (Trích trong buổi phỏng vấn dành cho tạp chí Dòng Tên, ngày 19.9.2013)
Nói khác đi, sống đạo trong thế giới hôm nay hoặc dẫn chúng ta đến sự tự mãn khi cho rằng tôi đã tìm thấy Thiên Chúa hoặc đưa chúng ta đến trước một câu hỏi: Thiên Chúa ở đâu khi thế giới này còn đầy dẫy sự dữ và quá nhiều đau khổ.
Đứng trước những nghi vấn dường như bế tắc này thánh Gioan Thánh Giá đã chia sẻ trãi nghiệm riêng của chính ngài khi ngài nói:
“Để biết được điều mình không biết, chúng ta cần sống qua cái mình không biết. Để biết được cái mình không có, chúng ta cần sống qua cái mình không có. Để biết được cái mình không phải là, chúng ta cần sống qua cái mình không phải là.”
Nói khác đi, khi việc sống đạo đưa chúng ta đến trước những nghi vấn mà mình không có câu trả lời, lại cũng chẳng biết Thiên Chúa muốn gì, chúng ta không dừng lại. Bước tới, để con đường lại được mở ra cho chúng ta. Như Abraham. Như Mosê.
“Sống tinh thần tử đạo” (thư Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)
30 năm kể từ ngày Giáo Hội vinh danh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam là khoảng thời gian còn rất ngắn ngủi so với lịch sử ơn cứu độ, nhưng đủ dài để mỗi người Công giáo Việt Nam ngẫm suy lại bản tuyên ngôn đức tin mà mình đã đón nhận và được ghi dấu trong tim.   
Nếu hôm nay chúng ta biết rằng trên quê hương của Các Thánh Tử Đạo Việt Nam số người tin theo Chúa Kitô giảm sút thì không hẳn vì chúng ta chưa xây đủ nhà thờ. Nếu hôm nay không có cấm đạo, không phải bước qua thập giá, thì có khi nào chúng ta tự hỏi chính lúc miệt mài dựng thánh giá trên tháp chuông cao, chúng ta vô tình đã chối đạo, vì đã chối bỏ người anh em quanh mình.
Mai Dương Hải
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong bầu khí linh thiêng của đêm cực thánh, đêm mà nhân loại được đón chờ Ngôi Hai xuống thế làm người, như một sự an ủi, khiến con người ta tạm quên đi những lo âu thường ngày, giáo xứ Cát Ngòi đã long trọng tổ chức đêm hoan ca – diễn nguyện và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 24.12.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log