Thứ năm, 26/12/2024

Đồng Hành Khôi Bình, Tháng 12.2017

Cập nhật lúc 12:30 16/12/2017



Lời chủ chăn tháng 12. 2017


Anh chị em trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa thân mến,
1. Ngày 03/12 này chúng ta cùng Hội Thánh toàn cầu bước vào Mùa Vọng mới, khởi đầu Năm Phụng Vụ 2017-2018. Lịch Công Giáo của giáo phận nhà có lời trích dẫn văn kiện Quy luật về Niên Lịch Phụng Vụ: “Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39).
Mùa Vọng là mùa mong đợi. Dân Chúa liên tục sống tâm tình đợi chờ Chúa “Đấng đã có, hiện có và đang đến”(Kh 4, 8). Các Tổ phụ và Ngôn sứ cả mấy ngàn năm xưa trong thời Cựu Ước tiên báo và mong ngóng đợi chờ Đấng Cứu Thế đến. Hội Thánh Kitô giáo đã trải qua hai ngàn năm lịch sử tích cực loan báo Tin Mừng đợi chờ “Nước Cha trị đến” trên thế giới hôm nay, đồng thời thao thức đợi chờ ngày Chúa Cứu thế lại đến trong vinh quang của ngày cánh chung. Khởi đầu Mùa Vọng này, chúng tôi xin được chia sẻ với anh chị em tâm tình đợi chờ Chúa trong hoàn cảnh hiện thời.
2. Tâm tình thứ nhất, chúng tôi xin anh chị em sống lại niềm trông đợi “Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người” (AC 39) nơi các thánh Tổ phụ, Ngôn sứ, cùng Dân riêng Chúa xưa trong thời Cựu Ước, thể hiện bằng việc chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng Sinh. Hơn cả việc dọn dẹp trang trí lộng lẫy quang cảnh bề ngoài, ta hãy sửa dọn ngôi nhà tâm hồn để tiếp đón Chúa Hài Nhi ngự vào. Ta hãy tẩy trừ những đam mê tham vọng trần tục, hoán cải tâm hồn trở lại đơn sơ thanh bạch như hang đá máng cỏ nơi Chúa ưa thích ngự tới. Lời kinh nguyện cổ truyền vẫn vang vọng trong ký ức ta: “Xin cho tấm lòng con nên như hang đá cho Chúa con giáng sinh. Xin cho tâm hồn con nên như máng cỏ cho Chúa con ngự.” Ước gì trong đêm Giáng Sinh mỗi tín hữu chúng ta được rước Chúa Hài Đồng vào lòng, để được lãnh nhận ơn “bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
3. Tâm tình thứ hai là “hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế” (AC 39). Mùa Vọng nhắc ta nhớ tính chất lữ hành của Hội Thánh tại thế đang tiến về Giêrusalem trên trời. “Nơi đó, anh chị em chúng ta là toàn thể các thánh muôn đời ca ngợi Chúa; và chúng ta là lữ khách, được đức tin soi dẫn, đang vội vã tiến về” (x. Kinh tiền tụng lễ Các Thánh). Với cá nhân chúng ta, mỗi ngày qua đi là một bước ta tiến dần đến giờ chết. Ta đừng mải mê những sự dưới trần thế là nơi tạm gửi, nhưng biết tận dụng thời giờ hiện tại để thu tích đem về đời sau “những của cải không hư nát”. Là chi thể của Hội Thánh lữ hành, mỗi người tích cực góp phần thi hành sứ mệnh Chúa trao là mở rộng nước Chúa trên khắp cùng bờ cõi trái đất, để chóng tới ngày viên mãn “muôn dân muôn nước trở thành một đoàn chiên theo một Chúa chiên.”
4. Giữa hai lần Thiên Chúa đến, lần đến trong quá khứ của “Đấng đã có” và lần đến trong tương lai của Đấng “đang đến”, còn có rất nhiều lần Thiên Chúa Đấng “hiện có” đến viếng thăm ta trong từng giây phút hiện tạiTâm tình thứ ba chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em là để nhắc nhở nhau tránh khỏi hệ lụy “không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19, 44). Một điều ta ít lưu tâm, lại là điều có sức yên ủi và nâng đỡ ta, đó là trong khi ta đợi chờ Chúa thì Chúa vẫn đợi chờ ta. Trên hành trình tiến về ngày cánh chung, Chúa còn nhiều lần ưu ái đến với Hội Thánh, đến với mỗi người con Chúa, để vạch đường chỉ lối, để sửa sai, để tiếp sức, để hối thúc, để nâng đỡ khích lệ, bao lâu Hội Thánh còn chưa hoàn thành sứ vụ mở rộng Nước Chúa trên khắp cõi trần gian, bao lâu mỗi người con Chúa chưa đạt tới độ trưởng thành của Đức Kitô. Nhưng Chúa đến cách nhiệm mầu và thầm kín, không áp đặt, Ngài tôn trọng sự tự do của ta, đợi chờ sự tự nguyện đón tiếp của ta. Vấn đề là làm sao để ta biết cách đợi chờ và nhận ra Ngài đúng lúc, kẻo như lời Thánh Gioan nói: “Ngài ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Ngài mà có, nhưng lại không nhận biết Ngài. Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”(Ga 1, 10-11).
5. Đợi chờnhận ra và đón tiếp Chúa đến trong cuộc đời là cả một chương trình cơ bản của đời sống tâm linh mà ta cần học biết. Trước hết Lời Chúa trong Thánh Kinh dạy ta đợi chờ Chúa trong tỉnh thức với tư thế luôn sẵn sàng, như 5 cô trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ đi đón chàng rể (Mt 25, 1-13), như gia nhân đợi chờ mở cửa cho chủ trở về nhà lúc đêm khuya (Lc 12, 35-40). Rồi khi Chúa đến làm sao ta nhận biết Ngài? Lời Chúa dạy bảo ta nhận ra Chúa qua các dấu chỉ, nhất là qua dấu chỉ bí tích, như hai môn đệ trên đường về Emmaus nhận ra Chúa khi Bẻ Bánh (Lc 24, 28-35). Ta cũng nhận ra Chúa trong thân thế các đấng bậc đại diện hữu hình của Chúa trong Hội Thánh ở trần gian, như lời Đức Giêsu phán với các tông đồ: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em…Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”(Ga 20, 21-23). Nhưng ta cũng còn nhận ra Chúa qua thân thế anh chị em nghèo đói mà ta gặp gỡ trong đời thường, như Chúa dạy trong dụ ngôn vụ xử án ngày chung thẩm (Mt 25, 31-46). Sau nữa ta còn nhận ra Chúa qua các biến cố xảy đến trong cuộc đời, như Gioan nhận ra Chúa trên bãi biển qua mẻ cá lạ lùng và nói với anh em tông đồ: “Chúa đó”(Ga 21, 1-7).
6. Sau khi đợi chờ, nhận ra Chúa đến, thì đến khâu đón tiếp Chúa. Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu với ta hai mẫu gương sống. Gương mẫu thứ nhất là Đức Trinh nữ Maria. Với đặc ân Vô Nhiễm nguyên tội (lễ trọng cử hành trong Mùa Vọng) Mẹ đã dọn lòng xứng đáng đón tiếp Ngôi Lời Nhập Thể. Cùng với Dân Chúa, Mẹ hằng thiết tha đợi chờ Đấng Cứu Thế đến cứu chuộc thế nhân. Khi nhận ra chương trình cứu độ do lời truyền tin của Tổng lãnh thiên thần Gabriel, Mẹ đã mau mắn đón tiếp Ngôi Lời Thiên Chúa bằng tiếng “Xin Vâng” trọn vẹn dâng hiến suốt cả cuộc đời (Lc 1, 38). Hằng ngày mỗi lần đọc kinh Truyền Tin, ta hãy xin Mẹ bầu cử cho ta được luôn luôn sẵn sàng đón nhận vâng theo Thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, thuận nghịch, vui buồn, sướng khổ trong cuộc đời, để xứng đáng làm con cái thảo hiền của Mẹ.
7. Để  mau mắn đón tiếp Chúa, ta còn cần sửa sang ngôi nhà tâm linh của ta cho ngăn nắp sạch đẹp sẵn sàng. Nhân vật được Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu là mẫu gương thứ hai cho ta noi theo là Thánh Gioan Tẩy giả. Xuất hiện trên đất Israel vào thời điểm quần chúng đang nóng bỏng đợi chờ Đấng Messia, ông mang sứ mệnh dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Không những lời rao giảng mạnh mẽ của ông, mà cả hình ảnh con người, lối sống khắc khổ của ông, “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng giây da, ăn châu chấu và mật ong rừng”, trong khung cảnh hoang địa, gợi lên hình ảnh vị tiền hô mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo: “Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con...”(x. Mc 1, 1-8). Ta hãy hiểu và thực hành theo bình diện tâm linh mệnh lệnh của vị tiền hô dọn đường: “hố sâu lấp cho đầy, gò cao phải bạt xuống, quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng”(x. Lc 3, 3-6). Tâm hồn ta sẽ được sẵn sàng đón rước Chúa. 
Anh chị em thân mến,
Trong quá khứ, Chúa Cứu Thế đã đến trong lịch sử cách đây hơn hai ngàn năm. Chúa sẽ lại đến trong tương laivào ngày cánh chung. Nhưng Chúa vẫn đến với ta trong từng giây phút hiện tạiChúa vẫn đợi chờ ta tự nguyện mở lòng ra đón tiếp Ngài. Mùa Vọng là thời gian thuận tiện để ta làm sống lại tâm tình đợi chờ Chúa, sửa dọn tâm hồn để có thể nhận ra Chúa và đón rước Chúa. Nguyện chúc anh chị em tín hữu trong cả giáo phận nhà đều gặp được cơ hội Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh này để đón rước Chúa đến với từng người và mỗi gia đình, trong an bình, chan chứa niềm vui và hạnh phúc.
Sơn Tây, ngày 29 tháng 11 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
 
Lá thư Đồng hành: Định hướng mục vụ năm 2018

Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chọn chủ đề cho năm Mục vụ 2018 là “Đồng hành với các gia đình trẻ”, với một số đề nghị thực hành: (1) Các gia đình trẻ hãy là những người đầu tiên nỗ lực xây dựng hạnh phúc cho mình, với quyết tâm là trong mọi hoàn cảnh, “Hãy trân trọng giữ gìn và phát huy giá trị của hôn nhân Công giáo.”(2) Các mục tử và các cộng đoàn Giáo xứ đảm nhận trách nhiệm chính trong việc đồng hành này. (3) Đồng hành với các gia đình trẻ là điểm nhấn của năm mục vụ 2018, tuy nhiên, vẫn cần duy trì và phát huy thành quả của chương trình mục vụ năm 2017.
Cũng theo tinh thần Thư chung, chương trình mục vụ năm nay sẽ được triển khai trong bối cảnh Giáo hội Việt Nam mừng 30 năm sự kiện 117 vị Tử đạo, được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong hiển thánh (19/6/1988 - 19/6/2018). Mẫu gương sống đạo và ơn phù trợ của các vị Tử đạo cha ông, chắc chắn sẽ là một năng lực đỡ nâng và giúp thành toàn mọi hoạt động mục vụ của chúng ta là con cháu.
Đáp lại lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Hội nghị Mục vụ Giáo phận Hưng Hoá, Cộng đoàn Khôi Bình sẽ triển khai và thực hiện chương trình mục vụ qua những sinh hoạt sau đây:
1. Việc học hỏi chủ đề: BQKKBGP sẽ căn cứ vào các tài liệu của Giáo phận biên soạn để phổ biến tài liệu học tập cho mọi các thành viên qua các dịp thường huấn, tĩnh tâm và sinh hoạt thường kỳ.
2. Việc đồng hành: Mọi thành viên của Cộng đoàn, tùy theo vai trò và trách nhiệm của mình, được mời gọi cố gắng tìm kiếm những phương thế thiết thực đề đồng hành cách hữu hiệu với các gia đình trẻ trong Giáo xứ; đặc biệt, là các gia đình trong Cộng đoàn.
3. Việc tôn kính các Thánh Tử đạo Việt Nam: Đọc kinh kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam trước hoặc sau các giờ sinh hoạt của Cộng đoàn; tích cực tham dự những buổi hành hương tới các di tích Thánh Tử Đạo Việt Nam được Bề trên Giáo phận chỉ định.
4. Một vài sinh hoạt cần được lưu tâm để thực hiện được tốt hơn:
(1) Hàng tuần, các Gia đình cùng nhau học một câu Lời Chúa. Mục tiêu là giúp thuộc Lời Chúa và biết cầu nguyện với Lời Chúa.
(2) Trước giờ sinh hoạt, các thành viên cùng nhau ôn lại một số trong thủ bản của Cộng đoàn. BQGKBGX giải thích vắn gọn nội dụng câu thủ bản (05 phút).
Anh chị em thân mến,
Chúng ta phó dâng chương trình mục vụ này cho các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúng ta tin rằng, khi noi theo gương sống và đón nhận ơn phù trợ của các ngài, chúng ta sẽ kiên vững trong thử thách gian nan, và chương trình mục vụ sẽ đạt được những thành quả tốt đẹp.
Nhờ lời chuyển cầu Cha Thánh Khôi Bình, của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xin Chúa ban muôn phúc lành cho Cộng đoàn chúng ta.
Trung Kiên với Khôi Bình.
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
CHIA sẺ LỜI CHÚA: LỄ GIÁNG SINH
Is 9, 1-6; Tt 2, 11-14; Lc 2, 1-14
 
Chúng ta đang cùng với toàn thể Giáo hội long trọng mừng kỷ niệm một biến cố đặc biệt, biến cố Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đi vào trần gian. Tất nhiên, Ngài đi vào trần gian không phải để đi du lịch, hay để đi tham quan một vòng cho biết trần gian; cũng không phải để vi hành như các vua chúa trần gian thường làm. Con Thiên Chúa nhập thể vào trần gian là để làm người và ở với con người. 
Con Thiên Chúa đi vào trần gian cũng không phải như một nhân vật thần thoại hóa nhân, hay một siêu nhân hoá kiếp... Ngài đi vào trần gian cũng không phải như là một sản phẩm của trí tưởng tượng con người, đại loại như một thần đồng vươn vai lớn lên như Phù Đổng, mạnh mẽ phi thường như Thiên Vương khiến hùm beo phải sợ. Ngài là một nhân vật lịch sử có phả hệ, có lý lịch hẳn hoi như mọi người; có dòng tộc tổ tiên (gia phả dài), có ông bà cha mẹ, có quê hương đất nước. Thật ra, nếu Thiên Con Thiên Chúa đến trần gian để làm vua hay làm Chúa thì chẳng có gì để nói, bởi vì tự bản tính Ngài là Vua trên các vua, là Chúa trên các chúa. Nhưng Ngài đã làm người như ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.
Chúa Giêsu đã đi vào gia phả của nhân loại với mục đích nào? Ngài đi vào gia phả của nhân loại để thiết lập tương quan huyết thống với con người. Ngài đi vào gia phả của nhân loại để đưa con người vào phả hệ thần linh của Thiên Chúa. Có điều, Ngài đi vào trần gian, đi vào gia phả nhân loại trong cảnh nghèo hèn khiêm hạ. Tại sao vậy?
Trong nhân loại chúng ta, chẳng ai có quyền được chọn lựa gia đình hay gia cảnh để sinh ra, ngoại trừ Đức Giêsu Kitô, vì Ngài là Thiên Chúa. Vậy tại sao Đức Giêsu lại chọn sinh ra trong cảnh nghèo hèn như thế?
Có lần tôi hỏi các bạn trẻ rằng nếu Chúa Giêsu giáng sinh trong thời đại ngày hôm nay thì Ngài sẽ chọn quốc gia nào và hoàn cảnh nào để sinh ra?
Có bạn bảo: Theo con Chúa sẽ chọn nước Mỹ để sinh ra vì nước Mỹ hùng mạnh và Chúa Giêsu sẽ có những phương tiện tốt nhất để để loan báo Tin Mừng cho cả thế giới.”
Có bạn cho rằng Chúa Giêsu sẽ chọn một nước ở Phi Châu vì ở đó có nhiều người nghèo đói, hơn nữa Chúa sinh ra làm một người da đen cũng tốt thay vì da trắng. Là da đen, Chúa sẽ gần gũi với người Phi Châu nghèo khổ hơn.
Bạn khác thì bảo rằng Chúa Giêsu sẽ chọn nước Anh, vì ngày nay ngôn ngữ quốc tế thông dụng nhất đó là tiếng Anh. Và lúc đó mọi người sẽ hiểu được những gì Chúa nói khỏi cần thông dịch viên.
Một số bạn khác thì cho rằng Chúa Giêsu sẽ chọn Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc là một quốc gia đông dân nhất thế giới, Trung Quốc cũng là nơi có nhiều hàng độc hại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, và Chúa sẽ đổi mới người dân Trung Quốc để họ bớt gian dối và rất có thể ngài sẽ biến Trung Quốc thành kinh đô của Kitô giáo. Nhưng bạn này cũng lưu ý Đức Mẹ khi mang thai coi chừng bị người ta bắt phá thai !? Vì Trung Quốc cũng là quốc gia phá thai nhiều nhất trên thế giới.
Một số bạn khác nữa thì bảo rằng Chúa Giêsu sẽ chọn Philipin hoặc Việt Nam, vì ở hai quốc gia này quanh năm phải chịu nhiều thiên tai bão lụt. Sinh ra ở đây Chúa Giêsu sẽ đồng cảm với người dân những nước này hơn.
Có bạn lại chọn Nam Cực làm nơi cho Chúa sinh ra, vì ở đó có nhiều gấu và chim cánh cụt rất dễ thương, khí hậu lại trong lành. Chúa Giêsu có thể dùng xe tuyết đi lại an toàn.
Đặc biệt có bạn không chọn một quốc gia nào hết, mà lại chọn trạm không gian. Vì trên trạm không gian không bị ô nhiễm môi trường, nên sẽ tốt cho trẻ sơ sinh và bà mẹ đang cho con bú. Vả lại, sinh ở trên đó, Chúa Giêsu sẽ là của cả trái đất, chứ không phải của một dân tộc nào, khỏi phân bì, v.v…
Tuy nhiên, đại đa số các bạn giới trẻ vẫn cho rằng Chúa Giêsu vẫn sẽ chọn cảnh nghèo để sinh ra và để làm người. Sở dĩ Ngài chọn sinh ra trong cảnh nghèo là để “ở với” con người, để cảm thông với thân phận con người, đặc biệt là thân phận của những người thấp cổ bé miệng, và hơn thế nữa là để chết cho con người, để rồi qua cái chết của Ngài, con người được hưởng ơn cứu độ.
Quả thật, nếu Thiên Chúa sinh ra trong cung điện, trong đền đài vua chúa, hay sinh ra trong một gia đình giàu sang quyền quý, có lẽ những người phận hèn không bao giờ có cơ hội đến được với Ngài, càng không bao giờ dám được làm bạn với Ngài. Thực tế, Thiên Chúa đã đến trần gian để ở với con người và làm bạn với con người. Đó là điều có thật, chứ không phải là giấc mơ nữa.
Vậy thì sứ điệp của ngày lễ Giáng sinh hôm nay muốn mời gọi chúng ta điều gì? Mời gọi chúng ta hai điều:
Thứ nhất: hãy như các mục đồng theo lời mời gọi của các thiên thần đến chiêm ngắm Chúa Hài Nhi trong hang đá bò lừa.
Chiêm ngắm Chúa Hài Đồng nơi hang đá máng cỏ để chúng ta cảm nghiệm ngày một sâu xa hơn tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta mà năng biết dâng lời tạ ơn Chúa. Thật vậy, Hài Nhi Giêsu là Thiên Chúa quyền năng vô tận, nhưng đã chấp nhận mặc lấy thân phận con người, sống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Chấp nhận thân phận con người thì cũng chấp nhận sự mỏng dòn, yếu đuối của thân xác: cũng đói, cũng khát, cũng có khi nhức đầu sổ mũi. Thân xác Hài nhi, cũng phải chấp nhận sự lớn lên, sự nuôi dưỡng như mọi người…
Chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong hang đá máng cỏ, để chúng ta biết ý thức hơn về phẩm giá và địa vị cao quý của con người, dù còn bé tí hay già nua bệnh tật. Con người có địa vị và phẩm giá cao quý vì con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa, được Con Thiên Chúa đến làm bạn, và hiến ban chính cả mạng sống mình.
Chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong hang đá máng cỏ, để chúng ta cũng biết yêu mến anh chị em mình nhiều hơn, nhất là những người bé nhỏ nghèo hèn. Vì họ là hiện thân của chính Chúa.
Thứ hai: hãy như các nhà đạo sĩ biết quảng đại tiến dâng của lễ đời mình cho Chúa. Của lễ nào? Khi hỏi các bạn trẻ cùng câu hỏi này, tôi nhận được rất nhiều câu trả lời.
Có bạn thì nói rằng con cũng không biết dâng gì, vì dạo này toàn hàng Trung Quốc, nên đụng đâu cũng hàng giả. Nếu có dâng thì con dâng tặng Chúa chiếc xe đạp ba bánh để thánh Giuse chở Chúa đi dạo thôi.
Có bạn thì bảo Chúa sinh ra mùa đông lạnh lẽo, nên con sẽ dâng cho Chúa mấy bộ áo em bé để Chúa mặc, và tặng cho Chúa vài thùng sữa Vinamilk hoặc Milô để Chúa uống khi chỉ có thánh Giuse ở nhà.
Có bạn bảo rằng con sẽ dâng cho Chúa một bình sữa không bao giờ cạn để Mẹ Maria đỡ vất vả.
Có bạn bảo rằng nếu con là một trong ba nhà đạo sĩ, con sẽ dâng cho Chúa một cái máy sưởi hiệu Panasonic, loại tốt nhất, để sưởi cho Chúa bớt lạnh.
Có bạn khiêm tốn hơn thì bảo rằng con sẽ dâng cho Chúa một cây bút và một cuốn sổ để Chúa viết nhật ký. Nhờ đó mà sau này hậu thế có chữ viết của Chúa và các Tông đồ khỏi vất vả ghi chép.
Có bạn quan tâm hơn đến thời thế thì bảo rằng con sẽ dâng cho Chúa một bộ áo chống đạn và một hộp sữa Trung Quốc nhiễm Melamine. Áo chống đạn để Chúa bình an giữa chiến tranh của Palestine và Israel. Sữa Trung Quốc nhiễm Melamine để Chúa thấy sự tồi tàn của một số doanh nhân Trung Quốc ngỏ hầu Chúa biến đổi họ…
Và rồi có bạn thì rất thực tế, bảo rằng con sẽ dâng Chúa Hài Đồng Vắccin chích ngừa miễn phí tất cả các thứ bệnh, học bổng từ lớp một đến hết đại học, và sau đó là quyền đặc cách khỏi phải thi vào công chức.
Tóm lại, của lễ dâng Chúa của mỗi bạn mỗi khác. Và có lẽ mỗi người chúng ta cũng thế... Thực sự Chúa Giêsu Hài Đồng có cần chúng ta trực tiếp cho Chúa của cải hay các tiện nghi vật chất không? Câu trả lời là KHÔNG. Nhưng Chúa cần chúng ta cho Chúa cách gián tiếp qua những người nghèo khổ bệnh tật neo đơn… Họ là hiện thân của Chúa Giêsu Hài Đồng.  Vì thế, khi chúng ta giúp đỡ chia sẻ với những người bé mọn là chúng ta đã làm cho chính Chúa. Đức Thánh cha Phanxicô, trong ngày mừng sinh nhật lần thứ 77, đã quyết định mời 3 người vô gia cư vào ăn trưa với mình. Một nghĩa cử đầy nhân ái làm ấm lòng những người bất hạnh. Âu đó cũng là một cách dâng lễ vật cho Chúa Hài Đồng trong Mùa Giáng sinh.
Và trên hết, thiết nghĩ có một thứ của lễ mà ai trong chúng ta, dù giàu hay nghèo cũng luôn có sẵn, có sẵn ngay lúc này đây, và đây cũng là của lễ mà Chúa Giêsu luôn chờ đợi, đó chính là con người của chúng ta với cả tội lỗi và sự yếu hèn của mình. Dâng cho Chúa để làm gì? Để cho Chúa tha thứ, chữa lành và biến đổi nên tốt đẹp hơn. Hãy dâng Chúa của lễ này.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Lễ Giáng sinh là lễ gì?
  2. Việc Chúa Giáng sinh có ảnh hưởng gì trên cuộc đời của anh chị không?
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo Xứ Cát Ngòi: Thánh lễ và đêm Hoan Ca Mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong bầu khí linh thiêng của đêm cực thánh, đêm mà nhân loại được đón chờ Ngôi Hai xuống thế làm người, như một sự an ủi, khiến con người ta tạm quên đi những lo âu thường ngày, giáo xứ Cát Ngòi đã long trọng tổ chức đêm hoan ca – diễn nguyện và Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 24.12.2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log