Thứ ba, 28/01/2025

Đồng Hành Khôi Bình Tháng 11-2017

Cập nhật lúc 22:14 03/11/2017
Lời chủ chăn tháng 11. 2017

Anh chị em thân mến trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa,
1- Từ ngày 9 đến 13 tháng 10 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam họp Hội nghị thường niên, kỳ II, tại Tòa Giám mục Thanh Hóa. Kết thúc Hội nghị, HĐGM đã gửi Thư Mục vụ (TMV) cho cộng đồng Dân Chúa, trong đó HĐGM vui mừng lượng định những hoa trái mục vụ rất đáng khích lệ theo định hướng đã đề ra cho năm 2017, là “chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân”(x. TMV, 1), và đề nghị (I) trong năm 2018 tiếp tục quan tâm đến Mục vụ gia đìnhvới điểm nhấn là đồng hành với các gia đình trẻ (x. TMV, 2)Bởi vì Mục vụ hôn nhân không chỉ dừng lại ở khóa chuẩn bị nhưng phải đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ trong những năm tiếp theo (x. TMV, 3).
HĐGM cũng hướng cộng đồng Dân Chúa tại Việt Nam tới lễ kỷ niệm 30 năm Tòa Thánh nâng 117 vị Tử đạo lên hàng hiển thánh trong năm 2018 này (TMV, 5). HĐGM nhắc lại lời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ: “Hỡi các Kitô hữu Việt Nam, chúng tôi có thể nói rằng máu Các Thánh Tử Đạo là cho anh chị em, là nguồn ân sủng để tăng trưởng đức tin. Nơi anh chị em, đức tin của cha ông chúng ta tiếp tục được thông truyền cho những thế hệ mới”. HĐGM sẽ đưa ra đề nghị (II), nhằm hướng tới một chương trình bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin, “để chúng ta ôn lại đời sống chứng nhân của các ngài, noi gương các ngài, sống tinh thần Phúc Âm trong mọi hoàn cảnh, cộng tác phần mình xây dựng một Giáo Hội vững mạnh và một xã hội công bằng và nhân ái.”
Hưởng ứng đường hướng của HĐGM trong Thư Mục vụ cho năm 2018 trên đây, chúng tôi xin được cùng với anh chị em trong đại gia đình Hưng Hóa, ngay từ tháng 11/2017 này, phác thảo kế hoạch mục vụ áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể của giáo phận nhà, cùng nhau đóng góp ý kiến nêu lên phương hướng hoạt động cho năm 2018, để kịp thời đưa ra biểu quyết trong Hội nghị Mục vụ thường niên toàn giáo phận vào dịp lễ Bổn mạng Giáo phận Hưng Hóa ngày 08/12/2017 tới đây.
2- Về đề nghị (I) đồng hành với các gia đình trẻ: HĐGM đề nghị “các linh mục và các cộng đoàn giáo xứ đóng vai trò quan trọng trong việc đồng hành này” và “ước mong các đoàn thể tông đồ quan tâm nhiều hơn đến các gia đình trẻ, có những hoạt động thích hợp để quy tụ và đồng hành với họ trong những năm đầu đời của cuộc sống hôn nhân” (TMV, 4). Để triển khai đề nghị này các thành phần dân Chúa trong giáo phận đều phải vào cuộc, mỗi người cộng tác theo chức năng nhiệm vụ của mình, trong đó các thành viên Ủy Ban Mục vụ Gia đình cấp giáo phận và cấp giáo hạt nắm vai trò chủ đạo.
- Trước hết UBMVGĐ mời gọi sự cộng tác đắc lực của UBMV Giáo Dân và các cha quản xứ để thống kê đầy đủ danh sách các gia đình trẻ mới xây dựng từ 01 đến 05 năm trong mỗi giáo xứ, phân chia nhóm theo năm kết hôn. Con số thống kê sẽ phản ánh tình trạng thực tế cho ta nắm bắt để lên kế hoạch cho sát.
- Để cổ võ việc cầu nguyện chung trong gia đình, UB Phụng Tự và UB Kinh Thánh cộng tác soạn sẵn trước một chương trình kinh nguyện tại gia phù hợp, trong đó có phút suy niệm Lời Chúa. UBPT cũng cộng tác với UBMVGĐ và phối hợp với cha xứ tổ chức những buổi tĩnh tâm cho các đôi vợ chồng trẻ, tổ chức thánh lễ nhân dịp kỷ niệm hôn phối của họ, để tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho các gia đình.
- UBMVGĐ cũng phối hợp với UB Bác Ái và Ban Hòa Giải (trong UB Công lý và Hòa Bình) tổ chức những buổi nói chuyện về đề tài cụ thể như: sinh sản và giáo dục con cái, những vấn đề thường gặp sau khi kết hôn, cách giải quyết xung đột trong gia đình.
 
- UBMVGĐ kết hợp với các Hội đoàn tông đồ để tổ chức sinh hoạt từng nhóm nhỏ các gia đình trẻ theo mô hình “cộng đoàn Giáo Hội cơ bản”, ở đó các gia đình trẻ có thể chia sẻ và nâng đỡ nhau cách cụ thể, được chia sẻ kinh nghiệm và đặc biệt là gương sáng của các đôi vợ chồng đi trước.
3- Về đề nghị (II) tổ chức kỷ niệm 30 năm lễ phong Hiển Thánh 117 vị Tử đạo Việt Nam: HĐGM hướng tới một chương trình cụ thể bao gồm cử hành, học hỏi và sống đức tin. Cử hành để tạ ơn Chúa, tôn vinh các bậc Tiền Nhân và xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội và Quê Hương; học hỏi để hiểu biết cuộc đời và ý nghĩa sự hy sinh cao cả của các ngài; sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa.”(TMV, 5).
Để thực hiện đề nghị (II) này trong giáo phận Hưng Hóa, ngay trong tháng 11 này chúng tôi mời gọi tất cả cộng đoàn tham gia một số công tác trù bị như sau:
- Giáo phận Hưng Hóa chúng ta được hồng ân và vinh hạnh là có Tòa Giám mục và Nhà thờ Chính tòa tọa lạc tại cựu Tỉnh lỵ Sơn Tây. Thời các vua triều Nguyễn, phía Nam thành cổ Sơn Tây có pháp trường Năm Mẫu nơi đã thấm máu 30 vị chứng nhân Tử Đạo, trong đó có 7 vị thuộc danh sách 117 vị đã được tuyên phong Hiển Thánh năm 1988. Giáo phận còn lưu giữ được Di tích tại chỗ các ngài bị quan quân điệu đến xử tử theo sắc chỉ triều đình. Thi hài các ngài được giáo dân giáo xứ Bách Lộc thời đó mua chuộc đem đi an táng tại nhiều giáo xứ trong giáo phận. Ngày Kỷ niệm 30 năm phong Hiển Thánh Tử Đạo là dịp chính đáng để giáo phận, với sự cộng tác tích cực của UB Xây Dựng và Nghệ Thuật Thánh, tôn tạo nâng cấp Điện Đài Di tích Thánh này và cả ở những nơi phần mộ các ngài được an táng.
- Về chương trình cử hànhUB Phụng Tự giáo phận đưa ra dự kiến cho cộng đoàn tham bàn để tổ chức mừng Đại lễ quy mô giáo phận Kỷ niệm vào chính ngày 19/6/2018 và ngày 24/11/2018, và tại tất cả các giáo xứ vào ngày Chủ Nhật kính trọng thể. Mừng Đại lễ gồm có buổi canh thức, tế tự, cuộc cung nghinh di hài hoặc di ảnh các Thánh Tử Đạo, và cao điểm là Thánh lễ. Ngoài ra tại các giáo xứ còn dâng Lễ Nhớ chính ngày mỗi vị Thánh Tử Đạo bị hành quyết, nơi nào có tôn kính phần hài cốt vị Thánh đó thì cử hành Lễ Trọng.
- Về chương trình học hỏiUB Văn Hóa giáo phận truy tầm tiểu sử, tranh tượng, hình ảnh từng vị Thánh Tử Đạo, phổ biến rộng khắp cho giáo dân được học biết, ghi nhớ và noi gương anh dũng hy sinh của các ngài.
- Về chương trình sống đức tin theo gương các Thánh Tử Đạo: Liên kết với chương trình mục vụ các gia đình trẻ, UB Mục Vụ Gia Đình, với sự cộng tác của UB Văn Hóa, tuyển lựa những tiểu sử kể lại những gương sáng tiêu biểu của các vị Thánh Tử Đạo thuộc thành phần giáo dân đã lập gia đình, lấy làm tài liệu chia sẻ trong các buổi sinh hoạt nhóm nhỏ của các gia đình trẻ. Bởi vì các Thánh Tử Đạo “là những người trước khi chết vì Đạo thì đã sống cho Đạo, đạo làm người và Đạo làm con cái Chúa”(TMV, 5).
4- Anh chị em thân mến,
Chúng tôi nguyện ước trong tháng 11 này, tháng kính nhớ các Thánh Tử Đạo Việt Nam mà cao điểm là ngày Lễ Trọng 24/11,  tất cả các Kitô hữu trong giáo phận nhà đều thao thức đón chờ lễ kỷ niệm 30 năm Tòa Thánh nâng 117 vị Tử đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, bằng  việc tích cực tham gia vào tiến trình chuẩn bị ngay từ bây giờ để cử hành ngày trọng đại đó cho xứng đáng và sinh nhiều ơn ích. Thành quả của tiến trình chuẩn bị sẽ được đúc kết và đưa ra biểu quyết khi đại diện các thành phần Dân Chúa trong toàn giáo phận hẹn gặp gỡ nhau tại Hội Nghị Mục Vụ thường niên vào ngày 08/12/2017, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Bổn Mạng giáo phận.
Nguyện xin Đức Mẹ đồng hành phù trợ gia đình Giáo phận Hưng Hóa chúng con.
Sơn Tây, ngày 28 tháng 10 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
 
 
 Lá thư Đồng hành

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Ở Việt Nam ngày nay người ta có câu, “Tiền là tiên là phật; Là sức bật lò xo; Là thước đo lòng người; Là nụ cười tuổi trẻ; Là sức khỏe tuổi già; Là cái đà danh vọng; Là cái lọng che thân; Là cán cân công lý; Tiền vô thì hết ý.” Câu nói này phản ảnh một xã hội đề cao vật chất nhiều hơn là giá trị tinh thần. Còn ở nước ngoài người ta lại có câu nói, “Tiền mua được cuốn sách nhưng không mua được trí óc; mua được đồ trang sức nhưng không mua được sự xinh đẹp; mua được căn nhà nhưng không mua được mái ấm; mua được thuốc thang nhưng không mua được sức khỏe; mua được đồ xa hoa nhưng không mua được văn hóa; mua được mọi thú tiêu khiển nhưng không mua được hạnh phúc; mua được tôn giáo nhưng không mua được ơn cứu độ; mua được giấy thông hành đi bất cứ đâu nhưng không mua được thiên đường.” Câu này phản ảnh một xã hội chịu ảnh hưởng của văn minh Kitô giáo, nó cho thấy ngoài những giá trị vật chất còn có giá trị tinh thần.
Sống trong xã hội không ai là không cần tiền, nhưng một người khôn ngoan thì phải biết lựa chọn và thi hành điều gì có lợi hơn.
Tất cả những gì chúng ta có, như tài năng, bằng cấp, sức khỏe, tiền của, v.v., đều do Chúa ban để chúng ta sống hạnh phúc. Chúa không cấm chúng ta hưởng dụng các tiện nghi, các vui thú ở đời này, nhưng Chúa muốn chúng ta hãy nghĩ đến một ngày nào đó, khi phải từ giã cuộc đời này, không còn những của cải vật chất ấy nữa, thì số phận chúng ta sẽ ra sao? Alexander Đại Đế là một ông vua thời Cổ Hy Lạp. Năm ba mươi tuổi, sau những chiến thắng lẫy lừng từ Á Châu đến bắc Phi Châu, ông đã lập được một đế quốc rộng nhất thế giới, trải dài từ nước Hy Lạp cho đến bắc Ân Độ. Người ta nói rằng, trước khi chết ông đã sai làm cỗ quan tài có hai cái lỗ ở hai bên hông. Các lỗ hổng đó là để hai bàn tay của ông thò ra ngoài, như thế là để mọi người thấy rằng, khi chết đi người ta chẳng đem theo được gì sang thế giới bên kia! Đó là một sự thật mà nhiều khi chúng ta không muốn đối diện. Chúng ta không muốn đến nhà quàn để thấy người chết mà một ngày nào đó chính chúng ta cũng chỉ là một thi hài bất động khi bước qua ngưỡng cửa sự chết.
Nhưng người theo Chúa Kitô thì không tuyệt vọng như Alexander Đại Đế hay những người không tin vào Chúa Kitô. Trong Tin mừng, Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng: của cải, vật chất thì không theo chúng ta sang thế giới bên kia, nhưng những hành động bác ái mà chúng ta đã thi hành khi còn sống thì có giá trị trước mặt Chúa. “Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của tạm bợ mà giúp đỡ người khác, để khi hết tiền hết bạc, anh em sẽ được đón vào nơi vĩnh cửu” (Lc 16,9).
Tiền của là những gì nay còn mai mất, nhưng nếu chúng ta biết sử dụng những gì tạm bợ ấy để đổi lấy đời sống vĩnh cửu thì đó là sự khôn ngoan, là điều Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta …
Trích từ “Mua Nước Trời bằng việc bác ái” Pt. Nhật
 
I. CHIASẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN N
Kn 6, 12-16; 1Tx 4, 13-18; Mt 25, 1-13
 
Chúng ta đang sống vào những tuần cuối cùng của năm phụng vụ, vì thế các bài Tin mừng của những Chủ nhật cuối năm, cụ thể như bài Tin mừng hôm nay, đều hướng chúng ta về thời gian tận cùng, về cái chết. Khi nào, lúc nào sự kiện đó xảy đến? Không ai biết trước, cho nên, chúng ta phải khôn ngoan tính toán, để luôn luôn sẵn sàng. Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta qua dụ ngôn 10 cô trinh nữ phù dâu cầm đèn đi đón chàng rể mà chúng ta được nghe trong bài Tin mừng.
Trước hết, chúng ta nên biết qua tục lệ của người Do Thái về vấn đề rước dâu. Tục lệ Do Thái thường rước dâu về ban đêm, trước khi rước dâu, hai họ đôi bên đã có những bữa tiệc linh đình khoản đãi bà con họ hàng.
Rồi một ngày nào đó, bên nhà trai chọn một giờ tốt nhất từ sau khi hoàng hôn xuống, để đến rước cô dâu về. Khi đi rước, họ thường chọn con đường xa nhất để đi cho người ta biết mặt cô dâu, chú rể, và người ta có thể chúc mừng đôi tân hôn ngay trên đường đi. Nhóm phù rể mang đuốc soi đường, nhóm phù dâu cầm đèn soi mặt đôi tân hôn cho thêm lộng lẫy. Có khi có ban nhạc đi theo giúp vui ca hát lôi kéo sự chú ý của nhiều người. Tới nhà trai, mọi người vào dự tiệc cưới.
Trong dụ ngôn hôm nay, đặc biệt nhấn mạnh đến những cô phù dâu, đó là 10 cô trinh nữ, đang cùng với cô dâu chờ nhà trai đến rước dâu về. Có 05 cô khôn và 05 cô dại. Chúng ta nên nhớ, đây chỉ là một dụ ngôn mà thôi, chứ làm gì lại có những cô phù dâu khờ dại đến thế: quần áo chỉnh tề và trang sức lộng lẫy, mà lại quên đổ dầu vào đèn, nhất là đang lúc vui vẻ như vậy mà lại ngủ mệt làm sao được? Và giả như không có dầu thì đi chung dưới ánh sáng của những cô bạn khác, chứ ai lại khờ đến nỗi lúc đó còn đi mua dầu?
Cũng thế, làm gì có chuyện nhà trai chậm trễ đến nỗi mãi nửa đêm mới tới? Và khi tới chẳng lẽ không có tiếng kèn, tiếng hát, tiếng nói chuyện để làm cho nhà gái biết đã đến hay sao mà lại phải có tiếng kêu: “Kìa chàng rể đến, hãy ra đón”, rồi khi đã vào phòng tiệc, cần gì phải đóng cửa, và chú rể tỏ ra quá khắc nghiệt đối với các cô phù dâu đi mua dầu đến muộn? Xin nhớ, đây chỉ là một dụ ngôn, chứ không có đám cưới nào hay đám rước dâu nào như thế. Dụ ngôn dựa vào tục lệ cưới xin để diễn tả một chân lý hay để dạy một điều gì đó.
Thực vậy, ở đây Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh quen thụôc về việc cưới xin của quê hương Ngài để dạy cho chúng ta một bài học là phải luôn sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến. Trong một đám cưới, nhân vật chính là cô dâu và chú rể, nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại đặt trọng tâm về phía các cô phù dâu, bởi vì chàng rể ở đây là Chúa Giêsu, 10 trinh nữ phù dâu là toàn thể nhân loại.
Dụ ngôn này trước hết nói đến tất cả mọi người phải sẵn sàng chờ đón ngày chung cục của thế giới, ngày cánh chung, ngày tận thế, ngày Chúa tái giáng để phán xét toàn thể nhân loại. Ngày nào Chúa trở lại thì không ai biết được, chỉ cần biết rằng ngày đó rất bất ngờ. Đàng khác, dụ ngôn này cũng muốn nhắc tới ngày tận số, ngày chết của mỗi người, ngày ấy cũng rất bất ngờ, không ai biết trước được. Đời con người đã ngắn ngủi, lại có thể chết bất cứ lúc nào, cho nên, đòi hỏi mỗi người phải cẩn thận và sẵn sàng.
Nói rõ hơn, Kinh Thánh và giáo lý dạy cho chúng ta biết: Mỗi người đều có hai kiếp phải sống và được sống; một đời sống tạm bợ và một đời sống vĩnh cửu, một đời sống hiện tại và một đời sống tương lai, một đời sống hành hương và một đời sống quê thật, một đời sống trần gian và một đời sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ kiếp sống này qua kiếp sống kia, mỗi người phải qua sự chết một lần, đó là điều tất nhiên, vì kiếp sống tạm bợ ở trần gian chỉ diễn ra duy nhất một lần. Sự chết đến với mỗi người được Kinh Thánh gọi là giờ Chúa đến, và giờ Chúa đến này xảy ra bất ngờ, bí mật, trừ một vài trường hợp họa hiếm được Chúa cho biết trước ngày giờ chết, còn hầu hết đều không hay biết gì cả. Thiên Chúa muốn giữ bí mật như vậy để chúng ta luôn sẵn sàng, và do đó cố gắng sống tốt lành, thánh thiện.
Dụ ngôn cho chúng ta thấy trong 10 cô phù dâu, có 05 cô khôn và 05 cô dại. Đó là hình ảnh  tượng trưng cho hai nhóm tín hữu khác nhau: Một nhóm những người khôn ngoan và một nhóm những người dại. Khôn hay dại là căn cứ vào cách sống của họ có biết sẵn sàng hay không? Có sự nghiệp đức tin và công phúc hay không? 05 cô phù dâu bị gọi là dại, vì đã không chuẩn bị đủ dầu, đến giờ chót đi vay mượn và bị từ chối, nghĩa là ơn cứu độ của mỗi người là tự mình sắm sửa lấy cho mình. Mỗi người phải có sự nghiệp đức tin riêng, sự cứu rỗi là của riêng mỗi người, không vay mượn được.
Chúng ta không thể nhường lại cho ai khác và cũng không ai nhường lại cho chúng ta được. Đàng khác, chúng ta cũng đừng cho rằng: Chỉ cần sắm sửa một ít dầu vào phút chót là được. Trái lại, phải sắm sửa cả đời và suốt đời, sự nghiệp đức tin phải sắm sửa hằng ngày cho đến chết, vì không ai biết mình chết khi nào. Chúng ta đừng bao giờ nghĩ mình còn lâu mới chết: mình còn trẻ, mình khỏe mạnh, còn lâu mới chết, vì không thiếu gì trường hợp:
“Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời.”
Chẳng hạn trong vụ sạt lở núi vào lúc 1h sáng, ngày 12/10/2017 vừa qua làm 18 người thiệt mạng tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân lạc, tỉnh Hoà Bình; thử hỏi rằng: 18 nạn nhân ấy có biết hôm ấy là ngày cuối cùng của mình không? Quả thực, không ai biết trước về ngày giờ chết của mình, không ai phỏng định được tuổi nào mình sẽ từ biệt cõi đời, đó là quyền phép trong tay Chúa. Vì thế, Chúa bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng.
Chúng ta hãy nhớ: Đời sống hiện nay, tuy là tạm bợ, nhưng sẽ quyết định đời sống mai sau của chúng ta. Chúng ta phải sống thế nào để đem lại cho mình hạnh phúc ở đời này và cả hạnh phúc đời sau nữa.
“Thiên đàng hỏa ngục hai quê,
Ai khôn thì về ai dại thì xa.”
Được bao nhiêu người khôn biết tìm về quê thật để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu? Đồng thời cũng biết bao người dại đến nỗi phải sa hỏa ngục trầm luân muôn đời? Khôn hay dại là tùy thuộc vào tự do chọn lựa của mỗi người trong chúng ta.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Dụ ngôn 10 cô trinh nữ có ý nghĩa gì?
  2. Anh chị đã chuẩn bị thế nào để được vào dự tiệc Nước Trời?
  3. Chúa đến bất ngờ. Điều này dạy chúng ta phải làm gì để sẵn sàng đón Chúa ?
II. TÌM HIỂU TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TÌNH YÊU
Dự vào Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia) và những gợi ý Mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong năm 2017, trong tháng 11 này xin anh chị em cùng chia sẻ về chủ đề: Củng cố việc giáo dục con cái.
Chương bảy Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu dành riêng để nói đến việc giáo dục con cái: huấn luyện về đạo đức, việc sửa phạt có giá trị khuyến khích, thực tiễn trong kiên nhẫn, giáo dục giới tính, truyền thụ đức tin và đời sống gia đình như một khung cảnh giáo dục. Ở đây, chúng ta giới hạn vào đề mục việc thông truyền đức tin trong việc giáo dục con cái. 
Chúng ta có sợ không biết làm thế nào để truyền đạt đức tin cho con cái của chúng ta phải không? Bởi vì: “Giáo dục con cái phải đi qua một hành trình thông truyền đức tin, một việc trở nên khó khăn do lối sống hiện tại, giờ giấc làm việc, tính phức tạp của thế giới ngày nay, trong đó nhiều người, để tồn tại, phải chịu một nhịp độ điên cuồng” (NVTM 287). Thật vậy, nhiệm vụ thật khó khăn khi chúng ta không có thời giờ thuận tiện, khi phải sống trong thời đại kỹ thuật số, thời đại của chủ nghĩa cá nhân của xã hội hôm nay…. Nhưng chỉ còn có một thúc bách ít nhất là khi chúng ta thấy rằng việc thông truyền đức tin là trách nhiệm của chúng ta. Và chúng ta là những bậc làm cha làm mẹ, trong một thời gian dài, chúng ta có thể hối tiếc vì chúng ta đã không thông truyền đức tin cho con cái. Hoặc chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã làm tốt mọi thứ, nhưng không có kết quả xác thực; và từ đó những đứa trẻ được giao phó cho chúng ta đã bỏ rơi những gì yêu quý nhất đối với chúng ta, đó là đức tin. Lúc đó chính chúng ta mới là người có lỗi và hối tiếc. 
Chúa Giêsu đã chọn mười hai Tông đồ và ngày qua ngày trong mối quan hệ mật thiết đặc biệt, Chúa Giêsu ban cho họ những chìa khóa Nước Trời. Người mạc khải cho họ những mầu nhiệm tình yêu của Chúa Cha, dạy họ cầu nguyện và tha thứ, giải thích các dụ ngôn cho họ, cho họ thấy ý nghĩa của các dấu hiệu mà họ không nắm bắt, đề cập đến những bất cập của họ khi họ chiến đấu, củng cố họ trong đức tin khi họ nghi ngờ … thế mà họ cũng có khuyết điểm trong vườn Cây Dầu! 
Cho nên, theo gương Chúa Giêsu, trong môi trường gia đình, bắt đầu với Bí tích Thánh tẩy, cha mẹ phải chủ động trong vấn đề này là đưa con cái mình đến nhận Bí tích. Từ đó, việc đầu tiên cha mẹ phải làm là truyền tải nội dung của các chân lý của đức tin một cách chân thật và với đức tin, dạy con con cháu mình “những lý lẽ và vẻ đẹp của đức tin, để cầu nguyện và phục vụ tha nhân” (NVTM 287). Kế đến, cha mẹ nuôi con cái của mình bằng sữa đức tin. Sữa đức tin đó được thể hiện qua việc rèn luyện đời sống Kitô hữu: Thực hành việc đạo đức bình dân, tham dự các Bí tích, hướng dẫn chúng sống Lời Chúa, kính mến Chúa, sống bác ái với anh chị em…. Muốn được như thế, chính cha mẹ phải “thực sự sống kinh nghiệm đức tin, tin tưởng vào Chúa, tìm kiếm Ngài, cần đến Ngài, bởi lẽ chỉ bằng cách này đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa, và truyền tụng những chiến công của Ngài” (NVTM 287).
Thông truyền đức tin cho con cái cũng là một phương thế để chúng có thể thành những nhà Loan báo Tin mừng. Loan báo Tin mừng bằng nhiều cách khác nhau: “sự liên đới với những người nghèo, sự đón nhận những con người khác biệt, việc bảo vệ thiên nhiên, sự liên đới tinh thần và vật chất với các gia đình khác, nhất là với những gia đình túng quẫn nhất, việc dấn thân cho sự thăng tiến công ích ngay cả qua việc làm thay đổi những cơ cấu xã hội bất công” (NVTM 290). Nhờ đó mà Danh Chúa được nhiều người biết đến, nhờ đó mà Nước Chúa được phát triển và nhờ đó mà nhiều người được cứu rỗi. Và đặc biệt nên nhớ, khi giáo dục con cái về đức tin, cha mẹ cũng “không quá áp đặt chúng nhưng đề nghị trong sự tự do” (NVTM 288), bởi vì đàng nào con cái mình cũng khôn lớn, hướng dẫn chúng chọn lựa điều thiện điều tốt để chúng trưởng thành hơn, để chúng trở thành con cái Thiên Chúa đúng nghĩa.
Trên đây là những điểm chính và vắn tắt về việc củng cố việc giáo dục con cái. Cầu xin Chúa ban ơn giúp sức cho tất cả các gia đình Kitô giáo chúng ta trong việc giáo dục đức tin cho con cái. Môi trường gia đình là môi trường thuận lợi nhất trong việc làm này để nhờ đó con cái mình trở thành những Kitô hữu tốt, Kitô hữu gương mẫu và có thể Loan báo Tin mừng. 
 
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log