Lời chủ chăn tháng 6. 2017
Anh chị em thân mến trong đại gia đình giáo phận Hưng Hóa,
Chúng ta bước sang tháng 6, tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu theo truyền thống lâu đời của Hội Thánh. Lời mở đầu tháng 6 trong Lịch Công Giáo năm 2017 của Giáo phận nhà nhắc nhở chúng ta: việc kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là kính
Lòng Thương Xót cứu độ của Thiên Chúa biểu lộ nơi con người Đức Giêsu, nhất là qua cái chết trên Thánh Giá vì tội lỗi loài người. Thánh Tâm đã bị đâm thâu là hình ảnh rõ rệt nhất, là tiếng nói mạnh mẽ nhất, là bằng chứng không thể chối cãi về Tình Thương lạ lùng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Trong tháng này, chúng tôi xin gợi ý về lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa sao cho phù hợp với bối cảnh
năm 2017, là năm thực thi tinh thần
Tông thư hậu Năm Thánh Lòng Thương Xót của Đức Thánh Cha Phanxicô, Năm Thánh kỷ niệm
100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, và cũng là năm trong chương trình xúc tiến
mục vụ hôn nhân và gia đình của Giáo Hội Việt Nam.
1. Trước hết, tháng kính Thánh Tâm Chúa là tháng kính Lòng Thương Xót của Chúa. Thật là thích hợp khi chúng ta đào sâu và thực thi
Tông Thư hậu Năm Thánh Lòng Thương Xót của Ðức Thánh Cha Phanxicô, mang tựa đề "Misericordia et misera:
lòng thương xót và sự khốn khổ", được ban hành ngay sau thánh lễ bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, Chúa nhật 20 tháng 11
năm 2016. Trong Tông thư Đức Thánh Cha mời gọi Giáo Hội
tiếp tục sống và thực hành tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Ngài đề cao tầm quan trọng của lòng thương xót và phác họa những lãnh vực cần đặc biệt thực thi lòng thương xót này. Ðức Thánh Cha cũng đưa ra những quyết định cụ thể, như ban năng quyền cho tất cả các Linh Mục được giải tội và vạ phá thai, cũng như các thừa sai lòng thương xót sẽ tiếp tục sứ mạng đã nhận lãnh trong Năm Thánh v.v…
Ðức Thánh Cha viết: "
Giờ đây, Năm Thánh đã kết thúc, đây là lúc nhìn về đằng trước và hiểu xem làm thế nào để tiếp tục cảm nghiệm sự phong phú của lòng Chúa thương xót, trong niềm trung thành và hăng say. Các cộng đoàn của chúng ta có thể tiếp tục sinh động và năng nổ trong công trình tái truyền giảng Tin Mừng tùy theo mức độ "sự hoán cải mục vụ" mà chúng ta được kêu gọi sống thực, được uốn nắn hằng ngày thế nào nhờ sức mạnh đổi mới của lòng thương xót. Chúng ta đừng giới hạn hoạt động của lòng thương xót; đừng làm cho Thánh Linh sầu muộn, Ðấng luôn chỉ dẫn những con đường mới phải theo để mang Tin Mừng cứu độ cho tất cả mọi người.”
Ðức Thánh Cha lần lượt nhắc đến các lãnh vực mà Hội Thánh có thể cử hành và thực thi lòng thương xót: Trước tiên trong việc
cử hành Thánh Thể, trong đó bài giảng có một tầm quan trọng đặc biệt. Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng và
chăm sóc bài giảng. Ngài viết: "
Bài giảng càng mang lại thành quả, nếu linh mục càng cảm nghiệm nơi mình lòng thương xót của Chúa... Vì thế, sống lòng thương xót chính là con đường tốt nhất để biến lòng thương xót thành một lời loan báo đích thực về sự an ủi và hoán cải trong đời sống mục vụ. Tiếp đến là Kinh Thánh, là một trình thuật dài về những kỳ công của lòng Chúa thương xót. Mỗi trang Kinh thánh mang dấu vết tình thương của Chúa Cha, Ðấng đã muốn ghi những dấu chỉ tình thương của ngài vào vũ trụ ngay từ khi mới tạo dựng. Ði kèm với Kinh Thánh là lectio divina, đọc và nguyện gẫm Lời Chúa về những đề tài lòng thương xót, nhất thiết đưa tới những cử chỉ và hành động bác ái cụ thể" (s.8). Ðức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục chuẩn bị kỹ lưỡng
sứ vụ giải tội và ngài khẳng định rằng "
Bí tích hòa giải cần tìm lại được chỗ đứng trung tâm trong đời sống Kitô, vì thế tôi xin các linh mục hãy dành cuộc sống của mình để phục vụ sứ vụ hòa giải (2Cr 5,18)…” (s.11). Ngài yêu cầu các linh mục “
niềm nở đón tiếp mọi người, làm chứng về sự dịu dàng của Chúa Cha, dù tội của hối nhân có nặng nề đến đâu đi nữa; ân cần mau mắn giúp đỡ hối nhân suy nghĩ về sự ác đã phạm; minh bạch trong việc trình bày các nguyên tắc luân lý; sẵn sàng đồng hành với tín hữu trong hành trình thống hối, kiên nhẫn với họ, sáng suốt trong việc phân định mỗi trường hợp; quảng đại trong việc ban ơn tha thứ của Thiên Chúa.”
Với toàn thể cộng đoàn Dân Chúa, Ðức Thánh Cha yêu cầu tiếp tục xúc tiến các công cuộc bác ái, Ngài viết: "
Cửa Thánh mà chúng ta đã bước qua trong Năm Thánh làm cho chúng ta được tiến sâu vào con đường bác ái mà chúng ta được mời gọi tiến bước mỗi ngày trong niềm trung thành và vui tươi. Ðó là con đường thương xót, giúp gặp gỡ bao nhiêu anh chị em đang giơ tay để ai đó có thể cầm lấy và đồng hành" (s.17). Ngài khuyến khích các sáng kiến từ bi bác ái trong các lãnh vực khác nhau, giúp đỡ những người đói khát, các trẻ em, những người di dân tìm kiếm lương thực, công ăn việc làm, nhà cửa và hòa bình, các bệnh nhân dưới nhiều hình thức, các tù nhân, những người mù chữ, những người đang chịu những hình thức nô lệ mới. "
Tóm lại, những công việc từ bi thương xót về thể lý và tinh thần cho đến nay vẫn là điều kiểm chứng ảnh hưởng tích cực và lớn lao của lòng thương xót, như một giá trị xã hội. Nó thúc đẩy xắn tay áo làm việc để trả lại phẩm giá cho hằng triệu người anh chị em chúng ta" (s.18). Đó chính là sùng kính Thánh Tâm và quảng bá Lòng Thương Thương Xót Chúa bằng hành động.
2. Năm 2017 này cũng là Năm Thánh kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Đức Thánh Cha Phanxicô đã hành hương tới Fatima cử hành Thánh Lễ khai mạc Năm Thánh vào ngày 13/5/2017. Trong bài giảng lễ, Ngài
gắn kết nội dung sứ điệp của Đức Mẹ tại Fatima với sứ điệp Lòng Thương Xót. Ngài nhắc nhở khách hành hương đến Fatima không phải vì mục đích vụ lợi phù phiếm xin ơn cho cá nhân mình, nhưng hãy để tâm suy gẫm và học tập gương sáng của Đức Mẹ và hai Thánh trẻ Phanxicô và Jacinta mà sống Đức Tin chân chính và sống Tin Mừng Lòng Thương Xót. Ngài nói: “
Hành hương đến với Ðức Mẹ. Nhưng Ðức Mẹ nào? Một người Mẹ "có phúc vì đã tin" Lời Thiên Chúa, mọi nơi mọi lúc (x. Lc 1, 42. 45) hay đến với một "bức tượng thạch cao" để xin thật nhiều ơn huệ mà chỉ mất thật ít chi phí? Đến với Trinh Nữ Maria của Tin Mừng, được Hội Thánh tôn kính trong kinh nguyện, hay đến với một Maria do ta tạo ra; như là một người ngăn tay công thẳng của một Thiên Chúa ưa trả thù; như là một người mẹ dịu hiền hơn cả thẩm phán Giêsu không thương xót; một người thương xót hơn cả Chiên Con chịu chết vì chúng ta? Ta đã hết sức bất công đối với ơn Thiên Chúa mỗi khi ta nói rằng tội lỗi bị sự phán xét của Ngài trừng phạt, mà trước hết không nói, như Tin Mừng dạy ta, rằng tội lỗi được lòng thương xót của Ngài tha thứ! Lòng thương xót phải được đặt trước sự phán xét và, trong bất cứ trường hợp nào, sự phán xét của Thiên Chúa cũng luôn được đưa ra dưới ánh sáng lòng thương xót của Ngài. Tôi xin phó thác anh chị em cho Chúa Giêsu, "nhất là những người cần Chúa thương xót hơn" như Ðức Mẹ dạy chúng ta cầu nguyện. Xin Mẹ là Mẹ yêu thương và hằng chăm sóc những người thiếu thốn, cầu bầu để Chúa ban phúc lành cho họ! Xin phúc lành của Chúa, nhập thể trong Chúa Giêsu Kitô, xuống trên mỗi người thiếu thốn và bị cướp mất hiện tại, xuống trên mỗi người bị loại trừ và bỏ rơi, bị cướp mất tương lai, xuống trên mỗi trẻ mồ côi và nạn nhân của bất công, bị chối bỏ quá khứ.” Thực thi sứ điệp của Mẹ Fatima, chúng ta phải nhìn nhận mình ở trong hàng ngũ tội nhân, và ăn năn đền bồi tội lỗi của mình trước, để cảm nghiệm niềm vui được Lòng Chúa Thương Xót mình đã, sau đó mới thao thức chia sẻ lòng thương xót cho tha nhân. Ta hãy sốt sắng lần hạt Mân côi với ý nguyện theo lời kinh Đức Mẹ mạc khải cho 3 trẻ tại Fatima:
“Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đưa hết mọi linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn”. Như vậy, nhìn lên Mẹ là mẫu gương truyền bá Tin Mừng (x.
Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 288), và cùng hành động với Mẹ, “
mỗi người chúng ta trở thành một dấu chỉ và bí tích của lòng Chúa thương xót, Ðấng luôn tha thứ và tha thứ mọi sự”. Đó mới là lòng tôn sùng Mẫu Tâm đích thực.
3. Sau cùng, năm 2017 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi chúng ta xúc tiến mục vụ hôn nhân và gia đình. Về lãnh vực này, Tông thư hậu Năm Thánh Lòng Thương Xót của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng soi sáng cho chúng ta một số điều cần thực thi Lòng Thương Xót. Ngài kêu gọi
quan tâm giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn. Đó là các gia đình mắc ngăn trở, hôn nhân bất hợp pháp, ly thân, ly dị tái hôn, cha hoặc mẹ đơn thân, v.v… Ngài mời gọi "
hãy nhìn tất cả những khó khăn của con người với thái độ của tình yêu Thiên Chúa, Ðấng không mệt mỏi trong việc tiếp đón và đồng hành." Ngài xin các linh mục "
quan tâm phân định sâu xa và sáng suốt, để tất cả mọi người, bất kỳ ai, dù sống trong hoàn cảnh nào, cũng có thể cảm thấy được Thiên Chúa đón tiếp cụ thể, tích cực tham gia vào đời sống cộng đoàn và tháp nhập vào Dân Chúa" (s.15).
Một trong những tai họa ngày nay đang tác hại khủng khiếp cho hạnh phúc hôn nhân gia đình và làm cho nhiều người mất sự bằng an trong tâm hồn, đó là nạn phá thai.
Trong Tông thư hậu Năm Thánh Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố:
"Để không có chướng ngại nào ngăn chặn giữa yêu cầu được hòa giải và sự tha thứ của Chúa, từ nay trở đi tôi ban cho tất cả các linh mục, do sứ vụ của mình, được năng quyền giải tội và tha vạ cho những người đã phạm tội phá thai. Ðiều mà tôi đã ban trước đây trong Năm Thánh, nay được nới rộng trong thời gian, bất chấp điều gì trái ngược. Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định rằng phá thai là một tội trọng, vì nó chấm dứt một sinh mạng vô tội. Tôi cũng có thể và phải mạnh mẽ khẳng định rằng không có tội nào mà lòng thương xót của Thiên Chúa không thể đi tới và tiêu hủy khi Ngài tìm thấy một con tim thống hối xin được hòa giải với Chúa Cha. Vì thế, mỗi linh mục hãy làm người hướng dẫn, nâng đỡ và an ủi trong việc đồng hành với các hối nhân trong hành trình hòa giải đặc biệt này.’ Anh chị em thân mến,
Chúng tôi cùng với anh chị em cầu xin Chúa, nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Fatima, ban cho tháng 6 kính Thánh Tâm Chúa năm nay trở thành thời gian cao điểm sống Tin Mừng Lòng Thương Xót, mỗi người cảm nghiệm tràn đầy niềm vui trong tâm hồn vì được Chúa xót thương, và hân hoan chia sẻ lòng thương xót cho mọi người.
Để kết thúc bài chia sẻ với anh chị em, chúng tôi xin mượn lời Đức Thánh Cha Phanxicô cầu chúc trong bài giảng cho tín hữu hành hương tại Fatima: “
Tay trong tay với Trinh Nữ Maria, và dưới ánh mắt chăm sóc của Mẹ, ước chi chúng ta đến để hân hoan ca hát lòng thương xót của Chúa, và reo lên: "Lạy Chúa, linh hồn con ca ngợi Chúa! Vì lòng thương xót Chúa đã tỏ cùng mọi đấng thánh và mọi tín hữu, nay Chúa cũng tỏ cùng con.”