Thứ sáu, 22/11/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 11 - 2016

Cập nhật lúc 15:39 28/10/2016

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Cha ông chúng ta thường nói: “nghĩa tử là nghĩa tận.” Đối diện với việc ra đi của một người quen biết, chúng ta thường bày tỏ những việc làm đáng khích lệ: chia buồn với tang gia, thắp ném nhang từ biệt và cầu nguyện trước linh cữu của người đã khuất, rồi đưa tiễn người quá cố đến nơi an táng. Như vậy, nếu hiểu “nghĩa tử là nghĩa tận” là những nghĩa cử tốt đẹp phải làm đến tận cùng cho người đã khuất, thì đối với người Kitô hữu, cái “nghĩa tận” ấy không chỉ dừng lại khi đưa người quá cố đến nơi an táng là xong. Trái lại, nghĩa cử ấy bắt đầu mở ra một sự hiệp thông mới. Sự hiệp thông ấy được thể hiện một cách đặc biệt trong tháng 11 này.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1032 đã viết: “Ngay từ những thời đầu, Hội thánh vẫn kính nhớ người quá cố và dâng lễ cầu nguyện cho họ, nhất là Hy Lễ Thánh Thể, để một khi đã được thanh luyện, họ có thể được vinh phúc hưởng kiến Thiên Chúa. Hội thánh cũng khuyên làm việc bố thí, hưởng các ân xá và làm các việc đền tạ để cầu cho những người đã qua đời.”
Việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời hàm chứa những bài học quan trọng cho đời sống đức tin của chúng ta. Trước hết là ý thức về sự chết và chân trời vĩnh cửu sau cái chết: “Mỗi người, ngay sau khi chết, lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình sự trả công muôn đời cho mình trong một cuộc phán xét riêng, cuộc phán xét đó qui chiếu đời sống họ với Đức Kitô để hoặc họ phải trải qua việc thanh luyện, hoặc họ lập tức được vào hưởng vinh phúc trên trời hoặc họ lập tức bị luận phạt muôn đời” (SGLHTCG. 1022). Vì thế, khi nhắc chúng ta nhớ đến những người đã qua đời, tháng Các Đẳng Linh Hồn cũng thúc đẩy chúng ta sống cuộc sống hiện tại cách tốt lành, để được hưởng sự sống hạnh phúc bên Thiên Chúa sau khi chết.
Ngoài ra, việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời còn làm sáng lên mầu nhiệm hiệp thông các thánh: “Vì vậy, sự kết hợp giữa những người còn đi đường với các anh em  đã yên nghỉ trong bình an của Đức Kitô không hề bị gián đoạn, mà trái lại, theo đức tin trường tồn của Hội thánh, sự hợp nhất đó còn được tăng cường bằng việc truyền thông cho nhau những lợi ích thiêng liêng” (SGLHTCG. 955). Vì thế, thánh Gioan Kim Khẩu kêu gọi: “Nếu hy lễ của ông Gióp đã đền được tội cho các con ông, tại sao bạn lại hồ nghi là liệu những hy lễ của chúng ta dâng lên để cầu nguyện cho người quá cố có đem đến cho họ một an ủi nào không? Chúng ta đừng ngần ngại giúp đỡ những người đã qua đời và dâng lời cầu nguyện cho họ.”
Chúng ta mong các đẳng linh hồn phù hộ cho chúng ta, còn chúng ta có nhớ đến họ và dâng những hy sinh, việc bác ái, Thánh lễ, để cầu nguyện cho họ không? Và khi đến lượt bạn giã từ trần thế, chúng ta có mong những người còn sống nhớ đến và cầu nguyện cho chúng ta không?
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
 
I.  CHIA SẺ LỜI CHÚA: LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Kh 7, 2 - 4. 9 - 14; 1Ga 3, 1-3; Mt 5, 1-12a
Sứ điệp và sống Tin mừng:
Trong Tin mừng Thánh Mátthêu, đây là lần đầu tiên Chúa Giêsu lên tiếng giảng dạy trước đám đông dân chúng. Nhưng cũng chính trong lần đầu tiên này, Ngài đã trao cho dân chúng một sứ điệp: TIN MỪNG HẠNH PHÚC.
1. Có thể qui “tám đức tính trong bát phúc” về một đức tính căn bản là “tâm hồn nghèo.” Người có tâm hồn nghèo là người:  Tiêu cực là không màng gì đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi thú trần gian, ăn thua hơn thiệt với đời … nói cách khác là không màng đến một nước trần gian. Tích cực là chỉ ước ao sống theo Thánh ý của Thiên Chúa nhờ đó được hưởng những ơn lành của Thiên Chúa, nói cách khác là sống trong Nước Trời.
2. Các Thánh đã nên thánh không phải vì biết nói tiên tri hay làm phép lạ. Các Ngài có làm gì lạ đâu! Các Ngài chỉ biết chu toàn bổn phận trong một thái độ liên lỉ đổi mới và dứt khoát chọn Chúa.
3. Ai có bổn phận phải nên Thánh? Thưa, tất cả mọi người và không có luật trừ, vì chính Chúa đã mời gọi tất cả phải nên thánh. “… hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (1Pr 1, 16).
4. Anh chị cảm thấy mình yếu đuối ư? Ngay cả các Thánh cũng thếanh chị ạ! Nhưng vì biết mình yếu đuối, các Ngài đã chỉ biết dựa vào ơn Chúa và cố gắng hết sức mình. Và thế là các Ngài đã là Thánh đấy …
5. Hạnh phúc là gì? Xét cho cùng, hạnh phúc là được sống đúng với bản chất của mình: Con chim ở trong lồng son chắc chắn nó không hạnh phúc, nó chỉ có hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất của con người là gì? Bản chất của con người là được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong đất nước Thiên Chúa.
 
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị đang “nghèo” ở mức độ nào?
  2. Bao giờ thì anh chị bắt đầu nên thánh?
  3. Anh chị đã sống đúng bản chất người của mình chưa? Và hiện nay anh chị đang sống trong Nước Thiên Chúa hay nước trần gian?
II. NHÂN THÁNG CÁC LINH HỒN
Thế nào là cuộc đời thành tựu?
Những câu hỏi hệ trọng
Nhờ khoa hoc kỹ thuật, con người hiện đại được cung cấp dồi dào những phương tiện tối tân đề làm việc và những tiện nghi đủ loại để thụ hưởng. Dĩ nhiên, chưa phải mọi người hay mọi nhóm người đều đã  được như thế, nhưng đó vẫn là điều mà chung chung ai cũng hướng tới và hy vọng sẽ đạt được. Những khám phá kỳ diệu của khoa học kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống và cả cách suy nghĩ của con người hiện đại một cách sâu xa. Bây giờ, một cách chung, trong các nước phát triển và cả trong những nước đang phát triển, người ta xa dần với những bận tâm tâm linh, tôn giáo hay những bận tâm về ý nghĩa cao cả của cuộc đời. Cuộc sống thực tế, cuộc sống vật chất hiện có hoặc những gì cuộc sống ấy đang hứa hẹn -một thiên đàng ở trần gian - đã đủ cho họ rồi. Ngoài ra, con người hiện đại có ý thức mãnh liệt về tài năng, về quyền lực của mình. Họ cảm nghĩ rằng mình muốn gì cũng được, làm gì cũng được, - chưa được bây giờ thì sẽ được trong một tương lai gần hay xa. Không ít người tưởng mình là “ông Trời”, không còn ai trên mình nữa, không phải “chịu lụy” ai nữa.
Nhưng thực tế cho thấy con người bao giờ cũng chỉ là con người mà thôi. Họ vẫn mong manh trước thiên nhiên; những trận thiên tai như động đất, sóng thần, bão lụt không hề giảm mà trái lại còn xảy ra nhiều hơn, tàn bạo hơn, một phần do chính con người gây nên. Thiên nhiên đặt cho ta những ranh giới phải tôn trọng, nếu không nó sẽ không để cho ta yên ổn, vô sự. Trước những trận lũ lụt hung hãn xảy ra liên tiếp ở miền trung nước ta trong tháng 10 này, báo chí viết rằng thiên nhiên đang trả thù. Một số bệnh tật ngày xưa hoành hành nay đã được khống chế hay tiêu diệt, nhưng rồi lại xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm và nan y hơn. Ngay này, ta có thể đi lại bằng xe máy, xe hơi, tàu lửa, máy bay, nhưng song song với những phương tiện hiện đại ấy số người chết do tai nạn giao thông càng gia tăng…
Và cuối cùng, dù văn minh đến dâu, con người vẫn không thắng nổi cái chết bằng sức mạnh của khoa học kỹ thuật. Giàu nghèo sang hèn, trí thức hay bình dân, văn minh hay lạc hậu …, ai ai rồi cũng phải chết. Đứng trước cái chết, mọi người đều bình đẳng.
Cho nên thời đại ta cũng như mọi thời đại, con người vẫn không tránh khỏi những câu hỏi: Thế thì sống để làm gì? Cuộc đời có ý nghĩa gì không? Phải sống như thế nào mới nói được là cuộc đời đáng giá, cuộc đời thành tựu? Có cái gì bên kia cái chết không? Sớm muộn, chỉ cần quay về mình và sống có chút chiều sâu thì người ta sẽ nghĩ tới những vấn đề trọng đại này.
Câu trả lời của Kitô giáo
Tất cả các tôn giáo bằng cách này hay cách khác, đều nhằm trả lời những vấn nạn như thế. Câu trả lời của Kitô giáo có lẽ là rõ ràng nhất, cụ thể nhất. Câu trả lời đó là chính Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa đã làm người chia sẻ kiếp người của chúng ta và đã chịu nạn chịu chết rồi phục sinh để cứu độ chúng ta, đem đến cho ta sự sống trường sinh sung mãn.
Bài tường thuật của thánh Gio-an về phép lạ Chúa làm cho anh La-da-rô sống lại mà phụng vụ thường trích đọc trong lễ an táng, là một minh họa tuyệt vời cho giáo lý này.
Câu truyện diễn ra theo 5 hồi:
- Hồi 1. Khi Chúa Giêsu đến làng Bê-ta-ni-a  thì La-da-rô đã chết và được chôn cất bốn ngày rồi. Vừa được tin Chúa đến, cô Mác-ta ra đón Người. Cô nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết …” Nhưng bây giờ thì La-da-rô đã chết. Anh phải chết theo lẽ thường tình vì đó là số phận của mọi con người. Số phận mà chính Người cùng chia sẽ. Lát nữa, khi đi ra mộ La-da-rô, thấy cảnh người ta khóc, Người cũng “thổn thức trong lòng và xao xuyến.”
- Hồi 2. Nhưng Chúa Giêsu nói với Mác-ta: “Em chị sẽ sống lại!” Một khẳng định mạnh mẽ.
- Hồi 3. Lý do tại sao, hay bằng cách nào? Thì đây: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.Chị có tin thế không?”
- Hồi 4. Cô Mác-ta tuyên xưng lòng tin. Đó là điều kiện Chúa đòi hỏi. Cô nói: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
- Hồi 5. Phép lạ chứng thực lời Chúa phán là thật. Chúa Giêsu tiến đến ngôi mộ, cầu nguyện rồi kêu lớn tiếng: “ Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!” Và “người chết liền ra, tay chân còn quấn vải,và mặt còn phủ khăn…”
Phép lạ này báo trước sự phục sinh của chính Chúa Kitô trong một thời gian không còn xa. Và theo lời Người dạy, dù ai nấy đều phải chết, nhưng nếu ta tin vào Người, nếu ta đặt trọn niềm trông cậy vào Người, ta cũng sẽ được chia sẽ sự sống vinh quang bất diệt của Người. La-da-rô chỉ được hồi sinh một ít năm rồi lại chết. Nhưng cuộc hồi sinh của anh cũng loan báo sự sống lại của chúng ta trong quyền năng phục sinh của Chúa Kitô trong Nước Trời mai sau. Cuộc sống hiện tại phải hướng về và chuẩn bị cho Ngày đó.
Nhưng phải sống cuộc đời hiện tại như thế nào?
Người Kitô hữu sống cuộc đời mình ở thế gian này như xây một ngôi nhà. Mỗi người xây một cách, theo mẫu nhà mình muốn. Các vật liệu xây dựng cũng có thể khác nhau, bằng gỗ, bằng đá, bằng sắt thép, kể cả “vàng, bạc, đá quý”, không loại trừ “cỏ và rơm” (x. 1 Cr 3, 12). Nhưng thánh Phao-lô quả quyết, nền móng thì chỉ có một mà thôi, đó là Chúa Giêsu Kitô. Trong ngày phán xét, ngôi nhà mỗi người sẽ được nghiệm thu cũng bởi Chúa Kitô. Tất cả những gì chúng ta xây dựng sẽ được đem ra thử lửa, “công việc ai xây dựng trên nền (là Chúa Kitô), thì người ấy sẽ được thưởng; còn công việc của ai bị thiêu hủy, thì người ấy sẽ phải thiệt” ( 1Cr 3, 14-15).
Hỏi: có cái gì không thể bị lửa thiêu hủy chăng? Có, đó là bác ái, là những công việc bác ái lớn nhỏ của ta. “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13, 13), và “đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13, 8), trong lúc tin và cậy sẽ không còn trong nước thiên đàng vì lúc đó nó không cần nữa. Đến ngày phán xét chung, Chúa Giêsu sẽ chỉ hỏi ta về cách ta thực hiện lòng bác ái yêu thương mà thôi (x. Mt 25, 31-46).
Kết luận
Lòng bác ái, tình yêu dâng hiến và phục vụ là giá trị cao cả nhất trong thang giá trị của Kitô giáo, nó tiêu biểu cho Kitô giáo. Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu ấy tới mức cao cả nhất có thể có. Người ta thường gọi Đức Kitô là “con người cho kẻ khác.” Nhưng không được quên, sở dĩ Người làm được như thế là nhờ Người sống trọn tình con thảo với Chúa Cha. Cuộc đời mỗi người chúng ta cũng sẽ được đánh giá chung cuộc theo mẫu mực tình yêu này.
Lm. Nguyễn Hồng Giáo, OFM (21/10/2007)


 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Tổng Giám mục Milano: Chân phước Acutis là sứ điệp mời gọi thanh thiếu niên can đảm yêu thương
Chia sẻ về tin Đức Thánh Cha sẽ tuyên thánh cho Chân phước Carlo Acutis vào Năm Thánh 2025, Đức Tổng Giám mục Mario Delpini của Milano nhận định rằng Acutis là sứ điệp mời gọi các thanh thiếu niên tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, lòng can đảm để yêu thương và sức mạnh trong đau khổ.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log