Chúa nhật, 22/12/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 04.2017

Cập nhật lúc 22:04 30/03/2017

Lời chủ chăn tháng 4/2017

Tháng 4 năm nay Phụng vụ Mùa Chay đưa dẫn chúng ta bước vào thời gian cao điểm cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Con Thiên Chúa nhập thể, đã đi đến những ngày cuối cùng của cuộc đời làm người của Ngài trên dương thế, những ngày thực hiện mục đích chính yếu cuộc đời trần thế của Ngài, đó là nộp mình chịu tử nạn Thập giá, sau 3 ngày Ngài Phục Sinh và lên trời vinh hiển. Bởi vì “Ngài sinh xuống trần gian không phải để sống mà là để chết” (theo lời Đức Giám mục Fulton Sheen diễn giải về mầu nhiệm nhập thể). Ngài làm người là để có thân xác có thể chịu thương chịu khó, chịu nạn chịu chết làm lễ vật hy sinh đền tội; Ngài hạ cố gia nhập vào dòng dõi con cháu Ađam Evà là để có tư cách liên đới mà chịu sát tế làm của lễ đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Thánh Phaolô nhấn mạnh tính liên đới ấy: “Cũng như vì một người duy nhất (là Adam) đã không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người thành tội nhân, thì cũng nhờ một người duy nhất (là Đức Giêsu) đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”(Rm 5, 19).
Nhưng mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc không dừng lại ở cuộc đời trần thế, cái chết và sự Phục Sinh lên trời của Đức Giêsu, mà còn được tiếp nối nơi Hội Thánh tại thế, qua mọi thời đại cho tới ngày cánh chung. Quả vậy, nhờ liên đới với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu bởi Bí tích Thánh Tẩy, hết mọi người Kitô hữu chúng ta đã được tháp nhập thành các chi thể của thân mình mầu nhiệm Chúa Kitô làm nên Hội Thánh, tiếp tục hiện diện giữa thế gian cho tới ngày thế mạt. Cũng như Đức Giêsu vừa là Người thật vừa là Thiên Chúa thật, thì cũng thế, Hội Thánh vừa là tổ chức hữu hình gồm những con người trần thế, vừa là cơ cấu có sức sống thiên linh của thân thể Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã được luồng sáng và tiếng nói từ trời mạc khải điều đó trong biến cố người bị ngã ngựa gần thành Đamát khi truy bắt các Kitô hữu: “Saolô, Saolô, sao ngươi tìm bắt bớ Ta?...Ta là Giêsu ngươi đang truy bắt.”(x. Cv 9,1-30). Thấm nhuần bài học ấy, Thánh Phaolô năng nhắc nhở các Kitô hữu theo gương người, luôn đồng hành gắn bó kết hợp với Đức Kitô như chi thể gắn liền với thân thể, nhất là trong gian nan đau khổ: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu cho thân thể Ngài là Hội thánh, tôi xin mang lấy nơi thân xác tôi cho đủ mức”(Cl 1, 24).
Bởi vậy, Hội Thánh hằng năm tái diễn hành trình Vượt Qua của Đấng Cứu Thế trong mùa Thương Khó, mục đích để các Kitô hữu đồng hành với Ngài, nhất là để ta thấu hiểu mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc nơi Ngài vẫn đang tiếp diễn nơi bản thân ta, và để ta ý thức góp phần đau khổ của mình kết hợp với lễ hy sinh của Ngài, hầu mang lại ơn cứu chuộc cho bản thân mình và cho các linh hồn trong cùng mối liên đới. Tin Mừng theo Thánh Gioan dẫn ta theo sát Ngài trên đường tử nạn tới phục sinh. Những ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu cương quyết đi Giêrusalem để tự nguyện hiến thân chịu tử nạn làm lễ đền tội cho nhân loại, theo chương trình Chúa Cha đã hoạch định. Ta hãy nghe theo lời Thánh Tôma nhủ bảo anh em tông đồ:“chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy”(Ga 11, 16). Trong Tuần Thánh, đặc biệt Tam nhật Vượt Qua, ta hãy tích cực theo sát các Nghi thức Phụng vụ Hội Thánh cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện, để thấu hiểu Lòng Thương Xót vô biên của Chúa đã chịu khổ hình vì ta. Điểm chú trọng nhất là mỗi Kitô hữu chúng ta, ý thức mình là phần thân thể mầu nhiệm của Chúa, khi suy ngắm sự thương khó của Chúa, biết hiệp dâng các nỗi niềm đau khổ của riêng mình góp phần vào lễ hy sinh của Ngài, mưu ích cho chính mình và cho cả Hội thánh trong mối dây hiệp thông liên đới.
Phụng vụ Lời Chúa Tuần Thánh giúp ta chiêm ngắm từng chi tiết trong hành trình tử nạn của Đức Giêsu, cho ta thấy rõ không có sự đau khổ khốn khó nào mà Ngài đã không phải gánh chịu. Ngài phải từ giã Đức Mẹ để lên Giêrusalem nộp mình chịu chết, phải ly biệt các môn đệ như những đứa “con bé nhỏ” mà Ngài rất mực thương xót. Ngài phải lo buồn sầu não suốt đêm trong vườn Cây Dầu tới “mướt mồ hôi máu” trước cuộc tử nạn mà Ngài sắp đón nhận theo ý Chúa Cha. Ngài đau lòng biết bao vì sự phản bội lừa thầy phản bạn của môn đệ Giuđa mà Ngài tin tưởng. Ngài xót xa vì sự nhát sợ trước cường quyền mà chối Thầy của môn đệ Phêrô xưa nay là chỗ thân tín nhất với Thầy. Ngài bị trăng trói bắt nộp như một kẻ làm ăn phi pháp. Trước tòa án, Ngài bị vu cáo, bị luận tội bất công. Ngài bị đánh đập dã man, bị xỉ nhục chế nhạo như vua giả. Ngài bị kết án tử hình thập giá đồng hàng với bọn trộm cướp giết người. Ngài phải tự mình vác thập giá nặng nề, ngã đi ngã lại vì yếu sức, lại còn bị lý hình đập đánh dọc đường. Lòng Ngài xót xa khi gặp Đức Mẹ và các thân nhân trên đường vác thập giá, họ khóc thương mà chẳng làm gì được cho Ngài. Tới đỉnh đồi Calvê, Ngài bị đóng đinh vào thập giá ở giữa 2 người trộm cướp. Dân chúng đồng bào hùa theo quân lý hình La mã xỉ vả diếc dóc nhạo cười. Trên thập giá Ngài bị mất máu, kêu than khát nước nhưng lại bị cho uống dấm chua. Ngài cảm nhận sự cô đơn trên thập giá như bị Chúa Cha ruồng bỏ. Cuối cùng Ngài đón nhận cái chết đau thương nhất. Sau khi tắt thở, Ngài còn bị lý hình đâm thấu cạnh sườn, máu và nước vọt ra cho đến hết.
Cuộc tử nạn của Đức Giêsu đau thương oan khiên là thế, nhưng Ngài vẫn chịu đựng không chút oán hờn, “hiền lành như con chiên bị đem đi sát tế.” Ngài tự nguyện đón nhận hết các khổ hình như án phạt chịu đền vì tội lỗi thay cho nhân loại, theo chương trình Chúa Cha đã hoạch định. Trái tim ngài vẫn một mực hướng về lòng xót thương. Ngài đã di lối lại cho các môn đệ điều răn yêu thương phục vụ, được minh họa bằng gương sáng của người Thầy cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Ngài lập thiên chức linh mục và Bí tích Thánh Thể như của di lối cực trọng cho Hội Thánh trước khi lìa đời, để thực hiện lời hứa sẽ tiếp tục “ở cùng môn đệ cho tới ngày tận thế.” Trên thập giá, Ngài xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Ngài. Đến giờ chót Ngài trao Đức Mẹ cho môn đệ Gioan (là đại diện cả nhân loại), và trao Gioan cho Đức Mẹ. Trước khi tắt thở, Ngài phó linh hồn trong tay Chúa Cha thể hiện lòng tin cậy tuân phục Thánh ý Chúa Cha cho đến khi “mọi sự hoàn tất.”
Suy ngắm các biến cố đau khổ suốt hành trình tử nạn của Đức Giêsu, ai trong chúng ta lại không nhận ra được có những đau khổ thử thách trong cuộc đời mình giống như Đức Giêsu đã trải qua trong cuộc đời tại thế của Ngài? Vậy khi gặp những đau khổ thử thách đó ta phải đáp ứng thế nào? Trước hết, ta hãy bình tĩnh suy thấu lý do tại sao Chúa để cho ta phải gặp đau khổ thử thách, đừng vội kêu trách Chúa: tôi có tội gì mà tại sao Chúa để tôi phải đau khổ oan khiên đến thế? Mà nếu tôi có tội thì sao Chúa không “thương tôi theo lòng nhân hậu Chúa”, xin “đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội”(Tv 50)?
Những đau khổ trên đời này được Thánh Phaolô lý giải là bởi lý do liên đới: “Cũng như vì một người duy nhất (Ađam) đã sa ngã, mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, vì mọi người đã phạm tội” (x.Rm 5, 12c.18). Ai trong chúng ta cũng đều cảm nghiệm nơi bản thân sự thực đó. Nhưng lòng thương xót vô cùng của Thiên Chúa đã cho Con Ngài nhập thể, liên đới với dòng dõi Ađam, để “nhờ một người duy nhất (Đức Giêsu) đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống”(Rm 5,18). Ta hãy theo gương Đức Kitô, Đấng đã chẳng hề phạm tội, nhưng đã vâng ý Chúa Cha gánh chịu hết mọi đau khổ do tội lỗi loài người, để nhờ đó chính những đau khổ ấy lại trở nên phương thế cứu độ cho hết mọi người. Ta hãy ghi ân sâu sắc vì nhờ Bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô, nối tiếp mầu nhiệm Chúa nhập thể nơi bản thân mình, để có thể biến những đau khổ vô ích của con cháu Ađam thành phương tiện hữu ích đem lại ơn cứu độ cho mình và cho cả các phần tử thuộc Hội Thánh.
Câu chuyện 2 người trộm cướp bị đóng đinh hai bên Đức Giêsu cho ta bài học kinh nghiệm đón nhận đau khổ sao cho hữu ích. Cả hai đều là tội phạm gian ác giết người, đều đáng án tử hình. Nhưng trong đó một người nhận biết tội lỗi đáng chết của mình, sẵn sàng đón nhận đau khổ để thống hối đền tội và xin ơn Chúa thứ tha cứu vớt. Nhờ thế anh đã nhận được ơn cứu độ do lòng thương xót Chúa: “Ngay hôm nay ngươi sẽ được ở trên thiên đàng với Ta”. Anh ta thật là kẻ cướp chuyên nghiệp, biết cách “cướp cả nước trời” đúng vào phút chót! Còn người kia thì la trách cả Chúa, vì không nhận ra “mình phải chịu thế này là đích đáng”, và hắn phải chết trong bất mãn dãy dụa vô vọng. Vậy mỗi người hãy học biết chọn lựa cho mình số phận tốt nhất.
Anh chị em thân mến,
Chúng tôi cầu chúc anh chị em lãnh nhận được nhiều ơn soi sáng và biến đổi nhờ ơn thánh, trong những ngày cao điểm cùng với Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô. Anh chị em hãy đồng hành với Chúa trong những ngày sau hết của Ngài nơi trần thế. Nhờ suy ngắm sự thương khó của Chúa, anh chị em được ơn sức chết đi với tội lỗi, để sẽ lại nhận được ơn phục sinh như Ngài. Chúng tôi hẹn chia sẻ với anh chị em về niềm vui Phục Sinh trong lần tới, trong niềm tin vào lời Thánh Phaolô khẳng định: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Ki tô, chúng ta sẽ cùng sống với Ngài”(Rm 6, 8).
 
Sơn Tây, ngày 29 tháng 03 năm 2017
Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa
An-phong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Phụ tá
 
 
 
Thư của Cha HENRICH dịp Lễ Vượt Qua 2017

Thưa Quý Chị, Quý Anh Khôi Bình Việt Nam thân mến,
Đã ba tháng trôi qua kể từ lần tôi đi thăm Gia Đình Khôi Bình Việt Nam mới đây nhất. Lần này tôi đã ưu tiên đi ra Miền Bắc. Tôi thích nhìn lại những ngày đó lắm. Tôi đã thăm được nhiều Gia Đình Khôi Bình. Nhưng tôi rất đau lòng nhớ lại những gia đình ngư dân đã phải chịu đựng hậu quả của tình trạng nước biển và thuỷ sản bị nhiễm độc do công trình xây dựng một nhà máy gây nên. Nhiều gia đình lâm cảnh thiếu thốn về kinh tế, và cha mẹ thì sợ con cái mình nhiễm bệnh, bởi lẽ đến cả nước uống cũng nhiễm độc do môi trường bị xâm hại. Tôi đã có một ước muốn mãnh liệt phải làm cái gì đó để giúp đỡ những gia đình ấy. Thế nên tôi đã hứa sẽ quyên góp một số tiền để có thể trang bị một hệ thống lọc nước tinh khiết cho bà con uống. Tôi hy vọng lúc này một dự án đang được thiết kế …, với một kế hoạch tài chính nữa.
Tôi rất vui mỗi lần nghe báo tin về những học sinh nghèo được trợ cấp tiền học, và những gia đình thiếu thốn được nâng đỡ. Tôi hết lòng cám ơn mọi anh chị em vì sự dấn thân này.
Năm 2016 vừa qua đã được cử hành khắp nơi trên thế giới như là “Năm Thánh Lòng Thương Xót.” Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi tất cả chúng ta tham gia. Lòng thương xót và sự sẵn lòng giúp đỡ những người thiếu thốn được coi như thẻ căn cước của ngườì Kitô hữu. Đối với Hội Khôi Bình, lòng thương xó, thương cảm là ý lực trọng tâm. Các nhóm của chúng ta được gọi là “những Gia Đình Khôi Bình” trong đó chúng ta có bổn phận sống với nhau như anh em chị em. Ai không nhận thức được điều đó, thì coi như không hiểu gì về cộng đòan Khôi Bình.
Từ nhiều năm qua và trong mỗi chuyến viếng thăm hằng năm của tôi tại Việt Nam, với lòng biết ơn sâu xa, tôi đã có thể cảm nhận bằng trải nghiệm trực tiếp nhiều Gia Đình Khôi Bình sống tình huynh đệ một cách chân thực như thế nào. Nền tảng của nếp sống ấy chính là đức tin sinh động, lòng sốt mến và sự quan tâm của Anh Chị Em dành cho người nghèo. Tôi luôn coi đó như một chứng từ, một gương mẫu mà tôi hay giới thiệu cho đồng bào tôi ở Đức. Xin Anh Chị Em cẩn trọng gìn giữ đức tin của minh, đừng để nó lung lay. Chính bằng cách đó, Anh Chị Em hỗ trợ đất nước của Anh Chị Em và, xa hơn nữa, góp phần xây dựng Giáo Hội hoàn vũ.
Tôi may mắn quen biết Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, và đã vài lần được trực tiếp gặp ngài. Tôi cũng đã đọc các quyển sách do ngài viết và rút ra được rất nhiều điều bổ ích. Đặc biệt quyển sách được  ngài xuất bản để đáp lại nguyện vọng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Đó là những bài giảng tĩnh tâm ngài đã chia sẻ cho Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma. Tôi hy vọng quyển sách ấy cũng đã được xuất bản bằng tiếng Việt. Anh Chị Em hãy tìm mà đọc. Nó sẽ giúp ích rất nhiều cho Anh Chị Em. Đức Giáo Hoàng Phanxicô có một ước nguyện đặc biệt là chứng từ đức tin và đời sống của Vị Tử Vì Đạo và Giám mục này phải được phổ biến khắp nơi.
Dọc theo chiều dài lịch sử của mình, Giao Hội Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc bách hại. Đức Hồng Y Văn Thuận có lần nói với tôi: “Cha biết không, Giáo Hội chúng tôi tại Việt Nam là một Giáo Hội của các vị Tử Vì Đạo – tức các Chứng Nhân”. Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã xin Đức Hồng Y kể chuyện về đời sống của mình trong các nhà tù và trại giam khi chia sẻ các bài suy niệm tĩnh tâm cho Giáo triều.
Hội Khôi Bình đang hoạt động tại các trung tâm điểm của nghèo đói và sự cùng khốn trên khắp thế giới, hẳn là có sứ vụ đặc biệt phải cung câp thông tin về tình trạng thiếu thốn của người đồng loại.
Quý Chị và Quý Anh Khôi Bình thân mến,
Tôi hết lòng cầu chúc cho Anh Chị Em và mọi người thân trong gia đình sống thời gian chuẩn bị Đại Lễ Vượt Qua với nhiều ân sủng của Chúa. Chớ gì những ngày Mùa Chay và chính Đại lễ Vượt Qua mang lại cho Anh Chị Em thứ sức mạnh mà Đức Hồng Y Văn Thuận gọi là “Niềm HY VỌNG có khả năng mang vác và nâng đỡ chúng ta.”
Bản thân tôi lúc này không được khỏe lắm. Vì bị gãy một chân do té ngã khi đi lên cầu thang, tôi đã phải nhập viện bốn tuần.
Và thời gian tiếp theo sau chuyến viếng thăm Việt nam vừa rồi cũng tạo ra một số khó khăn cho tôi. Tôi đã phải sống những ngày quá tải. Xin Anh Chị Em nhớ cầu nguyện cho tôi với.
Thân ái chào Anh Chị Em với quyết tâm “Khôi Bình trung kiên.”
 
Robert Henrich
Linh Giám danh dự của Anh Chị Em
Mùa Chay 2017
(bản dịch của Lm Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm)
 
Lá thư Đồng hành: Tâm tình Tuần Thánh

Anh chị em Khôi bình thân mến,
Trong suốt năm Phụng vụ, chỉ có một tuần được gọi là Tuần Thánh vì trong tuần này, Hội Thánh cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu, cũng là biến cố trung tâm của ơn cứu độ. Cử hành không chỉ có nghĩa là nhớ lại những sự kiện và biến cố trong quá khứ nhưng còn là hiện tại hóa những biến cố đó cho cuộc sống hôm nay. Vì thế, với người Công giáo, tham dự những nghi thức trong Tuần Thánh không phải là đi xem một vở kịch, nhưng là để chính mình bước vào quỹ đạo của ơn cứu độ.
Để được như thế, bản thân mỗi người phải nhận ra chính mình cũng có phần trách nhiệm trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Những toan tính độc ác của các nhà lãnh đạo lúc đó, sự phản bội của ông Giuđa, sự hèn nhát của Philatô, nỗi sợ hãi của các Tông đồ, sự đồng lõa của quần chúng… tất cả đã dẫn đến cái chết của Đấng công chính trên thập giá. Và ngày hôm nay, nếu như Pascal nói, “Chúa Giêsu tiếp tục cơn hấp hối của Ngài trong Hội Thánh”, thì mỗi chúng ta cũng đang góp phần tạo nên cơn hấp hối đó bằng sự hèn nhát, sợ hãi, độc ác, đồng lõa của mình. Thế nên thánh Phanxicô Assisi mới kêu lên: “Không phải quân dữ đã đóng đinh Chúa nhưng chính anh em đóng đinh Ngài vì những tội lỗi của anh em.” Khiêm tốn nhìn nhận phần lỗi của mình để sám hối ăn năn là đã bắt đầu bước vào quỹ đạo của ơn cứu độ. Cũng có thể chúng ta thấy mình đang phải chịu đau khổ như Chúa Giêsu. Có những đau đớn hành hạ thân xác vì tuổi tác và bệnh tật. Nhiều hơn nữa là những đau khổ trong tâm hồn vì bị hiểu lầm và nghi kị, vì cô đơn và cô quạnh, vì sỉ nhục và oan sai. Thế nhưng, liệu chúng ta có cùng một tâm tư và phản ứng như Chúa Giêsu khi phải chịu đau khổ không? “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”(Lc 23, 34); “Lạy Cha, con xin phó thác sự sống con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Học và mang lấy tâm tư của Chúa Giêsu trong những bước đi của cuộc đời chính là đang bước đi trong quỹ đạo của ơn cứu độ.
Đức Maria không những là mẹ của Chúa Giêsu mà còn là người Kitô hữu đầu tiên và mẫu mực nhất. Xin Mẹ giúp chúng ta tham dự những nghi thức Tuần Thánh không chỉ như người ngoài cuộc nhưng là người trong cuộc, “đứng dưới chân thập giá” (Ga 19, 25), để chúng ta cảm nghiệm tình yêu Chúa sâu sắc hơn và cũng khám phá thân phận tội lỗi của mình rõ nét hơn; nhờ đó, chúng ta được đưa vào quỹ đạo của ơn cứu độ như lời Chúa Giêsu.
 
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT LỄ LÁ
Is 50, 4-7; Pl 2, 6-11; Mt 26, 14-17. 66

Phụng vụ của ngày Lễ Lá hôm nay rất mâu thuẫn. Mâu thuẫn bởi vì, trước khi cử hành Thánh lễ, chúng cử hành nghi thức làm phép lá để nhớ lại ngày xưa dân thành Giêrusalem đã đón tiếp Chúa Giêsu một cách trọng thể như thế nào: Họ cầm lá trong tay, lấy áo của mình trải xuống đất cho Chúa đi. Ấy thế mà, ngay sau đó, khi bước vào Thánh lễ, chúng ta lại toàn nghe các bài đọc nói về sự đau khổ của Chúa Giêsu, cụ thể nhất là bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa. Nó rất mẫu thuẫn!
Nhưng mà Giáo hội đã cố tình làm như vậy để làm nổi bật lên sự tương phản, sự tương phản giữa lời tung hô của thế gian và ngay sau đó, là lời kết án của họ. Sự tương phản đó là một thực tế lịch sử; nghĩa là, nó đã diễn ra đúng y như thế. Giáo hội chỉ lập lại mà thôi, chứ Giáo hội không bịa đặt hay thêm bớt điều gì.
Sở dĩ có sự tương phản như thế trong thực tế lịch sử, bởi vì nó được khởi đầu từ sự tương phản trong trái tim con người; mà người Việt Nam chúng ta gọi là “thay lòng đổi dạ.” Cũng những người dân đó, mới ngày hôm qua thôi đã hết lòng tung hô; mà chỉ ngày hôm sau thôi, đã hò la lên án đòi đóng đinh. Sự tương phản trong trái tim con người không phải chỉ có trong đám đông dân chúng, mà nó có ngay cả trong những môn đệ thân tín của Chúa Giêsu. Ông Giuđa chẳng hạn, mới hôm trước thôi, còn ngồi ăn chung với Thầy một bàn. Gọi Chúa là Thầy và xưng mình là con, vậy mà ngày hôm sau đã đi nộp Thầy cho quân thù. Mà không chỉ có ông Giuđa, mà ngay cả ông Phêrô nữa, mới ngày hôm trước thôi, thì hùng hổ tuyên bố rằng: Đứa nào muốn bắt Thầy thì phải bước qua xác con. Mà chỉ hôm sau thôi, có mỗi đứa con gái, nó mới hỏi chơi chơi có một câu, mà đã chối Chúa ngay lập tức và còn chối liên tiếp 03 lần. Cho nên nếu có một sự tương phản trong thực tế lịch sử thì sự tương phản đó đã bắt nguồn từ trái tim con người; tức là từ trái tim của mỗi chúng ta.
Khi bước vào Tuần Thánh, khi bước vào tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, nếu chúng ta không chỉ tưởng niệm như nhớ lại một biến cố hoàn toàn thuộc về quá khứ, nhưng chúng ta tưởng niệm theo cái nghĩa là làm cho biến cố đó nó trở thành sống động ngay lúc này, ngay ngày hôm nay, thì chúng ta sẽ khám phá lại sự tương phản trong chính cuộc sống đức tin của mình. Mới ngày hôm qua đọc kinh, dâng lễ đạo đức lắm; hôm sau, đã chối Chúa rồi. Chúng ta hãy xét mình xem có đúng như vậy không?
 
Sự tương phản đó, nó có thực ở trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Và khi đối diện với sự tương phản đó, chúng ta phải làm gì? Chúng ta có thể chọn lựa một trong ba thái độ sau đây:
Thái độ thứ nhất, là thái độ tuyệt vọng. Thái độ của ông Giuđa. Ông ấy phạm tội bán Thầy. Ông biết rằng đó là tội rất nặng, nhưng ông không dám tin rằng: Tình thương của Chúa lớn hơn tội lỗi của ông, cho nên ông đi thắt cổ tử tự.
Thái độ thứ hai, là cố tình ở lại trong tội lỗi. Những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ là thủ phạm trực tiếp bắt Chúa Giêsu và tìm cách thủ tiêu Ngài. Vậy mà, sau khi Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết, họ vẫn không biết ăn năn, họ vẫn cố tình ở trong tình trạng tội lỗi của họ.
Thái độ thứ ba, là thái độ của Thánh Phêrô. Sám hối. Ngài biết rằng ngài chối Thầy vì yếu đuối, đó là tội lỗi. Ngài biết ngài đã chối Thầy đến 03 lần là tội rất nặng, nhưng mà ngài khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình, ngài tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa và Ngài ăn năn sám hối thực tình; để rồi, chính cái kinh nghiệm tội lỗi ấy giúp cho ngài với tư cách là Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội Công giáo, Ngài hướng dẫn đoàn chiên của mình.
Tuyệt vọng, cố tình ở lại trong tội lỗi và sám hối. Quý anh chị em muốn chọn thái độ nào? Câu trả lời đó thuộc về quý anh chị em trước mặt Chúa trong Tuần Thánh này.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Nếu anh chị có mặt ở Giêrusalem hôm ấy bạn sẽ làm gì?
  2. Anh chị dám có lập trường riêng hay anh chị chỉ biết làm theo đám đông xung quanh?
  
II. VIỆC CHUẨN BỊ HÔN NHÂN DÀNH CHO GIỚI TRẺ (tiếp theo)

Thứ đến là việc CHUẨN BỊ GẦN
Tông huấn đã xác định thời gian cho việc chuẩn bị gần như sau: “Tiếp theo, việc chuẩn bị gần sẽ dựa trên nền tảng ấy và là một công cuộc lâu dài: bắt đầu từ lứa tuổi thích hợp…” (FC 66). Như vậy, lứa tuổi thích hợp cho việc chuẩn bị gần, thiết nghĩ bắt đầu từ mười tám đôi mươi cho đến những ngày gần kề trước khi cưới. Trong thời gian này, việc chuẩn bị cũng nhằm tới hai điểm chính yếu:
1. Giáo dục nhân bản
Tiếp nối việc giáo dục nhân bản, đào tạo thành những con người biết sống tự lập và sống với người khác, trong giai đoạn này, Tông huấn đặc biệt nhấn mạnh đến việc giúp cho các bạn trẻ ổn định cuộc sống của mình sau này. Tông huấn viết: “Tạo điều kiện thuận lợi để họ có được những yếu tố cơ bản cho một nếp sống gia đình ổn định (việc làm chắc chắn, đủ điều kiện tài chánh, biết điều hành sáng suốt, có khái niệm về kinh tế gia đình v.v” (FC 66). Như vậy, điều cần thiết phải làm ngay, đó là phải dạy cho các bạn trẻ một nghề nghiệp để họ có thể kiếm sống, đồng thời phải biết tiết kiệm trong việc chi tiêu của mình.
Thực vậy, chúng ta cũng không thể nào sống trong cái lý tưởng: một túp lều tranh, hai trái tim vàng, uống nước lã, nhìn nhau than thở. Trái lại, hãy nhìn vào thực tế, phải làm sao có được cơm ăn, áo mặc, phải làm sao bảo đảm được một đời sống vật chất ít nữa là tương đối? Để thực hiện được giấc mộng bình thường này, thiết tưởng nghĩ không gì hơn là nghề nghiệp và sự cần kiệm.
2. Giáo dục đạo đức
Cùng với việc giáo dục nhân bản, là việc giáo dục đạo đức. Thực vậy, việc trình bày giáo lý không thể giữ mãi những hình ảnh ấu trĩ, nhưng cần phải được cập nhật hóa để phù hợp và chuyên sâu hơn. Tông huấn đã đưa ra cả một chương trình giáo lý cụ thể để giúp các bạn trẻ trong cuộc sống cũng như trong hôn nhân sau này. Tông huấn viết: “Bắt đầu từ lứa tuổi thích hợp và với một việc dạy giáo lý tương xứng, tương tự phần nào như hành trình dự tòng, công việc này sẽ gồm việc chuẩn bị chuyên biệt về các bí tích, như để giúp các bạn trẻ tái khám phá các bí tích. Việc canh tân giáo lý theo chiều hướng đó cho tất cả những ai đang chuẩn bị hôn nhân Kitô giáo là điều hết sức cần thiết, để bí tích sẽ được cử hành và được  sống với những dự kiện luân lý và thiêng liêng thích hợp. Đến lúc thích hợp và tùy theo những đòi hỏi cụ thể khác nhau, việc đào tạo cho những người đính hôn sẽ phải bổ túc bằng một sự chuẩn bị cho đời sống lứa đôi: khi trình bày hôn nhân như một tương quan liên vị phải được phát triển liên tục giữa người nam và người nữ, người ta phải khuyến khích họ đào sâu những vấn đề tính dục hôn nhân và về vai trò cha mẹ có ý thức trách nhiệm, cùng với những hiểu biết cốt yếu gắn liền với các vấn đề ấy trong lãnh vực sinh lý và y học, và đưa tới chỗ làm quen với những phương pháp tốt để giáo dục con cái” (FC 66).
Từ những gợi ý cụ thể trên, chúng ta rút ra được những điểm chính yếu sau đây: Giúp các bạn trẻ hiểu và sống các bí tích một cách ý thức và đầy đủ, nhất là bí tích Giải tội và bí tích Thánh thể; giúp các bạn trẻ nắm vững mục đích và trách nhiệm của cuộc sống lứa đôi.
Ngoài những điều kể trên, Tông huấn còn nhắc tới tình liên đới và cộng tác với các gia đình khác trong việc tông đồ. Đức Thánh Gioan Phaolô II viết: “Sau cùng, cũng sẽ không được coi thường việc chuẩn bị cho công cuộc tông đồ gia đình, cho tình huynh đệ và sự cộng tác với các gia đình khác, cho việc tích cực hội nhập vào các nhóm, các hiệp hội, các phong trào, các sáng kiến có mục đích đem lại thiện ích nhân bản và Kitô giáo cho gia đình” (FC 66).
Thực vậy, chúng ta không phải chỉ biết có gia đình mình và chỉ lo cho gia đình mình mà thôi, biến gia đình mình trở thành một ốc đảo biệt lập, cho dù đó là một ốc đảo xanh tươi. Trái lại, gia đình phải là một con đường dẫn đưa chúng ta và những người chung quanh đến cùng Chúa. Vì thế, cần phải biết liên đới và cộng tác với những gia đình khác trong việc tông đồ, cũng như dấn thân vào những công tác xã hội đem lại lợi ích chung.
Tháng sau chúng ta sẽ tìm hiểu việc CHUẨN  BỊ CẤP THỜI
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log