Thứ hai, 23/12/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 7 - 2016

Cập nhật lúc 16:53 06/07/2016
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Trong thông điệp Laudato Si’ (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung), Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi đầu bằng “Bài Ca Vạn Vật” của thánh Phanxicô. Theo đó, thánh nhân đã nhắc cho chúng ta nhớ, ngôi nhà chung của chúng ta phải được xem như người chị, mà chúng ta cùng là thụ tạo của Đấng Tạo Thành, cùng được chia sẻ cuộc sống; ngôi nhà chung này còn như người mẹ ôm lấy chúng ta và nuôi sống chúng ta bằng dòng sữa là thực phẩm và nước uống.  Nhưng người chị này, người mẹ này, đang kêu gào vì sự hủy hoại do chúng ta, vì việc sử dụng vô trách nhiệm và bóc lột (số 1 và 2).
Tại nơi chúng ta đang sinh sống, chúng ta đang chứng kiến một thực trạng là, vấn đề ô nhiễm môi sinh đến mức báo động. Quả thật, rác thải là một trong nhiều nguyên nhân chính gây ra sự ô nhiễm này. Rác thải có thể là do phân bón từ các chuồng trại chăn nuôi, có thể do các hóa chất nông nghiệp độc hại tiêu diệt côn trùng, diệt cỏ, được sử dụng trong nhà, hay ngoài đồng ruộng. Rác thải cũng có thể là do từ sinh hoạt cá nhân, gia đình và cộng đồng, từ chợ búa và bệnh viện, từ các nhà máy và xí nghiệp. Rác thải còn có thể là là những bụi khói do những chất liệu bị đốt cháy, do các phương tiện giao thông hay do khí thải công nghiệp. Hậu quả tại hại là chậm phát triển, là bệnh tật, đặc biệt là cho trẻ em, cho những người lớn tuổi … Trong số 8 của thông điệp, Đức Thánh Cha trích dẫn lập trường của Đức Thượng phụ Bartolomeo kêu gọi sự sám hối: “Con người đã tàn phá sáng tạo của Thiên Chúa với nhiều phương cách sinh học; con người đã  phá hoại sự toàn vẹn của trái đât, gây nên sự biến đổi khí hậu; con người đem đến những tai họa cho kẻ khác, gây bệnh hoạn vì làm dơ bẩn nguồn nước, đất đai và không khí bằng những chất độc hại – “đó là tôi lỗi”. Vì “một tôi lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chính chúng ta và là một tội lỗi chống lại Thiên Chúa.” Đức Thượng phụ cũng kêu gọi các Kitô hữu, biết đón nhận “vũ trụ như một bí tích của cộng đoàn, như một phương tiện chia sẻ với Thiên Chúa và tha nhân trong chiều kích vũ trụ.
Vì thế, Cộng đoàn chúng ta cần phải tập trung vào vấn đề ô nhiễm môi sinh với ba đề nghị sau đây:
Thứ nhất, các thành viên cần tìm hiểu những giáo huấn của Giáo hội về môi trường để ý thức về tội và phúc trong việc xử lý rác thải. Tùy theo cách xử lý rác thải mà con người đang phụng sự Thiên Chúa Tạo Thành (là có phúc), hay là sự xúc phạm đến quyền năng và tình yêu của Ngài trong công trình sáng tạo và quan phòng (là có tội). Và tùy theo cách xử lý rác thải mà chúng ta đang tôn trọng và phục vụ tha nhân (là có phúc), hay chúng ta đang cướp đi quyền Chúa ban cho con người, là được hưởng sự tốt lành của khí hậu, nhất là đối với các thai nhi và các hài nhi còn non nớt trong hô hấp (là có tội).
Thứ hai, nếu Giáo xứ nào chưa có thùng rác trong khuôn viên nhà thờ và nhà vệ sinh công cộng. Xin các Gia đình quảng đại ủng hộ tài chính để Giáo xứ đó có thùng rác và có nhà vệ sinh công cộng.
Thứ ba, xin các Gia đình tại các Giáo xứ sẵn sàng cộng tác với quý Cha, quý Hội đồng Giáo xứ, quý thầy cô Giáo lý viên trong việc giáo dục các em thiếu nhi trong các lớp giáo lý, trong các giờ sinh hoạt Thiếu Nhi Thánh Thể, trong các gia đình, về việc xử lý rác thải. Cụ thể như biết đi vệ sinh đúng chỗ, biết giữ gìn phòng vệ sinh sạch sẽ sau khi đã sử dụng, không xả rác vô trách nhiệm nhưng biết nhặt rác bỏ vào thùng rác, biết quét dọn sân nhà, lớp giáo lý, sân nhà thờ, biết thu gom rác và tiêu hủy rác đúng cách; các em lễ sinh biết gìn giữ phòng thánh và các đồ lễ cho sạch sẽ, trật tự, ngăn nắp…
Ước mong những đề nghị trên đây là thiện chí của Cộng đoàn  chúng ta muốn hiệp thông với Đức Thánh Cha, với Giáo hội toàn cầu, và với toàn thể cộng đồng nhân loại, trong nỗ lực chăm sóc “ngôi nhà chung.”
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XV THƯỜNG NIÊN
Đnl 30, 10 - 14; Cl 1, 15 - 20; Lc 10, 25 -37
Phụng vụ Lời Chúa Chủ nhật 15 thường niên hôm nay nói đến luật Bác Ái là kính mến Chúa và yêu thương tha nhân, đặc biệt trong việc giúp đỡ những người lâm cảnh khó khăn.
Bài đọc thứ nhất, trích sách Đệ Nhị Luật nói rằng: Lề luật của Chúa đã được ghi khắc vào lòng chúng ta hay còn gọi là lương tâm, để hướng dẫn chúng ta sống cho xứng đáng là con người đã được Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài, chúng ta cần đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày.
Bài đọc thứ hai, trích thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê: Chúa Giêsu cũng chính là Thiên Chúa thật, Ngài mặc lấy thân xác con người, đổ máu ra trên Thánh giá để cứu chuộc nhân loại và trở nên “trưởng tử mọi loài thọ sinh và là Đầu Giáo hội.
Bài Tin mừng, chúng ta phải thực hành Đức Bác Ái để được sống đời đời. Đó là yêu mến Chúa hết lòng và yêu thương phục vụ tha nhân. Người Samari tốt lành là hình ảnh của những người biết thương cảm và hy sinh giúp đỡ mọi người, nhất là những người gặp hoạn nạn, dù người đó là ai.
Mỗi ngày khi chúng ta đọc kinh ‘Mười Điều Răn’, chúng ta nên để ý đến lời cuối cùng: “Mười điều răn ấy tóm về hai này mà chớ: trước hết kính mến Một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự, sau lại yêu người như mình ta vậy.” Nếu chúng ta sống được hai điều căn bản này là chúng ta đã chu toàn được mọi lề luật của Chúa và các giới răn của Giáo hội. Luôn biết kính mến Chúa và thương yêu người khác như chính mình, chúng ta sẽ dễ dàng chu toàn các bổn phận thờ phượng Chúa, chúng ta sẽ xa tránh các dịp tội để không phạm tội làm mất lòng Chúa và xúc phạm đến nhau: tham lam tiền bạc, lỗi phép công bằng, làm chứng gian hại người khác, lộng ngôn, nói hành nói xấu, ham thú vui xác thịt, tự do luyến ái, ly dị, phá thai. Mọi tội lỗi đều xúc phạm đến Thánh Danh Chúa, và làm hoen ố hình ảnh của Chúa mà chúng ta mang trong tâm hồn khi chúng ta đã được thanh luyện qua bí tích Thánh tẩy.
Hơn nữa, giữ Lề Luật Bác Ái không phải chỉ là lo xa tránh tội lỗi mà tích cực hơn, còn phải lo chu toàn các bổn phận của người tín hữu, ngoài bổn phận thờ phượng Chúa, chúng ta có bổn phận đối với Ông Bà Cha Mẹ, đó là điều răn thứ bốn: Phụng dưỡng các Ngài khi còn sống, nhất là khi các Ngài đã già yêu, bệnh tật. Hằng nhớ đến và cầu nguyện cho các vị đã qua đời.
Luật Bác Ái cũng dạy chúng ta phải duy trì tình yêu trong gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái; điều này cũng đòi buộc chúng ta phải hy sinh nhiều lắm để có thể chấp nhận lẫn nhau, tha thứ cho nhau vô điều kiện và nâng đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Ngoài gia đình ruột thịt, chúng ta còn sống trong gia đình nhân loại, mà mọi người đều là con cái con của Cha trên trời và anh em với nhau: “Tứ hải giai huynh đệ - Mọi người đều là anh em của tôi" trong gia đình nhân loại. Thực hành được điều đó, chúng ta sẽ không còn xét đoán, kỳ thị chủng tộc; nhưng biết chấp nhận mọi dị biệt để yêu thương nhau như anh em, để xây dựng hòa bình, thay vì gây chiến tranh, chém giết lẫn nhau.
Chính Chúa Giêsu đã thực hành điều đó, Ngài đã yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi, đã hy sinh xuống thế làm người, đã chịu chết để cứu chuộc muôn người thuộc mọi ‘chủng tộc và ngôn ngữ’, băng bó mọi vết thương gây ra do tội lỗi và đưa chúng ta vào “Quán Trọ” là gia đình Giáo hội để chữa lành và đưa chúng ta về quê hương thật là Nước Trời.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết dừng lại để giúp đỡ những ai đang cần đến chúng ta, hãy biết chia sẻ với những khó khăn của tha nhân.
Hình ảnh thầy Tư tế và thầy Lê vi đã bỏ lại đằng sau tiếng kêu cứu của đồng loại diễn tả một thế giới mà con người luôn hối hả bận rộn với giòng chảy của cơm áo gạo tiền. Họ bị giòng chảy cuộc đời cuốn trôi đến nỗi đã quên rằng, cuộc sống đích thực là cuộc sống còn có khả năng chia sẻ với tha nhân. Một cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời biết dùng thời giờ để sống với tha nhân trong yêu thương và phục vụ. Và một cuộc đời đã mất khi không còn khả năng để giúp đỡ anh chị em.
Ngược lại, hình ảnh người Samari đã tận tâm giúp người bị kẻ cướp hành hung, ông đã không phân biệt, không xem xét người đó là ai, chủng tộc nào; nhưng thấy một người hoạn nạn cần giúp đỡ là ông hết lòng giúp đỡ không sợ bị liên lụy, không sợ mất thời giờ và tiền bạc. Đó chính là mẫu người mà Chúa Giêsu đang mời gọi chúng ta hãy làm theo như vậy.
Ước gì trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, Lời Chúa hôm nay sẽ là lời nhắc nhớ chúng ta về Giáo hội của Chúa, do Chúa sáng lập và hiện diện thì mỗi người Kitô hữu cần phải hiệp nhất với nhau trong Chúa, cần nhìn nhận nhau là anh em và hãy biết sống đời Kitô hữu bằng sự dấn thân để phục vụ tha nhân trong yêu thương chân thành. Nguyện xin Chúa là Đấng đã hết lòng yêu thương và phục vụ con người cho đến nỗi bằng lòng chịu chết vì chúng ta, giúp cho chúng ta cũng biết sống yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng ta. 
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị hiểu thế nào về người thân cận theo quan niệm của thầy thông luật và quan niệm của Chúa Giêsu?
  2. Anh chị có những nhận xét gì về thầy thông luật ở đây và rút ra được những kinh nghiệm nào cho đời sống Đạo của anh chị?
  3. Thánh Augustiô xác định: “Nếu có đức bác ái trong con tim, bạn luôn luôn có một cái gì đó để cho!.” Anh chị nghĩ gì về câu nói này?
 II. SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Đề tài 8. Tân Phúc âm hoá môi sinh văn hoá
Văn hoá phải là lãnh vực ưu tiên cho sự hiện diện và dấn thân của Hội Thánh và cá nhân các Kitô hữu. Công đồng Vatican II nhận thấy sự tách rời của đức tin Kitô giáo và đời sống hằng ngày là một trong những sai lạc trầm trọng nhất của thời đại chúng ta [1]. […] Cần phải ghi nhớ rằng “nhờ văn hoá, con người, với tư cách là người, sẽ trở thành người hơn, và một khi ‘là’ người hơn như thế, thì cũng làm cho sự hiện hữu có giá trị hơn” [2].
1. Các thách thức văn hoá
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Trong nền văn hoá đang thịnh hành, thế thượng phong được dành cho cái bề ngoài, cái trực tiếp, cái có thể thấy được, cái nhanh nhẩu, cái phù phiếm và tạm bợ. Cái thật nhường chỗ cho cái ảo” (Evangelii Gaudium, 62). Có thể thấy được sự góp phần rất lớn của các phương tiện truyền thông xã hội hiện đại cho thực tế này. Có một nguy cơ là gốc rễ văn hoá truyền thống các nước đang bị xâm nhập thường xuyên bởi các lối suy nghĩ và hành động của các nền văn hoá khác “tiến bộ hơn” về mặt kinh tế nhưng yếu kém hơn về đạo đức. Các mẫu hành vi mới đang xuất hiện như là kết quả của việc chịu ảnh hưởng quá nhiều vào các phương tiện truyền thông xã hội. Hậu quả là các khía cạnh tiêu cực của các công nghệ truyền thông và giải trí đang đe dọa các giá trị truyền thống, đặc biệt đe dọa sự thánh thiêng của hôn nhân và sự bền vững của gia đình (x. Ibid., 6).
Ngày nay nở rộ các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan trong khi một số khác đề nghị một linh đạo không có Thiên Chúa. Trong hoàn cảnh văn hoá đậm nét cá nhân chủ nghĩa, các trào lưu tôn giáo này có thể phần nào lấp đầy khoảng trống do chủ nghĩa duy lý thế tục để lại. Phải nhìn nhận rằng, sở dĩ một số Kitô hữu chạy theo các trào lưu đó là vì một đàng do thiếu ý thức thuộc về Hội Thánh, đàng khác do tại các giáo xứ và cộng đoàn của chúng ta thiếu cơ cấu và bầu khí thân thiện, do tính quan liêu trong xử sự các vấn đề trong đời sống các tín hữu, do phương thức quản trị lấn át phương thức mục vụ, do tập trung vào việc ban các bí tích tách rời với các hình thức truyền giáo khác (x.Ibid., 63).
Tiến trình tục hoá giản lược đức tin và Hội Thánh vào phạm vi cá nhân riêng tư. Não trạng thế tục hoá, phủ nhận Đấng siêu việt, làm cho đạo đức ngày càng xuống cấp, ý thức về tội lỗi của cá nhân và tập thể suy yếu dần, và chủ nghĩa duy tương đối ngày càng lan rộng. Tình trạng này làm con người mất phương hướng, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên vốn dễ bị tổn thương trước những thay đổi (x. Ibid., 64)
2. Chiều kích đạo đức của nền văn hoá là thiết yếu
Niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Đấng diễn tả chính mình như “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), thúc bách các Kitô hữu ngày nay dấn thân cách kiên quyết và mới mẻ để xây dựng một nền văn hoá chính trị xã hội được gợi hứng từ Tin Mừng. “Sự toàn hảo của con người và phúc lợi của toàn xã hội là những cứu cánh thiết yếu của văn hoá: vì thế chiều kích đạo đức của văn hoá là một ưu tiên của người tín hữu trong hoạt động xã hội chính trị. Không chú ý đến chiều kích này sẽ dễ dàng biến văn hoá thành một công cụ làm nghèo nàn nhân loại” [3].
3. “Sinh thái toàn diện” phản ánh nền “văn minh của Tình Thương”
Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi chú tâm đến “nền sinh thái văn hoá” nhằm bảo vệ các kho tàng văn hoá của nhân loại. “Văn hoá là cái gì còn hơn cả những gì chúng ta đã thừa hưởng từ quá khứ; nó cũng là, và trên hết là một thực tại sống động, năng động và hiện hữu thông dự, là điều không thể bị loại trừ khi chúng ta nghĩ lại về mối quan hệ giữa con người và môi trường” [4].
Sự suy thoái đạo đức và văn hoá đi kèm theo với sự làm hỏng môi sinh buộc chúng ta tự chất vấn những câu hỏi cơ bản về cuộc sống: “Đâu là mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế giới này? Tại sao chúng ta ở đây? Đâu là mục đích của việc chúng ta đang làm và tất cả những nỗ lực của chúng ta nhằm tới cái gì? Trái đất cần gì từ chúng ta? Đức Giáo hoàng kêu gọi theo đuổi một nền sinh thái toàn diện biết xem xét các vấn đề trong thế liên kết hỗ tương về mọi phương diện: môi trường, kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, và đạo đức. Một nền sinh thái như thế đòi hỏi tầm nhìn nghĩ đến các giải pháp toàn diện cho cả khủng hoảng về môi sinh và nhân văn.
Để làm cho xã hội nhân bản hơn, xứng đáng hơn với con người, phải đem một giá trị mới cho tình yêu vào trong đời sống xã hội – bao gồm chính trị, kinh tế và văn hoá – bằng cách làm cho tình yêu đó trở thành một chuẩn mực vững bền và cao nhất cho mọi hoạt động. Chỉ có tình yêu bao gồm lòng nhân từ gọi là “lòng thương xót”, mới có thể hoàn toàn biến đổi con người. “Bác ái là điều răn mang tính xã hội cao cả nhất. Bác ái tôn trọng người khác và các quyền lợi của họ. Bác ái đòi buộc thực thi công lý và chỉ có bác ái mới làm cho ta có khả năng đạt tới điều đó. Bác ái gợi hứng cho ta một cuộc sống tự hiến: ‘Ai tìm cách giữ mạng sống mình thì sẽ mất, nhưng ai liều mất mạng sống mình sẽ bảo tồn được mạng sống ấy’ (Lc 17,33)” [5]. Chỉ khi nào “nền văn minh tình yêu” ngự trị thì nhân loại mới có thể hưởng một nền hoà bình chân chính và vững bền” [6].
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận
  1. Đâu là những thách thức về văn hoá đáng chú ý nhất tại thành phố, vùng miền của anh chị?
  2. Những bạn trẻ Kitô hữu của giáo xứ, giáo phận của anh chị chịu ảnh hưởng bởi văn hoá du nhập có ý thức và phản ứng như thế nào trước những làn sóng thế tục đang xâm thực đức tin từng giờ từng ngày?
  3. Theo anh chị người Kitô hữu cần làm gì để làm cho tình yêu mang một giá trị mới trong đời sống văn hoá xã hội hôm nay?
–––––––––––––––––––––––––––––––––––
[1] x. Gaudium et spes, 43.
[2] Gioan Phaolô II, Gửi cho UNESCO (23.06.1980), 7: L’Osservatore Romano, bản dịch Anh Ngữ (23.06.1980), tr.9. x. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 554.
[3] x. HĐTT về Công lý và Hoà bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo, 556.
[4] Phanxicô, Laudato Si’, 143.
[5] GLHTCG, 1889.
[6] x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10. Id., Dives in Misericordia, 14; GLHTCG, 2212. 




 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log