Thứ hai, 23/12/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 05 -2016

Cập nhật lúc 20:42 03/05/2016
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Theo truyền thống của Giáo hội Công giáo, Tháng Năm là tháng hoa dâng kính Đức Mẹ. Khắp nơi trong các giáo xứ, người ta tổ chức kết hoa tiến dâng Đức Mẹ. Đức Piô XII trong Thông điệp Đấng Trung Gian đã khẳng định: “Việc tôn kính Đức Maria trong Tháng Năm là việc đạo đức được thêm vào nghi thức phụng vụ, được Giáo hội công nhận và cổ võ.”
Tháng Năm dâng hoa, đó là chuyện bình thường; nhưng phải dâng hoa với tâm tình nào? Chẳng hạn như “hoa năm sắc” Giáo xứ nào mà chẳng kết dâng nơi tòa Đức Mẹ, nhưng dâng với tâm tình cầu nguyện, mọi sự sẽ nên khác. Dâng lên hoa Hồng của tình mến, hoa Vàng của niềm tin, hoa Xanh của lòng trông cậy, hoa Trắng của sự trinh trong và hoa Tím của những thập giá trong đời, với tâm tình gắn bó với Mẹ, tất cả sẽ trở nên lời kinh và sẽ được Mẹ ưu ái chuyển cầu. Được như thế, cuộc đời chúng ta sẽ hạnh phúc, như lời thánh Bênađô quả quyết: “Được Mẹ dẫn dắt, bạn sẽ không ngã. Được Mẹ che chở, bạn sẽ không sợ. Được Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ an lòng. Được Mẹ ban ơn, bạn sẽ đạt đích mong chờ.”
Ước mong khi tham gia dâng hoa hay tham dự các buổi tiến hoa, anh chị em trong Cộng đoàn Khôi Bình hãy thể hiện lòng tin cậy mến đầy đủ để được Đức Mẹ chúc lành.
Còn về việc tôn sùng Đức Mẹ, anh chị em đừng quên lời dạy của Công đồng Vatican II:  “Lòng tôn sùng chân chính không hệ tại ở những tình cảm chóng qua và vô bổ, cũng không hệ tại ở sự dễ tin phù phiếm, nhưng phát sinh từ một đức tin chân thật. Đức tin dẫn chúng ta đến chỗ nhìn nhận địa vị cao cả của Mẹ Thiên Chúa, và thúc đẩy chúng ta lấy tình con thảo yêu mến và noi gương các nhân đức của Mẹ chúng ta” (Lumen Gentium, số 67).
Anh chị em thân mến,
Tháng Năm, ngoài người Mẹ trên trời là Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta còn được mời gọi để nhớ đến những người mẹ trần thế đã cưu mang, sinh thành, dưỡng nuôi và dưỡng dục chúng ta trong cuộc sống làm người.
Ngày của Mẹ” hay “Ngày hiền mẫu” vào Chủ nhật thứ II trong Tháng Năm đưa chúng ta về với chữ hiếu là chữ của phận làm con đối với mẹ của mình.
Nếu may mắn mẹ còn sinh thời, con cái trong cuộc sống vừa chu toàn bổn phận hiếu thảo chăm lo, vừa thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó. Có chăm lo nên mới gắn bó, và càng gắn bó càng biết chăm lo đúng mức hơn. Vẫn biết trong xã hội, chuyện “Mẹ nuôi con vất vả tháng ngày không kể hết, nhưng khi già con cái không báo hiếu lại kể lể, quên ơn” là chuyện gặp thấy thường ngày đó đây, hoặc cảnh “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi mẹ con kể từng ngày” thường được báo chí kể lại; nhưng người Công giáo, ngoài chu toàn bổn phận làm người, còn phải vuông tròn giới răn của Chúa là thảo kính cha mẹ, nghĩa là biết hiếu kính và phụng dưỡng mẹ mình cho đúng với đạo làm con.
Nếu không may mẹ đã khuất bóng, con cái sẽ cài lên tim mình bông hoa trắng để nhắc nhớ bổn phận báo hiếu là cầu nguyện cho người đã khuất được lòng Chúa thương xót sớm cho hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Cùng với người mẹ của riêng mình, Tháng Năm còn là dịp để nhớ đến mọi người nữ đang âm thầm chu toàn bổn phận gia đình hoặc đang nỗ lực hiến dâng trong đời tận hiến hay phục vụ xã hội. Một cách nào đó, họ cũng là những hiền mẫu chung của nhân loại, biết hy sinh hạnh phúc riêng để cùng với mọi người kiến tạo một hạnh phúc chung cho cộng đồng nhân loại, hay xa hơn, biết góp phần của mình vào công trình chung cho Nước Trời mai hậu. Chính trong hướng đi này, ý cầu nguyện chung trong lịch Phụng vụ của Giáo phận trong Tháng Năm này được mở ra: “Cầu cho người phụ nữ ở mọi quốc gia trên thế giới được tôn trọng, nhìn nhận và đề cao, vì đóng góp thiết yếu của họ cho xã hội.”
Mong sao qua việc nhớ đến Mẹ Maria, chúng ta được mời gọi nhớ đến những bậc làm mẹ trong đời sống, để mỗi ngày trong Tháng Năm nối kết lại với lời khấn bình an, như những bông hoa sống động kết dâng trước tòa Mẹ: Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con. Amen.
 
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Cv 2, 1-11; 1Cr 12, 3b-7. 12-13; Ga 20, 19-23
1. Chúng ta hãy thử đặt một câu hỏi để suy nghĩ: Khi một người thương yêu và quý mến người bạn thân nhất của mình thì sẽ làm gì để biểu lộ tình yêu của mình? Câu trả lời đơn giản nhất chắc sẽ là : người ấy sẽ tặng một món quà quý giá. Món quà ấy lúc đầu có thể là một bông hoa, nhưng rồi người ấy sẽ tìm một cái gì quý giá hơn thế nữa: một chiếc đồng hồ, một sợi dây chuyền, một chiếc điện thoại thông minh … Nhưng theo thiển nghĩ, nếu món quà ấy chỉ dừng lại ở một đồ vật, cho dẫu là một đồ vật đắt tiền, thì tình bạn ấy chưa tiến xa bao nhiêu.
Vào năm 1986, thế giới khen ngợi cử chỉ nghĩa hiệp của một cô gái 15 tuổi người Hoa Kỳ. Cô này bị chứng đau màng óc. Trước khi chết cô đã hiến trái tim của mình cho một người bạn gái khác mắc chứng đau tim. Vì thế khi cô ấy vừa chết, bác sĩ đã mổ lấy tim của cô, ghép vào cho cô bạn bị đau tim. Cô này từ nay sống với trái tim của bạn mình. Một cử chỉ thật là đẹp. Nhưng thực ra, trong trường hợp này người ta chưa có thể nói cô gái đau màng óc đã hy sinh mạng sống cho người bạn của mình.
2. Chính Đức Kitô là người đầu tiên đã quan niệm tình yêu một cách vị tha chưa ai từng nghe thấy. Người nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Và Người đã chết đi, chết một cách đau đớn và nhục nhã, để trao ban cho loài người chúng ta sự sống của Người. Sự sống ấy không phải là sự sống thể lý, nhưng là sự sống thần thiêng. Nói một cách cụ thể, sự sống ấy là Chúa Thánh Thần.
Vì thế sau khi đã chết và sống lại, việc đầu tiên mà Chúa Giêsu làm là hiện ra với các tông đồ để thổi hơi và ban Thánh Thần, đó là điều chúng ta được nghe trong bài Tin mừng.
3. Việc Đức Giêsu chết trên Thập giá mới là giai đoạn I của công trình cứu chuộc. Giai đoạn II là việc Người sống lại vinh quang và bạn cho chúng ta Thần Khí của Người. Chúa Thánh Thần, theo cách trình bày của Thánh sử Gioan, là hơi thở của Đức Kitô, là sự sống thần thiêng mà nhân tính của Đức Kitô được mặc lấy một cách chan chứa.
Trên bình diện siêu nhiên, Chúa Thánh Thần đóng vai trò hơi thở. Hơi thở ấy, sự sống ấy, Đức Kitô đã ban cho các Tông đồ và cho tất cả những ai nhờ lời giảng của các Tông đồ mà tin vào Người. Tất cả chúng ta đều đã nhận lấy hơi thở ấy của Đức Kitô ngày chúng ta chịu phép Thánh tẩy.
Và hậu quả của việc Chúa Thánh Thần đến là con người được thần hóa nghĩa là được thông phần vào thần tính của Đức Kitô.
Trên bình diện sinh lý, một người có thể sống nhờ được ghép trái tim của một người khác. Nhưng sự kiện ấy chắc không thay đổi gì về đời sống thể lý đã sẵn có, và chắc lại càng ít có ảnh hưởng trên bình diện trí thức và ý chí…
Trên bình diện siêu nhiên, người tín hữu được mang hơi thở của Đức Kitô thì được thần hóa. Sự kiện ấy thay đổi người tín hữu một cách sâu xa.
4. Trên bình diện cá nhân, các tội lỗi của người ấy được tha thứ. Người tín hữu là người được Thiên Chúa tạo dựng lại, vì thế, theo cách nói của thánh Phaolô: Người ấy là “một tạo vật mới”, được mang một trái tim mới, được mặc lấy những nghị lực mới để từ nay sống một đời sống mới theo mẫu mực là Đức Kitô. Với nghị lực mới ấy, người tín hữu có khả năng theo gương Đức Kitô, yêu mến tha nhân một cách vị tha và cộng tác với mọi người thiện chí.
5. Từ đó chúng ta thấy rằng trên bình diện tập thể, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đưa lại một hậu quả lạ lùng.
Tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều có thể hiểu nhau, thông cảm nhau. Đó là điều mà thánh Luca muốn diễn tả trong bài đọc I, khi tác giả kể rằng các dân tộc nói các thứ tiếng khác nhau, có thể hiểu được lời giảng của các tông đồ. Sâu xa hơn thế nữa, những người tin vào Đức Kitô và lãnh nhận Chúa Thánh Thần, làm nên một thân thể. Đó là điều mà thánh Phaolô đã giảng giải cho các tín hữu ở Corintô (bài đọc II). Trong thân thể của Đức Kitô, tức là trong Giáo hội, các tín hữu tuy làm nhiều việc khác nhau nhưng tất cả đều là chi thể của nhau, vì thế phải thương yêu nhau, phục vụ nhau. Mỗi người sống cho mọi người và mọi người cho mỗi người. Nguyên tắc sống này xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử, không phải trong một nước xã hội chủ nghĩa nào, nhưng là trong Kitô giáo, và hôm nay vẫn còn tồn tại đó trong Giáo hội nói chung, và đặc biệt trong các cộng đoàn tu sỹ.
Chúa Thánh Thần là món quà cao quí nhất mà Thiên Chúa Cha đã ban cho chúng ta qua trung gian Đức Kitô Phục sinh. Chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa vì ân huệ cao quí này. Rồi trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa Thánh Thần. Và vì Chúa Thánh Thần là Thần chân lý, là Thần yêu thương, nên tâm tình cố chấp, tâm tình gian dối, tâm tình chia rẽ là những điều trực tiếp phản nghịch với Chúa Thánh Thần. Trái lại, nếu chúng ta cố gắng sống khiêm nhường, chân thành và bác ái, thì Chúa Thánh Thần sẽ không ngừng ở với chúng ta. Người sẽ soi sáng chúng ta, dẫn dắt chúng ta dần dần tiến sâu vào vương quốc của Thiên Chúa, là vương quốc của tình thương và của niềm an ủi. Thánh Phaolô nói: “Nước của Thiên Chúa không phải là việc ăn việc uống, nhưng là công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Rm 14,17). Nói cách khác, Nước của Thiên Chúa là đời sống trong Chúa Thánh Thần với những hậu quả cụ thể là sự công chính, bình an và hoan lạc trong tâm hồn mỗi tín hữu cũng như trong các tương quan với nhau.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Thánh Thần là ai? Dựa vào đâu mà anh chị biết Thánh Thần là Thiên Chúa?
  2. Anh chị có cảm nhận được Chúa Thánh Thần trong đời anh chị không?
  3. Để mình bị biến đổi, để mình bị thúc đẩy trên đường dấn thân làm việc phục vụ, dễ hay khó?
II. SỐNG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Đề tài 6. Đối Thoại Xã Hội: Truyền Thông Lòng Thương Xót
Cần không ngừng chiêm ngắm Dung mạo Lòng Thương Xót mầu nhiệm của Thiên Chúa, vì đó là nguồn suối của hoan lạc, thanh bình, và bình an. Ơn cứu độ của chúng ta tùy thuộc điều đó. Thương Xót tỏ lộ chính mầu nhiệm của Ba Ngôi Ngàn Trùng Chí Thánh, là hành động tối thượng và tối hậu của Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Từ đó, Thương Xót trở thành luật cơ bản trong con tim của kẻ chân thành nhìn sâu vào ánh mắt của anh chị em mình trên hành trình cuộc đời. Đó chính là ý nghĩa và môi sinh trong lành nhất cho mọi cuộc gặp gỡ và đối thoại trong gia đình và xã hội. Như thế, Thương Xót vừa là chiếc cầu nối Thiên Chúa và con người, mở ra niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi dẫu chúng ta bất xứng vì phạm tội, vừa là thông điệp tin mừng cuối cùng muốn loan báo. Đối với Kitô hữu, mọi cuộc đối thoại ở mọi cấp độ thuộc mọi lãnh vực (trong gia đình, giữa các gia đình, tại môi trường nghề nghiệp, với người nghèo, với xã hội, với văn hóa, liên tôn, trong kinh tế-chính trị…) đều là đối thoại cứu độ.
1. Đối thoại cứu độ
Từ sau Công Đồng Vatican II, quan hệ giữa Hội Thánh và thế giới hôm nay vẫn luôn được đặt nặng và theo đuổi trong tinh thần đối thoại. Thánh Gioan Phaolô II nhìn nhận “tính cách quan trọng của đối thoại như một thể thức đặc trưng của đời sống Hội Thánh tại châu Á”[1]. Ước muốn đối thoại không phải là một chiến lược để sống chung hòa bình giữa các dân tộc, nhưng là phần thiết yếu trong sứ mạng của Hội Thánh[2], vì nhằm thông chuyển Tình yêu thể hiện qua Lòng Thương Xót muốn cứu độ. Đó là đối thoại của Thiên Chúa Cha ban ơn cứu độ với nhân loại, qua Chúa Con trong quyền năng Chúa Thánh Thần, thể hiện nơi Hội Thánh, Thân Thể huyền nhiệm và là Bí tích phổ quát của Chúa Kitô.
Hội Thánh chỉ có thể chu toàn sứ mạng theo đường lối hành động của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Người đã thành con người, chia sẻ cuộc sống của con người và nói bằng ngôn ngữ loài người để truyền đạt sứ điệp cứu độ. Đối thoại mà Hội Thánh đề xuất cũng theo cùng đường lối Mầu nhiệm Nhập thể. Chúng ta không quên:
- Sáng kiến đối thoại là của Thiên Chúa (1Ga 4,10). Đến lượt chúng ta phải có sáng kiến nới rộng cuộc đối thoại đó đến mọi người. Hội Thánh không chờ đợi mà phải đi bước trước.
- Đối thoại bắt nguồn từ Tình Thương, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa (Ga 3,16). Chỉ có tình yêu, lòng nhiệt thành vô vị lợi thúc đẩy chúng ta, mà không có động lực nào khác.
- Đối thoại vô cầu (không đo bằng công trạng, hay sự đáp ứng xứng hợp), vô giới hạn, không tính toán, không so hơn thiệt, không định mức cho đối thoại.
- Đối thoại không cưỡng chế ai đón nhận, nhưng mời gọi yêu thương, khơi trách nhiệm, để con người hoàn toàn tự do hay từ chối. Đối thoại còn tự thích nghi với nhu cầu và tâm trạng mỗi người.
-  Đối thoại dành cho mọi người, không phân biệt (Cl 3,11).
- Đối thoại cứu độ là một hành trình tiệm tiến, kiên nhẫn, khởi đầu khiêm tốn, vì “thời gian lớn hơn không gian”[3]: cần thời gian cho sự chín muồi về tâm lý, về lịch sử, biết chờ đợi “thời gian viên mãn”, nhưng không triển hạn đến ngày mai cái có thể làm hôm nay. Nhạy cảm với thời cơ thích hợp và ý thức giá trị thời gian. Mỗi ngày chúng ta một đổi mới, bắt đầu lại, không chờ đợi bên đối tác.
2. Đức tính cần cho đối thoại
Đối thoại cứu độ có thể nói là một nghệ thuật truyền thông thiêng liêng, nên chủ thể đối thoại cần có những đức tính sau đây trong khi tiến hành đối thoại: minh bạch, dịu dàng, tin tưởng, khôn ngoan.
- Trước tiên là sự minh bạch. Đối thoại với nhau là để hiểu nhau. Do đó nội dung trao đổi phải rõ ràng, dễ hiểu, không mơ hồ, không úp mở, dẫu phải hết sức tế nhị. Đối thoại là cách truyền đạt tư tưởng mời gọi vận dụng những khả năng cao nhất của con người.
- Kế đến là sự dịu dàng. Như Chúa Giêsu dạy “hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11, 29). Lời lẽ đối thoại không được tỏ ra kiêu căng, châm chích, gây phật lòng người khác. Sức thuyết phục do uy quyền tự bên trong của chân lý được trình bày, từ tình yêu, thương xót mà nó tỏa ra, từ gương sống động của người đối thoại.
- Đức tính thứ ba là tin tưởng. Tin vào sức mạnh của lời nói của mình, tin vào sự cởi mở và khả năng đón nhận của đối tác. Lòng tin tưởng khơi gợi mở lòng, tâm sự, tạo tình thân. Tin tưởng kết nối các tâm trí, cùng tâm tình, gắn bó với điều tốt đẹp, loại trừ ích kỷ.
- Sau cùng là sự khôn ngoan. Biết lưu tâm đến tâm trạng và tinh thần của người đối thoại (Mt 7,6). Thích ứng tùy theo đối tượng: có khi là đứa trẻ con, có lúc với kẻ không có văn hóa, khi thì với người trí thức … lưu ý đến những điểm nhạy cảm.
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận:
1. Trong gia đình, trong khu xóm, làng xã, trường học, trong giáo xứ anh chị, đã và đang có những loại gặp gỡ và đối thoại nào? Có những “nơi” nào cần thúc đẩy, cổ võ đối thoại hơn nữa?
2. Anh chị có cảm thấy niềm vui của tình yêu cứu độ thúc đẩy mình đi ra gặp gỡ đối thoại với mọi người, với cả “kẻ thù ghét” mình không?
3. Người lãnh đạo cộng đoàn của anh chị, và chính anh chị thấy cần chú ý rèn luyện và tập sống đức tính nào nhất trong những đức tính cần cho đối thoại?
 ––––––––––––––––––––
 [1] GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, 3.
 [2] Ibid., 29.
 [3] ĐGH PHANXICÔ, Evangelii Gaudium (Niềm Vui Tin mừng)
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log