Thứ sáu, 22/11/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 4 -2016

Cập nhật lúc 16:51 28/03/2016

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Kể từ năm 2000, đại lễ Lòng Chúa Thương Xót đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II thiết lập vào Chủ nhật II Mùa Phục sinh, vừa tôn vinh lòng Chúa thương xót như một thực tại bền vững và bao trùm, vừa tái xác tín vào lòng thương xót ấy giữa cuộc sống còn nhiều nhiễu nhương màu tử nạn, mong thắp lên niềm hy vọng Phục sinh.
Năm nay, đại lễ Lòng Chúa Thương Xót được tổ chức giữa lòng năm thánh về Lòng Thương Xót, nên trước hết phải xem như là một cử hành đặc biệt khó có thể có lần thứ hai trong một đời người. Thật vậy, còn hơn cả những mùa riêng biệt như Mùa Vọng, Mùa Giáng sinh, hay Mùa Chay và Mùa Phục sinh vốn chỉ kéo dài mỗi mùa hơn kém một tháng trong vòng quay ơn thánh, Năm thánh Lòng Thương Xót kéo dài cả năm với những thuận tiện nhiều mặt của ơn cứu độ, cách riêng của ơn tha thứ đến từ lòng xót thương diệu kỳ của Chúa. Ngoài ra, cũng cần coi đại lễ Lòng Chúa Thương Xót như một thực hành phải được nhân rộng trong đời sống đức tin. Chọn khép lại Tuần bát nhật Phục sinh với Chủ nhật về Lòng Thương Xót, Giáo hội muốn khắc họa cho chúng ta hiểu thêm rằng: ơn cứu độ đến với từng người do lòng Thương Xót của Chúa, và mỗi người cần phải quy hướng về lòng Chúa Thương Xót để lớn lên trong cuộc sống đức tin của mình.
Không phải vô tình mà bài Tin mừng ngày Chủ nhật II Phục sinh với việc Đấng Phục Sinh hiện ra với ông Tôma được chọn làm phông nền diễn tả tấm lòng của Chúa, mà hữu ý thông qua những chi tiết cụ thể muốn nêu cao: trước hết lòng Thương Xót có sáng kiến mở toang những cửa lòng còn đóng kín; sau đó lòng Thương Xót sẽ gần gũi thân thiện đến nỗi có thể gọi đích danh tên từng người như gọi tên ông Tôma vậy; và cuối cùng lòng Thương Xót còn giúp mọi người được thăng tiến trong niềm tin.
Từ ý hướng ấy, trên cấp độ Giáo phận, đại lễ Lòng Chúa Thương Xót sẽ được cử hành tại nhà thờ Hoà Bình vào lúc 14h00, Chủ nhật II Phục sinh, ngày 03/4/2016 với nhiều sinh hoạt đạo đức sốt sắng. Ước mong rằng các thành viên Cộng đoàn Khôi Bình sắp xếp thời gian để có thể tham dự và mong sao, mỗi người sẽ có thêm những thực hành xót thương đối với những người xung quanh. Hãy thương xót như Cha trên trời là Đấng hay thương xót.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT II MÙA PHỤC SINH
Cv 5, 12 - 16; Kh 1, 9-11; Ga 20, 19-31
Nếu tình yêu là bản tính của Thiên Chúa thì lòng thương xót là cách thức Chúa bày tỏ tình yêu, là dấu chỉ cho tình yêu vững bền của Ngài. Lòng thương xót nhìn kẻ tội lỗi không oán giận, không trả thù bằng sự giận dữ hay chừng phạt, nhưng xót xa vì họ lầm đường lạc lối, xót xa vì họ đang đi đến hố diệt vong. Lòng thương xót tựa như ánh mắt của tình yêu, giúp người ta nhận ra nhu cầu của tha nhân để chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ, xoa dịu hay chữa lành. Chúng ta có thể cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa qua suốt dọc dài lịch sử cứu độ.
Khởi từ tội lỗi của Adam, Chúa không đoạn nghĩa dứt tình với Adam. Chúa vẫn thương Adam và xót xa dường nào khi thấy Adam tủi hổ lẩn trốn. Adam là kẻ phản bội làm sao dám vác mặt gặp Chúa.
Tội lỗi làm cho người ta mặc cảm, xấu hổ và lo sợ khi phải đối diện với sự thật. Thế nhưng, Adam phần nào đã bớt đi sự sợ hãi, bớt đi áp lực tâm lý khi nghe tiếng gọi: “Adam, Adam ngươi đang ở đâu?” Âm thanh của tiếng gọi không mang âm sắc của giận dữ hay quở mắng, nhưng tiếng gọi vẫn thân thương dịu ngọt, có điều pha trộn chút âm điệu xót xa: “Phải chăng ngươi đã ăn trái cây trong vườn mà Ta đã cấm?”
Tội có thể được tha, nhưng hình phạt vẫn phải chịu. Nhưng ai là người phải chịu phạt thay cho tội Adam. Thiên Chúa không suy tính thiệt hơn. Không đắn đo suy xét. Ngay tức thời, lời hứa cứu độ đã được ban ra. Chính Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ gánh lấy tội Adam và đền thay cho tội lỗi Adam.
Có thể nói, lòng thương xót của Chúa được tỏ bày cụ thể và rõ nét trong cuộc đời của Chúa Giêsu. Cả cuộc đời luôn sống vì người khác, luôn đi đến mọi hang cùng ngõ hẻm để thi ân giáng phúc. Cả trong những lúc đau khổ nhất của cuộc đời, Ngài vẫn không nghĩ đến mình: Ngài xót thương các bà mẹ thành Giêrusalem “đừng than khóc tôi làm chi, nhưng hãy than khóc con cháu các người”; Ngài xót thương những kẻ đã làm hại mình, vì “họ không biết việc họ làm”; và đỉnh cao của lòng thương xót đó là ơn tha tội và ban thưởng hạnh phúc trường sinh. Đó là đặc ân mà anh “trộm lành” được diễm phúc đón nhận đầu tiên từ cây thập giá: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên thiên đàng với tôi.”
Chính ở điểm này mà trong dịp giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma vào năm 2000, Đức cố HồngY Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận đã nêu ra 10 điểm khiếm khuyết của Chúa Giêsu, trong đó có sự hay quên: Chỉ một câu nói thành thật với chính mình của anh “trộm lành” mà Chúa đã quên cả quá khứ tội lỗi của anh. Chỉ cần thấy bóng dáng thằng con “trời đánh” bỏ nhà đi hoang nay thất thểu trở về là người cha đã quên hết quá khứ đi hoang của nó.
Lòng thương xót của Thiên Chúa là vậy. Một vì Thiên Chúa chậm bất bình và rất mực khoan dung mà vua Đavít đã từng nói lên rằng: “Nếu Chúa chấp tội nào ai đứng vững.”  
Tình yêu Chúa cao hơn tội lỗi chúng ta, đến nỗi có thể phủ lấp muôn vàn tội lỗi chúng ta.
Người ta kể rằng: Có một linh mục nọ, ông là một người rất yêu mến Chúa, nhưng ông luôn bị ám ảnh bởi một tội mà ông đã phạm trong quá khứ. Ông đã ăn năn sám hối nhưng vẫn không được bình an tâm hồn. Cho tới một hôm nghe nói có một phụ nữ trong giáo xứ hay được tiếp xúc và nói chuyện với Chúa trong giấc mơ. Ông liền đến gặp và nhờ bà hỏi xem: Tôi đã phạm tội gì? Thế là mấy ngày sau gặp lại, ông hỏi: Chúa đã nói gì? Bà trả lời: Chúa nói rằng Ta chẳng còn nhớ gì nữa!
Bài Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy khi hiện ra với các Tông đồ, Chúa Giêsu không hề nhắc tới những chuyện đáng tiếc đã xảy ra: nơi ông Phêrô kẻ chối thầy ba lần; nơi các Tông đồ hèn nhát bỏ chạy nơi vườn cây Dầu, nơi Tôma kẻ bi quan, cố chấp luôn đòi sự kiểm chứng minh nhiên và cụ thể. Dường như Chúa đã quên hết và còn ban bình an cho các ông.
Hôm nay Chủ nhật kính nhớ lòng thương xót của Chúa, Giáo hội mời gọi chúng ta nhận ra mình là một tội nhân đã được Chúa cứu chuộc bằng giá máu cực thánh, chúng ta hãy biết đền đáp tình yêu Chúa bằng sự hoàn thiện con người của mình như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Đồng thời chúng ta cũng dâng hy sinh, lời cầu nguyện cho các tội nhân được ơn trở về với Chúa. Có lẽ đây là vấn đề mà những người Kitô hữu phải lo lắng quan tâm. Vì qua các phương tiện truyền thông, chúng ta không khỏi đau xót khi nhìn thấy một phần tương đối lớn thế hệ trẻ hôm nay sa đoạ, cuồng loạn và lạc mất hướng đi của đời người. Con số thống kê về ma túy, mại dâm, phá thai, đồng tính, HIV hay Aid mỗi ngày một gia tăng theo cấp số nhân.
Có lẽ Chúa cũng đang cần những con người thanh sạch như như ông Lót trong thành Sôdôma. Ông đã bị dày vò bởi những cảnh đồi bại luân lý diễn ra hằng ngày quanh mình. Ông cố thuyết phục dân thành ăn năn sám hối hầu tránh cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng không ai nghe ông. Rồi ông Abaraham cũng nài xin Chúa tha thứ nhưng lại không kiếm được 10 người công chính, thế là cả thành bị tiêu diệt. Và hôm nay, Chúa đang cần có nhiều người như thánh nữ Faustina, biết dâng những hy sinh đau khổ của mình như lễ vật tôn thờ Thiên Chúa và cứu thế gian khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Biết phó dâng bản thân, gia đình và nhân loại cho lòng thương xót của Chúa. Chúa vẫn mời gọi chúng ta dù là tội nhân, hãy tín thác vào lòng thương xót Chúa để Chúa chữa lành, phục hồi sự sống trong con người mới, con người của ân sủng.
Ước gì mỗi người chúng ta biết tín thác vào lòng thương xót Chúa. Hãy để Chúa chữa lành những đam mê, tật nguyền. Hãy để Chúa phục hồi sự sống trong ân sủng của Chúa. Nguyện xin Chúa là Đấng đã chết cho người mình yêu. Xin Chúa thương xót chúng con là kẻ tội lỗi.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Nhìn vào ông Tôma, anh chị học được những bài học gì cho đời sống đạo của mình?
  2. Anh chị có những nhận thức gì về lời Đức Giêsu nói với ông Tôma: “Phúc cho những ai không thấy mà tin” ?
II. TÌM HIỂU VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT
1. Lòng thương xót là gì?
Thực ra Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) đơn giản lắm. Đó là tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả chúng ta. Ngài muốn chúng ta nhận biết lòng thương xót của Ngài lớn hơn mọi tội lỗi của cả nhân loại, để chúng ta có thể kêu cầu Ngài với lòng tín thác, được lãnh nhận LCTX, và để LCTX chảy từ chúng ta tới tha nhân. Như vậy, mọi người đều chia sẻ niềm vui ấy.
Nhắc lại một chút: Thánh nữ Faustina có tên “cúng cơm” là Helena Kowalska, sinh ngày 25.8.1905 tại làng Glogowiec, thuộc miền Tây Lodz, Ba Lan. Thánh nữ là con thứ ba trong một gia đình có 10 người con. Khoảng 20 tuổi, Thánh nữ vào Dòng Tiểu muội Đức Mẹ Thương xót, Dòng này chuyên chăm sóc và giáo dục các phụ nữ trẻ gặp rắc rối. Năm 1906, Thánh nữ nhân tu phục và có tên dòng là Maria Faustina. Thập niên 1930, Nữ tu Faustina được Chúa Giêsu trao cho sứ điệp về LCTX. Chúa yêu cầu Nữ tu Faustina làm tông đồ và thư ký của LCTX, đồng thời làm khí cụ tái nhấn mạnh kế hoạch của LCTX đối với toàn thế giới. Thánh nữ Faustina qua đời năm 1938.
LCTX có từ thuở hồng hoang, từ khai thiên lập địa. Đức Maria cũng đã hai lần nhắc tới LCTX trong Kinh Magnificat (Lc 1, 46-55). Sứ điệp LCTX có thể tóm gọn trong 4 chữ T:
Thỉnh cầu. Thiên Chúa muốn chúng ta kết hiệp với Ngài qua việc cầu nguyện liên lỉ, mọi nơi và mọi lúc, sám hối và cầu xin Ngài tuôn đổ lòng thương xót trên chúng ta và toàn thế giới.
Tạ ơn. LCTX là ơn nhưng không, chúng ta đã nhận lãnh mà không cần điều kiện gì. Thiên Chúa muốn chúng ta biết tạ ơn Ngài, đồng thời phải tích cực làm cho LTX chảy từ chúng ta tới mọi người.
Tín thác. Thiên Chúa muốn chúng ta nhận biết rằng hồng ân của LCTX tùy thuộc vào niềm tín thác của chúng ta. Càng tín thác vào Chúa Giêsu thì chúng ta càng được đón nhận LCTX.
Thực hành. Thiên Chúa muốn chúng ta thể hiện lòng thương xót đối với bất kỳ ai. Ngài muốn chúng ta mở rộng tình yêu thương và lòng tha thứ đối với tha nhân giống như Ngài đã yêu thương và tha thứ mỗi chúng ta.
Bạn thấy LCTX đơn giản không? Rất dễ thể hiện, nếu chúng ta có tấm lòng yêu thương thực sự. Hãy tín thác vào Chúa Giêsu với tinh thần của một trẻ thơ, sống LCTX với mọi người, vì chính Ngài đã tự nguyện chịu chết vì thương xót chúng ta một cách vô điều kiện, dù Ngài hoàn toàn vô tội. Đó là Giá Máu và Nước mà ta phải trả.
Trầm Thiên Thu
2. Điều kiện để lãnh ơn Toàn Xá trong Năm Thánh LTX
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người chúng ta đều muốn lãnh nhận ơn xá cho mình hay nhường cho các linh hồn. Vậy chúng ta phải làm gì để lãnh ơn toàn xá trong Năm Thánh Lòng Thương Xót? Theo tông huấn GIÁO LÝ ÂN XÁ (Indulgentiarum Doctrina) do Đức Phaolô VI ban hành ngày 01/01/1967:
1. Ân xá là sự tha thứ trước mặt Chúa các hình tạm phải chịu dù tội đã được tha cho những môn đệ Chúa Kitô, với điều kiện xác định qua sự can thiệp của Giáo hội như thừa tác viên cứu rỗi, tha thứ với thẩm quyền và áp dụng kho tàng đền tội do Chúa Kitô và các thánh đã lập.
2. Sự tha thứ hình phạt tạm gọi bằng tên riêng là Ân xá.  Đây là cách giảm bớt dấu vết tội, đồng thời tẩy sạch các dấu vết tội đó.  Qua ân xá, Giáo hội lợi dụng sức mạnh của Chúa Kitô, qua lời cầu nguyện và sự can thiệp của quyền bính, áp dụng cho người tín hữu như họ chuẩn bị, kho tàng đền bù mà Chúa Kitô và các thánh đã lập để tha các hình phạt tạm.
3. Mục đích khi quyền bính Giáo hội ban ân xá, không những nhằm cho tín hữu thoát khỏi hình phạt mà còn thúc đẩy họ làm việc đạo đức, đền tội và bác ái để gia tăng đức tin và mưu cầu công ích.
4. Khi người tín hữu lãnh ân xá cho người chết, họ vun trồng đức bác ái cách tuyệt diệu và khi họ hướng tâm trí về trời, họ cũng khôn ngoan hơn nơi trần thế.
5. Muốn hưởng Ân xá, người tín hữu phải có những điều kiện sau: Xưng tội, Rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng và viếng nhà thờ.
Để lãnh ơn Đại xá hay còn gọi là toàn xá, phải làm việc có đại xá và giữ 3 điều kiện là xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng.  Điều đòi khác là phải dứt lòng quyến luyến tội lỗi, dù là tội nhẹ.
- Việc xưng tội: Một lần xưng tội để lãnh nhiều ơn đại xá.  Có nghĩa là cho đến khi nào ta phạm tội trọng thì ta mới đi xưng, nếu còn rước lễ được thì không buộc phải xưng.
- Việc rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng phải làm cùng và trong ngày ta lãnh ơn xá. Nghĩa là ta phải đi tham dự thánh lễ và rước lễ trong ngày đó nhưng không nhất thiết là tham dự tại nhà thờ đó hoặc vào giờ đó.  Ta có thể tham dự thánh lễ ở nhà thờ nào cũng được và đi viếng nhà thờ đã được chỉ định lúc nào trong ngày cũng được.
- Cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng, coi như đầy đủ khi đọc một kinh Lạy Cha và một kinh kính mừng.
Khi đi viếng nhà thờ đã được chỉ định để lãnh ân xá Tín hữu sẽ đọc một kinh Lạy Cha, một kinh tin kính.
Mỗi ngày chỉ lãnh được một ơn đại xá hay toàn xá.
Tóm lại, để được lãnh ơn toàn xá, ta phải xưng tội (nếu cần), tham dự thánh lễ và rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Giáo hoàng và đi viếng nhà thờ mỗi ngày hay mỗi khi có thể.  Phải làm các việc này trong một ngày. Mỗi ngày làm thì mỗi ngày lãnh được một ơn toàn xá.  Mỗi lần làm thì mỗi lần lãnh được một ơn toàn xá.
Nếu ta không tham dự thánh lễ và rước lễ thì dù ta có cầu nguyện và đi viếng nhà thờ thì ta cũng không được lãnh ơn toàn xá.  Hay ta có tham dự thánh lễ mà không rước lễ thì ta cũng không được lãnh ân xá.
Đi viếng nhà thờ thì đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính mừng và một kinh Tin kính, tùy ý đọc thêm kinh Năm thánh để cầu theo ý Đức Giáo hoàng. Đọc kinh Năm thánh do Đức Giáo hoàng làm ra thì không có gì thích hợp bằng.
Và nhất là ta phải làm những việc đó mục đích là để nên Thánh.  Sống trong năm thánh ta phải nên thánh, điều mà ta đã cố gắng trong Năm thánh, trở thành một thói quen tốt cho suốt quãng đời còn lại của ta, mặc dù không lãnh nhận ân xá trong những năm khác, nhưng giúp cho ta nên thánh.  Đó là điều quí nhất và là điều Giáo hội mong muốn. 
Nên thánh thì ta sợ gì mà không lên thiên đàng. Chúa không hơn ân xá sao?  Có Chúa là có mọi ân xá. Có Ân xá mà không có Chúa cũng như không.  Nếu ta chỉ cố gắng trong năm thánh mà thôi, thì ân xá có nhiều mấy đi chăng nữa, cũng có ích gì cho ta. Ta đừng ỷ rằng ta có nhiều ơn toàn xá, mà không nên thánh, ta vẫn không được lên thiên đàng đâu. 
Vậy chúng ta hãy hiểu ý của Giáo hội khi mở Năm Thánh, để ta cố gắng sống thánh thiện và thu tích thêm nhiều ân xá cho mình cũng như dâng tặng cho các linh hồn.
Lm. Bosco Dương Trung Tín
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log