Thứ hai, 23/12/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 01-2016

Cập nhật lúc 16:35 03/01/2016


Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Năm mới đến với chúng ta như một thời điểm may mắn, không vì con số 2016 có tổng số là 9 như có người giải đoán, mà vì chủ đề “Lòng Thương Xót” đã được Giáo hội chọn để nêu cao.
Cùng trong nhãn giới về Lòng Thương Xót, năm nay trong Sứ điệp Hòa bình với chủ đề: “Chiến thắng sự dửng dưng, chinh phục hoà bình”, Đức Thánh cha Phanxicô cảnh báo lối sống dửng dưng không chỉ nơi các cá nhân, nhưng nó còn đang thể hiện nơi các nhóm, các tổ chức, các quốc gia và quốc tế. Sự dửng dưng thể hiện qua thái độ lạnh lùng, vô cảm trước những nỗi đau của anh chị em, nhắm mắt làm ngơ không muốn ra tay giúp đỡ khi anh em gặp những hoàn cảnh khó khăn. Lối sống dửng dưng còn thể hiện qua việc thấy những bất công xấu xa mà không lên tiếng, thấy những điều tốt đẹp cao thượng mà không cảm phục, ngưỡng mộ; làm điều sai, điều xấu, trái với lương tâm mà không xấu hổ. Lối sống dửng dưng này là hệ quả của lối sống dửng dưng đối với Thiên Chúa, họ đã loại trừ Thiên Chúa ra khỏi tâm hồn và đề cao lối sống duy vật hưởng thụ, tự thoả mãn với chính mình.
Không chỉ loại trừ lối sống dửng dưng, Đức Thánh cha còn mời gọi chúng ta phải chinh phục hoà bình, góp phần mình đem đến hoà bình cho nhân loại. Hoà bình không chỉ là không có chiến tranh, nhưng hoà bình phải bắt đầu bằng một tình trạng tâm hồn bình an, vui tươi, không hận thù, không oán giận. Như thế, việc xây dựng hoà bình trước hết là xây dựng lại mối liên hệ của mỗi người đối với Thiên Chúa. Vì chỉ khi chúng ta có một tâm hồn trong sạch, một lương tâm trong sáng trước mặt Thiên Chúa, chúng ta mới có được cái tâm bình an. Kế đến, việc xây dựng hoà bình cần khởi đi từ trong mỗi gia đình, vì gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Gia đình bình an thì xã hội và thế giới sẽ an bình, gia đình êm ấm, thuận hòa, hạnh phúc thì thế giới sẽ yên ổn, hạnh phúc.
Cách riêng, đối với Giáo hội Việt Nam, năm 2016 cũng là năm cuối cùng trong ba năm hướng đến chủ đích Tân Phúc  âm hoá từ đời sống gia đình qua đời sống giáo xứ đến đời sống xã hội. Một cách nào đó, chủ đích này đã trở thành mối quan tâm và từ lâu đã được lặp đi lặp lại trong giáo huấn chính thức cũng như trong huấn dụ thông thường của HĐGMVN, như kiểu nói: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” hay kiểu nói: “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt.” Nhưng những nỗ lực ấy xem ra chưa đem lại hiệu quả tương ứng. Đó đây trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống cộng đoàn vẫn còn thấy cảnh phân chia đáng buồn giữa đạo một bên và đời một bên, làm như đạo chẳng can dự đến đời và đời chẳng liên quan tới đạo, ấy là chưa muốn nói đến cảnh nhói lòng khi đạo như trống đánh xuôi, còn đời lại như kèn thổi ngược, điển hình như vấn đề ly dị hiện nay. Chúng ta sẽ không có tham vọng thay đổi được xã hội, nhưng bằng “nhiệt tình mới, phương pháp mới, và cách diễn tả mới” trong việc Phúc âm hoá, Giáo hội ít ra cũng sắm cho mình những hành trang cần thiết và mở cho mình một hướng đi tích cực, sẵn sàng dấn thân và ngay cả đến hiến thân, để dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, góp phần xây dựng một xã hội có nhiều chỗ đứng hơn cho công lý và hòa bình. Phúc âm hoá đời sống xã hội, chính là đem niềm vui Tin mừng vào trong đời sống xã hội hiện tại và đem đời sống xã hội với những phức tạp thường tình vào trong lời kinh hằng ngày của Giáo hội.
Thưa quý anh chị em,
Nếu hiểu được như trên, năm 2016 đối với chúng ta quả là một ngày chất chứa nhiều sứ mạng, nhưng cậy dựa vào tình thương của của Lòng thương xót Chúa, chúng ta quyết tâm sống hết mình với những chọn lựa chung của Giáo hội.
Cụ thể, xin đề nghị anh chị em thực hành những đề nghị sau đây:
Thứ nhất, mỗi cá nhân cần xây dựng lại tương quan với Thiên Chúa, kế đến là nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng niềm vui ơn thánh Chúa qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, nhất là Bí tích Hoà giải và Thánh Thể. Qua Bí tích Hoà giải, chúng ta sẽ cảm nhận được bình an của ơn tha thứ; qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta đón nhận và học được bài học yêu thương trao hiến và phục vụ, từ đó chúng mới có thể đem bình an đến cho anh em.
Thứ hai, hãy xây dựng hoà bình cho gia đình, tháo dỡ những ngòi nổ chiến tranh là những giận hờn, căng thẳng, cãi vã; hãy bước đến với nhau để đối thoại, để hiểu nhau, thông cảm cho nhau. Hãy loại trừ những cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình là sự giận dỗi, sự im lặng lạnh lùng khiến cho bầu khi gia đình u ám căng thẳng. Cần loại trừ cả những cuộc chiến phân chia biên giới trong gia đình, khi cha mẹ, con cái đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau. Chắc chắn không có ai là người chiến thắng trong những cuộc nội chiến của gia đình, tất cả đều là kẻ thua, nhưng kẻ bị thiệt hại, tổn thương nhiều nhất trong những cuộc chiến dai dẳng ấy chính là con cái.
Thứ ba, hãy biết quan tâm đến các anh chị em đang sống trong hoàn cảnh đáng thương về mọi mặt, cả về thể chất lẫn tinh thần, chúng ta hãy để cho con tim của mình lên tiếng nói: trước tiên là sự thông cảm để an ủi; sau đó là sự thương xót để sẻ chia; và cụ thể hơn nữa là sự tình nguyện để sẵn sàng ra tay giúp đỡ.
Sau cùng, hãy đồng hành với Mẹ Giáo hội Việt Nam trong chương trình Phúc âm hoá đời sống xã hội, mỗi người trong bậc sống và theo hoàn cảnh sống của mình, hãy trở thành những chứng nhân sống khít khao tinh thần Phúc âm hóa: biết đặt công ích lên trên quyền lợi cá nhân; biết quan tâm chia sẻ với mọi người đặc biệt là những người nghèo; và biết chăm sóc thiên nhiên, sinh thái và môi trường sống.
Nguyện xin ân phúc, bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn ở với mỗi người chúng ta trong suốt năm 2016 này.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 


CHIA SẺ LỜI CHÚA
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
Is 42, 1 - 7;  Cv 10, 34 - 38;  Lc 3, 15-16 . 21-22 
 
Có một ông chủ trại kia, sau khi mùa gặt hái đã xong, liền làm một bữa tiệc đãi các tá điền và bạn bè. Đây thật là một bữa tiệc long trọng. Ông cho đưa ra các thứ chén đĩa rất quý. Mỗi khách dự tiệc có một khăn trắng và một bát nước chè dùng để rửa tay sau khi ăn món tôm nướng. Có một người tá điền lần đầu tiên được tham dự một bữa tiệc sang trọng như vậy. Sau khi ăn món tôm xong thì anh lấy bát nước chè uống. Những người khách sành điệu ngồi chung quanh liếc nhìn, mỉm cười, rồi bỗng cả phòng tiệc cười ồ lên. Ông chủ nhà biết chuyện, liền nâng bát nước chè của mình lên và uống cạn. Khi thấy ông chủ nhà cũng uống bát nước trà như thế, cả phòng tiệc mới im lặng. Sau này, ai cũng khen ngợi ông chủ nhà thật là quảng đại và nhất là rất tế nhị: ông mời những khách dự tiệc phần lớn là những người nghèo theo tinh thần của Chúa Giêsu và khi thấy một người bị những người khác chê cười vì đã uống thứ nước chè dùng để rửa tay, thì ông cũng uống bát nước chè của ông và như thế chẳng ai còn dám cười người tá điền kia nữa. Cử chỉ của ông chủ thật là tuyệt vời: ông đâu phải là người quê mùa. Nhưng khi ông uống bát nước chè dùng để rửa tay, là ông tự hạ mình xuống chỗ người tá điền để bảo vệ danh dự cho anh ấy.
Cử chỉ của ông chủ kia giúp chúng ta hiểu phần nào cử chỉ của Chúa Giêsu khi Người tới sông Giođan xin ông Gioan làm phép rửa cho mình. Chắc chắn cũng có những người Pharisêu và kinh sư đến sông Giođan để nghe ông Gioan Tẩy giả giảng, nhưng họ không nhận phép rửa vì họ cho mình là những người đạo đức, thánh thiện, tuân giữ lề luật. Họ chê bai những người khác là những kẻ tội lỗi. Chúng ta còn nhớ câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế vào đền thờ để cầu nguyện. Trước bàn thờ, người Pharisêu đứng thẳng và thưa với Thiên Chúa: “Con không giống như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12). Người Pharisêu cảm thấy mình không cần phải chịu phép rửa, không cần phải hoán cải. Vì thế có lần ông Gioan Tẩy giả đã nổi nóng và nói với những người Pharisêu: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả xứng với lòng sám hối…” ( Lc 4, 7-8). Đức Giêsu không la mắng như ông Gioan. Người giống như người Tôi tớ mà ngôn sứ Isaia đã nói và chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ nhất: "Người sẽ không kêu to, không nói lớn, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường." Người chỉ khiêm tốn bước xuống dòng sông Giođan và xin cho mình cũng được chịu phép rửa như mọi người mà thôi.
Trong số những người chứng kiến cảnh đó, chỉ một mình ông Gioan biết rõ Đức Giêsu là ai. Vì thế ông mới nói với Chúa Giêsu: "Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi." Nhưng Đức Giêsu trả lời: "Bây giờ cứ thế đã. Vì có như vậy, chúng ta mới chu toàn được Thánh Ý."
Chúa Giêsu đã tự đặt mình vào hàng những người tội lỗi: đó là điều đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Người không muốn người ta chê cười, diễu cợt và nhất là kết án những con người tội lỗi hoán cải. Người là Đấng thánh thiện, thế mà đã chấp nhận thân phận làm người giống như bao kẻ tội lỗi, để trước mặt Thiên Chúa Người trở thành một kẻ cầu bầu và che chở cho họ. Việc Người dìm mình trong dòng nước sông Giođan có nghĩa là Người chấp nhận cả sự chết, tức là số phận của những người tội lỗi. Đây không chỉ là một cử chỉ tượng trưng, nhưng suốt đời Chúa Giêsu vẫn thích đi lại với những người tội lỗi, ăn uống với họ, đàm đạo với họ để rồi cuối cùng chết trên thập giá giữa hai kẻ gian phi. Vì thế mà sau khi chị phép rửa xong, Người bước lên khỏi mặt nước, một cảnh vinh quang đã xảy ra. Thánh Matthêu đã dùng ngôn ngữ cổ điển để miêu tả quang cảnh ấy: “Trời mở ra, Thần khí như con chim bồ câu đáp xuống và có tiếng phán từ trời.”
Ý nghĩa của những kiểu nói ấy như thế nào?
Ngày xưa khi hai ông bà Ađam và Eva phạm tội, thì cửa địa đàng đã đóng lại, con người không còn được sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa. Nhưng khi Đức Giêsu Giêsu đã chấp nhận đứng vào hàng những người tội lỗi, để cùng chết với họ và cho họ, thì "trời mở ra", nghĩa là loài người từ nay được giao tiếp với Thiên Chúa: trời và đất gặp nhau. Rồi Thần khí như chim bồ câu ngự xuống. Sách Sáng thế kể là trước khi trời đất được tạo dựng, thì Thần khí Thiên Chúa bay lượn như bóng chim. Ở đây khi thánh Mátthêu nói "Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu", thì ngụ ý là một công trình tạo dựng mới sắp bắt đầu nhờ công trình cứu chuộc của Đức Kitô. Những ai tin vào Đức Kitô và đón nhận sự cứu chuộc của Người, thì sẽ được biến đổi để trở thành một tạo vật mới. Sau hết có tiếng từ trời vọng xuống trên Đức Kitô: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người." Câu này vừa nhắc tới Tv 2, 7 nói về người Con mà Thiên Chúa sinh ra vừa nhắc tới người Tôi tớ "được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu mến hết lòng" (Is 42,1). Trong Đức Giêsu Thiên Chúa cũng chọn tất cả chúng ta làm con cái của Người. Đó là ý nghĩa của phép rửa mà chúng ta tưởng nhớ hôm nay. Đức Giêsu là Đấng Thánh, thế mà Người đã đứng vào hàng những người tội lỗi, sống liên đới với họ cho đến nỗi chịu chết trên cây thập giá. Người muốn nhờ cách đó mà đưa tất cả những ai tin vào Người trở về với Thiên Chúa, giúp cho họ trở thành những tạo vật mới đẹp lòng Thiên Chúa.
Hôm nay, khi chúng ta suy niệm về biến cố này, trước hết chúng ta hãy nhìn nhận chúng ta là những con người tội lỗi cần phải sám hối và cần được ơn cứu độ của Đức Giêsu: chính Người đã đi trước, làm gương cho chúng ta phải khiêm nhường nhìn nhận con người thật của mình để được hưởng lòng thương xót của Chúa Cha. Đàng khác chúng ta thấy Đức Giêsu không bao giờ kết án những người tội lỗi, không bao giờ Người muốn họ phải xấu hổ. Trong cuộc sống chúng ta cũng hãy noi gương Đức Giêsu đừng bao giờ kết án những người sai lạc, nhưng hãy tỏ ra thông cảm, chịu đựng và nhất là cầu nguyện cho họ: phương cách này hữu hiệu hơn là chê trách và la rầy, nếu chúng ta muốn đưa họ tới chỗ mở rộng cõi lòng để đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Anh chị học hỏi được gì nơi Thánh Gioan Tẩy giả ở đây?
  2. Bài Tin mừng này nhắc nhở cho anh chị những gì về Bí tích Thánh tẩy mà anh chị đã lãnh nhận?
  3. Suy niệm bài Tin mừng này giúp anh chị thế nào cho phù hợp với ý nghĩa và giá trị của Bí tích Thánh tẩy?
II. TÀI LIỆU NĂM TÂN PHÚC ÂM HOÁ XÃ HỘI CỦA HĐGMVN
Đề tài số 02: Lời giải đáp của Tin Mừng Lòng Thương Xót cho chất vấn về người di dân và tị nạn
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong sứ điệp Ngày Thế giới về Di dân và Tị nạn 17.01.2016 năm nay với chủ đề “Người Di dân và Tị nạn chất vấn chúng ta: lời giải đáp của Tin Mừng về Lòng Thương Xót”, cảnh giác mọi người rằng ‘dửng dưng và im lặng trước thảm cảnh người di dân và tị nạn là mở đường cho sự đồng lõa, khi chúng ta như khán giả chứng kiến cái chết vì ngộp thở, vì kiệt sức, bạo lực và đắm tàu”.
1. Thực trạng di dân và người tị nạn chất vấn
Tình trạng tị nạn ngày nay làm gia tăng sự chú ý của thế giới, đặc biệt những đoàn người đang tìm tránh thoát các cuộc chiến tranh ở Syria, Bắc Phi, thảm cảnh đắm tàu, bạo lực, kiệt lực, … Cộng thêm vào hiện tượng di dân vì lí do kinh tế xảy ra ở khắp các đất nước vì hoàn cảnh ngày càng cách biệt giữa cuộc sống nông thôn và đô thị. Trong sứ điệp, Đức Thánh Cha nói đến ”làn sóng di dân liên tục gia tăng ở mọi miền trên thế giới.. Càng ngày càng có những nạn nhân của bạo lực và nghèo đói rời bỏ nguyên quán, chịu sự hành hạ của những kẻ buôn người trong hành trình tiến về giấc mơ một tương lai tốt đẹp hơn”. “Hơn lúc nào hết, ngày nay Tin Mừng về lòng thương xót lay động lương tâm, ngăn chúng ta đừng vô cảm trước những đau khổ của người khác, và chỉ dẫn cách đáp ứng bám rễ sâu từ trong các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, và được diễn tả qua các hoạt động từ bi bác ái về tinh thần cũng như thể lý”.
2. Một lịch sử cứu độ qua di dân
Lịch sử của dân Chúa Cựu ước được đặc trưng là một di dân: gia đình tổ phụ Giacóp di cư sang Ai cập tránh nạn đói, câu chuyện cuộc hôn nhân của Bà Rút với ông Bôat trong bối cảnh tha hương hội nhập giữa dân ngoại với dân Do Thái được Luật Chúa bảo vệ. Trong Tân ước, Dung mạo của Lòng Thương Xót của Chúa tỏ lộ qua: Chúa Giêsu chữa lành 10 người phong trong đó có một người ngoại kiều (Lc 17,18), câu chuyện dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (Lc 30,30-37), “Ta là khách lạ mà các ngươi đã viếng thăm” (Lc 3,32). Và chính Thánh Gia trốn sang Ai Cập là biểu tượng và là nguồn cảm hứng của mối quan tâm chăm sóc đặc biệt cho người lao động di dân và gia đình họ. Đức Thánh Cha nhắc nhở cho các tín hữu rằng ”những người di dân là anh chị em chúng ta đang tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, thoát được nghèo đói, bóc lột và bất công trong việc phân phối tài nguyên thế giới”. Ngài cũng khẳng định rằng ”sự hiện diện của những người di dân và tị nạn đang chất vấn nghiêm trọng các xã hội đón tiếp họ ... Làm thế nào để sự hội nhập người di dân và tị nạn ấy làm cho nhau được phong phú, mở ra những con đường tích cực cho cộng đoàn, và vượt thắng những nguy cơ phân biệt đối xử, kỳ thị chủng tộc, quốc gia chủ nghĩa cực đoan và nạn bài ngoại.” Lời Chúa trong sách Khải huyền thúc đẩy các cộng đoàn (gia đình, giáo họ, giáo xứ, giáo phận, …) không ngại đe dọa sự yên ổn mà mở rộng cửa cho Chúa Giêsu, phản chiếu nơi dung mạo của anh chị em đó: “Này đây, Ta đứng ngoài cửa mà gõ” (Kh 3, 20).
3. Xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ với anh chị em di dân
Sẵn sàng trao ban đồng thời sẵn sàng đón nhận là đặc trưng của nền văn hóa gặp gỡ mà Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến dụ gần đây. Những cuộc di dân lớn trong thời đại chúng ta do chiến tranh (tị nạn), do lao động hay du học, việc làm, du lịch, … những cuộc di dân sinh ra một hiện tượng mới, là sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa và từ đó có truyền giáo. Những người không công giáo đến các quốc gia các vùng miền có truyền thống Kitô giáo, tạo ra những cơ hội cho tiếp cận và trao đổi văn hóa, mời gọi Giáo hội đón tiếp, đối thoại, tham dự, nói tắt là tình huynh đệ.[4] Tất cả trào lưu ấy, ngay cả di dân của những Kitô hữu ra ngoài cộng đoàn Hội Thánh của họ, tạo ra những cuộc gặp gỡ nhiều hơn, đa dạng hơn, thường xuyên và toàn cầu, các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau hôm nay, tạo một xã hội nhân loại đa nguyên mọi cấp độ (chủng tộc, văn hóa, tôn giáo). Lòng thương xót chỉ thực sự là hành động của tình thương, bác ái khi đồng thời chúng ta xác tín sâu xa rằng chúng ta cũng nhận được lòng thương xót từ những kẻ chịu nhận nó từ chúng ta. Khía cạnh hai chiều hỗ tương là không thể thiếu trong thực thi lòng thương xót, nhất là trong nền văn hóa gặp gỡ.
Câu hỏi chia sẻ và thảo luận:
  1. Trong Tông chiếu “Dung Mạo Lòng Thương Xót” (Số 20) nhấn mạnh tới lời Chúa Giêsu trích dẫn tiên tri “Ta muốn lòng thương xót, chứ không muốn hy lễ” (Hs 6,6) có thể áp dụng theo những chiều kích nào trong cuộc sống của anh chị ?
  2. Cộng đoàn giáo xứ nơi anh chị em di dân ra đi có chuẩn bị gì cho anh chị em để trở thành người loan báo Tin Mừng về lòng thương xót?
  3. Làm thế nào để sự hội nhập người di dân làm phong phú cho nhau, mở ra những con đường tích cực cho cộng đoàn, và vượt thắng những nguy cơ phân biệt đối xử? (Sứ điệp Quốc tế Di dân 2016).
  4. Anh chị em di dân cảm nghiệm thế nào về Lòng Thương Xót của Chúa trong cuộc sống của mình, và làm gì để đem Lòng Thương Xót của Chúa cho tha nhân?
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log