Thứ tư, 22/01/2025

Đồng hành Khôi Bình Hưng Hóa tháng 12/2015

Cập nhật lúc 10:29 12/12/2015


Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Bằng Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót” (Misericordiae Vultus) ngày 11/4/2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập Năm Thánh Lòng Thương Xót, kéo dài từ ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12/2015 đến ngày lễ Chúa Kitô Vua 20/11/2016. Năm thánh ngoại thường này là thời gian đặc biệt mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm lòng thương xót của Chúa như được thể hiện sống động và hữu hình nơi Đức Giêsu Kitô, để đón nhận và làm chứng cho lòng thương xót ấy trong cuộc sống hằng ngày.
Hưởng ứng lời kêu gọi của vị Cha chung, chúng ta hãy tích cực sống Năm Thánh này. Vậy phải sống Năm thánh này thế nào? Trong Tông sắc “Dung mạo lòng thương xót”, Đức Thánh Cha đề ra một vài gợi ý sau đây:
1. Sống Năm thánh dưới ánh sáng Lời Chúa: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36). Điều này có nghĩa là lấy lại giá trị của sự im lặng, để suy niệm Lời Chúa nói với chúng ta. Theo cách này, chúng ta có thể chiêm niệm lòng thương xót của Chúa và nhận lấy đó làm cách sống cho chính bản mình.
2. Hành hương là dấu chỉ đặc biệt trong Năm Thánh, vì đó là hình ảnh của hành trình mà mỗi người thực hiện trong cuộc sống mình. Đức Thánh Cha đề nghị những chặng đường trong cuộc hành hương này như sau:
Trước hết, là thái độ canh giữ con tim của mình thật bình lặng, biết nhịp đập bằng lẽ xót thương: tiêu cực là không xét đoán ai, không lên án ai, không nói hành nói xấu ai; tích cực hơn là biết chủ động bỏ qua cho ai vô tình hay hữu ý gây hấn với mình; và đẹp hơn nữa là biết hy sinh một chút gì đó nơi bản thân để làm sáng lên lòng nhân hậu đối với người khác.
Thứ đến, là hành vi biểu tỏ lòng thương xót, cách riêng thể hiện qua sự tha thứ, không chỉ là quên đi những kỷ niệm đau buồn, mà còn bộc lộ qua niềm vui đón nhận nhau trong tình yêu. Khi tôi còn là tội nhân, Chúa đã đi bước trước tha thứ cho tôi, tại sao đến phiên tôi, tôi còn lừng khừng chưa chịu thứ tha cho người làm buồn lòng tôi?
Sau cùng, vừa như là hiệu quả của lòng Chúa thương xót, vừa vươn ra khỏi đời sống thuần túy thiêng liêng để mang lấy tầm vóc rộng lớn của sứ mạng truyền giáo, là thực hành, là thường xuyên lấy bác ái bổ sung cho công bình, lấy tình thương làm thước đo đời sống người tín hữu, lấy nhân hậu làm tiêu chuẩn cư xử với nhau và lấy lẽ xót thương làm thực phẩm hàng ngày. Hay nói ngắn gọn là biết đón nhận lòng Chúa thương xót và biết ghi dấu bằng tình xót thương đến mọi người. Trong năm thánh này, chúng ta hãy có một quyết tâm nhỏ là thường xuyên dâng lời nguyện tắt, mọi lúc mọi nơi, với cả tâm tình: “Lạy Chúa, xin thương xót con!.”
Anh chị em thân mến,
Ban quản gia Giáo phận ước mong rằng mỗi thành viên trong Cộng đoàn chúng ta càng ngày càng biết chiêm ngưỡng lòng Chúa thương xót, càng ngày càng biết đón nhận dồi dào, và đi đến cùng là mỗi người chúng ta quyết tâm làm chứng bằng cách thực hiện tình thương xót trong cuộc đời mình. 
Trong niềm hân hoan cảm nhận lòng Chúa thương xót qua mầu nhiệm Nhập Thể, kính chúc anh chị em và gia quyến một lễ Giáng sinh an lành thánh đức, một Năm mới 2016 an khang hạnh phúc.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT IV MÙA VỌNG
Mk 5,1- 4; Dt 10, 5 -10; Lc 1, 39 - 45
Trong ba tuần vừa qua của Mùa Vọng, chúng ta đã được nghe những sấm ngôn của các ngôn sứ liên hệ đến Đấng Cứu thế hoặc hoàn cảnh của Dân Chúa vào thời Đấng Cứu thế đến. Mỗi ngôn sứ diễn tả một sắc thái: ngôn sứ Isaia trình bày Đấng Cứu thế phát xuất từ dòng dõi vẻ vang của vua Đavít; ngôn sứ Giêrêmia trình bày Đấng Cứu thế là Đấng Công minh, chính trực (Gr 33,14-16) v.v… Ngôn sứ Mikha mà chúng ta vừa nghe hôm nay trình bày một sắc thái khác.
Ngôn sứ Mikha thi hành sứ vụ giảng dạy vào khhoảng năm 750-697 trước Chúa Giêsu Giáng sinh, đồng thời với ngôn xứ Isaia. Lúc ấy bên ngoài thì đất Palestina bị quân Assyrie vây hãm: Dân Chúa chỉ tin tưởng vào khí giới, xa ngựa, pháo đài và các tà thần (Mk 5, 8-14), chứ không tin tưởng vào Giavê. Bên trong thì những người có trách nhiệm như vua quan, các tư tế chạy theo của cải và bóc lột những người nghèo (2,1-2; 3,1-3; 3, 5-6. 9-11). Lời giảng của ngôn sứ Mikha có thể được tóm tắt trong một câu: “Giavê đã mặc khải cho ngươi, hỡi người, cái gì là thiện, và Giavê đòi hỏi ngươi điều gì: Không gì khác là thi hành công lý, yêu chuộng nhân nghĩa và túc kính đi với Thiên Chúa ngươi thờ” (Mk 6, 8).
Trong bối cảnh đó, nghĩa là trong khi vua quan và dân chúng tin tưởng vào sức mạnh của khí giới, binh lính, quyền thế, tiền bạc, thì Mikha tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ phát xuất từ một hoàn cảnh nghèo nàn, từ một thôn dã nhỏ bé: “Phần ngươi hỡi Bêlem - Ephrata, nhỏ bé nhất trong các bộ tộc Giuđa. Chính tự nơi ngươi sẽ xuất hiện cho ta. Vị có mệnh thống lĩnh sơn hà Israel” (Mk 5,1). Đấng Cứu Thế sẽ không dùng những phương tiện trần thế để trị dân, nhưng "Người sẽ chăn dắt dựa vào quyền lực Giavê, nhờ uy danh của Đức Giavê, Thiên Chúa của ngươi" (Mk 5, 3).
Bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Đấng Cứu Thế không những phát xuất từ một thôn xóm nghèo nàn, nhưng còn sinh ra từ một người mẹ nghèo hèn và khiêm hạ. Thực vậy, tuy thuộc dòng dõi vua Đavít, nhưng trong hoàn cảnh cụ thể, Đức Maria là một người phụ nữ thuộc địa vị thấp hèn trong xã hội. Không những thế, Đức Maria lại là người rất khiêm hạ trong tâm tình: Người tự xem mình là "tôi tớ của Thiên Chúa" và là tôi tớ của tha nhân. Đức Mẹ đã đến nhà bà Elisabeth để phục vụ.
Đấng Cứu thế phát xuất từ một làng mạc nhỏ bé, từ một người mẹ nghèo hèn ! Rồi chính Người cũng là một kẻ nghèo hèn. Bài đọc II cho thấy: Khi bước vào trần gian tâm tình của Đức Kitô là tự xem mình như một người tôi tớ khiêm hạ và tuân phuc: "Này con đến để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa" (Dt 5, 7). Đây là tiếng "Xin Vâng" của Con Thiên Chúa trước khi nhập thể.
Các bài Kinh thánh hôm nay cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã chọn những phương tiện nhỏ bé và những con người khiêm hạ để thực hiện những điều trọng đại. Thánh Phaolô đã diễn tả đường lối đó của Thiên Chúa một cách thâm thúy: "Những điều thế gian coi là điên rồ, thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc hạng khôn ngoan, và những gì thế gian coi là yếu đuối thì Thiên Chúa đã chọn để bêu nhuốc những gì là mạnh mẽ; những điều thế gian cho là ti tiện, là không đáng kể thì Thiên Chúa đã chọn, những điều không không, để hủy ra không những điều có, ngõ hầu đừng có xác phàm nào dám vinh vang trước mặt Thiên Chúa" (1 Cr 1, 27- 29). Thiên Chúa đã cho thánh Tông đồ hiểu: "Quyền năng trong yếu đuối mới viên thành" (2 Cr 12, 9).
Lời Chúa hôm nay chất vấn chúng ta: chúng ta đặt tin tưởng vào đâu? Dân Do thái ngày xưa, khi bị đế quốc Assyrie vây hãm, thì tin cậy vào sự cứu trợ của Ai cập, vào khí giới, vào các pháo đài, vào tiền bạc, vào các tà thần. Còn chúng ta hôm nay tin cậy vào những phương tiện trần gian hay vào quyền năng của Thiên Chúa? Chúng ta dựa vào người thế hay vào Đức Kitô, Đấng đã chết và đã phục sinh cho chúng ta? Người ta thường nói: muốn thành công trong cuộc đời thì phải có 04 chữ T: Thân - Thế -Tiền - Tài
- Thân: phải có bạn hữu
- Thế: phải có địa vị
- Tiền: phải có của cải
- Tài: phải có khả năng
Đó là não trạng của người đời.
Phần chúng ta, những người muốn làm môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được Chúa cho hiểu rằng: quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ một cách rạng rỡ nơi những người khiêm hạ và nơi những phương tiện nghèo nàn. Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: "Như Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc trong khó nghèo và bách hại, Giáo hội cũng được mời gọi đi cùng đường lối ấy hầu thông ban ơn cứu rỗi cho loài người …" (LG 8, 3).
"Giáo hội được thiết lập không phải để tìm kiếm vinh quang trần thế, nhưng để truyền bá khiêm nhường và từ bỏ bằng gương lành của chính mình.”
Trong cụ thể, các bài đọc Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:
Hãy sống nghèo khó và khiêm nhường: Mỗi người hãy chấp nhận hoàn cảnh của mình, bổn phận của mình và hãy trông cậy vào ơn Chúa để thực hiện ơn gọi làm Kitô hữu trong xã hội này. Chúng ta đừng quên đường lối cụ thể mà Công đồng đã vạch ra cho toàn Giáo hội là không tìm vinh quang trần thế, nhưng truyền bá khiêm nhường và từ bỏ, bằng gương lành của chính mình chứ không phải chỉ bằng lời giảng.
Yêu mến và phục vụ những người nghèo khó và nhỏ bé trong xã hội. Đó là gương của Chúa Giêsu khi Người đến trong trần gian. Người tuyên bố: "Thánh Thần Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi, Người đã sai tôi đem Tin mừng cho người nghèo khó…" (Lc 4,18). Đó là gương của Mẹ Maria: là Mẹ Thiên Chúa, Người đã đích thân đến làm việc và phục vụ bà chị họ. Đó cũng là con đường mà Chúa gọi chúng ta đi hôm nay.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Bạn có những kinh nghiệm gì khi suy niệm bài Tin mừng hôm nay?
  2. Bài Tin mừng hôm nay giúp gì cho bạn chuẩn bị tinh thần và đời sống mừng Chúa Giáng sinh?
 
 
 
II. TÀI LIỆU NĂM TÂN PHÚC ÂM HOÁ XÃ HỘI CỦA HĐGMVN
Đề tài 01: “Thiên Chúa hằng thương xót từ đời nọ đến đời kia”
“Hãy có lòng thương xót như Cha của anh em là Đấng hay thương xót” (Lc 6, 36)
Trong khi cử hành Năm Thánh ngoại lệ để kỷ niệm 50 năm bế mạc Công Đồng Vatican II, đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta nhớ lời của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII phát biểu vào ngày khai mạc Công Đồng, để xác định hướng đi của Công Đồng:
Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ.”[1] Muốn thế, Hội Thánh Hiền Thê phải chiêm ngắm và kết hợp thường xuyên với Đấng Phu Quân, là Dung mạo hữu hình của Thiên Chúa Toàn năng Giàu lòng Thương xót.

1. Thiên Chúa Toàn năng và hay Thương xót

“Vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136).
Thiên Chúa tỏ lộ sự toàn năng của Ngài qua lòng thương xót. “Thực thi lòng thương xót là đặc điểm riêng của Thiên Chúa, và đó là cách thức đặc biệt để Ngài bày tỏ sự toàn năng của Ngài.[2] Thiên Chúa là Đấng trung thành (hesed) giàu nhân nghĩa.“Ngài thứ tha mọi lỗi lầm của ngươi, Ngài chữa lành tất cả các bệnh tật của ngươi, Ngài cứu chuộc sự sống ngươi khỏi huyệt sâu. Ngài vinh thăng ngươi với lòng thương xót và lòng trắc ẩn” (Tv 103, 3-4). “Ngài chữa lành những người bị dập nát tâm can và băng bó các thương tích của họ… Chúa nâng dậy những kẻ bị chà đạp, hạ kẻ gian ác xuống đến sát đất” (Tv 147, 3. 6).
Lòng thương xót làm cho lịch sử của Thiên Chúa nơi dân Israel Cựu ước trở thành lịch sử cứu độ. Không chỉ trong lịch sử, nhưng cho đến đời đời, con người vẫn luôn sống dưới ánh mắt thương xót của Chúa Cha: “vì lòng thương xót của Chúa bền vững muôn đời” (Tv 136). Không phải ngẫu nhiên mà dân Israel đưa thánh vịnh này, được gọi là “Bản trường ca Hallel”, vào những ngày lễ quan trọn nhất. Trước khi chịu Khổ nạn, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng Thánh vịnh lòng thương xót này.[3]

2. Dung mạo hữu hình của Lòng Thương Xót

“Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9).
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã đặt hành động tối thượng này của Mạc khải dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua Khổ Nạn và Cái Chết, ý thức mầu nhiệm Tình yêu cao cả sẽ diễn ra trên Thập Giá.[4]Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8.16). Tình Yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ lộ trong hiến tế Thập giá và cả cuộc đời của Chúa Giêsu. “Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa.”[5] Bản thân Người là Tình Yêu ban tặng cách vô điều kiện.“Những dấu lạ Người thực hiện, nhất là cho các tội nhân, cho những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề xã hội, cho các bệnh nhân và những người đau khổ, tất cả đều mang dấu ấn của lòng thương xót. Không có gì nơi Người thiếu vắng lòng thương xót.[6]
Chúa chạnh lòng thương (x. Mt 9, 36) và nuôi ăn, cả bánh vật chất và bánh tinh thần, đám đông dân chúng đi theo Người đói khát, mệt mỏi và kiệt sức, không người chăn dắt. Chúa cảm thương và hiểu thấu tâm tư những kẻ đến tìm gặp Người (như Giakêu, chị phụ nữ Samaria, Nicôđêmô, người thu thuế Lêvi - Matthêu, người mẹ góa mất con thành Nain, những bệnh nhân, những người bị quỉ ám,…) và đáp ứng những nhu cầu chân thực nhất của họ.

3. Lòng thương xót là tiêu chuẩn nhận biết con cái thật của TC

“Tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương xót ngươi?” (Mt 18, 33).
Cha Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xứ với các con như vậy, nếu mỗi người trong các con không thật lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35). Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta: “Chúa Giêsu khẳng định lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Tóm lại, chúng ta được kêu gọi để sống lòng thương xót, vì lòng thương xót được ban cho chúng ta trước. Việc tha thứ những xúc phạm là một thể hiện rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với các Kitô hữu chúng ta, đây là một mệnh lệnh không thể bỏ qua.[7] Để có thể sống, tuyên xưng lòng thương xót đó, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý chúng ta “liên tục suy niệm Lời Chúa, nhất là tham dự cách ý thức và có suy nghĩ bí tích Thánh Thể và bí tích Hòa giải, mang một ý nghĩa rất lớn. Thánh Thể luôn đưa chúng ta lại gần tình thương mạnh hơn sự chết này.”[8]
Trong năm Tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội này, các đức Giám mục Việt Nam kêu gọi “mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống. Không có những chứng nhân của lòng thương xót, xã hội sẽ trở thành một sa mạc hoang vu, cằn cỗi, không sức sống. […] Đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng Phanxicô, anh chị em hãy tích cực thực thi lòng thương xót.”[9]

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận:

  1. Cá nhân, gia đình của anh chị có một quyết tâm cụ thể đổi mới gì trong cuộc sống để chiêm ngắm, sống, chia sẻ lòng thương xót cúa Chúa?
  2. Phúc âm hóa xã hội trong Năm Lòng Thương xót này có thể được thể hiện ở lãnh vực, hay đối tượng nào cấp thiết nhất ở địa phương của anh chị? Trong vùng, đất nước của anh chị? Và trên thế giới?
 

[1] Diễn từ khai mạc CĐ Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia, 11.10.1962, 2-3.
[2]Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q.30, a.4.
[3]ĐGH Phanxicô, Misericordiae Vultus, 7.
[4]Ibid.
[5]Ibid. 8.
[6]Ibid.
[7]Ibid. 9.
[8]Dives in Misericordia, 13.
[9] HĐGMVN, Thư Gửi Cộng Đồng Dân Chúa 17-09-2015, 3.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log