Thứ hai, 23/12/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 11 -2015

Cập nhật lúc 09:55 06/11/2015

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Thánh Phaolô nhắc lại cho chúng ta là tất cả Kitô hữu đã, đang được tháp nhập trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô. Như thế, Thánh Phaolô đã mô tả sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và người được rửa tội, như đầu đối với các chi thể của thân xác. Mỗi chi thể đều được chỉ định để làm việc riêng. Phần cao quí, phần kém hơn, nhưng tuỳ thuộc nhau cả, và đồng một nguồn sống. Một chi thể hỏng, các phần khác có thể cùng trục trặc, nhưng chi thể nào mạnh các phần khác cùng được nhờ. Thánh Phaolô quả quyết: “Chúng ta là các phần thuộc Thân Thể của Chúa, cấu tạo bằng xương thịt của Chúa” ( Eph 5, 30 ). Giữa chi thể và Đầu, cũng như giữa chi thể với nhau, chúng ta đồng có nghĩa vụ thiêng liêng. (1Ga 4, 15-21). Như thế, mắt không thể nói với tay: “Tôi không cần bạn”; đầu cũng thể nói với chân: “Tao không cần chúng mày!” ( 1Cr 12, 21 ).
Với những lời giáo huấn của Thánh Phaolô, ta hiểu rõ việc ta tham gia hoạt động tông đồ, thực là quan trọng. Từ những đơn vị cá nhân, phải có ý thức thì các đơn vị tập thể mới có kết quả tốt trong hoạt động tông đồ. Đó cũng chính là sự quan tâm của Giáo hội trong Năm Phúc Âm Hoá Giáo Xứ và Cộng Đoàn với đề tài tháng 11 là Canh tân các Cộng đoàn nhỏ và gia đình.”
Đức Thánh cha Phanxicô nhắc đến đề nghị của các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XIII: quan tâm đến “các Cộng đoàn cơ bản và các Cộng đoàn nhỏcác phong trào và các dạng hiệp hội là một nguồn làm phong phú Hội Thánh, được khơi dậy bởi Thần Khí để Phúc Âm hoá các vùng và các lãnh vực khác nhau.”  Với các cộng đoàn cơ bản và các cộng đoàn nhỏ cũng được hiểu rằng đó cũng chính là các chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô. Nếu các chi thể này không được quan tâm chăm sóc để họ hiểu rõ sự quan trọng của mỗi chi thể trong Thân Thể Mầu Nhiệm của Đức Kitô, thì đó là một sự thiếu sót không thể có được. Vì thế, Giáo hội luôn quan tâm đến các cộng đoàn nhỏ với lòng thương xót, mà khởi đầu là từ các gia đình, rồi đến các đoàn thể trong Giáo xứ, Giáo họ cần phải thăm viếng nhau để tạo mối thân thiết, gần gũi trong mối thâm tình hiệp nhất yêu thương và sống đức tin qua việc phục vụ nhau và phục vụ anh chị em lương dân trong xóm làng, khu phố mình chung sống hằng ngày.
Các nhà truyền giáo phải mau mắn khởi xướng, kiên trì hoàn tất công việc, bền chí trong khó khăn, nhẫn nại và can đảm chịu đựng nỗi cô quạnh, sự mệt nhọc và những cố gắng vô hiệu. Họ sẽ đến cùng mọi người với tâm hồn rộng mở, với con tim bao dung, tình nguyện lãnh nhận nhiệm vụ được giao phó, quảng đại thích nghi cả với những phong tục khác thường của các dân tộc và những điều kiện sinh hoạt đổi thay, đồng tâm tương ái cộng tác với anh em và mọi người đang hiến thân cho cùng một công việc, để theo gương cộng đoàn thời các Tông đồ, họ cùng với các tín hữu hợp thành một con tim và một tâm hồn duy nhất.
Đó cũng là một trong những phương cách để bảo vệ đời sống gia đình, đời sống vợ chồng luôn được hiệp nhất trong thế giới hôm nay đầy sự cám dỗ cả về tinh thần lẫn vật chất.
Cùng với sự quan tâm của Giáo hội toàn cầu, Giáo hội Việt Nam, Giáo hội địa phương là Giáo phận Hưng Hoá, tôi luôn mong rằng sự thúc đẩy của Giáo hội qua lời giáo huấn được mọi thành viên trong Gia đình Khôi Bình đón nhận một cách tích cực và chú tâm sống với sự canh tân trong Chúa Thánh Thần.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHGĐKB. Hạ Hiệp
 
 
  1. CHIA sẺ LỜI CHÚA: KÍNH CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Kn 3, 1-9; 1Cr 1, 17-25; Mt 10, 17-22
Trong thời gian các tín hữu Công giáo tại Việt Nam bị bách hại ác liệt, nhà cầm quyền khuyến dụ các tín hữu bước qua thập giá như một dấu chỉ công khai bỏ đạo để được tha. Người nào theo lệnh vua quan dẫm đạp lên thập giá được xem như là người công khai bỏ đạo. Ngày nay, không còn áp lực bên ngoài bắt buộc các tín hữu dẫm lên thập giá, nhưng có nhiều áp lực bên trong như tham lam, ích kỷ, oán thù… vẫn hằng thôi thúc các Kitô hữu chà đạp lên nhân phẩm và tình người, biến họ trở thành những người chối bỏ Đạo yêu thương của Chúa Giêsu.
Đạo Công giáo được gọi là Đạo yêu thương vì cốt tủy của Đạo là giới luật yêu thương và mục tiêu của Đạo là xây dựng đời sống yêu thương huynh đệ trên khắp thế giới. Khi có vị luật sĩ hỏi Chúa Giêsu, trong các điều răn, điều nào trọng nhất, Chúa đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và là điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy" (Mt 22, 37- 40). Thánh Phaolô cũng nhắc lại giáo lý này cho các tín hữu Rôma: “Các điều răn… đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 9-10). Tuyên ngôn yêu thương này đã được Chúa Giêsu nâng lên thành điều răn mới khi Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Muốn ghi tên gia nhập vào một tổ chức, một đoàn thể hay một đảng phái chính trị nào đó, ứng viên phải chấp nhận một số nội quy của tổ chức đó. Cũng thế, khi muốn gia nhập vào Đạo yêu thương để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, thì điều kiện đầu tiên phải có là lòng yêu mến tha nhân. Không phải hễ đã có tên trong sổ Rửa tội của Giáo xứ, có tham gia sinh hoạt trong Cộng đoàn Khôi Bình là có thể xưng mình là môn đệ Chúa Giêsu. Điều làm cho chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Giêsu phải thật sự yêu mến tha nhân sống xung quanh mình. Đạo Chúa Giêsu là Đạo yêu thương nên ai ghét bỏ tha nhân, người ấy không còn là môn đệ của Chúa Giêsu nữa, như lời Chúa dạy: "Người ta căn cứ vào dấu nầy để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 35). Như thế, khi ghét bỏ người khác hay cạn lòng yêu thương tha nhân, người Kitô hữu đã tự loại mình ra khỏi hàng ngũ những người môn đệ Chúa. Ngoài ra, những ai thiếu lòng yêu mến tha nhân thì trong ngày phán xét, sẽ bị liệt vào hàng ngũ những người bị nguyền rủa và bị loại trừ vĩnh viễn khỏi nhan Thiên Chúa, như lời Chúa dạy trong dụ ngôn phán xét cuối cùng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó" (Mt 25, 34. 41)
Thách thức của cha ông chúng ta khi xưa là quyết không bước qua thập giá dù phải chịu máu đổ đầu rơi. Thách thức của chúng ta hôm nay là quyết giữ lòng yêu mến tha nhân đến cùng dù phải đối mặt với hận thù, bạo lực và ghen ghét. Các thánh tử đạo Việt Nam đã rất anh dũng bước theo Chúa Giêsu và kiên trì sống Đạo yêu thương đến cùng. Dù ngục tù, dù gươm đao, dù bị róc xương xẻ thịt, các ngài vẫn không hề nao núng. Nhờ đó, các ngài được lãnh nhận triều thiên tử đạo và được Thiên Chúa thưởng công trong Nước Trời. Nếu hôm nay chúng ta kiên quyết xoá bỏ oán ghét hận thù, để kiên trì giữ luật yêu thương, để sống chan hòa với mọi anh em trong tình huynh đệ; cho dù để đạt được điều này chúng ta phải chịu khổ nạn trong tâm hồn, thì chúng ta cũng sẽ được đứng vào hàng ngũ các thánh tử đạo hiển vinh.
Xin Chúa qua lời chuyển cầu của các thánh Tử đạo Việt Nam giúp cho mỗi thành viên trong Cộng đoàn Khôi Bình chúng ta dám sống đạo yêu thương trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Tại sao Chúa bảo chúng ta phải từ bỏ mình? Chúa muốn bạn tàn lụi hay phát triển?
  2. Ngày hôm nay không còn cấm đạo, không còn giết người có đạo, bạn nghĩ rằng ngày hôm nay sống đạo dễ hơn ngày xưa không? Tại sao?
​Tải file dạng .doc
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log