Thứ hai, 23/12/2024

Đồng hành Gia đình Khôi Bình Hạ Hiệp tháng 10/2015

Cập nhật lúc 22:09 01/10/2015
Nói đến đời sống hôn nhân, là nói đến sự cộng tác tích cực của hai người nam và nữ vào sứ mạng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc đón nhận một mầm sống mới qua việc sinh sản và giáo dụ con cái...
 
GIA ĐÌNH KHÔI BÌNH HẠ HIỆP
 
       
 
ĐỒNG HÀNH
 
 
   
Tháng 10. 2015
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng
 

 
 
 
 
 

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Nói đến đời sống hôn nhân, là nói đến sự cộng tác tích cực của hai người nam và nữ vào sứ mạng sáng tạo của Thiên Chúa trong việc đón nhận một mầm sống mới qua việc sinh sản và giáo dụ con cái, và đó chính là kết quả của tình yêu hai người, đồng thời cùng nâng đỡ, hỗ trợ, vun xới tình yêu cho nhau, cùng giúp nhau chu toàn bổn phận nuôi dưỡng và giáo dục con cái trở thành người hữu ích cho Giáo hội và xã hội.
Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1603 đã khẳng định: “Hôn nhân nằm ngay trong bản tính tự nhiên của con người.” Thánh Phaolô cũng coi sự kết hợp giữa người nam và người nữ như một “mầu nhiệm cao cả.”Mầu nhiệm cao cả” này, đó là Giáo hội và nhân loại trong Chúa Kitô, không hiện hữu một cách tách biệt đối với “mầu nhiệm cao cả” được thể hiện nơi “một xác thịt” ( St 2, 24; Eph 5, 31-32), tức là nơi thực tại của đời sống hôn nhân gia đình. Nói cách khác, hôn nhân của loài người là hình ảnh của sự kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội Thánh (Ep 5, 23-27. 29-32).
Ðối với Giáo hội, hôn nhân không phải chỉ là một khế ước giữa người với người mà còn là một Bí tích giữa Thiên Chúa và loài người. Thánh Gioan Kim Khẩu cho rằng: "Hôn nhân là Bí tích tình yêu... Khi vợ chồng nên một trong hôn nhân, cả hai không còn là hình ảnh dưới trần nữa, mà là hình ảnh của Chúa trên trời."
Bí tích đó không phải chỉ được cử hành một lần trong Phụng vụ, mà cần phải được cử hành mỗi ngày một cách cụ thể trong đời sống thường ngày bằng cách tận hiến cho Chúa và hy sinh cho nhau. Như thế, Bí tích Hôn phối là một phần thuộc thực tại cứu độ bao la của Thiên Chúa dành cho loài người qua sự Tử nạn và Phục sinh của Ðức Kitô.
Ðời sống hôn nhân cũng là một ơn thiên triệu, vì trong hôn nhân hai người đều được Chúa kêu gọi cộng tác trực tiếp vào chương trình sáng tạo và cứu độ nhân loại. Vì thế, trong Bí tích dẫn vào đời sống hôn nhân, Chúa làm nguồn gốc mọi ân sủng, sẽ thông ban cho hai người những ơn cần thiết để họ chu toàn sứ mệnh Ngài trao phó. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kết hợp hôn nhân giữa người nam và người nữ, và nói rằng đức tin kín múc từ sự khôn ngoan trong việc tạo dựng của Thiên Chúa, khi Thiên Chúa trao phó cho gia đình “khiến cho thế giới trở thành nhà.” Ngài cho hay: “Chính ngay từ lúc khởi đầu, gia đình là nền tảng của văn hóa thế giới này vốn cứu thoát chúng ta. Nó cứu thoát chúng ta khỏi nhiều cuộc tấn công, khỏi nhiều sự tàn phá, như tiền bạc và ý thức hệ đang đe dọa rất nhiều nơi trên thế giới. Gia đình là nền tảng để bảo vệ khỏi những vấn nạn này.” Thế nhưng, nhìn ra thế giới, vì ảnh hưởng của thuyết duy lý tân tiến, con người cũng bị cuốn theo chiều gió, nên nhiều người cách nào đó đã không chấp nhận “mầu nhiệm cao cả ấy.” Có nghĩa là không chấp nhận mầu nhiệm về con người có nam có nữ, hay nó cũng không muốn công nhận rằng sự thật trọn vẹn về con người đã được tỏ hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Đặc biệt là nó không chấp nhận “mầu nhiệm cao cả” được công bố trong Thư Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Êphêsô. Nên đã có nhiều hiện tượng đi ngược lại với đời sống của Bí tích Hôn phối mà Thiên Chúa đã mạc khải, bằng những phương pháp trái với nền tảng luân lý Kitô giáo.
Trước những thách đố làm suy đồi nền tảng luân lý và đời sống đạo đức của người Kitô hữu, đặc biệt là đối với các đôi vợ chồng Công giáo. Giáo hội đã quan tâm rất nhiều và mong muốn các đôi vợ chồng Kitô hữu nên ý thức gìn giữ ơn huệ Bí tích của Chúa và trách nhiệm của mỗi người, để sự hiệp nhất trong hôn nhân luôn được nâng đỡ, thúc đẩy và phát triển, đồng thời việc phân định nghĩa vụ của mỗi bên được tìm hiểu cách sâu xa và chân thành từ hai vợ chồng với sự giúp đỡ của cộng đoàn, nhằm hiểu biết, đánh giá và sửa chữa những gì đã thiếu sót hoặc bị bỏ quên.
Đời sống của gia đình Thánh gia Nagiarét là mẫu gương sống cho các gia đình Kitô hữu học hỏi và noi theo. Đó là những điều cần thiết để lưu giữ và phát triển tình yêu ban đầu mà cả hai bên đã gầy dựng và được Thiên Chúa chúc phúc.
Cầu chúc cho các gia đình Kitô hữu luôn được vững bền và trung thành với Bí tích của Chúa.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHGĐKB. Hạ Hiệp
  1. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXVII THƯỜN NIÊN B
St 2, 18-24; Dt 2, 9-11; Mc 10, 2-16
Các bản văn phụng vụ trong Chủ nhật 27 thường niên hôm nay ít nhiều nói với chúng ta về đời sống hôn nhân gia đình. Tôi cũng muốn nhân dịp này ôn lại một chút để quý ông bà anh chị em những người đang ở trong đời sống hôn nhân gia đình có dịp để nhìn lại cuộc sống hôn nhân gia đình của mình; đồng thời, các bạn trẻ chưa bước vào đời sống hôn nhân gia đình có dịp suy nghĩ trước về cuộc sống sau này mà các bạn sẽ bước vào. Đời sống hôn nhân gia đình thật quan trọng; đồng thời, cũng là một cuộc sống khá phức tạp, nên khi nhìn vào đời sống này nhiều người có những quan điểm rất khác nhau, có khi còn đối nghịch nhau.
Montaigne, một nhà văn lớn của Pháp đã nói về đời sống hôn nhân như thế này: Hôn nhân như một chiếc lồng sơn son thiếp vàng. Những con chim ở ngoài thì thao thức muốn vào. Còn những con chim ở trong thì hết cách để thoát ra. Ca dao Việt nam cũng có chung một quan điểm như thế: “Cá trong lờ đỏ hoe con mắt. Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vào.”  A.Tain còn bi quan hơn: Người ta hiểu nhau 03 tuần, yêu nhau 03 tháng, cãi vã nhau 03 năm và chịu đựng và tha thứ cho nhau 30 năm. Có người nói rằng 30 năm vẫn còn ít; phải suốt đời mới đúng.
Có người hỏi tôi rằng: Như thế thì nên lạc quan hay bi quan về đời sống hôn nhân? Tôi xin trả lời ngay: Không lạc quan cũng không bi quan. Tại sao? Thưa, vì hôn nhân là một công trình của Thiên Chúa, mà là một công trình của Thiên Chúa  thì nhất định phải tốt đẹp. Điều quan trọng là tùy ở chỗ con người có biết sống đúng với qui luật của công trình đó hay không. Nếu sống đúng, hôn nhân sẽ thành công và hạnh phúc. Bằng không thì những hậu quả của nó thật khôn lường. Vậy đâu là những qui luật của hôn nhân gia đình? Có ba qui luật căn bản sẽ chi phối đời sống hôn nhân: (1) Hôn nhân là một cộng đoàn mà những thành phần trong đó luôn biết hướng về nhau; (2) Hôn nhân là một cộng đoàn tình yêu; (3) Hôn nhân là một cộng đoàn đạo đức. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, tôi không thể trình bày hết được ba qui luật này; ở đây, tôi chỉ nhắc tới một điều được rút ra từ ba nguyên tắc căn bản này đó là: Làm người con hiếu thảo, để làm cha mẹ hiền từ.
Thứ nhất, làm người con hiếu thảo: Để có thể trở thành những người con hiếu thảo, chúng ta phải mạnh bạo vượt qua những khó khăn, mà cái khó thứ nhất, từ xưa cho đến nay vẫn thường gặp đó là mối tương quan giữa: Mẹ chồng nàng dâu. Con dâu mẹ chồng là một vấn đề  đã được đặt ra từ ngàn xưa, và cũng từ ngàn xưa người ta đã khai thác nó; khai thác cho to thêm và nhiều khi người ta còn khai thác để có vấn đề mà khai thác. Hay nói cách khác, nhiều khi mẹ chồng con dâu sống rất vui vẻ với nhau, nhưng người ta đã cố tình tìm ra xích mích, để có chuyện con dâu mẹ chồng. Chuyện con dâu mẹ chồng là một chuyện phức tạp vì lẽ hai người đều là phụ nữ; mà phụ nữ thì phức tạp; phức tạp từ cách ăn mặc mà đi …  Một chai xăng còn được đổ thêm vào vấn đề này nữa, tức là tình yêu vợ chồng. Vợ chồng là yêu thương nhau. Có yêu thương mới lấy vợ lấy chồng. Chính vì vậy mà người ta sẽ lìa  bỏ cha mẹ để đi sống bên vợ bên chồng, ngõ hầu cả hai sẽ thành một xương một thịt. Chồng yêu vợ, mẹ chồng lại đố kỵ với con dâu, hai sức mạnh xô nhau tất nhiên phải đổ vỡ. Để có thể êm ấm trong gia đình thì ba bên cần phải suy nghĩ.
Đối với mẹ chồng: Chồng đối với vợ đã là vai trên, thì mẹ chồng đối với con dâu lại càng là vai trên hơn nữa. Trên mà kèn cựa với dưới, cũng như mẹ mà cũng chấp nhất với con, thiết tưởng sự thua kém phải đổ về phía mẹ.  Dân gian thường nói:  “Con gái là con người ta. Con dâu mới đúng mẹ cha mua về.”  Cưới con gần hết gia tài để rồi chỉ vì không giải quyết được vấn đề mẹ chồng con dâu mà đem gia đình đến tan vỡ, mẹ mất con, chồng mất vợ thì thật là không khôn  ngoan.
Đối với người chồng: Chồng phải yêu vợ. Điều đó đúng. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã dạy như vậy. Thánh nhân còn nhấn mạnh hơn nữa: “người chồng phải yêu thương vợ mình như chính thân mình.” Yêu vợ còn là một hấp lực tự nhiên vì lẽ thân xác vợ là thân xác mình. Nhưng người chồng cũng đừng quên câu dặn của Thánh Phaolô: “hãy yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội thánh.”  Chúa Giêsu yêu Hội thánh nên đã dâng mình hy sinh cho Hội thánh, nhưng không bao giờ Ngài bênh vực cho những sai lầm, những nết xấu của Hội thánh.  Chồng yêu thương vợ như Chúa Giêsu yêu Hội thánh cũng phải đi vào con đường ấy. Những chuyện bịa đặt, mỏng môi, có ít xít ra nhiều, không thêm ra có, người chồng phải mạnh bạo giập tắt ngay từ đầu. Hãy nhớ lời Thánh vịnh dạy: “hãy đứng đắn can đảm như đàn ông” (Tv 30, 25); mà đặc tính thứ nhất của can đảm là: Không được nghe. Không được chiều. Và không sợ vợ.
Đối với người vợ:  Đối với các cô dâu hôm nay, tôi không biết nói như thế nào? Bởi vì xã hội hôm nay đang thay đổi quá nhanh. Các khuôn mẫu ngày xưa không còn thích hợp nữa.  Chính vì vậy, các cô dâu cần phải biết thích nghi với hoàn cảnh xã hội và hòan cảnh gia đình nhà chồng. Dẫu sao thì luân thường đạo lý giữa cha mẹ vợ chồng thời nào cũng vẫn còn sáng chói. Trọng cha kính mẹ, yêu chồng, thương con đó là con đường duy nhất đưa đến hạnh phúc gia đình.
Thứ hai, làm cha mẹ hiền từ:  Sách xưa nói thế này: “chủng qua đắc qua chủng đậu đắc đậu”; nghĩa là trồng dưa thì được dưa, gieo đậu thì hái đậu. Kinh thánh cũng viết: đấu nào thóc đấy hay công nào của ấy. Khi làm con mà đã giữ trọn nghĩa con thảo, tất nhiên khi làm cha mẹ sẽ làm cha mẹ hiền từ.  Vấn đề cha mẹ hiền từ hoàn toàn gắn liền với vấn đề con thảo, khác nào cây với quả, lá với hoa, cây tốt thì sinh trái tốt.  Khi làm con cái mà ăn ở kiêu căng, cứng đầu cứng cổ, bảo một cãi mười, “đi chợ ăn quà,  ở nhà mách lẻo”,  để rồi khi làm cha mẹ sẽ biến ra hiền từ, ăn nói thùy mị, đi đứng đoan trang, tiêu pha mực thước, thì cả là một vấn đề cấy cỏ để đợi hoa, múc nước mặn để mong nước ngọt. Hiểu được như vậy, các gia đình hôm nay sẽ tránh được xích mích với cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ.
Kinh thánh đã chẳng phân biệt cha mẹ chồng và cha mẹ vợ khi viết ra câu: các con phải kính cha mẹ để được sống lâu trên mặt đất. Với những người con mất dạy và bất hiếu. Kinh thánh còn ngăn đe mạnh hơn: kẻ khinh dể cha mẹ sẽ bị chết tươi con nòng nọc.
Chúa đã đặt nơi các gia đình trong hy vọng, hy vọng sống trong hạnh phúc vợ chồng, để rồi sống trong phúc đức làm cha mẹ. Nhưng theo luật tự nhiên: có cây mới có quả, muốn sống trong phúc đức làm cha mẹ, thì trước tiên phải biết sống bổn phận làm con, cũng như có trồng cây thì mới trông ngày hưởng trái. Bỏ luật ấy đi, thì chỉ còn há miệng chờ sung mà thôi.  Ước mong các gia đình ý thức được điều này.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Qua Giáo huấn của Đức Giêsu, bạn đón nhận được những gì cho mình khi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân?
  2. Quan sát những trường hợp ly dị trong xã hội, bạn có những nhận định nào?
  3. Qua Giáo huấn của Đức Giêsu, bạn rút ra được những kinh nghiệm gì để bảo vệ sự trung thành và hạnh phúc gia đình?
 
II. HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI cÙA GHCG

Bài 12: xây dựng hoà bình

Có lẽ chưa bao giờ người ta thích cầu chúc và thích được nghe cầu chúc hòa bình hay bình an trong những ngày đầu năm mới hay trong các dịp lễ khác bằng bây giờ. Giản dị vì cũng chưa bao giờ không chỉ thế giới mà cả quốc gia, không chỉ xã hội mà cả gia đình và bản thân mỗi người gặp nhiều xáo trộn và khủng hoảng bằng bây giờ.  Chiến tranh đã đi vào cả trong các gia đình và nội tâm mỗi con người, thậm chí vào trong các tu viện chùa chiền và trong thâm tâm các bậc tu hành. Tại sao vậy ?

1. Hòa bình hay chiến tranh không phải chỉ là…

Một trong những thay đổi quan trọng dẫn tới tình trạng vừa kể là song song với sự phát triển đời sống con người và xã hội, ngày nay người ta không còn coi hòa bình hay bình an chỉ là im tiếng súng, thôi đánh nhau, cũng không phải chỉ là sự cân bằng lực lượng giữa hai bên; chiến tranh không phải chỉ là máu chảy đầu rơi, bom gào súng nổ, cũng không phải chỉ là sự bất hòa ầm ĩ giữa hai phe về một quyền lợi rõ ràng nào đó. Hòa bình hay bình an như thế chỉ là những tình trạng hết sức mong manh. Chiến tranh hay xung đột như thế chỉ là những mô tả hết sức hời hợt.
Hòa bình, không chỉ theo cái nhìn của Kinh Thánh Kitô giáo mà còn của mọi người biết suy nghĩ, phải là một sự phát triển hài hòa và bền vững của con người và xã hội. Ngược lại, chiến tranh không phải chỉ là sự xung đột giữa các phe phái trên cùng một lãnh thổ hay trên cùng một thế giới, mà có thể là sự dằng co giữa các khuynh hướng hay ước muốn nơi một người, hoặc giữa lý tưởng và thực tế của một tập thể… Trong những trường hợp ấy, hòa bình có thể không phải là kết quả của những nỗ lực con người làm mà phải là quà tặng của Thiên Chúa, cũng như chiến tranh không chỉ là đổ vỡ do ý muốn của những con người mà có thể là tác động của các quyền lực xấu vô hình nữa.
Người Do Thái đã sớm có được nhận thức này, nên lúc nào cũng hướng tới ngày của Chúa hay thời của đấng Mêsia mỗi khi nói tới một nền hòa bình toàn diện và vĩnh cửu. Ngược lại, người ta cũng luôn ý thức chiến tranh không chỉ xuất phát từ lòng tham của con người, mà còn là kết quả lèo lái và tác động của ma quỷ nữa.  Khi Đức Kitô xuất hiện và nhất là khi Ngài chết rồi sống lại, các tín hữu càng hiểu hòa bình và chiến tranh theo chiều hướng ấy: hòa bình và phải là hòa bình của Thiên Chúa đã được tặng ban cho chúng ta nơi Đức Giêsu Kitô; những ai tin vào Ngài và sống theo giáo lý của Ngài sẽ được hưởng hòa bình ấy, bây giờ là tạm thời nhưng sau này là vĩnh viễn. Từ nay, người ta cũng hiểu ra hòa bình bị đổ vỡ hay mãi mãi xa vắng là vì người ta đã không theo trọn vẹn con đường của Đức Giêsu Kitô. Giáo hội được lập nên cũng là để thực hiện và phổ biến nền hòa bình chân chính ấy và con đường hòa bình ấy, trong chính nội bộ của mình và trên thế giới. Đây cũng chính là mục tiêu không phải chỉ của những thông điệp hòa bình mà các đức giáo hoàng, kể từ Phaolô VI, gửi tới thế giới vào ngày đầu năm mới, mà còn của mọi nỗ lực hội họp và cầu nguyện, giải thích những sự can thiệp của Giáo hội trong các cuộc khủng hoảng thế giới và toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo hội.
2. Bắt đầu xây dựng hòa bình từ đâu?
Hiểu hòa bình và chiến tranh một cách sâu sắc và rộng rãi như thế sẽ chỉ ra cho chúng ta thấy phải bắt đầu xây dựng và loại bỏ chiến tranh trước tiên từ chính tâm hồn và đời sống của mỗi cá nhân. Như thánh Giacôbê đã sớm nhận xét : “Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao ? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong những việc hưởng lạc” (Gc 4,1-3). Thánh Giacôbê còn cụ thể và thực tế hơn khi giải thích nguyên nhân gần của mọi xung đột và chiến tranh là do cái lưỡi hay lời nói đã được con người sử dụng sai (x. Gc 3,1-12). Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy yêu cầu đầu tiên Đức Giêsu đặt ra cho mọi người muốn được cứu độ chính là “hoán cải” hay thay đổi cách nhìn nhận sự việc và cách hành động cụ thể cho phù hợp với Tin Mừng, hoặc thậm chí là “sinh lại từ trên cao”, hay phải nhờ Thánh Thần dùng nước tái sinh lại.
Ở cấp quốc gia và quốc tế không chỉ là thành lập những cơ quan trọng tài phân xử các xung đột lớn, cũng không phải chỉ là đẩy mạnh việc giải trừ quân bị và ngăn cấm khủng bố, mà sâu xa và căn bản hơn là đưa ra một nền giáo dục học đường cổ võ sự hiếu hòa và cởi mở thay vì chủ trương cạnh tranh khốc liệt, quốc gia chủ nghĩa, độc tôn văn hóa hay tôn giáo… Thật ra, ngay cả những chính sách chống lại sự sống hay ưu tiên cho một số sự sống (phá thai, kỳ thị giới tính, loại trừ những con người thiểu năng…) hoặc những chính sách cổ võ việc làm giàu không hạn định hay một cuộc sống tiện nghi tối đa cũng đều góp phần tạo ra xung đột và chiến tranh, làm giảm cơ may sống hòa bình và thân thiện.
Thật ra, toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo đều hướng tới việc xây dựng và củng cố một nền hòa bình chân chính bằng cách cổ võ một sự phát triển toàn diện và bền vững cho hết mọi người, bắt đầu bằng sự liên đới và chia sẻ giữa mọi cá nhân và tập thể, nhưng trên hết bắt đầu từ một tâm hồn và một cuộc sống giản dị, quảng đại và cầu nguyện. Hình ảnh của một thánh Biển Đức sống cô tịch và đạm bạc, hình ảnh của thánh Phan Sinh sống chan hòa với thiên nhiên và đồng loại… sẽ không chỉ là lý tưởng được một số linh mục và tu sĩ theo đuổi, mà phải trở thành ước nguyện của hết mọi ki tô hữu, nhất là những giáo dân xông pha giữa đời, giữa đồng tiền bát gạo phải tìm kiếm, giữa kinh doanh thương mại phải khai trương, giữa quyền hành thế lực phải đấu tranh… 
Học thuyết xã hội không phải là một lý tưởng xa xôi, càng không phải là một lý thuyết sách vở, mà chính là một lý tưởng được gợi ý bởi Thiên Chúa, được thể hiện bởi chính Ngài và những người công chính trong lịch sử, được suy tư và triển khai bởi các thế hệ Giáo hội, và vẫn đang được nhiều cá nhân và tập thể trong và ngoài Giáo hội tham khảo!
 
Ước chi mọi người trong Hội Thánh Công giáo, từ hàng giáo phẩm đến đội ngũ giáo dân không quên những cái giá đắt mà Hội Thánh phải trả trong những thế kỷ qua để đúc kết nên học thuyết này và để từ đó, chuyên cần học tập, kiên nhẫn ứng dụng và mạnh dạn làm phong phú thêm! Mà nếu có bao giờ cảm thấy muốn dừng lại hay buông bỏ, cảm thấy việc mình làm không đi tới đâu hay vô nghĩa, thì hãy nhớ rằng tổ chức cuộc sống theo lời dạy của học thuyết xã hội này là đã góp phần xây dựng nền văn minh tình thương, và xây dựng nền văn minh tình thương là đã góp phần làm cho Nước Thiên Chúa sớm hiển trị !
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Câu hỎi giúp hiỂu bài
  1. Trong khả năng và điều kiện của mình, cộng đoàn tôi và cá nhân tôi có thể làm gì để loại bớt mầm mống chiến tranh và xây dựng hòa bình ?
  2. Đến hôm nay, sau khi học hỏi và mon men ứng dụng các bài học về Học thuyết Xã hội của Giáo hội, tôi thấy bản thân mình thế nào và tập thể mình ra sao, ít là về mặt hiểu biết ? Tôi có cảm thấy mình được mời gọi thi hành ơn gọi Kitô hữu giữa đời một cách tự tin, mạnh dạn và quảng đại hơn không ? Đã thử nghĩ ra một vài hướng hành động chưa ?
 
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log