Thứ năm, 23/01/2025

Đồng hành Gia đình Khôi Bình Hạ Hiệp tháng 7/2015

Cập nhật lúc 09:16 09/07/2015
 

Tải file định dạng .doc
Lời ngỏ
Các bạn Khôi Bình thân mến,
Tháng bảy, tháng oi bức chỗ này và mưa tầm tã chỗ kia tại Việt nam, khiến nhiều người không làm ăn buôn bán được như lòng sở nguyện. Tháng bảy, tháng nghỉ ngơi đến thừ người của các giáo viên và vui chơi đến chán chê của các em học sinh. Tháng bảy, tháng không có lễ trọng nào đặc biệt trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo. Tháng bảy, tháng của tẻ nhạt và vô ích. Cảm giác ấy chúng ta cũng gặp khi nói đến một câu nói rất thông thường ngày hôm nay: Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt. Nếu thế, phải chăng gian dối dù không hợp tình hợp lý, nhưng lại hợp thực tế? Thế nhưng, thực tế là gì? Nó là cái do con người tạo ra hay nó điều kiện hóa con người?
Tại nhà trường, thật và giả dễ nhận thấy và thậm chí dễ được chấp nhận, dù được chấp nhận trong vui vẻ hay trong ưu tư. Một em học sinh cấp III chia sẻ: “Bạn ấy là người thân nhất của em. Khi không hiểu bài, em thường hỏi bạn ấy. Khi thi, bạn chỉ bài cho em. Em rất vui vì được bạn giúp đỡ. Nhờ bạn mà em có thể lên lớp.” Và một em khác kể như thế này: “Mẹ em là giáo viên. Khi coi thi, thấy các bạn học sinh làm bài không nghiêm túc, mẹ chỉ nhắc nhở và thu tài liệu mà không đánh dấu bài. Vì nếu đánh dấu bài, thì thật bất công cho các bạn ấy trong hoàn cảnh rối ren của phòng thi.” Một bạn sinh viên sư phạm chia sẻ trong giờ tĩnh tâm: “Mình không phải là sinh viên giỏi. Thấy nhiều bạn khác quay cóp, mình không hài lòng. Đôi khi mình cũng chép bài từ bạn khác khi thi. Nhưng mà từ bây giờ, mình quyết định sẽ không chép bài nữa, mình thà trượt còn hơn. Mình thấy hổ thẹn với lương tâm. Mình sẽ làm thầy mà còn gian dối, còn hữu danh vô thực, làm sao có thể hy vọng giúp đỡ học trò về kiến thức, về nhân cách sống.”
Trong xã hội, thật và giả càng khó lường. Chị bán hàng nói với khách: anh mua em “để vốn” cho. Thực ra, giá cả gấp nhiều lần giá thật. Phép nhân kiểu này càng dễ gặp và khó thấy trong mặt hàng dược phẩm. Cách đây mấy ngày, tôi đi mua thùng giấy in và một ít văn phòng phẩm cho Giáo xứ. Khi thanh toán hóa đơn, cô bán hàng chủ động hỏi: Anh muốn viết hóa đơn kiểu nào? Cao hơn hay thấp hơn giá thật? Số tiền “khó tưởng tượng” được đầu tư cho ngành giáo dục, khi bị chất vấn, chỉ được trả lời tỉnh queo là “nhầm lẫn.” Các công trình công cộng, khi không thể nghiệm thu, chỉ được giải thích đơn giản là thiếu tiền, là giải ngân chưa kịp. Khi hai người va chạm gây ra tai nạn giao thông, thì việc đầu tiên người “sống sót” nghĩ tới không phải là đem người bị nạn đi bệnh viện, mà là “chuồn cho nhanh.”
Trong gia đình, thật và giả có vẻ “thân quen” hơn. Cha mẹ ít học có thể thu mình lại trước con cái học nhiều. Có bậc cha mẹ chê bai “mớ lý thuyết” của con cái, và cho rằng, kinh nghiệm trường đời mới quan trọng. Cha mẹ học cao có thể gây sức ép lên định hướng tương lai của con cái, có thể áp đặt tiêu chuẩn và ước mơ của mình lên con cái. Ngược lại, nhiều người con chê bai cha mẹ quê mùa. Nhiều người con muốn “thoát khỏi vòng tay” của cha mẹ. Nhiều người con muốn “chối bỏ” cha mẹ mình.
Ước gì các bạn có thể đón nhận nhau hơn, có thể sống chân thật hơn, tốt lành hơn. Ước mơ chỉ là ước mơ nếu thiếu hành động. Hành động “khẳng định” là biến ước mơ, biến tiềm năng thành hiện thực. Thế nhưng, nếu “khẳng định mình” mà loại trừ người khác, thì thật nguy hiểm. “Tiến bộ” như thế thì tụt lùi là lẽ đương nhiên. Thấy cây mà không thấy rừng, thì con người chỉ là những hòn đảo cô độc. Thấy rừng mà không thấy cây, thì xã hội loài người chỉ là một xã hội vô hồn.
Trung kiên với Khôi Bình,

Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHGĐKB. Hạ Hiệp

 
 
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B
Am 7, 12-15; Ep 1, 3 -14;  Mc 6, 7-13
Tất cả những người đi tu, nhất là để làm linh mục, thường được kêu gọi hai lần: Lần thứ nhất, Chúa kêu gọi âm thầm trong lòng mỗi người bằng những ước muốn, yêu thích và qua những biến cố do Chúa quan phòng xếp đặt để hướng dẫn đương sự tới nơi tu trì. Lần thứ hai, Chúa kêu gọi qua sự tuyển chọn và kêu gọi của Bề trên hay Đức Giám mục Giáo phận
Chúa Giêsu cũng đã hành động như thế trong việc kêu gọi các tông đồ, các môn đệ đầu tiên của Ngài. Chúa kêu gọi họ ngay khi bắt đầu sứ vụ công khai truyền giảng Tin mừng. Ngài đã kêu gọi từng người một trong nhiều hoàn cảnh khác nhau: người thì đang vá lưới, kẻ gặp ở giữa đường, người khác đang ngồi thu thuế… Rồi Ngài qui tụ họ lại cho ở luôn bên cạnh Ngài, huấn luyện, dạy dỗ, cho chứng kiến những phép lạ, các công việc Ngài làm, nghe Ngài giảng dạy dân chúng, thấy gương sáng của Ngài. Giờ đây, muốn sai họ đi truyền giảng Tin mừng, Ngài lại chính thức gọi họ một lần nữa như bài Tin mừng kể lại. Sở dĩ Chúa làm như vậy là để cho họ thấy rằng: việc trở thành tông đồ, và linh mục hay cả tu sĩ ngày nay, không phải là sáng kiến của cá nhân họ, nhưng là ơn thiên triệu Chúa ban, là một thứ đoàn sủng.
Trước khi sai các tông đồ đi truyền giảng, Chúa Giêsu đã căn dặn họ nhiều điều. Những điều này được coi là khuôn mẫu, là bộ luật chỉ đạo cho các nhà truyền giáo. Chúng ta thấy Chúa không bảo họ phải giảng gì và giảng như thế nào, nhưng phải ăn mặc thế nào, mang những gì, sinh sống đối xử làm sao với những người mà họ tiếp xúc, đồng thời dùng quyền năng Chúa ban mà trừ quỷ và chữa bệnh. Có thể nói, Chúa không dạy các ông phải rao giảng bằng những bài giảng thuyết hùng hồn hay bằng những lý luận đanh thép, khôn ngoan và thông thái, nhằm thuyết phục mọi người, nhưng Chúa bảo các ông phải giảng bằng chứng tá; tức là bằng chính đời sống của họ. Còn những điều các ông phải nói, phải giảng, tóm lại chỉ có: chúc bình an, báo tin Nước Trời đã đến gần và thúc giục người ta ăn năn hối cải. Nghĩa là Chúa muốn các môn đệ của Chúa nói ít và làm nhiều.
Đối với chúng ta hôm nay, Chúa cũng kêu gọi và sai chúng ta đi truyền giảng Tin mừng Cứu độ. Bởi vì mỗi người chúng ta qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, chúng ta đều được kêu gọi và sai đi rao giảng. Có người bằng lời nói, nhưng tất cả đều bằng việc làm, tức là bằng đời sống, bằng hành động gương mẫu tốt lành. Nghĩa là tất cả chúng ta đều phải là chứng nhân của Chúa và của Nước Trời, không ai được chuẩn chước, cho dù là một bệnh nhân nằm bất toại trên giường.
Rao giảng bằng lời nói của các vị thừa sai, của các linh mục… cũng rất cần thiết, nhưng với điều kiện là phải đi đôi với bằng chứng đời sống của chính các ngài, nếu không lời nói của các ngài chỉ là tiếng thanh la não bạt rộn ràng. Ngược lại, việc rao giảng bằng đời sống, tự nó có năng lực thuyết phục người ta chấp nhận chân lý mà không cần lời nói, tuy rằng lời giảng vẫn có thể bổ túc một cách hữu hiệu. Chúng ta vẫn nói hay nghe người khác nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”; lời nói mới chỉ làm lung lay lòng người, nhưng đời sống sẽ lôi kéo người ấy về hẳn phía mình.
Mỗi người tín hữu là một chứng nhân cho Chúa, cho đạo. Nếu chúng ta thiếu đời sống tốt lành, thiếu đời sống gương mẫu là chúng ta đã bỏ mất ơn thiên triệu làm chứng nhân và không thi hành đầy đủ sứ mệnh tông đồ của mình. Như vậy, cách rao giảng, cách làm chứng cho Chúa, cho đạo tốt nhất, hữu hiệu nhất là đời sống tốt đẹp của chúng ta. Nghĩa là làm bất cứ việc gì, ở đâu, với ai, chúng ta hãy để ý đối xử với họ thế nào để gây được thiện cảm cho đạo, dù đó chỉ là những cử chỉ nhỏ nhặt hay những câu nói buông trôi giữa trời, bởi vì chính những cử chỉ không tên tuổi, những câu nói giữa trời, những thái độ dường như vô tình ấy cũng rất có ảnh hưởng và có khi còn ảnh hưởng sâu xa nữa.
Chuyện kể rằng: Một hôm Thánh Phanxicô Assi nói với thầy Lêô: “Nào chúng ta cùng đi giảng đạo!” Hai người ra đi hết đường này đến phố khác … rồi ra về. Thầy Lêô thắc mắc: “Con nghe nói mình đi giảng đạo cơ mà?” Thánh nhân mới đáp lại: “Chúng ta đã giảng đạo rồi! Khi chúng ta đi đường, người ta thấy phong cách của chúng ta, họ sẽ nghĩ về đời sống của chúng ta… và rồi, họ sẽ thắc mắc về nguồn sống nơi linh hồn của họ. Như thế, chúng ta đã giảng đạo cho họ rồi.”
Thảo nào đã có lần ông Lê Nin nói về thánh Phanxicô: “Để có thể thay đồi bộ mặt thế giới, có lẽ chỉ cần 10 con người như vậy.” Như thế, cách rao giảng hữu hiệu nhất là làm chứng.
Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức nhiệm vụ tông đồ và cố gắng thực hiện bằng cách làm gương sáng và thể hiện tình yêu thương để Danh Chúa được rạng sáng và Nước Chúa được mở rộng.
Câu hỏi gợi ý:
1.      Chúa sai bạn đi làm tông đồ cho Chúa, bạn có cảm thấy điều đó không?
2.      Mỗi khi đi làm việc tông đồ, bạn thường chuẩn bị những loại hành trang nào, những hành trang của bạn quan tâm có giống những hành trang Chúa chuẩn bị cho các môn đệ trong bài Tin mừng không?
3.      Theo bạn, đâu là phương thế hữu hiệu nhất làm cho những người chung quanh nhận biết Chúa?

 II. HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI cÙA GHCG

BÀI 10: ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ

Ở nước ta, không chỉ đám dân nghèo mà cả các thành phần “ăn nên làm ra”, thậm chí học thức, đều lắc đầu ngoay ngoảy hoặc xua tay chối từ “bàn chuyện chính trị”, càng không bao giờ nghĩ tới việc “tham gia chính trị.” Họ đâu ngờ rằng mình đang làm chính trị, khi chê bai chuyện cầu đường hư hỏng, học phí gia tăng, điện nước bị “cắt”, quan chức tham nhũng…, khi đi bỏ phiếu hay nộp thuế…, thậm chí còn tham gia công tác dân phòng hoặc được tuyển dụng làm công chức Nhà Nước… Hóa ra, chính trị chẳng qua là những sinh hoạt và tổ chức, ở  nhiều cấp độ khác nhau, nhằm giúp cai trị một đất nước, ổn định một xã hội, phục vụ một quần chúng. Nếu thế thì là một phần tử trong xã hội, một công dân trong đất nước, một thành viên trong tổ chức, có ai là đứng ngoài chính trị (nói cho chính xác, đây là chính trị công dân, phân biệt với chính trị đảng phái chỉ dành cho những ai muốn thông qua việc tham gia một đảng phái để tham gia chính trị theo một quan điểm và một chính sách nhất định) ?

1.      Cộng đồng chính trị, một điều Thiên Chúa muốn và con người cần

Một sự thật mà từ Thánh Kinh Cựu Ước đến Tân Ước đều khẳng định là Thiên Chúa luôn muốn sáng tạo và cứu độ con người trong một cộng đồng hay trong một tập thể - nhỏ nhất là gia đình, lớn hơn là chi họ và dân tộc, lớn hơn nữa là nhân loại và vũ trụ. Điều ấy không những phù hợp với bản tính con người là bản tính xã hội, mà còn phù hợp với mầu nhiệm của Thiên Chúa - vừa là một Chúa vừa là Ba Ngôi, dựa vào đó con người đã được tạo thành và tái tạo.

Nhưng đã là cộng đồng hay tập thể - dù lớn hay nhỏ - thì không thể không có quyền bính và không có những người lãnh lấy quyền bính để điều khiển cộng đồng hay tập thể ấy. Bất kể quyền bính ấy được đảm nhận thế nào (như một thủ lãnh hay quan án hoặc như một quân vương hay kỳ mục, được tuyển chọn trực tiếp từng lần một hay do cha truyền con nối), người Do Thái và cả các Kitô hữu sau này đều tin rằng các quyền bính ấy đều xuất phát từ Thiên Chúa và những người nằm giữ quyền bính ấy đều là đại diện Thiên Chúa một cách nào đó. Quan niệm ấy sẽ làm tăng thế giá cho nhà lãnh đạo, nhưng cũng bắt nhà lãnh đạo phải tham chiếu ý Chúa (thường được cụ thể hóa trong luật Chúa) thay vì tùy tiện hành động. Đây cũng chính là lý do cuối cùng cho phép cộng đồng hay tập thể phản kháng, thậm chí thay đổi, các nhà lãnh đạo, khi họ làm hại dân hại nước cách nghiêm trọng, hoặc khi họ hành động ngược với luật Chúa.

Dù ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn cai trị thông qua những người đại diện, nhưng phải mất một thời gian dài người ta mới có ý thức và mới có khả năng đủ để thực sự gánh vác quyền bính chính trị do Chúa giao cho. Người ta cũng phải mất một thời gian để nhận ra thể chế tốt nhất để thi hành quyền bính là thể chế dân chủ. Vì trong thể chế này quyền bính thực sự là của toàn dân; chính toàn dân giao quyền bính này cho các đại diện của mình. Các vị đại biểu này sẽ làm việc dựa trên ý muốn của toàn dân – thường được bày tỏ cách căn bản qua hiến pháp và luật pháp của quốc gia ấy – và chịu trách nhiệm trước toàn dân. Toàn dân lựa chọn và ủy quyền ; cũng như, toàn dân kiểm tra và thưởng phạt, thậm chí nếu thấy cần thì bãi nhiệm.

2.     Thi hành quyền bính chính trị thế nào?

Trong viễn tượng trên đây, quyền bính chính trị sẽ do dân bầu chọn, trực tiếp, phổ thông và kín (bằng lá phiếu kín đáo được đánh dấu và bỏ vào thùng), hay gián tiếp, thông qua đại biểu và không kín (bằng cách giơ tay công khai chẳng hạn). Nhưng dù được bầu chọn thế nào, đó vẫn phải là được bầu chọn bởi chính người dân. Các Kitô hữu tin rằng được bầu chọn một cách hợp pháp bởi người dân như thế cũng là đã được chính Chúa cắt cử. Chính vì thế, người Kitô hữu sẵn sàng vâng phục các nhà cầm quyền hợp pháp không phải vì sợ phạt hay vì muốn yên thân, mà vì chính trật tự công cộng và an sinh xã hội đòi hỏi, thậm chí vì chính Chúa đã muốn. Họ vâng phục quyền bính hợp pháp tận trong lương tâm, dù không phải lúc nào cũng tuyệt đối (x. Rm 13, 5).

Nói người dân vâng phục quyền bính không phải lúc nào cũng tuyệt đối là vì sự vâng phục chỉ đòi hỏi tuyệt đối, khi trên nguyên tắc nói chung và trong từng hành vi cụ thể nói riêng, nhà cầm quyền đã hành động vì công ích. Ở đây, cần nhắc lại sở dĩ có quyền bính chính trị hay sở dĩ có nhà nước, đó chính là để tạo ra công ích, tức là những điều kiện cần thiết cho sự phát triển toàn diện của con người và cho sự an sinh đầy đủ của xã hội. Bởi thế, nhà cầm quyền sẽ giảm sút uy tín, thậm chí bị mất tín nhiệm, khi không tạo ra đủ những điều kiện cần thiết (điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần, điều kiện đạo đức, điều kiện xã hội…) để con người và xã hội được hạnh phúc, nhất là khi không làm được điều này mà chỉ do lỗi của chính nhà cầm quyền. Đâu là những điều kiện cần thiết hay đâu là những quyền hạn mà con người cần có để được hạnh phúc, điều ấy đã được minh định trong hiến pháp quốc gia – hiến pháp này đã do người dân hay đại biểu của người dân vạch ra, đồng thuận và thi hành. Đến lượt mình, hiến pháp này phải được soạn thảo dựa trên luật tự nhiên, mà lương tri con người đã biết và luật lệ quốc tế đã xác nhận, có cứu xét đến hoàn cảnh thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, nhà cầm quyền không hoạt động một mình, mà luôn luôn liên kết với hai cực kia trong một tam giác đều là xã hội dân sự (dân chúng) và các đoàn thể trung gian (trong số này, có tôn giáo), theo nguyên tắc bổ trợ. Nghĩa là nhà cầm quyền chỉ can thiệp và can thiệp sâu khi dân chúng và các đoàn thể trung gian bất lực không thể chu toàn nhiệm vụ hay chu toàn nhiệm vụ một cách quá khó khăn; ngược lại nhà cầm quyền sẽ lập tức rút tay hoặc tôn trọng sự độc lập và tự quyết của dân chúng và các đoàn thể trung gian ấy, khi họ đã đủ sức tự trách nhiệm lấy cách tốt đẹp.

Có thể nói vắn tắt trách nhiệm hay bổn phận, đồng thời quyền lợi hay tư thế đòi hỏi của nhà cầm quyền tựu trung một đàng là bảo vệ, đàng khác là phát huy. Bảo vệ công ích khỏi bị phá hoại như có quyền và có bổn phận tổ chức quốc phòng, thậm chí tham gia chiến tranh, bảo đảm trật tự giao thông và trật tự xã hội, xét xử và chế tài… Phát huy công ích cho mỗi người và mọi người được hưởng cuộc sống tốt nhất như có quyền và có bổn phận định hướng phát triển, đưa ra chính sách, ban hành luật lệ, ấn định thuế khóa, hỗ trợ phát triển, tạo dựng những điều kiện trí tuệ như tổ chức giáo dục hay những cơ sở hạ tầng phục vụ sự phát triển như đường sá, cầu cống, nhà cửa, điện khí, nhiên liệu… Đã có lúc người ta quên mất nhà nước cũng có bổn phận và quyền lợi trong việc bảo vệ và phát huy các điều kiện đạo đức và tâm linh để phục vụ con người. Con người thật sự không chỉ có nhu cầu vật chất, mà còn có nhu cầu tinh thần và đạo đức, tâm linh và tôn giáo. Ở đây, nhà nước nên tham khảo ý kiến và kinh nghiệm của các nhà đạo đức và tôn giáo để hiểu thế nào là thực sự phục vụ quyền lợi này của cá nhân và xã hội.

3.     Tại sao phải bảo đảm và phát huy quyền tự do lương tâm và tôn giáo của người dân ?
Có một thực tế đáng buồn không thể bịt mắt không nhìn, nhất là trong những thập niên gần đây là: nhà nước luôn có khuynh hướng muốn hạn chế, nếu không thể bãi bỏ, sự tự do lương tâm và tôn giáo của người dân, không phải chỉ trong các nước tuyên xưng vô thần và chủ trương độc tài công khai, mà cả ở những nước mệnh danh là cho phép tự do tôn giáo và đa đảng trong đời sống cá nhân và xã hội. Thật ra, đây không phải là một hiện tượng mới xuất hiện trong thời kỳ hiện đại, mà đã có từ xa xưa, như những gì nhà cầm quyền Athènes đã làm với triết gia Socrates. Sở dĩ thế là vì người cầm quyền nào cũng mặc nhiên hay minh nhiên ủng hộ chủ nghĩa toàn thống và toàn thủ, tức là muốn nắm tất cả mọi sự trong tay và muốn tất cả mọi sự nằm trong trật tự đã kiểm soát được, vì theo họ, có như thế mới dễ cai trị.
Tự do lương tâm và tự do tôn giáo càng trở nên đáng ngại hơn đối với nhà cầm quyền, khi chúng vô hình (hay đúng hơn, khó nắm bắt và kiểm soát) nhưng lại có sức thu hút và chi phối rất mạnh. Vô hình hay khó nắm bắt, không phải vì những người theo đuổi sự tự do lương tâm và tôn giáo cố tình làm thế để tránh sự kiểm soát của nhà cầm quyền (ngược lại là khác: những người ấy cũng nuôi tham vọng đưa cả các viên chức nhà nước tới chỗ chia sẻ chung một hoài bão thiêng liêng ấy như họ !), nhưng vì  lý tưởng hay chân trời họ muốn vươn tới vượt trên thế giới này hay ít ra là một điều gì khác, không thể đồng hóa hay giản lược vào những gì thế gian thường theo đuổi. Đồng thời có sức thu hút và chi phối rất mạnh, không phải vì những người này đã dùng ma thuật hay những liệu pháp tâm lý để lôi kéo và tác động (phương cách này chỉ thu hút một số người và chỉ trong một thời gian thôi !), nhưng vì chúng đáp ứng khát vọng sâu xa và định mệnh cuối cùng của con người: con người không chỉ mong muốn ăn no ngủ kỹ hay công thành danh toại, mà còn khát vọng trở nên tự do và hoàn hảo tới mức trở thành thánh thành phật…
Trong tình hình ấy, người ta không đòi hỏi nhà nước ủng hộ một sự tự do lương tâm và tôn giáo tới mức vô tổ chức, như cho phép tự do sống theo lương tâm và tôn giáo, mà không phân biệt hay không đặt ra một số hạn chế cần thiết vì ích lợi chung. Người ta càng không đòi hỏi nhà nước cổ võ và hậu thuẫn một số giá trị  nào đó do lương tâm đề xuất hay một tôn giáo nào đó có đông người theo đuổi (biến thành quốc giáo), càng không trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa thần quyền công khai (như một số nước Hồi Giáo đã lấy luật tôn giáo của kinh Coran làm luật dân sự của quốc gia…). Người ta chỉ mong nhà cầm quyền ý thức tự do lương tâm và tôn giáo quan trọng và cần thiết không kém, thậm chí còn hơn nhiều so với các quyền tự do khác, đối với hạnh phúc đầy đủ của mọi người. Nếu không muốn thiếu trung thực, chúng ta có thể nói mạnh dạn rằng không có tự do lương tâm và tôn giáo đầy đủ, con người sẽ tựa như một la bàn cứ quay nhưng không chỉ ra một phương hướng nhất định nào, một cánh chim không có chân trời rộng lớn đủ để bay cao, một đàn cừu lầm lũi bước đi không có một tương lai thật xa, một cuộc đời không có được ý nghĩa cuối cùng…
4.     Động viên và hỗ trợ giáo dân gánh vác trách nhiệm chính trị của người công dân
Thấy được sự cần thiết của cộng đồng chính trị và quyền bính chính trị trong việc mưu cầu ích nước lợi dân, nhất là khi được hướng dẫn bởi nhãn quan Kitô giáo về con người và xã hội – thật đẹp và thật đúng, Giáo hội Công giáo rất mong muốn giáo dân hiện diện tích cực và trọn vẹn trong cộng đồng chính trị, kể cả trong giới cầm quyền, dưới nhiều hình thức khác nhau, miễn là không phản bội đức tin của mình, như để vạch đường hướng hay thảo chính sách, phê bình và phản biện, tổ chức và thực hiện, sáng lập và điều khiển… Nên nhớ rằng việc tham gia đời sống chính trị một cách tích cực không phải chỉ là ước mong mới đây của các vị lãnh đạo Giáo hội đối với người giáo dân, khi thấy ảnh hưởng của Giáo hội bị thu hẹp hay các giáo huấn của Giáo hội chẳng những không được hưởng ứng mà còn bị bài bác hoặc lạnh nhạt. Nhưng đó đã là ước mong của các vị lãnh đạo cộng đồng dân Chúa từ ngày xưa hay từ chính Chúa, khi hiểu rằng bổn phận đối với đời sống chính trị chính là sự kéo dài bổn phận đối với tha nhân và xã hội, hay là sự nhân rộng đức bác ái của các Kitô hữu đối với cá nhân và tập thể (Chúng ta có thể liên hệ tới nguyện ước của nhà lãnh đạo Môsê là muốn không chỉ 72 người mà càng đông càng tốt những người được ban Thần Khí như ông để có thể cùng với ông điều khiển dân chúng: x. Dân Số 11, 25. 29). Chính vì thế, giúp mọi thành phần dân Chúa hiểu biết học thuyết xã hội của Giáo hội và vận dụng hiểu biết ấy vào trong thực tế không chỉ là chuyện tùy nghi và thêm bớt của hàng giáo phẩm, mà chính là một nghĩa vụ bắt buộc của hàng giáo phẩm, trong khả năng và điều kiện của mình. Trong những thập niên gần đây, các tín hữu đã có thể học tập được trách nhiệm chính trị qua các mạng thông tin điện tử và các sách báo phát hành đây đó. Nhưng họ sẽ phát huy vai trò của mình cách hiệu quả hơn, khi được hướng dẫn hiểu biết và thực hành một cách bài bản và chính thức.
5.     Hòa mình vào cộng đồng quốc tế
Mở rộng cộng đồng chính trị từ quốc gia sang quốc tế có thể mới được khai thác triệt để từ thế kỷ XX, với hiện tượng toàn cầu hóa. Nhưng trong ý định của Thiên Chúa khi sáng tạo và khi cứu độ con người, cộng đồng quốc tế đã là một thực tế Thiên Chúa muốn nhắm đến, dù đã nhiều lần bị con người cản trở. Thiên Chúa đã tìm đủ cách để khôi phục và củng cố thực tế ấy, như qua giao ước với Noê và nhất là qua cái chết và sự sống lại của Đức Giêsu Kitô – mầm mống và nền tảng của cộng đồng nhân loại mới. Kitô giáo được khai sinh từ những nguồn cội ấy không thể không mang một định mệnh phổ quát, hướng tới mọi dân tộc.
Nhân loại đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử mới nhìn ra được nhu cầu xây dựng một trật tự quốc tế, lấy luật pháp quốc tế làm cơ sở để giải quyết các tương quan giữa các quốc gia. Các quốc gia không sợ bị thiệt hại hay bị phản bội bởi luật pháp quốc tế ấy, vì luật pháp quốc tế này dựa trên luật luân lý tự nhiên cũng là luật phổ quát mà mọi quốc gia thành viên đang tuân giữ. Ngoài luật pháp này, cộng đồng quốc tế còn hoạt động dựa trên những nguyên tắc công bằng và liên đới, tôn trọng và hỗ trợ nhau. Thậm chí bên trên các quyền lợi của các quốc gia, cần phải lưu ý tới một trật tự vượt trên mọi quốc gia – một trật tự quốc tế - mà các nước thành viên phải quan tâm xây dựng, thậm chí có khi còn phải hy sinh một số quyền lợi quốc gia cho ích lợi chung của quốc tế.
Như thế, càng quan tâm đến trật tự quốc tế, người ta càng gắn bó với nhau hơn, được nâng đỡ và nâng đỡ nhau nhiều hơn. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cần dành ưu tiên cho việc phục vụ người nghèo và các nước nghèo bằng cách tham gia chống nghèo đói, chống án tử hình, tìm cách giải quyết các nợ người ngoài…, nhưng trước hết cần tạo ra sự công bằng và bác ái trong mọi quan hệ, những quan hệ nội bộ giữa các quốc gia này.

Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành

Câu hỏi giúp hiểu bài
1.    Cộng đồng chính trị và quyền bính chính trị để lãnh đạo cộng đồng có phải chỉ là sản phẩm của con người tạo ra hay còn là điều Thiên Chúa đã muốn từ ban đầu ? Tại sao ?
2.    Để xây dựng một cộng đồng lấy con người làm chủ (dân chủ) tại Việt Nam, chúng ta cần phải làm gì ?

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log