Bạn hiểu:
1. Bạn hiểu thế nào về lệnh truyền của Đức Giêsu ở câu 15 ?
2. Bạn hiểu thế nào về việc Đức Giêsu được rước lên Trời và ngự bên hữu Chúa Cha?
Bạn sống và chia sẻ:
1. Qua lệnh truyền của Đức Giêsu cho các Tông đồ, bạn nhận ra những giáo huấn gì cho bạn?
2. Qua câu 20, bạn có những kinh nghiệm và nhận thức thế nào về công việc tông đồ của bạn?
II. HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
BÀI 08: QUYỀN TƯ HỮU CỦA CON NGƯỜI
Đã nói đến lao động mà không nói đến quyền tư hữu hay tài sản của con người sẽ tựa như nói tới cây mà không nói tới quả, nói tới vất vả mà không nói tới phần thưởng, cũng chẳng khác nào hô hào dấn thân và cổ võ đấu tranh mà không biết để được gì. Chắc sẽ có người phản đối rằng chủ trương như thế là dẫn con người tới chỗ ích kỷ và hưởng thụ, vụ lợi và nặng vật chất. Thực ra, nếu hiểu đúng và thi hành đúng quyền tư hữu, chúng ta sẽ thấy mình thừa sức vượt qua sự đối lập của hai quan điểm ấy.
1. Thế nào là tư hữu trong Kinh Thánh?
Giáo lý của Kinh Thánh, thời Cựu Ước lẫn Tân Ước, đều không tỏ ra sợ hãi và nghi kỵ của cải và tư hữu. Không những vì đó là điều kiện cần thiết để nuôi sống bản thân và người khác, phát triển cá nhân và xã hội, bảo đảm sự độc lập cần thiết của mỗi người, thậm chí còn có thể giúp chúng ta thực hiện cả những dự tính đạo đức và thiêng liêng như giúp đỡ kẻ nghèo, hỗ trợ các công trình tôn giáo, góp phần tôn vinh Thiên Chúa. Cũng chính vì thế, bổn phận của người lãnh đạo là giúp tôn trọng và bảo vệ của cải và tư hữu của kẻ khác, không những bằng cách ban hành các luật pháp công bằng mà còn tìm cách tạo điều kiện cho các luật pháp ấy được thi hành cách nghiêm minh, kể cả bằng vũ lực. Tuy nhiên, người Do Thái thời Cựu Ước và người Kitô hữu thời Tân Ước đều không quên sự giới hạn của quyền tư hữu và của cải. Một đàng, người ta luôn ý thức của cải xét cho cùng là quà tặng của Thiên Chúa, chứ không chỉ là kết quả lao động của riêng con người. Cũng chính vì thế, người ta không được sử dụng của cải tùy tiện, mà phải theo đúng ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn ấy là không ai độc quyền sử dụng của cải cho riêng mình và những người của mình, đồng thời của cải không chỉ để phục vụ các nhu cầu vật chất và trần thế, mà còn để chăm lo các nhu cầu tâm linh và mai sau nữa. Đàng khác, Kinh Thánh không quên giới thiệu nhiều giá trị khác – đôi khi còn cao quý hơn – bên cạnh của cải, như sức khỏe, danh dự, sự khôn ngoan, sự sống đời đời, sự cứu độ…
Chính vì nhìn ra nguồn gốc và mục đích cuối cùng của tư hữu, nên Kinh Thánh đã không ngần ngại chỉ ra một số cách thể hiện cả hai đặc tính của tư hữu: vừa của con người vừa của Thiên Chúa, vừa của mình vừa của người khác, vừa bảo đảm các nhu cầu vật chất và trần thế vừa giúp chăm lo các nhu cầu thiêng liêng và Nước Trời. Chẳng hạn như không được thu hoạch hoa màu quá kỹ lưỡng quên mất nhu cầu của những người đi mót, không được quên giấc ngủ êm ấm mà người khác cần có bằng cách giữ qua đêm những vật cầm cố thiết thân của họ như áo choàng dùng làm chăn đắp, không được hưởng dùng các hoa lợi của đất đai mà quên mất nhu cầu của các người phụng thờ Chúa thay mình trong đền thờ, không được khai thác quá đáng đất đai của mình mà quên nhu cầu nghỉ ngơi của chính đất đai và nhu cầu cấp thiết của những người nghèo mỗi bảy năm, không được hưởng dùng điều gì quá mức mà quên mất những người khác cũng rất muốn được hưởng dùng điều ấy như cứ 25 năm hay 50 năm một lần các sở hữu chủ nên nhường lại quyền sử dụng đất đai, nhà cửa, ruộng vườn cho người khác – nhất là những chủ cũ của chúng…
2. Thế nào là tư hữu theo quan điểm của Giáo hội từ những thế kỷ đầu tới nay ?
Là nhũng môn đệ trực tiếp của các tông đồ, lại sống trong một thời đại còn nhiều bất công xã hội, các giáo phụ rất nhấn mạnh tới chiều kích xã hội của tư hữu. Thậm chí có giáo phụ đã mạnh dạn quả quyết: mọi của dư thừa là của người nghèo; con người không có quyền sử dụng các của ấy mà không xét tới ích lợi của người nghèo hay mỗi người phải trả lại phần dư thừa ấy của mình (thánh Basiliô, thánh Ambrosiô). Cá biệt, còn nhiều giáo phụ từ khước những của cúng vào nhà thờ của những người chưa chu toàn nghĩa vụ đối với người nghèo.
Giáo hội Công giáo chưa bao giờ quên nghĩa vụ công bằng và bác ái đối với những người kém may mắn trong của cải bằng cách tại Tòa Giám mục nào cũng có những dịch vụ và những nhân viên lo phục vụ bác ái xã hội. Thậm chí còn có cả những đoàn thể và những dòng tu ra đời hầu như chỉ để thi hành công việc này. Hoàng đế Julianô Bội Giáo có muốn tiêu diệt Kitô giáo đến đâu để lập một tôn giáo mới cũng phải công nhận đó là nét son của Kitô giáo mà ông ta sẽ cố gắng giữ lại trong đạo mới của mình.
Ngay cả trong những thời kỳ một số chức sắc trong Giáo hội rơi vào thói tham lam của cải và thích chơi với người giàu có, Giáo hội cũng không chủ trương dẹp bỏ quyền tư hữu. Khi chứng kiến sự cạnh tranh giữa chế độ tư bản và chế độ cộng sản, Giáo hội cũng không bênh bên này bỏ bên kia, mà đúng hơn Giáo hội đã nhân cơ hội ấy để nhắc lại quan điểm hết sức quân bình của mình về của cải: của cải cần thiết nhưng không phải cần thiết bằng mọi giá và trong mọi sự; tư hữu là một giá trị nhưng không phải là giá trị tuyệt đối… Giáo huấn xã hội Công Giáo gọi đây là định mệnh phổ quát của tài sản, tính xã hội của tài sản.
Theo tông thư “Caritas in veritate” (‘Bác ái trong sự thật’) của Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, ban hành ngày 29/6/2009, một lần nữa Giáo hội nhắc lại nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng kinh tế trên thế giới hiện nay là chính lòng tham của con người hay là sự thiếu vắng tinh thần khó nghèo – tinh thần vô vị lợi (hay vô cầu) – tinh thần liên đới nơi các cá nhân và xã hội. Muốn thu lãi vừa nhiều vừa nhanh, không muốn sống giản dị và tiết giảm, càng không tin vào tinh thần vô vị lợi, không mạnh dạn thể hiện tình liên đới xã hội… đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn tới khủng hoảng tài chính và kinh tế hiện nay.
Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng, khi xu thế kinh doanh hiện nay là gia tăng tài chính để có thể toàn cầu hóa các hoạt động sản xuất, thương mại và giao dịch. Quá tin vào tư bản (vốn), quá thiết tha tăng thêm tư bản (vốn), quá nóng vội xoay nhanh tư bản (vốn)… người ta đã chấp nhận những rủi ro cao – rủi ro trong đầu tư, rủi ro trong sản xuất, rủi ro trong giao dịch… và cuối cùng đã tạo ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân những nhà kinh doanh ấy mà nhiều hơn và nghiêm trọng hơn, với những người nghèo trong xã hội, với những quốc gia nghèo trên thế giới.
3. Tư hữu đất đai
Đã đành không phải chỉ mới gần đây mà từ lâu lắm, người ta đã biết tự do hóa sản xuất và thương mại, tự do hóa cạnh tranh và sáng kiến đúng là một con dao hai lưỡi: có thể đưa tới sự phát triển và thịnh vượng nhanh chóng và rộng lớn, nhưng cũng có thể gây ra sự phân cách khổng lồ giữa người giàu và người nghèo – giữa nước giàu và nước nghèo – đôi khi tới mức bất công không thể chịu nổi. Nhưng nếu vì thế mà đòi quốc hữu hóa tất cả mọi sự hay truất hữu tất cả những tài nguyên nào quan trọng như điện khí, nhiên liệu, khoáng sản, đất đai, tiền bạc… thì cũng khó lòng tránh khỏi tình trạng trì trệ vì đã tước mất động cơ làm việc của con người, hoặc tình trạng “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa” khi thay vì tập trung của cải vào một số cá nhân người ta lại tập trung của cải vào đảng phái cầm quyền, rồi vào tay một phe thắng thế trong đảng hay vào tay một số người lãnh đạo trong đảng. Tình trạng này còn tệ hơn tình trạng trước, vì nó được biện minh một cách bên ngoài là không dành cho bất cứ cá nhân nào độc quyền trên của cải quốc gia, nhưng kỳ thực đằng sau chiêu bài ấy, người ta đang cá nhân hóa quyền tư hữu tới mức tuyệt đối, thậm chí tư nhân hóa mà không chịu sự chi phối bởi chuẩn mực nào hay lực lượng nào.
Ngược lại, nếu biết điều tiết việc tư nhân hóa các loại của cải vừa kể trong khuôn khổ công ích và luật pháp, có sự can thiệp đúng mức của Nhà Nước thì có thể tư nhân hóa đất đai và các bất động sản quan trọng khác sẽ mang lại ích lợi nhiều hơn. Đó là chưa kể đất đai hiện nay đã được kể là một trong những nguồn làm nên vốn của một sản phẩm hay mặt hàng hoặc dịch vụ. Tư nhân hóa các loại của cải quý giá ấy còn tránh được tình trạng độc tài và độc quyền của một số quốc gia trên các của cải ấy.
4. Nền kinh tế lý tưởng theo Kitô giáo
Không phải là nền kinh tế không có cạnh tranh, không có đột phá, không làm ăn có lãi, càng không phải là nền kinh tế không sử dụng nhiều tiền bạc, nhiều công nhân, nhiều thiết bị và công nghệ. Mà đó là nền kinh tế có tất cả những yếu tố vừa kể và những yếu tố quen thuộc trong kinh tế, nhưng dựa trên những nguyên tắc: không chỉ công bằng và liêm khiết mà còn bác ái và hy sinh, không chỉ độc lập mà còn liên đới, không chỉ mua bán độc quyền mà còn chia sẻ, không chỉ lợi nhuận mà còn vô cầu hay hướng tới những giá trị khác, thiêng liêng và rộng lớn hơn.
Một nền kinh tế như thế đòi phải giữ được sự quân bình như của kiềng ba chân giữa thị trường tự do, các đoàn thể trung gian và Nhà Nước. Nếu chỉ có thị trường tự do thì sẽ xảy ra tình trạng thao túng của cá nhân hay tập thể nào đó và vô chính phủ; nếu chỉ có các đoàn thể trung gian thì sẽ khó thu vào những lợi nhuận đáng kể; nếu chỉ có Nhà Nước thì sẽ có sự độc tài bao biện, không có sự cạnh tranh và phát triển lành mạnh. Cả ba cơ quan này sẽ không chỉ hoạt động theo nguyên tắc lợi nhuận và phát triển vật chất, càng không thể hoạt động một cách phi đạo đức (vì bất cứ sinh hoạt nào muốn là của con người đều phải phù hợp với đạo đức hay phục vụ phẩm giá và định mệnh cao cả của con người).
Nhưng cũng vì sự quân bình giữa ba mặt trận ấy quá lý tưởng nên chúng ta không đòi hỏi và kỳ vọng sẽ thấy ba khía cạnh ấy một sớm một chiều. Nó phải là kết quả của một nỗ lực lâu dài, đến từ nhiều phía, thậm chí với những sửa chữa và cải thiện không ngừng.
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
CÂU HỎI GIÚP HIỂU BÀI
1. Thiên Chúa và sau đó, Giáo hội Kitô giáo ủng hộ hay chống đối việc làm kinh tế hay việc làm giàu (việc gia tăng của cải)? Tại sao?
2. Nếu của cải có tính xã hội, tôi phải làm gì với việc sử dụng tài sản của mình?