Thứ năm, 23/01/2025

Đồng Hành - Tháng 12. 2014Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng

Cập nhật lúc 16:22 27/11/2014
Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tích cực hướng về ngày đó mà giáo lý quen gọi là ngày cánh chung.
ADOLP KOLPING
     1813 -1865

Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Năm Phụng vụ bắt đầu với Mùa Vọng, chuẩn bị chúng ta mừng đại lễ Giáng sinh, một lễ tưng bừng nhất trong năm. Trong thời gian Mùa Vọng, Giáo hội muốn chúng ta sống mãnh liệt hơn tâm tình khát mong Chúa đến. Nhưng Chúa đến lúc nào? Chúng ta biết Chúa đã đến cách đây đã hơn 2.000 năm, trong thận phận làm người. Mùa Vọng có mục đích đầu tiên là chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng lễ Giáng sinh, tức là kỷ niệm biến cố Ngôi Hai xuống thế làm người tại Bêlem ngày xưa. Nhưng chúng ta cũng tuyên xưng Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét thế gian và hoàn thành công cuộc cứu độ không những đối với loài người mà còn đối vơi toàn thể vũ trụ nữa.
Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống tích cực hướng về ngày đó mà giáo lý quen gọi là ngày cánh chung. Giữa hai lần Chúa đến ấy, còn có thể nói tới một lần nữa, đó là cuộc Chúa ngự đến cách nhiệm mầu trong tâm hồn chúng ta bằng ân sủng, như lới Kinh thánh: "Ai yêu mến Ta, thì Cha Ta sẽ yêu mến người ấy và chúng ta sẽ cư ngụ trong người ấy.” Như vậy Mùa Vọng cử hành ba cuộc ngự đến. Cần nhớ tới cả ba nếu chúng ta muốn hiểu rõ nội dung của các bản văn Kinh thánh và Phụng vụ của mùa này và có được những tâm tình thích hợp.
Mùa Vọng đến còn nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời chúng ta còn dang dở và quê hương thật của chúng ta ở trên trời. Mùa Vọng mời gọi chúng ta nhổ trại lên đường tiến về Ngày của Chúa, ngày Chúa đến làm cho cuộc đời chúng ta cũng như toàn thể lịch sử nên sung mãn. Chính ngày đó đem lại cho cuộc sống hiện tại một hướng đi và một ý nghĩa cao cả. Vì thế, nỗi chờ mong của chúng ta cũng là một niềm hy vọng. Chúng ta chờ đợi với sự tin tưởng và nôn nóng như người vợ hiền chờ đợi người chồng mà bà đã biết, mà bà yêu mến và được yêu mến.
Như vậy, theo tinh thần Mùa Vọng, sống hướng về ngày Chúa đến có thể được diễn tả trong ba thái độ cụ thể. Trước tiên, là tương đối hóa hiện tại. Mọi giá trị ở đời này như của cải, danh vọng, tình yêu, gia đình, khoa học, kỹ thuật, văn hóa v.v. là những điều tốt lành mà chúng ta phải ra sức thực hiện theo thánh ý của Chúa trong hoàn cảnh sống cụ thể của mình, nhưng đó chưa phải là những cái tuyệt đối đáng cho chúng ta coi là mục đích phải gắn bó và đeo đuổi với bất cứ giá nào. Trái lại, chúng chỉ tìm được trọn vẹn giá trị khi đối chiếu với cùng đích tối hậu, đích thực của đời chúng ta. Thái độ sống này làm cho ta nên khôn ngoan, sáng suốt, chừng mực và tự do. Sống hướng về ngày Chúa đến còn đòi hỏi nơi chúng ta một thái độ thứ hai là phải cương quyết chống lại tội lỗi và sự ác nơi bản thân mình và chung quanh mình, nơi gia đình và trong xã hội. Đó là dọn đường cho Chúa ngự đến, như chúng ta thường hát trong Mùa Vọng theo lời Kinh Thánh: "Quanh co uốn cho ngay, Gồ ghề san cho phẳng, Hố sâu lấp cho đầy, Nơi cao phải bạt xuống.” Sau hết, sống hướng về ngày Chúa đến buộc chúng ta phải tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung: hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng của mình để hoàn thành mọi việc theo ý chủ nhà hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào (Đời sống người Kitô hữu qua các mùa Phụng vụ. Linh mục Nguyễn Hồng Giáo, OFM. Trang 06 -10).
Thưa anh chị em,
Theo sự bổ nhiệm của Bề trên Giáo phận, kể từ ngày 06/12/2012 cha Giuse Nguyễn Trọng Dưỡng, Quản xứ Nghĩa Lộ sẽ là linh mục đồng hành của Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hoá; cộng tác với ngài, có thầy Gioan Ngô Văn Khuê đang làm mục vụ tại Giáo xứ Trù Mật. Xin anh chị em tích cực cộng tác với cha đồng hành mới.
Cầu chúc anh chị em một Mùa Vọng thật sốt sắng, một lễ Giáng sinh ấm cúng, một Mùa Giáng sinh tràn ngập niềm vui và ân sủng!
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHGĐKB. Hưng Hoá
I.     CHIA sẺ LỜI CHÚA:  Chủ nhật II Mùa Vọng
Is 40, 1-11; 2 Pr 3, 8-14; Mc 1, 1- 8
Thánh Gioan Tẩy giả là vị Tiền hô của Đấng Cứu Thế. Ngài đã sống và thi hành sứ mạng của ngài thế nào?
Ngài sống rất khổ hạnh từ buổi thiếu thời: y phục chỉ có một áo choàng bằng da lạc đà, là một kiểu áo hãm mình mà các ngôn sứ xưa thường dùng, ngang lưng thắt một dây da cho gọn ghẽ, còn của ăn lại càng bấp bênh hơn nhờ vào “may rủi”, là ăn châu chấu độn với mật ong rừng. Thánh Gioan ăn mặc như thế mà đi rao giảng khắp vùng Giuđê, Galilê và quanh sông Giođan. Bấy giờ mùa màng vừa gặt hái xong, thời vụ mới cũng chưa tới, nên dân chúng rảnh rỗi kéo nhau đến rất đông để nghe ngài giảng, cả những người lãnh đạo cũng sai người tới hỏi ngài là ai? Ngài chỉ mượn lời ngôn sứ Isaia để trả lời: Tôi không là ai cả, chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, có bổn phận dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
Ngài làm phép rửa và rao giảng kêu gọi mọi người thay đổi đời sống để đón Đấng Cứu Thế đến. Phép rửa của thánh Gioan, xét về hình thức thì giống như phép rửa của đạo Do Thái, là dìm mình ở nước sông Giođan, để từ bỏ ngoại giáo và dứt khoát trở về tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng phép rửa của thánh Gioan có một hướng mới, khác hẳn đạo Do Thái, đó là hướng về luân lý, dùng công bằng, bác ái, chân thật để sửa soạn cho nước Đấng Cứu Thế. Vì vậy, phép rửa của Gioan chuẩn bị cho phép rửa của Chúa Giêsu, giúp người ta sám hối, sửa soạn cho việc tha tội. Cho nên, phép rửa của thánh Gioan không phải là một bí tích, nghĩa là không tự động tức khắc tha tội.
Đàng khác, cùng với việc làm phép rửa, thánh Gioan còn giảng dạy, kêu gọi mọi người hãy thay đổi đời sống để đón nhận Đấng Cứu Thế: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 1, 3). Điệp khúc rao giảng của ngài là hãy ăn năn sám hối, lời giảng của ngài làm chấn động mọi tầng lớp, mọi hạng người, từ lớp rắn lục trở xuống, nghĩa là những người có chức quyền, nhưng lươn lẹo, cố chấp, và cả vua Hêrôđê cũng bằng lòng nghe ngài giảng. Sử gia Phơ-la-vi-ô đã ghi nhận đại ý như thế này: Ông Gioan có ảnh hưởng sâu đậm trên quần chúng, đến nỗi họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì ông dạy bảo, hết mọi hạng người đến gặp ngài để xin ngài chỉ dạy cách phải sống.
Đối với chúng ta hôm nay, lời kêu gọi “hãy ăn năn sám hối” của thánh Gioan phải chăng đã nhàm chán và lỗi thời? Hoặc trong hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, lời kêu gọi hãy thay đổi đời sống của thánh Gioan phải chăng không còn cần thiết nữa?
Nhàm chán thì có nhàm chán thật, vì lúc nào chúng ta cũng nghe lặp đi lặp lại những lời khuyên đó hoặc những lời tương tự như: Hãy tu thân tích đức, đừng kiêu ngạo, đừng gian tham, đừng bất công, đừng sống phản bác ái, lỗi tình thương.
Nhưng còn lỗi thời thì sao? Có lỗi thời hay không? Có thể nói, ngày nào còn con người là còn luân lý, còn giáo dục, còn khuyên răn, và bao lâu còn tội lỗi, còn tranh chấp, còn tiêu cực, thì còn phải sửa chữa, phải thay đổi để mỗi ngày trở nên tốt hơn, và như vậy lời kêu gọi của thánh Gioan vẫn mãi mãi cần thiết, không bao giờ lỗi thời.
Chúng ta đều biết, bước đầu tiên để kiến tạo một xã hội, một thế giới tốt đẹp, là con người phải hiểu rõ “cái tôi” của mình, và từ đó mới làm chủ được bản thân và cùng hòa nhịp vào cuộc sống với mọi người, đúng như quan niệm từ ngàn xưa của Đức Khổng Tử đã nói: “Thành ý, chính tâm, tu thân” rồi mới “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.” Con người sống trong xã hội có ảnh hưởng hỗ tương và liên đới trách nhiệm với nhau rất mật thiết, một con én không làm nên mùa xuân, nhưng một phần tử xấu cũng đủ làm hư hỏng một gia đình và cả xã hội, “con sâu làm rầu nồi canh” là như thế.
Vì vậy, mỗi Mùa Vọng chúng ta lại có dịp xét mình, kiểm điểm đời sống, cách suy nghĩ qua lời kêu gọi của thánh Gioan, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn. Nói khác đi, chúng ta cần phải thay đổi cách sống và lối suy nghĩ không phù hợp với giáo huấn của Chúa hay không đúng với lương tâm của mình.
Trên đời này có cái gì không thay đổi chăng? Có người chơi chữ thế này: chỉ có chữ “thay đổi” là không thay đổi mà thôi, nghĩa là cái gì trên đời này cũng thay đổi. Thế giới này có nhiều sự thay đổi, và có những cái thay đổi ảnh hưởng tới chúng ta, nhưng cái cần thiết nhất là lòng chúng ta phải thay đổi. Khi lòng mình được thay đổi thì mọi sự sẽ được đổi thay. Chúng ta đừng mong ngoại cảnh thay đổi lòng mình, chính lòng chúng ta phải được thay đổi trước đã thì ngoại cảnh mới thay đổi theo.
Có một cụ già kia sống giữa hai gia đình, một gia đình làm nghề thợ rèn và một gia đình làm nghề thợ mộc, cả hai gia đình này gây tiếng động ồn ào suốt ngày.
Cụ già không chịu được, năn nỉ họ đổi đi nơi khác, nhưng họ cứ nhùng nhằng mãi, sau cùng họ đồng ý đổi đi, họ đổi đi đâu? Họ đổi nhà cho nhau. Như vậy, cụ già kia chẳng được gì. Muốn thay đổi, chính cụ phải thay đổi, chính cụ phải dọn nhà đi ở nơi khác.
Đàng khác, có người không muốn thay đổi gì hay chỉ ưa thay đổi tạm bợ và bằng lòng với phương pháp gọi là tu sửa ít phần trăm, có người lại sợ đổi mất cả cái ít phần trăm đó; vì thế, dù chúng ta đang sống trong hoàn cảnh nào thì lời kêu gọi của thánh Gioan vẫn là một lời khẩn thiết, xin mỗi người hãy lắng nghe và thực hiện để kinh nghiệm được những ơn phúc của Mùa Vọng.
Xin Chúa cho tất cả chúng ta đều thay đổi, đều đổi mới từ tư tưởng tới hành động để trở thành những con người mới thực sự.
 
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1.      Anh chị hiểu thế nào về phép rửa của Gioan Tẩy giả và phép rửa của Đức Giêsu?
2.      Đời sống của Gioan Tẩy giả giúp gì cho đời sống của anh chị trong Mùa Vọng này?
3.      Anh chị đã nhận được những giáo huấn gì qua đời sống và sứ vụ của Gioan Tẩy giả?
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
II.  HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

 

Bài 06

Các nguyên tắc hướng dẫn hành động

 
Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo không chỉ nêu ra các giá trị căn bản (sự thật, tự do, công bằng và bái ái) mà một xã hội cũng như một cá nhân phải phấn đấu thực hiện để làm cho xã hội cũng như bản thân mình ngày càng phát triển và thăng tiến. Học thuyết ấy còn đề xuất các nguyên tắc, tuy tổng quát nhưng cũng rất cụ thể, hướng dẫn các cá nhân và tập thể hành động để phát triển xã hội và thăng tiến bản thân. Đó là nguyên tắc phẩm giá con người là mục tiêu tối thượng, nguyên tắc công ích, nguyên tắc về mục tiêu phổ quát của tài sản, nguyên tắc bổ trợ, nguyên tắc tham gia dân chủ và nguyên tắc liên đới. Những nguyên tắc này đều phải được áp dụng trong bất cứ hành động, sáng kiến, dự án, kế hoạch, chính sách nào của tập thể hay của cá nhân, đời lẫn đạo.
1.    Nguyên tắc phẩm giá con người
Nguyên tắc này là nguyên tắc trên hết, đã được trình bày ở bài số 03, cho biết mọi hành động, sáng kiến, dự án, kế hoạch hay chính sách, của tập thể lẫn cá nhân, phải lấy con người với đầy đủ phẩm giá của nó là mục tiêu thì mới có giá trị.
Mọi hành động xúc phạm đến con người, dù có đem lại lợi ích kinh tế hay xã hội hoặc chính trị nhiều đến đâu, cũng đều không có giá trị đạo đức hay không có giá trị thật sự. Ngược lại, một sáng kiến hay dự án, tuy không đem lại lợi ích kinh tế hay xã hội hoặc chính trị nhiều, nhưng làm phẩm giá con người được tôn trọng, đều xứng đáng được coi là có giá trị thật.
2.    Nguyên tắc công ích
Công ích là tất cả những điều kiện, vật chất lẫn tinh thần và thiêng liêng, cần thiết để con người và xã hội được phát triển theo đúng bản chất và mục tiêu của chúng.
Thế nên, tuy không phải là giá trị cao nhất nhưng vì có liên quan mật thiết với hạnh phúc đích thực của con người và xã hội, nên một hành động, một sáng kiến, một dự án, một kế hoạch hay một chính sách phục vụ cho công ích lớn nhất của quốc tế hay quốc gia, hoặc cho công ích nhỏ hơn của các tập thể, đoàn hội, gia đình đều được đánh giá là tốt. Điều quan trọng là cần xác định công ích do các hành động và chính sách ấy mang lại có thực sự là điều ích lợi và cần thiết cho hạnh phúc của con người và xã hội hay không, hay chỉ là điều ích lợi theo như một số người nghĩ, hay mới chỉ trên lý thuyết chứ chưa đi vào thực tế.
3.    Nguyên tắc của cải là của mọi người
Từ ban đầu cho đến ngày nay, đạo Kitô luôn chủ trương thế giới và mọi của cải trong đó đều là của chung phục vụ mọi người. Mỗi người được quyền lấy trong đó những gì cần thiết cho mình và cho những người mình chịu trách nhiệm. Còn mọi thứ khác, và ngay cả những cái mình có quyền lấy cho mình, đều phải được sử dụng thế nào để phục vụ mọi người.
Bằng cách này, Kitô Giáo vừa bên vực quyền tư hữu vừa bảo vệ tính xã hội của mọi tài sản cá nhân. Hay nói cách khác, Kitô Giáo không chủ trương sự vô sản tuyệt đối, cũng không cổ xúy sự tư hữu vô hạn.
4.    Nguyên tắc bổ trợ
Để giải quyết tương quan giữa tập thể lớn và tập thể nhỏ, giữa trung ương và địa phương, giữa chính quyền và nhân dân, giữa cấp lãnh đạo và cấp dưới, Đức Giáo hoàng Piô XI đưa ra nguyên tắc bổ trợ, còn gọi là nguyên tắc phụ đới.
Theo nguyên tắc đó, tập thể lớn hay trung ương, chính quyền hoặc lãnh đạo phải tôn trọng và tạo điều kiện cho các tập thể nhỏ và địa phương, cho nhân dân và cấp dưới ngày càng tự trị và độc lập; và chỉ can thiệp vào khi cấp dưới, nhân dân, địa phương và các tập thể nhỏ không đủ năng lực thực hiện các công tác. Vì thế, một trung ương dành mọi quyền về mình, một chính quyền bao cấp hết tất cả, một tập thể lớn nuốt hết các tập thể nhỏ, một lãnh đạo làm thay tất cả… đều là những tổ chức và những cá nhân không đóng đúng vai trò của mình.
5.    Nguyên tắc tham gia dân chủ
Một xã hội hay một tập thể trưởng thành là một xã hội hay một tập thể, trong đó không chỉ có một số người làm việc, còn những người khác chỉ là khán giả và là người tiêu thụ; trái lại, tất cả đều tham gia vào việc chung theo cương vị và khả năng của mình.
Cũng thế, chính quyền hay cấp lãnh đạo có tinh thần trách nhiệm khi không bao cấp đã đành, mà còn tìm cách tạo điều kiện cho mọi thành phần trong xã hội hay tập thể tham gia điều hành xã hội hay tập thể ấy, theo khả năng và cương vị của họ. Bởi chưng, xã hội hay tập thể ấy không phải là tài sản riêng của một ai mà là gia sản chung của hết mọi người; mọi người dân đều có quyền làm chủ xã hội và mọi thành phần đều có quyền làm chủ tập thể.
6.    Nguyên tắc liên đới
Càng sống lâu trong xã hội người ta càng nhận thấy rằng thoả mãn xong các đòi hỏi của đức công bằng theo pháp luật chưa thể cho phép chúng ta bàng quan và phủi tay đối với người khác, vịn cớ là đã thi hành các nghĩa vụ đối với họ.
Giữa mọi cá nhân với nhau, giữa các xã hội với nhau, thậm chí giữa các quốc gia với nhau, luôn luôn có một sự ràng buộc sâu xa và vững bền. Không phải vì nợ nần nhau, mà chính vì cùng chia sẻ một bản tính và một định mệnh, một nguồn gốc và một cứu cánh, nên chúng ta phải liên đới với nhau, quan tâm và lo lắng cho nhau. Bằng không, không phải chỉ phía người thấp kém hơn phía xã hội thụt lùi hơn sẽ bị thiệt hại, mà cả những cá nhân và tập thể mạnh mẽ hơn cũng bị vạ lây.
Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
 
Câu hỏi giúp hiểu bài:
1.      Anh chị thử dựa vào một hay vài nguyên tắc trên đây để phê phán một hành động, một sáng kiến, một kế hoạch hay chính sách của một cơ quan hành chính hay một công ty thương mại, hoặc của một giáo xứ.
2.      Trong các nguyên tắc trên đây, anh chị thấy nguyên tắc nào hay bị vi phạm nhiều nhất? có cách nào giúp anh chị và người khác thi hành tốt hơn các nguyên tắc này?    
Cộng đoàn Khôi Bình Hưng Hóa
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Sinh viên Công giáo Hưng Hóa mừng Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2025, Gia đình Sinh viên Công giáo (SVCG) Hưng Hóa đã tổ chức chương trình Lễ Tất Niên 2024 tại Giáo xứ Cát Ngòi. Sự kiện diễn ra trong bầu không khí ấm áp và tràn đầy niềm vui, gắn kết những người trẻ trong đức tin và tình yêu thương.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log