|
|
CỘNG ĐOÀN KHÔI BÌNH HƯNG HÓA |
1813 -1865
|
ĐỒNG HÀNH |
Tháng 9. 2014
Nội bộ Sinh hoạt hàng tháng |
|
|
Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Trong ơn gọi đời sống hôn nhân, Bí tích Hôn phối là con đường nên thánh đích thực của người Kitô hữu. Nói cách khác, đời sống gia đình vợ chồng, con cái là một “thánh gia” mà Chúa muốn chúng ta sống cách hoàn hảo nhất.
Lời Chúa trong thánh lễ hôn phối có câu “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Khi cả hai người nam và người nữ nhờ bí tích này mà đã trở nên một. Chúa chúc lành để họ sinh sản con cái cho Giáo hội, và cùng giúp nâng đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong đời sống vợ chồng. Để có được một tình yêu bền chặt và thủy chung với nhau suốt đời, cả hai người phối ngẫu cần có tình yêu quảng đại biết hy sinh cho người mình yêu. Vào khoảng thập niên 50 hoặc 60 của thể kỷ XX, các cuộc hôn phối hầu như là sống với nhau đến suốt đời, hiếm khi người ta nghe nói đến chuyện ly dị. Một phần quan trọng trong những cuộc hôn nhân bền lâu này là sự chịu đựng hy sinh rất nhiều của người mẹ. Những người mẹ này chịu thương chịu khó vì chồng, vì con, cả quãng đời của họ là cả quang đời sống trong tảo tần hy sinh, gian khổ, để có được một mái ấm cho chồng, cho con, đổi lại, người chồng bấy giờ cũng sống rất chung thủy, dành trọn đời cho cho gia đình, cho vợ con. Sự hy sinh lẫn nhau này vừa là tình yêu đích thực của đời sống vợ chồng, vừa là ân huệ Chúa ban cho những đôi vợ chồng có lòng kính mến Chúa và giữ những điều luật của Ngài.
Ngày hôm nay, đa số con người trong xã hội có một lối sống hưởng thụ ích kỷ và coi trọng vật chất hơn tình yêu, có người sẵn sàng vì tiền mà bán rẻ cuộc đời của mình. Vì thế, gia đình rạn nứt, sống với nhau mà thiếu tình yêu. Điều này đã khiến đời sống gia đình trở thành gánh nặng cho nhau và đi đến đổ vỡ.
Người Kitô hữu chúng ta, qua Bí tích Hôn phối, gia đình trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, đón nhận được nhiều ân huệ và lời chúc phúc của Ngài, và con cái là những hoa trái của tình yêu. Để có được một gia đình như thế, cả hai người phối ngẫu trước tiên cần phải có một tình yêu thật sự, tình yêu này giúp cả hai người có một đời sống tin yêu, gần gũi, và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong đời sống vợ chồng. Điều quan trọng là cả hai người cùng chung một lòng, một ý hướng để việc xây dựng tổ ấm của mình ngày càng hạnh phúc trong tình yêu.
Trong tình yêu vợ chồng, sự bền vững của hôn nhân đòi buộc hai bên phải có sự chung thủy và tôn trọng lẫn nhau. Sự sống gần gũi lâu ngày và những khó khăn trong cuộc sống không làm tình yêu phai nhạt, nếu cả hai biết tôn trọng tình yêu của nhau, giữ lòng chung thủy và sự khiết tịnh trong đời sống vợ chồng, thì không những ngày càng yêu nhau hơn, tạo nên một tổ ấm hạnh phúc, con cái được dưỡng nuôi trong bầu khí yêu thương và là gương sáng cho con cái noi theo.
Tình yêu thật sự trong hôn nhân là tình yêu biết hy sinh cho người mình yêu. Như lời Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga15,13).
Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta bằng tình yêu lớn lao nhất và Chúa cũng dạy chúng ta phải biết yêu nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta.
Trung kiên với Khôi Bình (Treu Kolping),
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hóa
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN
Ed 33, 7-9; Rm 13, 8-10; Mt 18, 15-20
Chúa Giêsu nói: “Nếu người an hem của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi” (Mt 18, 15). Người không nói: “Hãy dung thứ, hãy chịu đựng, hãy nhẫn nhục.” Người nói : “Hãy đi nói cho nó biết lỗi phạm của nó.”
Giả như có ai xúc phạm đến chúng ta, chúng ta có bổn phận chỉ ra cho họ thấy khuyết điểm đó. Đối với người trên, thì đây là một bổn phận đặc biệt (xem bài đọc I). Người ta thường chịu đựng mọi thứ lạm dụng để gìn giữ một sự an hoà giả tạo. Có thể họ nghĩ rằng đó là thánh ý của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, việc chạm trán với người khác là một nghệ thuật. Nếu chúng ta gặp họ với một thái độ gay gắt, thì chỉ tổ làm cho lòng họ thêm chai lỳ mà thôi. Trong trường hợp đó, không những không thu lượm được gì, mà lại thêm tai hại nữa. Ngược lại, nếu chúng ta gặp họ với thái độ hoà nhã hơn thì có thể khiến họ mềm lòng, nhận ra lỗi lầm của mình, và như thế có thể sửa đổi.
Trong cuốn tự thuật “Con Đường Dài Dẫn Đến Tự Do” (1994), Tổng thống Nam Phi là ông Nelson Mandela đã kể lại những năm dài bị giam cầm ở đảo Robben. Một ngày nọ ông được gọi lên văn phòng. Tướng Steyn ghé thăm đảo, và muốn Madela cho biết các tù nhân có khiếu nại gì không. Badenhorst, viên sĩ quan chỉ huy trên đảo, cũng có mặt. Lúc đó, các tù nhân vừa sợ vừa ghét ông ấy. Với thái độ bình tĩnh, nhưng mạnh mẽ và chân thật, không gay gắt, không có ý buộc tội, Mandela đã cho vị khách biết những khiếu nại chính của tù nhân. Vị tướng ghi nhận tất cả những ý kiến đó, chung quy là những lời buộc tội chống lại chế độ lao tù của Badenhorst. Ngày hôm sau, Badenhorst đến gặp Mandela và nói: “Tôi sắp phải rời đảo. Chúc các anh được mọi điều may lành.” Hành động đó khiến Mandela nghẹn lời. Sau này ông kể lại: “Tôi rất ngạc nhiên. Badenhorst đã nói những lời đó, lời của một con người, và đã bộc lộ một khía cạnh khác nơi ông mà trước đây chúng tôi chưa hề biết. Tôi cám ơn ông vì những lời chúc tốt đẹp đó và cũng chúc ông luôn may mắn trong mọi nỗ lực của mình.”
Mandela nói rằng, sau này ông vẫn còn suy nghĩ mãi về sự kiện đó. Có lẽ trên đảo, Badenhorst là sĩ quan chỉ huy nhẫn tâm và tàn ác nhất. Nhưng tự bản chất, ông ấy vẫn còn một khía cạnh khác, khía cạnh tuy mờ tối nhưng vẫn tồn tại.
Và rồi Mandela kết luận: “Nên nhớ rằng, mọi người, cả những người tỏ vẻ lạnh lùng nhất, thì vẫn có thiện căn và nếu như tâm hồn họ được khơi động lên thì họ có khả năng biến đổi. Suy cho cùng, Badenhorst không có tội, chính cái guồng máy vô nhân đạo đã khiến ông trở thành kẻ vô nhân đạo. Ông ta hành xử như một kẻ tàn bạo bởi vì ông được tưởng thưởng khi làm như thế.”
Giáp mặt với người khác là điều khó khăn, đòi phải có can đảm và khôn ngoan. Nếu như chúng ta gặp người khác với thái độ tức giận, với ý định trả thù thì rất có thể chỉ phản tác dụng thôi. Chúng ta phải gặp người khác không chỉ vì có lợi cho chúng ta và vì bị chạm tự ái, nhưng là vì chuyện đó có lợi cho người khác. Đây là cách biểu lộ tình yêu với người anh em đó (xem bài đọc II).
Để người khác lỗi phạm đến mình là chúng ta thiếu bác ái. Khi gây tổn thương cho chúng ta là họ làm hại chính mình. Vì lợi ích cả cho họ nữa, họ phải chừa bỏ việc họ đang làm. Hơn nữa, thấy người khác làm sai mà chúng ta không cố gắng can ngăn thì chúng ta cũng có phần trách nhiệm đối với hành động sai trái của người ấy.
Chúng ta có trách nhiệm với nhau, tuy nhiên người đứng đầu cộng đoàn có bổn phận nặng nề nhất trong việc sửa lỗi người khác. Nhưng đó cũng là bổn phận của mọi Kitô hữu. Chúng ta không được im lặng khi sự im lặng đó có thể mang ý nghĩa là đồng lõa. Trong trường hợp đó, chúng ta cũng có một phần trách nhiệm đối với sự ác.
Ngôn sứ Edêkien được đặt làm người canh giữ nhà Israel. Ông không nói với họ bằng thái độ kẻ cả mà bằng sự khiêm tốn chân thành và bằng thái độ quan tâm đến họ.
Nếu chúng ta giáp mặt với người có lỗi đúng cách, và nếu họ là người chân thành thì họ sẽ sửa lỗi. Bằng không, họ sẽ không thể nại cớ là không biết mà trách chúng ta là tại sao chúng ta không nói cho họ biết. Mục tiêu không phải là để chiến thắng anh em mình mà là đưa họ trở về, là hoà giải với họ. Có lẽ người đó không nhận thức được họ đang sai lầm.
Trong câu đáp ca, chúng ta lặp đi lặp lại: “Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Người, các ngươi đừng cứng lòng nữa.” Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta từ bỏ bước đường lầm mà trở lại sống thân tình với Chúa và với người khác.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Anh chị đã bị ai khác phê bình góp ý chưa? Anh chị cảm thấy thế nào khi bị người khác nói về sai lỗi khuyết điểm của mình?
- Góp ý sửa lỗi cho người khác có phải là một việc làm cần thiết hay không? Tại sao?
- Khi thấy người trên có một lỗi nghiêm trọng, ta nên góp ý sửa lỗi thế nào để vừa có kết quả tốt, vừa tránh được quan hệ căng thẳng giữa người đó với ta sau này?
- Khi làm việc trong một công sở hay một công ty mà cả tập thể từ trên xuống dưới đều đồng lòng thâm lạm công quỹ để chia nhau. Vậy ta phải khôn ngoan cư xử thế nào để tránh khỏi bị đào thải và giữ được sự công bình cần thiết?
II. HỌC HỎI GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Bài số 03
Nền tảng của Giáo huấn Xã hội Công giáo: Con người
Ngày nay, có mấy chính quyền và có mấy nhà chính trị là không quả quyết các chính sách của mình đều là “cho dân và vì dân”, hay nói rộng rãi hơn, tất cả là “cho con người và vì con người.” Chỉ có điều là chưa mấy ai nghe quí vị ấy định nghĩa xác đáng thế nào là dân hay thế nào là con người.
Giáo Hội Công Giáo cũng khẳng định “xã hội loài người chính là đối tượng giáo huấn xã hội của Giáo Hội, vì Giáo Hội không đứng ngoài cũng chẳng đứng trên những con người liên kết thành xã hội, mà Giáo Hội chỉ tồn tại nơi những con người và bởi đó, Giáo Hội tồn tại vì những con người” (Bộ Giáo Dục Công Giáo, “Hướng dẫn học tập và giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội trong việc đào tạo linh mục”, số 35). Thậm chí “thay vì làm đối tượng hay làm nhân tố thụ động của đời sống xã hội, con người nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội” (Đức Piô XI, “Thông điệp truyền thanh ngày 24/12/1944”, số 5).
Tuy nhiên, Giáo Hội đã xây dựng những điều mình vừa nói dựa trên cả một quan niệm về con người, được phản ảnh qua các nỗ lực và công trình mình đã thực hiện cho con người.
Nếu vậy, con người mà mọi lời nói và việc làm của Giáo Hội Công Giáo nhắm tới như đối tượng và mục đích là gì? Con người mà Giáo Hội Công Giáo muốn trao sứ mạng để thi hành như một chủ thể là con người thế nào?
1. Đa số các triết lý về con người hay các chính sách xã hội liên quan đến con người đều định nghĩa con người từ dưới lên, nghĩa là từ con vật và cộng thêm một nét đặc thù nào đó của riêng con người, như “con vật/ có lý trí”, “con vật/ biết làm kinh tế”, “con vật/ biết làm chính trị”...Chính vì thế, có người nói đùa rằng thực hiện được một nửa trên đây, tức là làm con vật, đã là khá lắm rồi. Không lạ gì mọi môi trường có con người, từ gia đình đến các tập thể xã hội, quốc gia, quốc tế luôn mang dấu vết, đôi khi còn rất đậm và rất nhiều, của thú tính (bản tính của thú vật). Đó là chưa kể: “biết làm chính trị”, “biết làm kinh tế”, “có lý trí”... có thật là tất cả nét riêng của con người không? Bằng không, người ta sẽ đánh giá con người dựa trên sự thông minh, óc kinh tế, khả năng chính trị...của mỗi người.
2. Đang khi đó, ngay từ trong những trang sách đầu của Kinh Thánh hay ngay từ ban đầu, Do Thái Giáo, rồi Kitô Giáo đều định nghĩa con người từ trên xuống, nghĩa là từ Thiên Chúa và giảm xuống dần, như con người là “hình ảnh của Thiên Chúa” (x. St 1,27). Chính vì thế, càng là hình ảnh của Thiên Chúa, càng giống Thiên Chúa, con người càng là người. Cũng bởi đó, có lý trí tinh thông, làm kinh tế giỏi, làm chính trị khéo đến đâu cũng chưa chắc là người hơn, bao lâu những yếu tố ấy không làm con người giống Thiên Chúa, như hình ảnh của Ngài. Cũng trong những trang đầu tiên ấy, Thiên Chúa đã xác định thế nào là giống Thiên Chúa hay Thiên Chúa vốn đã thế nào để con người bắt chước. Ngài tỏ mình là Thiên Chúa ở chỗ sáng tạo và thống trị muôn loài (x. St 1-2). Bởi đó, con người sẽ giống Thiên Chúa ở chỗ con người cũng được thông phần sáng tạo và làm chủ tất cả, từ bản thân mình đến muôn loài (x. St 1,28). Miễn là đừng quên con người không sáng tạo từ không mà là thông phần sáng tạo, là sáng tạo từ cái đang có; cũng đừng quên con người không thống trị vạn vận như thể là chủ nhân độc quyền, mà chỉ thống trị dựa vào quyền năng Thiên Chúa, theo ý muốn của Thiên Chúa. Có giống Thiên Chúa đến đâu, con người cũng chỉ là hình ảnh, chứ không bao giờ là Thiên Chúa. Đây là điều các tác giả muốn ám chỉ khi cho biết Thiên Chúa cho phép con người được “ăn” tất cả mọi trái cây trong vườn, nhưng luôn luôn ở trong giới hạn bằng cách không bao giờ ăn một loại trái cây nhất định, gọi là “trái cấm” (x. St 2,17).
3. Chỉ tiếc là ngay từ rất sớm, con người đã sử dụng tự do không đúng nên đã không dừng lại ở giới hạn của mình; trái lại con người đã vượt qua giới hạn ấy để đòi sáng tạo từ không và đòi thống trị cách độc quyền. Con người đã phạm tội. Và vì phạm tội trong tư cách là những con người đầu tiên, những người thay mặt tất cả nhân loại, nên tội ấy đã truyền lại cho đời sau, tương tự như những nét căn bản khác con người đầu tiên đã lãnh nhận thay mặt mọi thế hệ cũng được truyền lại cho hậu thế. Nói cách khác, hậu thế lãnh nhận cả tội của những cha ông lẫn hình ảnh Thiên Chúa mà cha ông mình đã nhận được. Mãi mãi con người vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng là hình ảnh đã bị thương tổn (x. St 3). Đến như sau này, Đức Giêsu đã khôi phục lại hình ảnh nguyên vẹn của Thiên Chúa nơi con người rồi, nhưng dấu vết mà tội để lại vẫn còn hay sự khôi phục của từng cá nhân vẫn phải được mỗi người tự nguyện chấp thuận thì mới hiệu quả và chỉ hiệu quả trọn vẹn trong kiếp sống mai sau. Hay nói cách khác, bao lâu còn sống, con người luôn là hình ảnh Thiên Chúa và vẫn phải luôn nỗ lực cộng tác để hình ảnh ấy được ngày càng sáng nét và rõ ràng hơn. Chính vì thế, dù có dang dở đến đâu, con người cũng không quá bi quan về bản thân mình và các việc mình làm; ngược lại, dù có đạt nhiều thành tích đến đâu, con người cũng không vội lạc quan để quên đi sự dang dở và bất toàn vẫn còn nơi bản thân mình và các việc mình làm.
4. Chính vì vẫn luôn luôn là hình ảnh Thiên Chúa, nên con người vẫn luôn luôn được kính trọng và yêu mến vì chính nó. Con người phải là mục tiêu hay đối tượng trước tiên người ta nhắm tới, mỗi khi bắt tay làm việc gì. Hơn thế nữa, con người giống Thiên Chúa ở chỗ cùng lãnh đạo mọi sự với Ngài. Thế nên, không chỉ là mục tiêu và đối tượng ưu tiên, con người còn phải là chủ thể - tức là người chịu trách nhiệm và quyết định - của tất cả các việc ấy, dù không là chủ thể tối cao hay chủ thể độc quyền. Bao lâu con người chưa được phục vụ ưu tiên hay bao lâu chưa để con người nắm vai trò lãnh đạo trong các công trình, bấy lâu chưa thể kể công trình đó là công trình tốt đẹp và hữu ích thật sự. Mọi sự chăm sóc con người chưa làm con người phát triển tới mức con người làm chủ công việc ấy và vận mệnh của mình thì chưa đáng gọi là chăm sóc con người đúng nghĩa. Nhưng ngược lại, những sự chăm sóc con người tới mức suy tôn lên hàng thần thánh độc quyền và tuyệt đối chẳng những là những toan tính vô vọng mà còn làm hỏng con người.
Câu hỏi giúp hiểu bài:
1. Định nghĩa của Giáo Hội chúng ta về con người không giống với các định nghĩa khác đang phổ biến tại nước ta ở điểm nào? Nhờ điểm khác ấy, con người được đánh giá và tôn trọng thế nào?
2. Chúng ta có sợ định nghĩa của Giáo Hội chúng ta sẽ suy tôn con người quá đáng không? Trong lịch sử, có bao giờ con người hiểu sai định nghĩa ấy chưa?